Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Thật ra mà nói ý tưởng tận dụng cái HTPC để làm luôn nơi lưu trữ dữ liệu cho gia đình như phim, hình ảnh, nhạc, tài liệu, …(front-end và back-end nhập là một) không có gì là mới mẻ cả. Cách đây hơn 5 năm tôi cũng đã thấy có hướng dẫn rồi, lai rai vài năm gần đây thi thoảng cũng thấy có hướng dẫn lúc thì ở diễn đàn này, khi thì ở diễn đàn khác. Nhưng tựu chung các bài viết đều có cùng một điểm đến đó là dùng luôn hệ điều hành Windows để lưu chứa/quản lý dữ liệu. Tuy nhiên dạo sau này Nas gia đình và doanh nghiệp nhỏ (chạy trên HĐH mở) ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế do dễ sử dụng và lợi hại trong việc quản lý dữ liệu ở mạng gia đình. Song song đó với việc Microsoft chính thức từ bỏ cuộc chơi ở mảng này (chấm dứt Windows Home server) đã khiến khá nhiều người phải suy nghĩ đặt vấn đề lại và cuối cùng chuyển qua dùng Nas HĐH mở để chứa dữ liệu. Và lần này cũng không ngạc nhiên khi ta bắt gặp câu hỏi là liệu chúng ta có thể ghép Nas vào một cái máy PC khác (như HTPC chẳng hạn) được hay không? Cụ thể hơn, đối với anh em ghiền phim ảnh HD nhưng eo hẹp tài chánh, thì liệu Nas có thể sống chung nhà với một HTPC được hay không (khỏi phải mua 2 cái máy rời vừa đỡ tốn tiền điện, vừa đỡ tốn tiền mua mà đỡ phải chật nhà)? Nếu được thì phải như thế nào(do cả hai khác HĐH)?


15557346261_5013fa288a_b.jpg



Phần I. Lý luận

Sau khi xây dựng thành công cái Nas XPEnology dùng cho gia đình, tôi đã quyết định để cho cái Nas nó chạy ON 24/7. Đó là bởi vì, thật ra mà nói, cá nhân tôi không thích bật tắt cái Nas mỗi ngày nhằm để tiết kiếm điện. Ai cũng biết là Nas là cái box chứa rất nhiều hard drives, nhiều thì không nói làm gì chứ năm bảy cái HDD thôi mà cứ bật tắt mỗi ngày để tiết kiệm điện liệu có ổn không? Tiền tiết kiệm điện có đáng nếu so với giá của một hoặc hai cái HDD bị “lâm nạn”? Đó là chưa kể dữ liệu quý của mình chứa trong đó cũng “đội nón ra đi” mà cơ may phục hồi nó gần như là zero (hình chụp con cái bạn lúc còn nhỏ, hình chụp đám cưới của chính bạn, vv…vv…)? Bạn có thể thấy nhà sản xuất HDD bảo đảm với mình rằng là mấy cái ổ cứng của họ sx có thể chạy hàng ngàn giờ bền bỉ, nhưng đố bạn kiếm được nhà sản xuất HDD nào dám bạo gan cùng mình bảo đảm số lần bật tắt HDD của họ sẽ thọ được là bao nhiêu lần?!?! Nhưng thiệt khổ là đi qua đi lại nhìn thấy nó đỏ đèn tối ngày thì cũng thấy nóng ruột phải không bạn? Vậy tại sao ta lại không ghép một cái máy nào đó chạy chung với nó, vừa tiết kiệm điện vừa đỡ phải bỏ tiền mua máy kia? Thế là tôi quyết định tìm cách để gán một cái máy PC nào đó chạy “ké” với em Nas này.

Câu hỏi kế tiếp là liệu ghép cái máy PC nào với Nas thì thích hợp, chứ đâu phải muốn làm bừa là được? Như bạn cũng biết, PC bản thân nó là một hệ thống (cỗ máy) mở, tùy theo nhu cầu mà mình có thể lắp đặt (phần cứng) và cài đặt (phần mềm) theo ý mình. Tựu chung một PC có thể làm một số công năng như HTPC, hoặc chơi game, hoặc download phim, nhạc, bit torrent, hoặc làm công việc văn phòng hoặc đơn giản hơn là dùng cho các tác vụ gia đình như email, lướt web, đọc tin, mua sắm online, chat text/hình/tiếng với bạn bè người thân, xem youtube hay các kênh TV trực tuyến,…

Vậy thì loại máy PC (cho tác vụ nào) là thích hợp với Nas?

Xét đến một máy PC chơi game thì tôi loại ra ngay từ đầu. Với một máy chơi game, nó luôn khát khao một cấu hình mạnh (OC được luôn càng tốt) để hành động, load màn/ mạng/ đạn dược cho thật nhanh. Và cũng vì vậy nó ăn điện, nóng, ồn ào. Đó là chưa kể lúc bị game over tức khí đá luôn vào cái máy thì còn gì là đời em Nas yếu đuối yểu điệu cũng đang tá túc trong đó? Tôi cho là không nên ghép thằng PC chơi game nóng tính thô lỗ hầm hố nằm chung giường chiếu với em Nas mà chạy 24/7 được.

Vì để Nas chạy 24/7, tôi rất thích ý tưởng bắt nó đảm nhận luôn vai trò của một máy chuyên để download hoặc ít ra là ghép nó chung với một máy download. Nhưng sau này suy nghĩ kỹ lại hóa ra đó là một ý tưởng tồi. Bắt cái Nas download phim cho bạn cũng được thôi, nhưng nếu down 1 bộ phim trong 1 tiếng thì tất cả HDD của Nas quay 1 tiếng, còn nếu phim down trong 1 ngày thì các HDD của Nas cũng phải quay liên tục không nghỉ ngơi trong 1 ngày. Thử bắt bạn làm việc không nghỉ ngơi ăn uống trong 1 ngày xem thế nào? Thế có phải là bạn đang giết chết HDD của bạn rồi chứ còn gì? Dĩ nhiên trừ phi bạn biết cách thiết lập 1 ổ HDD vật lý để tạo một volume chuyên trị việc download. Nhưng nên nhớ, trong trường hợp này, khi cái ổ die thì toàn bộ dữ liệu trên đó cũng khăn gói theo ông bà. Vậy còn vấn đề ghép cái Nas chung vối một máy download thì sao? Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, mấy cái máy chuyên download thì hay thay đổi lắm và nhất là hay hư (hư vặt cũng có mà hư lớn – tức hư luôn cũng có) do cứ download thập cẩm các thứ trong đó có cả đồ “bậy bạ” trên mạng. Thế nào mà không có ngày bị “dính đòn”? Cho nên bản thân nó chết đã đành, nó còn “kéo giò” luôn em Nas vô tội thế mới khổ thân (tại sao vậy thì tôi sẽ giải thích sau)!

Riêng với các máy dùng cho các tác vụ gia đình như email, lướt web, đọc tin, mua sắm online, chat với bạn bè người thân, xem youtube hay các kênh TV trực tuyến thì cũng không khá gì mấy. Cũng thường xuyên thay đổi, khi thì cài cái thêm này, khi thì cài cái kia và nhất là hay dính virus do người nhà sử dụng bất cẩn.

Cuối cùng, ứng cử viên mà tôi cho là sáng giá nhất có thể kết duyên cùng nàng Nas đó là anh chàng HTPC. Tương tự như một đầu player thông thường, thằng HTPC hiền lành không bon chen đua đòi một cấu hình mạnh như PC chơi game. Bản thân nó cục bột nên mặn mòi chung thủy, ít đòi hỏi sự thay đổi liên tục, vì coi phim nghe nhạc được thì thôi chứ muốn thay cái gì nữa bây giờ, cùng lắm là thay đổi vài ba cái skin là hết. Thật vậy, một khi cài cắm chỉnh chọt đâu ra đó để xem được đầy đủ và tốt tất cả các định dạng phim lẫn phụ đề, ta cứ thế mà bằt em nó phục vụ đến chán chê mê mỏi thì thôi. Vì thế cho nên để HTPC và Nas tu chung một chùa theo tôi là hợp lý nhất.

Ở trên là ý kiến cá nhân của tôi lý giải vì sao tôi lại ghép một Nas gia đình với một HTPC. Dĩ nhiên bạn cũng có thể nghĩ khác và hành động khác mà mình cho là có lý tùy theo điều kiện hoàn cảnh cá nhân cũng không sao. Bản thân tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến các bạn để từ nhiều luồng thông tin đa dạng tổng hợp lại biết đâu ta lại tìm ra được cái hay nhất.


Phần II. Xác định nhu cầu

Nhắc lại cũng sẽ không thừa. Phàm ở đời khi làm cái gì mình ít nhất cũng phải biết mình đang làm cái gì. Ví dụ thấy iPhone 6 + mới ra to lạ lẫm rồi lại thấy bà con đua nhau mua cũng ráng bon chen bóp hầu bao mua một cái. Vài tuần sau thấy người kia cầm cái Samsung Note 4 nhìn đẳng cấp quá về bủn xỉn với vợ con để góp tiền đổi qua Note 4. Thật ra như thế cũng chả sao miễn là anh ta biết mình đang là con vẹt. Ở đây cũng vậy, ta phải đi làm công việc xác định nhu cầu cho cái hệ thống HTPC-Nas của mình trước để rồi từ đó mình mới có thể quyết định chính xác mình phải chuẩn bị phần cứng, phần mềm cũng như cách thiết lập như thế nào.

Yêu cầu chung:

- Hệ thống chạy 24/7 (hoặc hạn chế tắt mở - cùng lắm 1 lần/tuần)
- Vì cũng do chạy 24/7 nên càng ít thiết bị ngoài lắp thêm vào càng tốt: tiết kiệm điện, đỡ ồn, đỡ nóng.
- Kết nối mạng gia đình phải qua cable Cat5e là tối thiểu (tốt hơn dùng luôn Cat6), không khuyến khích dùng wireless.
- Khả năng mở rộng hệ thống. Có thể cài thêm NIC card nếu thấy tốc độ load mạng chậm, hay sound card, hoặc video card,… nếu như vấn đề nóng và trả thêm tiền điện đối với bạn … chỉ là chiện nhỏ!

Yêu cầu riêng:

HTPC:
- Có thể “làm thêm” được các tác vụ nhẹ nhưng không dành chơi game (nặng) hay download (nặng).
- Phải chơi được tối thiểu là Bluray 3D iso. Cái này thì tùy thuộc nhu cầu cá nhân, có bạn chỉ cần đến 720p hay 1080p là đủ.
- Stream (passthrough) HD audio (DTS-HD MA và Dolby TrueHD) ra AVR được.
- Nói chung là các yêu cầu khác nữa của một HTPC nhưng vì mục tiêu của bài này không nhằm vào HTPC nên tôi không tiện kể dài dòng.

Nas:

- Quản lý được tất cả các ổ cứng ra – vô. Ví dụ nếu có một ổ cứng bất kỳ trong Nas bị ngủm cù tỏi thì tôi cũng sẽ biết ngay nó nằm ở đâu. Chỉ việc tắt máy, thay cái ổ mới vào. Sau một vài phút thiết lập thông số cho cái ổ cứng mới thì Nas có thể nhận ra ở cứng mới này và tự động phục hồi lại các dữ liệu nằm trên ổ bị hư.
- Có thể mở rộng khả năng lưu trữ như khả năng lắp thêm HDD trong và ngoài nhất là nên có nhiều cổng USB 3.0 hay eSATA vì có thể rất hữu ích trong việc lưu trữ khi sửa chữa tạm thời hoặc cho các mục đích thực hiện một bản sao lưu.
- Ngoài ra, dĩ nhiên, cũng còn các yêu cầu căn bản cho một Nas điển hình. Các bạn có thể tham khảo thêm ở các bài viết chuyên về Nas.

Trước khi đi vào các phần chính của bài, tôi xin mạn phép có một vài lưu ý nhỏ ở đây.
Vì trình độ và kiến thức của các thành viên trong diễn đàn không đồng đều và vì chủ đề của lần này tương đối khó, tôi sẽ cố gắng trình bày (với ví dụ + hình) thật đơn giản, ngắn gọn nhất đến mức có thể. Nếu có bạn nào mặc dù quá ham thích nhưng vẫn bị ‘bơi’ như thường thì có thể nêu lại câu hỏi hoặc PM cho tôi, trong khả năng tôi hy vọng sẽ trả lời cho các bạn.
Ngoài ra tôi cũng xin nói trước và nói rõ ràng, nếu bạn nào vào đọc thấy không thích, bạn có thể qua các topic khác, nên nhớ là bạn có cái quyền đó. Diễn đàn này là diễn đàn mở và có vô số các chủ đề hấp dẫn khác mà bạn thích, không cớ gì phải tốn thời gian và nhọc công sức vào đây đả phá, kích bác làm mất bầu khí vui vẻ cũng như tinh thần học hỏi giữa các thành viên đang quan tâm chủ đề này. Cá nhân tôi xưa nay khuyến khích và thoải mái với những ý kiến trái chiều, dù là đúng hay sai không cần biết, miễn là trên tinh thần cùng tôn trọng lẫn nhau cũng như học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm lẫn nhau. Những cái tôi sắp nói ra đây có thể đúng, có thể sai (vì không ai là toàn vẹn) và rất vui khi nhận các đóng góp ý kiến của tất cả các bạn.


Phần III. Chuẩn bị phần cứng

Trước khi vào phần cứng của bài, để tôi nói lại cho rõ và bạn cũng nên nhớ kỹ điều này vì nó là nền tảng cơ bản của hệ thống HTPC-Nas mà tôi sắp nói đến. Nãy giờ tôi toàn nói là HTPC ghép vào Nas tức khắc bạn sẽ hiểu Nas là chính, còn HTPC là thằng phụ được ghép vào xài ké Nas. Thật ra thì không phải vậy. Chính em Nas mới là người “ở ké”, là kẻ về “làm dâu” cho nhà thằng HTPC. Nói cách khác, em Nas sẽ được ảo hóa và dùng tài nguyên phần cứng của HTPC để chạy.

Tới đây, để tránh những khái niệm sai lầm ngay từ đầu dựa trên tên gọi, tôi xin được nói ngoài lề của topic đôi chút.

Nghe thì quá nhàm rồi đó, nhưng thực chất bạn có biết thế nào là một HTPC, thế nào là một Nas hay không?
Có một người nói đùa trên một diễn đàn là có một anh phiến quân thuộc nhà nước Hồi giáo lái xe chiếc xe tăng vừa cướp được đến một tiệc cưới và khoe với mọi người là đây là chiếc xe hơi (ô tô) của tao. Cửa nào cũng có một bạn đọc tới đây sẽ bật cười vì câu nói ngớ ngẩn của thằng nhà quê này, đúng không? Vậy thì khi có một người lên diễn đàn khoe một cái máy PC dù là cũ rích cà tàng cỡ nào miễn sao xem phim nghe nhạc được là HTPC thì lại chả thấy ai có ý kiến gì cả? Tại sao vậy? Đó là do ai cũng biết xe tăng thì không thể là xe hơi được. Xe hơi nó sạch sẽ đẹp đẽ dùng để chở người sang, còn xe tăng dùng để giết người, để đàn áp trong chiến tranh hoặc các cuộc biểu tình. Còn khi nào và với điều kiện nào để một cái PC thông thường trở thành (hoặc được xem như là) một HTPC thì xem ra không phải ai cũng biết. Khi có dịp bàn về đề tài thế nào là một HTPC thì tôi sẽ nói rõ hơn.

Cũng vậy, đối với Nas, tôi thấy có nhiều người cứ khăng khăng là muốn được gọi là Nas thì kiểu gì cũng phải đi với cái tên Synology, Qnap, Buffalo,... thì mới được à nghen. Còn mà hễ có tên nghe lạ hay vô danh thì bị liệt vào là Nas giả, fake, đồ giả lập, đồ Nas chữa cháy,... nghe rất khôi hài. Để cho khách quan, xin mọi người ta hãy trở lại với cái định nghĩa của Nas đi. Nas là một thiết bị (có nơi nói cao siêu hơn là hệ thống) lưu trữ dữ liệu (có nơi còn cẩn thận nói rõ gồm một đến nhiều HDD) được kết nối mạng thông qua network cable nhằm để chia xẻ dữ liệu cho tất cả những ai (người dùng) đang hoạt động trên mạng ấy. Và cũng để cho khách quan, các bạn cũng có thể tự mình search Google về cái định nghĩa của Nas xem có phải vậy không? Vậy thì một cái máy PC thường tôi mua ngoài chợ trời về có thể dùng làm Nas được không (theo như định nghĩa mà mọi người đã công nhận nói ở trên)? Miễn là nó đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của một Nas thì thôi chớ? Hay nó phải được gắn cái mác với một cái tên nghe thật kêu thì mới cho là Nas thực thụ?

Trở lại phần cứng thì thật ra tôi cũng chẳng có gì nhiều để nói ở phần này bởi vì phần cứng của bài này cũng chính là phần cứng của cái Nas XPEnology dùng cho gia đình mà tôi đã trình bày quá là chi tiết ở lần trước. Ngày hôm nay đây tôi dùng chính cái phần cứng đó để build cái hệ thống HTPC-Nas. Chỉ khác một chút là lần này tôi lắp thêm cái card mạng Intel để mỗi máy sử dụng riêng một NIC tránh tình trạng đường truyền bị thắt ổ chai trong trường hợp cả hai cùng load dữ liệu một lúc. Nếu muốn, bạn có thể trở lại xem mục trình bày về việc chuẩn phần cứng ở đó. Ở đây tôi chỉ xin phép trình bày những điểm khác biệt về phần cứng khi tiến hành ghép Nas với HTPC để bạn cơ bản nắm được cách thức chúng hoạt động ra làm răng thui.

Như tôi cũng đã đề cập nhiều lần trên diễn đàn, giữa Nas và HTPC thì ta cũng biết HTPC đòi hỏi đầu tư phần cứng (CPU, RAM,…) mạnh hơn chút đỉnh, đặc biệt khi bạn đòi hỏi cái HTPC của bạn phải có khả năng chơi tốt Bluray 3D iso và passthrough HD audio. Do đó, xét về mặt tổng thể, ta cứ lấy cái mốc là chú tâm đầu tư vào thằng HTPC thì mặc nhiên sẽ thỏa mãn luôn các yêu cầu của Nas (ngoại trừ để ý cái Motherboard và PSU). Chỉ có một số khác biết sau đây về phần cứng mà chúng ta cần lưu ý:

- Case: Đây là một đòi hỏi bắt buộc của một HTPC (nếu có dịp viết về đề tài HTPC thì tôi sẽ nói rõ hơn). Vì phần nhiều case sẽ được đặt ở phòng khách, gần TV, AVR, … nói chung là ngay trước mắt mọi người nên case phải nhìn tương đối bắt mắt, hình dáng hài hòa, màu sắc phù hợp với gu của người chủ nhân, vv…vv.. Nhưng ngoài ra case còn phải đáp ứng nhu cầu của Nas. Đó là có không gian bên trong rộng rãi để chứa càng nhiều HDD càng tốt, kiến trúc bên trong thông thoáng, dễ tản nhiệt, không nghe quá nhiều tiếng ồn khi có nhiều HDD cùng chạy trong nó. Nói thì nghe có vẻ dễ, nhưng trên thực tế kiếm ra cái loại case này cũng khó trày vi. Đơn giản là vì sẽ khó mà kiếm ra cái case nào vừa to chứa nhiều HDD mà vừa lại gọn gàng xinh xắn đẹp đẽ để ngồi cùng mâm trong tủ kiếng với những đầu máy khác. Nếu kiếm ra được thì giá cũng trên trời! Vâng, một lần nữa tôi cũng lại thấy cái case (Fratal Node 304) mà tôi đang dùng phần nào đáp ứng được yêu cầu này.



2l4g.jpg



- Motherboard: tiêu chuẩn yêu cầu thì ên hệt cái mobo của Nas mà tôi đã trình bày thôi. Được cái may mắn là ngày nay các nhà sản xuất tung ra khá nhiều mobo loại nhỏ mini ITX hay micro ATX có nhiều cổng cho HDD, USB 3.0, thậm chí còn có luôn khe để cắm ổ SSD gắn trong rất thích hợp cho một HTPC (lắp nhanh, nhìn gọn, không hao điện, đỡ nóng,…)


14940046653_808993279a_b.jpg



- CPU: Đối với hệ thống HTPC-Nas, tôi chỉ lưu ý các bạn ở 2 điểm: Thứ nhất, cái khác biệt so với CPU của một Nas là vì lần này ta dùng luôn chip tích hợp trong CPU để xuất hình 3D, nên yêu cầu tối thiểu cho CPU Intel là i3 và cho AMD là A6 (nghe nói A4 thôi cũng chơi được nhưng không chắc lắm). Còn bạn nào không có nhu cầu coi Bluray 3D thì có thể bỏ qua phần này. Thứ hai, vì ta sẽ ảo hóa cái Nas (Virtualization), nên CPU của bạn buộc phải có tính năng năng hỗ trợ Virtualization Technology. Với Intel xin coi qua cái list này (Supports Intel® VT-x)

Còn với AMD thì list này

- Graphic Card: không khuyến khích dùng card màn hình trong một hệ thống HTPC-Nas. Đơn giản là vì máy phải chạy 24/7, nay lại đèo thêm cái card màn hình nữa thì xem ra tính hiệu quả sẽ không cao. Nói cách khác, ngày nay các CPU đủ mạnh để đảm đương luôn vai trò của card màn hình, đặc biệt là trong lãnh vực nghe nhìn. Dĩ nhiên trừ phi bạn cố tình muốn tận dụng máy để chiến game luôn.

- Memory: Nói về bộ nhớ trong hệ thống HTPC-Nas thì theo tôi nó là đề tài tẻ nhạt nhất. Tóm tắt lại, với Nas, chỉ cần bộ nhớ Ram 1GB là phủ phê rồi. Còn lại thì nên dành hết cho HTPC bởi vì VGA onboard ít nhiều sẽ sử dụng một phần RAM của hệ thống. Nếu bạn build HTPC-Nas chỉ để thuần túy làm một phương tiện giải trí + lưu trữ trong gia đình, tôi đề nghị có lắp 4GB là vừa nhất. Có người hỏi tôi vậy nên mua 1 thanh RAM 4GB hay 2x2GB thì thích hợp? Các cuộc thử nghiệm đều cho thấy, dual channel mode đều cho chỉ số tốc độ cao hơn (trên dưới 10% tùy apps) so với single mode. Tuy nhiên đó chỉ là những con số thuần túy, còn trên thực tế (real world), ngay cả những người chơi game cũng còn không thấy rõ sự khác biệt huống chi ở đây chỉ là cái HTPC và Nas. Cá nhân tôi thích mua 1 thanh 4GB thôi cho đỡ hao điện, mát mẻ, mà nhìn máy thấy gọn hơn.


89qt.jpg



- PSU: với PSU thì lại càng chán hơn. Vì bây giờ hiếm khi mua trúng loại dưới 250W nên vấn đề công suất không còn là vấn đề nữa, trừ khi bạn sẽ lắp card VGA khủng để chơi game. Tựu chung chỉ có 2 điểm cần lưu ý: Con PSU phải chất một chút để bảo toàn tính mạng cho mấy em HDD. Ngoài ra nếu có thể được thì nên tìm mua loại “modular” để càng ít dây điện sẽ không chiếm không gian vốn đã quá ít ỏi ở trong case.


w8oj.jpg


- HDD: ổ cứng cho Nas thì tôi đã nói quá nhiều rồi, nếu các bạn muốn biết thì nên tham khảo qua mục HDD của bài viết trước của tôi về Nas. Riêng có cái đặc biệt ở đây đó là cái ổ cứng dành cho HTPC. Vì HTPC là máy chính và chạy trên Windows nên dĩ nhiên nó cũng cần phải có riêng 1 ổ cứng dành cho nó phải không ạ? Dạo sau này loại ổ SSD ra ngày càng nhiều và giá ngày một trở nên tương đối dễ chịu, tôi khuyến khích các bạn hãy làm quen với việc cài OS lên ổ SSD rồi test thử sẽ thấy nó đáng giá là bao. Đặc biệt là với một HTPC thì càng lợi hại hơn. Ngày xưa mỗi lần muốn coi phim phải boot cái HTPC trước, ra ngồi làm hút điếu thuốc xong mới dám trở vô mở TV, AVR,... này nọ, vì HTPC luôn là đứa tới trễ. Còn bây giờ thì hiên ngang mở cả đám cùng lúc mà ko gặp rắc rối gì trong vấn đề điểm danh. Ổ SSD tôi dùng cho HTPC là cái SSD Crucial 120GB.


StorageReview-Crucial-M500-SSD.jpg



Phần IV. Chuẩn bị phần mềm

Các phần mềm cần có:

VMware Workstation (hiện nay là version 10)
• VrtlNas_x64_5032_DSM_50-4493 dưới dạng iso file.
• DSM version 5.0-4493.
• Update 7 của version 5.0 (tùy chọn).
• Synology Assistant


Các files trên có thể được download tại đây

[hide] Click[/hide]​


Phần V. Cài đặt phần mềm

Trước khi bắt đầu, tôi cũng xin lưu ý đây chỉ là hướng dẫn mang tính chất tham khảo, học hỏi và vì vậy nó không bao hàm một sự bảo đảm an toàn đối với những rủi ro cho phần cứng cũng phần mềm trên máy hiện có của bạn. Đặc biệt bạn không nên load những dữ liệu quý giá của mình vào Nas trước khi biết chắc rằng mọi thứ đã được thử nghiệm và đều ổn. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bắt tay vào làm. Yes, once again, do it at your own risk!
Một lưu ý ở đây nữa là để tránh việc cứ phải boot máy tới lui nhiều lần sẽ ảnh hưởng không tốt tới các ổ HDD của Nas đang lắp trong máy, tôi đề nghị các bạn không nối những HDD đó vào trong máy và tiến hành build cái HTPC cho thật hoàn chỉnh trước trên 1 ổ HDD (hay SSD) đã được dành riêng cho HTPC. Sau đó tiến hành sao lưu (backup) cái máy HTPC ra một ổ gắn ngoài để phòng ngừa trường hợp mình build cái Nas bị thất bại và phải làm lại từ đầu.


I. Cài đặt phần mềm tạo máy ảo

Để tránh bài viết bị kéo dài lê thê với những screenshots, hơn nữa, chủ đề chính ở đây cũng không phải là hướng dẫn cách cài đặt và thiết lập máy ảo trên PC, nên tôi gom chúng lại thành 1 file Doc và post ở đây. Bạn có thể download về và theo đó mà làm (vì nó chi tiết từng screenshot một nên rất dễ), còn bạn cảm thấy mình đã cứng về cài đặt phần mềm máy ảo thì có thể tự mình làm lấy cũng được.


Download hướng dẫn tại đây

[hide] Click[/hide]​

II. Cài đặt Nas lên máy ảo

Để dễ cho đơn giản dễ hiểu, tôi sẽ phân phần này ra thành 2 bước thực hiện: bước 1 là tạo máy ảo cho Nas, còn bước 2 sẽ tiến hành cài Nas XPEnology lên cái máy ảo vừa tạo.

Trước khi đi vào phần tạo máy ảo, tôi xin sơ lược một chút về cái gọi là máy ảo.

Thật ra vấn đề tạo máy ảo đã nổi đình nổi đám hơn mười năm nay rồi. Tuy nhiên dạo dần gần trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, mức độ cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt buộc các doanh nghiệp phải nghĩ sâu hơn trong vấn đề cắt giảm chi phí sản xuất. Và thế là ảo hóa đang trở thành xu hướng công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất là trong các doanh nghiệp. Ảo hóa giúp tiết kiệm chi phí, điện năng, tăng khả năng quản lý tập trung. Nghe ảo hóa thì có vẻ mông lung nhưng thật ra đó chỉ là công nghệ được thiết kế để tạo ra tầng trung gian giữa hệ thống phần cứng máy (được xem là) chủ và phần mềm chạy trên nó. Nói khác đi, đó là công nghệ ảo hóa một máy từ một máy vật lý đơn lẻ để có thể tạo thành một hoặc nhiều máy ảo độc lập. Trên mỗi một máy ảo người quản trị (admin) đều có thể thiết lập một nguồn hệ thống riêng rẽ, hệ điều hành riêng và các ứng dụng riêng mà mình muốn. Hiện nay người ta phân ra rất nhiều loại ảo hóa như ảo hóa lưu trữ (storage virtualization), ảo hóa dữ liệu (data virtualization), ảo hóa server hay phần cứng (server/hardware virtualization), ảo hóa ứng dụng (apps virtualization), ảo hóa mạng (network virtualization), ảo hóa HĐH (OS virtualization), ... nhưng để cho đơn giản, chủ yếu ta sẽ có 2 hình thức để ảo hóa một máy:

- Ảo hóa quản lý theo lớp: Cái máy vật lý ban đầu được gọi là máy chủ (host). Còn các máy ảo được gọi là khách (guests). Các máy ảo hoạt động giống như là những máy vật lý. Người admin cho phép cách tiếp cận khác nhau để phân bổ nguồn lực máy chủ vật lý tùy theo nhu cầu của từng máy ảo. Ở đây thường thấy nhất đó là chức năng ảo hóa được xây dựng trên một lớp (hay nền) OS thông dụng. Và phần mềm ảo hóa sẽ được cài trên lớp OS đó (hosted). Ngày nay ta có thể bắt gặp một số phần mềm ảo hóa cho loại này như: VMWare Player, VMWare´s Workstation, Oracle Virtual Box.

15377325288_a11d2e312d_b.jpg


- Ảo hóa chuyên dụng: Hình thức ảo hóa này thường được các doanh nhiệp áp dụng rất nhiều do tính chất các máy ảo có thể chạy trực tiếp luôn trên tài nguyên phần cứng của máy cái thông qua một phần mếm ảo hóa. Nó có ưu thế hơn hình thức ảo hóa ở trên do việc giúp quản lý tài nguyên máy cái tối ưu hơn cũng như (vì trực tiếp nên) tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn. Một số phần mềm ảo hóa cho loại này như ESXi của VMWare, Hyper-V của Microsoft.

15564302732_2b142e173b_b.jpg


Các bạn cũng có thể tham khảo thêm các phần mềm ảo hóa hiện nay tại đây.

Trở lại vấn đề của mình, như tôi đã nói, vì chúng ta cần sử dụng HTPC như là một máy cái có giao diện đồ họa (graphical interface) để trình chiếu phim, nghe nhạc, vv...vv. chứ không thuộc dạng headless, nên tôi đã chọn cách ảo hóa thứ nhất. Nghĩa là tôi cài OS là Windows 8.1 lên cái SSD rồi tạo một cái HTCP như bình thường, sau đó thì cài phần mềm ảo hóa là VMWare Workstation để tạo máy ảo cho Nas. Hy vọng tới đây các bạn không bị “bơi” chơi vơi.

Bước 1: Cài đặt tạo máy ảo cho Nas

Trước khi chúng ta tiến hành tạo máy ảo, mình phải chuẩn bị đầy đủ trước các phần cứng mà nó sẽ làm việc với. Ví dụ như: HDD, NIC card (nếu bạn muốn dùng NIC card rời), ...
Ở đây sau khi tôi lắp thêm cái NIC card của Intel, cài đặt driver cho nó xong, tôi bắt đầu cắm các HDD sẽ dùng cho Nas vào. Cái mobo của tôi có 6 cổng cắm SATA, trong đó tôi đã dùng mất cổng Sata1 (Disk0) để cài Windows 8.1 rồi, vậy tôi sẽ còn lại 5 cổng Sata cho HDDs.


15540652306_a9512bafa3_b.jpg



Lưu ý, vì ta giao toàn quyến quản lý HDDs cho Nas, nên các bạn chỉ thiết lập sao cho Windows nhận ra các HDDs thôi (online), chứ đừng format chúng, kẻo không thằng HTPC cũng nhận ra và tranh giành quyền sử dụng HDDs thì sau này sẽ rối ra. Vậy là xong, bây giờ ta bắt tay vào việc tạo máy ảo.

1. Chạy VMware Workstation từ icon trên Desktop hoặc ở All Programs

2. Đầu tiên ta phải chỉ định NIC card cho máy ảo, cũng như xây nhà, đường điện đường ống nước phải đâu đó sẵn sang chớ.
Nhấn vào tab “Edit” xong chọn “Virtual Network Editor...”



14926154623_5571f09a56_b.jpg




3. Chọn “VMnet0” vì nó có chứa cái NIC card của máy bạn. Kế đó chọn “Bridged” rồi đến “Bridged to" chỉ đến cái NIC card trên máy bạn. Ở trường hợp máy tôi dùng thêm một NIC card của Intel rời nên tôi chọn “Intel(R) Gigabit CT Desktop Adapter “ Xong click "OK".



15360699350_1962b1f314_b.jpg




4. Bây giờ là lúc ta tiến hành tạo máy ảo mới nhé.
Click “Create a New Virtual Machine"



15522642696_44da59cae7_b.jpg




5. Chọn “Custom” rồi click 'Next'.



15547189782_30849ed7a1_b.jpg




6. Tại phần "Virtual Machine Hardware compatibility“ cấm sờ mó vào hiện vật cứ để nguyên hiện trường em nó như vậy đừng đụng chạm gì hết vì chỉ là những thông tin cho mình biết, click “Next“.



14925602744_a86ffd8a93_b.jpg




7. Đến phần cài OS thì cứ từ từ bình tĩnh mình sẽ cài sau. Hãy chọn "I will install the operating system later“ xong click "Next".



14926174983_5580f3183c_b.jpg




8. Đến phần chọn loại OS, bạn sẽ chọn "Linux" vì thật ra XPEnology được dựng trên nền Linux mà. Và lựa version của nó là "Other Linux 2.6 kernel 64 bit“ xong click ”Next“.



14925608874_8928c74332_b.jpg




9. Sau khi đặt tên cho cái máy Nas của bạn ở phần “Virtual machine name”, bạn tạo đường dẫn đến nơi chứa đến những file cấu hình cho cái Nas ảo này (rất quan trọng). Có thể để đường dẫn mặc định cũng được. Còn tôi thì tôi tạo hẳn trước 1 folder là Virtual Machines trên ổ C. Xong click ”Next”.


15546355355_1bc51706fb_b.jpg




10. Chọn cái Nas của bạn sẽ có bao nhiêu CPU (dĩ nhiên là 1) và số nhân trên mỗi con CPU đó (cái này tùy bạn), lại click “Next”.



15546359045_d1fc41b9d3_b.jpg




11. Với một cái Nas gia đình chạy trên XPEnology, memory cung cấp cho nó ở 1GB là dư giả rồi. Máy tôi có 4GB nên dành cho nó luôn 1GB là rất vừa. Click “Next” để tiếp tục.



15378594058_02b83c1742_b.jpg




12. Chọn loại network thì mình chọn "Use bridged networking” vì tôi đã sử dụng cái NIC card riêng giành cho Nas (đã được set up ngay từ lúc đầu) để tránh bị thắt nút cổ chai khi mà HTPC vừa stream movie để coi trong khi Nas cũng đang cung cấp dữ liệu cho các máy khác trong gia đình nếu dùng qua cùng 1 sợi dây network (cũng đang thử nghiệm thôi). Ngoài ra, chọn bridged network cũng là vì tôi muốn Nas cũng có địa chỉ IP của riêng nó chứ không dùng chung của thằng HTPC. Nếu các bạn dùng chung NIC cũng phải chọn “Used bridged networking” luôn nha cái này để cho HTPC và Nas có 2 địa chỉ IP riêng. Xong click “Next”


15360355217_e6dac40097_b.jpg




13. Không nói nhiều chọn "LSI Logic” xong lại click “Next” như đề nghị.



14925622904_b49910318e_b.jpg




14. Lại không nói nhiều chọn " SCSI” xong lại click “Next” như đề nghị.



14926194763_313292692b_b.jpg




15. Chọn “Use a physical disk” để cho phép Nas truy cập trực tiếp vào các ổ cứng vật lý. Xong click “Next”.



15359756489_3a8e6f10b3_b.jpg




16. Đầu tiên click chọn “Use entire dish”. Xong browse cái danh sách Device xuống và chọn cái HDD đầu tiên cho Nas. Trong trường hợp máy của tôi sẽ là “PhysicalDrive1” vì PhysicalDrive0 đã được ùng để cài Windows rồi. Vì vậy bạn phải thận trọng kiểm tra trong Disk management xem ổ nào đã được dùng để cài Windows rồi, chứ nếu lỡ mà cài Nas vô ổ đã có Windows là ... cháy nhà đó. Click “Next”.



15360246038_a194c0c35e_b.jpg




17. Xác định vị trí nơi sẽ chứa tập tin quản lý các ổ cứng (quan trọng). Ở đây, để dễ quản lý nhất là việc backup nếu máy bị hư, tôi cũng gom nó vô luôn trong folder VrtlNas đã tạo ở bước trước luôn. Nhấn “Next”.



15547223622_d54a3ddb22_b.jpg




18. Thế là xong, bây giờ chỉ việc nhấn vào “Finish” để kết thúc công việc tạo máy ảo.



15546380915_a57ce69927_b.jpg




Bước 2: Tiến hành cài Nas XPEnology lên cái máy ảo vừa tạo


1. Các bước chỉnh sửa lặt vặt để hoàn chỉnh máy ảo cho Nas. Nhấn vào “Edit virtual machine settings”



15522686436_a1d3ac2ee9_b.jpg




- Hồi nãy mình mới khai báo chỉ có 1 ổ HDD cho máy ảo biết thôi, chừ là phải làm luôn cho các HDDs còn lại, đúng không hỉ? Click nút “Add”.



15541360436_604528bb68_b.jpg




- Chọn loại hardware là “Hard Disk” xong nhấn “Next”



15359775989_5f76ef1fe1_b.jpg




- Lại làm công việc giống bước bạn làm với cái HDD đầu tiên. Nhưng lần này phần Device bạn sẽ chọn tên của cái HDD kế tiếp (ví dụ là PhysicalDrive2)



14925654624_e598141da3_b.jpg




- Rồi cũng lưu file quản lý HDD đó vào cùng nơi với cái HDD đầu tiên. Click “Finish”. Cứ thế bạn khai báo cho tất cả các HDDs còn lại nghen.

- Bây giờ đến phần mình phải chỉ chỗ cho máy nó biết chỗ có file image ISO mà nó boot máy lên nữa chớ. Click vào hàng "CD/DVD", tại phần “Use ISO image file” brownse tới nơi mà bạn đã download và chứa file ISO.



15360771280_ee298e136b_b.jpg




- Kế tiếp là phần chọn NIC. Click vào “Network Adapter” rồi chọn phần “Custom:” là VMnet0. Xong click “OK”.



14926235683_1c0856e093_b.jpg




2. Ái chà, còn một chiện này nữa mà nếu không làm thì không boot máy lên được. Đó là khai báo cho máy ảo khi khởi động nó sẽ đọc file ISO từ đĩa CDROM (cũng ảo). Ta vào trong thư mục nơi có chứa file ‘. vmx’. File này thường được save ở thư mục chung của máy ảo. Cụ thể trong trường hợp máy tôi thì nó là thư mục VrtlNas. Sau khi thấy nó rồi, bạn mở nó ra bằng Notepad++ hay Notepad cũng được. Bạn thêm vào dòng thứ 2 sau đây (xem hình):

bios.bootOrder = “cdrom”



15546413035_3cc9ab5561_b.jpg




Xong save cái file này lại. Muốn chắc ăn bạn lại thử mở lại cái file đó xem cái dòng mình mới thêm vào coi nó còn ở đó không? Thế là hoàn tất!

3. Khởi động máy ảo. Trước khi khởi động máy ảo, bạn phải làm một việc hết sức quan trọng. Như đã nói ở mục phần cứng, bạn phải bảo đảm con CPU của mình có hỗ trợ chức năng chạy máy ảo. OK, bây giờ bạn log vào trong BIOS để kích hoạt chức năng đó bằng cách vào phần CPU Configuration xong enable Intel VT-x và disable "trusted execution" (nếu có). Với CPU AMD cũng phải làm tương tự. Sau khi hoàn tất, vào lại VMWare workstaion, bây giờ nhấn vào “Power on this...”



14926241323_7bb86b81eb_b.jpg




4. Ngay vừa khi máy ảo bắt đầu chạy rẹt rẹt là bạn nhấp chuột vào trong màn hình đen liền để log vào máy ảo. Đến khi nó hiện ra khung hình màu xanh dương thì dùng phím mũi tên xuống để chọn dòng thứ 2 nhằm để install XPEnology lên máy ảo. Hit Enter key.



14926243553_f89453abf6_b.jpg




5. Sau khi quá trình máy ảo boot vào XPEnology được hoàn tất, bạn sẽ thấy dấu nhắc login xuất hiện ở hàng cuối cùng.



14954781884_68122e7fdd_b.jpg




6. Để hoàn tất quá trình cài đặt, bạn nên cài file SynologyAssistantSetup-5.0-4448.exe lên máy rồi theo hướng dẫn ở đây (bắt đầu từ phần IV- Cài đặt phần mềm) mà tiếp tục.


Sau khi hoàn tất, bạn sẽ có được màn hình đăng nhập đầu tiên vào Nas như thế này



15572903991_1ce63caa03_b.jpg




Có thể liền sau đó Nas sẽ yêu cầu bạn update lên verion 7. Vì bài viết đã quá dài, tôi không thể hướng dẫn cách update tại đây, các bạn có thể PM cho tôi để được nhận hướng dẫn cách update an toàn.



14954875954_4140e35c46_b.jpg




Phần VI. Phầncuối - Backup và các thủ thuật cần thiết khác


Chúng ta đang đi vào phần cuối cùng của bài, nếu bạn có thấy bài dài quá thì cũng thông cảm vì chính tôi cũng không thích cái gì dài dòng, chỉ là vì để nhiều người khác nếu chậm nắm bắt cũng có thể phần nào hiểu được.

Trước khi đi vào phần backup (sao lưu máy), tôi xin dành một chút đất để nói về những điểm yếu của hệ thống HTPC-Nas này. Tánh tôi xưa nay thích sự công minh, rõ ràng. Cái gì hay nói hay, cái gì dở nói dở không quanh co giấu diếm. Con người vốn không hoàn hảo, nên những thứ gì họ nghĩ và làm ra chắc chắn cũng không hoàn hảo. Và ở đây, hệ thống HTPC-Nas này cũng không phải là ngoại lệ.

- Bạn sẽ không thấy được tình trạng của mấy cái HDDs của mình thông qua SMART như một Nas XPEnology thông thường. Cũng dễ hiểu thôi bởi vì lần này Nas chạy trên nền 1 OS khác (là Windows 8.1) thông qua một phần mềm ảo hóa là VMware Workstation. Có thể phải dùng đến phần mềm bên thứ 3 chăng? Cái này tôi chưa thử. Nếu muốn, các bạn có thể tự vọc lấy, nó cũng vui vui.

- Vì mang tính đặc thù như bất kỳ loại máy ảo nào khác, cái Nas của bạn cũng sẽ bị lệ thuộc nhiều vào phần mềm ảo hóa. Do đó nếu phần mềm ảo hóa bị nhức đầu sổ mũi thì cái Nas của bạn cũng khốn đốn mà xụt xịt theo. Mà ở đây phần mềm VMware của bạn lại được cài trên Windows khiến nguy cơ hồi hộp lại thêm nhiều. Bây giờ thì bạn hiểu tại sao trong phần lý luận ở đầu khi chọn máy để ghép, tôi lại chọn HTPC là máy ít bị xáo trộn thay đổi là vậy.


- Tâm lý của một người admin khi máy bị hư hỏng là họ thích làm việc trực tiếp lên một máy vật lý vì nó trực quan, dễ mò tìm lỗi. Nay Nas của mình bị ảo hóa đi nên khiến cho việc troubleshooting phải dựa hoàn toàn qua phần mềm gây bối rối, khó chịu một chút.


Như bạn đã đọc qua những điểm yếu của hệ thống rồi và giờ đây bạn cũng đã hiểu vì sao (khác với những đề tài khác tôi viết trước đây) ta lại phải cần đến phần sao lưu (backup) là chủ để chính của phần cuối này.
Trong phần backup, ta sẽ tiến hành theo 2 bước. Và khi restore (phục hồi) máy, bạn cũng sẽ tái diễn y chang lại 2 bước như vậy.

Bước 1: Tiến hành backup ổ C của Windows.

Nhiều người ở nhà sàn cứ mải mê chăm chút làm đẹp mấy căn phòng của mình. Nào là màu tường thế nào cho bắt mắt, phải treo hình gì trong phòng cho đẹp, .... trong khi mấy cái cột nhà sàn mục tan nát thì không lo. Vậy thì khi cái nhà sàn sập đi thì cho dù phòng ốc bên trong có đẹp cách mấy thì cũng phỏng có ích gì? Cũng vậy, cái Nas của mình đang chạy trên Windows, do đó mình cũng phải chăm lo luôn cho thằng Windows sao cho nó lúc nào cũng phải chạy ổn định. Đừng cài cắm chỉnh chọt mấy thứ linh tinh mà bạn cũng nghi ngờ và sẽ làm mất sự ổ định của Windows. Cái quan trọng hết thảy là tôi khuyên bạn (sau khi dựng Nas hoàn chỉnh đâu đó) phải liền lập tức backup cái ổ C chứa Windows ngay. Xong cất cái file backup đó ra một ổ cứng rời bên ngoài. Ngày nay có nhiều loại phần mếm backup cho PC như Norton Ghost, Acronis True Image, vv...vv... rất nhanh gọn và tiện lợi vì save thẳng file image backup trực tiếp ra ổ ngoài. Và khi làm restore, mình lại làm theo chiếu ngược lại.

Bước 2: Tiến hành backup các tập tin quan trọng của VMware workstation.

Vậy thì những tập tin (files) nào của VMware WS là quan trọng.
Đó là:

- File có phần mở rộng là .vmx (thường có tên là tennascuaban.vmx)
Đây là tập tin có chứa dữ liệu về toàn bộ cấu hình của cái Nas bạn. Thật vậy, nó là tập tin cấu hình chính chứa đựng tất cả các thiết lập mà bạn đã làm cho máy ảo ngay từ bước đầu tiên cho tới các thay đổi sau này thông qua settings.

- File có phần mở rộng là .nvram (thường có tên là tennascuaban.nvram)
Đây là tập tin lưu trữ trạng thái của BIOS của máy ảo Nas. Đừng nghĩ là máy ảo không có BIOS, nó cũng có đấy bạn ạ.

- File có phần mở rộng là .vmdk .
Đây là một tập tin quản lý ổ đĩa ảo. Tuy nhiên vì ngay từ đầu mình cho cái Nas ảo kết nối trực tiếp đến các ổ HDDs vật lý, nên tập tin vmdk sẽ chỉ chứa thông tin về các phân vùng của HDDs mà máy ảo được phép truy cập. Vì vậy trong trường hợp này xin nhấn mạnh nó không liên quan đến những sự thay đổi nội dung ở bên trong các HDDs. Nói cách khác, nhiệm vụ nó là hướng dẫn cái Nas truy cập vào đúng cái HDD mà nó chịu trách nhiệm, còn việc bạn đã xóa hay mới thêm movies vào HDD thì nó không biết tới. Phần này thì thằng Nas lo. Mỗi ổ cứng vật lý sẽ có 1 file .vmdk riêng và thường có tên là tên mà bạn đã đặt cho từng ổ cứng vật lý lúc đầu. Tất cả các file .vmdk đều cùng nằm chung vào thư mục VMDK.

- File có phần mở rộng là .log
Đây là tập tin ghi lại các hoạt động chính của VMware Workstation. Tập tin này có thể sẽ hữu ích trong việc xử lý sự cố nếu bạn gặp phải vấn đề về máy ảo.

Ngoài ra cũng còn nhiếu file quan trọng khác nhưng vì nó nhỏ và tất cả những file trên đều được lưu trữ trong thư mục chứa các tập tin của máy ảo, trong trường hợp máy tôi nó là thư mục VrtlNas. Vậy cho nên tôi khuyên các bạn ngay sau khi hoàn tất cái Nas, bạn cũng nên backup (chép) cái thư mục này vào một ổ cứng ngoài để lưu cất bảo vệ. Rồi trong quá trình sử dụng, ngay sau khi bạn có một thay đổi với cấu hình với cái Nas của bạn ví dụ như lắp thêm hay đổi 1 cái HDD khác, tăng/ giảm dung lượng memory, thay đổi gì đó trong Bios, ... bạn cũng phải backup cái thư mục này ra ổ cứng ngoài liền một khi.

Quy trình Restore:

Một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng bạn không thể boot cái hệ thống HTPC-Nas được (màn hình xanh lè hoặc đen thui – thường thấy ở các loại ổ SSD), đừng vội mất bình tĩnh vì nỗi lo sợ mất dữ liệu trong Nas, hãy làm tuần tự các bước restore (phục hồi) máy như sau (tôi đã làm thử trên thực tế và thành công rồi): Cũng làm lại 2 bước tương tự backup

- Tìm một cái hard drive mới giống (hoặc càng gần giống càng tốt) cái hard drive đang bị hư lắp vào máy thế chỗ cái HDD hư. Lại dùng lại phần mềm backup lúc trước để restore cái image ngược từ ổ cứng ngoài mình đã lưu cất lúc trước vào lại cái HDD mới lắp. Boot máy lên lại.

- Sau khi máy (Windowns) được boot trở lại như cũ, chớ vội chạy cái Nas ảo. Ta hãy copy cái thư mục chứa tất cả các file quan trọng của VMware mà mình cũng đã backup và lưu cất ở ổ cứng ngoài vào chép đè lên thư mục hiện tại trên máy mới phục hồi để lấy lại những thiết lập gần đây nhất của cái Nas ảo. Lúc này bạn có thể Power On cái Nas được rồi. Thế là xong, toàn bộ hệ thống HTPC-Nas lại được phục hồi như cũ, nhất là các dữ liệu quý giá của bạn chứa trong Nas vẫn còn nguyên si.

Một số thủ thuật trong quá trình sử dụng hệ thống HTPC-Nas:

- Có bạn hỏi vậy khi bật cái máy lên mình muốn cho nó chạy tự động phần mềm VMware để từ đó nó bật luôn cái Nas ảo lên, khỏi phải làm thủ công nhìn vào không pro tí nào. Thưa là tôi có viết một cái script ngắn. Trong cái script này nó cho phép bạn mở tự động luôn cái Nas ảo mỗi khi mình boot máy HTPC. Không những thế, bởi vì cái máy cái là máy HTPC nên sau khi khởi động xong cái Nas, nó sẽ tự khởi động luôn phần mềm XBMC là trình mà tôi thường dùng để coi phim Bluray 3D iso, music, photos, youtube,.... trên cái HTPC của mình.

- Có bạn cắc cớ hỏi, nhiều lúc muốn chỉnh sửa cấu hình cái Nas, em chỉ muốn mở máy HTPC lên thôi chứ không muốn khỏi động luôn Nas vậy em phải làm sao? Thưa, trong cái script của tôi có dành ra 3 giây ngay sau khi vào Windows để bạn có thời gian nhấn phím Esc nhằm ngăn việc tự động bật cái Nas lên. Sẽ có một ô vuông đen hiện trên Task bar để báo hiệu thời điểm bạn có 3 s để nhất nút Esc.

- Nhiều lúc sau khi thay đổi cấu hình của Nas, rất có thể bạn sẽ quên béng đi việc phải sao lưu cái thư mục chứa các file chứa các thông tin cấu hình đã được update của máy. Bạn có thể cắm vào HTPC 1 cái USB trên dưới 1GB (nếu bây giờ vẫn còn kiếm ra). Tôi sẽ viết cái scritp để nó tự động làm backup chép cái thư mục đó cho bạn ra USB drive sau nửa đêm hoặc ngay trước khi máy được shutdown.

Ai cần thì PM, tôi sẽ gửi file script cho các bạn.

To-Do list:

Vì đây là một hệ thống mới nên tôi không có thời gian học hỏi vật vã với nó nhiều, do đó còn có một số vấn đề tôi chưa có dịp test thử nghiệm xem như thế nào. Các bạn nào ai có quan tâm và có nhiệt tình theo đuổi xin hãy giúp tôi một tay với:

- Tôi muốn cái HTPC và Nas ảo share folders trực tiếp cho nhau, không phải share qua SMB hay NFS như các loại máy thông thường. Nghe nói nếu cài VMware Tools thì sẽ làm được nhưng chưa thử.

- Mỗi lần tắt hệ thống HTPC-Nas, tôi phải vào tắt cái Nas XPEnology trước, sau đó là VMware rồi mới shutdown cái máy thật là bất tiện. Vậy có cách gì mỗi lần shutdown là máy sẽ tự động làm theo trình tự tôi vừa nói không?

- Kiếm được phương cách gì mà có thể kiểm tra tình trạng các HDDs của Nas thông qua SMART thì hay.

- Vv..và vv...

Phần kết luận:

Khi đặt tay lên giấy để viết bài hướng dẫn này, tôi cũng không trông mong được tất cả mọi người hưởng ứng. Đơn giản là vì độ khó của cái project này. Tuy đồng ý đây là phần nâng cao về kỹ thuật khi thiết lập một hệ thống gồm 2 máy hoạt động độc lập nhưng sử dụng chung tài nguyên phần cứng trên cùng một máy, nhưng tôi cho là nó không phải là quá cao đến nỗi không một ai có thể với tới được. Tôi đã cố gắng viết sao cho thật chi tiết và giản dị với hình ảnh đầy đủ để sao cho mọi người (đa số) có thể hiểu và (nếu có máu) sẽ bắt chước làm theo được thành công. Tôi đã viết ra với tất cả cái tâm và cái lực của mình. Nhưng sức người có hạn, dù cố gắng mấy cũng không tránh những sơ xuất trong ý tưởng, trong cách hành văn. Vậy nếu có gì không phải, mong mọi người bỏ quá. Đặc biệt tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến chân tình và mang tính xây dựng của tất cả các bạn để cho chủ đề này không những ngày càng hoàn thiện mà còn được sống, sống dồi dào mang lại nhiều ích lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những ai đã và đang quan tâm muốn tự build một hệ thống gồm HTPC và Nas dùng chung cho gia đình mình.

Xin cám ơn tất cả các bạn đã quan tâm và can đảm đọc bài viết này từ đầu đến cuối.


Thanksforsharing@HDVietnam​
 
Chỉnh sửa lần cuối:

dungsin_lqd

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

--Em đặt gạch chỗ này để giao lưu bài viết.............tks
 

3xtran

New Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Đợi bài bác tiếp. E thích cách đặt vấn đề của bác. ( hihi hiếm khi thấy bác viết nhầm nhưng em nghĩ bác type nhầm PSU thành GPU).Thank!
 

ongtrumkon89

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Bác chủ đúng là 1 tay chơi HD thứ thiệt ! :D

Hóng tiếpppp
 

ngquanghuy

Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Các bài viết của bác chi tiết từ cái nhỏ nhất

thanks
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

nhiều quá đọc lười quá ,thank bác,bác nào tóm lại dùm cái dễ hiểu đc k,máy mình main asus p8z77m,i5 3570 k,ram 4g lấy làm nas dc rồi phài k,
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

nhiều quá đọc lười quá ,thank bác,bác nào tóm lại dùm cái dễ hiểu đc k,máy mình main asus p8z77m,i5 3570 k,ram 4g lấy làm nas dc rồi phài k,

Tôi cũng đau đầu vì chuyện bạn nói. Nếu tôi viết ngắn (đặng nhàn nhã tấm thân) thì số lượng người đọc vào ko hiểu sẽ nhiều số lượng người than lười đọc do dài. Khổ thế. Cũng phải thông cảm thôi, vì đâu phải ai cũng có trình độ ngang nhau? Nếu như diễn đàn này là diễn đàn chuyên về tin học thì tôi sẽ viết khác đi nhiều.
Máy của bạn dư sức làm HTPC hoặc Nas hoặc cả 2.
 

dungsin_lqd

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

--Em hỏi bác chủ 1 câu: Xây dựng hệ thống như bác thì khi bật máy thì phần mềm VMWare có tự bật? và OS Nas ảo tự bật hay phải bật thủ công...
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

thank bác từ từ sẽ nghiên cứu ..........ngày đọc ít,
 

thanhyk

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Mình mà theo hướng dẫn của bác làm thành công thì nơi nào cấp chứng chỉ tốt nghiệp kỹ thuật IT vậy bác...
Em đọc không kỹ nên...mấu chốt ban đầu chưa hiểu. Có phải khi xem phim nghe nhạc thì HTPC chạy bằng cách mở phần mềm giải trí, khi kéo fshare hay torent, hoặc stream thì dùng Nas ảo hoá chạy. Luôn luôn cả win và Nas ảo hoá đều chạy hả bác, HTPC luôn luôn hoạt động còn Nas ảo hoá tuỳ chọn chạy hoặc tắt phải không. Còn một phụ kiện kèm theo rất phổ biến với hdp là remote, liệu có thể dùng remote nào cho HTPC_Nas này không. Nếu bác không phiền xin giải thích các trường hợp chính dùng HTPC, và các trường hợp dùng Nas ảo hoá. Xin cảm ơn bài viết bổ ích của bác.
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

--Em hỏi bác chủ 1 câu: Xây dựng hệ thống như bác thì khi bật máy thì phần mềm VMWare có tự bật? và OS Nas ảo tự bật hay phải bật thủ công...

Bạn đọc phần cuối của bài viết nghen.
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Mình mà theo hướng dẫn của bác làm thành công thì nơi nào cấp chứng chỉ tốt nghiệp kỹ thuật IT vậy bác...
Em đọc không kỹ nên...mấu chốt ban đầu chưa hiểu. Có phải khi xem phim nghe nhạc thì HTPC chạy bằng cách mở phần mềm giải trí, khi kéo fshare hay torent, hoặc stream thì dùng Nas ảo hoá chạy. Luôn luôn cả win và Nas ảo hoá đều chạy hả bác, HTPC luôn luôn hoạt động còn Nas ảo hoá tuỳ chọn chạy hoặc tắt phải không....

Bạn đã trả lời đúng hết rồi đó.
Riêng về phần phụ kiện là remote thì đây là một trong những phần bắt buộc nếu một PC muốn trở thành (hoặc được gọi là HTPC). Tôi đang order cái remote Flirc, hy vọng trong vài ngày nữa về tới tôi sẽ program với cái Harmony One để điều khiển cái HTPC này xem thế nào. Dĩ nhiên vì cái HTPC này luôn để mở nên tôi không quan tâm việc tắt HTPC qua remote lắm.
 
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Mấy bữa nay bắt đầu lai rai bỏ "hàng" vô cất trong cái virtual Nas mới dựng.


15401391620_330a0d1ef7_b.jpg
 

quangdauit

New Member
Bạn ơi cho mình hỏi: Dùng VM vậy các HDD có chạy được chế độ tiết kiệm điện (ngủ) không.
Mình có dùng được ESXi thay vì dùng VMWare không.
Thanks bạn
 
Ðề: Re: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Bạn ơi cho mình hỏi: Dùng VM vậy các HDD có chạy được chế độ tiết kiệm điện (ngủ) không.
Mình có dùng được ESXi thay vì dùng VMWare không.
Thanks bạn

Mình cũng đang test thử cái vụ này.
ESXi cũng là của VMWare đó bạn.
Nhưng nếu dùng với ESXi thì không thể chơi với HTPC vì không có graphic interface. Trong bài viết tôi có đề cập nếu bạn đọc kỹ.
 

VThanhgtvt

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Thanks b Thanks... nhiều. Đọc mà thấy mình gà quá...
 

ngdhieu

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Bạn đã trả lời đúng hết rồi đó.
Riêng về phần phụ kiện là remote thì đây là một trong những phần bắt buộc nếu một PC muốn trở thành (hoặc được gọi là HTPC). Tôi đang order cái remote Flirc, hy vọng trong vài ngày nữa về tới tôi sẽ program với cái Harmony One để điều khiển cái HTPC này xem thế nào. Dĩ nhiên vì cái HTPC này luôn để mở nên tôi không quan tâm việc tắt HTPC qua remote lắm.

Cám ơn bác đã viết 1 bài hết sức chi tiết và cụ thể. i tờ về IT như mình mà cũng cảm thấy là dễ hiểu và làm theo được.
Remote cho HTPC? Chẳng phải bây giờ đã có thể dùng Android phone, android slate, iOS device để điều khiển HTPC hay sao mà còn phải mua remote riêng cho nó? 1 cái fly mouse kèm bàn phím thì sao?

Ngoài ra, ở TPHCM hiện nay đang có khá nhiều máy tính cũ được rao bán với giá khá bèo (600k 1 máy P4 3.0Ghz, 1GB DDR2), theo bác nếu dùng riêng 1 bộ như vậy để làm NAS thì có nên không?
 

nokian9x

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

Rất và muốn nhưng điều kiện chưa cho phép. Đầu tư tốn nhiều $ quá
 

lequynhan

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn thiết lập, cài đặt HTPC và Nas trên cùng một PC [nâng cao]

:D Bác chủ lại chia sẻ những ý tưởng tiện dụng

Nhưng em có một việc nhờ bác mà chẳng liên quan tới chủ đề và box này (chỉ vì soi thấy cái danh sách film của bác thôi :D)

Bác có cho em xin cái film: Fung Fu Panda 2011 3d/1080 gì gì cũng được dạng có thuyết minh về cho nhóc xem!(http://www.hdvietnam.com/diendan/12...huc-hoi/911922-em-xin-film-kung-fu-panda.html)

Em xin mãi mà chẳng bác nào cho, kể cả bác chủ Nguyễn Huy (link die rồi)
Em cảm ơn bác! :D
 
Bên trên