Truyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợi

KHIẾT HƯNG | 24/03/2013 08:45 (GMT + 7)

TT - Chuyện Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV) gây áp lực ngăn cản các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền (THTT) hiện nay giống như câu chuyện của thị trường viễn thông những năm trước khi “ông độc quyền” lúc đó là VNPT làm khó các doanh nghiệp khác tham gia thị trường.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, VNPayTV là đơn vị tích cực nhất trong việc ngăn cản sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường THTT. Bị công luận phản đối, trong một văn bản mới đây của mình, VNPayTV chỉ trích một số tờ báo của Bộ Thông tin - truyền thông “dọn đường dư luận” để cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông làm THTT. VNPayTV còn dẫn ra thông tin rằng họ đang đại diện cho lợi ích của hàng chục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ THTT và khẳng định thị trường THTT đang có rất nhiều pháp nhân tham gia cung cấp dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng, không thể có chuyện độc quyền như một số bài báo quy kết.


Ai đang độc quyền?

Trên thực tế, những người am hiểu lĩnh vực này đều cho rằng chẳng có sự “cạnh tranh bình đẳng” nào bởi thị phần THTT đang nằm trong tay một số “ông lớn” như VTV và Đài truyền hình TP.HCM. Chẳng hạn, truyền hình vệ tinh thì thị phần chủ yếu trong tay K+ (“đứa con” liên doanh của VTV với đối tác Pháp) do có lợi thế nắm bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh. Truyền hình cáp thì ba đơn vị chiếm thị phần tới 90% gồm VCTV (thuộc VTV), SCTV (liên doanh giữa VTV và Saigontourist), HTVC (Đài truyền hình TP.HCM). Đáng chú ý, một số đơn vị đã bị VCTV và SCTV “thôn tính”.

Những người tiêu dùng là người hiểu rõ hơn hết việc có hay không sự độc quyền trên thị trường THTT và chính họ hiểu sự bức xúc thế nào về THTT. Thậm chí năm 2010, không chỉ người xem truyền hình mà đối tác liên doanh với SCTV là Công ty cổ phần thương mại vận tải Thần Tốc cũng không chịu được việc SCTV tăng giá cước bất hợp lý nên đã có thư phản ánh tới Tuổi Trẻ.

Sự bức xúc của người xem truyền hình còn thể hiện ở chỗ các nhà đài kinh doanh theo kiểu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Điển hình nhất là VTC hồi mới cung cấp dịch vụ THTT đã khuyến mãi bán đầu thu nhưng khách hàng mua về sử dụng chưa được bao lâu thì lại tung ra đầu thu mới, đồng thời cắt giảm một số kênh truyền hình đối với những thuê bao sử dụng đầu thu cũ. Thế nên mới đây, sau khi mua được bản quyền Giải ngoại hạng Anh, K+ đã công bố giảm giá bộ đầu thu nhằm thu hút khách hàng mới nhưng lại lờ tịt khả năng tăng giá cước trong thời gian tới.

Có quá ít nhà cung cấp dịch vụ THTT chất lượng và việc mỗi nhà cung cấp sử dụng một đầu thu khác nhau khiến người tiêu dùng luôn phải phụ thuộc vào một nhà cung cấp, rất ít cơ hội để lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất.

Thị trường sôi động hơn

Theo quy chế quản lý hoạt động THTT, có bốn loại hình dịch vụ THTT gồm truyền hình cáp, truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh và truyền hình di động. Mỗi loại hình đều có ưu điểm, nhược điểm riêng nhưng theo Bộ Thông tin - truyền thông, truyền hình cáp phù hợp với nhu cầu và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân hiện nay.

Chính vì lý do đó, Viettel là doanh nghiệp viễn thông hăng hái nhất trong việc tham gia thị trường THTT với việc cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhằm tận dụng tối đa hệ thống cáp quang đang cung cấp các dịch vụ viễn thông phủ khắp cả nước của mình để cung cấp dịch vụ truyền hình. Viettel tính toán rằng thị trường còn khoảng 16,5 triệu hộ gia đình (bao gồm 2 triệu hộ chưa có tivi) sẽ là đối tượng tiếp theo sử dụng THTT trong tương lai.

Trong hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ, Viettel đặt mục tiêu sẽ đạt được 5 triệu thuê bao khách hàng sau năm năm đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ với cơ cấu 35% tại thành thị và 65% tại nông thôn. Như vậy, trung bình mỗi năm Viettel dự kiến phát triển được 1 triệu thuê bao khách hàng.

Viettel cũng nêu quan điểm triển khai cung cấp dịch vụ từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng có mức thu nhập khác nhau từ thu nhập thấp tới thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Viettel xây dựng bảy gói cước cơ bản nhất cho ba nhóm đối tượng là nông thôn, thành thị và nhóm có nhu cầu sử dụng gói gia tăng.

Chưa rõ sự thành bại của Viettel ra sao nhưng sau thành công của doanh nghiệp này trong lĩnh vực viễn thông, việc họ tham gia thị trường THTT chắc chắn sẽ khiến thị trường sôi động hơn, trở thành “cú hích” buộc các nhà cung cấp dịch vụ THTT phải thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh nếu muốn có thị phần.

Không phải mua thêm đầu thu

Hiện tại, theo quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 thì mới chỉ quy định từ ngày 1-1-2013, tất cả máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào VN phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất. Tức là người tiêu dùng chỉ cần mua một tivi là có thể sử dụng truyền hình số mặt đất của bất kỳ nhà cung cấp nào mà không phải thay tivi hay mua thêm đầu thu, giống như việc một chiếc điện thoại di động có thể sử dụng sim của nhiều nhà cung cấp khác nhau.
 
Ðề: Truyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợi

Em chưa thấy lợi đâu cả, chỉ thấy mất tiền và mất nhiều tiền hơn nữa thôi ạ
 
Chưa thấy nhà đài nào giảm cước cả. NTD vẫn chưa đc lợi ở đâu.
Hôm nay 31/3 rồi mà AVG chưa thấy thông báo tăng kênh nhỉ?
 

angel_of_dead_91

Well-Known Member
Ðề: Truyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợi

Không phải mua thêm đầu thu

Hiện tại, theo quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 thì mới chỉ quy định từ ngày 1-1-2013, tất cả máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào VN phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất. Tức là người tiêu dùng chỉ cần mua một tivi là có thể sử dụng truyền hình số mặt đất của bất kỳ nhà cung cấp nào mà không phải thay tivi hay mua thêm đầu thu, giống như việc một chiếc điện thoại di động có thể sử dụng sim của nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Thế này thì đầu lậu hết bán nổi thôi. :(
 
Bên trên