Châu Âu bỏ phiếu về cách kiểm soát Big Tech

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các nhà lập pháp châu Âu hôm 22.11 đã tiến hành bỏ phiếu xây dựng luật mới nhằm kiềm chế các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act - DMA) của Liên minh châu Âu (EU) luôn được kỳ vọng sẽ tấn công các ông lớn công nghệ Mỹ như Google, Facebook, Amazon, Apple và Microsoft, nhưng bây giờ nó sẽ bao gồm cả Booking.com và sau này có thể thêm thị trường trực tuyến Zalando, Alibaba.

Đề xuất trong lá phiếu hôm 22.11 bao gồm: buộc các ứng dụng nhắn tin cạnh tranh cho phép người dùng trò chuyện trên nhiều nền tảng, yêu cầu sự đồng ý của người dùng để đặt một ứng dụng hoặc cửa hàng ứng dụng làm mặc định, và xem xét có nên cấm một số công ty nhắm mục tiêu quảng cáo đến trẻ vị thành niên hay không.

tno-chau-au-bo-phieu-ve-cach-kiem-siat-big-tech-7319.jpeg

Các nhà lập pháp châu Âu đã dành nhiều năm để tìm cách kiềm chế các hãng công nghệ lớn trên thế giới

Ngoài ra, EU còn muốn hạn chế hoạt động sáp nhập “trong một khoảng thời gian giới hạn”, nếu các công ty vi phạm vào đề xuất được thiết kế để ngăn chặn việc doanh nghiệp mua lại đối thủ trước khi nó có thể trở thành mối đe dọa. Cựu nhân viên của Facebook Frances Haugen nhận xét kế hoạch của EU có tiềm năng trở thành “tiêu chuẩn vàng trên toàn cầu”.

Cuối năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất DMA để nhắm vào hành vi chống cạnh tranh, và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA) tập trung xử lý nội dung bất hợp pháp. Các nhà lập pháp của khối đã dành thời gian sau đó để đấu tranh về những vấn đề như công ty nào phải chịu trách nhiệm, và liệu EU có bất công với các doanh nghiệp Mỹ vì đặt ngưỡng chịu trách nhiệm quá cao hay không.

Hình phạt do vi phạm các quy tắc, chẳng hạn như nhắm mục tiêu quảng cáo đến trẻ vị thành niên, có thể dẫn đến khoản tiền phạt lên tới 20% doanh thu hằng năm trên toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức phạt chống độc quyền hiện tại của EU. Một số nhà lập pháp cánh tả cho rằng nên bao gồm hơn 25 “công ty kỹ thuật số độc quyền”, trong khi đó thành viên bên đối lập chỉ khuyến khích đưa bốn hoặc năm công ty vào danh sách kiểm soát. “Ủy ban có thể bắt đầu với Google và Facebook, rồi đến Amazon và Apple, sau đó sẽ là Microsoft và Booking”, nhà lập pháp cánh hữu người Đức Andreas Schwab nói.

Mặc dù có nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tranh luận gay gắt hơn cả là về DSA. Các nghị sĩ vẫn đang tìm cách giải quyết nội dung có hại và cách hạn chế việc nhắm mục tiêu quảng cáo. Một số nhà lập pháp cánh tả thậm chí thúc đẩy lệnh cấm hoàn toàn đối với quảng cáo được nhắm mục tiêu.

EC phụ trách viết quy tắc được bỏ phiếu hôm 22.11, còn các thành viên còn lại của Nghị viện châu Âu sẽ ký vào tháng tới. Động thái này cho phép việc đàm phán giữa EC và khối 27 quốc gia bắt đầu vào năm tới, bàn về việc công ty nào nên được đưa vào bộ quy tắc mới tiếp theo.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên