4 thiết kế điện thoại từng là xu hướng nhưng giờ đã lỗi thời

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các nhà sản xuất điện thoại đã đưa ra đủ loại ý tưởng trong hàng chục năm qua. Một số thiết bị và tính năng của chúng đã mang đến sự đột phát, trong khi nhiều thiết bị khác lại chẳng đâu vào đâu. Công nghệ luôn phát triển, những thay đổi trong xu hướng thiết kế và sự lỗi thời của các công nghệ cũ đã khiến thậm chí ngay cả những thứ từng được xem điểm hấp dẫn trên điện thoại cũng sẽ có lúc phải biến mất.

Dưới đây là một số thứ đã từng phổ biến trên điện thoại di động và ngày nay đã không còn cần thiết hoặc thịnh hành nữa.

Bàn phím QWERTY vật lý


Những chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY vật lý đã có một vai trò quan trọng trong quá khứ và từng là niềm mơ ước của nhiều người. Từ Palm Treo 650 đến Nokia E71, Nokia E63, BlackBerry Bold 8800, BlackBerry Bold 9900, và nhiều thiết bị khác đã cung cấp cho người dùng những phím bấm vật lý như trên máy tính để họ soạn thảo văn bản, tin nhắn và email,... một cách cực kỳ chuyên nghiệp.

Không thể phủ nhận rằng bàn phím QWERTY vật lý cho đến nay vẫn có các ưu điểm của chúng, đơn giản là chạm vào mặt kính smartphone không thể mang đến cảm giác tốt như một phím bấm thật sự. Một số người thậm chí còn có thể gõ mà không nhìn bàm phím, những phím tắt cũng giúp đỡ rất nhiều trong quá trình sử dụng máy.


Tuy nhiên, với nhu cầu ngày nay thì điểm yếu của bàn phím QWERTY vật lý đã hoàn toàn lất át điểm mạnh. Đó chính là nó chiếm diện tích của màn hình. Đây là một điều mà Steve Jobs đã hoàn toàn đúng khi ông giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, tập trung vào màn hình cảm ứng.

Chúng ta dễ dàng thấy được smartphone màn hình lớn đã được người dùng yêu thích thế nào trong những năm qua, có thể không sai khi nói rằng người dùng đánh giá kích thước màn hình cao hơn là bàn phím QWERTY vật lý và dần dần không còn mấy ai nhớ đến một thứ đã từng “làm mưa làm gió” nữa.

Cổng sạc độc quyền


Ngày nay, sạc điện thoại là điều đơn giản, khi mà gần như mọi smartphone mới đều dùng USB-C, hoặc iPhone thì có cổng Lightning. Tuy nhiên, trước đó mọi việc không dễ dàng như vậy.

Trước USB-C, đã có micro-USB và trên một số thiết bị thậm chí có cả mini-USB. Nhưng ngay cả những tiêu chuẩn đó cũng không được tất cả các nhà sản xuất thiết bị áp dụng chung và thường là điện thoại di động và các phụ kiện của chúng đi kèm với cáp và cổng sạc hoàn toàn độc quyền. Nokia thì thích dùng cổng sạc loại nhỏ, Motorola dùng loại cổng sạc to, Apple thì có sạc 30-pin cho những iPhone đời đầu. Lúc đó quả thật là một mớ hỗn độn.

Với việc USB-C đã trở thành tiêu chuẩn cho phụ kiện và smartphone, cơn ác mộng này đã gần như chấm dứt.

Màn hình khuyết


Màn hình khuyết chưa bao giờ được đánh giá cao nhưng đã có một thời gian trở thành xu hướng trên smartphone.

Essential là hãng đầu tiên giới thiệu smartphone với màn hình khuyết, chiếc Essential PH-1. Essential có thể là đầu tiên, nhưng Apple là công ty đã làm cho màn hình khuyết trở nên phổ biến. Hầu hết các iPhone kể từ iPhone X đều có một vùng khuyết to lớn ở trên cùng để chứa camera selfie và mô-đun Face ID. Và nhiều hãng Android cũng đã tham gia vào xu hướng này.

Rất may, phần lớn smartphone Android đã từ bỏ thiết kế này, đặc biệt là kiểu to bự như iPhone. Một số điện thoại giá rẻ vẫn còn màn hình kiểu giọt nước, nhưng phần lớn thiết bị Android ngày nay sử dụng thiết kế đục lỗ hoặc viền bezel kiểu cũ để chứa camera trước. Ngay cả iPhone 14 cũng được đồn rằng sẽ chuyển sang camera đục lỗ.

Pin tháo rời


Trong những ngày đầu của smartphone, pin tháo rời là một điều rất bình thường, gần như mọi thiết bị đều có nắp lưng tháo ra được để người dùng tiếp cận và thay viên pin bên trong bất cứ khi nào họ muốn. Đây từng được xem là điểm mạnh, khi người dùng có thể mua thêm viên pin dự phòng và “thay nóng” để điện thoại lại đầy pin ngay lập tức .

Dù iPhone chưa bao giờ có pin tháo rời, nhưng smartphone Samsung, Nokia và phần lớn các nhà sản xuất thiết bị Android đều đã từng như vậy. Thậm chí, Research In Motion đã sử dụng pin có thể tháo rời trên các thiết bị BlackBerry của mình như một chiêu bài quảng cáo chống lại iPhone.

Các smartphone ngày càng mạnh mẽ hơn và người dùng có thể sử dụng một chiếc trong nhiều năm, viên pin không tháo rời có thể trở thành vấn đề về lâu dài khi nó không còn giữ được dung lượng như trước.


Tuy nhiên, người dùng hiện tại ưa chuộng thiết kế cao cấp từ những chất liệu như kim loại và kính hơn là nhựa. Hơn nữa, mọi người muốn điện thoại có khả năng kháng bụi, kháng nước. Những điều này đòi hỏi cần phải có sự hy sinh, và sự hy sinh đó chính là viên pin tháo rời. Những thay đổi trong xu hướng mua hàng sẽ dẫn đến những thay đổi trong thiết kế phần cứng.

Ngày nay, thay vì có pin tháo rời, chúng ta có những viên pin dự phòng dung lượng cao, sạc nhanh, để nạp năng lượng cho smartphone khi cần. Pin dự phòng không chỉ sạc điện thoại mà còn có thể dùng để sạc nhiều phụ kiện khác như tai nghe, smartwatch.

Tại thời điểm này, không còn gì để phàn nàn về sự biến mất của pin tháo rời nữa.

Theo Genk​
 
Bên trên