‘Abbey Road’ - dấu ấn cuối cùng của huyền thoại The Beatles

anhtuanngoc

Well-Known Member
Nếu không có The Beatles, Abbey mãi mãi chỉ là tên một trong hơn 60.000 con đường ở London.

Ra mắt vào mùa thu năm 1969, Abbey Road là album thứ 11 của ban nhạc The Beatles và là sản phẩm hợp tác cuối cùng của "tứ quái". Dù Let it Be - album thứ 12 - được phát hành sau đó một năm nhưng trên thực tế, các bản thu âm của sản phẩm này còn được thực hiện trước khi The Beatles ghi âm Abbey Road.

Abbey Road tập hợp 17 ca khúc, đều là những sáng tác của bốn thành viên, trong đó chủ yếu là bộ đôi John Lennon và Paul McCartney. Sau hơn nửa thế kỷ phát hành, đây vẫn được coi là album chứa đựng những gì tinh túy nhất của The Beatles, như một lời tạm biệt của bộ tứ huyền thoại dành cho người hâm mộ sau 10 năm hoạt động chung. Hàng triệu fan trên khắp thế giới vẫn không ngừng tán dương Come Together, Oh! Darling hay Here Comes the Sun với một cảm xúc nguyên bản.

Ca khúc "Come Together" do Paul McCartney, John Lennon sáng tác.

Góc khuất từ những bất đồng tạo nên huyền thoại

Năm 1968, sau thành công của album thứ chín là The Beatles với bìa đĩa hoàn toàn màu trắng mà sau này các fan hay gọi là "album Trắng", mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên của The Beatles ngày một dâng cao. Album tiếp theo - Yellow Submarine - không được giới chuyên môn đánh giá cao.

Tới tháng 4/1969, Paul McCartney đã yêu cầu nhà sản xuất George Martin thực hiện một album "như ngày xưa", hàm ý muốn được tự do sáng tạo và không bị ép buộc vào bất cứ khuôn khổ nào. Khi ấy, John Lennon vừa kết hôn với Yoko Ono và những vết nứt trong mâu thuẫn của anh với các thành viên còn lại ngày càng lớn. Ngay cả khi The Beatles quyết định tạm gác những bất đồng để ngồi xuống cùng nhau, trở lại phòng thu của hãng EMI trên đường Abbey vào mùa hè năm 1969, chưa ai trong số họ hình dung được sản phẩm mới sẽ trở thành thế nào. John Lennon muốn hoạt động độc lập chứ không còn gắn bó với ban nhạc, trong khi Paul McCartney vẫn tin The Beatles có tương lai và âm thầm chuẩn bị sản phẩm như "ngày xưa" một cách đơn độc.

Nhưng có thể nói, đứng trên bờ vực tan rã, cả Lennon, McCartney, Harrison và Starr đã quyết định "chơi lớn" một lần, gạt hết tất cả để kết nối một lần nữa bằng âm nhạc và chế tác nên "viên ngọc" cuối cùng.

Abbey Road bắt đầu với Come Together và kết thúc bằng Her Majesty. Trong mỗi một bài hát, cả bốn thành viên The Beatles dường như đã cống hiến tất cả khả năng và đam mê. Bởi lẽ, không nói ra nhưng mỗi người đều biết chắc sau album này, "tứ quái" hợp nhất của nước Anh sẽ chia làm bốn ngả.

Quá trình đặt tên cũng như thực hiện bìa album Abbey Road đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới và trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng.

Album có tên ban đầu là Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới nằm trên dãy Himalaya. Ý tưởng là các thành viên sẽ bước chân trên ngọn núi này nhưng nhanh chóng bị gạt bỏ vì tốn kém cả về thời gian lẫn tiền lạc. Ringo Starr liền thốt lên: "Sau này, người ta sẽ chỉ nhớ tới phố Abbey mà thôi" - nơi The Beatles đã ghi âm hầu hết sản phẩm âm nhạc trong 10 năm hoạt động. Abbey Road được lựa chọn trở thành tên album thứ 11 này.

Ca khúc "Here Come The Sun".

Ý tưởng bìa đĩa đến từ Paul McCartney. Abbey Road chính là đoạn đường phía ngoài phòng thu của hãng EMI ở London. Đó là một con đường có đèn giao thông, lối đi bộ sang đường và những chiếc xe đỗ xung quanh như hơn 60.000 con đường khác của thủ đô nước Anh. Trưa 8/8/1969, Linda McCartney - người vợ khi ấy của Paul - hào hứng đứng trên đường chụp ảnh bốn thành viên, nhiếp ảnh gia Iain MacMillan là người chụp chính.

John Lennon trong bộ đồ trắng từ đầu đến chân, có vẻ không quan tâm mọi thứ xung quanh và đang muốn mau chóng sang đường. Ringo Starr và Paul McCartney theo sau với gương mặt hơi nhăn lại vì nắng. George Harrison diện "cây" denim đi sau cùng gương mặt không biểu lộ cảm xúc rõ rệt. Iain MacMillan nhấn nút chụp sáu lần và chỉ mất 10 phút hoàn thành sản phẩm dù thời gian dự kiến là hai đến ba tiếng với ý tưởng đơn giản là The Beatles băng qua đường.

Thời gian còn lại, các thành viên mỗi người đều tách riêng làm việc cá nhân vì đơn giản, họ không muốn nói chuyện với nhau và dường như chỉ có thể đối thoại trong phòng thu.

01-9055-1602648327.jpg

Bìa album "Abbey Road" do Iain MacMillan thực hiện.

Sau khi phát hành, nhiều tin đồn quái gở xuất hiện xung quanh bìa đĩa Abbey Road và gây xôn xao trong cộng đồng người hâm mộ The Beatles toàn thế giới. Có lời đồn Paul McCartney bị tai nạn xe hơi và đã qua đời, người trên bìa đĩa là đóng thế. "Dấu hiệu" được đồn đoán là do trên ảnh, Paul cầm điếu thuốc bằng tay phải trong khi anh thuận tay trái, hình ảnh Paul băng qua đường chân trần là biểu tượng phong tục chôn cất tại Ấn Độ hay biển số xe Volkswagen beetle màu trắng là LMW 28 IF, viết tắt của Living-McCartney-Would be 28 IF (McCartney sống mãi ở tuổi 28). Sau này, khi theo đuổi sự nghiệp solo, Paul McCartney thậm chí còn phát hành một album có tên Paul is Live, không có nghĩa nhưng là để đối lập với câu "Paul is Dead" ngày trước.

Abbey trở thành con đường nổi tiếng nhất ở London sau thành công của album này và là điểm đến du lịch không thể bỏ qua với hàng triệu người khi tới nước Anh. Nhiều nghệ sĩ đã bắt chước phong cách này ở nhiều con đường khác nhau trên thế giới. Và với những ai hâm mộ The Beatles, có không ít người mỗi khi băng qua đường đều nghĩ tới hình ảnh của bộ tứ huyền thoại này trong album Abbey Road.

Ca khúc "Oh Darling".

Kiệt tác không thể bị quên lãng

Thập niên 2000, tạp chí Rolling Stone xếp Abbey Road vào danh sách "500 album vĩ đại nhất mọi thời đại". Năm 2009, độc giả của tờ báo này đã bầu chọn Abbey Road là album hay nhất trong sự nghiệp của The Beatles.

2020 là năm đặc biệt với người hâm mộ The Beatles nói chung và các tín đồ của John Lennon nói riêng: kỷ niệm 60 năm thành lập và 50 năm tan rã của ban nhạc, cũng là 40 năm ngày mất của John Lennon và nếu còn sống, ông đón tuổi 80 hôm 9/10.

Trong những ngày này, nhiều người yêu mến The Beatles trên thế giới đã rục rịch tổ chức những hoạt động theo nhiều cách riêng. Tại Việt Nam, cộng đồng fan The Beatles còn có buổi gặp mặt vào đúng sinh nhật John Lennon và tổ chức đêm nhạc The Beatles Symphony tại Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của huyền thoại âm nhạc này vào đầu tháng 12.

Những ca khúc Come Together, Because, I Want You (She’s So Heavy) lại tiếp tục được vang lên, khơi dậy sự yêu mến dành cho The Beatles ở nhiều thế hệ. Abbey Road vẫn là dấu mốc huyền thoại cuối cùng của "tứ quái". Nó nhắc nhớ người nghe về một tình yêu thuần khiết, trong trẻo nhưng vĩ đại dành cho âm nhạc của bốn nghệ sĩ.

Bởi lẽ, "All you need is love" (Tất cả những gì bạn cần là tình yêu) - như tên một ca khúc nổi tiếng của ban nhạc vĩ đại nhất thế kỷ 20.

 
Bên trên