Góc nhìn lạ: iPhone đã giúp thế giới xanh hơn, dùng ít năng lượng hơn

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg


Hơn 2 tỷ chiếc điện thoại iPhone được bán ra trên toàn cầu kể từ khi Apple chính thức ra mắt mẫu điện thoại này 12 năm trước. Chúng đã đem lại vô vàn lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác lại có tác động tiêu cực tới môi trường và Trái Đất.

Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của cây bút Andrew McAfee, đăng tải trên chuyên trang công nghệ Wired. VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc.

Việc sản xuất một lượng thiết bị khổng lồ như vậy cần rất nhiều nguyên vật liệu từ kim loại, kính và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Một số nguyên liệu, chẳng hạn như cô-ban, được khai thác hoàn toàn thủ công bằng tay, thậm chí (theo một số báo cáo) là bằng đôi tay của trẻ em tại những quốc gia rất nghèo như Cộng hoà Dân chủ Congo. Số khác, như các nguyên tố đất hiếm, lại đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Một dự án nghiên cứu của Cộng đồng Hoá học châu Âu đã cho thấy "một mối đe doạ nghiêm trọng", rằng nhiều nguyên tố trong số đó sẽ rơi vào tình trạng cạn kiệt trong vòng chưa đến một thế kỷ tới.

Bên cạnh đó, tất cả những chiếc điện thoại này đều cần tới rất nhiều điện năng để hoạt động, và phần lớn nguồn điện này được sản xuất nhờ vào việc đốt các nguồn nhiên liệu hoá thạch trên khắp thế giới. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người dùng điện thoại thông minh dùng nhiều dữ liệu di động trong vòng một năm có thể tiêu thụ lượng điện năng ngang với một chiếc tủ lạnh. "Nền kinh tế số", mà iPhone và các dòng sản phẩm điện thoại thông minh của các hãng khác hiện đang đóng vai trò then chốt, sử dụng khoảng 10% lượng điện năng tiêu thụ của toàn nhân loại. Steve Jobs đã từng khuyên loài người "chỉ nên để lại một dấu vết nhỏ của mình trong vũ trụ", nhưng có vẻ như các thiết bị do công ty của ông khởi xướng đã để lại một dấu vết rất lớn đối với "sức khoẻ" của hành tinh xanh.

Mặc dù vậy, một số thống kê thực tế lại không ủng hộ quan điểm này. Chẳng hạn, tổng lượng điện tiêu thụ tại Mỹ hầu như giữ nguyên trong gần một thập kỷ qua. Trong nhiều thập kỷ trước khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, lượng tiêu thụ nhựa ở Mỹ đã tăng nhanh hơn 50% so với tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế; tuy nhiên kể từ năm 2009, tình hình đã đảo ngược hoàn toàn, khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nhựa dụng nhựa tăng chậm hơn gần 15% so với tốc độ tăng chung của nền kinh tế.

Đối với các tài nguyên thiên nhiên khác, tốc độ tiêu thụ vẫn không chỉ giảm mà thậm chí còn xuống con số âm. Từ năm này qua năm khác, nước Mỹ đang ngày càng tiêu thụ ít các kim loại thép, đồng, vàng, phân bón, nước, đất trồng, gỗ, giấy, và các toà nhà hơn. Cũng không có nhiều minh chứng cho thấy các thị trường cho rằng sự thiếu hụt nguồn cung các loại nguyên liệu là một tín hiệu xấu; bằng chứng là giá các nguyên tố đất hiếm hiện đang thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó.

Các thay đổi này không phải là hệ quả của toàn cầu hoá hay việc nhập nguyên vật liệu, linh kiện từ các nhà sản xuất, các quốc gia bên ngoài. Mỹ hiện vẫn là "công xưởng" công nghiệp lớn của thế giới, chịu trách nhiệm khoảng 25% tổng sản lượng công nghiệp của nền kinh tế toàn cầu. Vậy chuyện gì đang xảy ra? Nước Mỹ đã thay đổi như thế nào qua thời gian và làm cách nào để học cách dần đối xử "nhẹ nhàng" hơn với Trái Đất?

Steve Cichon, một "phát thanh viên tin tức trên đài phát thanh đã nghỉ hưu, nhà văn, nhà sử học", đã tìm ra câu trả lời vào năm 2014, khi ông quyết định bỏ ra 3 USD để mua một xấp báo Buffalo News cũ. Ở mặt sau của số báo ra ngày 16 tháng 2 năm 1991 là một mẩu quảng cáo từ nhà bán lẻ thiết bị điện tử Radio Shack. Cichon nhận thấy có một thông tin rất thú vị từ mẩu quảng cáo này: "Chúng tôi có 15 đồ dùng điện tử thông dụng ở đây… 13/15 trong số đó thường xuyên xuất hiện trong túi quần của bạn."

Những món đồ "tiêu dùng thông dụng" này sau đó đã biến mất để nhường chỗ cho một thiết bị duy nhất: iPhone, bao gồm máy tính bỏ túi, máy quay cầm tay, đồng hồ, radio, điện thoại di động, và máy ghi âm. Và mặc dù đoạn quảng cáo không nhắc đến la bàn, máy ảnh, máy đo khí áp, máy đo độ cao, gia tốc kế, hay thiết bị định vị toàn cầu GPS, thì những thiết bị này cũng đều đã được tích hợp vào bên trong iPhone và cả những chiếc smartphone của các hãng khác rồi.

Phát hiện của Cichon cho thấy rằng thật không công bằng khi chỉ nghĩ về những tác động môi trường của việc sản xuất ra 2 tỷ chiếc iPhone, mà chúng ta cần phải nhìn rộng hơn nữa: Có bao nhiêu thiết bị cầm tay đã được sản xuất trong suốt 12 năm trước khi smartphone xuất hiện? Câu trả lời rõ ràng là có nhiều hơn rất nhiều.

Doanh số bán máy ảnh ngắm chụp (point-and-shoot), máy quay cầm tay, phim máy ảnh đã "lao dốc" trong những năm gần đây, nhưng không phải vì con người ngày càng ít quan tâm đến việc chụp ảnh và quay video hơn. Thay vào đó, lý do nằm ở chỗ đã có một thiết bị, được gọi là điện thoại thông minh, xuất hiện, hàm chứa tất cả các tính năng của những thiết bị kể trên và khiến chúng ta ít sắm sửa những món đồ chuyên dụng kia nữa.

Nhưng tại sao lại là bây giờ, ở thời điểm này? Có hai nguyên do chính, đầu tiên là sự phát triển của công nghệ. Những chiếc iPhone phổ biến và mạnh mẽ chính là lá cờ đầu của quá trình này, nhưng các công nghệ giúp "phi vật chất hoá" sản xuất đã và đang len lỏi khắp nơi vào đời sống. Các thiết kế được hỗ trợ và mô phỏng trên máy tính giúp chúng ta sản xuất được những chiếc can bằng nhôm mỏng hơn, những toà nhà sử dụng vật liệu nhẹ hơn, và những chiếc động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Các cảm biến và công nghệ máy học cho phép các thiết bị, vốn trước đây "ngốn" rất nhiều điện năng khi hoạt động, có thể vận hành một cách hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp chính xác cho phép người nông dân gia tăng sản lượng, mà lại vẫn tiết kiệm được đất đai, nguồn nước và phân bón. Những công nghệ này đòi hỏi rất nhiều điện năng để hoạt động (và cả để nghiên cứu ra chúng nữa), tuy nhiên khi được đưa vào ứng dụng, chúng lại cũng giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng cho nền kinh tế. Đó là lý do vì sao lượng điện tiêu thụ ở Hoa Kỳ không có xu hướng tăng, và tổng mức tiêu thụ năng lượng hiếm khi tăng cao hơn so với trước khủng hoảng kinh tế.

Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tốn kém nhiều chi phí đến mức đa phần các công ty đều cố tránh tiêu thụ quá nhiều, ngay cả khi họ cần phải cạnh tranh với các đối thủ. Bên cạnh sự phát triển của công nghệ, nền tư bản cũng là một trong những nguyên do ẩn đằng sau: sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty tư nhân nhằm sản xuất và phân phối sản phẩm và dịch vụ. Nhưng phải chăng sự "khao khát" lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với việc họ sẽ "vắt kiệt" hành tinh này? Không phải như vậy, theo các bằng chứng về mức tiêu thụ tài nguyên và năng lượng.

Tại sao điều này lại xảy ra? Nói ngắn gọn là bởi vì các công ty không muốn chi ra bất kỳ khoản tiền nào không cần thiết – dù sao thì, một đồng tiết kiệm được cũng chính là một đồng thu nhập – đồng thời, sự phát triển của công nghệ cũng cho phép các công ty có thể thoả mãn nhu cầu và nguyện vọng của người tiêu dùng, trong khi vẫn có thể tiết kiệm nguồn tài nguyên tiêu thụ. Kết quả rộng lớn hơn của quá trình này là rằng con người cuối cùng cũng tìm ra được cách để phát triển kinh tế và gia tăng dân số song vẫn giảm thiểu tối đa "dấu ấn" của loài người đối với hành tinh. Nói cách khác, con người đã tìm ra được cách khai thác nhiều hơn từ ít nguyên vật liệu hơn.

Lấy ví dụ với những tấm bìa cứng (bìa các tông). Bất chấp sự lớn mạnh của ngành thương mại điện tử, xuất hiện cùng với sự phát triển của Internet, tổng lượng tiêu thụ bìa các tông tại Mỹ năm 2015 vẫn thấp hơn so với năm 1995. Đúng là ngày càng nhiều hộp các tông được Amazon và các công ty đối thủ sử dụng để giao hàng tới người mua. Song sự cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc các bên đều cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng loại bìa cứng này, mà thay vào đó đầu tư vào các quy trình đóng gói và hậu cần hiện đại hơn. Kết quả của sự đổi mới này là ngày càng ít bìa các tông được tiêu thụ, và thay vào đó là các loại vật liệu khác.

Chủ nghĩa tư bản và các tiến bộ về công nghệ mặc dù đang đạt được những bước tiến và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, song chúng vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được tất cả những thách thức về môi trường đang hiện hữu. Chúng vẫn chưa thể giúp xử lý vấn đề ô nhiễm (trong đó ô nhiễm khí nhà kính là nguy hại nhất), hay bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và các cộng đồng người dễ bị tổn thương. Do đó, xã hội cần thúc đẩy sự ra đời của các chính sách "khôn ngoan" hơn, chẳng hạn như chính sách bảo tồn, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, và "thuế carbon", và các chính phủ cần lắng nghe cũng như triển khai áp dụng trong thực tế. Chúng ta có thể yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Apple phải thiết kế các sản phẩm có độ bền lâu hơn, dễ sửa chữa hơn, nhờ đó mà chúng ta không phải thường xuyên vứt bỏ và tạo ra các loại rác thải công nghệ nữa.

Tuy nhiên, cũng không cần thiết phải lo lắng rằng iPhone hay các thiết bị kĩ thuật số tương đương sẽ để lại quá nhiều tác động môi trường tiêu cực đối với hành tinh xanh. Trên thực tế, chúng lại đang làm điều ngược lại. Điện thoại thông minh đang đưa con người đến với kỷ nguyên Khai Sáng thứ hai – tuy nhiên lần này là một sự "khai sáng" về vật chất, chứ không phải về nhận thức. Trong thế kỷ 21 này, tôi dự đoán rằng kỷ nguyên Khai Sáng này sẽ trải dài từ nước Mỹ và các quốc gia phát triển tới những khu vực nơi người dân có thu nhập thấp hơn trên thế giới, để cuối cùng, loài người có thể xây dựng và duy trì mối quan hệ ổn định và lành mạnh đối với thiên nhiên và Trái Đất.

Theo Vn review​
 
Bên trên