Gửi các hãng sản xuất: Xin đừng lặp lại 7 xu hướng này trên smartphone 2021

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Những xu hướng được nhắc đến trong bài viết này là có thể đã cũ hoặc chỉ đơn giản không phù hợp với sự thay đổi của ngành công nghiệp smartphone trong thời gian tới.

2156653.jpg


Năm 2020 là một năm quan trọng đối với ngành công nghiệp smartphone trên nhiều phương diện. 5G đã bắt đầu được phổ cập dần sang các mẫu smartphone tầm trung, các model smartphone màn hình gập ngày càng được cải tiến về độ bền và tính năng.

Tuy nhiên vẫn sẽ có những xu hướng sẽ sớm biến mất. Theo mỗi bước chuyển mình của ngành công nghệ trong năm 2020, có một vài xu hướng được dự báo sẽ sớm biến mất vào 2021. Dưới đây là danh sách những xu hướng đó.

Chữ 5G sẽ biến mất trong tên gọi của các smartphone mới

Trong năm nay, chúng ta đã thấy khá nhiều các mẫu smartphone có hậu tố "5G" ở sau tên gọi. Điều này khá dễ hiểu trong bối cảnh mạng 5G mới chỉ bắt đầu triển khai ở một số nước và nhiều người dùng vẫn còn lạ lẫm với khái niệm này. Do đó việc đặt thêm hậu tố 5G sau tên gọi của các mẫu smartphone sẽ giúp người dùng dễ dàng định hình đó là smartphone 5G.

2156656.jpg


Hiện tại 5G chủ yếu được phổ cập trên phân khúc smartphone cao cấp (flagship) nhưng với việc các hãng sản xuất chip như Qualcomm và MediaTek ngày càng "bình dân hóa" 5G trên các con chip tầm trung, cơ hội để người dùng smartphone tầm trung, thậm chí là giá rẻ có thể tiếp cận 5G trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên cho tới lúc đó, hy vọng các nhà sản xuất sẽ sớm bỏ quy ước đặt tên này cho các dòng smartphone cao cấp hoặc tầm trung vào đầu năm 2021. Một khi mạng 5G đã trở nên phổ biến, việc để hậu tố 5G dường như không còn quá quan trọng để người dùng nhận diện chiếc máy đó có hỗ trợ 5G.

Ngừng sử dụng nhựa giả kính trên smartphone giá 1.000 USD

Hẳn với nhiều người, chất liệu kính chắc chắn là đại diện cho những sản phẩm ít nhất từ phân khúc tầm trung đổ lên. Tuy nhiên vẫn có những hãng chọn giải pháp đi ngược lại số đông. Đó là trường hợp của Samsung Galaxy Note 20 ra mắt hồi tháng 8.

Trái với suy nghĩ của giới công nghệ, chiếc máy này trang bị loại nhựa giả kính thay vì dùng kính thật. Nhưng điều đáng nói hơn là mức giá của nó lên tới gần 1000 USD. Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi Samsung lại đưa chất liệu không phải là tốt nhất và bóng bẩy nhất lên một chiếc flagship, ngay cả khi họ phải bỏ ra rất nhiều tiền mới có thể sở hữu được nó.

2156659.jpg


Về vấn đề này, sẽ tốt hơn nếu Samsung có thể đưa chất liệu nhựa giả kính lên các phiên bản rẻ hơn, ví dụ như Galaxy FE/Lite hoặc dòng Galaxy A. Ngoài ra sẽ tốt nhất nếu Samsung tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện vật liệu nhựa giả kính để khiến nó trông sang trọng và thật hơn.

Không chỉ Samsung, hy vọng rằng các hãng công nghệ khác cũng sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng chất liệu nhựa giả kính trên các dòng smartphone cao cấp nhất.

Camera 2MP vô dụng

Một trong những xu hướng camera gây khó chịu nhất trong hai năm gần đây là việc nhiều hãng bổ sung thêm cảm biến 2MP chất lượng thấp. Thoạt nhìn đây là cách để các hãng tự tin khoe với khách hàng rằng, sản phẩm của họ có nhiều camera. Nhưng mặt khác, số lượng đôi khi lại không đi cùng chất lượng.

2156662.jpg


Việc cung cấp quá nhiều camera trên một chiếc smartphone nhưng số chấm trên cảm biến lại quá thấp khiến việc người dùng muốn tận dụng hết công năng của cảm biến đó cũng rất khó.

Trên thị trường, một số hãng smartphone đã chạy theo xu hướng này, đơn cử như Xiaomi, Realme, Samsung và Oppo. Các hãng này thường bổ sung thêm hai camera 2MP như một cách để khoe khoang về cụm camera hoành tráng ở mặt sau nhưng do số chấm quá thấp nên người dùng hiếm khi dùng đến các camera này. Điều này vô tình khiến chúng trở nên thừa thãi và vô cùng lãng phí đối với nguồn linh kiện điện tử.

Sẽ tốt hơn nếu các hãng biết nghĩ hơn tới nhu cầu của khách hàng thay vì phô trương quá nhiều camera. Thay vì tăng số lượng camera, việc cải thiện chất lượng camera, đặc biệt là các cụm ống kính góc siêu rộng và macro chắc chắn sẽ được người dùng hoan nghênh hơn.

Không còn thiết bị nào phải dùng sạc thường nữa


Xu hướng sạc nhanh đã thay đổi rất nhiều kể từ khi các hãng smartphone Android chạy đua cải tiến công nghệ sạc. Giờ đây người dùng đã có thể sạc máy với công suất lên tới 65W hay thậm chí 100W, chẳng hạn trên các model như Xiaomi Mi 10 Ultra và OnePlus 8T. Tuy nhiên có một thông tin chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ khi vẫn còn những chiếc flagship trên thị trường không hỗ trợ sạc nhanh.

2156666.jpg


Lấy ví dụ như Motorola Edge Plus và Google Pixel 5 chỉ có công suất sạc 18W, một con số đáng thất vọng. Trong khi dòng iPhone 12 và LG V60 có nhanh hơn một chút với công suất lần lượt 20W và 25W. Sẽ thật thú vị nếu như chúng ta có thể thấy mặt bằng công suất sạc chung của tất cả các thiết bị từ 30W trở lên trong năm 2021.

Một số người dùng bày tỏ lo lắng rằng, sạc nhanh có thể làm suy giảm tuổi thọ pin theo thời gian. Nhưng hóa ra nỗi lo đó chỉ là vô nghĩa khi các hãng đều có cách của riêng mình để bảo vệ pin. Oppo từng tuyên bố rằng dung lượng pin thực tế trên chiếc Oppo Reno Ace 2 chỉ giảm xuống 90% sau 800 chu kỳ sạc, tức rơi vào khoảng hai năm với mức công suất sạc 65W.

Tất nhiên ngay cả khi một chiếc smartphone hỗ trợ sạc nhanh, người dùng vẫn có lựa chọn sạc ở mức công suất bình thường với cục sạc của bên thứ ba dễ dàng.

Tăng thời gian được cập nhật hệ điều hành

Google đã cam kết sẽ cung cấp các bản cập nhật hệ thống cho điện thoại Pixel trong 3 năm sau khi mua. Samsung sau đó cũng đưa ra cam kết 3 năm cập nhật phiên bản Android cho một vài thiết bị. Nhưng đó chỉ là số ít những điểm sáng hiếm hoi trong năm 2020.

2156675.jpg


Cụ thể OnePlus xác nhận chỉ hỗ trợ một lần cập nhật phiên bản Android cho chiếc Nord N10 và N100. Hay như Motorola tiết lộ họ có thể bỏ qua cam kết cập nhật phiên bản cho chiếc Edge Plus trị giá tới cả ngàn đô. Nhưng sau đó Moto cuối cùng đã quyết định vẫn sẽ hỗ trợ hai lần cập nhật phiên bản.

Trong bối cảnh đại dịch chưa biết khi nào kết thúc và xu hướng giữ thiết bị lâu hơn của người tiêu dùng, rõ ràng những lời cam kết này từ phía các hãng sẽ giúp người dùng yên tâm hơn khi sử dụng smartphone từ các hãng này.

Cần thêm nhiều smartphone cao cấp giá mềm

Xiaomi, Realme và OnePlus đều ra mắt các mẫu flagship mới trong năm 2020 và ngạc nhiên là chúng sở hữu mức giá cao hơn so với các sản phẩm tiền nhiệm.

2156672.jpg


Một phần nguyên nhân dẫn đến điều này là do giá nguồn linh kiện cao cấp năm nay đắt đỏ hơn. Tuy nhiên ngoài một số bất ngờ đáng hoan nghênh, giới công nghệ vẫn khá thất vọng khi thấy sự khan hiếm của những chiếc flagship sở hữu mức giá phải chăng và hấp dẫn hơn.

Chỉ cách đây vài năm trước, xu hướng đưa flagship tới gần hơn tới tay người dùng nhờ sở hữu mức giá hấp dẫn gần như là cách giúp nhiều hãng smartphone phủ sóng thương hiệu và tăng thị phần.

Chất lượng hơn số lượng

Một trong những xu hướng khó chịu hơn cả là trong vài năm gần đây, nhiều hãng lại chọn cách ra mắt nhiều biến thể smartphone khác nhau với chỉ rất ít sự thay đổi và khác biệt. Chiêu trò này cốt để tăng độ phủ sóng của thương hiệu nhưng nó cũng vô tình khiến người tiêu dùng cảm thấy hoang mang và không biết muốn mua sản phẩm nào. Đôi khi thật khó hiểu khi Redmi 9 có tận tám tới chín biến thể khác nhau.

2156669.jpg


Hy vọng rằng sang năm 2021, các hãng smartphone sẽ hướng tới chất lượng nhiều hơn số lượng khi ra mắt các sản phẩm đặc trưng. Đồng thời sẽ tốt hơn nếu các hãng đem tới giá trị cho khách hàng thay vì ra mắt quá nhiều sản phẩm có nét tương đồng bằng cách thay đổi tên và một vài nét thiết kế dưới dạng thương hiệu phụ hoặc thương hiệu độc lập tách riêng như Redmi, Realme, Honor,…

Theo Vnreview​
 
Bên trên