Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

bacsinam

New Member
Người Pháp phát minh ra điện ảnh, nhưng chính nước Mỹ đã khai sinh ra nền điện ảnh tuyên truyền, phục vụ cho quốc phòng và chính trị. Suốt chiều dài lịch sử gần 100 năm, ta có thể thấy rõ những bộ phim chiến tranh của Mỹ giống như một đạo quân bước ra từ màn bạc và đi chinh phục thế giới. Đạo quân này nguy hiểm hơn cả những người lính thực sự và vũ khí tối tân, vì nó bất tử theo thời gian, nó có thể len lỏi đến mọi quốc gia, vượt qua mọi biên giới, ngay cả những lãnh địa thù địch như Liên Xô, Bắc Hàn, Iran. Ngay cả chủ tịch Kim Jong Il, Mao Trạch Đông cũng mê phim Mỹ, và chắc là đa số người hồi giáo dù cuồng tín cực đoan đến đâu cũng bị chinh phục bởi phim ảnh và ngôi sao màn bạc Mỹ.

Cuộc gặp gỡ làm quen giữa Hollywood và Quân đội Hoa kỳ bắt đầu rất sớm, từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hình ảnh người lính đầu tiên trên màn bạc có lẽ là Charlie Chaplin trong phim The soldier, sau đó là những bộ phim cổ động cho hình ảnh nuớc Mỹ tự do anh hùng, với sự hỗ trợ của bộ binh và pháo binh như phim : The birth of a nation của Griffith năm 1915. Nhưng hôn nhân chính thức giữa màn bạc và Lầu năm góc thực sự bắt đầu từ khi Mỹ tham chiến vào thế chiến thứ hai. Ngay sau trận tấn công Trân Châu Cảng, Roosevelt đã chỉ đạo trực tiếp cho Hollywood để làm tốt vai trò một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ,nhằm đối đầu với chính sách tương tự của phe Phát xít Đức. Có thể nói trong những năm 40, Hollywood thực sự tham chiến cùng quân đồng minh trên khắp mặt trận, nhiều diễn viên được gửi ra tiền tuyến như James Stewart, Ronald Reagan. Thậm chí bên quân sự còn đặt hàng trực tiếp một loạt kịch bản cho các phim trường Hollywood thực hiện, để vẽ nên hình ảnh một quân đội Mỹ bất khả chiến bại.

guy9641co-wwii-movie.jpg

Hình: Các gương mặt tài tử nổi danh trong thời chiến

Trong giai đoạn này, chính lòng ái quốc là mục tiêu cho Hollywood hoàn thành tốt những nhiệm vụ tuyên truyền cổ động cho người lính, và quan hệ giữa họ (phim ảnh và quân đội) có thể nói là trong thời kì trăng mật. Tuần trăng mật này kéo dài mãi trong suốt 20 năm sau, khi nước Mỹ chiến thắng quân Phát xít, người ta đổ xô nhau làm phim chiến tranh để tô vẽ cho thành tích hào hùng đó, vừa để quảng bá hình ảnh Mỹ ra toàn cầu, vừa để tạo đối trọng với quân đội xô viết còn non trẻ trong một trật tự mới, thế giới hai cực. Trong giai đoạn này xuất hiện những siêu phẩm chiến tranh vĩ đại như The longest day năm 1962 với sự hợp lực của cùng lúc 6 nhà sản xuất, và sự huy động khổng lồ của quân đội Mỹ về nhân lực và vũ khí để tái tạo lại trận đánh Normandie. Phim đoạt 2 giải Oscar, và mở màn cho một loạt những siêu phẩm tương tự sau đó như Battle at the Bulge năm 1965 với sự huy động hàng trăm xe tăng của cả 2 phe, hay phim A bridge too far năm 1977 là phim chiến tranh vĩ đại nhất, tái hiện cuộc đổ quân trùng trùng điệp điệp của hàng vạn lính dù, từng đoàn thiết giáp dài vài cây số. Những tên tuổi điện ảnh thời đó gắn liền với bộ đồ lính như J.Stewart, M.Caine, Charles Bronson, Lee Marvin…

longestday.jpg

Hình: Cảnh đổ bộ lên bờ biển Normandie trong phim The Longest Day, với sự hỗ trợ tổng lực của quân đội Mỹ. Sau này phim Saving Private Ryan chỉ nhận được sự hỗ trợ ít ỏi của quân đội Ailen và một số vũ khí cơ hữu, nhưng hiệu ứng vi tính đã giúp cho đạo diễn độc lập hơn trong quan hệ với bên quân đội.

bridge-too-far.jpg

Hình: A bridge too far, bộ phim chiến tranh vĩ đại nhất trong lịch sử, hơn 1 triệu mét phim đã được sử dụng, ngàn cánh dù bao phủ bầu trời và hàng trăm xe tăng, máy bay được huy động

Vào cuối thập niên 60, những rạn nứt bất hòa đầu tiên giữa Lầu năm góc và Hollywood đã xuất hiện vì lí do mà chúng ta đều biết rõ, cuộc chiến Việt Nam. Người dân Mỹ và giới truyền thông bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng Mỹ đang sa lầy và rơi vào khủng hoảng ở chiến trường Việt Nam, phong trào phản chiến nổ ra khắp nơi và ngân sách Mỹ thâm thủng do cuộc chiến, cộng với không khí khủng bố bao trùm của chiến tranh lạnh, khi mà bàn tay tình báo len cả vào giới điện ảnh để moi móc những kẻ thân cộng, thiên tả. Người ta làm rất ít phim chiến tranh trong giai đoạn này. Trong suốt 10 năm đó chỉ có 1 phim duy nhất làm ra để tô hồng cho lính Mỹ như phe chính nghĩa, bôi đen Việt cộng như kẻ thù và cổ động cho cuộc chiến Việt Nam, là phim Green Beret với John Wayne. Dù có sự hỗ trợ hết mình của quân đội, sau này lịch sử đã cho thấy bộ phim hoàn toàn thất bại cả về mục đích giải trí hay tuyên truyền, vì nó vừa giả tạo khó tin vừa lạc hậu về kĩ xảo.

the%20green%20berets%20320x240.jpg

Hình: Phim Mũ nồi xanh cổ động chiến tranh Việt Nam, phim hết sức giả tạo, sĩ quan việt nam cộng hòa và Việt cộng do người Tàu và Nhật đóng, trong phim xuất hiện cả những cây thông dù bối cảnh ở vùng nhiệt đới. Chỉ có vũ khí và máy bay là thật.

Mỹ thua ở Việt Nam, hàng trăm ngàn lính Mỹ đã chết trận, đó là một cú sốc lớn đối với cả dân sự và quân đội Mỹ, đó là lí do khiến 20 năm sau đó, hàng loạt phim ra đời, phê phán sai lầm của quân đội Mỹ, phản đối chiến tranh. Đây là giai đoạn « ly thân », rạn nứt hoàn toàn giữa Hollywood và quân đội. Những phim như : Apocalypse Now, Full Metal Jacket, Platoon, Hamburger Hill, vân vân mô tả cuộc chiến như một lời dối trá, chúng còn nói về sự hi sinh anh hùng nhưng vô ích của con em người Mỹ, về sự tha hóa về nhân cách của một vài người lính, về địa ngục của họ phải chịu đựng ở VN. Chưa bao giờ hình ảnh người lính lại tồi tệ hơn thế trong phim ảnh. Xin lưu ý là những phim này không nhằm đề cao tính chính nghĩa của quân đội Việt Nam, không phê phán tội ác của Mỹ ở VN mà chủ yếu để an ủi và xót thương cho chính thân phận người dân Mỹ. Đột ngột, dòng phim phản chiến này bị chặn đứng đầu năm 90, có người cho là do chỉ đạo của nhà trắng, có thể do người ta bắt đầu quên, và bước vào thời kì mới tương đối ổn định hơn, xã hội phát triển trở lại và dòng phim giải trí lấn át dần phim chiến tranh. Người Mỹ lại bắt đầu tự sướng với Rambo, Terminator và quái vật đủ loại.

Cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu Năm góc trở lại bình thường vào năm 2000, khi Ridley Scott muốn thực hiện bộ phim black Hawk Down, ông mong muốn có sự hợp tác của quân đội, vì không thể thiếu 5 chiếc trực thăng Black Hawk (ban đầu ông ta định sử dụng trực thăng Huey sơn đen). Quân đội Mỹ ra điều kiện là phim này phải đề cao lòng dũng cảm anh hùng của quân Mỹ, Scott đồng ý và ngay lập tức 5 chiếc máy bay được chuyên chở đến Maroc, quân đội còn điều động 100 binh sĩ thực sự sang Maroc đê cùng đóng phim. Nên nhớ là khi quay phim Apocalypse Now, đạo diễn Coppola cũng xin trợ giúp nhưng sau khi đọc kịch bản quân đội Mỹ đã từ chối thẳng. Coppola phải chuyển phim trường sang Philippine và mượn toàn bộ vũ khí của quân đội Philippine.

black_hawk_down_pic4.jpg


Hình: Chính những chiếc trực thăng Black Hawk này là chiếc nhẫn cưới trói buộc đạo diễn và quân đội; phim làm ra bắt buộc phài đề cao người lính Mỹ.

Từ năm 50, đã có một ủy ban đặc trách ở Lầu năm góc để xét duyệt mọi dự án làm phim của Hollywood, mọi ý tưởng kịch bản có nguy cơ đe dọa cho hình ảnh của quân đội sẽ không được sử dụng một xu hỗ trợ từ ngân sách quốc phòng. Có nhiều mức độ hợp tác giữa quân đội và đạo diễn phim. Đầu tiênthấp nhất là mức hợp tác kiểu « lịch sự » như tư vấn về chi tiết kỹ thuật, cho sử dụng kho phim tư liệu. Mức độ cao hơn là hợp tác hạn chế, cho phép quay phim tại chỗ đóng quân như trên chiến hạm, trong doanh trại… Mức độ cao nhất là hợp tác tổng lực, ngoài những giúp đỡ trên còn cho mượn trang bị và vũ khí, như máy bay, súng, thiết giáp, chiến hạm… Nói một cách dễ hiểu là phim chiến tranh càng hoành tráng, vĩ đại thì bàn tay can thiệp của quân đội vào càng nhiều và nội dung của nó khỏi phải nói bạn cũng hiểu sẽ ca ngợi quân đội Mỹ đến cỡ nào.

Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, dân Mỹ bàng hoàng và cỗ máy chiến tranh bắt đầu khởi động, lúc này quân đội Mỹ lại trở lại sử dụng những nhà làm phim nhằm chuẩn bị về tâm lý của quần chúng Mỹ cho một cuộc chiến không tránh khỏi. Mặc dù quân Mỹ tham chiến liên tục từ sau năm 80 cho đến nay, ở Irak, Kuweit, Bosnia, Somalia… nhưng suốt thời gian đó họ không thèm ngó đến Hollywood và ngược lại, nhưng với cuộc chiến sau cùng này, quân đội ý thức là thời kì gian khổ đã đến, cần xây dựng lại lòng ái quốc, lòng tự hào dân tộc và lòng dũng cảm. Những bộ phim chiến tranh được làm với một chủ đề hoàn toàn thay đổi, ca ngợi người lính Mỹ dũng cảm anh hùng, chấp nhận hi sinh cho đất nước, mức độ tuyên truyền rõ nét một cách trần trụi như trong phim We were soldiers, Wind talkers, và gần đây nhất là The Hurt Locker. Phim We were Soldier đã được chiếu lần đầu tiên cho tổng thống Bush xem như một hình thức báo cáo thành tích, cùng lúc này Mỹ tấn công Apghanistan, chiếm Irak, lật đổ Saddam.


we-were-soldiers-1.jpg


Hình: Máy bay Sky Rider bỏ bom Napalm trong trận Iadrang, cảnh trong phim We were soldiers.


Bài học cho Việt Nam trong trường hợp này là cách làm phim tuyên truyền nhưng không có vẻ gì là tuyên truyền của người Mỹ. Họ rất khôn ngoan, không làm điện ảnh tuyên truyền theo kiểu bao cấp, đặt hàng, chỉ đạo độc đoán, họ khéo léo dẫn dắt biên kịch và đạo diễn vào một ván bài mà cả hai bên đều có lợi, người làm phim vẫn có quyền tự do sáng tạo nghệ thuật, vẫn làm ra được phim vừa có tính giải trí, vừa thu lợi nhuận cao, còn quân đội Mỹ được tiếng thơm. Cái ủy ban xét duyệt kịch bản trên là một ví dụ. Họ không cấm những phim làm ra chống lại chính sách, nhưng mấy anh đó tự mà lo liệu lấy, họ sẽ không giúp đỡ một ngón tay nào. Vì vậy mới có những phim phản chiến song song tồn tại với những phim tuyên truyền cổ động cho chủ nghĩa anh hùng của lính Mỹ. Hơn nữa, nhiều phim chiến tranh lớn của Mỹ không mô tả chiến thắng của một trận đánh, như kiểu VN ta làm phim Điện Biên Phủ mấy lần liên tục, thậm chí Mỹ đưa lên phim những thất bại thảm hại của chính họ như Pearl harbor, A bridge too far, Black Hawk Down, nhưng nếu chú ý sẽ thấy trong những thất bại đó không có hình ảnh người Mỹ ngồi khóc hu hu mà ngược lại tô vẽ nên sự anh hùng, gan dạ dũng cảm, không biết khuất phục của lính Mỹ là đằng khác.

Để kết luận, tôi xin khẳng định là không bao giờ có chuyện nghệ thuật phi chính trị, nghệ thuật thuần túy, nhất là ở thể loại phim chiến tranh. Mỗi khi các bạn đang xem một bộ phim chiến tranh vĩ đại, các bạn phải hiểu ngầm là ta đang xem một cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng của quân đội đó, tùy theo xuất xứ phim như Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Hàn quốc mà sẽ có lợi cho từng quốc gia tương ứng
 
Chỉnh sửa lần cuối:

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

Một bài viết thực sự tâm huyết. Cảm ơn bacsinam về sự chia sẻ tuyệt vời này.
 

manhthang

Huyền Thoại
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

Bác bacsinam mà ở Hải Phòng nhất định em với bác vuchaulong phải rủ đi vừa uống bia vừa bình phim rồi đấy :x
 
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

...
Mỹ thua ở Việt Nam, hàng trăm ngàn lính Mỹ đã chết trận,...

Bức tường Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) tại Công viên Quốc gia Washington DC, Mỹ ghi tên 58.325 lính Mỹ đã chết trận (+mất tích) ở Việt Nam và được "update" thường xuyên sau khi nhận thêm hài cốt mới... **==

2146709950058182077zyMucQ_ph.jpg
 
Chỉnh sửa lần cuối:

dotu

Member
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

Bài hay quá, rất nhiều info.

Mấy trăm ngàn quân chắc là tính tổng của cả cuộc chiến, một kiểu lập lờ rất VN

Dân chủ thể hiện ở mức độ hỗ trợ: "lịch sự", "hỗ trợ có hạn chế" và "toàn diện", lol. Thế này mới biết Hollywood cũng máu mặt, chứ nước khác thì...

Mấy fim vớ vẫn như Black Hawk down, We are soldiers... thì ai cũng nhận ra, tới Warchmen thì mấy anh kiểm duyệt cắt hết mấy đoạn Dr Manhattan trên chiến trường và kết cục hiến tranh VN, thà bỏ đi bối cảnh quan trọng (cũng chẳng biết mấy anh í có nhận ra ko) để giữ lại "tính chân thực" của lịch sử cho 1 bộ phim giả tưởng

Xem ra chỉ có Forrest Gump là 3d nhất của Hollywood
 
Chỉnh sửa lần cuối:

bacsinam

New Member
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

Xin cảm ơn tất cả các bạn đã có lời khen, tôi đang ở Paris nên rất tiếc không thể làm quen được mọi người ngoài đời thật, hi vọng sẽ có ngày ta sẽ gặp nhau. Tôi không nghĩ mình có khả năng bình luận phim sâu và chính xác bằng những người có kiến thức chuyên môn về điện ảnh, những nhà báo chuyên về lĩnh vực này; nghề chính của tôi vẫn là nghiên cứu trong y học.

Có lẽ tôi may mắn được xem số lượng phim nhiều và tôi mê phim ảnh từ nhỏ, nên tôi có thể chia sẻ về nhiều thể loại với nhiều thông tin, và viết ở vị trí người tiêu dùng cho ý kiến về sản phẩm. Ngoài ra những tôi cũng muốn gợi ý với các bạn những phim đáng xem, nên trong các bài viết tổng hợp tôi đưa ra nhiều tên phim mình đã xem, ít nhiều chúng đều có giá trị. Tôi nghĩ khi chia sẻ cảm xúc thì cảm xúc sẽ được nhân lên rất nhiều.

Cảm ơn các bác quản trị đã tổ chức lại diễn đàn bình phim tự do, mong là ở đây chúng ta sẽ tìm ra nguồn vui đọng lại sau những giờ xem phim và có thêm thông tin để đi tìm những phim hay và ... xem tiếp.
 

tambua

New Member
Ðề: Đạo quân sau màn bạc – cuộc hôn nhân giữa Hollywood và Lầu năm góc

bài viết hay lắm bác có thêm được ít thông tin đáng quý
 
Bên trên