Before Midnight (2013) | Không gian đối thoại

hpfawkes

Member
before_midnight_1.jpg

Tên phim: Before Midnight

Hãng phim: Faliro House Productions, Venture Forth, Castle Rock Entertainment

Đạo diễn: Richard Linklater

Kịch bản: Richard Linklater, Julie Delpy

Diễn viên: Ethan Hawke, Julie Delpy, Seamus Davey-Fitzpatrick

Thời lượng: 109 phút

Giải thưởng: Đề cử Oscar 2014 cho kịch bản xuất sắc

IMDb: 8.0/10 | Metascore: 94/100

~oOo~​

Là phần ba của một chuỗi phim dài nhưng Before Midnight khá độc lập, câu chuyện được tách biệt một cách tương đối với Before Sunrise và Before Sunset. Bản thân mình chưa xem hai phần này nên không biết nhiều để đối sánh. Mà có khi đó lại là một điều hay, vô tình bài review này sẽ thoát khỏi định kiến muôn thuở là các phần sau đơn giản chỉ là câu chuyện nối dài và thường không hay bằng những phần đầu.

beforemidnight-trailer-blog630-jpg_155237.jpg

Quan hệ đối thoại trong không gian đời thường

Ấn tượng xuất hiện ngay từ đầu phim với đoạn đối thoại tự nhiên và có phần dày đặc giữa cha và con trai ở sân bay. Người cha đang cố gắng thâm nhập vào thế giới của cậu bé, đứa con thì cố gắng ra vẻ trưởng thành đúng theo tuổi dậy thì của mình. Đơn giản, mượt mà với thoại tràn ngập và chỉ một cú máy lia đều qua góc quanh của sân bay, sự cuốn hút nảy sinh ngay từ phần dạo đầu này đã được khẳng định và kế thừa qua những cảnh phim tiếp theo.

before-midnight-clip-05222013-145454.jpg

Ở phân đoạn ngay sau đó, cách dựng phim bắt đầu tạo cho người xem một không gian đời thường với sự dung hợp giản dị giữa điện ảnh và kịch nghệ. Đạo diễn sử dụng những đặc trưng ngôn từ của sân khấu như một dạng chất liệu nền để khắc hoạ câu chuyện lãng mạn của mình. Toàn bộ hoàn cảnh và chi tiết của nhân vật được thể hiện hầu hết thông qua lời thoại. Các mối quan hệ, tình cảm, quan niệm, đời sống tinh thần, từ những mảnh vụn vặt nhỏ nhặt nhất cho đến những đối nghịch kịch tính nhất, tất cả đều được thể hiện đơn giản trước ống kính máy quay được đặt chết phía trước chiếc xe chở chuyến hành trình của gia đình bé nhỏ ra sân bay. Từ đó về sau, ta rất dễ nhận thấy mọi góc quay, cảnh trí được tiết giảm một cách có dụng ý. Những trường đoạn có vấn đề đều rất dài với đối thoại liên miên và có thể được đếm trên đầu ngón tay. Ở đó, quan hệ đối thoại liên tục chuyển đổi từ đôi sang đa, từ hai người sang nhiều người, từ Celine và Jesse cho đến những con người trong gia đình mà họ tá túc. Sự chuyển đổi này thể hiện cách đạo diễn soi chiếu mối tương quan giữa những dạng thức gắn kết khác nhau tại các thời điểm già trẻ khác nhau của đời người.

before-midnight-wallpapers.jpg

Trên bàn tiệc chia tay hôm đó có nhiều cặp đôi, từ thanh niên đến trung tuần rồi già cỗi, đủ dạng thức từng trải gặp nhau ở một bàn tiệc sôi nổi, tranh luận với nhau những câu chuyện về liên đới và quan hệ trong cuộc đời này; những điều vô nghĩa và hữu nghĩa, kinh điển và nhất thời… Theo dõi cuộc hội thoại đó, bạn dễ có cảm giác mình đang ở ngay tại bàn tiệc, tận hưởng cả những khoảnh khắc thoải mái dễ chịu lẫn đắn đo xúc động nhất. Mạch đối thoại không tràn lan vô định, tất cả đều được dẫn dắt tinh tế và tự nhiên. Đến cuối cùng, khi người phụ nữ già nhất bàn, người hầu như im lặng từ đầu đến cuối phát biểu vài lời về gương mặt tình yêu của mình, bạn sẽ thấy hết cách lưu giữa và đưa đẩy cảm xúc của Richard Linklater.

Đối thoại như một hình thức tương quan tinh thần

Như đã nói ở trên, bằng việc tận dụng ngôn ngữ đối thoại đời sống, Richard từng bước phát lộ tương quan tinh thần nơi các nhân vật của mình theo một cách rất riêng. Những giao kết của nội tâm được bộc lộ dần qua từng đoạn hội thoại liền mạch. Từ đó, những sự chuyển đổi về tình cảm, thái độ, quan niệm, tính cách, tất tần tật đều được thể hiện thông qua kỹ năng miêu tả tương quan lời nói. Con đường đi đến khách sạn trong ngày nghỉ cuối cùng ở giữa phim có thể được xem như một cơ hội thư thả hiếm hoi để đôi vợ chồng lãng mạn tái xâm nhập vào sâu thẳm trong nhau, tìm kiếm và dò xét những gì đã đổi thay, những gì đã ra đi và điều gì hiện ở lại. Hành trình đó được thể hiện một cách đơn giản và tự nhiên, lãng mạn và bình dị. Tất cả kết thúc bằng cảnh Celine nhẹ nhàng nhắc mình sự tồn tại và ra đi của mặt trời trước hoàng hôn như một điềm báo. Và câu chuyện trước nửa đêm chính thức bắt đầu.

before-midnight-photos.jpg

Trường đoạn sau đó có thể được xem là phần quan trọng nhất phim, diễn ra chỉ trong một không gian duy nhất: căn phòng khách sạn chật hẹp. Ở đó, họ đã muốn yêu nhau, tìm lại thời son trẻ với những cảm xúc tự do, thoát khỏi sự ràng buộc lắm lúc ngộp thở của hôn nhân. Nhưng hình như nguyện vọng vượt thoát đó quá mong manh. Giữa họ đã tự bao giờ đã bắt đầu chồng chất quá nhiều thứ mà chỉ cần trong một cuộc đối thoại ngắn, như lần trò chuyện trên đường ra sân bay để có chuyến đi này, họ cũng đã chớm rạn vỡ. Và lần này, chỉ cần một cú điện thoại bất ngờ mà những cặp đôi mới yêu sẽ sẵn sàng bỏ qua không chút bận tâm cũng đủ để kéo tuột cuộc hành trình vượt thoát của họ trở về điểm xuất phát. Đối thoại trần trụi lại bắt đầu. Từ những chuyện nhỏ nhặt vụn vặt nhất cho đến những dự báo tương lai xa vời nhất, tất cả đều được đào xới lên, ngổn ngang, mệt mỏi. Qua đó, thế giới tinh thần chân thực và sâu thẳm của mỗi người bắt đầu được lột tả ngay trước mặt nhau đầy hậm hực với những góc khuất ích kỷ nhất và đỉnh điểm bao giờ cũng là uất ức, hoài nghi về những vụn trộm tình dục của đối phương. Ở đó, họ đã thực sự làm tổn thương nhau thay vì chỉ là chuyện tranh cãi thắng thua, để rồi đối thoại không chỉ dừng lại ở việc soi chiếu tương quan tinh thần của nhau mà bỗng chốc nó trở thành cuộc va chạm dẫn đến tan vỡ.

Cảm thức chảy trôi

Cũng được công chiếu trong năm 2013, phim như một phiên bản trung niên của Le Weeken, cùng đề cập đến nguy cơ tan vỡ trong các mối quan hệ tưởng chừng lâu dài và bền vững nhất như gia đình, vợ chồng, xuất phát từ sự tích luỹ lâu ngày của những va chạm, hoài nghi trên suốt hành tình cùng nhau. Ở Before Midnight, ta nhận ra cách diễn đạt những vấn đề với một cái tứ rất hay mà người viết tạm gọi là “cảm thức chảy trôi”.

Bắt nguồn từ câu chuyện đã kết thúc bàn tiệc chia tay của goá phụ già, người đã kể lại rằng mình từng đau đớn như thế nào khi có cảm giác rằng mất đi người chồng yêu dấu lần thứ hai khi từng chi tiết nhỏ nhặt về cuộc đời ông lần lượt bỏ bà ra đi. Bà đã từng bất lực trước điều đó và đã từng cam chịu trước sự thật khó chấp nhận rằng đời sống chỉ là phức hợp những cuộc bước qua nhau, nơi con người buông mình theo mấy làn chảy trôi không lối thoát. Hình ảnh những người ta yêu thương cũng như chính bản thân họ lần lượt xuất hiện rồi biến mất, như thể chúng ta chỉ lướt qua nhau trong phút chốc. Nhưng rồi đến một lúc, khi người ta đủ thanh thản như góa phụ kia, điều đẹp nhất giữa những sự thật hiển nhiên đó mới bắt đầu được hiểu. Và đó chính là cái đẹp của khoảnh khắc mong manh những cuộc linh chạm chứ không phải là độ dài hay sự níu kéo giữa mấy lần gặp mặt.

tumblr_inline_n1gdkzced51qmg7ap.jpg

Muôn đời nay, con người vẫn luôn khóc, cười, đau khổ, hạnh phúc với những lần bước qua đời nhau như thế. Và có lẽ, chỉ những ai dung chứa được trong mình linh hồn của cảm thức chảy trôi, của tinh thần an nhiên trước đổi thay và chấp nhận chúng như một cuộc hành trình trải nghiệm đời mình mới có thể ngồi ngắm hoàng hôn như Celine mà không gợn lòng nuối tiếc.

29 04 2014

Cú mù
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

anh0424

Active Member
Ðề: BEFORE MIDNIGHT (2013) | Không gian đối thoại

Là phần ba của một chuỗi phim dài nhưng Before Midnight khá độc lập, câu chuyện được tách biệt một cách tương đối với Before Sunrise và Before Sunset. Bản thân mình chưa xem hai phần này

Mình đọc đến đây là thôi không đọc nữa. Bạn xem đi nhé, sẽ có thêm những cảm nhận khác đấy.
 

taoTnuday

Well-Known Member
Ðề: BEFORE MIDNIGHT (2013) | Không gian đối thoại

tumblr_inline_n1gdkzced51qmg7ap.jpg

Muôn đời nay, con người vẫn luôn khóc, cười, đau khổ, hạnh phúc với những lần bước qua đời nhau như thế. Và có lẽ, chỉ những ai dung chứa được trong mình linh hồn của cảm thức chảy trôi, của tinh thần an nhiên trước đổi thay và chấp nhận chúng như một cuộc hành trình trải nghiệm đời mình mới có thể ngồi ngắm hoàng hôn như Celine mà không gợn lòng nuối tiếc.

em kết nhất đoạn cuối :) trầm tư mà lãng mạn ...
 

hpfawkes

Member
Ðề: BEFORE MIDNIGHT (2013) | Không gian đối thoại

Ý mình là, xem phần 3 vẫn có thể nắm bắt được ý nghĩa mà không cần quá nhiều dữ kiện từ phần trước, là có biết thì cũng là một cách nhìn khác rồi. Vậy á :)
 

daikimgia

Active Member
Ðề: Before Midnight (2013) | Không gian đối thoại

Mình coi phim này được 20p toàn tám chuyện lung tung rối quá không biết phim muốn nói về cái gì, xóa luôn vì ko đủ kiên nhẫn coi tiếp!
 
Bên trên