Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Đôi khi xem phim của Kim Ki Duk tôi vẫn thường nghĩ, biết bao giờ Việt Nam có được một đạo diễn cá tính, một nhân tài, một quái kiệt như thế này, và khi xem phim của Trần Anh Hùng, tôi chợt thấy bóng dáng mà tôi tìm kiếm bao lâu nay đã thấp thoáng. Có người sẽ bảo, “giờ mới biết Trần Anh Hùng à?”, ừ thì giờ mới biết, muộn màng nhưng nồng nàn. Từ cách đây 4 năm, khi bắt đầu xem bộ phim đầu tiên của Trần Anh Hùng, Mùi Đu Đủ Xanh, tôi đã không nguôi ngưỡng mộ đạo diễn này.

attachment.php

Để nói về Trần Anh Hùng, cần một bài viết dài, một bài viết riêng và nói sẽ chẳng bao giờ hết, chẳng bao giờ đủ. Thôi thì tôi chỉ nói về bộ phim mà tôi tâm đắc nhất trong những phim của Trần Anh Hùng, bộ phim Cyclo (Xích-lô). Đạt giải Sư Tử Vàng tại liên hoan phim Venice, Cyclo và Trần Anh Hùng đã đưa Việt Nam đến với thế giới, mang lại niềm tự hào cho điện ảnh Việt mà trước đó và đến tận bây giờ không ai làm được. Phim Cyclo bị cấm chiếu ở Việt Nam.

Ngôn ngữ điện ảnh kỳ lạ
Trần Anh Hùng đi theo một con đường độc đáo mà chẳng có đạo diễn Việt nào dám đi trước đây, hiện thực tàn khốc. Mỗi câu chuyện trong phim đều được miêu tả bằng một ánh nhìn sắc lạnh, bình thản, dửng dưng nhưng lại cay đắng. Như một bức tranh sơn dầu xám xịt bị những vết chém mạnh và sắc, lạnh toát, đay nghiến và rạch những đường sâu hoắm. Ở đó, mọi thứ phơi bày trần trụi và thô ráp.

attachment.php

Không nhiều lời thoại, có trường đoạn chỉ là những cú lia máy dài thật dài đưa ta đến sự đối lập hoặc sự bỡ ngỡ. Từng ngôi nhà, từng góc phố, từng con người, từng cảnh vật hiện lên, im lặng và đau xót. Không lời thoại nhưng vẫn khiến ta phải thổn thức.

Và không có tên nhân vật, trong phim không nhân vật nào có tên, chúng ta không thể gọi tên họ với những sắc thái tình cảm yêu thương, thân mật, căm ghét. Người ta chỉ định danh được nhân vật đó qua chính bản chất con người họ, thằng đạp xích lô, gã đại ca “nhà thơ”, đám lâu la, bà chủ, thằng khùng, cô gái điếm … Không tên nhưng có số phận, không tên nhưng có đau thương, mỗi người đều mang một vết xước trong tâm hồn, dài ngắn hay nông sâu, chỉ họ mới biết mới hiểu.

attachment.php


Hiện thực quá tàn khốc điêu tàn
Khác với kiểu “tô hồng” và ca ngợi trong thời kỳ này, Trần Anh Hùng cho ta thấy một hiện thực điêu tàn chênh vênh. Một cuộc sống của những con người trong xã hội, thời kì hội nhập thay đổi, 20 năm sau cuộc chiến. Những giá trị bị đảo lộn cùng với những con người quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc đời.

attachment.php

Buồn bã và ngột ngạt chính là cảm xúc chủ đạo trong phim, những góc quay từ trên cao xuyên qua đám dây điện chằng chịt mang lại cảm giác tù túng, những góc nhà đan chéo, xộc xệch, nước nhỏ long tong nằm sâu trong con hẻm. Những con người lạnh lẽo, dường như mọi tình cảm của họ đã bị giấu đi đâu mất, nhường chỗ cho những hành động bản năng, có chủ đích và tàn bạo.

Chúng ta sẽ lặng người đi khi thấy đám trẻ ngây thơ ngồi vất vướng vô hồn, hay là đánh giày đến mệt nhoài ngủ quên trên bờ hiên. Chúng ta sẽ thương cảm khi thấy bộ lưng gầy trơ xương, chúng ta sẽ mệt mỏi khi thấy những khu nhà loang lổ, những bãi rác dơ dáy.

attachment.php

Cảnh hai người cụt chân vào một hàng ăn, vừa đứng vừa đệm đàn vừa hát bài Nắng Chiều bên cạnh những con người đang ăn uống khiến lòng người phải nao nao. Và nhiều nhiều những hình ảnh khác, một hiện thực xã hội buồn thảm. Đối lập với đó là hình ảnh những tòa nhà cao tầng, những bữa tiệc chơi bời xa hoa, những quán bar với gái điếm … Giống như những cái tát khi ta ngơ ngác, sự đối lập khiến ta ngỡ ngàng, choáng váng và xót xa. Cuộc đời chưa bao giờ thiếu những bất công và bất hạnh.

Những linh hồn méo mó thương tổn

attachment.php

Thằng đạp xích lô, thân hình ốm, gương mặt khắc khổ, một gương mặt như gánh trên đó những vết sẹo thời gian, nặng nề và mệt mỏi. Có lẽ, đạo diễn đã chọn rất lâu và rất kỹ mới có được một gương mặt tâm đắc đến như thế, một người không phải là diễn viên nhưng lại rất hợp vai. Lê Văn Lộc, sau phim này được người ta gọi là “người đạp xích lô ra thế giới”.

Tại sao đạo diễn lại muốn chọn hình ảnh người đạp xích lô? Xích lô, một phương tiện di chuyển độc đáo, chở hàng và chở người, một nét đặc trưng khó có thể lẫn được ở những thành phố lớn. Và nó cũng là một biểu tượng không thể tách rời với những con người lam lũ, cực khổ, bán sức lao động của mình để kiếm từng đồng bạc lẻ. Đơn giản nó là một nghề, đơn giản là sẽ phải có ai đó làm cái công việc này, dù muốn hay không. Chiếc xích lô đã được hình tượng hóa, biểu tượng hóa lên như thế.

attachment.php

Thằng đạp xích lô, nghèo khổ như bao người khác, đôi lúc muốn thay đổi, đi xin vay vốn của chính quyền nhằm thoát nghèo nhưng cuộc sống ít khi nào chờ đợi. Thằng đạp xích lô không phải người tốt, cũng chẳng phải người xấu, trong linh hồn nó xù xì sỏi đá, bộc phát khi có chuyện, dứt khoác khi trả thù và dữ dội khi bị tổn thương. Hơi có chút “bệnh hoạn” khi thích mặc quần lót nữ. Chọn con đường không lối thoát nhưng bản chất lại luôn hướng thiện. Rạng ngời nét hạnh phúc khi mang tiền về cho gia đình.

Thằng đạp xích lô trong khổ cực đã quyết định chọn con đường đi theo những đại ca, để thoát khỏi số phận. Nhưng đâu đó vẫn là sự giằng xé, giằng co giữa thiện và ác. Qua một cơn mê ảo giác dai dẳng, lại tìm về với ánh sáng ban sơ, với những giá trị cốt lõi, những người thân xung quanh.

attachment.php

Cô gái điếm, chị của thằng đạp xích lô. Ban đầu gánh nước thuê ở chợ, nhưng sau lại đi làm điếm vì kiếm tiền. Tiếng khóc cay đắng của cô khi trút bỏ xiêm y trước mặt khách làng chơi, vang vọng những tiếng đổ vỡ của linh hồn. Tình yêu mạnh mẽ và nỗi đau khi mất đi người yêu. Trái tim tổn thương được ve vuốt, xoa dịu bởi những cảnh thanh bình, những tình người ấm áp. Ánh sáng cuối đường hầm le lói cho trái tim mệt mỏi.

Gã đại ca “nhà thơ”, một con người độc đáo, một đại ca lạnh lùng tàn nhẫn nhưng lại đầy chất thơ, đầy lãng mạn. Trong con người này luôn có một khao khát bị kìm nén, kìm nén bởi chính con người hắn. Thâm trầm, ít nói, tàn bạo nhưng lại đầy tình cảm. Yêu cô gái điếm và ngủ với bà chủ.

attachment.php

Gã đại ca sống với những mơ mộng và hiện thực đan xen, như dòng suối trong trẻo uốn lượn quanh linh hồn tổn thương chất chứa những tâm tư khó biểu lộ. Sự đối lập kỳ lạ của một nhà thơ và một tên đồ tể. Sẵn sàng giết người để trả thù cho cô gái điếm và tự giết chính mình để giải thoát. Cuộc đời con người có hai ngày quan trọng nhất, ngày được sinh ra và ngày hiểu tại sao mình được sinh ra.

attachment.php

Câu chuyện của gã đại ca giống như một bài hát trữ tình êm dịu trong một không gian đầy những loại nhạc dữ dội với những nốt trầm ngân dài. Điếu thuốc luôn bập trên môi, khuôn mặt phớt đời không cảm xúc nhưng lại luôn để lòng mình hướng về với gia đình, với bố mẹ. Một nhân cách phức tạp mà có lẽ ngoài Lương Triều Vỹ ra, khó có ai có thể diễn xuất đạt hơn một vai nhiều cảm xúc, nhiều góc cạnh, ít lời thoại như vậy.

attachment.php

Những linh hồn thương tổn khác, mọi nhân vật trong phim đều có một vấn đề riêng biệt. Bà chủ cô đơn nuôi đứa con bệnh tật, yêu thương đứa con đến cuồng si và như điên như dại khi mất đi nó, sự trống rỗng vô nghĩa tràn ngập trong tim người đàn bà tội nghiệp. Những gã khách làng chơi với sở thích bệnh hoạn, thích nhìn phụ nữ tiểu tiện hay là cắt vớ lưới, là bạo dâm. Những linh hồn khiếm khuyết một điểm nào đó, có thể tốt có thể xấu, có thể gây hại hoặc vô hại. Những linh hồn tội nghiệp, cần được chữa lành và lấp đầy.

Bạo lực là con đường
attachment.php

Để đến được thiên đường phải đi qua hỏa ngục và luyện ngục. Bạo lực là một thứ không thể thiếu trong quá trình biến đổi. Những thay đổi lớn đều có bóng dáng của bạo lực, dưới hình thái này hay hình thái khác.

Bạo lực xuyên suốt phim, những kẻ đầu gấu đánh đập thằng đạp xích lô, cướp xe. Thằng đạp xích lô trả thù bằng quả bom xăng thiêu cháy, trả thù bằng cây gậy có đinh đập vào đầu. Cảnh giết người trong lò mổ, bình thản, lạnh lùng, tàn nhẫn, bài hát ru con được kẻ giết người hát chầm chậm và đột ngột kết thúc bằng cú dao vào cổ nhanh gọn, máu phun thành tia và nạn nhân giãy chết, “hãy ngủ, ngủ đi con, con hời con hỡi, hỡi con”. Hay là cảnh gã đại ca trả thù cho cô gái điếm, từng nhát dao dứt khoát, phía trước 2 nhát, nạn nhân khổ sở bước đi, phía sau thêm một nhát, nạn nhân bò lết gục xuống, và vào tim một nhát cuối. Sự trả thù dữ dội trong im lặng, từng nhát dao như rạch sâu thêm vào vết nứt trong linh hồn.

attachment.php

Trong sự bạo lực đến ghê người đó, ta vẫn thấy bật lên tiếng thổn thức của lòng hướng thiện, tiếng đập mạnh của trái tim run rẩy muốn tìm chốn bình yên. Bạo lực như một sự tất yếu, một con đường đệm trong con đường dài tìm kiếm sự thanh thản.

Chỉn chu trong từng khung hình, từng nốt nhạc
Trong phim này Trần Anh Hùng rất hay dùng những góc quay dài, chuyển cảnh liên tục chỉ trong một cú máy. Dường như đây là phong cách quay xuyên suốt phim, những cảnh đối lập liên tục lướt qua, những góc nhìn khác biệt từ sáng sang tối, từ thấp xuống cao, từ trái sang phải. Đặc biệt là cú máy ở cảnh gần cuối, một cú long take hoàn hảo biến đổi phải trái liên tục miêu tả sự đối lập giữa điêu tàn và hào nhoáng, một cú máy đắt giá.

attachment.php

Đạo diễn rất ưa thích góc nhìn ngột ngạt, từ một không gian chật chội như một góc phòng, một cánh cửa sổ, nhìn xuống đường, thấy những chuyện động lặng lẽ của cuộc sống. Chắn giữa góc nhìn đó là những hàng dây điện chằng chịt. Rất nhiều lần hàng dây điện chằng chịt ấy xuất hiện, nó dường như là nỗi ám ảnh bởi cảm giác bị ngăn cách, giữa thời đại cũ và mới, trong thời điểm giao thời, ngăn cách giữa thiện và ác. Một mối ngăn cách nhỏ nhưng khó rời bỏ, khó hòa nhập.

Góc máy đặc tả, đây có lẽ là cách thức chân xác nhất để truyền đạt đến người xem những hiện thực đau đớn. Đặc tả khuôn mặt những đứa trẻ vô hồn, nằm ngồi vạ vật, đặc tả những góc phố tối tăm nhếch nhác, đặc tả từng con giòi trên khuôn mặt của thằng đạp xích lô, đặc tả từng tia máu phun ra từ cuống họng, đặc tả khuôn mặt bi thương của kẻ bị gã đại ca giết. Người xem sẽ có cảm nhận rõ ràng nhất với những góc máy đặc tả như thế.

attachment.php

Chỉn chu trong từng khung hình. Mọi bối cảnh, mỗi khung hình đều được đạo diễn chăm chút rất cẩn thận, đồ đạc trong phòng phản ánh điều gì, góc nhìn từ đường phố phản ánh gì, cảnh chiếc máy bay thời chiến ngã giữa đường phản ánh gì. Trang phục, kiểu tóc của mỗi diễn viên đều phản ánh đúng tính cách của họ. Đạo diễn đã cực kỳ tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất để tạo nên những hình ảnh đầy chất nghệ thuật như thế.

Trong thanh âm vắng lặng, vang lên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”, Thanh Lam hát, nghe nao nao mà da diết đến lạ, “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường”. Dường như là tâm tư của đạo diễn, con người đang hoang mang trước những đổi thay nhanh chóng.

attachment.php

Em ơi Hà Nội phố​

Phần âm nhạc của phim được làm rất kỹ lưỡng, có chủ đích và mang nhiều ý nghĩa, như bài hát “Nắng chiều” do hai người cụt chân thể hiện, như bài “Bắc Kim Thang” vang lên sau một cảnh bạo lực, “chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi”, được thể hiện bằng những khuôn mặt ngây thơ, háo hức nhưng không hiểu sao lại có chút gì đó kỳ lạ, thương cảm. Và ấn tượng nhất vẫn là “bài hát” do súng AK 47 tạo nên, “một đạo cụ để phổ những bài hát rất hay”, “đây là nốt cơ bản, pằng, còn đây là bài hát pằng pằng pằng pằng pằng”, một chi tiết cực kỳ đắt giá, bao hàm những chủ ý sâu xa của Trần Anh Hùng.

Những hình ảnh ẩn dụ
Ai xem phim cũng sẽ bị ám ảnh bởi lớp sơn, trong phim, sơn được dùng như là một hình ảnh ẩn dụ để thay đổi bên ngoài, khát vọng “sơn” lại bản thân mình luôn hiển hiện, đứa con của bà chủ thích dùng sơn để trát lên người là vậy. Thằng đạp xích lô trong những cảnh cuối dồn dập cũng dùng sơn để phủ lên người. Cái vỏ được sơn lại nhưng đâu thể thay được cái thực chất bên trong, sơn mấy lần, mấy màu thì cũng chẳng thay đổi được.

attachment.php

Hình ảnh chiếc máy bay thời chiến ngã xõng xoài giữa đường phố là dự báo về những đổ vỡ, đứt gãy trong một xã hội mới, một thời kỳ hậu chiến nhiều vấn đề. Một thời đại không thiếu những bi kịch và những đối lập, những mâu thuẫn dai dẵng, khó có thể xóa nhòa.

Thằng đạp xích lô trong cơn ảo giác dùng súng tự bắn vào người mình, như một khát khao “tự chết đi để tái sinh” thành một người khác. Và quả thật là đã thành một người khác, trở về lại đúng bản chất, tìm lại đúng những giá trị thực mà mình đang có, không chạy theo những thứ xa vời nghiệt ngã nữa mà trở lại trong vòng tay ấm áp của tình thân.

attachment.php

Gã đại ca “nhà thơ” luôn nhắc đi nhắc lại với thằng đạp xích lô là “đừng bao giờ khóa cửa”, tại sao lại đừng khóa cửa? việc khóa cửa như khóa lại linh hồn của mình, không tiếp nhận, không thay đổi và sớm muộn gì cũng lụi tàn. Mở cửa như là mở rộng linh hồn của mình. Ngoài ra, còn rất nhiều hình ảnh ẩn dụ khác.

Kết

attachment.php

Đắm mình trong những trăn trở của Trần Anh Hùng về thực tế cuộc sống của thời đại hậu chiến. Trân mình với những vết dao sắc nhọn vào bức tranh hiện thực không chỉ có màu hồng. Cảm thương trước những số phận, những con người bên lề xã hội và những ước vọng, những khao khát giản đơn. Cyclo là một câu chuyện buồn, vừa dữ dội lại vừa trữ tình, vừa mệt mỏi lại vừa nhẹ nhàng, như một bài hát lên bổng xuống trầm đưa người xem đến những âm vực cảm xúc khác nhau. Một khoảng lặng trong tâm hồn khi chạm đến những bản năng, những linh hồn khiếm khuyết, những hiện thực tàn khốc.

 

rock_o0o

Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Cuộc đời con người có hai ngày quan trọng nhất, ngày được sinh ra và ngày hiểu tại sao mình được sinh ra.

Bài viết của bác hay quá! đọc mà lặng hết cả người!
 

hoaitrung

Super Moderators
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

iwsdadj433cwgbpzg.jpg


Một điều thú vị mà có thể nhiều người chưa biết, đó là gần như phim nào cũng có mặt Trần Nữ Yên Khê. Cô ấy chính là vợ của Đạo diễn Trần Anh Hùng. Yên Khê có một khuôn mặt khá lạ, khá đặc biệt, có nét gì đó nửa truyền thống, nửa hiện đại ; nửa Tây mà cũng nửa Ta. Đó là ấn tượng đầu tiên khi gặp Yên Khê, cô diễn viên người Pháp gốc Việt khá quen thuộc với khán giả Việt Nam qua 3 bộ phim đã dành được nhiều giải thưởng của đạo diễn kiêm dức lang quân Trần Anh Hùng : Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (2001).
Năm 18 tuổi, khi còn là một cô nữ sinh trường Đại học Kiến trúc và thiết kế Camondo, Trần Nữ Yên Khê đã đoạt danh hiệu Hoa hậu áo dài trong một cuộc thi sắc đẹp của cộng đồng người Việt tại Pháp. Rồi duyên phận đưa đẩy Trần Nữ Yên Khê và Trần Anh Hùnh đến với nhau khi Trần Anh Hùng đang học năm cuối, muốn tìm một nữ nhân vật chính cho bộ phim tốt nghiệp của mình.

Năm 3 tuổi, Yên Khê đã mồ côi cha, cô đã theo mẹ và chị cùng với người bố dượng – một nhà báo người Pháp – dời Đà Nẵng sang Pháp định cư. Vô hình chung, đó cũng là điểm trùng lắm và là điểm đồng cảm giữa Yên Khê và các nhân vật của cô, bởi vì họ cũng đều là những cô bé mồ côi cha. Có lẽ đó là một sự chia sẻ mà Trần Anh Hùng muốn dành cho chị. Khi Trần Anh Hùng viết kịch bản, đã có một Yên Khê ngoài đời thấm vào Hùng. Như trong bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng nhiều đoạn thoại giữa Hải và Liên không khác gì những đối thoại ngoài đời của Hùng và Khê. Đó là một trong những bí quyết tạo nên sự hấp dẫn cho bộ phim của Trần Anh Hùng.

"Ánh sáng ban mai tràn vào nhà qua những ô cửa kính, đánh thức cô thanh nữ và cô đã tỉnh dậy trong những điệu bộ thật dễ thương…." Đó là những cảnh được lặp lại rất ấn tượng của Yên Khê trong Mùa hè chiều thẳng đứng, là những bức ảnh quan trọng của phim, nó hầu như không có đoạn thoại nhưng nhất thiết phải đầy ắp không khí. Không khí của những người biết thở và không quên rằng mình đang thở. Để diễn đạt được điều đó Yên Khê đã chọn lối diễn bằng hình thể, nhưng bí quyết là học một con mèo, cái cách nó làm nũng khi tỉnh dậy….

Bên cạnh điện ảnh Yên Khê còn một niềm đam mê khác. Yên Khê đã tham gia thiết kế mỹ thuật cho phim Xích Lô và Mùi đu đủ xanh. Một năm sau khi ra trường, công việc chính của Yên Khê đã từng là vẽ.

Hiện nay, với tuổi 40, Yên Khê đã là mẹ của một bé trai 5 tuổi và một bé gái 14 tháng. Tên của hai đứa con đều do chị đặt. Con trai là Cao Phi: mạnh mẽ và bay cao; con gái là Lãng Khê: mềm mại và sáng trong như nước. Yên Khê nói chị thích nước vì chị đứng mệnh Thủy. Và nước theo chị luôn là tượng trưng cho sự mềm mại và mạnh mẽ….
Còn vài bộ phim của Đạo Diễn Trần Anh Hùng. Mình xin gửi lên đây luôn cho những ai chưa xem nhé! Các phim đều là Việt Ngữ

Link mới cập nhật lại phim Cyclo 1995 (DVD9)
https://www.fshare.vn/file/7E44YA8XTZA6
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

The Scent of Green Papaya (1993)

Mùi Đu Đủ Xanh

48bhtggxxg81z55zg.jpg


"Mùi đu đủ xanh" không chỉ mang những ý nghĩa cụ thể mà chính những điều nó khơi gợi để khán giả tự suy tưởng lại khiến dư vị của bộ phim thêm sâu sắc. Dư vị đó có lẽ cũng như "mùi đu đủ xanh" - thứ mùi bình dị mà đặc biệt, khó quên...Trong số những đạo diễn Việt kiều, Trần Anh Hùng là người đáng chú ý và có phong cách ấn tượng nhất. Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp điện ảnh với bộ phim Mùi đu đủ xanh, anh đã khẳng định tài năng của mình bằng giải Camera D’or tại Liên hoan phim Cannes năm 1993. Mùi đu đủ xanh cũng là bộ phim thể hiện rõ phong cách đặc trưng của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Phong cách luôn là điều mà bất cứ đạo diễn chân chính nào cũng cần và muốn tạo được trong những tác phẩm của mình. Nhưng để tạo nên một phong cách riêng lại là điều không hề đơn giản, bởi phong cách không chỉ thể hiện qua vài ba yếu tố, “mảng miếng” đạo diễn phô bày trình diễn mà phải biểu lộ ở mọi thành phần trong sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa và thống nhất. Chính vì thế, có thể khẳng định rằng chỉ những đạo diễn có tài mới có khả năng tạo nên được phong cách. Với Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng đã khẳng định mình là một đạo diễn tài năng, đầy triển vọng.

Xem Mùi đu đủ xanh, có thể nhận thấy phong cách Trần Anh Hùng xuyên suốt bộ phim, biểu hiện rõ nét qua tiết tấu đều chậm rãi (monotone). Tiết tấu này được tạo nên bởi hầu hết yếu tố trong chỉnh thể tác phẩm.

Yếu tố đầu tiên dễ nhận thấy là sự di chuyển chậm rãi của các nhân vật trong phim. Hầu hết nhân vật thường đi lại, cử động... một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Hầu như không hoặc ít có những hành động mạnh, gấp gáp, di chuyển nhanh. Lời thoại của nhân vật cũng rất ít, được nói chậm. Giữa những đoạn đối thoại của các nhân vật thường có một khoảng im lặng hoặc chỉ có một nhân vật nói còn nhân vật kia không đáp lời. Chính những điều đó đã tác động trực tiếp đến cảm nhận của khán giả về tiết tấu chậm rãi của phim.

Một yếu tố nữa cũng có vai trò rất quan trọng làm nên tiết tấu monotone - đó là quay phim. Kết hợp với chuyển động từ từ của nhân vật, máy quay cũng thường di chuyển chậm theo chiều tiến của nhân vật - thường theo chiều ngang. Cách quay ấy rất phù hợp với diễn xuất từ tốn, nhẹ nhàng của diễn viên cũng như với không khí chung của bộ phim. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã thể hiện những quan sát tinh tế của mình qua những khuôn hình cận và đặc tả được sử dụng rất nhiều trong phim. Đó như những cái nhìn ghi nhận tỉ mỉ về thiên nhiên, vì thế máy quay thường đứng yên tạo nên những cảnh tĩnh khá lâu. Những cảnh khá dài ấy (khoảng từ vài chục giây trở lên) lại thường được đặt nối tiếp với nhau, làm cho hiệu quả tiết tấu chậm càng rõ hơn.

Nếu như diễn xuất và quay phim là những yếu tố có thể nhận thấy ngay qua hình ảnh thì kịch bản - cụ thể là cách triển khai các sự kiện lại phải tìm hiểu kỹ hơn mới thấy được. Trong bộ phim này, đạo diễn đã có ý đồ rất rõ ràng trong việc xử lý các tình huống, sự kiện để giữ được tiết tấu chậm nhất quán. Có thể thấy bộ phim được chia làm hai mảng khá khác biệt: một mảng là lúc cô bé Mùi còn nhỏ và mảng thứ hai là 10 năm sau, khi Mùi đã trở thành một thiếu nữ. Hai mảng này khác nhau cả về nội dung lẫn cách triển khai, kết cấu các sự kiện.

Ở mảng một, các sự kiện nối tiếp nhau không theo nguyên tắc nhân - quả, không gắn với nhau trong một đường dây liên tục chặt chẽ mà được sắp xếp một cách tự do, ngẫu hứng. Còn mảng hai lại triển khai sự kiện theo nguyên tắc kinh điển - “mối tình tay ba” nên các sự kiện được liên kết chặt hơn. Tuy có sự khác biệt như vậy nhưng cả hai mảng vẫn thống nhất trong phong cách xử lý của đạo diễn là việc ghìm các xung đột, mâu thuẫn, không thể hiện hết và đẩy chúng đến cao trào.

Ở cả hai mảng của bộ phim đều có những sự kiện gây kịch tính như tình huống bà chủ nhà bị ông chống lấy hết tiền bạc rồi bỏ đi hay cả sự việc ông chủ trở về bất ngờ trong mảng một, hay mâu thuẫn mối tình tay ba ở mảng hai đều không được đẩy lên để tạo sự căng thẳng mà lại bị ghìm xuống, xử lý một cách “nhẹ nhàng”. Thêm vào đó, tác giả không trình bày sự phát triển mà chỉ bộc lộ tính cách nhân vật. Điều đó làm người xem có cảm giác nhân vật trong phim hơi đơn giản, ít có sự thay đổi và không sắc nét. Những điều đó chắc hẳn hoàn toàn nằm trong ý đồ nghệ thuật của đạo diễn nhằm duy trì tiết tấu monotone từ đầu đến cuối phim.

Tuy vậy, phong cách sẽ chỉ còn là sự phô diễn tay nghề của một đạo diễn nếu nó tách rời những giá trị, ý nghĩa, nghĩ suy mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến khán giả. Trong phim Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng thông qua những cách thể hiện riêng đã bày tỏ những cảm nhận của bản thân cũng như gợi cho người xem nhiều suy tưởng về cuộc sống, con người Việt Nam. Qua những nhân vật trong phim, ta nhận ra những nét đặc trưng rất Việt: đó là thân phận nhẫn nại, cam chịu, hy sinh của người phụ nữ. Chính tiết tấu chậm thể hiện ở chuyển động của cả nhân vật và máy quay, lời thoại... đã góp phần xây dựng nên tính cách thầm lặng, nhẫn nhịn của những nhân vật như Mùi, bà chủ nhà, bà mẹ chồng... Ngoài ra, việc ghìm xung đột kịch tính ở các tình huống mâu thuẫn càng làm nổi bật hơn sự cam chịu, chấp nhận số phận của các nhân vật ấy. Tính cách nhân vật không thể hiện sự phát triển, thay đổi nên tạo ấn tượng về sự nhịn nhục trước số phận an bài.

Bên cạnh cảm nhận về thân phận con người, đạo diễn còn dẫn dắt người xem đến với những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Qua những khuôn hình cận - đặc tả, nhà làm phim đã chỉ cho ta những vẻ đẹp thú vị ở những con vật, sự vật rất bình thường, bé nhỏ. Qua đó, người xem khám phá ra vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tâm hồn con người Việt Nam: biết yêu và trân trọng những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Khán giả yêu mến tâm hồn ấy qua hình ảnh cô bé Mùi ngây thơ, dường như cô bé luôn ngạc nhiên trước mọi thứ diễn ra quanh mình. Hình ảnh Mùi tròn xoe mắt nhìn những giọt nhựa đu đủ trắng như sữa nhỏ xuống tán lá xanh, hay cô bé thích thú ngắm nhìn những cái hạt xinh xắn trong trái xanh là những khuôn hình giàu sức biểu cảm và gợi lên sự trong sáng, thuần khiết.

Mùi đu đủ xanh không chỉ mang những ý nghĩa cụ thể mà chính những điều nó khơi gợi để khán giả tự suy tưởng lại khiến dư vị của bộ phim thêm sâu sắc. Dư vị đó có lẽ cũng như "mùi đu đủ xanh" - thứ mùi bình dị mà đặc biệt, khó quên.

Mùi đu đủ xanh đã trở thành cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp điện ảnh của Trần Anh Hùng. Bộ phim đã đánh dấu phong cách mà đạo diễn Việt Kiều tài năng này bước đầu hình thành và tiếp tục phát triển ở những tác phẩm sau này như Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, I Come With The Rain và sắp tới là Rừng Nauy.


DOWNLOAD 1080p or 720p Bluray
https://www.fshare.vn/folder/N7QUS64SGLBH
-------------------------------------------------------------------

Norwegian Wood (2010)
Rừng Na Uy

apntv88pnfecj16zg.jpg



Thật khó để viết về phim Rừng Nauy mà không so sánh với cuốn sách gốc cùng tên của Murakami Haruki – một tác phẩm không chỉ là cuốn sách cuộc đời của hàng chục triệu người Nhật mà còn chia sẻ với trái tim thương tổn của rất nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới. Sau khi ra mắt ở Venice, rất nhiều nhà phê bình đã khen ngợi bộ phim này, nhưng đồng thời cũng có những người so sánh bộ phim với cuốn sách và coi rằng đây là một sự thất bại. Vậy Rừng Nauy của Trần Anh Hùng có thực sự là nỗi thất vọng so với cuốn sách? Câu trả lời chắc chắn là không.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trần Anh Hùng chia sẻ rằng Murakami đã để lại một lời nhắn cho anh trên kịch bản: ““Hãy cứ làm bộ phim như anh tưởng tượng. Việc anh phải thực hiện là tạo ra một bộ phim đẹp nhất có thể.” Và đây là điều mà Trần Anh Hùng đã thực sự làm được, cùng với các đồng nghiệp của mình, anh đã tạo ra một bộ phim Rừng Nauy với nỗi buồn và cái đẹp – một bộ phim vẫn thể hiện được ý tưởng của cuốn sách, mà vẫn rất đặc trưng cho phong cách của anh.

Bộ phim giữ lại câu chuyện như trong tác phẩm văn học: Sau cái chết của người bạn thân, Toru rời khỏi quê nhà lên Tokyo, nơi anh gặp lại và đem lòng yêu đơn phương Naoko – người yêu của cậu bạn đã qua đời. Sau một đêm đón nhận Toru, Naoko đột ngột bỏ đi không một lời giải thích. Giữa lúc chìm ngập trong hàng ngàn câu hỏi, Toru gặp được Midori – cô gái tràn đầy sức sống, lòng lạc quan và khao khát. Cuộc sống của Toru từ đó chia thành hai nửa, một bên là Naoko chia sẻ cùng anh nỗi đau của tâm hồn, một bên là Midori với tình yêu sống động. Tuy nhiên, thế giới thực sự của Toru vẫn là sự chênh vênh của tuổi trẻ, với nỗi băn khoăn đi tìm lời đáp cho câu hỏi, “tôi đang ở đâu”?
Dù nằm trong tầm ngắm của nhiều đạo diễn, nhưng dễ thấy rằng Rừng Nauy không phải là một tác phẩm văn học dễ dựng thành phim bởi yếu tố tâm lý đậm đặc, và sự xuất hiện liên tục của các bức thư. Việc phải viện tới lời kể chuyện trong phim gần như là một điều hiển nhiên bởi không dễ dàng gì (nếu không nói là bất khả) để miêu tả “chút khí vón lại” trong tâm tưởng Toru sau khi Kizuki chết, hay cảm giác về “nghi lễ hàn gắn tâm hồn bị tổn thương” của anh trong những lần đi dạo cùng Naoko… Tuy nhiên, Trần Anh Hùng đã biến điều này thành điểm mạnh của mình, bởi vì anh kết hợp những lời kể bằng cùng những cảnh quay ngắn, nối tiếp trong một cách chuyển động máy quay tạo cảm giác mượt mà như một dòng chảy; bản thân những hình ảnh ấy lột tả được phần nào đó tâm lý nhân vật. Ở điểm này, Rừng Nauy cho thấy sự nhất quán xuyên suốt trong cách kể chuyện qua nhiều phim của Trần Anh Hùng, đồng thời cũng gợi nhắc lại về phong cách làm phim tương tự trong bộ phim chuyển thể từ truyện của Murakami trước đây: Toni Tanitaki. Có lẽ các đạo diễn, bằng một cách nào đó, đều đi đến một quyết định chung trong việc sử dụng hình ảnh để miêu tả tâm lý nhân vật “kiểu Murakami”.

Ngoài ra, để miêu tả được tâm lý nhân vật sâu sắc hơn, Trần Anh Hùng còn chủ ý nhấn mạnh vào tính tương phản giữa cá nhân Toru và cuộc sống xung quanh anh. Trong khi Murakami chỉ miêu tả về đời sống nổi loạn của sinh viên trong bối cảnh chính trị biến động rất ngắn gọn và đôi chút mơ hồ, thì Trần Anh Hùng dành hẳn một cảnh quay dài để nói về điều này. Trong phim, Toru đã bước đi giữa hàng trăm sinh viên khác đang hô hào, vác gậy gộc hăm hở, ào ào đổ về từ tất cả các ngả đường, nhưng anh vẫn lẳng lặng bước đi với khuôn mặt buồn không đổi khác, vừa thờ ơ vừa lẩn tránh. Khuôn mặt ấy vẫn giữ nguyên khi những sinh viên khác chạy thẳng vào lớp bi kịch Hy Lạp của anh để đòi giáo sư cho phép thảo luận chính trị. Sự im lặng của anh biến anh thành người khác biệt trong cô độc. Có lẽ đây là cách để mô tả nỗi cô đơn của riêng điện ảnh, điều mà muốn miêu tả hết, nhà văn hẳn sẽ phải tốn thời gian viết lách hơn nhiều.

Và cũng nằm trong nỗ lực miêu tả lại được những nhân vật “kiểu Murakami” này, bộ phim đã tập hợp được những diễn viên trẻ tài năng của Nhật Bản trong đó nổi bật nhất là Rinko Kikuchi và Kenichi Matsuyama. Rinko Kikuchi không làm người xem thất vọng với khả năng lột tả lại được một Naoko đầy đau đớn, bế tắc mà vẫn dịu dàng xinh đẹp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi cô là diễn viên nữ được quay đặc tả nhiều nhất bởi khả năng thể hiện cảm xúc của cô khiến cho khán giả không thể không day dứt cùng nhân vật. Toru, nhân vật trung tâm của bộ phim cũng được thể hiện xuất sắc qua diễn xuất của Kenichi Matsuyama. Anh đã để cho người xem thấy được hình ảnh của một thanh niên thập kỷ sáu mươi, với ánh mắt hoang mang, với sự mất mát của tâm hồn, nỗi cô đơn cá nhân giữa những sinh viên quá khích xung quanh mình, và nỗi đau đớn bật lên thành tiếng gào khi mất đi người mình yêu dấu. Ngoài ra, cá nhân người viết bài này rất ấn tượng với diễn xuất của Eriko Hatsune trong vai Hatsumi. Dù trong phim nhân vật này chỉ xuất hiện rất ít, nhưng cô đã thực sự tỏa sáng trong những cảnh quay dành cho riêng mình với phong thái lịch thiệp, nhã nhặn, khuôn mặt và ánh mắt toát lên nỗi đau khổ và hạnh phúc đan lồng. Tuy vậy, có thể nhân vật Midori do nữ diễn viên trẻ Kiko Mizuhara đảm nhận sẽ không thực sự làm người hâm mộ cuốn sách của Murakami Haruki thỏa lòng. Mizuhara đã diễn tả được vẻ đẹp tươi trẻ, trái tim lưu giữ tình yêu trong sáng, thậm chí vẫn dùng ngôn ngữ đối thoại y hệt như tác phẩm văn học, nhưng cô vẫn là Midori của Trần Anh Hùng, với phong cách diễn xuất kìm nén có thể sẽ gợi cho bạn về các nhân vật nữ chính trong những bộ phim khác của anh hơn là nhân vật đầy sôi nổi của Murakami.

Dưới sự đạo diễn của Trần Anh Hùng, Rừng Nauy còn là một bộ phim đẹp. Thời gian trong bộ phim của anh kéo dài từ mùa xuân, qua mùa hè, tới mùa đông. Mùa xuân đến khi Naoko vẫn còn bên anh, và rồi mùa hè mang theo Midori, cho dù tất cả lại kết thúc trong mùa đông lạnh giá. Dù là ở mùa nào, thiên nhiên Nhật Bản trong Rừng Nauy vẫn hiện lên với vẻ thanh khiết, gợi cảm, kể cả khi bối cảnh được lựa chọn là những bờ biển hoang vắng, chỉ có đá và nước. Những cảnh quay đan cài về cánh đồng bát ngát, những ngọn cỏ run rẩy, tuyết trắng vừa tạo ấn tượng hình ảnh đẹp và trữ tình cho phim, vừa góp phần thể hiện cho những thế giới tinh thần của nhân vật. Bên cạnh đó, khi xem phim, khán giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng những trang phục lịch thiệp, trang nhã vừa đặc trưng cho thập kỷ 60 của Nhật Bản, vừa vẫn rất hiện đại đủ để mang lại cho người xem cảm giác câu chuyện ấy như đang xảy ra đâu đây.

Với tất cả những nỗ lực vừa để bảo toàn, vừa để biến đổi khỏi tiểu thuyết gốc, Rừng Nauy của Trần Anh Hùng thực sự là một bộ phim đáng xem. Tuy nhiên, sau tất cả, bạn sẽ nhận ra rằng tác phẩm điện ảnh này, dường như cũng có một phần tính chất của tác phẩm văn học, nó rất hợp để bạn thưởng thức khi chỉ có một mình. Và rất có thể, khi nghe Naoko nói: “Con người ta chỉ nên quay đi quay lại giữa 18 và 19 tuổi… như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn” hay khi bài hát Norwegian wood cất lên, bạn chợt nhận ra rằng mắt mình đã nhòa lệ, không phải vì Toru, Naoko, Reiko hay Hatsumi mà vì tâm hồn của chính bạn.
link nguồn

DOWNLOAD
https://www.fshare.vn/file/IHJWD5S1DH
------------------------------------------------------------------

Vertical Ray of the Sun (2000)
Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng

gtdvtvf4d3s2q72zg.jpg


Mùa hè chiều thẳng đứng – màu sắc và hình thể: Bước qua nét bạo lực nhuốm máu của Xích lô, Trần Anh Hùng quay lại câu chuyện gia đình để xây dựng nội dung Mùa hè chiều thẳng đứng. Một câu chuyện không có chuyện xảy ra trong gia đình trung lưu ở Hà Nội, với vẻ thanh bình bề ngoài nhưng lại dung chứa khoảng xoáy sôi động bậc nhất trong thời gian đời người: tuổi trẻ, tình ái và sự suy tư. Vẻ thanh bình gắn với cuộc sống nhàn nhạt của bốn chị em: Sương, Khanh, Hải và Liên. Họ gắn tất cả lo toan, bận tâm của mình vào những công việc lặt vặt thường ngày: nấu cơm, bán café, tán chuyện. Trong khi đó, khoảng xoáy, những biến động lại gắn với tình yêu và sự suy tư. Chồng Sương là họa sĩ, chồng Khanh là nhà văn. Cả hai thích suy tư và đối thoại, biến căn nhà thành một salon văn nghệ.
Những cung bậc tình yêu được nhấn vào nét trầm bổng, sôi động hay lặng ngắt của chuyện ngoại tình. Sương ngoại tình, đắm say với một thương nhân Sài Gòn. Quốc, chồng Sương theo đuổi một phụ nữ vùng biển. Kiên, chồng Khanh, trong một lần đi công tác cũng bộc lộ những ham muốn dục vọng. Những con người này, đặc biệt là Sương và Quốc đã không chịu dừng lại ở vòng tròn gia đình, tìm đến một tình cảm khác như tìm sự giải thoát.

Cả gia đình trung lưu đó bắt đầu mỗi ngày mới bằng nhịp điệu chậm rãi lan tỏa từ căn phòng của hai anh em Hải, Liên. Thực ra, toàn bộ Mùa hè chiều thẳng đứng là một nhịp điệu chậm, nó được tích tụ từ rất lâu trong đời sống Hà thành thuở xưa. Trong đời sống hiện đại, nó không tách biệt ra, nhất là với kiểu gia đình trung lưu coi trọng sự yên ổn, ghét thay đổi. Cho nên, với Mùa hè chiều thẳng đứng, người xem có cơ hội được nhìn thấy gương mặt tinh thần của Hà Nội trang nhã, thanh lịch nhiều hoài niệm trong văn chương hay âm nhạc. Chỉ khi những khoảng xoáy bùng phát, người xem mới hiểu Hà Nội đã biến chuyển ít nhiều, mà sự biến chuyển ấy, đáng suy ngẫm thay, lại xẩy ra ngấm ngầm trong tâm thức con người. Ở đây, có thể nói, Mùa hè chiều thẳng đứng đã tạo ra cái phẩm tính “nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ” (Trần Anh Hùng). Khán giả, bằng bản lĩnh và kinh nghiệm của mình phải truy đuổi tận cùng ngôn ngữ điện ảnh mà phim tạo dựng để khám phá ra mặt nạ đó.

Điểm nổi bật của phim chính là từ ngôn ngữ điện ảnh vốn là cuộc hôn phối giữa màu sắc và ánh sáng, Trần Anh Hùng đã cải biến nó, một cách hiện đại và tinh tế thành ngôn ngữ cơ thể và hội họa. Ngôn ngữ cơ thể trước hết, hiện diện trong tất cả các góc quay cận cảnh. Điều dễ nhận ra, hầu hết các góc quay ở bộ phim này đều quay cận cảnh. Nó dựng nên những chân dung sống động và chân thật về khuôn mặt, hình dáng của nhân vật. Ngay ở các đối thoại, phim cũng chỉ nắm bắt thần thái khuôn mặt, ánh mắt, đôi môi… Cảm xúc về tạo hình, vì thế, chế ngự người xem hơn là nội dung cuộc đối thoại đó.

Các nhân vật nữ biểu hiện rõ hơn ngôn ngữ cơ thể. Các nhân vật nữ đều rất đẹp. Cận cảnh làn da, đôi bàn tay, khuôn miệng của họ… tạo nên luồng cảm xúc riêng biệt và gần như thiêng liêng. Để rồi, ta hiểu rằng, đằng sau vẻ nữ tính ấy, là tính cách ham mê được ẩn giấu, là những khát khao tình ái mạnh mẽ không ngừng.

Ngôn ngữ hội họa lại phô bày bởi màu sắc và nghệ thuật sắp đặt. Màu sắc là một sáng tạo độc đáo của Mùa hè chiều thẳng đứng. Màu sắc đậm, nổi bật với các gam màu nổi bật trắng – đỏ- xanh dường như là một nhân vật hiện hữu trong phim. Màu sắc là cách mà đạo diễn đặc tả tính cách và những biến thái trong tình cảm con người. Chẳng hạn, cảnh Sương cùng người tình ân ái, màu đỏ là màu chủ đạo – ẩn dụ về những ham muốn bùng cháy. Cảnh mỗi ban mai, màu xanh nổi bật – sự thanh bình tinh khiết. Cảnh Liên gặp gỡ người yêu, màu trắng tinh khôi… Màu sắc được phối như trong một bức tranh lớn, đa diện. Thưởng thức Mùa hè chiều thẳng đứng là thưởng thức trọn vẹn cảm xúc hội họa. Đấy là cách, không phải bằng lời nói, Trần Anh Hùng muốn phác thảo nhịp điệu bất tận của tình yêu, cuộc sống và tuổi trẻ. Như một mũi tên rời khỏi vùng ánh sáng, mỗi sắc màu được ghim vào tâm trí người xem, thúc giục ở họ năng lực khám phá bản thân và đời sống xung quanh..

Nghệ thuật sắp đặt chi phối cách thức dựng cảnh. Mỗi cảnh đều được đạo diễn chăm chú bài trí đồ vật, đạo cụ… để có những khung hình ấn tượng. Căn phòng của anh em Hải, Liên được treo rất nhiều tranh; khu vườn gia đình được sắp đặt rất nhiều vật dụng có màu sắc tương phản. Ngay cả cảnh cơn mưa, đạo diễn còn để nhân vật mặc áo mưa đẫm màu sắc như một điểm nhấn sinh động của sức sống mùa hạ. Nghệ thuật sắp đặt cũng chi phối cả cách diễn của diễn viên. Cảnh ba chị em chụm đầu vào nhau, cảnh từng khuôn mặt đàn ông thoáng xuất hiện với cặp kính đen bí ẩn trong quán café; khuôn mặt người phụ nữ nhòe nhoẹt sắc tối sắc đỏ trong khách sạn khi Kiên đến… đều lưu dấu sự gia công sắp đặt, tạo đường nét, gợi không gian, nhắc nhở những ấn tượng thị giác trước tiên. Điều đó, với điện ảnh truyền thống duy lí, tôn trọng nội dung câu chuyện, sẽ không bao giờ có. Phong cách đương đại của Trần Anh Hùng là vậy.

Nếu ở Xích lô, hiện thực im lặng là một ám ảnh thì ở Mùa hè chiều thẳng đứng, đam mê dục vọng, đam mê cô đơn, nỗi buồn… có sức nặng của tảng đá khổng lồ vô hình đè nặng lên mỗi người. Quốc, người họa sĩ từng vẽ bao khuôn mặt người lại muốn tìm về thiên nhiên, thoát khỏi bụi bặm thị thành. Kiên đi tìm chi tiết về đời tư bố mẹ vợ để hoàn thiện cuốn tiểu thuyết, thực ra là đi tìm chính mình, tìm cái bản thể còn bị phong kín. Cả Quốc và Kiên, trong nghệ thuật chỉ là con người suy tưởng. Họ phải đụng độ với cảm giác lưng chừng nhàn nhạt nơi gia đình, mà điều này, với người nghệ sĩ sẽ là tai họa. Phim mở đầu bằng ngày giỗ mẹ, kết thúc bằng sự không phân biệt được của anh em Hải, Liên về ngày sinh hay ngày giỗ người đã khuất. Con người thực sự bí ẩn và như một mặt nạ, luôn che giấu sự thật. Rất ẩn ý, đạo diễn để trong căn phòng của Hải, Liên một bức tranh trừu tượng với câu hỏi “chúng ta là gì ?”. Có lẽ, đó là cách mà bộ phim sẽ đi tới chiều sâu thức tỉnh khi diễn đạt tất cả sự thật về con người. Sống, ngay cả khi nắm bắt được toàn bộ khuôn mặt của nó, con người vẫn không nguôi cần thức tỉnh.
[*] Thông tin về phim: Kịch bản và đạo diễn: Trần Anh Hùng; Diễn viên: Nguyễn Như Quỳnh, Lê Khanh, Trần Nữ Yên Khê,Ngô Quang Hải, Trần Mạnh Cường… Âm nhạc: Tôn Thất Tiết.

DOWNLOAD
https://www.fshare.vn/file/HBV74LHARPXB
----------------------------------------------------------------------

I Come With the Rain (2008)
Và Anh Đến Trong Cơn Mưa
1adr95f5dmhombbzg.jpg


Phim này có sự góp mặt của diễn viên gạo cội hàng đầu của hàn Quốc là Lee Byung Hun và khá nhiều cảnh nóng của Trần Nữ Yên Khê. Tuy nhiên mình không thích phim này lắm nhưng vẫn post lên đây cho những ai chưa xem. Và các bạn cẩn thận nhé, vì nó cũng khá kinh dị đấy!
Tên phim: Và Anh Đến Trong Cơn Mưa
Đạo diễn: Trần Anh Hùng
Diễn viên: Josh Hartnett, Lee Byung Hun, Takyua Kimura, Trần Nữ Yên Khê
Nhà sản xuất: Central Films, Lumière International, TF1 International
Thời lượng: 114 phút
Năm sản xuất: 2008
Bộ phim kết hợp hai thể loại hình sự và kinh dị. Viên cựu cảnh sát Los Angeles, Kline (Josh Hartnett) bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi những tội ác của tên sát nhân bệnh hoạn, phải bỏ nhiệm sở và trở thành một thám tử tư. Anh được thuê sang Philippines tìm Shitao (Kimura đóng) - con trai một tỉ phú đầy quyền lực bất ngờ mất tích. Kline lần theo dấu vết tới Hong Kong và gặp lại người đồng nghiệp cũ (Dư Văn Lạc) và cặp gangster Su Dongpo (Lee Byung Hun) cùng người tình (Trần Nữ Yên Khê)...
I Come With the Rain do Trần Anh Hùng - đạo diễn mang hai dòng máu Việt - Pháp thực hiện. Anh từng nổi tiếng với phim Mùi đu đủ xanh và đang được đón đợi với phim Norwegian Wood (Rừng Nauy) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki.

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Bác BuiAn viết review càng ngày càng hay.
Thanks bác.
Em coi mấy bài review phim này rồi nhưng chưa có dịp xem.
 

anhdat@

Well-Known Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Phim hay như vậy mà tại sao bị cấm chiếu nhỉ? không hiểu nổi!
 

farrell

Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Phim hay một phần quan trọng cũng do người viêt kịch bản nữa chứ, sao trước giờ toàn thấy khen đạo diễn, diễn viên chứ không thấy khen người viết kịch ban
 

dntt

Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Có ai biết lý do bộ phim này bị cấm chiếu ở VN không nhỉ? Phim không mang yếu tố chính trị, đoạt giải LHP Venice đương nhiên không phải một phim tồi?
 

lu05

Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Có ai biết lý do bộ phim này bị cấm chiếu ở VN không nhỉ? Phim không mang yếu tố chính trị, đoạt giải LHP Venice đương nhiên không phải một phim tồi?

Chắc tại nó trần trụi quá
 
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

BĐCL tuổi gì so với phim này :)

Mình đã xem bản DVD của Cyclo và trên youtube phim BĐCL, theo mình cũng khó mà so sánh được vì không cùng phân hạng,
1 số bạn sẽ muốn xem BĐCL hơn vì nó dễ xem, còn Cyclo thì chưa chắc ai cũng ngồi xem từ đầu đến hết. Như là so sánh báo CA Tp với Thời báo kinh tế SG vậy. Nhưng quả thật nếu có thời gian thì Cyclo hay quá. Ah Bác chủ ơi, Bác chủ có tìm hiểu xem giúp được tại sao Trần Anh Hùng mời được Lương Triều Vỹ đóng phim này không ạ? Em xem mà cứ thắc mắc mãi, cơ duyên nào mà cả 02 lại "đến với nhau" qua tác phẩm xuất sắc này.
 

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Ah Bác chủ ơi, Bác chủ có tìm hiểu xem giúp được tại sao Trần Anh Hùng mời được Lương Triều Vỹ đóng phim này không ạ? Em xem mà cứ thắc mắc mãi, cơ duyên nào mà cả 02 lại "đến với nhau" qua tác phẩm xuất sắc này.

chuyện Trần Anh Hùng mời được Lương Triều Vỹ không có gì lạ, vì đây là một đạo diễn rất giỏi, có sức thu hút, làm việc chuyên nghiệp, thêm nữa là Việt Nam thời đó sau chiến tranh cũng là một cái tên hot.

Không chỉ Lương Triều Vỹ, Trần Anh Hùng còn mới được Josh Hartnett và diễn viên gạo cội của Hàn Quốc Lee Byung Hyun (I Saw the Devil, G.I.Joe...) đóng trong bộ phim I come with the rain (2009) của ông

Thuyết phục được nhà văn Haruki Murakami chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Rừng Nauy thành phim. Haruki rất khó tính, trước đó Haruki đã từ chối rất nhiều đạo diễn danh tiếng nhưng lại bị thuyết phục sau khi xem những phim của Trần Anh Hùng.
 
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Hồi trước xem qua youtube, cũng khoảng 6 7 năm gì rồi, cho đến giờ vẫn thắc mắc thằng đại ca này sao nó đi nhái phong cách lương triều vỹ, từ mái tóc, gương mặt phớt đời, cách ngậm thuốc, và đôi mắt biết nói. Nhưng chưa bao giờ nghĩ là lương triều vỹ thật. Giờ đọc bài này mới biết luôn. Để bữa nào mạng ổn down lại coi. Mấy bữa nay youtube còn không vô được
 
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

chuyện Trần Anh Hùng mời được Lương Triều Vỹ không có gì lạ, vì đây là một đạo diễn rất giỏi, có sức thu hút, làm việc chuyên nghiệp, thêm nữa là Việt Nam thời đó sau chiến tranh cũng là một cái tên hot.

Không chỉ Lương Triều Vỹ, Trần Anh Hùng còn mới được Josh Hartnett và diễn viên gạo cội của Hàn Quốc Lee Byung Hyun (I Saw the Devil, G.I.Joe...) đóng trong bộ phim I come with the rain (2009) của ông

Thuyết phục được nhà văn Haruki Murakami chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Rừng Nauy thành phim. Haruki rất khó tính, trước đó Haruki đã từ chối rất nhiều đạo diễn danh tiếng nhưng lại bị thuyết phục sau khi xem những phim của Trần Anh Hùng.

Cảm ơn bác chủ nhiều! Chúc bác chủ năm mới Vui nhiều hơn... và gia đình tràn đầy sức khoẻ để có nhiều bài review hơn nữa. Trân trọng!
 

cancer571994

New Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

" Có việt sub không bác "
 

-[Y]2[K]-

Active Member
chưa xem mà thấy xấu hổ cho bộ phận quản lí đần độn của nước nhà, phim đoạt giải tè le mà ko đc đem ra cho chiếu, tối ngày chiếu mấy cái giẻ rách vớ vẩn hé lô cô ba ...
 

lvy

Member
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

năm 2007 đi học đại học có chuyến thực tập miền Nam , không ngờ chú phụ xe cho lớp mình lại là chú Lộc này và được biết tới phim Xích lô , thế là cả lớp mua liền cái DVD ngồi xem , và phải nói vào thời đó phim XÍch lô hay không ngờ , xem xong có một cái gì đó buồn buồn không nói được.Nói chung một phim cực kì đáng xem của điện ảnh Việt :)
 
Ðề: Cyclo (1995) – Bi thương những điêu tàn, những linh hồn, những hiện thực tàn khốc

Ái cha, Lương Triều vỹ đóng vai thằng đại ca, hiii
Giờ mới biết, thảo nào nhìn gióng gióng.
 
Bên trên