Apple đã thất bại trong cuộc chiến podcasts trả phí như thế nào

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Tất cả bắt đầu với một ứng dụng được thiết kế cẩu thả, ẩn chứa hàng loạt lỗi khó chấp nhận được.

Vào tháng 4 năm nay, Apple tuyên bố sẽ cách mạng hoá ngành công nghiệp podcasts bằng cách công bố mô hình trả phí trong ứng dụng Apple Podcasts, cùng với một thiết kế hoàn toàn mới mà họ khẳng định là một trong những thay đổi ấn tượng nhất đối với ứng dụng này kể từ khi ra mắt đến nay. Sự phấn khích là điều hoàn toàn có thể lý giải được: việc cái tên lớn nhất trong làng ứng dụng podcasts chuyển sang mô hình trả phí có thể mở ra một thời đại mới của podcasts - thời đại mà lợi nhuận từ quảng cáo đóng một vai trò ít thiết yếu hơn, và những người làm podcasts ít nhiều sẽ có thể trang trải cuộc sống của họ nhờ công việc này.

Nhưng nhiều tháng sau tuyên bố đó, cộng đồng làm podcasts (podcaster) nói rằng nền tảng của Apple đã khiến họ đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Đối với một công ty luôn đề cao chức năng, thiết kế, và tính dễ sử dụng, màn ra mắt ứng dụng Podcasts mới là một thảm hoạ. Các podcaster chỉ trích Apple Podcasts Connect, một chức năng mà họ bị buộc phải sử dụng nếu muốn hưởng lợi từ mô hình trả phí, có giao diện cực kỳ khó chịu, đến nỗi thường xuyên khiến người dùng rơi vào những tình huống lỗi trớ trêu và phải tìm đến Apple trong trạng thái hoảng loạn - ví dụ, toàn bộ chương trình của một podcaster giấu tên bất ngờ bị chuyển sang trạng thái lưu trữ cho đến khi Apple xuất hiện và giải thích những gì đang xảy ra.

hd.jpg


Ứng dụng mới này đã chứa đầy lỗi kể từ khi ra mắt. Đầu mùa hè vừa qua, lỗi tự động download đã khiến số lượt
download giảm đến 31% - theo số liệu từ Podtrac. Những người sử dụng chức năng này để download các chương trình mới có thể chẳng nhận được gì và bỏ lỡ mất thứ họ đang chờ đợi (công ty đã tung ra một bản cập nhật vào tháng trước để vá lỗi này, nhưng người dùng phải tự cập nhật ứng dụng của họ). Người nghe cũng phàn nàn về những vấn đề liên quan việc cập nhật ứng dụng vào tháng 4 - một số nói rằng những podcast họ từng nghe bỗng xuất hiện dày đặc trong thư viện của mình, và nhiều vấn đề khác liên quan đồng bộ hoá podcast giữa các thiết bị. Đỉnh điểm của mọi chuyện là khi Apple dời lịch ra mắt sản phẩm trả phí từ tháng 5 sang tháng 6, trì hoãn một số bản cập nhật, và không hề lên tiếng giải thích tại sao mọi thứ lại rơi vào hỗn loạn như vậy.

Tuy nhiên, lỗi ứng dụng là chuyện nhỏ, vấn đề tồi tệ hơn ở đây là các podcaster phải vất vả hơn nhiều khi áp dụng mô hình trả phí - điều mà không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Apple từng hứa hẹn RSS sẽ là một trung tâm cho phép các podcaster xuất bản sản phẩm lên mọi nền tảng podcast khác; tuy nhiên, với mô hình trả phí mới, cũng như các nền tảng khác, podcaster nay phải xuất bản lên nhiều nơi khác nhau và quản lý nhiều backend khác nhau - một công việc cực kỳ nặng nhọc đối với những nhóm podcaster nhỏ. Một podcaster cho biết hiện họ phải upload lên Patreon, Apple, và nhà cung cấp dịch vụ hosting của mình, chưa kể sau này có khả năng phải upload lên Spotify và các dịch vụ khác nữa. Các feed riêng rẽ này không hề tương thích với nhau, tức là RSS feed cá nhân của Patreon không thể được sử dụng để tự động upload nội dung trả phí lên Apple - mọi chương trình trả phí phải được upload thủ công.

Apple làm mọi thứ dưới góc nhìn của một tập đoàn lớn” - một nhà quản lý podcast của một chương trình độc lập cho biết. “Tôi nghĩ họ rất khó mà nghĩ về các chương trình độc lập nhỏ lẻ vốn có đội ngũ thực hiện tương đối ít. Đó là một khái niệm lạ lẫm với họ; họ là Apple mà

Nhà quản lý này nói rằng họ đã mất nhiều ngày để gỡ lỗi gặp phải trên nền tảng của Apple, và có lúc phải thức cả đêm để chờ đợi một chương trình mới được xử lý xong trên backend, mà khi đó thì nội dung chương trình đã lỗi thời mất rồi. Một buổi tối khác, họ upload nội dung độc quyền của mình lên Patreon trong vòng 5 phút, nhưng rồi lại phải đợi hàng giờ liền để nó được xử lý trên Apple Podcasts.

Đó là một trong những hệ quả xảy ra bởi chúng tôi có một nhóm quá ít người, chỉ mình tôi ngồi chờ nó hoàn tất việc xử lý để có thể xuất bản nó” - anh cho biết.

Các công ty lớn hơn sẽ có lợi thế hơn trong việc quản lý mô hình trả phí. Họ có thể thuê thêm các nhà sản xuất để tạo ra nội dung bổ sung, tập trung vào nhiều chương trình cùng lúc, và có nguồn tiền dồi dào để đảm bảo cho sự thành công của một dự án mới. Ví dụ, NPR - một trong những đối tác đầu tiên tham gia mô hình trả phí của Apple lẫn Spotify - đã thuê hai nhân sự mới để đảm trách xuất bản 6 chương trình trả phí không quảng cáo của mình - theo Joel Sucherman, Phó giám đốc mảng đối tác nền tảng mới của Apple. Họ còn giúp kiểm định chất lượng, ví dụ đảm bảo nội dung feed của người đăng ký không bất ngờ xuất hiện quảng cáo.

Lợi thế của RSS là bạn chỉ cần xuất bản và nó sẽ đi khắp nơi - nó có sẵn cho bạn sử dụng” - Sucherman nói. “Và do đó nó có khả năng dẫn đến những lỗi do người dùng hay do máy, và đôi lúc bạn có thể gặp khó khăn khi tìm ra nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng đó là điều chẳng đặng đừng và mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn

Đối thủ chính của Apple trên lĩnh vực podcasts, Spotify, từng công bố một giải pháp nhằm giúp các podcasters làm việc dễ dàng hơn, gọi là công nghệ Open Access. Họ nói rằng công nghệ này sẽ ghép nối với các nền tảng trả phí hiện có, như Supporting Cast và Memberful, cho phép xuất bản nội dung kể cả trả phí lên các nền tảng khác nhau từ một nơi duy nhất. Tuy nhiên, cả Apple và Patreon đều chưa tham gia vào dự án này, và Spotify hiện cũng chỉ cung cấp nó cho các đối tác được mời mà thôi.

Đến khi nào họ đưa ra một giải pháp gửi file tự động hơn, thì quả là tuyệt vời” - theo Tracy Lêds Kaplan, giám đốc mảng đối tác và hoạt động tại Tenderfoot TV, một hệ thống mới của Apple.

Ngay cả lúc này, sau khi mô hình trả phí đã ra mắt, khi mà các podcaster hi vọng rằng những vấn đề tồi tệ nhất của nền tảng này đã được giải quyết, thì họ vẫn đang gặp phải những lỗi kỹ thuật khác, cụ thể là sự chậm chạp trong khâu xuất bản các chương trình mới. Một vị giám đốc giấu tên cho biết một chương trình phổ biến, vốn cần được xuất bản đúng thời gian trong ngày, từng nhiều lần bị chậm trễ đến…72 giờ. Một giám đốc khác, cũng giấu tên, cho biết người nghe các chương trình của họ từng gửi email hỏi khi nào các chương trình mới sẽ ra mắt, tất cả là bởi sự chậm trễ của Apple (trong một vài trường hợp, các chương trình được nói đến ở trên thậm chí không phải chương trình trả phí)

Mọi người đã quen với giờ giấc, và nếu một chương tình không ra mắt khi họ chờ đợi, họ rất dễ chuyển sang một chương trình khác” - một trong các giám đốc cho biết. “Chúng tôi từng gặp trường hợp người hâm mộ hỏi chuyện gì đang xảy ra, và tôi cho rằng đó thực sự là một tình huống bẽ mặt, gây ảnh hưởng đến số lượt nghe của chúng tôi, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo

Họ còn nói rằng mô hình trả phí, ít nhất là đối với bản thân các podcaster, không mang lại cảm giác hoàn chỉnh và dễ sử dụng, đặc biệt khi so với các đối thủ khác. Năm 2017, Apple bắt đầu cung cấp cho các podcaster số liệu về các chương trình của họ, như số lượng người nghe chẳng hạn, và ai cũng nghĩ những con số phân tích kia sẽ được chuyển sang mô hình trả phí. Tuy nhiên, hiện tại, các podcaster cho biết họ phải tải về một tập tin txt.gz, hay một bảng tính, mới xem được dữ liệu về người xem trả phí. Một nhà quản lý podcast độc lập cho biết họ gặp khó khăn trong việc mở tập tin này và vẫn không biết có bao nhiêu người đang trả tiền để nghe chương trình của mình sau nhiều tháng ra mắt.

Thật bực bội bởi trên Patreon, chúng tôi có thể vào giao diện trình duyệt web và xem số liệu của mình - chúng tôi có thể làm việc đó với bất kỳ thứ gì” - họ nói. “Chuyện dường như phức tạp quá mức; tại sao họ không đưa nó lên internet cho khoẻ?

Một giám đốc chương trình podcast, người may mắn mở được tập tin này, cho biết việc sử dụng bảng tính thay vì một giao diện backend dễ truy cập “thật sự không giống Apple chút nào” và “đơn giản là không dễ sử dụng”.

917504_70849780536805_59455232278528

Đó cũng là một tình huống mà các mạng lưới lớn hơn sẽ có ưu thế hơn - đội ngũ nhân viên của họ, hay ít nhất là những người họ thuê về, nhiều khả năng quen thuộc hơn với việc sử dụng bảng tính và bảng số liệu. Những công ty nhỏ thường không đủ tài nguyên và nhân lực, có nghĩa là khoảng cách giữa những người có túi tiền rủng rỉnh và những người không được như vậy sẽ ngày càng lớn hơn.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề nhỏ khác, như các podcaster không thể xem số lượng người theo dõi của một chương trình, hay những người theo dõi chương trình nhưng không trả phí. Con số này rất quan trọng đối với các podcaster muốn theo dõi tỉ lệ chuyển đổi, tức là quá trình biến những người theo dõi thành những người nghe có trả phí, và có thể là một chỉ báo đối với sự thành công của một chương trình.

Dù Apple không đưa ra phản hồi nào đối với những than phiền của các podcaster, công ty rõ ràng muốn nói rằng không ai buộc phải sử dụng nền tảng của họ cả. Apple Podcasts có, và đến nay vẫn, hỗ trợ feed RSS cá nhân, có nghĩa là mọi người có thể xuất bản lên Patreon, Supporting Cast, hay bất kỳ nơi đâu, và người nghe của họ vẫn có thể thưởng thức nội dung trong thế giới của Apple. Nhưng lựa chọn đó có cái giá của nó: không có nút thanh toán trong ứng dụng! Các podcaster sẽ không nắm được cơ hội để thu hút một lượng người nghe trả phí tiềm năng.

Nhưng những vấn đề đang diễn ra trên nền tảng này, và những chỉ trích mà nó đang gặp phải, đã nói lên cán cân quyền lực của ngành công nghiệp podcast. Nếu Apple Podcasts không xuất bản một chương trình trong một hoặc hai ngày, công sức cả một tháng trời của một podcaster có thể đổ sông đổ biển, và họ sẽ phải trả giá bằng số lượng người nghe trả phí lẫn doanh thu quảng cáo. Tầm ảnh hưởng càng lớn, càng cần phải được giám sát kỹ càng, và các podcaster muốn có câu trả lời rõ ràng từ Apple.

Theo VN review​
 
Bên trên