Tại sao khi robot càng giống người, chúng ta càng thấy chúng đáng sợ và rùng rợn?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Bây giờ, con người chỉ mất 400 mili giây để phân biệt đâu là robot đâu là con người. Nhưng khoảng thời gian đó sẽ ngày một dài lên khi robot ngày một giống chúng ta - đến nỗi không thể phân biệt được.

Khoảng những năm 2004-2005, khi người máy Asimo lần đầu tiên đến Việt Nam, sự kiện này đã khiến tất cả những đứa trẻ 9x thuộc thế hệ chúng tôi vô cùng hào hứng. VTV3 thậm chí đã làm hẳn một buổi truyền hình trực tiếp kéo dài cả tiếng đồng hồ để giới thiệu chú robot.

Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc Asimo bước ra ánh đèn sân khấu. Nó thân thiện chào hỏi mọi người rồi bắt đầu trình diễn các động tác đi lại, leo cầu thang, đá bóng và cầm nắm các vật thể. Đó là những ký ức hết sức dễ thương mà tôi có được từ những con robot được gọi là 'android', hay robot mô phỏng lại con người.



Nhìn chung mà nói, các robot có hình dáng hoặc thực hiện được các chức năng của con người thường hấp dẫn hơn những robot có hình dạng máy móc. Sự thích thú của chúng ta với Asimo hay thậm chí Simsimi (một con gà ảo nhưng có thể chat được giống người) hoàn toàn áp đảo cái cảm giác lạnh lùng khi nhìn thấy những cánh tay robot trong nhà máy sản xuất ô tô hay thậm chí robot phẫu thuật não.

Thế nhưng, sự yêu thích của con người dành cho robot android dường như chỉ dừng lại ở một điểm nào đó.

Từ vui thú tới rùng rợn: Hiệu ứng "thung lũng kỳ lạ" khi robot ngày càng trở nên giống người

Năm 2018, Asimo bị Honda khai tử. Cùng thời điểm đó, Sophia - một robot Android khác đến thăm Việt Nam. Mặc dù cũng thu hút được sự chú ý của truyền thông nhưng sự kiện lần này tạo ra những cảm giác rất đối lập. Không có một buổi truyền hình trực tiếp nào trên đài quốc gia, Sophia chỉ chiếm được một bản tin tường thuật trên VTV1.

Lũ trẻ bây giờ không hào hứng với con robot mới, còn những đứa trẻ 9x năm nào như tôi bắt đầu cảm thấy một thứ gì đó kỳ quặc khó giải thích.

Trái với vòng tròn người quây quanh Asimo với những nụ cười vui vẻ và ánh mắt đầy hào hứng, sự kiện Sophia đến Việt Nam diễn ra giống như một buổi họp báo buồn ngủ và gượng gạo. Sophia chỉ ngồi nghiêm trang một chỗ và đối thoại với những hội trường kín chỗ.



Được trang bị trí tuệ nhân tạo, con robot này có thể nói chuyện, trả lời bạn khi câu hỏi được dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh và thậm chí giao tiếp bằng ánh mắt. Đặc biệt, nó có một nửa khuôn mặt trước gần như giống hệt con người với lớp da nhân tạo được làm bằng silicon.

Bên dưới lớp da đó là một hệ thống vi cơ học bắt chước cơ mặt. Sophia vì thế có thể mô phỏng được hơn 60 cảm xúc khác nhau thông qua nét mặt của nó. Con robot này là một phiên bản giống người vượt trội hơn hẳn cả Asimo và Simsimi trên hai khía cạnh hình thể và trí tuệ. Đối với nó có lẽ những con robot dễ thương của quá khứ chỉ là những tổ tiên ngớ ngẩn.

Sophia thậm chí từng tuyên bố sẽ hủy diệt loài người.

***

Tôi chắc chắn không phải người duy nhất cảm thấy một thứ gì đó không đúng khi đối mặt với những con robot Android ngày càng được cải tiến. Khi robot được làm giống người hơn, chúng bắt đầu mất dần đi sự dễ thương và thân thiện.

Thay vào đó, mọi người bắt đầu lờ mờ thấy sợ hãi khi phải đối mặt với một robot giống người. Trong một bài báo khoa học công bố trên tạp chí Perception, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Emory giải thích đó là một hiệu ứng tâm lý có tên là "thung lũng kỳ lạ".

Có một thung lũng đã kéo những nụ cười xung quanh Asimo vụt tắt rồi đẩy lên một cảm giác kỳ lạ xen lẫn rùng rợn khi phải đối mặt với Sophia.



Chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phân biệt đâu là robot đâu là con người

"Robot đang ngày càng xâm nhập vào xã hội loài người, trên mọi lĩnh vực từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe", tiến sĩ Wang Shensheng tác giả nghiên cứu mới của Đại học Emory cho biết. "Do đó, từ quan điểm của cả các kỹ sư và nhà tâm lý học, hiểu được cách con người đối mặt và nhận thức về robot là điều rất quan trọng".

Trong một xu hướng của thời đại, các robot đang ngày càng được phát triển để trông giống và hành động giống con người hơn. Đến một lúc nào đó, con người chắc chắn sẽ gặp khó khăn để phân biệt đâu là robot, đâu là con người.

Để chứng minh điều đó, Shensheng và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm. Anh tuyển dụng một nhóm tình nguyện viên và yêu cầu họ nhìn vào những màn hình trình chiếu 3 loại hình ảnh: một khuôn mặt người thật, một khuôn mặt robot cơ khí và một khuôn mặt android gần giống với con người.

Thời gian các khuôn mặt hiện lên được điều chỉnh theo các mô hình cỡ mili giây để nắm bắt phản ứng não bộ của các tình nguyện viên khi họ nhìn thấy chúng.

Kết quả cho thấy đối với khuôn mặt người thật và khuôn mặt robot cơ khí, tình nguyện viên có thể nhận thức một cách hết sức rõ ràng và nhất quán về chúng. Họ biết và luôn chắc chắn đó là một người thật hoặc một cỗ máy.

Nhưng với khuôn mặt của Android, một "thung lũng kỳ lạ" đã xuất hiện. Trong một khoảng thời gian từ 100-500 mili giây, ban đầu, các tình nguyện viên nghĩ rằng đó là một con người. Nhưng ngay sau đó, họ phát hiện ra đó là robot.

Thời điểm đó phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy rằng mọi người bắt đầu phân biệt giữa khuôn mặt người và nhân tạo vào khoảng 400 mili giây sau khi kích thích bắt đầu.


Sự tiến hóa của những robot mô phỏng con người.

Nhân hóa, hoặc phóng chiếu những phẩm chất của con người lên những vật vô tri là một hiện tượng tâm lý phổ biến. "Ví dụ, chúng ta thường thấy những khuôn mặt trong đám mây. Và đôi khi chúng ta cũng nhân hóa những cỗ máy mà chúng ta đang cố gắng hiểu nó như ô tô hay máy tính", tiến sĩ Shensheng nói.

Tuy nhiên, đặt tên cho ô tô của một người hoặc tưởng tượng rằng một đám mây là một sinh vật hoạt hình thường không liên quan đến cảm giác kỳ lạ, anh lưu ý. Điều đó khiến tiến sĩ Shensheng đưa ra giả thuyết rằng một thứ gì đó khác ngoài việc nhân hóa có thể xảy ra khi con người đối mặt với một robot giống người như android.

Thí nghiệm của anh đã tiết lộ đó chính là hành động nhận ra robot không phải con người. Một quá trình ngược với nhân hóa được gọi là "khử nhân tính". Và đó chính là hiệu ứng đứng sau cảm giác "thung lũng kỳ lạ" mà chúng ta gặp phải.

Với những robot có hình dạng cơ khí như Asimo, bộ não của chúng ta hoàn toàn nhận ra đó là một robot. Nhưng chúng ta sẽ rất thích thú và vui vẻ khi gán cho nó những đặc tính nhân hóa, khi xem nó bước đi, nhảy múa hoặc đá bóng.

Ngược lại với Sophia, vì nó quá giống người, bộ não của chúng ta liên tục phải "khử nhân tính" của robot này để nhận ra nó không phải con người. Chúng ta vì thế sẽ có cảm giác khá kỳ quặc và đáng sợ khi đối diện với những cử chỉ nét mặt của Sophia, nghe robot này diễn thuyết hoặc đối thoại.

"Toàn bộ quá trình đó rất phức tạp nhưng nó chỉ xảy ra trong chớp mắt", tiến sĩ Shensheng nói. "Kết quả của chúng tôi cho thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên, chúng ta thường nhân hóa một android, nhưng trong vòng vài trăm mili giây, chúng ta phát hiện những sai lệch và khử nhân tính hóa nó. Hiệu ứng này có thể góp phần vào cảm giác trong thung lũng kỳ lạ".

Những android sẽ len lỏi vào xã hội loài người

"Cốt lõi của nghiên cứu này trả lời cho câu hỏi chúng ta sẽ cảm nhận được gì khi nhìn vào một khuôn mặt", Philippe Rochat, giáo sư tâm lý học tại Đại học Emory cho biết thêm. "Đó có lẽ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong tâm lý học".

Khả năng nhận thức tâm trí của người khác là nền tảng của các mối quan hệ giữa con người với nhau và trong tương lai là cả con người với robot. Những phát hiện mới về hiệu ứng "thung lũng kỳ lạ" có ý nghĩa đối với cả việc thiết kế robot và hiểu được cách chúng ta nhìn nhận nhau như con người.

Trong lĩnh vực đó, hiệu ứng "thung lũng kỳ lạ" có thể làm sáng tỏ một số cơ chế liên quan đến chứng mù tâm trí. Trong đó, một người bị tự kỷ nặng hoặc mắc các rối loạn tâm thần thường không còn khả năng phân biệt đâu là đồ vật vô tri đâu là con người.

Còn với những kỹ sư thiết kế robot, có lẽ họ sẽ phải tìm cách lấy lại sự thân thiện cho những robot, nếu không muốn gợi lên những cảm giác rùng rợn và sợ hãi. Đó có thể là điều chúng ta cần cân nhắc khi tạo ra những robot phục vụ một số lĩnh vực đặc thù như chăm sóc người già hoặc giao tiếp với trẻ nhỏ.

Liệu một con robot quá giống người có thể tạo ra sự ám ảnh cho trẻ nhỏ hơn là cảm giác thân thiện như một người bạn? Liệu chúng ta có nên tăng độ giống người cho những robot chăm sóc người già để tạo ra cảm giác ấm áp hơn?

Đó chỉ là một trong số những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời ngay từ thời điểm này, khi những robot đã ngày một giống con người và len lỏi vào cuộc sống của chúng ta.

Theo Genk​
 

Shangri-La

Well-Known Member
Còn xa lắm, nhưng một con robot mà giống người thì thật sự tạo ra cảm giác rờn rợn đấy.
 

nguoidaugio

Well-Known Member
Sức con người thì có hạn còn robot là cỗ máy chỉ đâu nó đánh đó không sợ ai cả.
 
Bên trên