Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

banxuanhoa

New Member
(Petrotimes) - Khá lâu rồi mới có một sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi lứa tuổi 9-15 như cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”. Nhiều nhạc sĩ, khán giả, phụ huynh đã và đang bất ngờ trước tài năng, sự thông minh, nhanh nhạy của các em. Tuy nhiên, qua những gì các em thể hiện, khán giả có thể nhận ra một thực tế là, hình như không có nhiều sáng tác mới dành cho lứa tuổi này. Nhạc sĩ (NS) Hồ Hoài Anh đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Petrotimes suy nghĩ của mình về cuộc thi và vấn đề này.

PV: Vì sao anh nhận lời làm huấn luyện viên cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”?

NS Hồ Hoài Anh: Trước hết, tôi thấy đây là một format hay, hấp dẫn. Và quan trọng hơn là tôi muốn tiếp xúc với lứa tuổi này. Tôi có con nhỏ nên muốn hiểu tâm lý trẻ con. Quãng thời gian tiếp xúc với các bé qua cuộc thi này đã cho tôi một cảm giác thú vị, vui vẻ. Tôi thực sự đã có cơ hội refresh (làm mới lại) bản thân.

PV: Anh có nhận xét như thế nào về nhạc cảm, về khả năng ca hát và biểu diễn của các thí sinh tham gia “Giọng hát Việt nhí”? So với thế hệ Xuân Mai, Xuân Nghi ngày trước và các Đồ Rê Mí gần đây thì như thế nào?

NS Hồ Hoài Anh: Rất bất ngờ, tôi không thể ngờ trẻ con lại nhanh và thông minh như thế. Đúng là thế hệ mới. Những suy nghĩ về nghệ thuật, âm nhạc, cuộc sống rất khác thế hệ trước. Thực ra, theo tôi, điều này cũng dễ giải thích thôi vì trẻ em ngày nay xem tivi, tiếp xúc trên mạng sớm, thường xuyên, học được rất nhiều điều mới mẻ. Điều dễ nhận thấy là các em bây giờ cập nhật thông tin rất nhanh, có phản xạ tốt và tự tin hơn. Quan trọng nữa là không chỉ có trẻ con thành phố mà trẻ em nông thôn cũng vậy. Ở đội của tôi có bé Quang Anh, gia đình nghèo, có hoàn cảnh éo le nhưng bé rất thông minh và nhanh nhẹn, hòa nhập môi trường mới rất tốt, không hề có chút tự ti nào so với bạn bè cùng trang lứa.



Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

PV: Xem chương trình, có thể thấy trẻ em ngày nay có xu hướng thích nhạc ngoại hơn nhạc nội? Bằng chứng là có rất ít thí sinh chọn nhạc Việt để biểu diễn?

NS Hồ Hoài Anh: Tôi thì lại nghĩ, chúng ta nên hiểu theo hướng tích cực khi nhìn nhận vấn đề này. Nếu đặt vào thời điểm hiện nay thì đây cũng là lẽ tất nhiên. Cần phải khẳng định rằng, nếu so với âm nhạc Việt Nam thì nước ngoài có nhiều thể loại nhạc để nghe và hát hơn, nhất là ở lứa tuổi của các em, thị trường âm nhạc trong nước hoàn toàn đang bị bỏ ngỏ. Ở lứa tuổi này các em không thể nào nghe và hát những bài kiểu dạng như “Bé bé bằng bông” hay “Hạt gạo làng ta” - những bài hát từ thuở vỡ lòng được. Nhưng sáng tác dành cho lứa tuổi này đang thiếu, bản thân các nhạc sĩ cũng chưa chú ý nhiều đến mảng đề tài này. Lý do là vì độ tuổi này qua quá nhanh, tâm sinh lý cũng khá bất ổn, không dễ gì nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ để có thể sáng tác những bài hát phù hợp.

PV: Nhưng anh có nghĩ, nếu các em cứ hát hoài và hát mãi những bài hát quá già so với lứa tuổi thì sẽ dẫn đến sự phát triển lệch lạc về mặt tâm hồn, thị hiếu? Hoặc là một sự khuyết thiếu nào đó trong tâm lý…

NS Hồ Hoài Anh: Tôi cho rằng, sẽ không có chuyện đó xảy ra. Tôi cũng không bao giờ cổ xúy cho việc đấy. Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu và được dìu dắt định hướng tốt thì chúng sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định bản thân mình trong thời gian tới, trong những cuộc thi hát khác hoặc tương lai hứa hẹn sẽ trở thành ca sĩ. Trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”, xu hướng chọn bài hát tiếng Anh tương đối nhiều, bởi thực tế trẻ nghe nhiều, thích những thể loại nhạc này nên chương trình phải chấp nhận. Dù sao đây cũng là sự thể hiện đúng khả năng của các em. Nhưng khi vào đến vòng “Đối đầu” khán giả sẽ thấy tần suất những bài hát tiếng Việt xuất hiện nhiều hơn. Chúng ta vẫn có nhiều bài hát hợp với lứa tuổi và chất liệu âm nhạc mới mẻ, cập nhật.

PV: Anh có nghĩ âm nhạc dành cho lứa tuổi này đang chơi vơi không? Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI nhưng âm nhạc lại ở lưng chừng giữa XX-XXI không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của chính các em...

NS Hồ Hoài Anh: Đâu phải chỉ mỗi nhạc trẻ con, nhạc người lớn cũng đang lộn xộn, lạc lối.

PV: Một cuộc thi phủ sóng rộng như thế này có thể xem là cơ hội quảng bá cho âm nhạc thiếu nhi. Liệu đó có phải là động lực để các nhạc sĩ đầu tư nhiều hơn cho lứa tuổi này?

NS Hồ Hoài Anh: Bản thân các huấn luyện viên, ban tổ chức chương trình và giám đốc âm nhạc cũng muốn khán giả biết đến những bài hát hay, ý nghĩa. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm tòi, giới thiệu đến công chúng những bài hát như thế. Và thực ra âm nhạc của mình cũng có chứ không phải là ít. Nhưng quan trọng là cách thể hiện phải mới mẻ hơn và phù hợp tâm lý của thế hệ trẻ em hiện nay.

PV: Anh có thể nói cụ thể hơn không? Chất liệu âm nhạc nên như thế nào? Nội dung nên phản ánh cái gì?…

NS Hồ Hoài Anh: Việc chúng ta đang bỏ ngỏ “sân” âm nhạc dành cho tuổi thiếu niên (trung học cơ sở) thì ai cũng thấy. Hy vọng sau chương trình, bản thân người nhạc sĩ, sản xuất âm nhạc có cái nhìn đúng hơn về lứa tuổi này. Nói đi cũng phải nói lại, lứa tuổi này trôi qua rất nhanh và tất cả mọi người cũng phải hiểu thực tế một thực tế đây là lứa tuổi dậy thì có yêu ghét, bắt đầu nảy sinh cảm xúc, tình cảm, yêu quý, rung động. Vậy tại sao lại nói không với những ca khúc phản ánh những tình cảm nhẹ nhàng, rung động? Rõ ràng là trong cách nuôi dạy, ứng xử, người lớn chúng ta phải cởi mở hơn, uyển chuyển hơn. Âm nhạc cũng thế, cũng cần tư duy thoáng ra, tuy nhiên, nên phản ánh điều đó một cách tinh tế và khéo léo.

PV: Sau chương trình này, hẳn là anh cũng sẽ tự thay đổi bản thân trước chứ? Anh có dự định, ý tưởng gì mới cho đề tài này?

NS Hồ Hoài Anh: Một tháng tiếp xúc với các em qua chương trình này là quãng thời gian đẹp đối với tôi. 15 đứa trẻ, đứa nào cũng đáng yêu, thông minh. Trước khi quay vòng “Đối đầu” tôi có viết một bài hát, trong một thời gian rất ngắn. Thời gian sáng tác, hòa âm, rồi bắt tay vào “vỡ”, thu âm rồi quay clip trong vòng 4-5 ngày, có thể đó là một bước khởi đầu, nhưng làm gì cũng cần cảm xúc. Đã lâu tôi không có một cảm xúc như thế đối với trẻ con. Là một người sản xuất âm nhạc, Hoài Anh thấy lứa tuổi này nhiều em đam mê âm nhạc lắm. Và thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc như vậy.

PV: Anh tiếp xúc với các tài năng nhí một thời gian dài và lại là tiếp xúc qua âm nhạc - con đường dễ gần, dễ giải tỏa nhất, anh có lời nhắn nhủ gì với bố mẹ các em hay không?

NS Hồ Hoài Anh: Bố mẹ nào cũng thương con, bố mẹ nào cũng nghĩ con giỏi. trong bất cứ cuộc thi gì bố mẹ cũng muốn con có vị trí này kia, cách tốt nhất là nên để các con phát triển tự nhiên, không nên can thiệp. Bố mẹ thương con và thể hiện tình cảm hơi quá sẽ khiến các em bị áp lực. Từ khi nhận lời tham gia chương trình, tôi vẫn luôn tâm niệm một điều, luôn cởi mở với mọi người và để các con thể hiện khả năng tự nhiên, khả năng được đến đâu sẽ là như vậy.

Thanh Huyền (thực hiện)
Nguồn: PetroTimes
 
Ðề: Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

bây giờ già trẻ lớn bé ca sĩ từ trẻ con đến người lớn hát toàn nhạc ngoại :-SS sáng tác không ai hát thì buồn , thôi không sáng tác luôn ;))
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

Muốn có nhạc thiếu nhi phong phú và hay thì người nhạc sĩ phải sống được bằng nhạc thiếu nhi đã.

Người nhạc sĩ có sống được bằng nhạc thiếu nhi không?
 

wintoi

New Member
Ðề: Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

thiếu nhi bây giờ hát mấy bài cũ là được rồi, hát bài mới cũng ko ai nghe, trẻ bây giờ phát triển nhanh lắm, 10t là biết hết rồi...
bảo sao chịu nghe nhạc thiếu nhi, cháu mình mới mấy tháng mà toàn thik nghe nhạc sôi động để nhảy nhót ko ah @@
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Ðề: Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

Trẻ bây giờ dậy thì sớm mà bác, nhưng cần xem lại cách giáo dục của các bậc cha mẹ bây giờ!
 
Ðề: Nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ ???

thực tế thì mấy vị lớn này không hề biết nhạc thiếu nhi! nên không chọn được giúp các em.
Thời mình nhạc thiếu nhi vẫn đầy! Chủ nhật hàng tuần cách đây chừng 10 năm trước hàng tuần mình đều nghe anh Ngọc Minh trên radio của HTV. Mình vẫn còn cuốn bài hát ghi lại nhiều bài nhạc thiếu nhi lúc đó. Nhớ vài năm trước mình có mở lại thì chương trình dạy nhạc thiếu nhi hàng tuần trên đài radio HTV vẫn còn.
Mình vẫn còn nhớ mấy bài búp bê cổ tích, rồi cả nhà cười,... nhiều lắm.
Mà có lý do mọi người bên trên đã nói. Nhạc người lớn còn chết vì nạn đĩa lậu thì nói chi đến nhạc thiếu nhi dù nhạc thiếu nhi khó viết hơn.
 
Bên trên