Đánh giá Nokia 800 Tough: yêu lắm, thương lắm!

mrchubby

Chuyên viên tin tức
Với chiến dịch làm mới các sản phẩm Nokia lừng danh một thời, nhưng trong một làn gió thiết kế trẻ trung và hiện đại, HMD đã tiếp tục cho ra mắt bộ đôi điện thoại 2720 Flip and 800 Tough tại kỳ IFA 2019. Kỳ thực chính bộ đôi này đã chiếm lấy ánh hào quang sân khấu trong sự kiện giới thiệu sản phẩm của HMD chứ không phải là những chiếc điện thoại thông minh hiện đã và đang đi vào lối mòn công nghệ.

Nokia 2720 Flip đã sớm có mặt và được bán ra tại Việt Nam chỉ một thời gian ngắn sau thời điểm được công bố, tuy nhiên sản phẩm được mong chờ hơn cả là 800 Tough lại xuất hiện muộn hơn, và đó chính là nhân vật chính của chúng ta trong bài đánh giá này. Cũng giống với Nokia 2720 Flip, 800 Tough chạy hệ điều hành KaiOS với một thiết kế hầm hố đạt chuẩn quân đội MIL-STD-810G, đồng nghĩa với sản phẩm này được thiết kế để hoạt động được môi trường có nhiệt độ khắc nghiệt, trải rộng từ -20C đến 55C. Bên cạnh tiêu chuẩn bền bỉ “ăn tiền” này, thì 800 Tough còn sở hữu khả năng kháng nước chống bụi chuẩn IP68, 4G LTE, Google Assistant và không thể không nhắc đến đó chính là chịu được va đập thả rơi từ độ cao 1.8m – tính năng đại diện cho chữ Tough trong sản phẩm mới mang thương hiệu Nokia đến từ HMD.

hdvn-nokia-800-tough-00.jpg

Nokia 800 Tough ngay khi ra mắt quả thật đã làm dấy lên trong bản thân một thứ khao khát lạ thường, cái khao khát ấy không phải dễ mà có được trong thời buổi công nghệ hiện đại, chỉ đơn giản nó nhắc mình nhớ đến một Nokia một thời đã từng làm mưa gió trên thị trường với hàng loạt sản phẩm hấp dẫn. Với Nokia 800 Tough, một lần nữa cảm giác ấy lại trỗi dậy, tuy nhiên liệu sản phẩm này có thực đáng mong chờ? Và liệu nó có còn mang cái “chất Nokia” thuở xưa? Chúng ta hãy cùng nhau bàn về vấn đề này nhé!

Bàn về thiết kế

Chỉ cần nhìn thoạt qua Nokia 800 Tough, chưa rõ thực tế như nào, nhưng cảm giác bền bỉ và “trâu bò” đã chực chờ nhảy vào tâm trí mình. Với việc sử dụng hàng loạt các chất liệu chắc chắn như khung nhựa gia cố, mặt lưng nhám phủ lớp bám tay, các kết nối che phủ cẩn thận, cùng hàng loạt ốc 6 cạnh dạng torx bắt thô, thật không khó để cảm nhận được độ an tâm khi cầm trên tay sản phẩm này.

hdvn-nokia-800-tough-10.jpg

Về kích cỡ, Nokia 800 Tough có bề ngang bằng với iPhone SE mình đang xài nhưng lại dày gấp đôi và có phần dài hơn đôi chút, do đó nó vẫn khá gọn gàng nếu đem so với những chiếc smartphone màn hình lớn hiện tại.

hdvn-nokia-800-tough-05.jpg

Bề ngang đúng bằng iPhone SE​

hdvn-nokia-800-tough-06.jpg

Nhưng dày hơn khá nhiều
Mặt lưng với logo Nokia chạy dài cùng cụm camera trong một khung nhôm phay xước vẫn cho chúng ta cảm giác của một Nokia xưa cũ với sự tỉ mỉ trong thiết kế, tuy thô nhưng vẫn chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ. Cụm kim loại phay xước bao trọn 03 thành phần: đèn led, camera và loa ngoài. Chúng ta sẽ bàn sau về chất lượng của những phần cứng này, tuy nhiên chúng đem lại một cảm giác khá thích thú khi cầm trên tay.

hdvn-nokia-800-tough-08.jpg

Mặt lưng hoàn thiện theo kiểu “thô” nhưng tỉ mỉ trong mọi chi tiết​

Ngoài mặt lưng với chất liệu nhám bám tay cùng cụm camera gây ấn tượng mạnh về thị giác, thì phía hai bên cạnh cũng là yếu tố cần nói đến. Chúng được hoàn thiện dưới dạng hoa văn là các ô vuông nhỏ, giúp giảm trượt - tăng độ bám, và tăng cảm giác hầm hố, tuy nhiên theo thời gian, chắc chắn đây cũng là phần “tích bụi bẩn” nhiều nhất trên 800 Tough trong quá trình sử dụng. May mắn thay 800 Tough có khả năng kháng nước khá ngon, do đó thiết bị này có thể được vệ sinh dễ dàng với bàn chải và nước. Tuy nhiên trước khi vệ sinh người dùng nên lưu ý đóng chặt các nắp che kết nối, vì đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng thiết bị nếu chủ sở hữu chủ quan với “độ trâu bò” của Nokia 800 Tough.
hdvn-nokia-800-tough-09.jpg

Dưới phần nắp đậy là cổng sạc microUSB và jack tai nghe​

hdvn-nokia-800-tough-14.jpg

Khe cắm sim được đưa về cạnh bên, dưới một nắp chống nước​

Mỗi mặt trên Nokia 800 Tough lại đem đến một nét thú vị khác nhau, không muốn nói đó chính là những bất ngờ đầy nho nhỏ ngỡ đã bị lược bỏ hết trên những thiết bị hiện tại. Đầu tiên phải kể đến đó chính là một khoen móc lớn ở cạnh dưới, cho phép chúng ta móc được nhiều thứ vào đó như dây đeo, chìa khóa… tùy vào nhu cầu của chủ sở hữu, và điều còn lại nằm trên đỉnh đầu, một chiếc đèn pin nho nhỏ đủ để soi chiếu cho công việc. Với những anh em thường xuyên phải làm việc trong môi trường thiếu sáng, thì chắc hẳn một chiếc đèn pin tích hợp ngay trên điện thoại hẳn sẽ vô cùng hữu ích, nhất là khi thiết bị đó còn “trâu bò”, mang đến khả năng chịu va đập mạnh, không cần phải nâng niu như khi sử dụng smartphone. Duy chỉ có điều cá nhân hơi thắc mắc, đó chính là tại sao khi bật đèn pin trên Nokia 800 Tough, đèn led chỉ sáng ở mỗi đỉnh đầu, trong khi thiết bị này còn thêm 1 đèn led trợ sáng cho camera? Có lẽ sẽ có rất nhiều người có câu hỏi giống mình khi sử dụng thực tế thiết bị này, tuy nhiên câu trả lời thì vẫn chỉ HMD biết mà thôi.

hdvn-nokia-800-tough-19.jpg

Độ sáng không lớn, nhưng đèn pin trên đỉnh thiết bị sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc​

hdvn-nokia-800-tough-11.jpg

Phần móc lớn giúp sử dụng Nokia 800 Tough trong đa dạng môi trường hơn​

Là một thiết bị điện thoại cơ bản chạy KaiOS, mặt trước của Nokia 800 Tough không có gì quá nhiều khác biệt nếu đem ra so với các dạng điện thoại kiểu candybar trước đây, chúng ta có một bàn phím T9 lớn nằm dưới màn hình 2.4”, mép trên dưới được trang bị hai miếng vát kim loại hình thang có đục lỗ, bên dưới chúng là loa thoại và mic thoại. Mình đã hy vọng 800 Tough có loa stereo khi nhìn sơ qua mặt trước, tuy nhiên sau khi trải nghiệm thực tế thì đó chỉ là thiết kế kiểu đối xứng của Nokia chứ không mang một tính năng nào khác.

Tất cả mọi đường nét thiết kế trên Nokia 800 Tough đều cho thấy thiết bị này là một sản phẩm mang đầy tính thực dục dành cho người dùng chuyên nghiệp và các nhà du hành thám hiểm, khi đem lại một cảm giác cầm chắc chắn, phục vụ tốt cho các tính năng cơ bản mà không cần phải lo lắng bất cứ điều gì về thiết bị. Chọn Nokia 800 Tough là bạn đã chọn lấy sự an tâm, mua lấy sự “trâu bò” mà ở hiện tại, đó là một điều khá xa xỉ trên các thiết bị ngày nay.

Bàn về tính năng

Tuy chỉ là một cục nhựa to, cục mịch và chắc chắn, nhưng không phải vì thế mà Nokia 800 Tough nghèo tính năng. Ngược lại HMD đã trang bị cho 800 Tough những kết nối cần thiết nhất, cụ thể hơn đó là 4G LTE, WiFi, GPS, Bluetooth. Ngoài những kết nối ấy thì chiếc điện thoại của chúng ta còn sở hữu các tính năng hấp dẫn khác như khả năng kháng nước chống bụi IP68, khả năng bảo vệ chống shock khi rơi từ độ cao 1.8m, Google Assistant, camera 2MP kèm flash, khe thẻ SD, FM Radio và một kho ứng dụng cho hệ điều hành KaiOS.

Tính năng phong phú là thế, nhưng thực sự cá nhân mình chỉ đánh giá cao 4G LTE bởi băng thông lớn đem đến chất lượng đàm thoại rõ ràng của loại kết nối này. Với WiFi bạn có thể xem youtube, lướt web, làm những trò bạn có thể làm với smartphone nhưng ở một mức tệ hơn rất nhiều lần. Với phương pháp điều hướng D-Pad không cảm ứng, sử dụng con trỏ dựa trên phím cứng này làm mình thực sự nhớ đến chiếc điện thoại đầu tiên bản thân sử dụng là Nokia 7610, cũng là kiểu điều hướng như vậy, có điều hồi xưa dùng GPRS còn bây giờ là WiFi/4G, khác biệt là có nhưng mình cũng không hứng thú nhiều về các tính năng này. Google Assistant cũng được đưa lên 800 Tough nói riêng và KaiOS nói chung, nhưng ở thời điểm hiện tại, bạn Assistant trên KaiOS của chúng ta chưa hỗ trợ tiếng Việt, bất cứ lệnh nào được “ban” ra đều dẫn đến một kết quả Google search, còn các trang web thông dụng thì may mắn hơn khi được mở một cách trực tiếp, ví dụ “agoda, booking, traveloka...”, điều đó cho thấy cô trợ lý này chỉ mới chân ướt chân ráo bước chân lên KaiOS và chưa thể hiện được thể mạnh vốn có của mình.

hdvn-nokia-800-tough-15.jpg

Google Assistant chưa thực sự “ngon”​

Nokia 800 Tough là một chiếc điện thoại được thiết kế cho môi trường sử dụng khắc nghiệt, vì thế nó đã được HMD trang bị viên pin lên đến 2100mAh đem đến thời gian chờ 43 ngày. Đó chỉ là thời gian chờ, trên thực tế nếu bạn mở hết kết nối WiFi, Bluetooth, 4G LTE và sử dụng mọi tính năng của điện thoại, thì Nokia 800 Tough chỉ sống sót được trong khoảng 7 ngày mà thôi. Tuy nhiên đó cũng đã là một con số cực kỳ ấn tượng. Để sạc đầy viên pin 2100mAh từ 10%, người dùng sẽ cần khoảng thời gian là 2h10p, đó là thời gian được mình kiểm nghiệm hoàn toàn dựa trên thực tế.

hdvn-nokia-800-tough-16.jpg

Củ sạc 5V-1A, sạc đầy pin trong 2 tiếng 10 phút​

Màn hình Nokia 800 Tough có độ sáng khá lớn, giúp hiển thị rõ các nội dung trong môi trường có ánh sáng mạnh như giữa trưa. Đây thực là một tính năng tuy nhỏ nhưng lại mang đến một ý nghĩa vô cùng thiết thực cho các khách hàng của HMD.

hdvn-nokia-800-tough-20-jp.jpg

Nokia 800 Tough sở hữu độ sáng màn hình "đáng ao ước"​

Loa ngoài trên Nokia 800 Tough được tích hợp ở phía mặt lưng, cạnh camera. Chất lượng âm thanh của chiếc loa này có phần khá nhỏ, do đó trải nghiệm giải trí trên 800 Tough sẽ chỉ dừng ở mức chấp nhận được. Bên cạnh đó, camera 2MP trên Nokia 800 Tough chỉ được thiết kế để chụp lại hiện trường và cho một số nhu cầu cơ bản, do đó chúng ta khó có thể đòi hỏi hơn về tính năng này.

hdvn-nokia-800-tough-21.jpg

Hình chụp thử trên Nokia 800 Tough, thiếu chi tiết với tốc độ chụp khá chậm​

Nói đi thì chúng ta cũng phải nói lại, sở dĩ Nokia 800 Tough không tập trung vào nâng cao trải nghiệm là bởi lẽ mọi tinh hoa đã được dồn hết vào phần cứng bền bỉ của nó, còn lại về phía bên trong mọi thứ chỉ cần ở mức “dùng được” đã là quá ổn.

Bàn về KaiOS

Nokia 800 Tough sở hữu một thiết kế hầm hố chắc chắn cùng hàng loạt các tính năng hấp dẫn, thế nhưng có lẽ theo đánh giá cá nhân, KaiOS chính là thứ đã làm giảm đi trải nghiệm của người dùng. KaiOS nhắc nhớ rất nhiều về Symbian S40, tuy nhiên thực chất nó lại là một hệ điều hành non trẻ hơn rất nhiều. Cũng chính vì thế mà tính năng tuy có phần phong phú, nhưng trải nghiệm ở mỗi tính năng lại chưa được trọn vẹn.

Đương cử KaiOS cho phép chúng ta đồng bộ tài khoản Exchange và Google vào thiết bị, điều đó đã mở ra một tương lai cực kỳ lớn cho hệ điều hành này. Thế nhưng danh bạ của mình lại không thể đồng bộ được nickname hay thông tin công ty vào Nokia 800 Tough, do đó mình đã bị trùng rất nhiều liên hệ mà không làm cách nào có thể phân biệt được. Ngoài ra việc tìm kiếm trong danh bạ cũng tốn khá nhiều thời gian, có lẽ KaiOS cần tập trung hơn nữa vào những tính năng cơ bản hơn là trang bị quá nhiều thứ vào hệ điều hành của mình.

hdvn-nokia-800-tough-22.jpg

Qua trải nghiệm, có thể thấy HMD đã làm việc rất nhiều với Google để tích hợp hàng loạt các dịch vụ của gã khổng lồ tìm kiếm lên hệ điều hành KaiOS của mình, do đó bạn sẽ dễ dàng thấy Gmail, YouTube, Google Maps và Google Assistant hiện hữu một cách rõ nét ngay trên hệ điều hành này. KaiOS rõ ràng rất tiềm năng cho những thiết bị cơ bản, nhưng có lẽ hệ điều hành này cần thêm thời gian để hoàn thiện. Hy vọng trong tương lai gần, Nokia 800 Tough nói riêng và các thiết bị chạy KaiOS nói chung sẽ được cập nhật lên một phiên bản hệ điều hành mới để bổ sung tính năng, giúp cho chúng như “hổ mọc thêm cánh”, đem lại nhiều doanh thu cho HMD để họ có thể hồi sinh được nhiều dòng máy mang thương hiệu Nokia hơn.

KẾT

hdvn-nokia-800-tough-01.jpg

Tạm gác qua KaiOS, Nokia 800 Tough chắc chắn vẫn sẽ là một thiết bị chiếm được nhiều cảm tình từ phía bản thân mình. Chúng ta không thể cứ mãi nhìn vào nhược điểm mà bỏ qua một thiết bị đầy hấp dẫn như Nokia 800 Tough, ngay cả chính đồng nghiệp của mình cũng đã quá ngạc nhiên khi YouTube lại có thể chạy trên một chiếc điện thoại dường như chẳng thể nào có tính năng ấy. Nokia của HMD chắc chắn là một Nokia mới, nhưng vẫn còn mang trong mình trọng trách của một Nokia xưa cũ, đó chính là đem những trải nghiệm mới mẻ đến với người tiêu dùng, nhưng trong một mức giá phải chăng hơn!
 

Codon05

Well-Known Member
Bữa xem review mà chán, nhìn thì trâu chó lắm mà rơi 2 lần là hỏng màn hình.
 
Bên trên