The Platform (2019) – Tư bản hay Cộng sản?

Chưa xem nhưng chắc tinh thần cũng giống "Snowpiercer" phải ko ta?

xem xong, mĩnh cũng nhớ ngay đến "Snowpiercer": rất độc đáo. Phim còn nhiều thứ chưa giải thích (nói như Bùi An: không biết làm sao cho ngầu: nên để mở), có người thích người không, nhưng chắc chắn là không dở.
 

Shangri-La

Well-Known Member
Hầy dà, nội dung bộ phim cũng chỉ gói gọn trong quan điểm và tư duy của người viết kịch bản, chứ họ đâu phải là triết gia. Thực tế thì, như một ông nào đó tên là Winston Churchill từng nói “Chủ nghĩa tư bản không chia đều sự thịnh vượng, nhưng chủ nghĩa xã hội lại chia đều sự nghèo khổ.”. Đấy, chủ nghĩa xã hội đấy, nghèo nhưng yên bình như mong muốn của một số dư luận viên từng phát biểu.

Đang định tải phim này về xem thử như thế nào thì bắt gặp bài này, ngứa tay viết vài câu thay vì spam hòng kiếm thêm cR. Dạo này chùa chiền vắng toe đúng nghĩa chùa bà Đanh, con nhang đệ tử trốn đâu hết, nên nhìn mãi cái thùng phước sương vẫn trống không, đi khất thực chẳng nhẽ lại mang khẩu trang và bao tay, khó coi chết.
 

ngdhieu

Well-Known Member
Mình thì thấy mọi người hay bị lầm lẫn về trục thời gian, giữa tình hình thực tế (hiện tại) và mục đích hướng đến.
Theo quan điểm cá nhân mình:
Hiện tại: mô hình nhà nước TBCN (chế độ TBCN) đã được chứng thực là có nhiều ưu điểm so với mô hình nhà nước phong kiến trước đó.
Mô hình XHCN đang trong giai đoạn "quá độ", nghĩa là chưa có dấu hiệu của thành công.
Chế độ XHCN theo câu khẩu hiệu "làm theo năng lực, hưởng theo thành quả lao động" hay CSCN "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" nằm ở thời tương lai.

Nguyên nhân thất bại nằm ở chỗ "zú ép": các chính phủ (Đảng cầm quyền) nỗ lực xây dựng chế độ từ CQ phong kiến trước đó (TQ), hoặc thoát ra từ chế độ thuộc địa (VN), và trải qua chiến tranh, hoàn toàn ko có tích lũy về cơ sở hạ tầng xã hội.
3 điều kiện cần có để xây dựng chế độ XHCN: 1) Sở hữu công về TLSX, 2) cơ chế phân phối công bằng (khái niệm "công bằng" thậm chí còn chưa biết xác định như thế nào), và 3) ý thức của toàn dân (hay ít nhất phần lớn tầng lớp quản lý nhà nước) hướng đến giá trị sử dụng thay cho ham muốn sở hữu (cần thì dùng chứ ko phải cố kéo về quyền sở hữu cá nhân mình).
Phương thức xây dựng XH XHCH hiện đại phải đi từ bước 3) đến 2) rồi mới đến 1) thì các nhà nước "định hướng XHCN" trong lịch sử đều bắt đầu từ 1)= Thiết lập chế độ sở hữu công đối với số TLSX bần cùng hiện có, lý do đơn giản là vì họ đi lên từ con số 0, phải tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp vô sản (=trên răng dưới các-tút) trong khi TLSX của toàn XH tại thời điểm họ tổ chức bạo lực CM thì chả có cái mẹ gì....

Hay, về bản chất, tất cả các nhà nước đang rêu rao là "XHCN" hiện tại đều chỉ là nhà nước phong kiến kiểu mới (chính đảng cầm quyền thay cho vua cầm quyền) đi kèm với chế độ công hữu hình thức.....
 
Chỉnh sửa lần cuối:

minhcoi

Active Member
Các quan ở xứ thiên đường đang làm theo năng lực và ăn theo nhu cầu còn gì... Báo nào cũng đã đăng cái ông viết nên thuyết XHCN ăn bám theo ông bạn con của trùm TBCN đấy thôi. suy cho cùng cũng chỉ ngang tầm của bác Kim Dung "vẽ nên những điều phi thực tế chỉ có trong tưởng tượng".
 

hungot

Member
Mới nghe qua ý tưởng thấy khá mới lạ nhưng xem thì buồn ngủ, diễn chẳng có chút cảm xúc nào, y như đọc thuộc lời thoại. Mà câu thoại thì cố tỏ ra sâu sắc, nguy hiểm nhưng quá nông,nhạt. Những tầng lớp ẩn dụ trong phim được miêu tả hoa lá cành, giống văn chép của học sinh giỏi văn. Gần đây có xem 2 series kiểu vậy là American Gods, Mr.Robot.
 

hungot

Member
Thứ nhất: Cái lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, đích đến cuối cùng trong học thuyết Max - Lenin là điểm mà chúng ta khó và có thể không bao giờ đạt tới do nó quá lý tưởng, có chăng chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện đến gần với hình thái ấy thôi chứ ko giống như trong sách.
Thứ hai: Các nguyên tắc biện chứng trong chủ nghĩa Max - Lenin là đúng nha các bác, các bác cần nghiên cứu kỹ, nó đúng vì nó đc lấy từ các nguyên tắc vật lý, toán học chứ không phải từ các triết lý thuần túy.
Thứ ba: Đây là phim được làm từ một người sống trong xã hội Tư bản, chưa từng được nghe và giảng dạy về triết học Max - Lenin nên sẽ có một số tầm nhìn phiến diện về nó.
Thứ tư: "Bạo lực cách mạng" chỉ áp dụng khi các biện pháp hòa bình khác không hiệu quả, và ở bất cứ chế độ nào cũng có "Bạo lực cách mạng", thậm chí ở chế độ tư bản, "Bạo lực cách mạng" được thể hiện dưới hình thức vì "Nhân quyền", "Hòa bình" và còn đẫm máu hơn CNXH.
2, Bác nói rõ ra hơn đc ko.
3, Sống trong xã hội tư bản thì chưa từng đc nghe và dạy về triết học Marx? Danh sách bầu chọn những người Đức ảnh hưởng nhất mọi thời năm 2003, Marx xếp thứ 3. Chắc Đức không phải nước tư bản.
4, Chưa biết đẫm máu hơn XHCN hay không nhưng mà kỷ lục giết đồng bào mình là thuộc về Stalin và Mao, sơ sơ mỗ ông 20-30 triệu dân.
 

Arceusium

Well-Known Member
#nds_share
#spoiler

Credit : Đức Nhân
Góc nhìn khác từ tôn giáo học

THE PLATFORM - MÓN QUÀ CỦA THƯỢNG GIỚI VÀ THÔNG ĐIỆP TỚI THIÊN ĐÀNG

*Đây là review mình viết dựa trên cảm nhận về khía cạnh tôn giáo và luân lý trong Platform của riêng cá nhân mình.

THE PLATFORM KHÔNG PHẢI LÀ HỐ SÂU ĐÓI KHÁT, MÀ LÀ MÓN QUÀ CỦA THIÊN ĐƯỜNG.

The Platform với cái tên dịch ra tiếng Việt là Hố sâu đói khát, rất gây tò mò và làm người xem liên tưởng đến yếu tố kinh dị. Nhưng với mình thì Hố sâu đói khát nó chẳng thể nào nói lên hết mọi vấn đề, ẩn dụ trong phim so với Platform - là Nền tảng,là một cái bục có thể di chuyển lên xuống theo đúng nghĩa đen.

Và trên cái bục đó bày biện rất nhiều cao lương, mỹ vị do các đầu bếp chế biến với sự giám sát kĩ lưỡng của bếp trưởng. Bếp trưởng chính là hình ảnh ẩn dụ của Chúa Trời. Các đầu bếp là những thiên thần đang cụ thể hoá những mong muốn của người phàm, được hình tượng bằng các món ăn ngon khi viết vào bản yêu cầu gửi đến Thiên đường. Và trong phim, Goreng đã chọn món ốc sên. Sự nổi giận của
Chúa - Bếp trưởng khi có sai sót, dù chỉ là một sợi tóc rơi vào món panna cotta đã nói lên việc Chúa quan tâm đến con người thế nào trong từng món ăn - mong muốn của con người trước khi gửi đến họ.

Cái bục bằng bê tông hoặc đá trong Platform cũng tượng trưng cho bàn thờ dâng lễ vật trong các tôn giáo thời cổ đại, nhất là người Do Thái luôn dâng lễ vật xuyên suốt trong Cựu Ước, nhất là sách Lê Vi có đề cập rất chi tiết.

Sau khi dâng lễ xong, toàn phần hoặc một phần của lễ sẽ chia cho những người tham gia cùng ăn. Còn trong các nhà thờ Công Giáo, bàn thờ bằng đá luôn được đặt chính diện để cử hành thánh lễ. Vì thế Platform - cái bục - bàn thờ chính là kết nối giữa Chúa và con người để dâng tiến và trao tặng.

Tầng 0 trong Platform là Thiên đường thì 333 tầng còn lại chính là Địa ngục. 3 lần 3 là 9 tương ứng với 9 tầng địa ngục được Dante Alighieri mô tả trong Thần Khúc. Trong đó The Platform và Thần Khúc đều đề cập đến 7 mối tội đầu trong Kitô Giáo là kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ và lười biếng. Goreng trong phim gần như đã gặp những nhân vật tồn tại 1 hoặc 2 đặc trưng của 7 mối tội đầu.

Platform - Địa Ngục đó lại có tính luân hồi khi mỗi tháng các tù nhân được thay đổi số tầng, tuỳ theo sự ngẫu nhiên. Nhưng 1 thứ sẽ không bao giờ đổi là bục đồ ăn bao giờ cũng đầy tràn các loại cao lương mỹ vị và ai ở tầng trên sẽ luôn nốc đầy hết sức có thể. Thậm chí làm dơ bẩn đồ ăn trước khi cái bục di chuyển xuống tầng dưới.

Kết cấu của Platform đầy bạo lực qua các trường đoạn mô tả tù nhân tranh giành, chém giết, dùng đủ mưu mô để sống cho bằng được. Đồ ăn trước khi Goreng hành động không bao giờ đến những tầng cuối cùng, dù Goreng, Imoguiri hay cả Baharat đều cho rằng sẽ có đủ cho tất cả nếu phân chia công bằng bằng ý thức chung.

Chúa - Bếp trưởng đã cụ thể hoá lời cầu nguyện - mong muốn của con người, nhưng chính con người lại ích kỷ và kiêu ngạo, khi ai cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình nhiều nhất có thể, chứ không bao giờ muốn cho đi. Vì thế, Platform đáng ra đã trở thành một hệ thống phân chia món quà của thượng giới, thì lại trở nên địa ngục hay Hố sâu đói khát.

“Của thánh chớ liệng cho chó, ngọc trai đừng ném cho lợn kẻo chúng quay lại cắn xé anh em”. Đó là lời cảnh báo của Chúa Jesus tới các môn đệ ngụ ý nói về việc hãy cẩn thận trước tâm địa con người.

Trong Platform việc ai cũng tranh giành, dẫm lên đồ ăn, làm dơ bẩn, rồi cắn xé chém giết nhau vì bục đồ ăn là có ý này đến việc con người đã đố kỵ, tham lam và tàn bạo với nhau thế nào vì món quà của Chúa. Dĩ nhiễn là với cái nhìn của mình.

TẠI SAO MỖI TẦNG LẠI CÓ HAI NGƯỜI?

Mỗi tầng trong Platfrom đều chỉ có hai chứ không phải 1 hay 3 vì con số 2 đại điện tính nhị nguyên của mọi vấn đề, triết lý, đạo đức hay hành vi của con người và xã hội. Nhị nguyên là thiện và ác, cá nhân và cộng đồng, yêu và ghét, tha thứ và oán hận. Mỗi tầng của Platform mà Goreng được đổi là để bộ phim diễn giải từng vấn đề một.

Trong Kinh Thánh, Adam và Eva đại diện cho Nam và Nữ. Họ đã đổ lỗi cho nhau xem ai đã ăn trái cấm. Sau đó đến chuyện Cain và Abel dâng lễ vật, Cain đã giết em mình vì của lễ của Abel làm đẹp lòng Đức Chúa. Tiếp theo Jacob cướp quyền trưởng nam của anh mình là Esau bằng bát cháo đậu. Nhưng chưa hết, Jacob cũng đoạt luôn lời chúc phúc của cha mình là Isaac bằng món thịt nướng. Lời chúc đó Isaac định dành cho Esau. Tất cả những chuyện này xuất hiện trong sách Sáng thế và đều có liên quan đến đồ ăn.

Mỗi khi chuyển tầng mà mình gọi đó là tái luân hồi, Goreng luôn gặp 1 con người mới và vấn đề mới. Đầu tiên Goreng gặp lão Trimagasi, một con người hết sức đặc trưng của đám đông. Trimagasi nói rằng cuộc đời lão rất thích xem quảng cáo, chính con dao của lão mua là nhờ quảng cáo, rồi lão nổi điên khi biết bị lừa rồi liệng cái tivi xuống tầng trúng đầu 1 ai đó làm lão được đưa đến Platform. Trimagasi đại diện cho tính lười biếng, có xu hướng nhận định theo cái nhìn chung, cái nhìn của xã hội cùng một tính cách vị kỷ, nhỏ nhen, đầy mưu mô.

Lão nói tại sao lão lại phải vào đây chỉ vì cái tivi vô tình rơi trúng đầu một người nhập cư trái phép. Lão có thể chung sống hoà thuận khi mọi chuyện tốt đẹp. Còn lúc bị đổi xuống tầng 171, Trimagasi lựa chọn quyết định sẽ ăn thịt Goreng để tồn tại và lão đã hành động trước. Lão không tin người khác có thể đối xử tốt với mình nên thà phụ người trước khi người phụ mình. Lão chọn con dao Samurai Plus để tăng thêm khả năng tự quyết của mình.

Sau Trimagasi, Goreng ở chung tầng với Imoguiri. Một người làm việc trong Platfrom nhưng lại không hề biết Platform hoạt động thế nào. Cô khẳng định không có một ai dưới 16 tuổi ở đó và cũng không biết cấu trúc của Platform thực sự là gì. Imoguiri không nói dối vì công việc của cô chỉ là lấy mẫu đơn phỏng vấn mà thôi. Cô chỉ biết có công việc của mình, không cần quan tâm đến những người trong Platform thế nào hay ý Chúa trên cao ra sao. Cô sống không vị kỷ nhưng cũng không quan tâm đến người khác quá nhiều. Cho đến khi có chuyện xảy ra, khi Imoguiri biết mình ung thư. Biết mình sắp chết, cô tự nguyện vào Platfrom để thúc đẩy sự đoàn kết tự phát và tính ý thức về cộng đồng của mỗi người trong việc chia sẻ thức ăn. Nhưng cách của cô vô dụng trong 15 ngày liên tiếp.

Imoguiri giống lão Trimagasi ở hai điểm- Lựa chọn sai cách và cùng thất bại rồi trả giá bằng mạng sống. Một người vị kỉ, còn một người chỉ trở nên có tính cộng đồng khi nhận ra mình phải làm gì đó trước khi chết. Cả hai đều không hiểu Luật của Platform và cũng chẳng hiểu con người ở đó.

Platform vốn đã là một thế giới vô luật, mọi triết lý hay sự cải cách dù tốt đẹp đến đâu sẽ không bao giờ cải tạo được địa ngục này. Chỉ có hành động mới có thể tạo ra một điều gì đó, nhưng sẽ là ai và làm thế nào. Câu trả lời đó dành cho Đấng Cứu thế của Platform.

NHỮNG NGƯỜI BÊN CẠNH ĐẤNG CỨU THẾ.

Himaru là người mẹ tìm con trong Platform với sự cuồng sát không thể ngăn cản. Nhưng những kẻ cô giết luôn là đàn ông. Trong Platform, nhiều kẻ không chỉ đói khát, mà còn thèm muốn sự thoả mãn dục vọng nữa. Tất cả đều nói rằng Himaru tìm con mình, nhưng chính cô lại chưa bao giờ nói ra điều đó. Cô xuống hết tầng này đến tầng nọ, trong vai trò Thế thiên hành đạo, giết bất cứ ai chạm đến mình nhưng vẫn không tìm được con gái. Sau đó chính cô cũng đã chết dưới tay kẻ khác. “Kẻ nào dùng đao kiếm sẽ chết vì đao kiếm”. Platform đã truyền tải lời Chúa Jesus rất rõ ràng qua hình ảnh Himaru.

Tuy nhiên cũng chính Himaru là người đã cứu Goreng khỏi bị Trimagasi ăn thịt. Và cũng chính cô đã cứa cổ Trimagasi trước khi Goreng đâm lão. Lão đã chết vì Himaru chứ không phải Goreng. Trong Kinh Thánh, hình ảnh người phụ nữ luôn bị thiệt thòi, o ép và lăng nhục. Nhưng chính những người phụ nữ đã luôn ở bên cạnh Chúa Jesus, ngay trong những giờ phút cuối cùng. Khoảnh khắc Himaru chăm sóc cho Goreng là sự ẩn dụ của Chúa Jesus khi được người một người phụ nữ tội lỗi lấy dầu thơm rửa chân và lấy tóc của mình lau sạch. Himaru đã nhìn thấy ở Goreng sự nhân từ, mấu chốt để sau đó Goreng phá vỡ được tái diễn một chu kỳ luân hồi của bạo lực và tội lỗi trong Platform. Cô giúp Goreng cũng chính là giúp chính mình.

Baharat thì là một con người đức độ và vô tư nhất có mặt trong Platform. Chính Barahat đã nói Chúa ở trên tầng cao nhất và cũng là Chúa nói với anh rằng “sẽ có hai người” đưa anh đến gặp Người. Tất nhiên là không phải đôi vợ chồng ở tầng 5. Ý của Barahat rất đơn giản : anh muốn lên tầng cao nhất để gặp Chúa.

Trong cuộc hành trình dài đi đến tầng 333, Baharat đã bảo vệ thành công món panna cotta được thầy anh khai sáng gọi là “Thông điệp gửi tới Thiên đường”. Sau đó Baharat đã cứu Goreng khỏi cái chết. Anh cũng bảo vệ panna cotta thành công trước khi gửi món qua của thiên đường cho đứa trẻ. Anh đã chết, đã đi gặp Chúa khi qua “hai người” anh giúp. Khác với Himaru dù Baharat cũng hạ sát vài người, nhưng cái chết của anh là “Dám chết cho người mình tin”. Đó cũng là thứ tình yêu cao cả nhất.

KHÔNG PHẢI ĐẤNG CỨU THẾ NHƯNG CŨNG LÀ ĐẤNG CỨU THẾ.

Goreng đã chọn cuốn Donkihote để mang vào Platform chứ không phải đao kiếm hay chó mèo.

Donkihote đại diện cho hình ảnh một người ngây thơ tin vào những giá trị hào hiệp, quân tử, nhân đạo và lãng mạn của một hiệp sĩ thời trung cổ nhưng không đúng thời. Donkihote chỉ nhận ra những điều đó trước khi chết. Goreng với ngoại hình và tính cách giống hệt như Donkihote vậy. Anh ngây thơ đến mức ban đầu khi vào Platform luôn kinh ngạc trước bản chất của con người, mà thực ra tất cả chỉ là điều rất bình thường trong xã hội, trong Platform. Anh cũng thật thà khi nói rằng mình thích ăn ốc sên, rồi rất bất ngờ khi điều đó trở thành hiện thực.

Món ốc sên ấy dù nhỏ bé nhưng vẫn được Thiên đường chuẩn bị hết sức cầu kì và đặt lên một chiếc đĩa pha lê rất đẹp. Dù là điều ước nhỏ bé nhất, Chúa sẽ làm nó tốt nhất để gửi xuống cho con người. Mong muốn của Goreng đơn giản đến mức 32 tầng đầu không buồn động vào món ốc sên đó.

Khác với những lời kêu gọi sự đoàn kết tự phát của Imoguiri, Goreng đã trải qua biến động quá lớn để giúp cho mình không bị chết vô nghĩa như Donkihote. Nhưng anh cũng không phải là con người vị kỷ như Trimagasi. Goreng doạ sẽ bôi phân lên tất cả đồ ăn nếu tầng dưới không làm theo cách của Imoguiri. Nó hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi Platform cho đến khi cái chết của Imoguiri và sự giúp đỡ của Baharat. Lúc này Goreng đã trở thành Đấng Cứu thế sau những lời nói của hai kẻ đã chết thì thầm với anh trong đêm :

“...Thật,nếu các ông không ăn thịt và uống máu Tôi các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy...”.

Những lời ẩn dụ này là Chúa Jesus nói về việc mình sẽ chết, nhưng cái chết của mình sẽ là sự cứu độ với tất cả con người. Chúa cứu chuộc con người thông qua cái chết của mình. Còn trong Platform, Những điều của hai kẻ mà có thể Goreng đã ăn thịt kia ngụ ý nói rằng anh cũng xấu xa và có cùng bản chất như họ và những kẻ khác ở 333 tầng. Điều đó đúng, nhưng Goreng đã đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Anh sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để đưa đồ ăn xuống tầng cuối cùng. Bất chấp mọi lý do, cái giả phải trả cũng phải xuống tới đó để gửi một thông điệp lên Thiên đường. Goreng từ việc không phải là Đấng Cứu thế, nhưng anh đã trở thành Đấng Cứu thế của Platform.

“Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, ta muốn nó ăn năn, sám hối và sống”.

Goreng đã là một con người mới, là Đấng Cứu thế nhưng không phải sinh ra đã là vậy. Anh chọn mình phải trở nên như thế, thông qua các biến cố, sự kiện và tội lỗi vì ngay tới những kẻ tha hoá nhất cũng mong muốn một Đức Chúa của mình. Và Goreng lấy mạng sống của mình để phá vỡ sự luân hồi trong Platform và cứu tất cả mọi người bằng cách gửi một thông điệp lên Chúa.

Ban đầu là panna cotta.

Sau đó lại là một đứa trẻ.

Chi tiết hai tầng cuối cùng Goreng được chuyển đến mang những con số ám chỉ anh là Đấng Cứu thế. Tầng 33 đại diện cho số tuổi của Chúa Jesus tại trần thế và tầng 6 - ngày thứ 6 Chúa chịu chết.

ĐỨA TRẺ LÀ AI.

“Hãy để trẻ thơ đến với ta, vì Nước Trời thuộc về chúng”.

Đứa trẻ ở tầng 333 hiện thân cho những gì tốt đẹp nhất trong Platform. Hơn nữa là niềm tin. Sở dĩ Goreng tìm được đứa trẻ chứ không phải Miharu vì trong anh luôn có tính thiện và niềm tin chứ không chỉ có hận thù. Có thể Miharu đã từng xuống tận tầng 333 nhưng không gặp con mình - hiện thân của tính thiện. Đứa trẻ chỉ xuất hiện khi hội tụ đủ hai yếu tố :Sự hi sinh và chia sẻ. Và Goreng đã làm được.

Goreng đã để cho đứa trẻ lên tầng 0 gặp Chúa còn mình ở lại một không gian đen tối. Một nơi còn dưới cả tầng 333. Đó là nơi của sự chết.

Nhưng mình không cho rằng Goreng sẽ chết. Đối với niềm tin về cái chết và tình yêu “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám chết cho người mình yêu” mà Goreng đã gửi gắm vào đứa trẻ đưa lên Chúa, mong Người sẽ phá bỏ Platform để tất cả được đi ra khỏi đấy, thì chắc chắn anh sẽ chưa chết để chứng kiến điều Chúa sẽ làm, như Chúa đã chọn anh đến với Platform.

Phim kết thúc ở đoạn mở để tất cả có thể suy diễn mọi thứ tiếp theo sẽ thế nào tuỳ từng mỗi người. Tất cả mọi điều trên chỉ là sự nhận định của cá nhân mình thông qua cái nhìn của một người có đạo. Việc của mình là viết ra suy nghĩ và chia sẻ nó đến với mọi người.
 

Shangri-La

Well-Known Member
Mới nghe qua ý tưởng thấy khá mới lạ nhưng xem thì buồn ngủ, diễn chẳng có chút cảm xúc nào, y như đọc thuộc lời thoại. Mà câu thoại thì cố tỏ ra sâu sắc, nguy hiểm nhưng quá nông,nhạt. Những tầng lớp ẩn dụ trong phim được miêu tả hoa lá cành, giống văn chép của học sinh giỏi văn. Gần đây có xem 2 series kiểu vậy là American Gods, Mr.Robot.
Lão nạp cũng vừa mới xem xong, cảm nghĩ cũng gần như thí chủ này. Bộ phim này chỉ được cái ý tưởng khác người, còn lại là sự hời hợt và những lổ hổng trong việc xây dựng kịch bản, sự phát triển tâm lý của các nhân vật.
Nói chung là xem cho biết, chứ nó cũng chẳng đọng lại điều gì lớn lao cả, vì cố ôm đồm mọi thứ bản năng lẫn triết lý nhưng chẳng có cái nào được làm tới cả, nên thứ nào cũng nhàn nhạt.
 
Bên trên