Các thiết bị theo dõi vận động đang khiến chúng ta lạc lối, dễ sai lầm trong tập luyện

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Người dùng có thể hiểu được ý nghĩa những thông số vận động trên thiết bị đeo chỉ qua một cái lướt nhìn. Nó không yêu cầu người dùng phải đọc hiểu những giải thích dài dòng về các thông số chuyên sâu. Tuy nhiên, chính sự đơn giản đó khiến việc đánh giá sức khỏe chỉ còn hai giá trị "tốt" và "xấu". Sự cứng nhắc đó đã khiến nhiều người dùng "lạc lối" khi tập luyện.

2145899.jpg


Ảnh: Victoria Song/Gizmodo

Từ tháng 3 đến nay, khoảng thời gian dài nhất mà tôi không chạy bộ là 6 ngày. Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, tốc độ chạy của tôi giảm từ hơn 6 phút/km xuống còn 7-7,5 phút/km. Nguyên nhân chắc chắn không phải vì tôi chạy kém đi chỉ sau một đêm. Thật ra, bạn có thể tính toán được nhiệt độ và độ ẩm không khí tác động như thế nào đến tốc độ chạy. Nói chung, bạn không thể chạy nhanh như bình thường vào một ngày nắng nóng, độ ẩm trên 60% và nhiệt độ trên 27 độ C. Và bạn cũng không nên chạy quá nhanh vào những ngày này vì hiện tượng mất nước và suy kiệt không phải là thứ có thể xem nhẹ. Nhưng chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch của tôi lại không hề quan tâm đến những điều đó.

Cũng giống như các thiết bị theo dõi vận động khác, Apple Watch là một thiết bị giúp đặt mục tiêu tập luyện. Với màn hình Activity Rings giúp hiển thị thông số rõ ràng bằng ba màu sắc khác nhau, Apple Watch sẽ khuyến khích bạn tập luyện mỗi ngày. Khi bạn đạt được mục tiêu trong ngày, chiếc đồng hồ sẽ hiển thị màn hình chúc mừng. Nếu không, tùy vào từng thiết bị sẽ hiển thị những câu động viên "giả tích cực" để thúc bạn đi bộ thêm trước khi tới nửa đêm. Bạn có thể "giành được" một số huy hiệu hoặc phần thưởng để có thể khoe với bạn bè khi hoàn thành các mục tiêu, chuỗi hoạt động hay phá vỡ kỷ lục cá nhân. Và hầu hết các thiết bị theo dõi vận động và đồng hồ thông minh đều có thể tính toán các thông số vận động khá tốt, nhưng tôi thật sự muốn các nhà lập trình có thể thêm một số thông số tác động khác vào thiết bị của họ. Sức khỏe không thể đo đếm được nếu chỉ dựa vào những mũi tên hướng lên hoặc xuống và khỏe mạnh không có nghĩa là bạn luôn phải hoạt động ngày càng nhiều hơn nữa mà không có điểm dừng.

Ví dụ như với tính năng Activity Trends của Apple. Năm 2019, Apple cho ra mắt tính năng này cùng với sự cải tiến trong ứng dụng Health và dòng Apple Watch Series 5. Activity Trends đo mức độ vận động của bạn trong 90 ngày gần nhất và so sánh với cả năm. Nếu chỉ số trung bình trong 90 ngày của bạn cao hơn hoặc bằng so với chỉ số trung bình cả năm, mũi tên sẽ hướng lên. Nếu thấp hơn, mũi tên sẽ hướng xuống. Bạn sẽ được đánh giá dựa trên nhiều chỉ số khác nhau như bước đi, mức vận động, đứng yên, ngoài ra còn có tốc độ bước, tốc độ chạy và các bài tập cardio (dựa trên chỉ số VO2 Max ước tính của bạn).

2145902.jpg


Khi mới ra mắt, tôi đã nghĩ rằng đây là một tính năng xuất sắc, có lẽ là vì mọi mũi tên của tôi đều hướng lên. Ngay cả khi có những mũi tên chỉ xuống, tôi vẫn thấy nó hữu ích. Tính năng này giúp tôi đặt ra mục tiêu tập luyện trong một khoảng thời gian để xoay chuyển những mũi tên. Nhưng khi đến mùa hè, những mũi tên đã không còn là thứ có ích như trước.

Cả mùa hè, tôi chạy khoảng 4 vòng 5km mỗi tuần và mỗi vòng chậm một cách đáng sợ, toàn bộ các mũi tên chỉ tốc độ chạy đều hướng xuống. Và chiếc đồng hồ khuyên tôi rằng "Tăng tốc!", đương nhiên là tôi trả lời không. Tôi rất dễ bị choáng khi trời nóng và tôi sẽ không mạo hiểm tính mạng của mình chỉ vì một mũi tên. Những người có kinh nghiệm ở bộ môn chạy bộ đều hiểu rõ giá trị của những bài tập chạy chậm và quan trọng hơn hết là chạy một cách an toàn. Tôi cũng biết rõ điều này. Tôi luôn tự nhủ điều đó mỗi khi nhìn vào những mũi tên. Nhưng nó vẫn không khiến tôi cảm thấy khá hơn khi nhìn vào chúng, nó luôn khiến tôi thấy thất vọng về bản thân.

Và khi mùa thu đến, nhiệt độ đã ở mức lý tưởng cho chạy bộ. Tôi dễ dàng tăng tốc độ chạy trung bình của mình, giảm từ 1-2 phút/km. Những mũi tên lại hướng lên, nhưng tôi không hề thay đổi các bài chạy của mình. Nếu tôi thật sự có tiến bộ, các chỉ số sẽ tăng một cách nhất quán chứ không phải lên xuống theo từng ngày. Tuy nhiên, điều đó không được thể hiện trong tính năng Activity Trends.

Tốc độ đi bộ của tôi cũng gặp vấn đề tương tự. Khi đi một mình, tốc độ đi của tôi ở khoảng 9-10 phút/km. Nếu tôi đi bộ cùng với người khác, nó sẽ không được tính là tập thể dục dù chúng tôi đi với tốc độ trung bình (khoảng 4 km/h). Tôi cho rằng những buổi đi bộ nhẹ là một hoạt động tốt cho sức khỏe, nhưng nó lại làm chỉ số của tôi tụt xuống và mọi thứ trở nên rối tung lên.

Và đừng hòng tôi ngó mắt đến điểm VO2 Max. Mặc dù tôi vẫn thường xuyên tập các bài cardio trong suốt mùa hè, điểm VO2 Max của tôi vẫn bắt đầu giảm. Không nhiều lắm, từ khoảng 34 xuống 33 với bước đếm 0,1 điểm. Một lần nữa, Apple cho tôi lời khuyên rằng cần "thử thách" bản thân khi đi bộ hoặc chạy và nên chạy ở khu vực có độ dốc. Tôi vẫn thực hiện các bài chạy trên đồi và mỗi tuần tôi đều có các bài tập chạy ngắt quãng cùng những bài chạy theo nhịp, một đến hai bài tập cardio và một số bài đi bộ. Tôi vẫn đang tập luyện rất tốt, cảm ơn nhé Apple.

2145905.jpg


Apple không phải là hãng duy nhất mắc lỗi này, tính năng Activity Trends chỉ là một ví dụ và tình cờ là thứ khiến tôi chú ý đến vấn đề này trong những tháng qua. Hầu hết các ứng dụng tập luyện, nếu không muốn nói là tất cả, đều thích nhắc nhở người dùng về việc đạt được mục tiêu, cải thiện chỉ số, giành các danh hiệu khi khỏe hơn, nhanh hơn hay đốt nhiều calo hơn. Lời nhắc đó có thể có ích đối với những hoạt động cơ bản, nhưng xét ở nhiều khía cạnh khác thì những tính năng này chắc chắn không phản ánh chất lượng sức khỏe lẫn các bài tập luyện của tôi.

Thay vì tập trung vào việc tập luyện nhiều hơn bao nhiêu, các thiết bị nên khích lệ khi người dùng có thể duy trì hoạt động đều đặn. Các tính năng cũng nên có sự kết hợp linh hoạt và chú trọng hơn vào thời gian phục hồi, thay vì thúc đẩy việc vượt qua các chỉ số dựa trên số bước, lượng calo đã tiêu thụ hay số tầng đã leo. Thay vì hoạt động thường ngày, ứng dụng nên tập trung vào các hoạt động hằng tuần. Và khi tập luyện, sự ưu ái đối với các bài tập cardio hoặc thể dục nhịp điệu (với lượng calo tiêu thụ nhiều hơn) có lẽ sẽ làm giảm tầm quan trọng của các hoạt động như rèn luyện thể lực.

Người dùng có thể hiểu được ý nghĩa của những mũi tên chỉ qua một cái lướt nhìn. Việc đạt được mục tiêu hằng ngày rất đơn giản. Nó không yêu cầu người dùng phải đọc hiểu những giải thích dài dòng về các thông số chuyên sâu. Tuy nhiên, chính sự đơn giản đó khiến việc đánh giá sức khỏe chỉ còn hai giá trị "tốt" và "xấu". Sự cứng nhắc đó đã khiến nhiều người dùng "lạc lối" khi tập luyện.

May thay, dường như ngày càng nhiều công ty sản xuất thiết bị đeo dần quan tâm đến vấn đề này. Với hệ điều hành watchOS 7, Apple Watch cuối cùng cũng cho phép người dùng chỉnh sửa mục tiệu hàng ngày. Đầu năm nay, Fitbit cũng bắt đầu thay đổi con số 10 nghìn bước huyền thoại thành tính năng Active Zone Minutes, tính năng này dựa trên số liệu được công nhận rộng rãi rằng mỗi người nên có 150 phút tập thể dục ở mức vừa và 75 phút ở mức mạnh mỗi tuần. Những thiết bị đeo khác như Oura Rinh hay Whoop đều tích hợp thêm các thông số thực để xác định mức căng thẳng thể chất của bạn dựa trên nhịp tim. Một số còn khuyến cáo bạn nên có một ngày nghỉ ngơi dựa trên mức độ tập luyện của bạn. Đây là tính năng được hầu hết các công ty sản xuất thiết bị đeo hàng đầu như Garmin hay Polar áp dụng, với tính năng Body Battery của Garmin và Nightly Recovery của Polar.

Cuối cùng, chúng ta cần sự tán dương cho những người đã tập luyện đều đặn từ tuần này sang tuần khác. Chúng ta cần tránh việc khuyến khích người dùng tập nhiều hơn, mạnh hơn, nhanh hơn hay nặng hơn mỗi ngày. Nếu không, chính nhà sản xuất đang thúc ép người dùng ném thiết bị theo dõi vận động của họ vào ngăn bàn và chẳng bao giờ động đến nó nữa.

Theo Vn review​
 
Bên trên