15 món đồ công nghệ đến từ thế giới khác của Sony

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực điện tử đồng thời cũng là tác giả của nhiều sản phẩm như thể đến từ thế giới khác.

2218516.jpg


Mọi công ty điện tử tiêu dùng đều có một bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D), nơi liên tục tạo ra đủ loại thiết bị và công nghệ quái lạ mà họ cho là có tiềm năng định hình nên tương lai của cả ngành công nghiệp. Phần lớn những thiết bị như vậy được sản xuất ra với mục tiêu đánh giá tính thực tiễn của một ý tưởng nào đó và thường không phổ biến ra công chúng - chỉ một hoặc hai tính năng của chúng về sau có cơ hội xuất hiện trên những sản phẩm tiêu dùng mà thôi. Nhưng với Sony thì khác.

Ông lớn trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng này cũng có lịch sử dài "chơi đùa" với những món đồ công nghệ độc đáo mà có lẽ bạn chưa từng thấy ở đâu khác. Nhiều trong số chúng chẳng khác gì những thử nghiệm lẽ ra không bao giờ nên rời khỏi phòng thí nghiệm, trong khi số khác lại đi trước thời đại quá xa nên khó lòng được đón nhận.

Dưới đây, hãy cùng điểm qua những món đồ công nghệ siêu kỳ quặc đến từ cha đẻ của những siêu phẩm thành công rực rỡ như Walkman, Handycam, TV Trinitron, và PlayStation.

1. Loa không dây lăn tròn Sony Rolly

2218486.jpg


Bạn được gì khi kết hợp máy nghe nhạc MP3 với loa tích hợp, robot tự động lăn tròn, và... một quả trứng? Xin chào Rolly, sản phẩm mà chẳng ai biết Sony tung ra để cạnh tranh với cái gì! Nó không lôi cuốn như chó robot Aibo, và với chỉ 6 thành phần di chuyển được, nó không làm được gì nhiều ngoài nhảy múa theo bất kỳ bài hát nào bạn đang phát và chiếu đèn đa sắc như vũ trường tại gia.

Rolly có bộ nhớ trong 2GB kèm mức giá 400 USD, và mặc cho được lập trình sẵn để biểu diễn bài Girlfriend của Avril Lavigne, vòng đời của nó quá ngắn ngủi, thậm chí không được xem là một trong những máy phát nhạc MP3 bị tiêu diệt bởi Apple iPod nữa!

2. Robot thú cưng Aibo ERS-220

2218498.jpg


Loạt robot thú cưng Aibo, không thể bàn cãi, là một dòng sản phẩm kỳ quặc đối với một công ty nổi tiếng về TV và máy cassette. Nhưng Aibo cũng là một trong những nỗ lực tham vọng bậc nhất từng được thực hiện để mang đến cho người tiêu dùng những người bạn đồng hành máy móc thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng. Aibo được làm từ nhựa với các mô-tơ ồn ào, nhưng có thiết kế như những chú cún con đáng yêu giúp chúng trở nên thân thiện hơn, đến mức một số người Nhật đã tổ chức cả...tang lễ cho những chú robot này khi chúng ngừng hoạt động và không còn khả năng sửa chữa được nữa.

Ngoại trừ Sony Aibo ERS-220, vốn được Sony miêu tả là "robot chó tương lai". Nếu RoboCop có một người bạn đồng hành khi đi tuần tra, nó hẳn sẽ trông như ERS-220. Với đèn LED đỏ và xanh dương trên đầu (đèn LED đỏ sẽ nhấp nháy khi ESR-220 tức giận) và đèn chiếu điểm trên đỉnh đầu có thể trồi lên trong một số tình huống, con Aibo này rõ ràng phù hợp để mang ra chiến trường hơn là làm bạn với trẻ em trong gia đình.

3. Sony eVilla

2218480.jpg


Có lẽ số người nhớ đến eVilla chỉ đếm trên đầu ngón tay, và có lý do chính đáng giải thích cho việc đó. Thiết bị gia dụng internet (thuật ngữ cũ để chỉ các máy tính tối giản được thiết kế phục vụ các tác vụ liên quan internet) hẩm hiu này được phát triển trong một năm rưỡi. Nó ra mắt thị trường vào ngày 14/6/2001 và ngừng bán vào ngày 13/9/2001, tức chỉ 3 tháng sau đó.

Nhờ màn hình CRT dạng đứng rộng 15-inch, eVilla khá nổi bật nếu xét về ngoại hình, nhưng việc sở hữu vi xử lý 266 MHz, RAM 64MB và không có bộ nhớ trong (có khe cắm thẻ nhớ MemoryStick) đã khiến người dùng "chột dạ" khi nhìn vào mức giá 500 USD của nó. Đáng nói hơn nữa, những chức năng vốn hạn chế của eVilla - chỉ để đọc email và lướt web - lại đòi hỏi người tiêu dùng phải trả thêm một khoản phí 22USD/tháng mới sử dụng được, và cuối cùng Sony đã phải hoàn lại tiền cho 150.000 người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua thiết bị ngớ ngẩn này.

4. Máy tạo mùi hương tinh dầu di động

2218504.jpg


Đặt chân vào thị trường nến thơm đầy màu mỡ, thiết bị mang tên Aromastic Mobile Scent Dispenser của Sony thực sự là một "siêu phẩm". Thay vì đợi mùi hương tinh dầu phảng phất trong không khí từ từ tìm đến bạn, thiết bị cầm tay này sẽ trực tiếp "bắn" vào người dùng 1 trong 5 loại tinh dầu khác nhau được đặt trong những ống tinh dầu có thể tháo ra thay thế được.

Aromastic được kỳ vọng sẽ là lựa chọn của dân văn phòng trong những ngày làm việc căng thẳng khi mang đến cho họ một liệu pháp tinh dầu nhanh - gọn - lẹ, nhưng điều Sony không nghĩ đến là: thiết bị của họ liệu có cửa trước một tách cafe thơm nức mũi vốn luôn có sẵn trong mọi văn phòng?

5. Camera smartphone Sony Cybershot DSC-QX10 và QX100


2218507.jpg


Tám năm trước, khả năng nhiếp ảnh của smartphone vẫn kém xa so với máy ảnh DSLR và MRL, nhưng để những chiếc máy ảnh cồng kềnh ở nhà và chỉ dựa vào smartphone để chụp ảnh vẫn là một điều gì đó rất đáng mơ ước đối với nhiều người - và Sony đã tìm cách biến giấc mơ đó thành hiện thực với Cybershot DSC-QX10 và QX100. Cả hai đều là những camera độc lập. Mẫu QX100 giá 500 USD có cảm biến 1-inch, còn QX10 giá 250 USD có cảm biến 1/2.3-inch; các thành phần như màn trập, nút zoom, và ống kính được tích hợp vào trong một lớp vỏ trông như hộp súp vậy.

Bạn có thể sử dụng QX10 và QX100 để chụp ảnh mà không cần thêm bất kỳ thứ gì, nhưng mọi chuyện sẽ hơi khó khăn một chút vì chúng thiếu màn hình LCD để canh góc. Đó là lúc smartphone vào cuộc. Cả hai camera đều có thể kẹp vào thiết bị di động của bạn, và nhờ một ứng dụng kết nối qua wifi, smartphone sẽ không chỉ trở thành màn hình của camera mà còn có thể truy cập đến mọi bức ảnh đã được chụp để dễ dàng chia sẻ chúng cho người khác. Hai chiếc camera này hiển nhiên cải thiện đáng kể khả năng nhiếp ảnh của bất kỳ thiết bị di động nào kết nối với chúng, nhưng suy cho cùng, chúng vẫn là những món phụ kiện quá cồng kềnh để mang đi khắp nơi.

6. Thiết bị nhắn tin tức thời Sony Mylo

2218501.jpg


Đừng nhầm Sony Mylo (viết tắt của My Life Online) với một chiếc điện thoại di động chuyên nhắn tin như T-Mobile Sidekick. Mylo, đầu tiên và trước hết, là một máy phát đa phương tiện (video và MP3), nhưng được trang bị kết nối wifi cùng một màn hình trượt lên để lộ ra bàn phím QWERTY hoàn chỉnh. Tuy nhiên, không như Sidekick, nó không hề có kết nối di động, và vào năm 2006, các điểm kết nối wifi cũng chưa phổ biến cho lắm.

Nếu bạn may mắn tìm được nơi để kết nối internet, thì chiếc Mylo giá 350 USD có thể được dùng để chat qua Google Talk và Yahoo Messenger, lướt web bằng trình duyệt Opera, và thậm chí là gọi điện VoIP bằng Skype. Không đòi hỏi phải đăng ký gói cước dữ liệu di động để sử dụng các chức năng trên là một lý do khá hấp dẫn để chọn mua Mylo, nhưng sau 4 năm trên thị trường, Sony đã phải âm thầm đưa món đồ công nghệ này vào nghĩa trang u buồn của mình.

7. Thiết bị nhận diện bài hát Sony eMarker

2218489.jpg


eMarker, giá 20 USD, có thể xem là ông tổ của các ứng dụng nhận diện nhạc như Shazam và SoundHound. Món đồ công nghệ này giúp người dùng tìm ra tên của bài hát mà họ nghe được trên sóng radio, nhưng không cần kết nối internet di động, microphone, hay AI. Thay vào đó, bạn nhấn một nút bấm trên thiết bị, và khi kết nối nó với máy tính qua cổng USB, ứng dụng đi kèm sẽ dựa trên vị trí của bạn để liệt kê ra danh sách những bài hát được phát trên các đài radio địa phương vào thời điểm bạn nhấn nút trước đó.

Quả là một giải pháp thông minh vào những năm 2000, nhưng thậm chí 21 năm sau đó, việc giới hạn chỉ cho phép người dùng dò tìm 10 bài hát một lần trước khi phải đồng bộ thiết bị với máy tính thực sự là một quy định ngớ ngẩn - rõ ràng mọi thứ mà eMarker lưu trữ chỉ là dữ liệu về thời gian thôi mà?

8. Dây đeo đồng hồ thông minh Sony Wena Wrist Pro

2218492.jpg


Một trong những vấn đề lớn nhất với smartwatch, đặc biệt với các fan đồng hồ truyền thống, là chúng trông cực kỳ ngớ ngẩn. Do đó, thay vì tìm cách thiết kế lại những mẫu smartwatch hiện có để biến chúng trở nên dễ nhìn hơn, Sony đưa ra ý tưởng nâng cấp nhằm làm đồng hồ kim truyền thống thông minh hơn. Tất nhiên, họ không mở tung một chiếc Rolex rồi nhét đủ thứ linh kiện điện tử vào bên trong, mà là tạo ra một chiếc dây đeo thông minh thay cho dây gốc, với khả năng làm được mọi thứ mà một chiếc smartwatch có thể làm mà không hề phô trương hay lộ liễu.

Dây đeo Wena Wrist Pro tương thích với các đồng hồ sử dụng dây cỡ 18/20/22mm, và ẩn bên trong khoá gài không chỉ là một màn hình OLED tí hon hiển thị được vài dòng chữ, mà còn có chip Bluetooth, pin sạc được (đòi hỏi sợi cáp chuyên dụng), và các cảm biến chuyển động để theo dõi hoạt động thể thao. Wena Wrist Pro kết nối với một ứng dụng smartphone để đưa thông báo đến tay người đeo, nhưng với giá từ 450 USD (đắt hơn cả chiếc Apple Watch đời đầu), bạn không thấy ai đeo nó ngoài đường cũng là điều dễ hiểu!

9. Sony Folding Tablet P

2218495.jpg


Khá lâu trước khi màn hình OLED dẻo xuất hiện trên các thiết bị tiêu dùng như Samsung Galaxy Fold, Sony đã thử tạo ra một chiếc tablet màn hình gập với những công nghệ tốt nhất thời điểm đó. Kết quả là chúng ta có một thiết bị dạng vỏ sò tên Sony Tablet P, khi mở ra sẽ cho hai màn hình LCD 5.5-inch đặt cạnh nhau, phân cách bởi một viền tương đối dày mà bạn không thể vờ như không có được.

Bản thân ý tưởng này không tệ, nhưng Tablet P là nạn nhân của những giới hạn về công nghệ vào năm 2011. Thiết kế này cho phép nó dễ dàng bỏ lọt túi quần, và nó cũng nhẹ không tưởng dù được trang bị khá nhiều công nghệ bên trong, bao gồm wifi, 4G, cùng vi xử lý Nvidia Tegra 2 1GHz. Giống như nhiều món đồ công nghệ tân tiến khác, Tablet P bị "phản bội" bởi phần mềm. Chạy Android 3.2, Sony đã mang đến hàng loạt ứng dụng tuỳ biến có khả năng tận dụng tối đa màn hình kép của Tablet P, như một trình chơi video hiển thị phim ở một màn hình và các nút điều khiển ở màn hình còn lại. Nhưng mấu chốt của một chiếc tablet màn hình gập là làm sao để tận dụng được lợi thế của màn hình lớn mà nó mang lại, và bản lề quá dày của Tablet P lại khiến điều đó trở nên bất khả thi.

10. Sony D-88 Compact Discman

2218513.jpg


Sony từ lâu đã nổi danh vì khả năng thu nhỏ các thiết bị điện tử tiêu dùng, và một số mẫu Walkman cuối cùng của hãng quả thực có kích thước không lớn hơn những chiếc băng cassette nhét bên trong chúng là bao. Với Sony Discman D-88, công ty Nhật Bản tìm cách thu nhỏ cả máy phát đĩa CD, nhưng một lần nữa, họ dường như chưa tính đến một điều: làm sao bạn có thể mang bên mình một chiếc máy phát đĩa CD gọn nhẹ nhưng một phần đĩa đang xoay lại trồi ra ngoài chẳng khác gì một chiếc máy cưa thế kia?

Kênh YouTube Techmoan đã "trên tay" D-88 vào vài năm trước, và dù ý đồ của Sony là tốt, cách thức họ hiện thực hoá nó lại gặp vấn đề nghiêm trọng. Discman D-88 chủ yếu được thiết kế để phát đĩa mini CD 80mm, loại đĩa mà bạn có thể nhận được dưới dạng phát mãi tại các triển lãm, hoặc được một vị doanh nhân thời thượng nào đó tặng như một tấm danh thiếp. Có một số album rút gọn và vài đĩa đơn được phát hành dưới dạng mini CD, vốn chỉ chứa được khoảng 24 phút nhạc, nhưng hầu hết mọi người lại sở hữu một thư viện nhạc với đủ thể loại ca khúc trên các đĩa 120mm. D-88 cũng phát được dạng đĩa này, nhưng vì nó được thiết kế cho mini CD, kích cỡ của nó hiển nhiên sẽ nhỏ hơn các đĩa 120mm, và nhằm đảm bảo khả năng tương thích ngược, Sony quyết định rằng những "lưỡi cưa phát nhạc" như đã đề cập đến ở trên là một sự đánh đổi hợp lý.

11. Điều khiển TV kiêm loa không dây Sony SRS-LSR100

2218510.jpg


Một trong những tính năng đỉnh của các thiết bị stream Roku đời trước là một jack headphone trên chiếc điều khiển không dây, cho phép người dùng nghe âm thanh qua headphone để không làm phiền người khác. Đó hẳn phải là nguồn cảm hứng để Sony thiết kế ra điều khiển TV kiêm loa không dây SRS-LSR100, nhưng hãy loại bỏ sự riêng tư ra nhé. Thay vì stream âm thanh TV qua headphone, thiết bị 165USD này sẽ đẩy nó ra một chiếc loa di động, tức là bạn không cần phải vặn âm lượng TV lên thật to để ngồi xa vẫn nghe rõ nữa, mà chỉ cần đặt SRS-LSR100 cạnh bạn để tận hưởng sự riêng tư nửa vời!

Nút vặn âm lượng cỡ lớn trên đỉnh loa là một yếu tố khá thú vị - tốt hơn nhiều so với sử dụng những nút bấm khô khốc trên các điều khiển truyền thống - nhưng nó lại đòi hỏi phải sử dụng một dongle (adapter) cắm vào TV (không hợp lý lắm vì phải kết nối nhiều thiết bị với TV), và giống như nhiều món đồ công nghệ lạ thường của Sony, SRS-LSR100 chỉ bán tại Nhật mà thôi.

12. TV OLED XEL-1

2218483.jpg


TV OLED ngày nay xuất hiện ở khắp mọi nơi và có giá tương đối dễ chịu, nhưng vào năm 2018, khi Sony tung ra TV OLED đầu tiên dành cho thị trường tiêu dùng, mọi thứ rất khác. XEL-1 gây tiếng vang cho Sony vì đã góp phần thúc đẩy thời đại của TV OLED, nhưng với giá 2.500 USD, nó là một chiếc TV cực đắt trong khi màn hình chỉ 11-inch, và tính năng cũng không thật sự đặc sắc.

Màn hình TV dày chỉ 3mm, cho thấy tiềm năng ấn tượng của công nghệ màn hình OLED, nhưng vì vậy không còn đủ chỗ cho các linh kiện điện tử và các cổng kết nối khác, buộc XEL-1 phải đi kèm với một giá đỡ nối với phần đế chứa cổng HDMI và các thành phần phải có của TV như loa và nút bấm. Chưa hết, dù màn hình có tỉ lệ tương phản xuất sắc với màu đen sâu, khả năng tái hiện màu sắc của nó không tốt lắm, và độ phân giải chỉ đạt 960 x 540 pixels, tức 1/4 độ phân giải 1080p.

13. Sony HDR-MV1

2218471.jpg


Nếu những chiếc camera hành động (action cam) bé tí như GoPro có một điểm yếu, thì đó là hệ thống microphone bèo bọt thu âm với chất lượng đáng thất vọng, khiến bạn hụt hẫng khi xem lại một khoảnh khắc quý giá nào đó. Sony HDR-MV1 chưa bao giờ được xem là đối thủ của GoPro, nhưng nó đã khắc phục được vấn đề âm thanh tệ hại nói trên bằng một cặp microphone stereo lồi hẳn ra ngoài, nằm ngay bên dưới ống kính camera.

HDR-MV1 vừa mạnh mẽ như những máy quay bỏ túi chất lượng cao đến từ các công ty như Roland và Zoom, vừa có khả năng quay video ở 1080p hoặc 720p tuỳ thuộc nhu cầu lưu trữ hoặc ý đồ của bạn với đoạn phim. Nó xuất hiện vừa đúng lúc để đáp ứng những tiêu chí khắt khe của giới sáng tác nhạc lúc bấy giờ, vốn vừa bắt đầu tấn công các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube, nhưng màn hình không thể lật ra của HDR-MV1 khiến nó trở thành một lựa chọn chưa hoàn hảo đối với nhiều người. Việc không thể thấy màn hình trong khi đang hướng camera về phía mình đồng nghĩa bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi quay video selfie trừ khi có sẵn một chiếc gương!

14. Điện thoại VoIP Sony VAIO Mouse Talk

2218474.jpg


Mọi công ty điện tử tiêu dùng lớn đều có một bộ phận nghiên cứu và sản xuất những món đồ công nghệ đơn giản, dễ mua, như chuột hay bàn phím. Nhưng Sony lại nghĩ rằng cần phải cải tiến những món phụ kiện desktop cơ bản đó, và họ tung ra điện thoại VoIP Sony VAIO Mouse Talk: thoạt nhìn trông như một con chuột với thiết kế đẹp mắt (nhưng không phù hợp công thái học cho lắm) theo phong cách desktop/laptop Sony VAIO, nhưng nó lại ẩn chứa một chức năng gây bất ngờ bên trong.

Cụ thể, thiết bị này có thể mở ra như một chiếc điện thoại di động vỏ sò kinh điển để hiện nguyên hình là...một chiếc điện thoại, với loa ở một đầu và microphone ở đầu kia. Đúng như tên gọi, con chuột này có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi VoIP thông qua các dịch vụ như Skype, nhưng có một vấn đề nghiêm trọng: trừ khi bạn có một trackpad dự phòng, có một con chuột thứ hai, hoặc là một bậc thầy múa phím tắt, thì trong quá trình gọi điện bạn sẽ không thể điều khiển con trỏ chuột trên Windows được, khiến Mouse Talk rõ ràng không phù hợp cho các cuộc gọi công việc.

15. Trợ lý số cá nhân Sony Magic Link PIC-1000

2218477.jpg


Bộ phim General Magic đã miêu tả lại sự trỗi dậy và lụn bại của một startup cùng tên tại Thung lũng Silicon vào những năm 1990, công ty mà nhiều người tin là đã phát minh ra một thiết bị giống iPhone từ rất lâu trước khi Apple bắt đầu phát triển mẫu smartphone thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp di động. Công ty này được sáng lập bởi những cựu kỹ sư tài năng của Apple (nhiều trong số họ đã tham gia phát triển mẫu máy tính Macintosh đời đầu) và một số cái tên nổi tiếng khác trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng ngày nay. Bộ phim đó còn nhắc đến Sony, một trong số ít công ty từng tung ra một thiết bị chạy hệ điều hành Magic Cap của General Magic: chiếc PDA Sony Magic Link PIC-1000.

Một số người tin rằng Magic Cap và các thiết bị chạy nó đơn giản là đã đi trước thời đại, và phải chấp nhận thất bại bởi phần cứng và linh kiện hạn chế khiến bản thân hệ điều hành có cảm giác ì ạch và lỗi thời. Nhưng trên thực tế, quá trình phát triển Magic Cap đã gặp phải vô số trì hoãn và nhiều vấn đề khác, trong đó các nhà phát triển vì muốn nhồi nhét hàng loạt những tính năng và ý tưởng đặc sắc nên phải muối mặt chấp nhận chậm trễ trong khâu hoàn thiện và bán sản phẩm ra thị trường.

Được đưa lên kệ vào năm 1994, Sony Magic Link PIC-1000 là một thất bại toàn tập, và dù nó sở hữu những chức năng tân tiến như modem tích hợp để gửi và nhận email trên đường đi, nó vẫn không thể thay đổi thế giới. Bản nâng cấp Sony Magic Link PIC-2000 ra mắt hai năm sau đó với mức giá không tưởng 900 USD phải đối mặt với một rào cản thậm chí còn lớn hơn: sự xuất hiện của mẫu PDA Palm Computing Pilot 1000 giá chỉ 300 USD.

Pilot 1000 hoạt động hoàn hảo trong khuôn khổ những giới hạn công nghệ thời điểm đó, mang đến một giao diện người dùng mượt mà, khả năng nhận dạng chữ viết tay đáng tin cậy và dễ làm quen mang tên "Graffiti", cùng một chiếc đế đồng bộ cực kỳ thông minh dùng để định kỳ nhận và gửi email thông qua một chiếc máy tính để bàn. Nó không mạnh mẽ như những PDA chạy Magic Cap, nhưng đủ dùng cho hầu hết người dùng và nhét vừa vặn vào túi quần. Kết quả là, chính thiết bị này mới là kẻ mở ra thời đại của PDA. Đáng tiếc thay cho Sony!

Theo VN review​
 
Bên trên