Giai Thoại Về Thơ Khai Bút

conghieu1978

Moderator
Bảng Sơn
Theo tập quán của các dân tộc Á Đông cùng chung cái tết Nguyên Đán, hầu hết cùng chung một quan niệm là “Vạn sự khởi ư Xuân” (Muôn việc khởi đầu tự mùa Xuân).

Mỗi khi gặp tiết Xuân sang, vì muốn chiêm nghiệm điềm hay điềm dở của những mùa hạ, mùa thu, mùa đông sắp tới nó sẽ ra sao? Nhà nông thì chọn giờ động thổ vác cuốc ra đồng cuốc một vài lát lấy lệ; người làm thợ thì mài sẵn cưa, đục, làm thử một vật gì chẳng hạn; nhà thương mại thì chọn ngày giờ tốt để mở cửa hàng và hẹn người tốt vía đến thăm xông.

Riêng có nhà nho thì lại sinh ra lắm chuyện hơn cả, nghĩa là ngoài cái thông lệ viết câu đối đỏ dán ngay lên cột, lại còn có cả Ca Trù, hoặc thơ Tự Thọ, Tự Trào để trào phúng mình, hoặc mượn câu văn trào phúng thiên hạ như bài “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” mà cái văn tự ấy ông sợ người đời không thưởng thức nổi nên mới quay lại để hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay? Chua chát hơn nữa là những bài thơ nghe nó chúc nhau, chúc nhau bán chức mua quan thì ông quyết định đi buôn lộng, vừa bán, vừa la cũng đắt hàng. Chúc nhau sinh năm đẻ bảy thì ông lại bảo: phố phường chật hẹp, bồng trống nhau lên nó ở non.

Nói tóm lại, hễ ai nhắc đến lối thơ trào phúng cũng đều đặt ông Tú Xương đứng lên hàng đầu, trên cả Ba Giai, Tú Xuất. Bởi vì văn thơ của ông, bất luận một tác phẩm nào đó cũng chứa đựng một mầu mai mỉa trào phúng, chứ chẳng riêng gì thơ xuân, nên mới giữ được lá cờ vô địch của Tao Đàn trào phúng mà tự bấy đến nay, hơn nửa thế kỷ, cũng chưa có ai tranh giành được vậy.

Nhưng nói riêng về giai thoại của những vần thơ khai bút, cũng thuộc loại thơ trào phúng, trào phúng một cách thanh tao, vui vẻ, hợp với khí hậu êm dịu của mùa xuân, thì trong thời ấy lại cũng có một cụ đồ mà cụ Tú Xương thường phải thán phục là bậc thi huynh (tức là đàn anh về thơ). Cái đàn anh đây không phải vì tuổi, vì cụ đồ lớn hơn cụ Tú mười mấy tuổi đầu, mà nó chỉ vì cái mối “thanh khí tương tầm”, vì hai bên cùng sở trường và sở thích về lối thơ trào phúng mà trước kia đã cùng lao đao về nghiệp lều chõng. Cái lao đao ấy đâu phải là học đã toi cơm nhưng chửa chín, mà nó chỉ tại ở cái giọng văn trào phúng, trào phúng chẳng biết nể một ai. Đối với lối văn trường ốc mà cả hai ông chẳng chịu thay đổi thì chỉ có hỏng đầu nước, nên vẫn luôn cười gượng ngâm câu “Thi không ăn ớt thế mà cay”. Vì cái cay ấy, mà nó đưa hai ông đến chỗ “vong niên chi hữu” (người bạn quên kể tuổi).

Hơn nữa, trong thời gian ấy, học vấn cũng đã bắt đầu canh tân, thế mà hai ông vẫn cứ thủ cựu: Chữ tây không biết, quốc ngữ cũng cho là chữ dây muống, học để làm chi? Dẫu có nghe lỏm thuộc lòng mấy tiếng “cúng-hỉ” “mét-xì” thử hỏi xuất dương sao được? Bởi thế hai ông càng cay, càng cay thì lại càng đi sâu vào lối thơ trào phúng.

Nhưng lối thơ trào phúng của hai ông nó lại có điểm khác nhau đặc biệt. Hoặc giả nó vì hoàn cảnh gia đình của hai nhà thơ nó chẳng giống nhau. Bởi vì gia đình cụ Tú thì bà Tú quanh năm buôn bán ở mom sông, còn 5 cậu bé nhỏ tuổi, chẳng biết làm thơ, thành ra ông bị cô lập. Cô lập nên ông thường đem câu thơ chua chát để mai mỉa đời.

Còn Cụ đồ Tiếu họ Đàm, vừa kể trên đây, thì ta “cố danh tự nghĩa” (Nhìn vào danh là biết nghĩa) biết cụ có tánh vui vẻ chừng nào? Nhất là cụ lại có riêng một cái diễm phúc của gia đình. Gia đình gồm có 3 mạng, cụ với bà lớn, bà bé, mà cả ba cũng đều làm một giọng thơ, giọng thơ trào phúng, trào phúng thanh tao mà thấm thía, nhưng không trào phúng người đời. Lúc thì ông đem thân thế của ông ra để tự trào, rồi bà lớn lại họa theo vần để bỡn cợt ông và nói một cách xa xôi nhẹ nhàng đến cả bà bé. Bà bé cũng đáng là tay địch thủ, cũng lại họa vần để chế biếm ông và cũng đem câu bóng bảy để đùa bà lớn quanh năm ngày tháng, lấy thế làm vui, thực là một đại gia đình của thơ trào phúng vậy.

Thế rồi, một năm nhân gặp ngày tết Nguyên Đán, nhà thơ vốn dĩ thanh bạch, những món vật chất: bánh chưng, giò chả, dẫu chẳng đầy đủ như ai, nhà thì lại hiếm trẻ con, cũng không tốn tiền để mua tranh pháo. May sao, hai bà lại có hoa tay, khéo nghề thêu dệt, nên cũng dành dụm được số tiền nhỏ, sắm sửa một mâm đạm bạc để cúng gia tiên.

Còn ông thì cũng mua bút mực mới để viết bài thơ Khai Bút vào mảnh hoa tiên, đợi khi cúng xong, ngả cỗ xuống rồi thì mới ngâm nga trong khi chén thù, chén tạc để khỏi phụ cảnh tân Xuân.

Thơ rằng:
Năm mươi tư tuổi tưởng mình già?
Đời vẫn khen mình trẻ tựa hoa.
Hội mở văn minh đầu đã hói.
Chữ nhìn quốc ngữ mắt hơi nhòa.
Ngứa nghề thỉnh thoảng vài câu thổng.
Ngọt giọng ngâm nga mấy chén khà.
Nghĩ cái mình ta ghê gớm lạ!
Buổi đời tranh cạnh thế mà ta…

Bài thơ trên đây ông đã dùng thể tự thọ tự trào, đem mình ra làm cái bung xung để cho hai bà châm chích, nên khi đọc xong câu thứ 6 rồi thì ông dừng lại, đỡ lấy chén rượu bà bé vừa rót thêm đầy, uống một hơi cạn, rồi mới ngâm tiếp hai câu cuối cùng, là câu cực kỳ ngạo nghễ.

Bà lớn thấy ông ngâm xong rồi lại mỉm cười, đưa mắt nhìn hai chị em, hình như có vẻ thách họa? Thì cũng mỉm cười đáp lại ngâm luôn bài họa như sau:

Họa (bà lớn)
Chưa già, ông cứ tảng ông già?
Còn kém tôi đây một tuổi hoa.
Nói chuyện mua hầu, tai vẫn thính,
Khuyên đi bảo trẻ, mắt kêu nhòa?
Văn chương giá đáng ba đồng kẽm,
Danh lợi coi như một tiếng khà!
Chuốc chén mừng câu “xuân bất lão”,
Có chăng, dì nó khéo hơn ta…

Bà lớn khi ngâm bài này thì cũng lại làm theo thái độ của ông, cũng ngâm xong câu thứ 6 thì ngừng hẳn lại một lát, rồi mới đưa mắt nhìn ông để ngâm lên câu thứ 7, và nhìn sang phía bà bé để ngâm lên câu thứ tám rồi mới vỗ tay cả cười!!!

Về phần ông đồ, đã có mục đích làm bia đỡ đạn, chẳng nói làm chi, riêng phần bà bé trong khi bất ý chẳng ngờ, bị ngay một đòn cân não, giá vào tay khác thì đã đỏ mặt tía tai nhưng cô vẫn giữ trọn vẻ ôn hòa để xin đáp lại mối thịnh tình cùa bà lớn đã chiếu cố.

Họa rằng:
Vui thú non quê chẳng biết già.
Mùi đời ông cứ thoảng như hoa.
Ngâm câu kinh sử dương đầu hói?
Hỏi chữ a, b, tảng mắt nhòa?
Rượu bữa nay còn, ừ chén đã,
Gạo ngày mai hết, chỉ cười khà!
Cách ông như thế ông còn thọ.
Khôn khéo phần ai chửa đến ta???

Đọc 3 bài thơ khai bút của gia đình ông đồ Tiếu trên đây, chắc hẳn các bạn cũng đồng ý với tôi là bài của cô bé quả thực tài tình. Nhất là câu thứ 5, 6: Rượu bữa nay còn, ừ chén đã, gạo ngày mai hết, chỉ cười khà! Cái cười khà ấy chẳng những chỉ riêng một ông đồ Tiếu, mà đến trăm ngàn ông dài lưng tốn vải khác, đã chẳng có tài làm nên công chuyện lại hay ngâm hão với cười trừ.

Đặc biệt là câu thứ 8, cô ta đã trả lời bà lớn một cách êm đềm. Cô nói chén rượu tôi vừa chúc thọ cũng theo lễ tương kính như tân để giúp thêm phần hào hứng, đâu dám tranh khéo hơn ai, mà chị lại chẳng thông cảm?

Coi đó ta thấy cái gia đình thơ này quả là kỳ phùng địch thủ, và cũng chưa từng thấy có gia đình nào lại có một cái thanh phúc như vậy.

Thế rồi, ngay đêm xuân ấy, vào quãng canh 3, tiếng pháo mừng Xuân đã ngớt, bốn bên im lặng như tờ, biết đâu trong gia đình ấy lại còn có cuộc xướng họa cực kỳ thú vị mà ai nghe thấy ắt cũng vỡ bụng vì cười!

Nguyên vì gia cảnh ông đồ chỉ có 3 gian nhà lá. Gian giữa bà lớn đóng dinh, gian bên tả thì ông đặt làm phòng sách, gian bên hữu là phòng của bà bé nghỉ ngơi, nhưng canh đã khuya bà vẫn còn ngồi khâu vá, chẳng biết vô tình hay là hữu ý, bà đã buột miệng ngâm câu:

Bây giờ sông lặng nước yên
Sào kia nhớ bến chống thuyền lại chơi…

Giữa lúc ấy thì phòng bên tả ông cũng còn thức, nghe lọt câu trên, vội vàng ngó vào gian giữa, nghe tiếng bà lớn vẫn ngáy khò khò, ông mới khẽ khẽ họa vần đọc tiếp:

Sào thì nhớ bến ai ơi?
Cách đồn quan phủ không xuôi được đò…

Chẳng ngờ ông vừa ngâm xong, thì ở gian giữa nghe có tiếng cười khúc khích, nghĩa là bà lớn vẫn thức, rồi ngâm tiếp vận như sau:

Sông kia ai cấm, ai do?
Có xuôi thì nộp thuế đò mà xuôi…

Thế là vỡ chuyện, nhưng ông vẫn biết bà lớn đâu phải là người có tánh Hoạn Thư chẳng qua muốn mượn việc đó làm cái đề tài đặng cho tứ thơ phong phú. Nên ông cũng lại nối vần:

Chẳng buôn chẳng bán thì thôi!
Nộp quan hết vốn còn xuôi nỗi gì???

Ông vừa ngâm xong câu đó, bà lớn vỗ tay cả cười, lập tức đốt đèn mời ông ra ngay gian giữa và sang phòng bên kéo cô hai vào, rồi đem mâm rượu còn sót lúc ban ngày ra, 3 người cùng nhau thù tạc và cùng xướng họa làm vui, cho mãi đến khi sáng bạch thì cũng vừa lúc có một nhà nho tay cầm chiếc ô, chân dận đôi giày Gia Định đẩy cửa bước vào???

(Trích: Phong tục tết Việt Nam)
 
Bên trên