Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

vozhanoi

New Member
Đọc thấy bài này hay em xin phép post lên:

Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

* Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong đó có Đường Sắt Cao Tốc vốn nằm trong lĩnh vực chuyên môn của tôi và tôi cũng tham gia học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Châu Âu - cái nôi của tàu cao tốc. Vì đã có nhiều ý kiến tranh luận trên tinh thần khoa học, nên tôi xin được trình bày dưới một góc nhìn hài hước, bình dân hơn.

Năm 2010, trong cái nắng oi ả của mùa hè, người dân xôn xao bàn luận chuyện quốc gia đại sự - đường sắt cao tốc có vẻ sôi nổi và gay gắt lắm. Thấy có người đỏ mặt tía tai búng tỉ này tỉ nọ cứ gọi là tanh tách, lại có người sợ xanh mặt vì nợ.

Lại nói từ ngày giá thực phẩm đại nhảy vọt, lâu lâu lại cúm gà, heo tai xanh, bữa cơm trở nên đạm bạc với quả cà, chén nước mắm với con cá trích xương nhiều hơn thịt. Ngày ngày tới sở làm trong nỗi khổ triền miên của tắc đường và những cơn mưa bụi. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sông hồ cạn kiệt, cắt điện diễn ra như cơm bữa khiến giấc ngủ đêm hè sao mà khó đến. Đêm đêm, văng vẳng tiếng mụ vợ than thở chuyện chợ búa đắt đỏ, chuyện học hành của con cái tốn kém. Gian nhà thuê trọ bé xíu rung lên bần bật vì tiếng máy của công trường xây dựng ngoài kia. Thành phố đang ngày một mở mang, khu dân cư quy hoạch mọc lên như nấm sau cơn mưa. Những toà nhà cao ngất ngưỡng ngạo nghễ mọc lên như minh chứng cho siêu lợi nhuận của ngành bất động sản. Một tỉ, hai tỉ rồi lên 3 bốn tỉ, niềm mong mỏi của cặp vợ chồng cử nhân - kỹ sư cứ mãi rời xa dần dành chỗ cho những lô đất trống, căn hộ rỗng của giới đầu cơ.

Canh một, canh hai rồi cũng tới lúc chìm vào giấc ngủ bỏ lại những bộn bề cuộc sống cho ngày mai khi ông mặt trời thức dậy. Thoát hồn khỏi thực tại, ta mơ mình lạc vào một xứ sở mộng mơ, sáng hút thuốc lào ở Hồ Gươm, trưa nhâm nhi café ở hồ Con Rùa. Đoàn tàu cao tốc lướt bay vun vút bỏ phía sau màu xanh bát ngát của cánh đồng đôla nợ còn thơm mùi mực. Khoảng cách địa lý trở nên nhỏ nhoi trước sức mạnh của đồng tiền. Đất nước hình chữ S rất đỗi thân thương không còn xa cách trong niềm vui hỉ hả của người công nhân xa quê, của cô cậu học trò háo hức về nhà thăm bố mẹ mỗi dịp lễ Tết.

Bao năm mơ ước thoát nghèo còn dang dở, tham vọng có trường ĐH trong top 200 sao xa vời thế. Bỗng chốc nước Nam ghi danh vào top 20 những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu hệ thống Đường Sắt Cao Tốc, niềm vinh dự này lớn lao lắm thay. Chợt lòng thấy căm hận những kẻ tự hạ mình cho rằng đang ở sau Nhật, Pháp hàng trăm năm. Chỉ với dự án này thôi, chúng ta đã sánh vai với các cường quốc năm châu.

Người Việt trở thành những công dân lạc quan bậc nhất thế giới. Sáng chè xanh cồn cào, trưa cơm cà với nồi canh toàn quốc, tối về một gói mì tôm nhưng mỗi ngày mất 30 phút phân vân lựa chọn con Mẹc hay con Cam rì để phóng tới sở làm. Ăn chơi xá chi tốn kém, nhà ta có thể ở trọ, đường có thể tắc, tiền không có thì ta vay ngân hàng nhưng đã chơi là phải tới bến. Phen này ta quyết mua xe hơi cho bằng chị bằng em với mấy tên nhà giàu.

Vì thế, ta giận điên lên vì nhóm người chủ trương bàn lùi. Hành khách không đông thì rồi sẽ đông, hàng hoá không chuyên chở bằng tàu cao tốc thì ta xây thêm đường tàu thường hoặc nhờ bạn đường bộ. Lại có kẻ dèm pha chuyện trả nợ, ô hay lo gì ba cái chuyện lẻ tẻ mặc dù số tiền đầu tư lớn hơn 3 lần tổng dự trữ ngoại tệ quốc gia (khoảng 20 tỉ). Ta giận lắm đám người lo chuyện bao đồng, chả nhẽ các ngươi không mong được đi lại nhanh chóng - tiện nghi. Ta còn nhớ những chuyến tàu ì ạch Bắc Nam kéo dài lê thê 30h mà thèm khát những con tàu cao tốc băng băng chỉ trong 6 tiếng. Trong mơ, bay bổng với tốc độ 300km trên giờ của Shinkansen, ta gật đầu cái rụp với viễn cảnh tươi sáng này. Nợ nần là việc quốc gia đại sự ở thì tương lai, trong khi lợi ích của việc rút ngắn thời gian đi lại là rõ ràng cho mỗi cá nhân chúng ta. Thử hỏi đã có nước nào người ta chia mấy chục tỉ đô nợ nần cho mỗi người vài ngàn phải trả đâu mà phải lo.

Ta giận lắm những người phá đám ấy nên chẳng muốn dung nạp họ lên những toa tàu hiện đại. Đường sắt cao tốc chỉ như một món ăn cao lương mỹ vị thêm vào thực đơn sẵn có đâu có phá hoại gì tới lợi ích của họ. Người giàu vẫn đáp máy bay từ HN vào SG, người nghèo vẫn vạ vật trên những chuyến xe tốc hành. Tàu cao tốc của ta không làm thay đổi gì đáng kể cục diện kinh tế - xã hội đã đang tồn tại, có chăng chỉ là sự thay đổi thị phần vận chuyển và thêm một sự lựa chọn cho mọi người.

Ta giận lắm những người lớn giọng phê phán hiệu quả tài chính kém và không có khả năng hoàn vốn. Rõ là ấu trĩ khi cái ta mong chờ là một thứ hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng như trường hợp đường Hồ Chí Minh.

Chợt bừng tỉnh vì tiếng muỗi vo ve mà cây quạt đã ngừng quay vì cắt điện luân phiên. Ta gác tay lên trán hồi tưởng lại giấc mơ đẹp. Nghĩ tới đây chợt giật mình vì ĐSCT chỉ như một sự lựa chọn bổ sung trung gian giữa các phương thức vận tải sẵn có; nó chỉ làm cho thị trường vận chuyển thêm tính cạnh tranh chứ đào đâu ra một cuộc cánh mạng mang tính khai phá. Làm sao có những đô thị, những trung tâm công nghiệp mở mang 2 bên đường như thể đem điện về với bản làng trong trường hợp đường HCM. Giá vé đắt ngang ngửa đường không và cự ly 2 ga lớn khiến tàu cao tốc chưa bao giờ là phương tiện sử dụng để giãn dân, như giấc mơ sáng sáng cắp cặp ra ga Vinh đi làm ở thủ đô. Chi phí vận hành đắt đỏ khiến tàu cao tốc chưa bao giờ giữ vai trò đáng kể trong việc vận chuyển hàng hoá. Và như thế, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế là không tương xứng với đống tiền khổng lồ bỏ ra.

Trong bối cảnh lợi ích kinh tế không thuyết phục (*), đề xuất đầu tư phải là doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu chứ không phải là móc hầu bao của nhà nước để con cháu è cổ trả nợ trong tương lai. Cũng là nhanh chóng tiện nghi, ta nghĩ tới vai trò của các hãng hàng không hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Trong trường hợp này nhà nước chỉ cần đứng ngoài cuộc thổi còi động viên mà không cần vay nợ một khoản tiền rất lớn.

Ngoài ngõ tiếng rao bánh mì lúc trầm lúc bổng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Thiên hạ hối hả đổ xô ra đường vì một cuộc trường chinh kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ cho chặng đường vài km. Có một giấc mơ năm 2030 sáng hút thuốc lào ở Hồ Gươm, trưa nhâm nhi café ở hồ Con Rùa và có một thực tế là Hà Nội phấn đấu tới năm 2030 không tái diễn cảnh rời nhà từ sáng sớm và đến sở làm khi đã quá trưa…
-------------------------------------------

(*) Trên thực tế, có nhiều công trình mặc dù không có khả năng hoàn vốn về mặt tài chính, nhưng nhà nước vẫn đầu tư để tạo cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế. Đặc biệt là các dự án đường bộ mở mang phát triển kinh tế ở các khu vực khó khăn. Dự án Đường sắt cao tốc đương nhiên có lợi ích về mặt kinh tế nhưng không tương xứng với số vốn khổng lồ. Và lợi ích mang lại do thúc đẩy phát triển kinh tế trở nên nhỏ nhoi nếu so với việc đem số tiền này đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc ngang dọc đất nước và nâng cấp đường sắt hiện có.

Nguyễn Việt

Link trích dẫn: http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/2010/05/3BA1C417/
 

MrMilan

Banned
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Bài viết hay, đọc kỹ mới thấy tác giả chửi gì, muốn nói gì.
 

hotshot

Active Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Cần gì tàu cao tốc cho tốn nhiều tiền. Làm thêm 1 làn đường song song với đường cũ và nâng khổ đường lên 1.4m là giảm 1 nữa giờ tàu chạy ngay.
Nhưng cũng cần phải nói là dự án càng lớn thì cơ hội kiếm chác càng nhiều .
 

symphony

Well-Known Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong đó có Đường Sắt Cao Tốc vốn nằm trong lĩnh vực chuyên môn của tôi và tôi cũng tham gia học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Châu Âu - cái nôi của tàu cao tốc
Ủa mình tưởng là Nhật Bản mới là cái nôi của tàu cao tốc chứ?
http://vi.wikipedia.org/wiki/Shinkansen
http://cafef.vn/2010052309353255CA32/tau-cao-toc-chuyen-ben-tay.chn

Lại nhớ đến hồi xưa bác Kiệt chủ trương xây dựng đường dây 500Kv, lúc đó người ta cũng nói nhiều lắm, chủ yếu là chê, nhưng mà hiện tại thì không thể phủ nhận được vai trò của công trình trong việc phát triển kinh tế và ổn định XH.
 

full1080

New Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Tóm lại nếu được biểu quyết việc có hay không đường sắt cao tốc trong giai đoạn này thì em xin chọn không. 10 năm nữa có tiền làm cũng không muộn.

Còn đường 500KV thì hồi đó mất điện xuốt ngày nên nghe thấy làm đường 500K mà em tự nhiên thấy sướng. Giờ đây cái sướng đã đi đâu mất mà em lại phải đầu tư con máy phát điện 2,5KW để đề phòng.
 

mjfcvn

Banned
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Đợt vừa rồi thằng Trung Quốc nó nói nó làm được tàu cao tốc chạy nhanh lắm (hình như trên 350km/h thì phải), nhưng cái ông giám đốc gì đó làm bên ngành đường sắt của Nhật nói rằng thằng Tàu ăn cắp công nghệ của Nhật và Đức !
 

haipvg

Well-Known Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Có tàu cao tốc thì rất tốt, nhưng gánh nặng nợ nần quá lớn đè lên cổ thì chẳng sung sướng gì. Nợ nước ngoài nhiều thì độc lập tự chủ cũng chẳng còn.
 

MrMilan

Banned
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Hôm nay thấy status của một bác trên Yahoo

" Nhà nước đang hướng tới mục tiêu: năm 2010 100% người dân có máy phát điện bỏ tiền túi "
 

DanielTran

Well-Known Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Lại nhớ đến hồi xưa bác Kiệt chủ trương xây dựng đường dây 500Kv, lúc đó người ta cũng nói nhiều lắm, chủ yếu là chê, nhưng mà hiện tại thì không thể phủ nhận được vai trò của công trình trong việc phát triển kinh tế và ổn định XH.

Daniel thấy vài blogger cũng so sánh dự án đường tải điện cao thế với đường tàu hỏa cao tốc này. Thực sự đây là một trong những thành tích trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo của thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên tin rằng ít ai thật sự để ý ưu điểm của dự án này nằm ở đâu.

Xét trên phương diện kỹ thuật thuần túy, dự án đường cao thế 500kV Bắc Nam là không kinh tế và chứa đựng nhiều thách thức kỹ thuật. Tuy nhiên nó ra đời vào một thời điểm rất tế nhị ở Việt Nam.

Sau năm 1975, tất cả những đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng đều chỉ dành cho miền Bắc, mà cụ thể và chiếm đa số các dự án là tại HN, và sau đó là HP, QN, VP. Chúng ta có thể điểm lại các dự án như cầu Thăng Long (khởi công 1979 - khánh thành 1985), cầu Chương Dương (1983-1986) cùng với cầu Long Biên đều bắc qua sông Hồng. Trong khi đó cây cầu lớn đầu tiên ở phía Nam là cầu Mỹ Thuận (1996-2000) do phía Australia tài trợ, phải chờ đến 25 năm sau ngày thống nhất. Cũng như vừa rồi là cầu Cần Thơ, đến 35 năm. Dù chi phí của các cây cầu này không quá lớn, chỉ 340 triệu USD (so với dự án cải tạo HN sắp trình duyệt lên đến 90 tỷ USD).

Về các công trình năng lượng, cho dù thủy điện hay nhiệt điện đều được xây dựng ở phía Bắc, khiến cho cung vượt quá cầu, điện dư thừa nên sau này có thời gian phải xuất khẩu bớt qua Lào và TQ. Chẳng hạn như thủy điện Hòa Bình 1920 MW (1979-1994), nhiệt điện Phả Lại 440 MW (1980). Trong khi đó ở phía Nam thì chỉ dựa vào công suất của thủy điện Đa Nhim 160 MW nên không đủ điện cho sản xuất và phát triển kinh tế. Nhiều vùng nông thôn không có điện. Những vùng khác chỉ có điện vào buổi tối. Ngay tại TpHCM có lúc cúp điện đến 4 ngày trong tuần. Công trình thủy điện đầu tiên là Trị An 400 MW (1984-1991) vẫn không đủ đáp ứng. Đến những năm 2000, nhiều vùng nông thôn vẫn dùng loại TV trắng đen 14 inches sạc bình, và bóng đèn tròn leo lét (vì điện thường sụt áp nghiêm trọng nên k dùng được đèn huỳnh quang).

Bởi vì nơi nắm quyền quyết định đầu tư là ở HN, nên mạng lưới năng lượng Việt Nam bị mất cân đối nghiêm trọng.

Điều này là tình hình chung trên tất cả các lĩnh vực khác. Thậm chí trong giáo dục, lý lịch đã cản bước học vấn đại học của nhiều học sinh miền Nam. Năm 1987, báo Tuổi Trẻ gióng lên trường hợp tiêu biểu là Nguyễn Mạnh Huy 3 năm 3 lần đỗ đại học nhưng không được phép học. Sau cùng phải đến tay bác Kiệt can thiệp. Bên cạnh đó các học bổng ra nước ngoài thì ngay cả con em cán bộ miền Bắc đang tiếp quản và định cư ở miền Nam cũng không giành được với HN. Chiêu thường thấy là giấy báo gửi muộn, và luôn có 1 người dự bị được thay vào chờ sẵn ở sân bay để lấp "chỗ trống".

Trong lĩnh vực thể thao là dễ thấy nhất, khi VĐV bơi lội Nguyễn Kiều Oanh đi thi ASIAD 90 tại TQ, thì HLV của chị là Đỗ Trọng Thịnh bị gạt ra để thay vào là một chuyên gia ở Tổng cục. Môn cầu lông, lần đầu tiên VN có một giải quốc tế là cúp JVC mở rộng năm 1991 tại NTĐ Phan Đình Phùng TpHCM. Thảm thi đấu được tài trợ trực tiếp từ Nhật Bản, và sau giải thì đã được gói lại chở ra HN. Năm 1995 bóng đá VN hồi sinh trở lại với cúp Độc Lập và HLV nước ngoài, SVĐ Thống Nhất được đầu tư mới dàn đèn cũng bởi vì dàn đèn trước đây đã được tháo đem ra lắp ở HN.

Với tư tưởng hạn hẹp, chỉ thích vắt sữa con bò gầy, hơn là vỗ béo cho nó sinh ra thêm nhiều bê con, đã tạo ra tâm lý ỷ lại ở nhiều nơi, kìm hãm sự phát triển kinh tế của cả nước. Trong tình hình đó, sự xuất hiện của đường dây 500KV đã quân bình lại bản đồ năng lượng cả nước. Giờ đây đầu tư nhà máy ở đâu chỉ là phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nơi đó có thuận lợi hay không. Nhờ vậy hàng loạt nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khí điện đạm với công suất lớn đã được xây dựng ở miền Nam. Hiện nay đường dây 500kV đang tải ngược điện trở ra Bắc, một nhiệm vụ mà ban đầu không mấy ai nghĩ đến.

Giá trị của đường dây 500kV không nằm ở ưu điểm kỹ thuật, mà ở chỗ trả lại sự khách quan cho các quyết định đầu tư năng lượng, góp phần điều hòa lợi ích giữa các tỉnh thành và tăng cường tình đoàn kết tương hỗ của nhân dân hai miền Nam Bắc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

MrMilan

Banned
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Bốn câu hỏi cho công nghiệp đường sắt Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Lương Hải Khôi (từ Nhật Bản)

Đường sắt cao tốc không phải là khẩu súng kíp thời Cao Thắng để có thể chỉ cần nhìn rồi bắt chước mà làm được. Phải có một lực lượng kỹ thuật đủ khả năng lĩnh hội, đủ khả năng nghiên cứu để dân tộc có thể thông qua họ mà tự lực tự cường.

"Đường sắt cao tốc" nhất thiết phải là Shinkansen?

Trong khi Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn kế hoạch xây dựng "đường sắt cao tốc" nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì theo tờ Nikkei tiếng Anh của Nhật, ông Nguyễn Hữu Bằng, TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đã "cầm đèn chạy trước ô tô", tuyên bố với tờ Nikkei là Việt Nam sẽ chọn Tập đoàn Sumimoto Corp, Mitsubishi Heavy, Itochu Corp và Kawasaki Heavy Industries Ltd để xây dựng đường sắt Shinkanken trị giá 56 tỷ USD [1]. Tuyên bố này làm thế giới xôn xao.

Có nhiều loại "đường sắt tốc độ cao", trong đó Shinkansen của Nhật Bản không phải là loại duy nhất, mà chỉ là một trong những loại sang trọng nhất, tiện lợi nhất, và dĩ nhiên cũng... đắt tiền nhất.

Loại "High Speed Train" tốc độ cao nhất của Nhật hiện nay là loại MLX01 (JRMalew) đang giữ kỷ lục thế giới 581km/h. Ngoài loại "High Speed Train" này, người ta còn có nhiều loại "tàu tốc độ cao" khác, như Limited Express Train, Express Train, hoặc Special Express Train, mà tên gọi tùy theo tốc độ và số lượng ga dừng.

Cải tạo hệ thống đường sắt, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng đường sắt tốc độ cao, là nhu cầu thực sự của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, lạ nhất là những người chịu trách nhiệm soạn thảo chiến lược đã hoàn toàn đồng nhất "đường sắt cao tốc" với "Shinkanshen của Nhật Bản".

Bỏ ra 2/3 GDP để mua về hệ thống Shinkansen của họ thì đúng như giáo sư Davis Dapice đã nói, đó là: "Kim tự tháp của Việt Nam" [2]. Chúng ta nên hiểu ý vị giáo sư này, kim tự tháp không chỉ là "biểu tượng" của sự "hoành tráng" một cách lãng phí. Đó còn là một trong những nguyên nhân tiêu hủy toàn bộ nguồn chất xám, máu và mồ hôi của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Ngày nay, cư dân thành Cairo không phải là con cháu của những người đã dựng nên nền văn minh kỳ vĩ ấy.

Xây dựng "đường sắt cao tốc" để có tầng lớp trung lưu?



Hệ thống đường sắt cao tốc của Shinkansen ở Nhật Bản (Ảnh: wordpress.com)


Việt Nam cần một hệ thống đường sắt tốc độ cao, tốc độ khoảng 100 km/h - 150 km/h - 200 km/h, không nhất thiết phải là hệ thống Shinkansen của Nhật, (không nhất thiết phải là Shinkansen của Nhật) để kết nối nội bộ trong các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng mà Hà Nội là trung tâm và vùng Đông Nam Bộ mà TP Hồ Chí Minh là trung tâm.

Lấy TP Hồ Chí Minh làm ví dụ: Việt Nam nhất thiết phải có những tuyến đường sắt cao tốc kết nối trung tâm Hồ Chí Minh với Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Vũng Tàu...sao cho mỗi cá nhân có thể di chuyển giữa các thành phố vệ tinh và trung tâm chỉ mất khoảng 1giờ.

Hệ thống đường sắt này cần đầu tư lớn, nhưng không cần đến mức 2/3 GDP. Và hơn thế nữa, nhu cầu sử dụng cũng lớn, hoàn toàn có thể tính toán được một cách dễ dàng. Nó không bị cạnh tranh quyết liệt bởi các phương tiện khác như xe máy, xe bus hay máy bay.

Về mặt hiệu ứng xã hội, hệ thống đường sắt này là một trong những điều kiện để xây dựng và phát triển tầng lớp trung lưu.

Theo kinh nghiệm đã thành công của Nhật Bản, việc lấy Tokyo là trung tâm với hàng chục đô thị vệ tinh xung quanh, đã định hình một thói quen cư trú và giao thông của tầng lớp trung lưu.



Theo kinh nghiệm đã thành công của Nhật Bản, việc lấy Tokyo là trung tâm với hàng chục đô thị vệ tinh xung quanh, đã định hình một thói quen cư trú và giao thông của tầng lớp trung lưu.

Đô thị trung tâm là nơi làm việc. Các đô thị vệ tinh là nơi để ngủ. Mỗi sáng, hàng triệu người di chuyển bằng đường sắt cao tốc (không phải là tàu Shinkansen) từ các đô thị vệ tinh vào thành phố trung tâm để làm việc. Bên trong đô thị trung tâm thì chủ yếu dùng đường sắt ngầm (Metro). Đến tối, người dân về các vệ tinh để ngủ.

Nếu Việt Nam áp dụng bài học này, giá mua, thuê đất và nhà ở đô thị trung tâm sẽ hạ nhiêt, ở các vệ tinh sẽ tăng lên, tạo ra trạng thái tương đối hài hòa, không cực đoan như hiện nay.

Cần có thêm nhiều đô thị vừa và nhỏ để tầng lớp trung lưu nhờ đó sẽ có tích lũy để tái đầu tư cho chính mình. Nền kinh tế và xã hội của đất nước sẽ được hưởng những lợi ích có tính chiến lược lâu dài từ sự tái đầu tư này của họ.

Hiện nay, không có đường sắt cao tốc nội bộ vùng, không ai có thể sống ở các vệ tinh mà có thể làm việc được đô thị trung tâm. Xe máy, xe bus, máy bay không thể đáp ứng nhu cầu này. Mọi người đều dồn hết về thành phố. Hậu quả là giá mua và thuê nhà, đất ở Việt Nam thuộc hàng "top" 10 trên thế giới, dù về kinh tế, chúng ta chưa vươn tới được hàng 100.

Với giá nhà, đất mua bán và cho thuê như hiện nay ở các đô thị trung tâm, những người được gọi là thuộc "tầng lớp trung lưu" phải tiêu phí hầu hết tiền mình kiếm được để thuê nhà. Còn mua nhà và xây nhà thì có lẽ thuộc về nhóm người "thượng lưu" hoặc một số ít ai đó "may mắn".

Họ hầu như không còn tích lũy để chăm sóc cho con cái một mức sống và một môi trường giáo dục tốt, cũng không còn tích lũy để tái đầu tư cho bản thân về mặt giáo dục và văn hóa. Nhu cầu "học tập suốt đời" là nhu cầu có tính khách quan của của tầng lớp này, nhưng không có cơ sở vật chất để thực hiện.

Xây dựng chiến lược đường sắt bằng các think tank(s)?

Nguồn tài chính của quốc gia, mỗi khi đầu tư, cần phải được xem là một cơ hội để phát triển năng lực của người Việt Nam.





Việt Nam nên xây dựng một tuyến đường mẫu, mời gọi nhiều nước phát triển cùng cạnh tranh, bắt buộc họ phải để cho lực lượng quản lý và kỹ thuật của ta cùng tham gia để học hỏi.

Tuy nhiên, đường sắt cao tốc không phải là khẩu súng kíp thời Cao Thắng để có thể chỉ cần nhìn rồi bắt chước mà làm được. Phải có một lực lượng kỹ thuật đủ khả năng lĩnh hội, đủ khả năng nghiên cứu để dân tộc có thể thông qua họ mà tự lực tự cường.

Việt Nam cần xây dựng các think tank(s) trong lĩnh vực công nghệ đường sắt, tích cực giao lưu với giới kỹ thuật trong ngành ở các nước phát triển, nghiên cứu học hỏi kỹ thuật cũ, phát kiến, cải tiến kỹ thuật mới, tiến tới tự mình xây dựng hệ thống đường sắt nội bộ vùng cho các vùng kinh tế trọng điểm.

Từ đó việc xây dựng tuyến đường kết nối các các vùng kinh tế địa phương này để tạo ra mạng lưới đường sắt quốc gia, chỉ còn là việc ngày một ngày hai.

Dĩ nhiên, đó không phải là mục đích cuối cùng của các tài năng trẻ ở nước Việt. Mà họ phải đi đến chỗ sáng tạo để cống hiến được kỹ thuật mới, chuyển giao nó cho thế giới. Đó là con đường duy nhất để kiến thiết danh dự cho dân tộc mình trước nhân loại. Họ cần ôm ấp và hiện thực hóa những giá trị tinh thần mới để để làm được điều đó.

Dĩ nhiên, trong một think tank về công nghệ đường sắt, nếu chỉ có các chuyên gia kỹ thuật là không đủ. Điểm yếu rõ nhất của chiến lược xây dựng hệ thống Shinkansen Nhật Bản mà chính phủ vừa trình Quốc hội là tách tư duy về giao thông khỏi tư duy có tính kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục, làm như thể những lĩnh vực ấy không liên quan gì với nhau trong thực tế. Chính phủ cần (ít nhất) một think tank trong đó các chuyên gia kỹ thuật là nòng cốt, được sự hỗ trợ của các chuyên gia xã hội học đô thị, kinh tế, kể cả quốc phòng an ninh, để hoạch định chích sách trước khi trình Quốc hội.

Các kế hoạch trình Quốc hội nhất thiết phải có báo cáo phân tích chiến lược kèm theo.

Và, tư duy chiến lược ngày nay phải vượt lên tư duy phân tích, đạt đến tư duy phức hợp, nhìn đất nước này như một cơ thể, chỉ cần một tế bào phát triển bất thường thì dẫu chưa thành ung thư vẫn có thể khiến toàn thân rệu rã, không nhìn đất nước như một cỗ máy mà tư duy cơ giới chia tách ra thành từng phần rời rạc.

Con đường nào để đi đến hiện đại?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng nói ông muốn làm ngay "đường sắt cao tốc" vì muốn "đi ngay vào hiện đại" [3].

Nhưng, không có đường tắt để "đi ngay vào hiện đại".


"Đi tắt đón đầu" thì bài học "đại nhảy vọt" của Trung Hoa hiện đại vẫn chưa đủ sao? Con đường đi đến hiện đại là con đường rải đầy chất xám, đầy mồ hôi và nước mắt của các dân tộc đã đến đích. Đó là con đường của vinh quang và cay đắng, không phải là con đường dành cho những dân tộc lười biếng trong hành động và dễ dãi trong tư duy.

Con đường hiện đại hóa không phải là con đường bằng phẳng. Chỉ có những dân tộc nào dám can đảm bước đôi chân trần lên những nẻo đường đầy chông gai của nó, vượt qua những sa mạc khổng lồ mà nó đi qua, leo những đỉnh núi "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" thì mới đủ tư cách trở thành một dân tộc hiện đại mà thôi.



Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong hồi ký "The Singapore story - from third world to first", đã kể rằng, khi đi thăm Mỹ năm 1966, ngay lúc Singapore mới bị bắt buộc phải tách khỏi Malaysia với vô vàn khó khăn, ông đã tuyên bố với các nhân vật quan trọng nhất của nước Mỹ rằng:

"Tôi đến đây không phải để cầm cái bát ăn xin"

Lý Quang Diệu dẫn dắt dân tộc Singapore "đi vào hiện đại" bằng tinh thần ấy, để rồi đến lúc về già, ông có thể kể cho hậu thế về "câu chuyện Singapore", câu chuyện của một đất nước "đi từ thế giới hạng ba đến thế giới hạng nhất" chỉ trong một thế hệ, câu chuyện khiến không ít người Việt phải thao thức vì được khai sáng một điều căn bản: "Trí tuệ lớn không thể sinh ra nếu thiếu lòng tự trọng. Và, con đường của những người hành khất không bao giờ là con đường thay đổi số phận".

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong bối cảnh đang cần kích cầu như hôm nay, nếu chúng ta vay tiền là Nhật cho ngay thôi. Họ đang cần kích cầu cho những gã Sumo đang sắp ngã lăn quay của họ.

Hàng năm, ngành xây dựng Nhật báo cáo kinh doanh vào cuối tháng 5 đầu tháng 6. Mới đây, theo một bài báo tiếng Nhật của tờ Mainichi, hiện nay, Nhật có 4 đại gia ngành xây dựng là Kajima, Obayashi, Shimizu và Taisei, trong đó 3 đại gia đầu lỗ nặng, đang trong tình trạng "báo động đỏ", chỉ có Taisei có lãi nhưng triển vọng cũng mờ mịt.[4]

Vay ODA của Nhật để xây Shinkanshen thì phải để cho công ty Nhật thầu mọi thứ. Việt Nam sẽ "tình nghĩa" bằng cách đi vay tiền của Nhật để kích cầu cho các công ty sắp phá sản của họ chăng?

Ông Nguyễn Bình Giang, TGĐ của cái gọi là Công ty Cổ phần Phát triển Kinh tế Tri thức, cho rằng cần phải có những dự án siêu lớn để bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế, bất chấp hậu quả nhưng có thể tạo ra..."hiệu quả kinh tế xã hội rộng khắp"(?)[5]. Ý nghĩ này của ông cũng giống sự ngông cuồng của một vị tướng đẩy cả đội quân của mình vào chiến trường khi mà chưa chuẩn bị xong lương thực, nước uống, thuốc men, súng đạn... cho binh sĩ, đến cả con đường vận chuyển những thứ ấy cũng chưa có. Ông tướng này không rơi đầu ngoài trận mới là lạ.

Các anh doanh nhân và kỹ sư trẻ của chúng ta, nếu may mắn, có thể được các anh doanh nhân và kỹ sư trẻ của Nhật thuê làm cửu vạn khuân vác gạch, đá, xi măng, sắt thép...để xây tàu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng đó cũng là một "hiệu quả kinh tế xã hội rộng khắp" để an ủi vậy.


Nguồn: vietnamnet.vn
 
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Vụ này mà triển khai thì không biết có bao nhiêu bác Huỳnh Ngọc Sỹ nữa nhỉ.
 

Dai Minh Kim

New Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Hằng hà sa số Huỳng Ngọc Sĩ, đếm không xuể và cũng chả CÓ THỂ THỐNG KÊ được :(
 

hdbladies

Banned
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Hãy suy nghĩ theo hướng tích cực cho dù nó đang đi theo hướng tiêu cực !
 

Thichxem

New Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Có Bác chủ (tg) mơ thì có, nó có thật rồi, cứ đợi đi, khi ta già cũng phải làm một vé Bác Nam xem thế nào chứ!!!
 

kieucdtin2k52

Active Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Có Bác chủ (tg) mơ thì có, nó có thật rồi, cứ đợi đi, khi ta già cũng phải làm một vé Bác Nam xem thế nào chứ!!!
Thế thì em tình nguyện đi cái khác.
Nói chung mình nghèo cơ sở hạ tầng của mình lại kém không thể đi tới chuyện tàu cao tốc được. Vì cứ vài tháng vài năm lại bật đường lên làm lại nhổ cột lên đóng lại thì... ặc ặc... làm được đường sắt cao tốc hả.
 

vozhanoi

New Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

WB mới có bài này giống như "cái tát" vào những bác ủng hộ vụ làm đường sắt cao tốc:

'Việt Nam đừng trèo quá cao kẻo ngã đau vì đường sắt cao tốc'

Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẽ không tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và cảnh báo Việt Nam có rất nhiều thứ sẽ cần phải cân nhắc để tránh cho các thế hệ tiếp theo một gánh nợ khổng lồ.
> Đường sắt cao tốc dưới góc nhìn quản lý doanh nghiệp

Trong số những yếu tố cần cân nhắc trước khi quyết định dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD, chuyên gia kinh tế trưởng Martin Rama của WB khuyên Việt Nam nên chú ý đến 3 điểm chính, đó là GDP trong những năm tới là bao nhiêu, chính sách cho vay của nhà tài trợ ra sao, dài hạn hay ngắn hạn và cuối cùng là yếu tố về dòng tiền tệ sẽ như thế nào.

"Việt Nam đừng trèo quá cao kẻo ngã đau. Có rất nhiều thứ sẽ cần phải cân nhắc để tránh cho các thế hệ tiếp theo một gánh nợ khổng lồ", ông phát biểu trong cuộc họp báo chiều 3/6 trước thềm Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sắp tổ chức tại Kiên Giang vào ngày 9 và 10/6 tới.

Điều khó khăn là khi Việt Nam tiến lên thành một nước có thu nhập trung bình, nguồn ODA và các chính sách ưu đãi lãi suất cho vay sẽ không còn được như trước nữa. Bên cạnh đó, để làm được những siêu dự án lớn, Việt Nam cần phải có một tư duy cũng thật lớn, ông Martin Rama khẳng định.

M%20Rama.JPG


Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong buổi họp báo chiều 3/6. Ảnh: T.B.

Ông Martin Rama nêu một ví dụ về Hàn Quốc. Hàn Quốc có rất nhiều Chaebol, tức là các tập đoàn có quy mô siêu lớn. Việt Nam chưa có tập đoàn nào được gọi là một Chaebol của đất nước và nếu muốn noi gương Hàn Quốc, sự nỗ lực sẽ vô cùng lớn, và hơn thế, cần phải có tư duy xứng tầm.

Những siêu dự án như thế này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng, tránh tình trạng leo quá cao và hậu quả là ngã cũng đau, ông Martin Rama cảnh báo.

Khi được đề nghị đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án này, ông Martin Rama cho biết rất khó có thể tính toán được. "Hãy nhớ lại một ví dụ khác là dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trước khi dự án đi vào thực thi, đã có nhiều ý kiến không đồng tình về địa điểm đặt nhà máy, rằng sẽ không có lợi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay kể cả khi nhà máy đã đi vào hoạt động, người ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác về hiệu quả kinh tế của nó", ông phát biểu.

Trong khi đó, đại diện từ Ngân hàng Thế giới nhận xét cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn rất nhiều thứ cần phải cải thiện. "Ngay cả tại các khu đô thị lớn, điều kiện đường xá vẫn còn rất khó khăn. Thách thức về cơ sở hạ tầng hiển hiện khắp nơi, hàng ngày. Người dân cứ ra đường là gặp ngay ổ gà, ổ voi khấp khểnh. Không chỉ riêng ở các thành phố lớn mà đường xá nối từ địa phương này đến địa phương khác cũng trong tình trạng thấp", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận xét trong buổi họp báo diễn ra chiều nay ở Hà Nội.

Bên cạnh đường xá, cơ sở hạ tầng về điện năng cũng còn nhiều việc phải bàn. Dù đã cải thiện hơn nhưng cho đến nay, tình trạng thiếu điện tiếp tục là một thách thức đối với từng gia đình, từng hộ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp phải sử dụng máy nổ hay điều chỉnh lịch làm việc theo giờ cắt điện, khiến chi phí sản xuất tăng lên. "Nếu Việt Nam muốn tăng sức cạnh tranh, thì cơ sở hạ tầng phải được ưu tiên hàng đầu", bà Victoria Kawka khẳng định.

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM đã được Chính phủ trình lên Quốc hội từ tháng 4 và đến tháng 5, dự án này trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng tại Quốc hội cũng như trong dư luận. Theo dự tính ban đầu, tuyến đường sắt có chiều dài 1.570 km, với tổng vốn lên tới gần 56 tỷ USD.

Nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng Việt Nam sẽ càng nặng gánh nợ, vốn đã vượt 42% GDP khi các nhà thiết kế dự án định đi vay để làm đường sắt cao tốc. Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á nhiều khả năng sẽ nằm trong số những nhà cung cấp vốn cho dự án này.

Thanh Bình

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/06/3BA1C953/
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Muốn ghi tên vào danh sách 20 nước có đồ chơi cao cấp "đường sắt cao tốc" thì phải chịu chi chứ. Dân chơi đâu sợ mưa rơi. Lương tháng 5triệu cũng ráng làm cái iPhone cho bằng thiên hạ.

Thay vì làm đường sắt cao tốc, sao không dùng tiền đó cải thiện giao thông nội đô và các khu kinh tế trọng điểm nhỉ?
 

earl_grey

Well-Known Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Thật ra thì các "ông" thích thì các "ông" cứ làm, chứ ý kiến của dân thì cũng chỉ là ý kiến của dân, trước tới nay có thấy làm cái gì theo dân ý đâu?!

Em cảm thấy "người ta" có vẻ muốn VN phải có một cái gì đó mang tầm cỡ thế giới. Cái đó là tốt, song còn nhiều cái phải chi tiền để làm tốt trước đã, trước khi có những cái "nhất thế giới" kia - chẳng hạn lấy tiền đấy ra mà đền bù giải phóng mặt bằng cho nhanh, để còn làm đường mới cho chiều chiều em không phải bò ngoài đường về nhà. (Mà thật ra VN có con đường đắt nhất thế giới tính theo trung bình độ dài rồi mà - gần ngay nhà em nữa nhé! :-X )

Kiểu như cái tòa nhà Keangnam, có chục tòa như vậy thì VN vẫn cứ là một nước nghèo gần nhất thế giới!

Tự dưng nghĩ tới Đồng chí Triều Tiên anh hùng, cũng muốn có một công trình to tát, xây cả cái toà nhà hơn 100 tầng mà 20 năm không xây xong.
 

vozhanoi

New Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Dạo này cứ mở báo mạng ra là thấy các bác QH nhà ta bàn toàn vấn đề siêu khủng "hoảng" ;;)
 

viethung888

Well-Known Member
Ðề: Đường sắt cao tốc - giấc mơ giữa đêm hè bị cúp điện

Các bác ko biết muốn có tiền thì phải làm dự án. Dự án càng to càng kiếm đc nhiều tiền. Còn việc có làm đc hay ko là 1 vấn đề khác.
 
Bên trên