Ghostwriter của Roman Polanski: Hương vị một thời.

bacsinam

New Member
affiche-the-ghost-writer.jpg


Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta lại gặp nhau bàn về phim ảnh. Tuần này công việc của tôi khá bận rộn nên ngày nào về đến nhà thì cũng vừa tối, may mắn là mùa xuân đã đến, trời mát mẻ dễ chịu. Mùa xuân là mùa hồi sinh của các rạp ciné, dân chúng không ngồi co rúm ở nhà vì sợ lạnh nữa, họ lại kéo đến xếp hàngmua vé xem phim.

Ở Paris có một khu phố nhỏ cạnh trường y khoa rất nổi tiếng, gọi là khu Quartier Latin, ở đó có những rạp ciné nhỏ cổ xưa, tôi muốn kể hơi dông dài về những rạp ciné này trước khi vào chủ đề chính, các bạn sẽ hiểu khi đọc hết bài. Tại những rạp ciné nhỏ này vẫn còn phảng phất hơi thở của những bộ phim vang bóngmột thời. Bạn có thể sống cảm giác của thời xa xưa khi xem lại những phim kinh điển, như trinh thám hay gián điệp thời Hichtcock, những phim cao bồi hay ngồi nghe giai điệu lãng mạn trong Breakfast at Tiffany. Lưu ý đó là những bản phim nhựa thực sự, chứ không phải bản video.

DSCN1809.JPG


Lâu lâu, họ lại tổ chức những tuần lễ phim, vinh danh các đạo diễn tên tuổi lừng danh như David Lynch, Hitchcock, Polanski. Phải, Polanski, đại diện cuối cùng của dòng phim trinh thám cổ điển. Nhắc đến Polanski, chắc không còn từ ngữ nào để khen ngợi, khi nhìn tượng đài xây bằng những hòn đá tảng như China town, Rosemary baby, Repulsion, Tenant, Frantic hay Ninth gate… và tuần này Polanski trở lại với một phim trinh thám gián điệp: ghostWriter. Tôi hồi hộp đếm từng phút để được đi xem phim này.

Vừa tắm xong, tôi mở máy tính để đặt vé cho xuất chiếu đêm, đã có lần tôi đến rạp trước 15 phút mà vé đã bán hết, nên bây giờ tôi luôn đặt vé trước, chỉ nhập mấy con số mà đã cầm chắc 1 chỗ trong tay vẫn tốt hơn. Tiếp theo là thay áo, ghé Mc Donald mua 1 cái Maxi Bestoff rồi gật gù chờ tàu đến rạp. Leo lên, lấy vé rồi chạy vào phòng chiếu.
Khán phòng đã đầy phân nửa, chọn 1 chỗ thích hợp rồi bắt đầu gặm bánh khi trên màn ảnh đã bắt đầu chiếu quảng cáo. Khác với bên nhà, rạp ở Paris không có khái niệm số ghế, ai đến sớm thì xí chỗ tốt, mà ta hay gọi là ghế vip, dù giá vé nhiều loại khác nhau. Lỗ cho những ai đến chậm, có khi phải ngồi ngay hang ghế đầu.

Bây giờ kể sơ về chuyện phim, không spoil đâu nha, chỉ gợi tò mò thôi. Như những phim khác của Polanski, chuyện luôn bắt đầu rất bình thường và đơn giản nhưng đằng sau có những bí mật. Thủ tướng Anh Adam Lang (Pierce Brosnan đóng) muốn viết cuốn hồi kí về cuộc đời mình, dĩ nhiên là thuê một nhà văn chuyên nghiệp viết, anh nhà văn này chết một cách đáng ngờ sau 1 tuần làm việc, xác nổi lềnh bềnh trên bờ biển còn chiếc xe lại nằm trên chuyến phà. Ngắt, chuyển qua nhân vật chính, một nhà văn khác (Ewan McGregor) được mời thay thế, anh này đến sống, làm việc chung với gia đình thủ tướng trong một căn nhà biệt lập hẻo lánh vùng duyên hải Hoa kỳ. Trong quá trình làm việc, anh ta tìm thấy những tài liệu do đồng nghiệp đi trước để lại; gợi ý về một bí mật đen tối trong quá khứ của ông thủ tướng; trong khi thủ tướng đang bị lao đao trong một vụ scandal chính trị. Khán giả sẽ theo dõi diễn tiến tâm lý của anh nhà văn, cho đến khi anh ta khám phá rằng bản thảo của cuốn hồi ký là chià khóa bí mật, khi anh ta biết quá nhiều và cảm thấy bị đe dọa.

Suốt 2 giờ ngồi xem, tôi có cảm giác như sống lại những năm tháng xa xưa, nếm 1 món ăn quen thuộc, do đầu bếp rành nghề Roman Polanski, chế biến theo đúng phong cách của ông ta, và ông ta lại là kẻ kế thừa sự nghiệp của Hitchcock.
Những bí mật chính trị, tình tiết hồi hộp, diễn biến tâm lý nhân vật được trình bày rất kinh điển, chậm rãi, trong giai điệu buồn da diết như bao phim Noir khác và một gamme màu u tối.

Điều duy nhất cho ta biết đây là một phim làm năm 2010 là những chiếc xe hơi BMW đời mới nhất, máy tính laptop và mobile phone, nhưng cách xử lí câu chuyện, những tình huống và nhân vật hoàn toàn cổ điển.

Diễn xuất có lẽ là điểm yếu kém duy nhất trong phim, tôi không hài lòng với cách diễn của dàn diễn viên, có lẽ âm nhạc, kịch bản và nhiều thứ khác đã giúp ta có cái nhìn tích cực về chất lượng nghệ thuật, nhưng hình như hình ảnh của các nhân vật không để lại ấn tượng nào. Theo tôi, nhân vật ông thủ tướng rất phức tạp và đòi hỏi phải diễn sâu sắc hơn, tuy nhiên anh chàng cựu James Bond diễn như đùa, khá mờ nhạt. McGregor diễn anh nhà văn khá hơn, nhưng thiếu nhiệt tình, chất “năng động” thường thấy ở các nhân vật trinh thám.

Có lẽ chúng ta đã rất xa cái thời có thể ngồi nghiền ngẫm hằng giờ để xem ánh mắt, cử động của nhân vật trong căn phòng, nghe một cuộc đàm thoại thay vì phóng xe chay như điên hay nhảy tưng tưng trên mái nhà, đó là sự khác nhau của phim trinh thám, gián điệp xưa, những năm 70, những phim của Nicholson, M. Caine với những phim thời nay.

Khi xem phim Ghost Writer, khán giả sẽ cảm nhận lại hương vị y như những phim kinh điển như vertigo, Frenzy, Conversation… Không phải ai cũng thích thú với nhịp điệu phim “cháy chậm” này, nhất là khan giả trẻ, tôi nhìn thấy trong phòng chiếu 1 cô gái ngủ gục trên vai người yêu và có tiếng ngáy khò khò rất to gây chú ý ở một góc phòng, hình như bảo vệ phải đến đánh thức ông này dậy.

Phim kết thúc với những cảnh quay hết sức tuyệt vời, nhất là hình ảnh những trang giấy bị gió lùa bay tung trên con đường trong một buổi chiều u tối, là dấu ấn đọng lại của bộ phim. Có thể nhiều năm sau này người ta sẽ còn nhắc đến hình ảnh này như một dấu ấn kinh điển của điện ảnh.

Năm nay Polanski đã già, có thể đây là phim trinh thám cuối cùng của ông ta, không biết sau này người ta có còn làm những phim kiểu cổ điển nữa không khi mà tuổi trẻ thời nay bị cuốn theo trào lưu mới, theo kiểu Ridley Scott, Spielberg… và sau polanski có lẽ không còn ai có đủ tài năng tái hiện sự giao thời của dòng phim cổ điển và hiện đại nữa. Dĩ nhiên người ta sẽ vẫn xem phim như nhu cầu cần ăn uống, cho gì thì họ ăn nấy, và người ta luôn thích thú trước một món ăn mới, nhưng có những món ăn dù rất xưa nhưng vẫn còn thơm ngon và độc đáo.


Trailler:
http://www.youtube.com/watch?v=L_AerBW0EcI
 
Bên trên