‘Cánh chim trong gió’: Viết ngắn mà tình dài

Tập sách tản mạn về điện ảnh của nhà báo Lê Hồng Lâm gây ấn tượng với người đọc không chỉ bởi sự hiểu biết, cách đặt vấn đề thú vị mà cả niềm đam mê của tác giả.
Tập sách bao gồm những bài viết của anh về điện ảnh Việt Nam cũng như thế giới. Cuốn sách được chia thành ba phần, phần đầu tiên, là góc nhìn của Lê Hồng Lâm về điện ảnh Việt. Phần hai anh viết về điện ảnh quốc tế, về những bộ phim để lại trong anh dấu ấn hướng thiện. Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Lê Hồng Lâm đặt các bộ phim vào những vấn đề của đời sống, nhìn nhận chúng dưới góc độ liên hệ mật thiết.

Đọc Cánh chim trong gió trước hết ta không khỏi cảm động, vì được gặp gỡ một người yêu phim. Phần đầu tiên tác giả thuyết phục người đọc khi bóc tách về phim Việt, về những cái được cái dở. Nhưng quan trọng hơn, điều mà anh nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách chính là “cởi bỏ định kiến”.

Lê Hồng Lâm bước vào rạp xem phim Việt, ghi nhận một cách khách quan bằng một tấm lòng trân trọng, và nhiều trăn trở. Đọc anh viết về phim Việt, thấy có thiện cảm với phim Việt.

Dĩ nhiên, phần điện ảnh thế giới vẫn chiếm ưu thế những bài viết của Lê Hồng Lâm. Cả phần hai, tác giả viết về các tác phẩm đã nổi tiếng hoặc ít nhiều phổ biến như Norwegian Wood, Departures, Betty Blue, In a Better World, The Revenant...

28-3-2017-16-27-38-68.jpg

Cuốn Cánh chim trong gió của Lê Hồng Lâm.

Ở phần này anh viết chặt tay, đi theo một cấu trúc quen thuộc của những bài điểm phim thường thấy trên báo chí. Tuy nhiên, việc tóm tắt nội dung phim quá chi tiết, bình bàn quá nhiều đến nội dung bộ phim khiến những bài viết của Lê Hồng Lâm dễ chán đối với khán giả đã từng xem phim, bởi có lẽ họ mong muốn nhiều hơn việc kể lại nội dung phim.

Tuy nhiên, với lợi thế viết mạch lạc rõ ràng, cách dẫn dắt ngôn ngữ nhuần nhuyễn, uyển chuyển, Cánh chim trong gió vẫn có sự cuốn hút riêng. Những bộ phim tác giả nhắc đến, và những tản mạn của anh trở thành một sự cung cấp thú vị và phổ quát vừa đủ cho những khán giả ít tiếp xúc với điện ảnh.

Đối với một người khán giả, độc giả đã từng xem những bộ phim Lâm viết trong cuốn sách này, có lẽ cũng sẽ tìm được điều thích thú bởi có thể phản biện, và nảy nở thêm những suy ngẫm khác. Nói cách khác, tác giả "rủ rê" người đọc có cái nhìn đa chiều hơn về một bộ phim.

Phần cuối có lẽ là phần ấn tượng nhất của cuốn sách, là lúc ngòi bút của Lâm được cởi bỏ mọi nguyên tắc. Anh viết tự do, viết phóng khoáng, và viết say mê. Có lẽ bởi Lâm viết về những vấn đề mà cái tôi tự ngã của anh đang trăn trở, hay về điều mà anh si mê tìm hiểu, si mê theo đuổi. Và có lẽ cũng bởi, Lê Hồng Lâm viết về những người nghệ sĩ mà mình yêu mến.

Bài viết Thất lạc cõi người & Cánh chim trong gió, Lâm viết nhân kỷ niệm ngày mất của Trương Quốc Vinh. Có lẽ, ở đây Lê Hồng Lâm có nhiều gặp gỡ với Vinh...

Khi anh viết: “những kẻ thất lạc cõi người luôn rời thế giới với một đôi mắt rất trong”, người viết cảm thấy Lê Hồng Lâm hẳn đã đi rất lâu trên đường phố, nhìn mãi về những gương mặt, những đôi mắt, và Lâm đã tìm thấy hình ảnh một Trương Quốc Vinh cô độc cứ mải miết bay trong gió.

Cũng là suy nghĩ của cá nhân người viết, nhưng có lẽ tên tập sách, "cánh chim trong gió”, Lê Hồng Lâm đã lấy tứ từ câu chuyện về một loài chim chân không bay mãi, bay mãi trong gió chỉ dừng lại một lần trong đời để từ giã cõi tạm trong bộ phim Days of Being wild của Vương Gia Vệ mà Trương Quốc Vinh đóng chính. Một bộ phim mà người trẻ tuổi nào cũng từng đắm đuối, gặp gỡ. Cái nổi loạn, cái ham muốn, cô độc, tự do ấy.... có lẽ chính Lê Hồng Lâm cũng đã băn khoăn rất nhiều.

Một cuốn sách tản mạn về điện ảnh, giống như một vệt gió rất nhỏ trong bầu trời điện ảnh dài rộng, nhưng Lê Hồng Lâm cũng giống như một cánh chim, có lẽ vẫn còn mãi miết bay, mải miết kiếm tìm trên bầu trời ấy. Mong sao anh vẫn cứ viết tự do như vậy. Cứ viết về những điều mình thực tình say đắm, đầy tinh tế, và đầy gợi mở, và cởi bỏ hết mọi giới hạn của cấu trúc thông thường.

Để ý những bài viết của Lê Hồng Lâm, dễ thấy anh đặc biệt để tâm đến khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ. Lâm quan niệm: "Đã dấn thân vào nghệ thuật là dấn thân vào một con đường mà ta không được phép dễ dãi, thỏa hiệp, hay tự buông bỏ với chính mình".

Triết lý về sự nghiệt ngã trong nghệ thuật này có lẽ bộ phim Whiplash của đạo diễn Damien Chazelle đã thể hiện rất tốt. Đọc bài viết của Lâm trong Cánh chim trong gió, cũng nhìn thấy sự trăn trở của anh, về nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh.

Đứng ở vị trí người thưởng thức, Lâm vừa khắt khe lại vừa tỏ ra trìu mến. Là một người viết sắc sảo, lại hiểu biết và rất nhuần nhuyễn trong sử dụng ngôn ngữ nhưng anh không “múa bút”, “phóng bút” mà đặc biệt thận trọng và tin cậy.

Sách viết về điện ảnh ở Việt Nam vốn không nhiều, sách phê bình, hay tản mạn cũng ít nên Cánh chim trong gió dù đọc vẫn chưa thấy “đã” với những kẻ mê điện ảnh, nhưng nó vẫn là một cuốn sách nên đọc, để có thể đến gần với điện ảnh, với những bộ phim hay, và cũng là để gặp gỡ, trân trọng một tấm lòng yêu chuộng cái đẹp, cái hướng thiện trong đời sống này.
 
Bên trên