Humans - Không phải người, cũng chẳng còn là máy

torune

Film critic
Trí thông minh nhân tạo (AI) - một đề tài không mới, nhưng gần đây trở nên nóng bỏng trên phương diện xã hội và điện ảnh - tiếp tục được các nhà làm phim khai thác ở định dạng TV series qua mini-series 'Humans'.

pxpKowA.jpg

Nhà sản xuất không tiết lộ dòng thời gian của 'Humans'. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, chúng ta có xe tự hành của Tesla, Siri của Apple, Cortana của Microsoft, trí thông minh nhân tạo của Google, Skynet của 'Terminator' hay Ultron của 'Avengers 2'... Không khó để nhận ra bối cảnh của 'Humans' rất gần với hiện tại.

Cụ thể, lúc ấy, nhân loại đã thành công trong việc chế tạo robot giống với con người nhất có thể. Người ta gọi chúng là "Synth". Mục đích tồn tại của Synth phụ thuộc hoàn toàn vào người mua đồng thời là chủ nhân của chúng.

'Humans' có tính 'hư cấu' khá cao. Điều này không bàn cãi. Trước khi xuất hiện, sản phẩm này được xếp ở hạng mục sci-fi. Thông thường, phim sci-fi gắn liền với thể loại phiêu lưu. Nhưng gần đây, khi AI tạo nên nhiều hoang mang ngoài đời thực (có hẳn một cộng đồng người biểu tình AI tại sự kiện SXSW vừa qua); các nhà làm phim chuyển hướng, phối ghép sci-fi với thể loại tâm lý nhiều hơn. Tiêu biểu: 'Ex Machina', 'Chappie', 'In the Flesh', 'Maggie'...

'Humans' (nói riêng) hay các tựa phim đề cập ở trên (nói chung) đều sử dụng nguyên liệu sci-fi để chế biến ra thành phẩm thể loại tâm lý. Do đó, khán giả thích hành động hay bắn phá nhiều nên cảnh giác trước khi đến với những tác phẩm này.

Lấy tương lai xa để diễn tả hiện tại gần là một điểm cộng của 'Humans'.

QQyhW2j.jpg

Ở 'Humans', khán giả được cảnh báo về một tương lai, nơi có Synth hiện diện. Trích lời nhân vật Edwin Hobb (Danny Webb): "Con người tạo ra robot để họ không giống robot. Hãy nhìn vào nhân công tại các nhà máy lắp ráp mà xem!" Synth là minh chứng cho sự yếu kém của con người. Trong lúc Synth vẫn còn bị điều khiển, con người đã thừa nhận sự yếu kém. Vậy thì, đến lúc Synth tự do tuyệt đối, không bị kiểm soát nữa. Ai sẽ là người thống trị trong cuộc đấu tranh sinh tồn?

Đọc đến đây, chúng ta sẽ đoán rằng, truyện phim sẽ lặp lại hướng đi tương tự như 'Matrix', 'Terminator'... Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng chính xác để quy chụp. Đó chỉ là lời cảnh báo của tương lai.

Ở 'Humans', khán giả được nhìn lại quá khứ, khi mà những cộng đồng thiểu số xuất hiện. Họ thuộc nhóm thiểu số vì khác biệt so với quy chuẩn chung của đồng loại. Nhưng, để cho họ tồn tại, tự nhiên ắt hẳn có nguyên do của mình. Điểm qua những cộng đồng thiểu số từng xuất hiện trên phim ảnh, chúng ta có: người da màu, người đồng tính, dị nhân, zombie... và mới nhất là AI.

Một bước tiến mới cho 'Humans' khi thừa nhận AI là cộng đồng, chứ không phải là cá thể hay kẻ thù chung của nhân loại (như bao phim cũ từng làm).

Nhìn lại lịch sử, trong thời khắc chuyển giao của các cộng đồng nhỏ, xã hội rất nhạy cảm, bất cứ hành động nào của những người trong nhóm đó đều bị quy chụp. 'Humans' phản ánh rất đúng tinh thần này - yếu tố quen thuộc trong các phim drama (tâm lý).

Dù khá ít ỏi, cộng đồng Synth khá đa dạng. Season 1 mang đến người xem đoạn kết mở. Những nhân tố trong cộng đồng Synth có cơ hội ngang nhau để định hướng cho tương lai của họ. Nếu trước đây, AI chỉ đối phó với người thì giờ đây - lúc AI có được nhận thức, cảm nhận và giác quan của con người - họ sẽ đối phó với ai?

Nhà sản xuất đã bật đèn xanh làm tiếp season 2.

[video=youtube;HU4mwlTUXnc]https://www.youtube.com/watch?v=HU4mwlTUXnc[/video]​

Sẽ thiếu sót nếu như nói về kịch bản mà không nhắc tới diễn viên - cầu nối giữa người xem và ý tưởng của nhà viết kịch. Nếu tốt thì ai cũng diễn tốt, nhưng nhạt nhòa. Phần lớn diễn viên làm tròn bổn phận của mình trong các tuyến nhân vật điển hình (typical). Cũng có thể, sự chú ý của người viết bài đã dồn hết vô diễn biến của câu chuyện.

Nổi bật trong dàn cast là Gemma Chan - người đẹp gốc Á sở hữu quai hàm bạnh. Gemma Chan được giao cho vai diễn 'mặt tiền' của series: người máy Anita/ nhân cách Mia. Diễn xuất của cô rất thành công; nhưng, yếu tố đóng góp có thể gây tranh cãi: ngoại hình góc cạnh, hành động thô cứng (phần lớn thời lượng cô đóng vai robot) và tiền thân là người mẫu chuyên đóng quảng cáo/vai phụ.

Trong một bài phỏng vấn, Gemma Chan chia sẻ rằng, cô và các bạn diễn phải qua một lớp diễn xuất để có được nét thô cứng của các robot Synth: "Tôi phải giữ lưng thẳng và mô phỏng khớp (bị) cứng trong suốt quá trình ghi hình. Được về nhà và nằm ườn trên ghế là một sự giải thoát sau một ngày dài ở trường quay".

Nếu cân nhắc những yếu tố trên thì người đẹp đã đạt được thành công nhất định. Có thể, đánh giá về khả năng diễn xuất của cô sẽ rõ ràng hơn trong season 2.

Dĩ nhiên, một diễn viên không thể hóa thân thành robot nếu như không có công sức của các chuyên gia tạo hình. 'Humans' tiếp tục ghi điểm ở phần nhìn nhờ khâu tạo hình. Nhìn vào các 'Synth', chúng ta có cảm giác như vừa bước qua khỏi 'uncanny valley' và ở đâu đó - lưng chừng giữa nỗi sợ và sự thân thiện.

ChpkAFi.jpg

Thông thường, các nhà làm phim sẽ để AI tồn tại ở dạng phần mềm ('Matrix') hoặc phần cứng ('Terminator'). Mà nếu nó giống người 100% thì họ dùng thủ thuật: che cảnh biến đổi (transform) đi hoặc transform rất ảo lòi và lộ liễu (ví dụ: thủ pháp chảy nước của T-100 trong 'Terminator'). Với 'Humans' (và cả 'Ex Machina'), nhà làm phim chọn cách khác: hóa trang, tích hợp CGI và âm thanh cực kỳ tinh tế. Họ muốn cho chúng ta hiểu cảm giác phức tạp của một người máy từ trong cấu trúc.

Chẳng hạn như, bên dưới lớp da kia là một khung xương với hằng hà sa số khớp động; đằng sau cặp mắt xanh vô hồn kia là hàng triệu phép tính liên tục được xử lý; mỗi phản ứng với sự tương tác từ phía con người là sản phẩm của lập trình nhưng lại được lập trình cực kỳ tinh vi; một chất dịch màu xanh chảy ra khi da của Synth bị tróc...

Nhịp phim chậm... Cũng có trường đoạn nhanh. Nhưng, phần lớn thời gian, 'Humans' xây dựng kịch tính bằng cách truyền sự hoang mang từ nhân vật sang bộ óc đầy ắp sự tò mò của khán giả. Phim cũng có những cảnh gây sợ, sởn gai óc thì đúng hơn. Cái sợ của phim được làm nhanh, gọn và tinh tế. Cảm giác giống như có một bộ óc thiên tài nào kia đội lốt trong hình hài của một con robot.

Nhìn chung, 'Humans' không mới, phim tỏ ra khôn ngoan ở cách phối ghép nguyên liệu cũ, đề tài cũ, phong cách cũ và thổi vào đó xu hướng mới. Kịch bản vững chắc và dàn diễn viên có năng lực là hai yếu tố tiên quyết giúp 'Humans' giữ fan cho season 2.

8 tập phim của 'Humans' lên sóng từ ngày 14/6/2015 đến ngày 2/8/2015. Bên cạnh bài viết trên đây, bạn đọc có thể tham khảo điểm số của các cộng đồng bình luận tự do trên Internet (tính tới thời điểm bài review được đăng tải).

  • IMDb: 8.2/10
  • Rotten Tomatoes: 86%
  • Metacritics: 73%
Thông tin thêm: 'Humans' là bản làm lại (remake) của series 'Real Humans' - mang quốc tịch Thụy Điển, xuất hiện lần đầu vào năm 2012.

torune@hdvietnam
 
Chỉnh sửa lần cuối:

motkeo87

New Member
Ðề: Humans - Không phải người, cũng chẳng còn là máy

Anh em xem đi, hay, nhân văn. Mình học hỏi được nhiều từ người Cha trong phim nầy. Đang chồ E09 mà sao tuần nầy chưa có
 

phithien

Well-Known Member
Ðề: Humans - Không phải người, cũng chẳng còn là máy

Anh em xem đi, hay, nhân văn. Mình học hỏi được nhiều từ người Cha trong phim nầy. Đang chồ E09 mà sao tuần nầy chưa có
Bộ phim 8 tập mà chờ E9. bác đúng là biết cách đùa
 

thanhdat1710

Well-Known Member
Ðề: Humans - Không phải người, cũng chẳng còn là máy

Phim khá hay, vừa cày 1 lúc hết 8 t
 

khuchatdem

Member
Ðề: Humans - Không phải người, cũng chẳng còn là máy

Chủ thớt đánh giá hay, để xem thử
 
Bên trên