Facebook Gaming sẽ là ông vua mới của ngành công nghiệp livestream?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các nền tảng phát trực tuyến dành cho các game thủ vốn đã được ưa chuộng và có tiếng nói riêng trong nhiều năm gần đây và càng bùng nổ hơn trong đại dịch COVID-19. Không có gì thú vị và an toàn hơn việc ngồi nhà và kết nối với cộng đồng những người cùng đam mê chơi game như bạn. Có những người xem việc chơi game và livestream là niềm vui nhưng có những người thực sự đã khởi nghiệp việc phát game trực tuyến từ chính... phòng ngủ của họ, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một cách để giết chết những khoảng thời gian nhàm chán và thêm được thu nhập trang trải cho cuộc sống của chính bạn.

Thời kỳ hoàng kim của Twitch có lẽ đã qua.

hd.jpg

Chính điều này dẫn đến sự phát triển của các nền tảng livestream, chúng được các game thủ xem như cứu cánh, một sự hỗ trợ đắc lực cho con đường sự nghiệp của mình. Twitch - một trong nền tảng phát trực tuyến lớn nhất thế giới đang hái ra tiền bởi lượng người xem đăng ký theo dõi các streamer cũng như người tạo kênh phát riêng của họ đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Twitch cũng đang bị dính vào nhiều vấn đề, các cáo buộc đến từ người dùng, chẳng hạn như sự thiếu kiểm duyệt hay những cuộc tấn công nhắm vào các streamer, hay việc hạn chế các công cụ hỗ trợ cho việc phát trực tuyến.

Hiện trạng này bắt buộc các công ty bên thứ ba phải vào cuộc nhằm đưa ra những giải pháp cho những vấn đề mà Twitch không cam kết giải quyết. Điển hình là cuộc tẩy chay của cộng động người dùng mang tên "A Day Away From Twitch”, họ đang tìm những phương án thay thế khác cho việc phát trực tuyến nhằm xây dựng cộng đồng cũng như cách tương tác mới với người hâm mộ.

Facebook Gaming đi chậm mà chắc
Nền tảng phát game trực tuyến riêng của Facebook có tên Facebook Gaming đã xuất hiện từ năm 2018, tuy nhiên gần đây nó đã có sự gia tăng đáng kể về về cả lượng người xem và số giờ phát trực tuyến do đại dịch, bên cạnh đó là lượng người dùng chuyển từ Twitch sang. Việc Facebook Gaming có sự phát triển cả về quy mô cũng như phạm vi, chắc chắn không phải bàn cãi, nhưng nhiều người vẫn còn nghi hoặc về việc nó có thể có vị trí riêng trong ngành công nghiệp Livestream vốn đã có những tên tuổi "vững như bàn thạch" là Twitch và YouTube Gaming hay không? Câu trả lời được khẳng định là Có.

Những con số biết nói
851968_70849780592176_295644073820160

Nhà sản xuất phần mềm bên thứ ba Streamlabs và công ty phân tích dữ liệu Stream Hatchet đã kết hợp cùng đưa ra một báo cáo chi tiết về lượng người xem cũng như dữ liệu phát trực tuyến từ cả 3 nền tảng Twitch, YouTube Gaming và Facebook Gaming trong quý 3 năm 2021. Báo cáo cho thấy: tổng lượng số giờ đã xem trên Facebook Gaming cao hơn tổng số giờ đã xem trên YouTube Gaming (1,29 tỷ giờ so với 1,13 tỷ giờ). Những con số này chưa kể đến lượng người xem các video khác không phải từ livestream.

Twitch vẫn giữ vị trí quán quân với tổng số 5,79 tỷ giờ xem trong quý 3 nhưng đáng chú ý là nó giảm so với 6,51 tỷ giờ xem trong quý 2. Facebook Gaming là nền tảng duy nhất trong số ba nền tảng tăng tổng số giờ đã xem trong quý 3. Những con số đáng kinh ngạc này cũng cho thấy xu hướng phát trực tuyến đang có bước phát triển như vũ bão trong giai đoạn này.

Cũng trong quý 3 năm 2021, những người sáng tạo nội dung đã đã phát 17,1 triệu giờ nội dung trên Facebook Gaming, trong khi đó YouTube Gaming chỉ có 8,4 triệu giờ được phát. Con số này với trên Twitch là 222,9 triệu giờ, nhưng Streamlabs và Stream Hatchet cũng cho biết số giờ phát trực tuyến trên Twitch trong quý 3 đã giảm theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong lịch sử của nền tảng này.

Theo những con số này, Facebook Gaming có 13,8% thị phần phát trực tuyến về số giờ xem và 6,9% thị phần về số giờ phát trực tuyến. Tỷ lệ này mặc dù còn khiêm tốn so với Twitch nhưng xu hướng phát triển của nó mới là điều quan trọng, Facebook Gaming vượt qua YouTube Gaming cả về số giờ đã xem và số giờ phát trực tuyến, còn Twitch lại ghi nhận sự suy giảm trong một số lĩnh vực.

Facebook Gaming - sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nền tảng livestream

Amanda Jefson, giám đốc sản phẩm của Facebook Gaming đã nói họ đang “chứng kiến sự tăng trưởng bền vững về số lượng kênh”. Hiện tại nó chưa thể bắt kịp Twitch nhưng Facebook Gaming đang có chiến lược đường dài, hỗ trợ cho cả người phát và người xem trong tương lai.

Bên cạnh đó Facebook Gaming cũng có rất nhiều tính năng hấp dẫn, vừa nâng cao chất lượng phát sóng cho người xem vừa giúp người phát kiếm tiền thuận lợi. Chỉ vừa mới tháng trước Facebook Gaming đã công bố tính năng đồng phát trực tuyến, cho phép nhiều người livestream cùng nhau và người xem được quyền chọn luồng phát họ muốn xem. Twitch có một tính năng tương tự nhưng chỉ dành cho những người đã có lượng người theo dõi lớn và có hợp đồng cá nhân với công ty mới có thể sử dụng.

Facebook Gaming cũng đã giới thiệu đến người dùng khả năng kết hợp nhạc nền trong các luồng phát và người dùng không phải lo lắng về vấn đề bản quyền, trong khi đó người dùng Twitch lại thường xuyên phàn nàn về nó.

Facebook Gaming cũng đang mở rộng cam kết về sự đa dạng của những người sáng tạo nội dung qua chương trình Black Gaming Creator Program (chương trình sáng tạo game dành cho người da màu), đây là một bước nỗ lực đáng được ghi nhận nhằm tạo ra một thế hệ những người sáng tạo mới. Facebook Gaming luôn hoạt động với tôn chỉ “một không gian chào đón nơi mọi người có thể chơi, xem hoặc kết nối với các trò chơi yêu thích của họ".

Ngoài ra, một hoạt động đáng chú ý khác của Facebook Gaming chính là việc tổ chức các hội thoại về sức khỏe tinh thần để cho phép người sáng tạo nội dung tiếp cận với các nhà tư vấn và nhà trị liệu phù hợp, nhận được những hỗ trợ từ các nguồn lực khi cần thiết. Những sự kiện chăm sóc sức khỏe với sự tham gia của cộng đồng các thành viên đã giúp họ giải tỏa được những áp lực công việc, giúp họ biết cách chăm sóc tâm lý cho chính mình nếu có định hướng đi theo nghiệp livestream lâu dài.

Ngoài ra còn một vấn đề đáng được đề cập nữa là các vụ "Hate raids" (tấn công thù địch) trong đó, Twitch bị người dùng phản ánh rất nhiều, những kẻ gửi thư rác và người dùng có mục đích xấu đã tạo ra rất nhiều tài khoản, thế nên cho dù họ bị cấm ở tài khoản này vẫn có thể quay lại ở một tài khoản khác, đó là những người dùng thường để trạng thái ẩn danh. Đối với Facebook Gaming, điều này không tồn tại vì thông tin của họ trùng khớp với thông tin đăng nhập của Facebook, cho nên những kẻ gửi spam và quấy rối streamer khó có thể tấn công được.

Rõ ràng những thay đổi này sẽ làm tăng số lượng người xem cũng như người phát nội dung, đồng thời cũng là nguồn thu của Facebook. Facebook Gaming đã cam kết cung cấp cho những người phát trực tuyến 100% doanh thu từ các đăng ký, rất hấp dẫn đối với cả người xem và người sáng tạo. Những thông báo này từ Facebook xuất hiện một cách khá trùng hợp sau khi những làn sóng tẩy chay trên Twitch diễn ra và cả sự biến mất của những "gã khổng lồ" trong lĩnh vực Livestream khác.

Một nền tảng hướng đến cộng đồng

655360_70849780592177_295648368787456

Facebook Gaming đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền tảng cung cấp mọi thứ mà những người sáng tạo đang cần: chơi game, tương tác với cộng đồng và xây dựng một lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Các streamer trên Facebook Gaming có thể tương tác trực tiếp với những người theo dõi của họ và đăng lại nội dung trên Fan Groups thay vì phải trò chuyện trên máy chủ Discord hay các trang truyền thông khác.

Reynolds cho biết: “Tôi yêu thích Facebook Gaming bới vì các nội dung truyền thông xã hội đều gắn trên trang cá nhân của mọi người, tôi nghĩ điều này cuối cùng cho phép những người sử dụng nó kết nối với khán giả của họ một cách có ý nghĩa hơn".

Facebook Gaming hiện được sử dụng khá phổ biến ở các quốc gia ngoài Mỹ, bao gồm Thái Lan, Brazil, Indonesia và Mexico. Ở Ấn Độ có khoảng 207 triệu người dùng (tương đương khoảng 15% dân số nước này) đã xem “video chơi trò chơi trực tiếp trên Facebook” trong quý 3 năm 2021. Trong khi ở Mỹ, Facebook chỉ đơn giản là một trong nhiều mạng xã hội được sử dụng. Facebook Gaming đã dựa vào sự kết nối đến một mạng xã hội nổi tiếng để làm động lực phát triển cho nền tảng của mình.

Do vậy, những người sử dụng Facebook Gaming có thể dễ dàng livestream từ nhiều thiết bị, vì thế mà số lượng game di động trên nền tảng của Facebook nói chung cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh Twitch và YouTube Gaming.

Facebook Gaming có phải là giải pháp thay thế khả thi cho Twitch và YouTube Gaming không?
655360_70849780592178_295652663754752

Đứng về phía người dùng và khách quan mà nói, điều này là hoàn toàn có thể. Nếu bạn đã mệt mỏi với những hạn chế hay sự thiếu kiểm duyệt trên Twitch, đặt áp lực lên vai những người sáng tạo, bạn sẽ không băn khoăn khi chuyển sang Facebook Gaming - nền tảng có những cam kết bảo vệ quyền lợi người dùng rõ ràng. Ngoài ra, bên phía Facebook cũng có những kế hoạch thanh toán minh bạch hơn, những tính năng hấp dẫn khác ưu việt hơn cho thấy Facebook Gaming có thể làm tốt hơn Twitch và YouTube Gaming. Facebook Gaming là môi trường rất lý tưởng để bạn livestream các tựa game di động sử dụng song ngữ và hướng đến nhiều khán giả nước ngoài.

Chúng ta vẫn chưa khẳng định được liệu lĩnh vực phát trực tuyến nói chung có thể lấy lại được "phong độ" của mình ở thời kỳ đỉnh cao trong đại dịch Covid-19 hay không. Sáng tạo nội dung hiện nay đã trở thành một công việc đúng nghĩa, và sự cạnh tranh cũng được tăng lên. Liệu rằng các công ty như Facebook Gaming có thể làm đúng cam kết của họ về tài chính hay những quyền lợi khác dành cho streamer, chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Theo VN review​
 
Bên trên