Mới 9 tuổi đã tự viết hơn 30 tựa game di động

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Ngồi trong phòng khách được trang trí khá đẹp tại ngôi nhà ở ngoại ô Lagos – trung tâm thương mại của Nigeria, Basil Okpara Jr. đang gõ nhoay nhoáy các dòng lệnh trên bàn phím laptop của mình.

1971520.jpg


Cậu nhóc 9 tuổi này đang viết một tựa game trốn tìm bằng ứng dụng lập trình miễn phí mang tên Scratch 2.

Scratch 2 cho phép người dùng tạo ra các trò chơi, các nội dung hoạt họa, và các câu chuyện trực tuyến hoặc ngoại tuyến. Cho đến thời điểm hiện tại, Basil đã dùng nó để viết hơn 30 tựa game di động khác nhau.

Trò chơi mà cậu bé đang viết có nhân vật chính là một chú dơi được lập trình để trốn mất. Người dùng sẽ nhận được một điểm cho mỗi lần bắt được chú dơi này khi nó bất ngờ lộ diện khỏi vị trí trốn.

"Cháu học cách viết game tại một trại hè. Hiện nay cháu viết game để bản thân luôn bận rộn mỗi khi chán quá" – Basil nói.

Hồi tháng 3, cha cậu đã đăng ký cho cậu tham gia một đợt trại hè kéo dài 5 ngày dành cho trẻ em từ 5 – 15 tuổi.

Trại hè này do Codefest International tổ chức nhằm tạo cơ hội cho những đứa trẻ như Basil được tiếp cận với những công nghệ đang hot hiện nay như robot và thực tại ảo.

Theo cha cậu bé, Basil từ nhỏ đã chơi khá nhiều trò chơi di động.

"Tôi mua cho thằng bé một cái tablet khi nó mới 4 tuổi vì tôi thấy nó luôn tìm cách chụp lấy điện thoại để chơi game. Nó chơi Candy Crush và Temple Run nhiều lắm" – anh Basil Okpara Sr. nói.

Nhưng sở thích lập trình game của Basil chỉ bắt đầu hình thành vào năm 7 tuổi, sau một lần bị mắng nhiếc vì quá ham chơi game.

"Có một ngày, khi nó đang chơi trên tablet như thường lệ, nó quá tập trung vào game đang chơi đến mức làm tôi phát cáu" – cha cậu nói. "Vì bực bội, tôi nói với thằng bé rằng ‘con chơi game suốt, tại sao không nghĩ đến việc tự viết game để người khác có thể chơi game của con chứ?'. Lúc nói điều đó tôi đang giận giữ, và tôi không hề biết rằng thằng bé tiếp thu mấy lời đó rất nghiêm túc".

1971523.jpg


Cậu nhóc Basil Okpara Jr.

Kể từ đó, Basil thể hiện sự hứng thú với việc học lập trình để phát triển các tựa game của riêng mình. Cậu nhóc xin bố mẹ mua cho một chiếc laptop và đăng ký vài khóa học để có kiến thức cơ bản, phục vụ việc viết game.

Basil muốn trở thành một nhà khoa học trong tương lai. Cậu bé đặt tên game dựa trên nội dung của chúng. Các game của cậu vẫn còn khá thô sơ, và hiện chỉ chơi được trên các máy tính có cài sẵn Scratch 2.

Nhưng theo cha cậu, một trong các tựa game đó - "Frog attack" - sẽ xuất hiện trên Google Play Store vào tháng 8 này.

Châu Phi là nơi có lượng dân số trẻ lớn nhất thế giới, và giống Basil, họ là những người đi đầu trong tiếp cận những cải tiến tại lục địa này.

Mới đây, có hai cậu nhóc 12 tuổi người Nigeria đã nổi tiếng vì dùng mã để tạo nên những con robot phụ giúp việc nhà.

Hồi tháng 5, đội Acrobot, một đội lập trình gồm toàn các nữ sinh cấp 3 ở Ghana đã giành chiến thắng trong cuộc thi Robofest 2019 khi lập trình những con robot có khả năng xếp chồng các khối hộp.

Và với việc châu Phi đang ngày càng nhận được những khoản đầu tư lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google hay Microsoft, Basil và bạn bè cậu đang đứng trước những cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết để trở thành những ngôi sao sáng giá của ngành lập trình trong tương lai.

Theo Vn review​
 
Bên trên