American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Bước vào một cuộc chiến, ai cũng muốn làm anh hùng không ai muốn làm người thường, ra chiến trường đòm phát chết. Nhưng thực tế anh hùng chẳng có mấy và thế nào gọi là anh hùng trong một cuộc chiến cũng chỉ là một định nghĩa tương đối, anh hùng với người này, phía này nhưng lại là kẻ sát nhân tàn bạo với người kia, phía kia. Hãy làm một anh hùng nếu bạn có thể và hãy dũng cảm đón nhận những thứ khắc nghiệt đớn đau khi bước chân vào cuộc chiến, anh hùng không phải là một danh xưng, không phải là sự tưởng thưởng, nó là cái giá mà bạn phải nhận lấy, dù muốn hay không.

attachment.php


Chính nghĩa hay phi nghĩa?
American Sniper khắc họa một tay súng bắn tỉa “huyền thoại” của Hải quân Mỹ với 4 lần tham chiến ở Trung Đông. Câu chuyện phim chậm rãi đưa người xem qua từng thời khắc khác nhau của Kyle, từ thửa nhỏ, thiếu niên, rồi gia nhập quân đội, rồi tham chiến. Từng khoảnh khắc bắt đầu nhẹ nhàng như những nét thanh trên trang giấy trắng và thêm một nét đậm mạnh mẽ ở phát súng bắn tỉa đầu tiên.

attachment.php

Chính nghĩa hay phi nghĩa? Chúng ta nhân danh cái gì để giết người, chúng ta dựa vào điều gì để ve vuốt linh hồn rằng ta đang làm điều đúng. Hãy nhớ lại câu chuyện của nhà Phật, “mục đích biện minh cho hành động”, nếu giết một người mà có thể cứu hàng ngàn, hàng vạn người thì việc giết người cũng là nên làm. Ở cuộc chiến, ở tâm hồn Kyle, sự giằng xé giữa đúng và sai hiển hiện trong phát súng đầu tiên. Giết phụ nữ và trẻ con chưa bao giờ được hoan nghênh, nhưng để bảo vệ đồng đội mình liệu còn cách nào khác. Hãy tự phân xử đúng sai và lương tâm sẽ cân nhắc chuyện sai đúng.


Nỗi buồn chiến tranh
Kyle bước vào cuộc chiến khi cuộc sống gia đình của anh mới bắt đầu, bỏ lại vợ và con thơ để lên đường làm nhiệm vụ với tổ quốc. Khi trở về, anh dường như để lại một phần linh hồn mình nơi đó, nơi những đồng đội anh đã trải qua, đã ngã xuống, đã vĩnh viễn nằm lại. Nỗi buồn chiến tranh, hội chứng chiến tranh là điều mà không một chiến binh nào tránh được.

attachment.php

Một vết dao rạch mạnh vào tâm hồn thì dù có lành lại vẫn còn những vết sẹo không bao giờ mất đi, như một minh chứng cho sự dằn xé. Hòa nhập chỉ là một từ ngữ tượng hình nhiều nghĩa, những người lính không bao giờ trở lại như xưa. Hãy cảm nhận và thổn thức với những điều ấy cùng với người vợ của Kyle, người đã hy sinh cả tuổi xuân và quá nữa cuộc đời mình và nhận được không nhiều hạnh phúc, thậm chí đến khi mọi thứ tưởng đã bình yên lại trở nên buồn thảm hơn bao giờ hết.

Một cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi, không nhiều cao trào, một vài phân đoạn kịch tính đưa cảm xúc của người xem lên cao rồi lặng lẽ trở lại, như những con sóng cuộn nhẹ, đôi lúc chạm đến trái tim người xem. Có thể, so với những phim chiến tranh nhiều cháy nổ, American Sniper gây buồn ngủ và chán hơn hẳn khi thiếu đi những trường đoạn khốc liệt giữa chiến trường. Phim tập trung miêu tả và thể hiện tâm lý của người lính và những người thân xung quanh, về những thay đổi, những mất mát nhiều hơn.


Liệu có phải anh hùng?
Ai sẽ được gọi là anh hùng trong chiến tranh, một vị tướng thắng trận, một chiến binh dũng mãnh, một đơn vị bách chiến bách thắng hay là những người lập chiến công vang dội. Những tranh cãi sẽ nổ ra và người này người kia sẽ không thừa nhận hoặc có những tiêu chuẩn khác nhau về một anh hùng.

attachment.php

Giống như bao đơn vị khác trong cuộc chiến, một mắt xích dù là nhỏ cũng rất quan trọng đối với cả một guồng máy, ai cũng có thể góp phần thay đổi cán cân của cuộc chiến. Lính bắn tỉa là một đơn vị đặc biệt, họ là những người không trực tiếp làm nên những chiến thắng như bộ binh, không quân hay biệt kích. Lính bắn tỉa bảo vệ cho đồng đội, họ núp ở nơi người ta không biết được và lấy đi mạng sống của kẻ thù một cách nhanh gọn nhất. Lính bắn tỉa còn có thể tạo nên niềm tin cho đồng đội và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối phương.

Michael Moore, nhà làm phim từng thắng giải Oscar Phim tài liệu xuất sắc nhất, đã gay gắt “các tay bắn tỉa là những kẻ hèn nhát. Họ bắn bạn từ sau lưng. Lính bắn tỉa không phải là người hùng, và những kẻ đi xâm lược thậm chí còn tồi tệ hơn." Điều đó cho thấy, anh hùng cũng không phải là với tất cả. Và cuộc tranh cãi thế nào là anh hùng, ai là anh hùng sẽ không bao giờ có hồi kết. Mỗi chúng ta, hãy tìm một anh hùng cho mình, những người còn lại thì là người thường. Lính bắn tỉa sẽ vẫn là lính bắn tỉa, anh hùng vẫn là anh hùng.



Ai cũng chỉ có một cuộc đời
Hãy phóng tầm mắt ra xa, nhìn vào kẻ đối địch với Kyle, một tay súng bắn tỉa cũng tài năng không kém. Cuộc chiến giữa hai tay súng này khiến ta nhớ lại cuộc chiến của hai “huyền thoại” bắn tỉa Liên Xô và Đức trong bộ phim Enemy at the Gates (Kẻ thù trước cổng). Tay súng người Iraq kia cũng có một cuộc đời, một gia đình phải chăm lo, một đất nước để mình cống hiến. Và bất cứ ai, bất cứ người lính nào cũng đều như thế, đều có lý tưởng của riêng mình và làm mọi thứ có thể cho niềm tin ấy.

attachment.php

Phim mang đến một cái nhìn thực tế, một chút thông cảm về số phận của những con người ở những phía khác nhau. Ai cũng muốn sống, nhưng đôi khi để sống thì phải giết, nếu không giết sẽ bị giết. Những cuộc đời, những số phận phải tự vùng vẫy để thoát ra cơn lốc chiến tranh tàn bạo. Ai cũng có một cuộc đời, hãy sống sao cho đáng với cuộc đời mình, còn lại hãy để lịch sử phán xét.


Vẫn còn thiếu chiều sâu
Như bao phim khác, phim này vẫn nêu cao “chủ nghĩa anh hùng Mỹ” khi xây dựng hình tượng người lính mạnh mẽ, vì đồng đội, kỷ luật cao, chiến đấu tốt. Nhưng phim vẫn còn thiếu chiều sâu một chút khi chưa có được những đoạn cao trào về tâm lý hay những xung đột mạnh mẽ.

attachment.php

Gần như không có chi tiết nào đắt giá khắc họa được nội tâm của nhân vật, cùng với đó là nhiều khung hình bắt lấy những cảnh sinh hoạt đời thường hơi khô khan và ít cảm xúc. Những dày vò trong nội tâm của Kyle cũng không được thể hiện nhiều và câu chuyện phim hơi dàn trải đều đều khiến cho cảm xúc chưa được cô đọng. Bradley Cooper diễn khá tốt nhưng chưa thực sự gây ấn tượng mạnh, đôi khi có cảm giác vẫn còn thiếu thiếu một điều gì đó.


Kết
Dẫu sao, thế giới vẫn cần những anh hùng, dù tranh cãi thì những cá nhân kiệt xuất vẫn là những người góp phần làm thay đổi thế giới, thay đổi cuộc chiến hoặc nhỏ hơn là trong một trận đánh. American Sniper không phải là một phim quá xuất sắc nhưng nó thể hiện khá rõ nét hình ảnh người lính bắn tỉa và những góc nhìn đặc biệt về số phận của những con người trong cuộc chiến. Ở đâu đó, khi cuộc chiến nổ ra, chúng ta phải đứng lên và cố gắng không gục ngã.

 

vuvuhongson56

Active Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Phim này được quảng cáo nhiều,tuy nhiên khi xem theo quan điểm cá nhân không được như kỳ vọng lý do đúng như bác phân tích.Bộ phim mang màu sắc của phim phóng sự nhiều hơn
 

nqt0045

Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

phim theo cảm nhận của mình là khá hay. rất giống với bình luận của bác Bùi An. và rất tiếc cho sự ra đi lãng nhách của 1 hero như thế, nhưng nếu như ko ra đi như thế chắc anh cũng ko đc làm thành phim, 1 bộ phim để tưởng nhớ 1 ng hùng
 

ngdinhluat

Well-Known Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Đồng ý là phim không có cao trào nhưng có nhiều đoạn rất đắt
1, Đoạn Chris ngắm bắn đứa trẻ qua ống ngắm. 1 mạng người trên đầu súng, thể hiện sự bất lực dằn vạt của người lính bắn tỉa.

2, Chris trở lại chiến trường với day dứt về đồng đội. (mỗi lần quay lại chiến trường đều mang sắc thái khác nhau, tâm lý người lính Mỹ bị vụn vỡ dần và đến cuối cuộc chiến là nỗi đau không thể phục hồi)

3, Chris trở về nhà không dám gặp gia đình.

4, Phút tiễn biệt, hình ảnh người cựu chiến binh cụt chân vẫy cờ khi đoàn xe tang đi qua làm mình cảm động muốn khóc, cả đoạn gõ những chiếc huy hiệu kín mặt quan tài chứng nhận cho những "kẻ thù" mà anh đã giết, những đồng đội được anh cứu sống... tất cả trong tiếng kèn đồng rất day dứt.
 

michealhn

Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

. Lính bắn tỉa bảo vệ cho đồng đội, họ núp ở nơi người ta không biết được và lấy đi mạng sống của kẻ thù một cách nhanh gọn nhất. Lính bắn tỉa còn có thể tạo nên niềm tin cho đồng đội và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối phương.

Trích review của bác BuiAn thì sniper đối với ai ko cần biết, nhưng đối với đồng đội của họ, họ được xem là người hùng vì bảo vệ đồng đội từ xa. Nếu chúng ta được đặt trong tình huống những bộ binh đi khám xét từng ngôi nhà, bỗng nghe "chéo" 1 tiếng mà khả năng chết tới 90% chứ không có phục hồi lại như trong game CF thì mới hiểu tầm quan trọng của sniper như thế nào. Trong chiến tranh thì ko ai cấm sniper hoạt động cả, thậm chí trong phim đối phương vẫn có tay bắn tỉa. Sự hữu dụng của sniper đã được khẳng định từ WW2, sniper của 2 phe LX và phát xít Đức đấu nhau, họ có thể gây ám ảnh cho bộ binh đối phương, tiêu diệt chỉ huy dễ nhất trong các cách.
 

mib1986

New Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Vác súng đạn sang nc khác, bắn giết cả phụ nữ trẻ em mà anh hùng? Mình thấy thằng sniper của rebel nó chiến đấu cho dân nó, đáng tôn làm anh hùng gấp vạn lần
 
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

ý kiến riêng của mình thì phim này tuy không phải là rất hay, nhưng cũng rất đáng để xem rồi.
Rất đồng ý nhiều điểm trong review và ý kiến cá nhân của mình trả lời cho câu hỏi "liệu có phải là anh hùng?" thì câu trả lời là Có. đó là anh hùng của người Mỹ.
 

ngdinhluat

Well-Known Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Vác súng đạn sang nc khác, bắn giết cả phụ nữ trẻ em mà anh hùng? Mình thấy thằng sniper của rebel nó chiến đấu cho dân nó, đáng tôn làm anh hùng gấp vạn lần

Nó là lính đánh thuê ông ơi
 

nvanmanh

Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Em đã xem qua bộ phim, có lẽ thử duy nhất giúp nó có mặt trong đề cử Oscar là vì phim đề cao "chủ nghĩa anh hùng Mỹ".
 
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Không rõ tại sao nhưng vô tình coi phim này trên FPTplay, nhưng thực sự ấn tượng với phim này ( trước đấy chưa coi phim bắn tỉa nào). Cách kể chuyện đều đều, không cao trào, nhưng giống đời thường, không cảm xúc quá, không màu mè quá, nhưng đó mới là con người, mới là chiến tranh thật.
Trong phim, Kyle cũng không xem mình là anh hùng, em trai của Kyle nguyền rủa cuộc chiến, nhưng Kyle chiến đấu cho những người đấy.
Còn bên kia chiến tuyến, cái mà trong phim gọi là kẻ thù, cũng như bên này, cũng là một vận động viên giỏi, cũng được dùng làm công cụ cho chiến tranh, cũng chiến đấu để bảo vệ mục đích của mình.
Kyle bị kẹt giữa ranh giới người lính và người đàn ông của gia đình, nhưng những người khác cũng kẹt giữa những ranh giới khác, đấy chính là cái giá phải trả khi đã lỡ làm con người. Mình thích thế.
Và cũng lâu lắm rồi mình xem phim nhưng không xác định được đó là phim hư cấu hay là phim theo sự kiện có thật, xem phim xong phải tra google để xác minh thông tin.
Còn cái chết của anh, ban đầu mình thấy tiếc, nhưng sau lại thấy bình thường, cái giá khi phải làm con người, sinh ly tử biệt chả ai dàn dựng, đoán trước được.
 

evildragon15

New Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

người thắng viết nên lịch sử :-":-"
 

trinhsong

New Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Em đã xem qua bộ phim, có lẽ thử duy nhất giúp nó có mặt trong đề cử Oscar là vì phim đề cao "chủ nghĩa anh hùng Mỹ".

E đồng ý với bác. Tâm lý không mấy dằn vặt sau những cảnh bắn giết.
 

vuvuhongson56

Active Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Bàn thêm về đề tài phim bắn tỉa, cá nhân thấy không phim nào qua được "kẻ thù trước cổng"
 

Stormhdvn

Well-Known Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Vác súng đạn sang nc khác, bắn giết cả phụ nữ trẻ em mà anh hùng? Mình thấy thằng sniper của rebel nó chiến đấu cho dân nó, đáng tôn làm anh hùng gấp vạn lần

Thế tụi hồi giáo nó huấn luyện trẻ em đánh bom tự sát chắc tốt lắm , nó ko chết thì mình chết có vậy thôi
 
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

phim hay, đề cao anh hùng Mẽo, rất thích các phim khắc họa tâm lý phức tạp của người lính trong và sau chiến tranh của Clint Eastwood.
Bradley Cooper diễn tốt nhưng làm sao đến mức nhận đề cử Oscar, thấy Jake Gyllenhaal trong Nightcrawler hay hơn nhiều mà ko được đề cử.
 

ngdinhluat

Well-Known Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

để giành Oscar cần nhiều yếu tố ngoài chuyên môn lắm :3
Viện Hàn lâm nát chẳng kém FIFA đâu. Trừ khi quá nổi bật để chiến thắng tuyệt đối, không thì phải vận động chẳng kém tranh cử tổng thống Mỹ.
 

DanielTran

Well-Known Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Đồng ý là phim không có cao trào nhưng có nhiều đoạn rất đắt
1, Đoạn Chris ngắm bắn đứa trẻ qua ống ngắm. 1 mạng người trên đầu súng, thể hiện sự bất lực dằn vạt của người lính bắn tỉa.

Những chi tiết bác dẫn ra rất hay. Mình xin bổ sung là chi tiết này được nhấn nhá rất nhiều. Ví dụ trước khi cho khán giả biết là cậu bé có bị bắn không, thì phim chuyển cảnh để giới thiệu về thời thơ ấu của nhân vật. Đây cũng là lý giải cho phần sau khi chúng ta không thấy nhân vật ám ảnh quá nhiều sau mỗi phát đạn.

Ở đoạn sau, lại có cảnh một cậu bé khác chạy đến nhặt khẩu súng lên. Nhân vật chính đã đặt tay trên cò súng và hết sức căng thẳng, liên tục lầm bầm ra tiếng để mong cậu bé buông súng xuống. Khi cậu bé vứt súng chạy đi thì anh ta thở phào, và khán giả là mình cũng thở phào! Biên tập đoạn này rất hay, cứ tưởng chỉ trong một sát na nữa thôi là cậu bé đã ký án tử hình cho chính nó.

Trên kia có bình luận tại sao lại bắn vào phụ nữ và trẻ em? Bộ phim đã chuẩn bị rất kỹ để giải thích điều này. Rõ ràng khi một bên yếu hơn trong cuộc chiến tranh, họ bắt buộc phải sử dụng những hình thức chiến tranh không theo quy ước, đó là đưa phụ nữ và trẻ em vào cuộc chiến, để lợi dụng lòng nhân từ của đối phương, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của đối phương, lợi dụng một giây phút thiếu quyết đoán của đối phương, để giành một thắng lợi.

Có ai đó đã nói, chiến tranh là cuộc đấu trí của những kẻ biết rõ nhau nhưng không giết nhau, sử dụng những kẻ không biết nhau để giết nhau; rõ ràng chiến thuật không quy ước này của những kẻ lãnh đạo thuộc về bên yếu thế là có thể hiểu được. Tuy nhiên từ cái nhìn của bên thứ ba, của văn minh nhân loại, thì đó là một chiến thuật hèn hạ và mọi rợ. Hèn hạ vì điều đó cho thấy anh đã (biết chắc sẽ) thua trong một cuộc chiến theo quy ước; và mọi rợ vì anh đã lấy chính những người mà đáng lẽ anh phải bảo vệ, biến họ trở thành con tin của đối phương, và chiến thắng của anh nếu có từ việc sử dụng những người phụ nữ và trẻ con đấy, là vì đối phương có tính người hơn anh, hay nói cách khác, anh thắng là vì anh giống với cầm thú hơn là con người.

Do đó chúng ta thấy rằng khi những người phụ nữ và trẻ con kia cầm vũ khí lên, họ đã vứt đi quyền được miễn trừ của người được bảo vệ trong một cuộc chiến tranh quy ước. Mặc dù vậy trước khi nhân vật chính bóp cò, đó là một quá trình đấu tranh nội tâm đầy căng thẳng, và đầy trách nhiệm. Chúng ta cũng thấy qua bộ đàm, cấp chỉ huy trao toàn quyền cho sniper với một chỉ thị chung chung đầy né tránh. Bởi vì nếu anh ta quyết định sai, cấp trên sẽ bỏ rơi, anh ta sẽ phải đối diện với tòa án quân đội, với dư luận xã hội, với gia đình và với lương tâm của chính mình. Điều mà lẽ ra, phía những kẻ đã đẩy người phụ nữ và trẻ con kia ra trận, phải chịu trách nhiệm!

Cũng như vậy chúng ta nhìn thấy người sniper trong phim đầy ám ảnh sau mỗi trận chiến. Đây cũng là căn bệnh tâm lý chung của những người lính từ thế giới văn minh. Không ai thấy những người lính Iraq hay Siri mắc phải căn bệnh này. Đẩy phụ nữ trẻ con ra trận, họ không áy náy! Giết được nhiều kẻ thù không quen biết, họ reo mừng và xem đó là chiến công để đời. Bộ phim không giải thích chính nghĩa thuộc về bên nào. Nhưng chắc chắn quyền khai thác chiến lợi phẩm của bên chiến thắng, không thuộc về tất cả những người đã hy sinh cho cuộc chiến, ở cả hai bên.
 

thich_xem_phim

Active Member
Ðề: American Sniper – Liệu có phải anh hùng?

Thật không thể tin nổi Martin Luther King, 1 kẻ sử dụng chiến thuật “hèn hạ và mọi rợ” giống với cầm thú hơn là con người vì đã lôi kéo lợi dụng trẻ em vào những cuộc biểu tình đấu tranh nguy hiểm với lũ cảnh sát tàn bạo để giành quyền bình đẳng cho người da đen tại Mỹ, lại được giải Nobel Hòa bình. Trong khi bọn “văn minh” ngụy tạo thông tin sau đó đem quân xâm lược quốc gia khác lại không được giải Nobel Hòa bình.
 
Bên trên