Covid-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta mua sắm thiết bị điện tử?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, không ai muốn trực tiếp cầm nắm những chiếc smartphone trưng bày đã được vô số người sờ vào trước đó.

samsung_mask.jpg

Hai tuần trước, Apple giới thiệu iPad Pro và MacBook Air mới nhưng hầu hết người hâm mộ vẫn chưa thể dùng thử tại cửa hàng. Từ ngày 13/3, gã khổng lồ công nghệ của nước Mỹ đã đóng cửa mọi Apple Store bên ngoài Trung Quốc đại lục. Samsung và Microsoft cũng đóng cửa hàng tại Mỹ.

Muốn tìm mua laptop chất lượng cho mọi người nay đang ở trong nhà để “cách ly xã hội” hay muốn thử bàn phím mới nâng cấp của Apple có được như quảng cáo? Mọi nhu cầu đột nhiên bị chặn đứng bởi gần như không ai muốn ra cửa hàng để trực tiếp “trên tay” sản phẩm nữa. Ngay cả tại các cửa hàng còn mở, mọi người cũng e ngại chạm vào các sản phẩm trưng bày.

Mua sắm trực tuyến tồn tại nhiều năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Các cửa hàng, showroom trở thành mắt xích quan trọng để thương hiệu quảng bá sản phẩm và kết nối với người dùng. Theo khảo sát của Deloitte, năm 2018, khoảng 2/3 dân số Mỹ mua điện thoại từ cửa hàng.

Dù Amazon hay eBay và các trang thương mại điện tử phổ biến tới đâu, người ta vẫn “rồng rắn” xếp hàng bên ngoài Apple Store mỗi khi iPhone mới mở bán. Những cửa hàng của Xiaomi cũng thu hút nhiều người dùng trung thành. Huawei đang mở rộng hiện diện vật lý tại nước ngoài với flagship store đầu tiên tại Pháp sau khi triển khai tại Barcelona Madrid và Milan.

Giá bán và chủng loại sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng tại đâu của người tiêu dùng. Chẳng hạn, bạn có thể không quá băn khoăn khi bấm mua chiếc váy giá vài trăm ngàn nhưng với chiếc điện thoại giá cả chục triệu đồng khi chưa dùng thử? Không dễ như vậy. Sau tất cả, điện thoại là thứ người ta gắn bó ít nhất vài năm.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi. Theo các chuyên gia, khi cửa hàng và nhà máy đóng cửa tại châu Á, doanh số smartphone trong tháng 2/2020 ước tính giảm 14% đến 38% so với cùng kỳ 2019. Tại Trung Quốc, nơi khởi phát virus, khách hàng được giới thiệu nhiều phương thức mua sắm mới, cố tái hiện tối đa trải nghiệm tại cửa hàng.

image1.png

Nhân viên bán hàng đeo găng tay khi giới thiệu smartphone gập Huawei Mate X cho khách hàng hôm 10/3 tại Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: SIPA Asia

Chẳng hạn, Vivo cho biết khách hàng có thể đặt lịch chat với nhân viên bán hàng để tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm trước khi mua. Xiaomi hợp tác với CEO nổi tiếng một thời vừa chuyển nghề sang streamer để quảng bá điện thoại mới nhất trên TikTok. Người xem bấm vào liên kết trên màn hình để đặt mua. Alibaba lại giúp người mua thẩm định điện thoại đã qua sử dụng từ bên bán để mọi người không cần tới trực tiếp Huaqiangbei – trung tâm mua bán đồ secondhand – nữa.

Tại Hàn Quốc, Samsung triển khai chương trình giao máy đến tận nhà cho khách hàng trải nghiệm và dùng thử trong 24 giờ. Theo Chris Schreiner – Giám đốc hãng nghiên cứu Strategy Analytics, đây chỉ là những bước đầu tiên. Vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển các hình thức này. Ông cho rằng thiết lập các showroom ảo, nơi khách hàng tương tác với thiết bị nhiều hơn để xem các tính năng hoạt động ra sao sẽ giúp cải thiện kết nối cảm xúc.

Apple đã sử dụng thực tế tăng cường để khách hàng xem iPhone 11 Pro nhìn như thế nào ngoài đời nhưng họ chưa thể bấm vào các nút hay màn hình để trải nghiệm. Dù vậy, nó vẫn có tiềm năng lớn. Do Covid-19 buộc mọi người ở nhà, một vài công ty thực tế ảo nói đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn để hỗ trợ tổ chức cuộc họp ảo. HTC cho phép mọi người tham gia buổi ra mắt sản phẩm từ xa thông qua kính VR.

Mọi người vẫn muốn dùng thử thiết bị đắt tiền trực tiếp trước khi ‘xuống tay’, đặc biệt là người cao tuổi. Khảo sát của trang so sánh giá Uswitch cho thấy chỉ 36% người được hỏi trên 55 tuổi trả lời sẽ dùng smartphone hay tablet để mua sắm qua mạng.

Theo ông Schreiner, video chat hay livestream sẽ hiệu quả hơn tại Trung Quốc, nơi quyết định mua bán chủ yếu dựa vào cấu hình và tính năng trên giấy tờ. Ngược lại, khách hàng phương tây lại muốn cầm nắm sản phẩm trên tay.

Song, dường như vài người dùng không thể từ bỏ trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại. Một blogger trên Weibo gần đây chia sẻ tấm ảnh mọi người xếp hàng ngoài Apple Store tại Quảng Châu. Trong khi đó, một người khác viết về chuyến đi với chồng: “Thẳng tiến đến Apple Store và chờ một lúc lâu mới được chạm vào chiếc iPad ưa thích của anh ấy”.

Theo ICT News​
 

ngoctkatu

Active Member
Tạm trong thời dịch thôi chứ qua thời dịch bệnh thì mua sắm trực tiếp và trải nghiệm vẫn hơn!
 

thinhlq.xb

Active Member
Em vẫn thích đi mua trực tiếp hơn. Sản phẩm bán trực tuyến nhiều khi khác xa với thực tế!
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Đeo găng tay vào, nhưng virus có bị dính vào găng tay, hoặc trước đó là bao bì của người nào đó?
 
Bên trên