[Cảm nghĩ] ] Đôi nét Tết xưa, Tết nay

conghieu1978

Moderator
Đất nước ta là đất nước nông nghiệp, trong năm có rất nhiều lễ tiết. Vào buổi sớm đầu năm mới của lịch âm có Tết Nguyên đán, đây là cái tết to hơn cả, trong dân gian gọi tết này là tết Nhớn (Lớn) hay tết Cả.
cho-hoa-tet-Tay-Ho.jpg
Chợ hoa Tết ở Tây Hồ
Ngày 23 tháng Chạp, tại các gia đình, ông đầu rau cũ được thay bằng các ông đầu rau mới. Đó là ngày gia chủ tiễn ông Táo lên chầu trời, báo cáo việc hay dở của gia chủ trong năm mà Vua Bếp cai quản.
Trong các lễ vật, ngoài hương hoa, trầu rượu, vàng mã, chủ nhà còn sắm mũ, áo, hia, và một con cá chép để Táo công bay lên trời. Sau lễ, cá được thả ra sông, hồ.
Cũng từ ngày 23, cùng với việc lo sắm tết, người ta còn quét dọn nhà cửa, lau đồ thờ phụng. Theo PGS Trần Lâm Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, có thể hình dung như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Tại đó có hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, còn hương là tinh tú. Hai bên bát hương, phía sau hai cây đèn, thường có hai cành hoa cúc giấy. Với nhiều bông nhỏ bao quanh một bông lớn. Hai cành hoa này hoa vàng bên trái tượng trưng cho ngày (dương); hoa bạc bên phải là cho đêm (âm). Trong các lễ vật, tại hai bên phía sau ban thờ, có dựng hai cây mía còn cả ngọn và lá xanh. Màu xanh không chỉ là biểu tượng của mùa xuân, cây mía còn để các ông Vải gánh vàng mã đi đường và nếu bị cướp thì đánh lại quỷ dữ.
Trong gia đình của người Việt cổ, trước nhà có treo bùa gỗ có hình hai vị Thần Trà, Uất Lũy. Tích xưa kể rằng, ở dưới gốc đào núi Độ Sóc có hai ông tên gọi là Thần Trà, Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào lang thang làm hại dân thì thần giết đi. Vì vậy, người xưa treo đào phù là để quỷ sợ không dám vào quấy nhiễu dân lành. Sau này, bùa gỗ được thay bằng câu đối dán hai bên cửa. Tục viết câu đối Tết bắt đầu từ đây.
Vào ngày 28, 29 tháng Chạp, nhiều nhà chặt cây tre có dáng đẹp dựng nêu trước nhà. Trên ngọn cây nêu có để vàng mã của con cháu dành cho người đã mất và treo chuông khánh, khi gió thổi, chuông khánh phát tiếng kêu rất vui tai. Ở các ngôi chùa làng, cây nêu còn có thêm lá phướn. Phật cắm nêu, quỷ sợ không dám đến. Tại các gia đình, người ta còn rắc vôi bột từ chân cột cây nêu ra hết ngõ nhà mình. Điểm cuối vẽ cung và mũi tên để trừ quỷ dữ. Có nơi như ở làng Kim Lan, huyện Gia Lâm, người ta vẽ hình tròn ở điểm kết thúc.
Cùng với cây nêu, người xưa còn dùng “trúc bộc”. Trúc bộc được làm bằng những ống tre, bên trong có nhồi thuốc tự tạo, khi nổ tỏa khói màu xanh có mùi thơm. Lúc giao thừa, người ta chỉ nổ dăm ba quả đủ đuổi ma tà. Sau này, khi con người làm ra giấy, người ta nhuộm giấy màu hồng để quấn thay cho ống tre trúc gọi là pháo. Trong mấy ngày tết, nhà nào cũng đốt pháo. Sách Kinh sở tuế thời ký có nói, khi sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì sinh đau ốm. Ma núi chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo nó không dám đến nữa.
Trong 14 ngày Tết (từ 23 tháng Chạp đến ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng), con người và đất đai cùng được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả. Tết xưa chính là bộc lộ sự mừng vui của nông dân khi được mùa, đồng thời cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ và báo hiếu ông bà, tổ tiên. Vào ngày 30, dù bận rộn đến mấy, con cháu cũng phải ra mộ sửa sang, thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết. Suốt trong những ngày tết, ông bà ngự trên ban thờ. Vào ngày mồng 4 (có nơi để đến mồng 7) mới hóa vàng. Ngày này, con cháu tập trung làm cỗ lễ tiễn ông bà về “nơi ở cũ”.
Nửa đêm 30, chùa gióng chuông, đình đánh trống, các gia đình bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Làng xóm tổ chức tế giao thừa tại các điếm sở. Tục ta tin rằng, mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc dân gian, hết năm thì vị thần nọ bàn giao cho vị thần kia, cho nên người ta tế lễ để “tống cựu nghênh tân” tiễn ông thần cũ đón ông thần mới.
Nhà buôn Hà Lan Xamuyen Barông miêu tả tết Đàng ngoài của Việt Nam năm 1683 như sau: “Ngày 25 tháng Chạp là ngày sắp ấn, ấn vua, ấn quan đều cất vào hộp một tháng. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa, con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt. Mồng 1 Tết nói chung không ai ra khỏi nhà vì sợ gặp vía dữ. Sợ giông xúi cả năm, người ta không cho ai một ngụm nước, một thanh củi nào. Mồng 2 Tết mới là ngày đi lại, ăn uống chúc Tết nhau. Trong hội vui ngày Tết, có nhiều trò vui: đá cầu, đánh đu, bách hí, chọi gà”. Một nhà du lịch người Anh viết trong Chuyến đi Đàng ngoài năm 1688: “Tết là ngày hội lớn nhất. Ở đây ăn Tết từ 10-12 ngày; trong những ngày này, người ta không làm gì cả mà chỉ chơi bời, giải trí, mọi người đều ăn mặc quần áo mới. Ngoài đường, cả thành phố và nông thôn người ta đi lại xem các trò vui”.
Tết miền Nam cũng có chọi gà, đá cầu, đánh đu, đấu võ, diễn tuồng, đốt pháo hoa. Trịnh Hoài Đức miêu tả thật sinh động tết ở Gia Định giữa thế kỷ XIX: “Mỗi năm, cứ đến 28 tháng Chạp, các phường sắc bùa đến các nhà hát chúc phúc”. Ngày trừ tịch, nhà nào cũng trồng một cây tre trước cửa, trên đầu cột buộc một cái giỏ tre, trong đựng trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc gọi là dựng nêu. Đến ngày mồng 7 thì hạ nêu. Trong những ngày Tết, không được đòi nợ, phải đợi sau 3 ngày hạ nêu mới được đi đòi. Cuối năm thường may quần áo mới, sửa sang bàn thờ tổ tiên, có thứ gì đẹp đẽ đem bày ra hết. Lại dặn bảo người nhà làm việc phải cẩn thận, không được đánh đổ đánh vỡ, cho khỏi giông xúi cả năm”.
Ở Gia Định xưa, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày Tết Nguyên đán, có trò chơi đánh đu với các loại đu thong, đu vân xa (đu mây) hay đu tiên, đu rút, đu giằng xoay.
Những nét đẹp của Tết cổ truyền đã ăn sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt. Trước đây, mỗi lần Tết đến, ở mỗi gia đình không thể thiếu được Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Giờ đây, đời sống mọi nhà đã khá lên rất nhiều. Số đông người sống ở thành thị, chẳng thấy ai nói “ăn Tết” mà họ lo đi chơi Tết là chính. Bánh chưng tượng trưng cho đất vuông với hương vị nồng nàn vẫn còn đó nhưng người ta chỉ mua hoặc gói dăm ba cái để thắp hương ông bà. Trong những ngày Tết, người ta chuyển sang vui chơi (có nhiều gia đình đi du lịch nước ngoài), số đông các bà và nam thanh nữ tú đi du xuân dự hội đình, hội chùa. Tại khu vực nội thành, sáng mồng 4 Tết mở hội vật Mai Động (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng), tưởng niệm tướng Tam Trinh, người có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, đồng thời là vị tổ vật võ của nước ta. Sáng mồng 5 có hội Đống Đa, gợi nhớ chiến công giải phóng kinh thành Thăng Long của vua Quang Trung; mồng 6 có hội vật cầu ở làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai); hội rước cá lăng của làng Đại Lan, xã Duyên Hà, Thanh Trì. Sáng mồng 6 còn là ngày khai hội đền Sóc và hội chùa Hương…
Từ Tết năm 1992, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, xuất hiện nhà nho Lê Xuân Hòa đến đây viết câu đối. Chữ của cụ được thể hiện trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, với các thể chân, thảo, lệ đã được khách trong và ngoài nước yêu thích. Từ đó, thú chơi câu đối Tết có tự nghìn xưa dần được khôi phục. Mấy năm nay, các điểm viết câu đối Tết có ở Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Hình ảnh cụ đồ trong trang phục áo the, khăn xếp bên mực Tàu, giấy đỏ đã trở nên quen thuộc với những người trẻ tuổi. Ngoài các điểm viết vừa nêu, có người cầu kỳ vẫn tìm đến các bậc túc nho như cụ Nguyễn Văn Bách ở phố Tràng Tiền, cụ Nguyễn Đức Chỉnh ở ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai xin các chữ Hiếu, chữ Đức, chữ Phúc, chữ Trí… mà mình hằng yêu thích.
Trải bao năm tháng, dẫu hình thức của phong tục Tết đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh hoa của phong tục đẹp ngày Tết vẫn còn. Có chăng, chỉ khác ngày tiễn ông Táo, cá chép ngày trước được thả xuống sông, hồ thì nay được thay dần bằng cá chép giấy; pháo đêm giao thừa được thay bằng pháo hoa bắn lên từ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu và hơn hai chục điểm khác ở khắp nội ngoại thành.
Nguồn: hanhphucgiadinh.vn
 

conghieu1978

Moderator
Tản mạn Tết

Khi tiết trời ấm dần lên. Mưa xuân lất phất từng hạt…Trên những cành đào khẳng khiu nụ ken dày cành là bắt đầu báo hiệu một mùa xuân mới. Năm hết, Tết đến lòng người lại nôn nao rộn rã mừng đón xuân về. Ai cũng muốn hoàn tất công việc để được đón tết với tâm thế thoải mái và sẵn sàng cho những trải nghiệm mới.

Tết còn là dịp để những người xa quê hướng về quê hương “Dù đi xa ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình”. Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, Tết nguyên đán vẫn luôn được người dân Việt Nam gìn giữ mặc dù trong thời đại ngày nay những phong tục ngày tết cổ truyền không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì Tết cổ truyền vẫn mang những nét truyền thống của dân tộc ta tự bao đời. Nhân dịp tết đến xuân về cùng nhau ngồi ôn lại không khí tết cũng quả là một điều thú vị. Nhớ nao lòng cái tết xưa và hân hoan với tết nay với những đổi thay từng ngày của đất nước.

Nhớ Tết xưa những bà mẹ quê chuẩn bị tết từ rất sớm. Ngay từ tháng 10 mẹ đã chuẩn bị đàn gà, để dành những ống gạo nếp ngon nhất để gói bánh chưng, lo chắt chiu dành dụm tiền để tết đến con được quần áo mới. Bọn trẻ con thì mong tết từng ngày. Mỗi lần đi học về lại viết lên bức tường ngoài ngõ: “… Tết sắp đến rồi còn 3 ngày nữa thôi…Tết sắp đến rồi, còn hai ngày nữa thôi…Tết sắp đến rồi còn 1 ngày nữa thôi…”

Những ngày giáp tết mẹ xách làn đi chợ mua đủ thứ: vài bó lá dong, cân thịt mỡ, bò đỗ xanh, miến, mứt tết, vài chùm quất, trái bưởi to tròn đầy, những dây vàng hương…Mẹ đi chợ đến mấy lần mà vẫn quên mua…Chợ tết đầy đủ thứ bánh trái, hoa quả. Mọi người mua bán tấp nập nhưng không chen lấn, ngã giá như ngày thường. Ai cũng mua bán với nụ cười cởi mở cầu mong một năm may mắn, làm ăn thịnh vượng. Nhất là trong buổi chợ chiều 30 tết người bán thì bán rẻ, người mua thì lại không nỡ trả giá, nài nỉ.

Bố trải cái mâm gỗ dài, gấp lá dong thành từng cặp, đong gạo nếp ra chậu, cho đỗ ra mâm thau, thịt mỡ thái mỏng ướp gia vị đựng trong cái bát to chuẩn bị gói bánh chưng. Mấy anh chị em vây quanh bố để được bố gói cho những cái bánh chưng vuông vuông nhỏ xíu. Đến tối cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng trong hơi ấm của bếp lửa đỏ rực. Mẹ làm bánh mật, bánh rán, bánh bao để đón giao thừa. Đêm giao thừa không khí như tĩnh lặng hơn vì ai cũng lo chuẩn bị đón năm mới. Những đứa trẻ không dám đi chơi xa vì sợ về nhà “xông đất” nhà mình nên chỉ quanh quẩn trong sân, ngoài ngõ với những quả bóng bay xanh, đỏ.

Thời khắc giao thừa thiêng liêng. Gần mười hai giờ là đâu đó tiếng pháo nổ đì đoàng, xác pháo bay đầy đường. Mẹ cúng mâm cỗ đón giao thừa cả trong nhà, ngoài sân. Bố vớt bánh chưng ra mâm. Vậy là mâm cỗ đêm giao thừa đầy đủ các thứ bánh, trái. Mẹ mừng tuổi cho mỗi đứa một phong lì xì “hay ăn, học giỏi”. Tết ngày ấy nghèo nhưng ấm cúng vô cùng. Không khí ngày tết cũng khác, nao nao lạ.

Tết nay không khí đã khác xưa nhiều. Người ta không còn mong tết đến với tâm trạng háo hức và chờ đợi nữa. Có lẽ vì cuộc sống bon chen hối hả, người ta quên mất sự hiện diện của tết. Lũ trẻ thì không mong tết nhiều như trước kia vì chúng quanh năm đều được ăn ngon mặc đẹp. Mọi người cũng không cần phải chuẩn bị tết từ sớm. Chỉ cần đến siêu thị hay gọi điện thoại là đầy đủ các thứ, mang đến tận nhà vừa ngon lại vừa đẹp mắt.

Tết bây giờ cũng chẳng mấy ai thích ăn bánh chưng. Nhiều người còn không gói bánh chưng chỉ mua dăm ba cái cho lên mâm cúng gọi là có hương vị ngày Tết. Mâm cỗ tết ngày nay cũng khác với mâm cỗ ngày xưa. Không còn thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh mà được thay bằng nhiều thứ có hương vị lạ. Mâm cỗ không cầu kỳ khác ngày thường là mấy.

Nhưng dù xưa hay nay thì tết vẫn là dịp để người ta hướng về gia đình, quê hương. Mỗi lần giáp tết những chuyến xe, sân ga lại đông nghìn nghịt. Những người đi làm ăn xa cố mua vé để về quê kịp đón tết cùng gia đình. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau ôn lại những thành quả cũng như những thất bại trong năm qua và cùng quyết tâm phấn đấu cho năm tới. Dù công việc có bận rộn đến nhường nào thì đêm 30 tết ai cũng mong mình được ở bên gia đình, bên những người thân thương yêu để cùng đón giao thừa. Trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy lòng người như trùng xuống, thấy trân trọng biết bao sự đầm ấm của gia đình bên mâm cỗ đêm 30. Sáng mồng một Tết người người đi lễ chùa, cầu mong những điều bình an trong năm mới. Ngày nay, đời sống khá rả tiền phúng viếng lễ nghi cũng khác. Đủ thứ từ vàng mã cho đến tiền mặt. Ai cũng mong sao bày tỏ được cái tâm của mình với thần linh mong cầu no ấm, yên vui, xua đi những điều không may mắn của năm qua.

Tết cũng là dịp để con cái báo hiếu với bố, mẹ, ông bà. Trẻ nhỏ thì được người lớn lì xì. Còn con cái, cháu chắt lại mừng tuổi ông bà, mong ông bà sống lâu, sống khỏe.

Tết còn là dịp để về quê thăm ông bà, cha mẹ để được hòa mình vào những lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa dân gian.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về người người háo hức được cùng nhau đi chơi hội. Người ta tìm đến lễ hội không chỉ để tham gia vào những trò chơi dân gian mà còn để được hòa mình vào không khí xuân vui tươi đầm ấm, để được gần nhau hơn, thấy tâm hồn dịu lại, quên đi những lo toan hàng ngày.

Dù không khí và cách đón tết mỗi thời mỗi khác nhưng tâm hồn con người lúc xuân sang, tết đến thì vẫn thế. Vẫn một tâm trạng nôn nao mong được về bên gia đình, vẫn háo hức được cùng tay trong tay với những người thân yêu hòa mình vào tiết trời xuân ấm áp tươi vui và càng thêm trân trọng từng phút giây cuộc sống…



Quỳnh Giao
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Đôi nét Tết xưa, Tết nay

TPO - Sau bảy năm xa nhà, tôi quyết về Hoa Lư ăn Tết mấy ngày. Về làng vạ mỗi nhà một bữa, mẹ già mừng, anh chị em và các cháu vui có lì xì, họ hàng tự hào vì thằng cháu thành đạt, dù chả biết tôi nghề ngỗng gì ở xứ người.
Chó sủa chán rồi cũng vẫy đuôi chào “công dân toàn cầu” về quê. Chú cẩu khôn lắm, đoán thế nào cũng được gặm xương gà.
ImageView.ashx

Gói bánh chưng quê. Ảnh : Hiệu Minh​
Biến đổi của thời cuộc
Thời bao cấp công tác ở Hà Nội chiều 26 Tết chen lấn mua vé xe bus kể cả trèo lên xe tải, vai vác bị cói có bánh chưng, gói bích qui gia công, nửa cân mỳ chính để mẹ chia quà năm mới.
Vạ vật đến mồng 6 mới tìm cách về thành phố, ra sớm bếp ăn tập thể chưa mở. Khi đi, mẹ cho thêm chục cân gạo, con gà và ít hoa quả vườn nhà, lòng lâng lâng vì được no cả tháng. Tết quê xưa sao đầm ấm tình người.
Thời mở cửa, có xe máy nên chiều 30 mới mò về. Mắt trước mắt sau mồng 2 Tết đã chuồn vì người yêu hẹn. Con gà, trái quả mẹ cho không lấy nữa “ở ngoài đó, con chả thiếu gì”. Có của ăn của để đã thấy nhạt dần tình quê hương.
Chục năm gần đây, đi xe máy hàng trăm cây mỏi lưng, thuê cái bốn bánh, cả gia đình về cho oai. Ở một ngày rồi lý do phải đi thăm nhà ngoại, hẹn bạn tới ăn cơm. Mẹ nước mắt ngắn dài, sao anh không ở lâu như ngày xưa.
Lần này mang theo chăn màn, chai nước lọc mấy lít, bộ quần áo, về quê ở hẳn 3 ngày, chả khác gì đi du lịch. Mấy hôm trước nóng như mùa Hè, bỗng sáng 29 lại rét ngọt, tiết sang Xuân. Gặp ai cũng vui “Anh về Tết bao giờ? Được lâu không? Bao giờ đi?”. Ở làng này hay lắm, chưa về đã hỏi ngày đi. Thấy yêu Tết làng quê đến lạ lùng.
Chuyện anh bạn vong niên và người chú thông tuệ
Thăm bạn học cũ U60 gần nhà. Trời khá lạnh mà anh vẫn đánh chiếc quần đùi, gói bánh chưng nhoay nhoáy, gạo nếp, đậu không đãi vỏ, thịt nạc lẫn mỡ tẩm hạt tiêu. Vừa gói bánh, vừa kể chuyện cuộc đời.
Mồ côi cha từ bé, học đến lớp 5 anh nghỉ ở nhà, giúp mẹ chèo đò qua sông Hoàng Long.
Lấy vợ cùng lớp, đẻ một lèo 6 cô con gái và một trai út, chắc do cố “nếp tẻ”. Ba cô lấy chồng và có con. Ba cô còn lại chưa cùng ai, đang làm lò gạch gần nhà. Anh đã lên hàng ông ngoại. Vợ ốm chết năm 1985 vì thương hàn. Muốn ở vậy, nhưng trời lại không chiều.
Năm ngoái anh cưới vợ hai, chắc ít tuổi hơn cả con gái út. Chị mới sinh con trai kháu khỉnh.
Đất nước có bình quân thu nhập 1000$/người/năm, đường du lịch cạnh nhà rộng chục mét lên chùa Bái Đính. Con đê qua làng Tụ An bỗng mở rộng thành 10 mét. Chú tôi hoa mắt, suýt ngã, khi có người đến hỏi mua 10 triệu/m2, vì ông có tới 3 sào vườn.
Sông Hoàng Long đang được nạo vét để thành nơi du lịch bằng thuyền. Lò gạch cạnh nhà sắp thành bãi đỗ ô tô. Du khách sẽ được đi xe ngựa 10 km từ xóm Tụ An lên chùa Bái Đính. Một tương lai sáng lạn đang đến miền đất này.
Ngoài thành phố những nhà cao tầng vươn lên trời xanh, ô tô xịn hàng triệu đô la, những ông chủ tiêu tiền như rác.
Nhưng với anh, mái tranh nghèo không hề thay đổi suốt mấy chục năm nay. Cuộc đời người bạn vong niên kia không hề khác xưa. Chỉ số phát triển kinh tế quốc gia cao chót vót ở đâu đó trên trời thôi.
Trong đầu người bạn học, blog, facebook, chiến tranh Iraq, Obama, biên giới hải đảo, thế giới toàn cầu hóa hay hội nhập, là cái gì đó xảy ra trên thiên đường, hoàn toàn xa lạ. Chỉ có đứa con trai bé bỏng là có thật trên đời, một thứ hạnh phúc sờ được, ngửi được, kể cả mùi nước đái của nó.
Người chú họ tôi năm nay 74 nhưng tóc vẫn chưa bạc. Đi bộ đội từ 1960 đến 1970. Ở quê mà ông biết tường tận nước Mỹ khi mới thành lập có 13 bang. George Washington đến từ nước Anh. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama gốc Kenya, người của đảng Dân Chủ. Mỹ tấn công Iraq là vì dầu hỏa, Trung Quốc đang lên ngôi bá chủ dù “anh” này còn khá nghèo trong mặt bằng dân chúng.
Chú còn bảo “Mày sang Mỹ nhưng xách dép cho thằng bán thịt dê Thanh Cao. Đừng có vênh mặt lên mà hớ đó”. Rồi ông rất khổ tâm với cái gì cũng phải tiền, không biết hy sinh như các chú thời xưa.
Không có tủ sách nào, báo chí lại càng không. Thông tin có được là do xem tivi, nghe bàn tán. Blog ư, “tao chả biết là cái chó gì”.
Chú tôi ở ngay sau nhà anh bạn U60 trên. Hai gia đình, hai thế giới tri thức, hai cảm nhận về xã hội hoàn toàn khác biệt dù họ cách nhau đúng một bờ rào.
Tết đã hết xưa
Nhớ những chiều cuối năm, nước sông lên trong vắt, bố sai con cắt lá dong, mang ra bến rửa. Đôi bờ nhộn nhịp. Lợn kêu eng éc, tiếng giã giò vang khắp xóm cùng thôn, hương trầm bay thơm ngát, pháo nổ râm ran. Trên bến dưới thuyền hỏi năm nay đánh đụng mấy đùi lợn, gói bao nhiêu bánh chưng. Tết ấy đã xưa rồi và làng bên sông cũng chẳng còn.
Bây giờ ít người gói bánh chưng, không nghe thấy tiếng lợn kêu, chả còn ký kếch tiếng chầy. Ra chợ làm một “thúng” Tết, bệ lên bàn thờ, thế là xong.
Lâu lắm mới nằm giường quê, xóm làng yên tĩnh trong đêm chờ Xuân mới. Ngoài sân mưa bay lất phất, hoa bưởi bên cửa sổ thơm dìu dịu...
Hiệu Minh
 
Bên trên