Đừng đổ lỗi smartphone cám dỗ nữa, chính bạn mới tự làm mình mất tập trung

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Không phải chiếc điện thoại bạn đang cầm trên tay mà chính bạn mới là "gốc rễ" của vấn đề: Một nghiên cứu mới về thói quen sử dụng smartphone cho thấy 89% trường hợp là do người dùng tự chủ động, chỉ có 11% là do thông báo từ điện thoại.

2145893.jpg


Phát hiện này trái ngược với phần lớn các tài liệu học thuật và báo cáo từng được ghi nhận trước đây, vốn cho rằng chính các thông báo (notification) trên smartphone mới là thứ hủy hoại cuộc sống của bạn, năng suất làm việc và nhiều thứ nữa.

"Sự gián đoạn dễ nhận thấy này không hoàn toàn do các thông báo từ smartphone, mà còn do chính người dùng tự thôi thúc bản thân sử dụng điện thoại, nó giống như một thói quen tự động vậy, chẳng hạn như những người thèm thuốc rồi sẽ châm điếu thuốc", các tác giả của nghiên cứu viết.

Bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Computers in Human Behavior, đánh giá nhu cầu sử dụng smartphone của 37 người ở Anh, Đức và Pháp, độ tuổi trung bình của họ vào khoảng 25 và hơn một nửa số đối tượng là nam giới.

Đánh giá tương tác với smartphone thông qua camera trước

Các tác giả của bài nghiên cứu là Max Heitmayer và Saadi Lahlou, thuộc Trường Kinh tế London. Các đối tượng tham gia nghiên cứu được trang bị những chiếc máy ảnh nhỏ được gọi là "subcams", viết tắt của cụm từ Subjective Camera (góc quay từ điểm nhìn nhân vật), thiết bị này cho phép người dùng ghi lại đời sống hàng ngày của họ từ góc nhìn thứ nhất.

Các đối tượng sẽ ghi lại hành động của mình trong tổng cộng 5 giờ xuyên suốt thời gian ba ngày. Họ có thể thoải mái bật hoặc tắt camera bất cứ khi nào muốn. Ngoài ra, họ cũng có thể xóa đi bất cứ cảnh quay nào không muốn chia sẻ với nhóm nghiên cứu.

Kết quả thu được là video với độ dài khoảng 200 giờ về hành động trong môi trường thế giới thực của những người tham gia. Tổng cộng, đoạn phim đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu 1.130 hành vi tương tác với điện thoại thông minh, phục vụ cho yêu cầu phân tích.

Chưa đầy năm phút giữa các lần tương tác với smartphone

2145896.jpg


Khoảng thời gian giữa các lần sử dụng trung bình là 291 giây hoặc là chỉ dưới 5 phút.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng nhiều người dùng cảm thấy buộc phải kiểm tra điện thoại của họ ngay cả khi vừa mới tắt thông báo. "Chứng kiến điều này khiến tôi nhận ra rằng tôi thậm chí còn chẳng để ý đến việc mình đã cầm nó lên", một trong những người tham gia thực nghiệm cho biết.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời lượng trung bình của một lần sử dụng điện thoại là 64 giây. Khoảng 50% tương tác có thời lượng từ 23 giây trở xuống.

Nhu cầu sử dụng phổ biến nhất: WhatsApp, Instagram và Facebook và… không cuộc gọi

Hoạt động thường thấy nhất của người dùng đó là sử dụng WhatsApp, chiếm 22% số lần tương tác. Dẫu vậy, cần nhớ đây chỉ là một thực nghiệm nhỏ ở châu Âu, nơi mà WhatsApp thông dụng hơn rất nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ.

Tương tác phổ biến thứ hai, chiếm 17% tổng số, là "kiểm tra màn hình khóa (Lock Screen)", ví dụ như là kiểm tra nhanh thông báo mới. Ở vị trí thứ ba là tương tác với Instagram (16%). Facebook và Facebook messenger cùng nhau chiếm 13% tương tác, e-mail chiếm 6%, duyệt web 4%, nghe nhạc 3%, Snapchat 2% và ảnh 2%.

Những người tham gia cho rằng thông báo e-mail là quan trọng nhất. Tương tự như vậy, họ thường xem các group chat là "nguồn cơn của phiền muộn" và nhận thấy hầu hết các tin nhắn trong đó đều không quan trọng.

Tương tác trên điện thoại thông minh sẽ lâu hơn khi người dùng ở một mình so với khi ở cùng những người khác, và cũng lâu hơn khi ở nhà so với tại nơi làm việc. Cũng giống như vậy, những tương tác này ngắn hơn khi họ nhận được thông báo, so với khi họ "tự làm gián đoạn bản thân". Điều này cho thấy việc sử dụng smartphone trở nên có mục đích hơn khi người dùng nhận được thông báo và "phân tâm" nhiều hơn khi bản thân họ tự tìm đến điện thoại.

2146020.jpg


Mắc kẹt trong vòng lặp

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các tính năng cuộn có trên các ứng dụng như Instagram và Facebook khiến cho thời gian sử dụng của người dùng kéo dài hơn. Các chuyên gia gọi đây là "mắc kẹt trong vòng lặp", thứ mà smartphone đem đến là sự hài lòng "khiêm tốn" đi kèm với chi phí thấp. Các tác giả nghiên cứu cho rằng các nhà thiết kế phần mềm nên cân nhắc thông tin này khi lên kế hoạch phát triển các sản phẩm tương lai.

Tự bản thân thông báo không hề là vấn đề. Mặc dù các thông báo thật sự gây phân tâm, nhưng "phần lớn các tương tác trên smartphone bắt nguồn từ sự tự động và thói quen tự làm gián đoạn của chúng ta, có nghĩa là chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề theo cách khác".

Họ nói thêm rằng nhiều người dùng mà họ phỏng vấn "không hài lòng khi nhận ra mức độ thường xuyên và vô ý của những lần tự gián đoạn này".

Phá vỡ thói quen xấu

Tóm lại, những phát hiện này làm rõ rằng "những người tham gia thực nghiệm đã đánh giá thấp mức độ sử dụng điện thoại theo kiểu lịch trình, thói quen hay ‘tự động' đã trở thành ‘dòng chảy' xuyên suốt hoạt động hàng ngày của họ".

Những phát hiện này cũng mở ra cơ hội để các nhà thiết kế phần mềm giúp người dùng chú ý hơn đến việc sử dụng thời gian của họ, "có ích cho việc sử dụng điện thoại được sáng suốt và có thể cho cả cuộc sống của họ nói chung", các tác giả viết.

Theo Vn review​
 
Nhớ câu chuyện bạn bè lâu ngày gặp nhau, cũng hẹn hò ra cafe, hỏi thăm nhau vài câu sức khoẻ rồi đâu lại vào đấy, lại cắm mặt vào cái điện thoại
 
Bên trên