Bộ nhớ trên mác Mac với chip M1 đã thay đổi tư duy cũ mòn của chúng ta

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Apple đã thay đổi cách RAM được sử dụng trên máy tính của họ.

hd.jpg


Sau bao mong đợi từ người dùng trên toàn cầu, thì bộ ba sản phẩm Mac mới gồm MacBook Air, MacBook Pro và Mac mini chạy vi xử lý do chính Apple phát triển cũng đã ra mắt tại sự kiện One More Thing diễn ra rạng sáng 11/11. Thiết kế bên ngoài của dòng Mac mới gần như giống hệt các đời Mac tiền nhiệm sử dụng chip Intel trước đây.

Nhưng thứ khiến người dùng phải mong chờ chính là những thay đổi bên trong, chúng khác biệt so với những sản phẩm máy tính đến từ các nhà sản xuất khác trên thị trường. Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple đã mang lên Mac lối thiết kế hệ thống mà hãng đã hoàn thiện qua nhiều thế hệ iPhone và iPad.

Chúng ta, những người đã quen với việc so sánh những con số khi nói về máy tính cá nhân, sẽ cần phải tự điều chỉnh để phù hợp với thực tại mới. Trong thực tại đó, Apple bán ra 3 mẫu máy Mac khác nhau mà thậm chí chẳng thèm tiết lộ xung nhịp của vi xử lý bên trong chúng (họ không hề làm như vậy với iPhone hay iPad).

Nhưng có lẽ thứ trong danh sách khiến người ta phải thực sự thay đổi cách nghĩ là bộ nhớ hệ thống. Đó là một tính năng vốn từ lâu đã thường xuyên bị hiểu nhầm (và thường xuyên bị lẫn lộn với kích cỡ không gian lưu trữ), và nay, những mẫu máy Mac với chip Apple lại đang sử dụng bộ nhớ hệ thống theo một cách hoàn toàn khác biệt.

Những gì chúng ta từng biết về RAM, nay đã lỗi thời vì toàn bộ ngành công nghiệp máy tính xách tay đã thay đổi chỉ sau một đêm. Chào mừng bạn đến với thế giới của "Kiến trúc Bộ nhớ Thống nhất" (UMA).

Một phần của tổng thể

Giống như những con chip Intel với đồ hoạ tích hợp, chip M1 cũng bao gồm một vi xử lý đồ hoạ và bộ nhớ hệ thống được chia sẻ bởi các nhân xử lý và các nhân đồ hoạ (và ngoài ra, trong trường hợp của M1 còn có các nhân - kernel - tạo nên Neural Engine nữa). Nhưng với kiến trúc bộ nhớ thống nhất, hướng đi của M1 lại có một chút khác biệt.

Điểm khác biệt lớn nhất là trong M1, bộ nhớ là một phần của chính kiến trúc M1. Không hề có khe cắm bộ nhớ trên bo mạch chủ của máy Mac dùng chip M1, cũng không có bất kỳ khu vực nào được chọn ra để hàn chết chip nhớ cả. Thay vào đó, bộ nhớ được tích hợp vào cùng một khối với chip M1.

Điều đó có nghĩa là một khi bạn quyết định "xuống tiền" để đem về một máy Mac chạy chip M1 và chọn một cấu hình cụ thể, với mức bộ nhớ cụ thể thì bạn không thể thay đổi nữa. Người dùng đã không còn lạ lẫm gì nhiều mẫu máy Mac tiền nhiệm với bộ nhớ được hàn chết và không thể nâng cấp, nhưng trường hợp này hơi khác biệt một chút, khi mà bộ nhớ về cơ bản là một phần của M1.

Thế hệ đầu tiên sử dụng chip M1 có vẻ như chỉ dừng lại ở 2 tùy chọn bộ nhớ 8GB hoặc 16GB RAM. Đó không hẳn là một giới hạn không thể vượt qua được - có lẽ Apple cố tình làm vậy để "ghìm" sức mạnh của những cỗ máy tầm thấp mới ra mắt. Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thấy bất kỳ mẫu máy Mac nào dùng chip Apple đi kèm hơn 16GB bộ nhớ cho đến khi hãng tung ra một biến thể cao cấp hơn của M1.

Ưu điểm của việc hợp nhất

Apple không tích hợp bộ nhớ vào SoC một cách bất chấp. Họ làm điều đó bởi hướng đi này có thể giúp mang lại những ưu điểm đáng kể về mặt tốc độ.

Bộ nhớ của vi xử lý M1 là một bộ nhớ đơn nhất có thể được truy cập bởi bất kỳ thành phần nào của vi xử lý. Nếu hệ thống cần nhiều bộ nhớ hơn cho đồ hoạ, nó có thể phân bổ theo nhu cầu. Và tương tự nếu nó cần nhiều bộ nhớ hơn cho Neural Engine. Điều hấp dẫn là, bởi mọi thành phần của vi xử lý có thể truy cập toàn bộ bộ nhớ hệ thống, do đó hiệu năng sẽ không bị ảnh hưởng khi các nhân đồ hoạ cần truy cập một thứ gì đó mà trước đó đang được truy cập bởi một nhân vi xử lý. Trên các hệ thống khác, dữ liệu phải được sao chép từ một vùng của bộ nhớ sang vùng khác - nhưng trên M1, bộ nhớ đơn giản là có thể truy cập ngay lập tức khi cần thiết.

2144316.jpg


Những mẫu máy Mac mới chẳng khác gì những kẻ ngoại đạo. Thông thường, trong máy tính cá nhân, mọi thứ được thiết kế theo kiểu mô-đun. Dù bản thân máy Mac không bao giờ đi theo hướng đó, nhưng thành phần Apple sử dụng để lắp ráp máy Mac lại đến từ ngành công nghiệp PC. Bạn có thể so sánh nó với smartphone, nơi mà Apple liên tục tích hợp nhiều thành phần của hệ thống vào khối vi xử lý đơn nhất của mình nhằm tìm cách tăng cường hiệu suất thiết bị. Những mẫu máy Mac mới giống smartphone nhiều hơn là PC truyền thống.

Bạn có cần nó?

Một trong những ý kiến phê bình lớn nhất về đợt máy Mac đầu tiên sử dụng chip M1 là chúng không có lựa chọn bộ nhớ cao hơn, chỉ dừng lại ở 16GB mà thôi. Nên nhớ đây là những mẫu máy Mac có cấu hình thấp nhất, và nhiều khả năng các mẫu trong tương lai sẽ có nhiều lựa chọn về RAM hơn.

Nhưng cũng đáng cân nhắc xem bạn sẽ cần thêm bộ nhớ đến mức nào. Đúng, rất nhiều người cảm thấy họ cần thêm bộ nhớ, nhưng có thực sự như vậy hay không?

Khi một máy Mac hết bộ nhớ vật lý, nó sẽ chuyển nội dung của bộ nhớ xuống ổ cứng - và thậm chí những chiếc SSD siêu nhanh cũng chậm hơn cả bộ nhớ chính nữa! (Tất nhiên, sự khác biệt về tốc độ này vẫn ít hơn nhiều so với khi chúng ta còn sử dụng những loại ổ đĩa cứng xoay chậm chạp)

Điều gì có thể khiến máy Mac của bạn hết bộ nhớ vật lý? Nếu bạn mở quá nhiều ứng dụng cùng lúc, hoặc nếu trình duyệt của bạn đang có hàng trăm tab, hoặc nếu bạn sử dụng một ứng dụng để nạp một tập tin rất lớn (ví dụ một tập tin Photoshop) vào bộ nhớ. Nếu bạn là người có thiên hướng sử dụng như trên thì có thể bạn muốn có nhiều bộ nhớ hơn…, nhưng lúc đó, bạn đã chẳng để ý đến một chiếc máy Mac với chip M1 ở thời điểm này. Các mẫu tầm trung và cao cấp chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn RAM hơn, và một con chip mới với sức mạnh xử lý khủng hơn sẽ ra mắt vào năm sau.

Nhưng nếu bạn muốn kết hợp tính hiệu quả của kiến trúc bộ nhớ thống nhất với tốc độ của ổ cứng SSD, và chủ yếu dùng máy tính cho các tác vụ thường ngày, khá chắc chắn là hầu hết người dùng thông thường chỉ cần 8GB bộ nhớ là đủ - hoặc nếu bạn muốn chắc cú, hãy nâng cấp lên 16GB.

2144313.jpg


Tương lai thì sao?

Trong năm 2021, khả năng rất cao Apple sẽ tung ra một loạt các máy Mac mới với các vi xử lý mạnh mẽ hơn và nhiều lựa chọn bộ nhớ hơn. Ít nhất thì, những mẫu MacBook Pro và iMac cao cấp có thể sẽ sở hữu những nâng cấp với tính năng vượt trội so với con chip M1 cơ bản.

Nhìn xa hơn, liệu có khả năng Apple sẽ phát triển các hệ thống với vi xử lý đồ hoạ gắn ngoài kết hợp với bộ nhớ riêng biệt của chính họ hay không? Dường như đó là điều không sớm thì muộn, ít nhất là ở phân khúc cao cấp - ai sẽ mua một chiếc Mac "Pro" nếu họ không thể gắn một cái card đồ hoạ khủng vào đó cơ chứ?

Nhưng bên cạnh cải tiến vi xử lý, Apple còn có thể đưa ra nhiều lựa chọn bộ nhớ nữa: vi xử lý càng nhiều nhân, RAM cũng càng nhiều hơn. Và những con chip đó nhiều khả năng sẽ được trang bị cho hầu hết các mẫu máy Mac.

Kiến trúc bộ nhớ thống nhất trong M1 là một trong nhiều lý do các mẫu máy Mac vừa qua có tốc độ nhanh không tưởng - nhưng mọi người dùng Mac sẽ phải tập làm quen lại với cách máy tính của họ hoạt động, và nên chọn lựa cấu hình ra sao cho hợp lý. Và nếu bạn thực sự không thể chấp nhận việc mua một chiếc máy Mac với chỉ 16GB RAM, thì đừng nên tức giận làm gì - hãy kiên nhẫn. Nhiều mẫu máy Mac với chip Apple sẽ sớm ra mắt thôi!

Theo Vn review​
 
Bên trên