Plantronics BackBeat PRO 5100 – tưởng không hợp lý mà HÓA RA hợp lý không tưởng!

mrchubby

Chuyên viên tin tức
Vốn nổi danh trong thị trường tai nghe chuyên dụng dành cho mảng doanh nghiệp, Plantronics thực không được biết đến rộng rãi trên thị trường Việt Nam khi thương hiệu này trước đây chỉ xuất hiện trên các sản phẩm tai nghe Bluetooth chất lượng cao dành riêng cho đàm thoại.

Trên thực tế bên cạnh mảng doanh nghiệp, Plantronics còn có những sản phẩm nhắm vào mảng giải trí và dân dụng. Mảng sản phẩm này vốn đã được Plantronics phát triển từ năm 1999, tuy nhiên đến tận gần đây thương hiệu này mới dần dấn thân vào thị trường Việt Nam với sự phối hợp cùng Sm@rtcom – công ty chuyên phân phối thiết bị công nghệ và điện tử hàng đầu tại Việt Nam.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-00.jpg

Trước đây Hdvietnam đã từng giới thiệu đến bạn đọc bài đánh giá Plantronics BackBeat FIT 6100, và hôm nay BackBeat Pro 5100 – một sản phẩm true wireless đến từ thương hiệu này sẽ là nhân vật chính trong bài đánh giá hôm nay.

True wireless là xu hướng thời đại khi nhu cầu về kết nối không dây đang lên ngôi trong thời buổi công nghệ 4.0 đang ập tới, bất cứ thương hiệu nào không nắm bắt lấy nhu cầu này thì chính họ đã tự cho mình một vé tụt hậu lại phía sau. Plantronics không phải là một ngoại lệ, hãng đã nhanh tay cho ra mắt BackBeat Pro 5100, một chiếc tai nghe không dây thực thụ nhắm vào phân khúc bình dân với chất âm cân bằng, đi cùng với đó chính là một thiết kế gọn – nhẹ nhưng không hề bị cắt giảm bất cứ tính năng nào. Đó chính là một sự tổng hòa mà theo cá nhân đánh giá là hợp lý. Sự hợp lý ấy không nằm ở riêng bất cứ một tính năng nào, nó dàn trải đều ra tất cả, đây là điều hiếm có sản phẩm nào trong cùng phân khúc sở hữu, ngoại trừ Airpods đến từ Apple.

Theo thông thường, một chiếc tai nghe hay sẽ kém thông minh, ngược lại thông minh thì chất âm lại đem về nhiều thất vọng. Plantronics BackBeat Pro 5100 không như vậy, nó mang trong mình một chất âm dễ chịu, phù hợp với đa số các thể loại nhạc nhưng cũng không quá chuyên biệt vào bất cứ một đối tượng nào. Nói BackBeat Pro 5100 nghe ổn, cá nhân mình đồng ý, nói chiếc tai nghe này thông minh, bản thân cũng vừa lòng, và nói chiếc tai nghe này cho cảm giác đeo thoải mái, thực sự mình không hề chối cãi. Thực vậy, một cách công tâm khi xét về tổng thể, đối thủ của BackBeat Pro 5100 chính là Jabra elite 65T và Apple Airpods khi chúng mang nhiều điểm tương đồng. BackBeat Pro 5100 là sự trung hòa của cả 2 đối thủ còn lại, tức một thiết kế dễ đeo như Jabra elite 65t nhưng chất âm và tiện ích lại mang hơi hướng của Airpods. Tới đây thì có lẽ nhiều người đã phần nào có được một cái nhìn tổng quan về BackBeat PRO 5100, tuy nhiên chúng ta hãy cùng đi sâu vào đánh giá chi tiết để biết được, liệu chiếc tai nghe này có xứng đáng để đưa vào wishlist của các bạn không nhé.

Tuy thiết kế khá bình thường, nhưng cảm giác đeo là một điểm cộng lớn

Plantronics BackBeat Pro 5100 có thiết kế không mấy đặc biệt, nếu không muốn nói thẳng ra là khá nhàm chán với một màu xám đen bao phủ lấy tất cả. Điểm nhấn nếu có cũng chỉ nằm ở hai bề mặt điều hướng bằng kính 2-in-1 (vừa cảm ứng vừa là phím cứng) nằm mặt ngoài của tai nghe. Phím điều hướng có vân tròn đồng tâm bên dưới tạo nên những hiệu ứng ánh sáng bóng bẩy khá bắt mắt.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-03.jpg

Bề mặt điều hướng có hiệu ứng ánh sáng kim loại bắt mắt

Case của BackBeat Pro 5100 dùng chất liệu nhựa. Ngay từ phút giây mở hộp, bản thân đã ngờ ngợ về thiết kế của chiếc case này, nó giống Jabra elite 65t một cách lạ kỳ, có điều case của BackBeat Pro 5100 gọn hơn, và đồng thời cũng sở hữu nút bấm mở nắp, khác hẳn với cơ chế bóp – mở của Jabra.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-08.jpg

Case nhựa, gọn – nhẹ với logo PLT khắc chìm trên nắp hộp

Bản thân hai củ loa với 4 mic chống ồn tích hợp cũng “từa tựa” đối thủ Elite 65T đến từ Jabra. Nói Plantronics copy Jabra thì chắc chắn không phải, nhưng loại vật liệu họ sử dụng cho chiếc tai nghe không dây true wireless của mình thực có những điểm tương đồng nhất định. Case BackBeat Pro 5100 chỉ có 1 đèn trạng thái duy nhất để báo trạng thái pin trong case, cụ thể: nháy 3 lần đèn trắng – pin case ở mức cao, 2 lần đèn trắng – pin case mức vừa, 1 lần đèn đỏ - pin yếu, 3 lần đèn đỏ - pin ở mức rất thấp. Thiết kế đèn tín hiệu này cũng rất hay ho, tuy nó nằm phía bên trong case, nhưng Plantronics đã trang bị một loại vật liệu xuyên thấu, giúp người dùng có thể quan sát ngay bên ngoài case mà không cần phải mở nắp ra.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-05.jpg

Củ tai với 2 mic tích hợp

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-10.jpg

Đèn trạng thái của hộp sẽ thấy ngay khi mở nắp

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-09.jpg

Và có thể quan sát được với khả năng xuyên thấu ra bên ngoài

Điều làm nên đặc biệt cho BackBeat Pro 5100 không phải nằm ở một thiết kế bắt mắt, nó nằm ở chính thiết kế eartip vô cùng đặc biệt. Eartip là một mảng lớn kéo dài tạo thành một khoang lớn bao trọn lấy ống dẫn âm từ củ loa. Đây là lần đầu tiên mình bắt gặp một hình dáng eartip lạ kỳ đến vậy, phần núm vẫn là loại silicon mềm, nhưng lại có thiết kế hình nón oval. Chính thiết kế này của Planstronic BackBeat Pro 5100 đã giúp hạn chế được âm thanh rò ra ngoài, trong khi vẫn duy trì được một sự thoải mái nhất định, không tạo nên sức ép lên ống tai như các loại tai nghe in-ear khác. Phần còn lại của eartip được phủ một loại nhựa cao su, nó giúp cho BackBeat Pro 5100 bám chắc vào khoang tai của người dùng, tuy nhiên ưu điểm đôi lúc cũng trở nên nhược điểm, thiết kế này lại quá dễ bám bụi bẩn khiến cho bản thân phải thường xuyên vệ sinh. Mà càng lau chùi bằng khăn vải thì chiếc tai nghe này lại càng bám nhiều lông vải và bụi hơn.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-01.jpg

Eartip là một mảng lớn ôm trọn lấy ống dẫn âm

Bên cạnh eartip “không giống ai” nhưng êm ái, thì trọng lượng của mỗi củ tai cũng là một điều đáng để nói tới. Mỗi củ tai của BackBeat Pro 5100 rất nhẹ, nhẹ đến nỗi mình không thể cảm nhận được trọng lượng của nó trên mỗi tai, giống y với cảm giác “đeo như không đeo” như Apple Airpods. Mỗi bên tai của BackBeat Pro 5100 chỉ có trọng lượng 5.8g, để đạt được điều đó, có lẽ Plantronics đã phải hy sinh nhiều về mặt vật liệu sử dụng. Điều đó phần nào giải thích được chất “nhựa” mà Plantronics chọn để thiết kế nên BackBeat Pro 5100, bởi đây là một vật liệu rất nhẹ, trong khi vẫn duy trì được một mức giá bình dân đến người tiêu dùng.

Tính năng sẽ là điều khiến BackBeat Pro 5100 trở nên khác biệt

Sử dụng kết nối Bluetooth 5.0 làm phương thức kết nối, Plantronics BackBeat Pro 5100 mang đến khả năng duy trì khả năng kết nối ở khoảng cách xa hơn 10m (trong điều kiện ít vật cản), trong khi lượng năng lượng tiêu hao vẫn luôn được giữ ở mức thấp. Plantronics không tiết lộ profile bluetooth hỗ trợ trên dòng tai nghe true wireless của hãng, chắc chắn họ muốn các khách hàng không cần quan tâm nhiều về kỹ thuật, quan trọng nhất là trải nghiệm, và BackBeat PRO 5100 chính là hiện thân rõ nét nhất cho trải nghiệm hài hòa ấy.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-06.jpg

Đặc sắc nhất trên BackBeat Pro 5100 phải kể đến đó là tính năng 4 mic chống ồn chia đều cho 2 bên tai, tức mỗi bên 2 mic. Chính phần cứng này đã đem lại cho chiếc tai nghe true wireless khả năng đàm thoại vượt trội, cho dù là ở chốn đông người hay đang chạy xe trên đường. Sử dụng BackBeat Pro 5100, bản thân rất tự tin rằng phía đối phương sẽ nghe rõ giọng nói của mình trong bất cứ cuộc gọi nào, trái ngược hoàn toàn với cảm giác lo sợ khi sử dụng những chiếc tai nghe true wireless khác trước đây.

Các tính năng trên BackBeat Pro 5100 không hề mới, nhưng mỗi thứ lại được hoàn thiện hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường. Đương cử chỉ với cảm biến tiệm cận mỗi bên tai, ngoài việc dừng nhạc khi tháo tai nghe xuống và tự động chơi nhạc khi đeo lên lại, Plantronics còn cho phép người dùng thiết lập thêm cho chiếc tai nghe true wireless của mình. Cụ thể khi tháo cả hai tai nghe xuống trong lúc đàm thoại, cuộc gọi sẽ được mute cho đến khi đeo lại một trong hai tai, hoặc tháo tai nghe xuống thì âm thanh sẽ được trả về cho điện thoại. Các thiết lập này sẽ được tùy chỉnh thông qua phần mềm BackBeat mà Plantronics phát hành trên cả 2 nền tảng iOS và Android. Trong phần mềm này, chúng ta sẽ có thêm những thiết lập cho tai nghe, BackBeat cho phép thiết lập tai trái hoặc tai phải là master, và tai còn lại sẽ đóng vai trò là slave. Đáng chú ý là tính năng Chạm cảm ứng (TAP) mà Plantronics trang bị cho BackBeat Pro 5100, chúng ta sẽ chỉ có 2 chế độ chạm trên tai slave, hoặc dùng để điều chỉnh âm lượng (Volume), hoặc để gán thêm function truy cập nhanh (tính năng Taps), chúng ta không được chọn cả 2 cùng lúc, bởi lẽ ngoài cảm ứng, nút điều hướng còn sử dụng cơ chế bấm vật lý để bật/tắt cho tai salve. Giá như chúng ta có thể gán đồng thời hai chế độ chạm cho cả 2 bên tai, và dùng phím vật lý cho các function còn lại thì thật thú vị biết bao. Tính năng thiếu vắng duy nhất trên ứng dụng BackBeat dành cho BackBeat Pro 5100 có lẽ đó chính là tùy chỉnh EQ nhằm biến chiếc tai nghe này đặc thù hơn cho từng thể loại nhạc riêng biệt. Với một người nghe tạp như mình thì EQ không mang lại nhiều ý nghĩa, nhưng đối với một số cá nhân khi cần đẩy treble, mid hoặc bass thì đây quả là một điều tương đối khó chịu.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-11.jpg

Các thiết lập chính trên ứng dụng BackBeat, từ trái qua: Giao diện chính – thiết lập chạm điều chỉnh volume – thiết lập chạm truy cập nhanh – tùy chỉnh tai nghe master – tắt/bật cảm biến thông minh – tổng hợp các thiết lập
Như đã đề cập trong phần đánh giá về thiết kế, mỗi bên tai của BackBeat Pro 5100 chỉ 5.8g – đồng nghĩa với chiếc tai nghe này rất nhẹ, tuy vậy nhưng với mỗi lần sạc đầy, chiếc tai nghe true wireless của Plantronics vẫn có thể đem đến 6.5h nghe nhạc liên tục. Bản thân đã kiểm chứng và xác nhận điều này, bởi trên chuyến xe từ TPHCM về Đà Lạt, mình đã sử dụng BackBeat Pro 5100 để nghe nhạc trong trọn vẹn chuyến xe mà không bị gián đoạn bởi vấn đề hết pin. Cũng giống với các loại tai nghe true wireless khác, case đựng của BackBeat Pro 5100 đem đến thêm 2 lần sạc đầy nữa, nâng tổng thời gian sử dụng của chiếc tai nghe này lên đến hơn 19 giờ.


hdvn-plt-backbeat-pro-5100-04.jpg

Mỗi bên tai chỉ nhẹ 5.8g với viên pin 60mAh bên trong

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-02.jpg

Case sạc sử dụng chuẩn microUSB - điểm trừ nhỏ của BackBeat Pro 5100

Với khả năng kháng bụi và nước chuẩn IPX4, Plantronics BackBeat Pro 5100 cho phép người dùng sử dụng trong nhiều tình huống hơn, không chỉ là dưới mưa, hoạt động thể dục thể thao… mà tính năng này còn giúp chiếc tai nghe của chúng ta sống sót dưới nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là những nơi có độ ẩm cao mà nhiều loại tai nghe sẽ phải chào thua.

Planstronics BackBeat Pro 5100 không có tính năng chống ồn chủ động dù được trang bị đến 4 mic chống ồn. Theo suy đoán của bản thân, Plantronics hoàn toàn có thể làm được điều đó, tuy nhiên để duy trì một thời lượng pin hợp lý thì họ đã cắt giảm tính năng này, thay vào đó BackBeat Pro 5100 chỉ còn chống ồn bị động thông qua độ kín của eartip mà thôi.

Nhìn chung với mức giá 3.900.000 thì theo cá nhân mình, đây là một sản phẩm toàn vẹn đủ đầy cho những gì người dùng muốn ở một sản phẩm tai nghe true wireless ở hiện tại.

Sự cân bằng – đó là chất âm của BackBeat Pro 5100

Theo thông lệ, mình sẽ tập trung vào đánh giá âm thanh của một chiếc tai nghe nhiều hơn là những tính năng khác. Tuy nhiên về phần này, mình thực sự không có nhiều lời, hay đúng hơn là không biết đánh giá như nào về âm thanh của BackBeat Pro 5100, bởi lẽ chiếc tai nghe này “quá” cân bằng. Điều đó đồng nghĩa rằng nó có thể nghe được tất cả mọi thể loại mà không tập trung thể hiện bất cứ thế mạnh ở một loại nhạc cụ thể nào. Pop, rock, ballad, vocal, jazz… BackBeat Pro 5100 cứ thế mà chơi tốt tất cả. Nói BackBeat Pro 5100 giàu năng lượng cũng đúng, mà nói chiếc tai nghe này có một độ “phẳng” trong âm thanh cũng chẳng sai. Cái chất âm này thực sự rất giống với Airpods của Apple, có điều phần âm trầm của BackBeat tốt hơn, lượng nhiều hơn, và cũng đánh lực hơn đáng kể. Mình chưa được trải nghiệm Airpods Pro đến từ Apple, tuy nhiên qua một số bài đánh giá, dám cá rằng BackBeat Pro 5100 có chất âm giống đến 90%, bởi Airpods Pro chỉ là một bản nâng cấp của Airpods với tính năng cách âm mà thôi.

Độ chi tiết trên BackBeat Pro 5100 cũng chỉ dừng lại ở mức khá, không quá tách bạch, nhưng cũng thể hiện được đầy đủ lớp lang của một bài nhạc. Giới hạn của BackBeat Pro 5100 chính nằm ở kích thước của nó, và các kỹ sư âm thanh từ Plantronics chắc hẳn đã cố gắng hết sức để đem đến một chiếc tai nghe true wireless tốt nhất dành riêng cho trải nghiệm.

BackBeat Pro 5100 có độ tan trong âm thanh vừa đủ, không tạo nên được một sự rung động da diết, nhưng nhiêu đó cũng đã đủ để truyền tải cái đẹp của những bài hát. Trải nghiệm một chiếc tai nghe trong thời gian dài chưa bao giờ là dễ, đặc biệt đối với nhu cầu nghe đa dạng các thể loại nhạc, ấy vậy mà BackBeat Pro 5100 cho bản thân một sự thoải mái dễ chịu, chính bởi sự cân bằng trong chất âm của nó.

KẾT

Bỏ qua thiết kế, chỉ xét về chất âm và trải nghiệm, BackBeat Pro 5100 không khác hơn một bản giao hưởng từ nhiều loại nhạc cụ, mà hai trong số đó chính là Jabra elite 65t và Apple Airpods. Jabra 65t có 4 mic cho chất lượng đàm thoại tốt, BackBeat Pro 5100 còn làm tốt hơn thế, Apple Airpods dễ nghe, chiếc tai nghe từ Plantronics còn dễ nghe hơn, xét về độ thông minh thì BackBeat Pro 5100 có thừa.

hdvn-plt-backbeat-pro-5100-07.jpg

Có thể dễ dàng nhận thấy BackBeat Pro 5100 được sinh ra dành cho tất cả mọi người. Mỗi thứ đều được chăm chút tỉ mỉ và làm tốt vai trò của mình, chính trải nghiệm mới chính là thứ sau cuối - điều tuyệt vời nhất mà sản phẩm tai nghe true wireless Plantronics BackBeat Pro 5100 đem đến cho các khách hàng của mình.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nói không khoác, ngày trước mua Voyage Legends rất ra gì và này nọ, chỉ hiềm phải bấm nút để điều khiển chức năng, ví dụ bấm đúp để gọi lại số gần nhất; bấm giữ để gọi trợ lý ảo... Nhưng giai đoạn đó thì công nghệ cảm ứng trên các thiết bị di động đã ok lắm rồi, thế nên mạnh dạn gửi email cho chăm sóc khách hàng của Plantronics và thắc mắc sao không đưa công nghệ cảm ứng lên một chiếc tai nghe thuộc hàng đỉnh nhất thời điểm ấy (2015 thì phải)? Hãng trả lời nhanh, chuyên nghiệp rằng... công nghệ cảm ứng không thích hợp cho tai nghe vì diện tích tiếp xúc hẹp, dễ gây nhầm do vuốt quẹt quá tay các cái... Dù sao thì cũng cảm ơn quý khách đã quan tâm blah blah
 

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nói không khoác, ngày trước mua Voyage Legends rất ra gì và này nọ, chỉ hiềm phải bấm nút để điều khiển chức năng, ví dụ bấm đúp để gọi lại số gần nhất; bấm giữ để gọi trợ lý ảo... Nhưng giai đoạn đó thì công nghệ cảm ứng trên các thiết bị di động đã ok lắm rồi, thế nên mạnh dạn gửi email cho chăm sóc khách hàng của Plantronics và thắc mắc sao không đưa công nghệ cảm ứng lên một chiếc tai nghe thuộc hàng đỉnh nhất thời điểm ấy (2015 thì phải)? Hãng trả lời nhanh, chuyên nghiệp rằng... công nghệ cảm ứng không thích hợp cho tai nghe vì diện tích tiếp xúc hẹp, dễ gây nhầm do vuốt quẹt quá tay các cái... Dù sao thì cũng cảm ơn quý khách đã quan tâm blah blah
Rồi nay bác đã email lại hỏi sao họ đổi ý chưa?
 

Ngo Van Bang

Well-Known Member
Chưa bao giờ được thử các loại tai nghe bluetooth xịn như thế này nên không biest chất lượng âm thanh của nó có tương xứng với giá tiền không ?
 
Bên trên