Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

delldell

Well-Known Member
Đã hơn 30 năm rồi, nhưng ký ức về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, diễn ra tại khu phố nhỏ nhà tôi, vẫn thấp thỏm trổi dậy trong tôi khi các phương tiện thông tin bắt đầu nhắc đến những ngày lịch sử này.

Ngày ấy, tôi mới vừa học đến lớp nhì (lớp 4 bây giờ) ở ngôi trường tiểu học sau nhà. Cách nhà tôi một căn là Tòa Hành chánh quận (tựa như Tòa Án ND quận bây giờ). Vào những ngày cuối tháng tư, đã có lệnh giới nghiêm của Chính quyền, ban đêm sau 12 giờ ngoài đường chỉ có lính, người nào nếu vì lý do bất khả kháng mà ra đường vào giờ giới nghiêm thì phải đem theo thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) và có lý do chính đáng (đưa vợ đi đẻ chẳng hạn), không thôi đều bị hốt về bót (đồn cảnh sát) hết. Tòa hành chánh thường ngày chỉ thấy nhân viên mặc sơ-vin ra vào, rất ít áo lính. Nhưng giờ lại thấy lính về đóng nhiều và họ đặt những thùng phuy cát, bao cát chặn đường, ai qua lại phải trình giấy. Tôi còn nhớ tối hôm ấy (khoảng 21/4/75), trên đài 9 của truyền hình có phát trực tiếp lễ từ chức của Tổng thống Nguyễn-Văn-Thiệu, trao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần-Văn- Hương (thời đó, tôi nhớ giữa các chữ trong tên riêng viết phải có gạch nối) . Đồng thời ông Thiệu cũng hứa là sẽ sát cánh cùng các chiến hữu, kêu gọi tử thủ Sài Gòn. Và cái Tòa Hành chánh gần nhà tôi bắt đầu trở thành như nơi cố thủ thiệt!? Từng chuyến xe “nhà binh” (xe chở lính) chở nhiều tấn gạo vào trong Tòa HC và hình như có cả xe chở vũ khí nữa. Người lớn trong nhà tôi thì đăm chiêu, e ngại, lo sợ vì nghĩ chắc sẽ có đánh nhau to tại đây. Còn tụi con nít như tôi thì khoái lắm, vì đường bị chặn, nhà trường cho nghỉ học, tha hồ chạy ra chơi, ngắm lính tráng xách súng ống ra vào hối hả.

Chiến sự lúc đó hình như diễn ra rất ác liệt ở tỉnh Xuân Lộc (Long Khánh). Ông nội tôi cứ ôm kè kè cái Radio Sanyo nghe tin suốt ngày và tỏ ra rất lo lắng. Còn Bố tôi thì sau khi có lệnh tập trung, cắm trại 100% thì không thấy ông về nhà nữa (Ông là lính “quèn” ở Nha An ninh Quân đội). Và đường phố lúc này thấy lính tráng xuất hiện nhiều hơn, nón mũ, áo giáp, súng ống vẫn mang trên người nhưng thấy họ có vẻ hoang mang lắm. Họ kéo về đóng trong Tòa HC, ngày càng đông, đủ loại binh chủng: bộ binh, lính dù, biệt kích, địa phương quân…và họ tá túc ngay trong sân nhà tôi và hàng xóm. Chúng tôi, những đứa trẻ, thích lắm, ngồi nghe họ kể chuyện đánh nhau với Việt Cộng, tôi còn nhớ mang máng câu nói của một anh lính: “ Tao chạy bán mạng, “nó” vừa rượt theo vừa hô bắt lấy lính dủ, bắt lấy lính dù!”. Còn bà nội và mẹ tôi thì nấu cơm cùng những món ăn đơn giản mời họ ăn. Những anh lính cũng gởi biếu lại cho gia đình nào là gạo sấy (loại gạo của Mỹ đã sấy, bỏ vào bao ny-lon, chỉ cần đổ nước nóng vào là ăn được, tụi nhỏ chúng tôi rất mê ăn thứ này, vì nó rất thơm và dẽo), đồ hộp quân tiếp vụ…Sau này, tôi mới biết Xuân Lộc đã thất thủ và lính lũ lượt chạy về Sài Gòn. Và rồi các anh lính này bắt đầu rút đi nhưng họ để lại hầu như tất cả quần áo, ba lô, súng ống trong Tòa HC quận, đi ra chỉ áo lót, quần đùi. Ông nội tôi nói:”Vậy là chắc họ bỏ chạy hết rồi!?”.


Có lẽ, từ sau biến cố Mậu Thân, bây giờ dân Sài Gòn mới nghe lại tiếng súng, tiếng đại bác, tiếng bom gần và nhiều như vậy!? Trực thăng bay qua lại trên bầu trời rất nhiều, điện bắt đầu cúp, chợ búa không họp (không thấy mẹ tôi đi chợ), ở nhà có gì ăn nấy. Anh chị em tôi rất thích vì được ăn đồ hộp, cơm gạo sấy. Nhà tôi có 2 tầng lầu, nhưng tối đến ông nội bắt nằm ngủ dưới tầng trệt hết và dặn nếu thấy có tiếng nổ thì anh chị em tôi phải chui hết xuống gầm cái đi-văng (giường gỗ, còn gọi là cái phản). Tôi lúc đó rất hiếu động hay trốn lên sân thượng xem máy bay, ánh chớp của bom đạn cùng đèn hỏa châu, trái sáng đầy bầu trời đêm thành phố. Hình như vào đêm 28/4 là sân bay Tân Sơn Nhất bị tấn công. Tiếng nổ rất nhiều, anh chị em chúng tôi trốn hết xuống gầm giường, bà nội tôi miệng liên tục niệm Phật, mẹ tôi thì hết sức lo sợ và luôn kiểm tra những túi đồ gói sẵn (chắc để chuẩn bị di tản?), có lẽ người mà bà lo nhất là bố tôi(!?), không biết lúc này sống chết ra sao? Đến sáng hôm sau 29/4, cái Tòa HC quận lúc này chỉ thấy loe hoe vài chú lính. Tôi theo ông tôi bước ra sân, từ trong Tòa HC một chiếc xe Jeep chạy ra, người lái xe là ông đại úy thường hay qua lại chào hỏi ông và bố tôi, thấy ông tôi đứng đó ông đại úy gật đầu chào, ông tôi chào lại và buộc miệng hỏi: “Đại úy đi đâu sớm vậy?”. Ông đại úy cười và trả lời:”Cháu phải đi công vụ, bác ạ!”. Nhưng, chắc chắn ông tôi đã hiểu vị đại úy này đi đâu rồi(!?). Chúng tôi dù còn bé chưa cảm nhận được hết, nhưng sự lo lắng, bồn chồn của người lớn đã lây lan qua chúng tôi, và tôi đã mơ hồ nhận thấy có lẽ mình sắp chứng kiến và trải qua một sự kiện gì đó ghê gớm lắm đây!?

Sáng sớm 30/4/1975, tiếng đì đùng của súng đạn vẫn vang trên bầu trời Sài Gòn, nhưng không khí đường phố thì có vẻ rất im ắng, mọi người đều “trốn” ở trong nhà, đóng cửa, nhà nào khóa cửa ngoài chắc là đi di tản hết rồi(?). Tôi lại mò lên sân thượng, mặc dù người lớn không cho, và thật bất ngờ khi đứng nhìn ra sau nhà (sau nhà tôi là một dãy 6 lô chung cư 3 tầng được chính phủ xây vào năm 1969 đền bù cho những nạn nhân chiến cuộc sau biến cố Mậu Thân), trên nóc thủy đài cung cấp nước cho chung cư tôi một lá cờ bay phấp phới, nhưng không phải là cờ vàng 3 sọc đỏ quen thuộc mà là lá cờ có 3 màu: nữa trên xanh, nữa dưới đỏ, ở giữa là ngôi sao vàng. Tôi chạy ngay xuống nhà gọi hết anh chị em:”Mau lên sân thượng xem cờ của Việt Cộng kìa!”. Bất chấp người lớn la mắng, chúng tôi ùa hết lên sân thượng và đứng nhìn lá cờ có lẽ đã được “Việt Cộng nằm vùng” cắm từ đêm hôm qua rồi(!?). Cái Tòa HC quận hôm nay không còn một bóng người, mấy anh lính tối qua còn thấy gác trước cổng, sáng nay “biến mất” tiêu. Ông tôi thông báo:”Hình như Việt Cộng đã vào tới Sài Gòn rồi!?”. Sau này tình cờ tôi nhặt được tờ báo Chính Luận, hồi đó dùng để lót vào trong bàn học của tôi, đó là một trong những số báo cuối cùng phát hành tại Sài Gòn, rất tiếc tôi đã không giữ nó lại được, tờ báo này chạy một tiêu đề lớn: “Nếu Việt Cộng vào Sài Gòn, chúng tôi sẽ báo bằng ba hồi còi hụ”. Nhưng không có còi hụ nào hết, bà con bắt đầu kháo nhau đi xem Việt Cộng, họ rất đông ở quận nhất. Dĩ nhiên, chúng tôi còn nhỏ quá mẹ không cho đi đâu cả, chỉ được đứng trên lang cang nhìn xuống đường. “Sao chưa thấy Việt Cộng chạy qua xóm mình nhỉ?”, tôi tự nhủ. Tôi chỉ thấy một vài người dân từ trong cái Tòa HC đó đi ra và trên vai mỗi người là một bao gạo (gạo chính quyền chở vào mấy hôm trước, khi ông Thiệu kêu gọi tử thủ). Và khi họ quay lại lần nữa thì tôi thấy rất nhiều người đi theo, người thì cầm thúng, rỗ rá, người thì đẩy xe kéo, có cả xích lô nữa. Thế là tôi chứng kiến một “cuộc cách mạng” bỏ túi của người dân quanh xóm tôi, họ phá kho lấy gạo. Vẫn chưa thấy “ông Việt Cộng” nào, nhưng tôi thấy xuất hiện một vài thanh niên, tay đeo băng đỏ cầm súng M16 và tự do xả đạn…lên trời. Những thanh niên này cũng là người xóm tôi cả mà, nhưng sao họ cầm súng ghê thế, và còn như đang giữ trật tự trị an vậy? Sau nay tôi mới biết họ cũng vào Tòa HC phá kho, nhưng không lấy gạo mà là lấy súng ra bắn…chơi và ra vẻ là “người của Cách mạng”(!?). Nhưng các bạn biết không?, hình như sau này họ đều được bổ sung vào lực lượng quân quản và tuyển vào ngành Công An cả đấy. Lực lượng quần chúng chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã phá banh chành cái Tòa HC quận uy nghi ngày nào, và với “khí thế cách mạng” lên cao, họ tấn công luôn ngôi trường tiểu học thân yêu của tôi nằm sát bên cạnh. Họ phá và lấy đi rất nhiều từ bàn ghế, bình nước, quạt trần… trong các lớp học của chúng tôi.
eb89fea7bf52440b111a846add3f6ea7_55102291.gpsg1.jpg
3f9f39ee0a20d33117b194ccf8df7b0b_55102297.images.jpg


Bố tôi cũng chưa thấy tin tức gì. Ông tôi ôm cái Radio và thông báo:”Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng rồi”. Đó là trưa ngày 30/4/1975, thời điểm lịch sử, chính quyền đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn sụp đổ. Và lúc này chúng tôi bắt đầu thấy các ông Việt Cộng chính hiệu. Đầu tiên là những chiếc xe tăng cắm cờ mặt trận trên nóc, ầm ầm đi qua con đường nhà tôi. Trên xe thấy vài ông đội nón cối, tay ôm AK với khuôn mặt còn hơi căng thẳng nhìn dè chừng bà con chúng tôi. Nghe nói các xe này vừa đụng độ với tàn quân VNCH ở ngã 4 Bảy Hiền, giờ vào đến đây (quận 10). Sau đến là những chiếc xe jeep, xe U-oát chở các cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân, bà con bắt đầu “dạn” hơn và vẫy tay chào, các anh chào lại với vẻ thân thiện hơn. Và ngay chiều tối 30/4 đã thấy xuất hiện các cán bộ tuyên truyền địa phương, họ là một số người trong xóm, có lẽ trước đây nuôi dấu cán bộ, nằm vùng, nay trên tay cầm cờ mặt trận, cờ đỏ sao vàng (lúc đó tôi cũng chưa hiểu tại sao có đến 2 lá cờ khác nhau?) đến từng nhà phát cờ và trấn an bà con, họ nói đất nước đã được giải phóng, tự do độc lập đã đến và mọi người sẽ ấm no hạnh phúc dưới chế độ mới.


Khi chiến sự còn đang ác liệt, bà con xóm tôi cũng đã kháo nhau rằng rất nhiều khả năng Việt Cộng sẽ chiếm được Sài Gòn. Và thế là những tin đồn như: họ sẽ rút móng tay những chị em nào để móng dài, sơn đỏ chói; những cô gái chưa chồng sẽ gã cho những thương binh Việt Cộng; ai để tóc dài, mặt quần ống loe (phong trào Híp-pi thời đó) thì bị sởn và cắt hết, nhà nào có người nhà đi lính ngụy thì bị bắt hết v.v…Cả nhà tôi rất lo sợ, nhất là mẹ tôi. Bà bắt đầu lục soát tủ của bố tôi, những gì có dính dáng đến lính là bà đốt hủy hoặc đi vứt vào cái Tòa HC sát bên hết. Lúc này, ngoài những anh thanh niên đeo băng đỏ trong lực lượng quân quản (hình như đã được vào “biên chế” cách mạng rồi!?), tôi còn thấy rất nhiều các anh bộ đội (không còn gọi là Việt Cộng nữa, chúng tôi bắt đầu có những khái niệm mới, tiếp xúc với những tên gọi, ngôn từ mới, học được từ những cán bộ tuyên truyền địa phương). Các anh bộ đội vào đóng trong cái Tòa HC và mẹ tôi lại nấu cơm nước đem sang “khao” các anh ấy (nhờ cán bộ địa phương tới từng nhà vận động, chứ lúc đầu mẹ tôi còn e ngại lắm!). Ông tôi lúc này đã chuyển sang nghe đài giải phóng, (đương nhiên, vì đài phát thanh Sài Gòn còn đâu!), anh chị em chúng tôi cũng bắt đầu “lĩnh hội” (qua Radio của ông, qua loa phóng thanh trên xe của các anh bộ đội) những bài ca có tiết tấu dồn dập, hào hùng thay cho những bài nhạc vàng “ủy mị” trước kia, “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”; “…tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù…”; “…Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân..”, và con nít chúng tôi mau chóng thuộc lòng những bài hát này. Trên xe các anh bộ đội đi qua con đường nhà tôi đều treo cờ giải phóng và hình một ông già râu tóc bạc phơ, nhìn rất phúc hậu. Tôi được ông giải thích:” đó là Tổng thống của Việt Cộng đấy!”, nhưng tôi chỉ nói theo các cán bộ địa phương thôi: “Chủ tịch Hồ chí Minh kính yêu”. Trong nhà tôi chỉ sau 30/4 hai ngày đã có một tấm hình bác Hồ treo nơi trân trọng , dễ thấy nhất và một tấm hình bác nằm trong lăng có 4 ông (Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ!?) đứng 4 góc. Bọn con nít chúng tôi tỏ ra là những người nắm thông tin “cách mạng” nhanh nhạy từ những anh chị thanh niên tình nguyện và nhập tâm mau nhất những khái niệm về cách mạng, nào là thuộc bài chào cờ buổi sáng:” Giải phóng miền nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”, nào là “bọn Mỹ-ngụy”, “bọn phản cách mạng”, “Bộ đội Cụ Hồ”, “Xã hội chủ nghĩa”, “đất nước Liên Xô anh em”, vân…vân và vân…vân.


Chính quyền mới bắt đầu hoạt động. Từ sáng sớm các loa phóng thanh (thường gọi là Ô-bẹc-lơ) gắn trên các tòa nhà cao tầng phát đi những lời an dân từ chính quyền quân quản kêu gọi dân chúng ổn định tâm lý, tin tưởng vào chính quyền cách mạng, chung sống cuộc sống hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước thống nhất. Và đồng thời cũng kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng. Bố tôi bất ngờ về nhà với bộ sơ-vin trên người (không còn oai phong với bộ đồ lính thẳng tắp hôm được lệnh cắm trại). Ông kể khi bộ đội tiến đến cửa ngõ Sài Gòn (đụng độ ác liệt tại cầu Sài Gòn) thì Nha của ông được lệnh hủy hồ sơ và tự giải tán. Bố tôi không dám về nhà mà tá túc ở một nhà bà con, mà nhà đó không có người đi lính ngụy. Bố tôi không có can đảm bỏ vợ con (1 vợ 7 đứa con) để di tản ra Hạm đội 7 của Mỹ, và ông sớm ra trình diện chính quyền mới với thái độ dè dặt, sợ hãi. Cũng vì ra sớm nên ông đã ở trong trại cải tạo 2 năm dù chỉ có chức vụ Hạ sĩ I, vì lúc đấy chưa có chính sách rõ ràng cho việc tập trung học tập này. Sau này, những người có chức vụ như ông đều chỉ học có 1 tuần lễ rồi về nhà (!?).

Chính quyền mới hoạt động rất hiệu quả trong việc an dân, giữ trật tự an ninh xã hội, người dân xóm tôi cũng mau chóng hòa hợp được với các chính sách mới, hầu như ngày nào cũng có hội họp, mít tinh, văn nghệ cách mạng của các đoàn thể, tổ dân phố. Chúng tôi lại được vào trường, hiệu trưởng phát lời kêu gọi bà con nào có “mượn tạm” dụng cụ, đồ dùng học tập của trường hôm xảy ra “cách mạng khu phố” thì xin gởi trả lại trường để chúng tôi mau chóng ổn định học tập chương trình mới. Trong suy nghĩ của mọi người, có thể Việt Nam ta đã bắt đầu bước vào một thời kỳ mới, thời của hòa bình, không còn ám ảnh bởi bóng ma chiến tranh, mọi người sẽ cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng mọi người cũng cảm nhận rằng phía trước còn rất nhiều những khó khăn đang chờ đón khi đất nước bị cấm vận, phải tự lập tự cường, thù trong giặc ngoài, đói nghèo đe dọa.

Sau những ngày lịch sử ấy, thế hệ chúng tôi sau này vẫn mang thêm nhiều ký ức khó phai với những sự kiện ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm tới dân sài Gòn thời ấy như: đổi tiền, đánh tư sản, đi vùng kinh tế mới, tem phiếu, bao cấp, vượt biên v.v…mà nếu có dịp, tôi sẽ chia sẻ với các bạn ở một bài viết khác.

HẾT
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

genzo1984

Well-Known Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

hay quá anh Dân ơi, tiếp nữa đi anh
 

PhuongLe73

New Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Và ngay chiều tối 30/4 đã thấy xuất hiện các cán bộ tuyên truyền địa phương, họ là một số người trong xóm, có lẽ trước đây nuôi dấu cán bộ, nằm vùng, nay trên tay cầm cờ mặt trận, cờ đỏ sao vàng (lúc đó tôi cũng chưa hiểu tại sao có đến 2 lá cờ khác nhau?) đến từng nhà phát cờ và trấn an bà con, họ nói đất nước đã được giải phóng, tự do độc lập đã đến và mọi người sẽ ấm no hạnh phúc dưới chế độ mới.
(Còn tiếp)

Kết nhất phần màu đỏ choé :eek:3
 

longdnl

Well-Known Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Hay quá đê, làm tiếp phần 2 nha anh Dân :-bd
 

maison67

Well-Known Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Các bác HDSG toàn là cao thủ, người nào xuất chiêu thì cái gì cũng hay!!!:-bd
 

lephigau

Active Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

anh Năm ơi, khi nào rãnh rỗi viết thêm vài bài đi, em ghiền mấy cái chuyện ngày xưa oánh nhau uỳnh chéo lắm :D
 

explorer

Well-Known Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Hay quá Anh Năm. Em chỉ còn nhớ là những ngày sắp giải phóng, trực thăng bay đầy trời, rất thấp. Em thấy cả người ta qua cửa trực thăng. Vì nhà em không gần trại lính hay cơ quan nào, nên ít thấy lính VNCH.
Có 1 vài thanh niên ra đường lượm mấy khẩu M16 ra bắn chỉ thiên loạn xạ, làm em hú hồn, điếc cả tai. Quân phục, nón, giày, vũ khí của lính VNCH vứt đầy đường, không ai dám lượm, chỉ có vài thanh niên nghịch ngợm kia thôi

Sau đó thấy quân giải phóng tràn vào, quân phục màu xanh lạ mắt, nói giọng Bắc rất lạ, lúc đầu chả hiểu gì cả, cầm súng AK có băng đạn cong, và cờ 2 màu xanh đỏ của Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, có ngôi sao vàng ở giữa. Nhưng chỉ 1 thời gian, cờ này biến mất, thay thế bằng cờ đỏ sao vàng

Uỷ ban quân quản đến từng nhà yêu cầu xoá hình cờ ba sọc, rồi phát hình Bác Hồ và cờ 2 màu xanh đỏ cho từng nhà để treo và dán lên

Sau đó là liên tục đi "Sinh hoạt" cùng với thanh thiếu niên trong xóm, học hát bài hát Cách Mạng, nghe tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ đến từng nhà vận động đi "Kinh tế mới". Có 3 nhà trong xóm đi, sau đó vài tháng thấy cả nhà bồng bế nhau trở về, than lên đó khổ quá

Rồi sau đó là những ngày gian khổ : Xếp hàng đi mua gạo, khoai mì, bo bo, nhu yếu phẩm. Phải tranh giành, nhanh chân mới có phần ngon .... Điện thì cúp liên tục. Đi học thì tập vở với giấy màu "Nâu", viết chấm vào lọ mực cầm theo, bị đổ hoài. Quần áo mặc tự do vì làm gì có đồng phục, mang dép nhựa

Thỉnh thoảng trong xóm, sáng ra tự nhiên có nhà nào đó thấy khoá cửa ngoài im ỉm. Thì ra tối qua cả nhà đã âm thầm "Vượt biên". Thanh niên trong xóm phá cửa vô nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Sau đó những nhà đó được cấp cho cán bộ
 
Chỉnh sửa lần cuối:

delldell

Well-Known Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Hay quá Anh Năm. Em chỉ còn nhớ là những ngày sắp giải phóng, trực thăng bay đầy trời, rất thấp. Em thấy cả người ta qua cửa trực thăng. Vì nhà em không gần trại lính hay cơ quan nào, nên ít thấy lính VNCH.
Có 1 vài thanh niên ra đường lượm mấy khẩu M16 ra bắn chỉ thiên loạn xạ, làm em hú hồn, điếc cả tai. Quân phục, nón, giày, vũ khí của lính VNCH vứt đầy đường, không ai dám lượm, chỉ có vài thanh niên nghịch ngợm kia thôi

Sau đó thấy quân giải phóng tràn vào, quân phục màu xanh lạ mắt, nói giọng Bắc rất lạ, lúc đầu chả hiểu gì cả, cầm súng AK có băng đạn cong, và cờ 2 màu xanh đỏ của Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, có ngôi sao vàng ở giữa. Nhưng chỉ 1 thời gian, cờ này biến mất, thay thế bằng cờ đỏ sao vàng

Uỷ ban quân quản đến từng nhà yêu cầu xoá hình cờ ba sọc, rồi phát hình Bác Hồ và cờ 2 màu xanh đỏ cho từng nhà để treo và dán lên

Sau đó là liên tục đi "Sinh hoạt" cùng với thanh thiếu niên trong xóm, học hát bài hát Cách Mạng, nghe tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ đến từng nhà vận động đi "Kinh tế mới". Có 3 nhà trong xóm đi, sau đó vài tháng thấy cả nhà bồng bế nhau trở về, than lên đó khổ quá

Rồi sau đó là những ngày gian khổ : Xếp hàng đi mua gạo, khoai mì, bo bo, nhu yếu phẩm. Phải tranh giành, nhanh chân mới có phần ngon .... Điện thì cúp liên tục. Đi học thì tập vở với giấy màu "Nâu", viết chấm vào lọ mực cầm theo, bị đổ hoài. Quần áo mặc tự do vì làm gì có đồng phục, mang dép nhựa

Thỉnh thoảng trong xóm, sáng ra tự nhiên có nhà nào đó thấy khoá cửa ngoài im ỉm. Thì ra tối qua cả nhà đã âm thầm "Vượt biên". Thanh niên trong xóm phá cửa vô nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Sau đó những nhà đó được cấp cho cán bộ

Chính xác! Đức nhớ những chuyện đó là bắt đầu bước vào thời kỳ bao cấp. Thời kỳ này có vô số chuyện để sau này có thể kể lại cho lớp sau nghe. Anh đang định "Defrag" lại "bộ nhớ" (đã sử dụng mấy chục năm) để làm một bài về thời kỳ này (đang thất nghiệp, rảnh quá trời rảnh) đây!
 

thienthanxanh

Active Member
Re: Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Chính xác! Đức nhớ những chuyện đó là bắt đầu bước vào thời kỳ bao cấp. Thời kỳ này có vô số chuyện để sau này có thể kể lại cho lớp sau nghe. Anh đang định "Defrag" lại "bộ nhớ" (đã sử dụng mấy chục năm) để làm một bài về thời kỳ này (đang thất nghiệp, rảnh quá trời rảnh) đây!

Ủng hộ bác. Bác tổng hợp thành hồi ký cũng hay đấy!!!
 

VThanhgtvt

Well-Known Member
Sắp tới ngày kỷ niệm 38 năm cho sự kiện này roài. Đọc thấy thấm thía quá!
 
Bài viết rất hay, bác giúp nhiều AE hiểu biết thêm về những ngày đầu giải phóng.
Mong sớm đọc những bài tiếp theo của bác!

Bổ xung tờ báo mà bác chưa kịp lưu lại.

tranhoangsabaochinhluan.jpg
 

vucovu

New Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Ha HA HA ....... Có người không được vào Đảng nè.
 

0904968899

New Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Bài viết rất hay. Có khi bác viết vài bài nữa rồi tổng hợp đưa cho ông đạo diễn nào làm phim cũng đc ấy chứ:D:D:D
 

anh0424

Active Member
Cám ơn anh vì bài viết hay lắm. Rất khách quan và thực tế. Chờ những bài mới của anh :D
 

delldell

Well-Known Member
Ðề: Re: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Ủng hộ bác. Bác tổng hợp thành hồi ký cũng hay đấy!!!

Bài viết rất hay. Có khi bác viết vài bài nữa rồi tổng hợp đưa cho ông đạo diễn nào làm phim cũng đc ấy chứ:D:D:D

Cám ơn anh vì bài viết hay lắm. Rất khách quan và thực tế. Chờ những bài mới của anh :D
Cám ơn các bác đọc bài của mình và có lời động viên (nhất là chọn bài mình đưa ra trang chủ, được 50 xèng (Cr):D:D). Mình cũng định hôm nào sắp xếp, đối chiếu lại các sự kiện đã trải qua thời bao câp (75-86) và viết tiếp một bài như bác minhtuantkh đã có bài "Ký ức thời tem phiếu" đã đăng hồi năm ngoái http://www.hdvietnam.com/diendan/195-chuyen-tu-ke/331773-ky-uc-thoi-tem-phieu-ky.html . Coi như bổ sung thêm vào bài viết của bác ấy những trải nghiêm của một cậu bé thuộc tầng lớp "tiểu tư sản" ở thành thị thời bấy giờ.
 
Bên trên