Giới trẻ tỉnh lẻ Trung Quốc chê nhà máy, tìm đến internet để kiếm sống

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trong bối cảnh đội ngũ công nhân nhà máy từng một thời là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn tuổi, và con cái của họ dần chuyển từ những lĩnh vực truyền thống sang ngành công nghiệp Internet đang bùng nổ, các nhà kinh tế học và các cơ quan hoạch định chính sách đã phải tìm mọi cách đối phó với sự thay đổi này nhằm duy trì vị thế ngành sản xuất như một động cơ chính thúc đẩy sự tăng trưởng của cả quốc gia.

hd.jpg


Giải pháp của họ - cả tự động hoá lẫn giáo dục hướng nghiệp - sẽ tái định hình thế hệ trẻ tương lai của Trung Quốc cũng như đường hướng hoạt động của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Cuộc sống trực tuyến của giới trẻ tỉnh lẻ
18 tháng trước, Chen Mengdi vừa phải học trực tuyến, vừa chật vật với bài luận tốt nghiệp của mình tại nhà, giống như hàng chục triệu sinh viên đại học trên toàn Trung Quốc đang mắc kẹt nơi quê nhà vì đại dịch. Trong những năm tháng đại học, cậu sinh viên chuyên ngành quản lý bảo mật thông tin đã dành phần lớn thời gian ngoài giờ học trong căn phòng ký túc, chơi Liên Minh Huyền Thoại, một trong những tựa game máy tính phổ biến nhất thế giới.

Chàng trai 22 tuổi sành sỏi trò chơi này đến mức quyết định sẽ dựa vào nó để kiếm sống sau khi tốt nghiệp. Thay vì tranh thủ cơ hội nền kinh tế bị ảnh hưởng do virus corona và rời khỏi quê nhà để tìm kiếm việc làm, Chen trở thành một “gia sư game” toàn thời gian, kiếm tiền bằng cách chơi Liên minh Huyền thoại với những người lạ trên Internet.

Làm việc trung bình 10 giờ mỗi ngày, Chen thường thức giấc lúc 2 giờ chiều và ngồi trước máy tính cho đến 3 giờ sáng. Chen cho biết cậu có thể kiếm được đến 10.000 Tệ mỗi tháng (khoảng hơn 35 triệu VNĐ). Quê nhà của Chen, thành phố cấp 4 Đạt Châu ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, mức lương trung bình hàng tháng của người dân chỉ là 5.672 Tệ (khoảng 20 triệu VNĐ) mà thôi!

Giống như Chen, đại đa số những “công nhân thời vụ trong thế giới số” mới nổi kia đều là “giới trẻ tỉnh lẻ”, một từ của người Trung Quốc dùng để chỉ nhóm người tiêu dùng tiềm năng tại các thị trường là các thành phố và thị trấn nhỏ. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc, People’s Daily, định nghĩa “giới trẻ tỉnh lẻ” là “những người sinh sau năm 1980 ở các thành phố cấp 3 và 4, vùng ngoại ô, và vùng sâu vùng xa, được giáo dục tốt và có công việc ổn định”, đồng thời gọi họ là “động cơ mới” của thị trường tiêu dùng nội địa.

Dù những người được giáo dục và có công việc ổn định với gốc gác từ những thị trấn nhỏ thường tự nhận là “giới trẻ tỉnh lẻ”, một báo cáo của Đại học Tsinghua cho thấy, tính đến tháng 10/2020, chỉ 7,95% dân số trong độ tuổi lao động tại các vùng quê Trung Quốc có bằng đại học, trong khi tỉ lệ trung bình toàn quốc là 13,9%. Với trình độ học vấn thấp hơn và kinh nghiệm làm việc ít hơn, nhóm người này dường như đã được truyền thông chính thống tung hô quá đà.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế nền tảng của Trung Quốc, trong đó những cơ cấu công nghệ phát triển bởi các công ty Internet góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp, đã sản sinh ra gần 200 triệu nhân viên giao hàng, tài xế xe công nghệ, livestreamer, và nhiều thể loại “công nhân thời vụ trong thế giới số” khác tham gia vào các “công việc linh hoạt” trên toàn quốc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ một thế lực sản xuất hàng đầu thế giới sang một nền kinh tế dịch vụ trên nền Internet.

Sự nghiệp game của Chen cũng lệ thuộc vào những nền tảng này. Cậu và những thanh niên tỉnh lẻ đồng trang lứa chiếm đến 80% nguồn nhân lực mới được tạo ra bởi nền kinh tế số - theo một khảo sát được thực hiện hồi tháng 5 bởi Học viện Lao động và An ninh Xã hội Trung Quốc.

Chen cho biết hầu hết các khách hàng của cậu, người mà cậu gọi là “ông chủ”, biết đến cậu thông qua các tổ chức “gia sư game”. Những tổ chức này luôn sở hữu một website hay một ứng dụng có chức năng kết nối các game thủ có đam mê đạt được thứ hạng cao hơn, trải nghiệm game tốt hơn, hoặc cả hai, đến các bạn cùng chơi bán chuyên nghiệp, rồi thu phí hoa hồng đối với các thoả thuận đó.

Vào năm 2018, Bixin, một trong những ứng dụng “gia sư game” lớn nhất của Trung Quốc, được cho là có thu nhập gộp hàng tháng lên đến 31 triệu USD và đã thu hút được hàng chục triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, dẫn đầu bởi công ty đầu tư IDG Capital. Theo Bixin, trong nửa đầu năm 2020, hơn 950.000 người đã gia nhập nền tảng này để làm “gia sư game”, 48% trong số đó có quê nhà là các thành phố cấp 3 và 4.

Dòng tiền lớn đổ vào linh vực internet của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho giới trẻ, những người không có nền tảng giáo dục vững chắc, kiếm được một thu nhập cao hơn so với những gì họ có thể trong các lĩnh vực truyền thống.

Không có tấm bằng đại học, Chen cho biết anh không thể tìm được bất kỳ công việc nào khác được trả lương cao trên thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. “Sau khi biết cách kiếm được một khoản tiền lớn, bạn vẫn nghĩ rằng tôi vẫn muốn có một công việc công ty an toàn, lương 3.000 Tệ sao?” - cậu nói thêm.

Những cân nhắc về tài chính tương tự cũng là động lực khiến Wang Gang, 26 tuổi, trở thành một livestreamer toàn thời gian trên ứng dụng Douyin (TikTok của Trung Quốc). Bỏ học từ năm 14 tuổi, Wang đi theo băng đảng ở thị trấn Lai’an phía đông tỉnh An Huy trong nhiều năm trời. Năm 2018, Wang bị bắt vì cho vay nặng lãi và điều hành một cơ sở đánh bạc. Ra tù hồi tháng 5 vừa qua, Wang cho biết anh hiện đang gánh một khoản nợ lên đến 800.000 Tệ.

Nếu tôi làm công nhân trong dây chuyền lắp ráp ở nhà máy, tôi sẽ kiếm được 3.000 - 4.000 Tệ/tháng, chắc chắn là không đủ cho tôi” - Wang nói. “Là một người sống dưới đáy xã hội mà không có bất kỳ kỹ năng gì trừ một lịch sử phạm tội, Douyin hiển nhiên là nền tảng phù hợp hơn để tôi kiếm tiền thay vì các nhà máy

Kể từ khi lập tài khoản Douyin vào ngày 13/8, Wang đã thực hiện 4 buổi livestream, mỗi buổi kéo dài đến gần 3 tiếng và nhận được hơn 10.000 Tệ tiền tips cùng nhiều quà tặng ảo khác từ người xem.

Tháng 9 năm ngoái, Douyin cho biết đã tạo 36 triệu công việc trong lĩnh vực video và livestream trong nước trong suốt một năm trời bắt đầu từ tháng 8/2019. Nền tảng video ngắn này còn tuyên bố trong quãng thời gian đó, khoảng 20,97 triệu livestreamer đã kiếm được thu nhập từ quà tặng của người hâm mộ, các hợp đồng quảng cáo và bán sản phẩm, cùng nhiều nguồn khác. Gần một nửa trong số những cá nhân này chưa đầy 30 tuổi.

Đứa con hoang tàn từ bỏ nhà máy nơi cha cậu kiếm tiền nuôi sống cả gia đình
Từ trước đến nay, những người ít học và kỹ năng kém sinh ra tại vùng tỉnh lẻ đã là một nguồn nhân lực dồi dào cho lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Họ rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm ở những thành phố tăng trưởng thần tốc như Thâm Quyến và Quảng Châu, và hầu hết trong số họ cuối cùng đều trở thành công nhân các dây chuyền lắp ráp sản phẩm.

Khi mà các nền tảng Internet bắt đầu mang đến những lựa chọn khác, thị trường lao động Trung Quốc cũng thay đổi theo. Xu hướng lực lượng công nhân trẻ tuổi từ bỏ các lĩnh vực lao động truyền thống và tìm đến nền kinh tế số năng động hơn đã thu hút sự chú ý của truyền thông nhà nước, với những tiêu đề trên trang nhất như “Thiếu hụt lao động! Tại sao giới trẻ từ chối nhà máy?” (Trang Xindua Daily), “Công nhân sản xuất đâu cả rồi?” (Trang People’s Daily), và “Làm sao để thu hút công nhân đến nhà máy?” (Trang Xinhua News Agency).

Hồi tháng 4, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin rằng những gã khổng lồ giao thức ăn nội địa là Meituan và Ele.me, sở hữu bởi Alibaba, đã thu hút được hơn 580.000 người tham gia với vai trò nhân viên giao hàng trong quãng thời gian nhiều tháng trời cả đất nước bị phong toả vì đại dịch hồi đầu năm ngoái. Khoảng 40% trong số họ trước đây từng làm trong lĩnh vực sản xuất.

Hơn hai thập kỷ trước, làm việc tại một thành phố công nghiệp vùng duyên hải là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều người trẻ chưa có công ăn việc làm, đặc biệt là những người đến từ miền quê” - đài truyền hình trung ương nói. “Ngày nay, một thế hệ công nhân nhập cư mới đã lựa chọn hướng đi nghề nghiệp khác biệt so với cha mẹ họ

Cha mẹ của Chen đã chuyển từ Đạt Châu đến thành phố Ningde ở phía đông nam của tỉnh Phúc Kiến từ những năm 1990, nơi họ làm công nhân xây dựng và nuôi nấng đứa con của mình. Internet đã mang lại cho Chen một công việc lương cao hơn và ít nặng nhọc hơn. Nhưng đôi lúc, chàng trai trẻ vẫn lo lắng rằng một ngày nào đó, cậu sẽ phải quay trở lại nơi cha mẹ từng chôn chân. “Có một câu nói mà những ‘gia sư game’ chúng tôi thường trêu chọc nhau” - Chen nói. “Đó là, ‘cậu chơi quá tệ đến nỗi nên đi làm nhà máy càng sớm càng tốt’”.

Làm việc tại nhà máy: lối thoát cuối cùng
Sự tránh né những công việc nhà máy cho thấy cách nhìn nhận của công chúng lẫn thực tại khách quan. Zheng Hua tốt nghiệp một trường hướng nghiệp ở thành phố cấp 4 Rizhao. Cô cho biết rất ít bạn cùng lớp chọn đi làm ở các nhà máy sau khi rời trường, “trừ khi anh ta hoặc cô ta cần tiền đến cùng cực và không có kỹ năng nào khác

Lý do hiển nhiên nhất của sự miễn cưỡng này là điều kiện làm việc tồi tệ thường thấy trong các “công xưởng bốc lột”, vốn chiếm một phần khá lớn trong số các nhà máy tại Trung Quốc. Trang CNBC từng đưa tin rằng môi trường trong những nhà máy kia, với giờ làm việc dài đằng đẵng cùng khu vực sinh hoạt nghèo nàn, chẳng khác gì một “cơn ác mộng”.

Jenny Wu từng làm bộ phận tuyển dụng tại một nhà máy lắp ráp xe hơi ở Qingdao, tỉnh Sơn Đông. Cô kể rằng nhà máy nơi mình làm là nhà sản xuất nằm trong top 100 công ty hàng đầu thế giới, do đó có điều kiện làm việc cũng như lợi ích dành cho nhân viên tốt hơn những nơi khác. “Một số người tìm đến nhà máy của chúng tôi bởi môi trường làm việc trước đó của họ quá khắc nghiệt, đầy bụi bặm, khí độc hại, và nhiều thứ khác. Chúng đều gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể con người

Với một số công nhân, các yếu tố văn hoá và xã hội đóng một vai trò quan trọng. Dong là quản lý một nhà máy cao su ở thị xã Ju, tỉnh Sơn Đông. Hầu hết công nhân trong nhà máy của cô có tuổi đời từ 30 - 50, và Dong không đồng ý rằng cải thiện môi trường làm việc có thể giúp thu hút thêm nhiều người trẻ đến nhà máy. “Đó không phải lý do… Người trẻ ngày nay không thích làm ở dây chuyền lắp ráp. Nó chán quá. Họ thích những thứ mới mẻ như livestream thương mại điện tử. Điều đó thú vị hơn và họ biết cách làm nó

“Mianzi” - một khái niệm văn hoá xã hội cốt lõi của Trung Quốc, mà dịch ra có nghĩa là “đứng đắn” hay “có uy tín” - cũng là một yếu tố quan trọng trong những trường hợp đó. Cụ thể, tầm quan trọng của mianzi được phản ánh qua khả năng gây ảnh hưởng lên lựa chọn của ai đó về những đối tác tương lai.

Lũ nhóc địa phương thà làm nhân viên bán hàng dù lương thấp hơn nhiều chứ không muốn làm trong nhà máy như chúng tôi… bởi công việc của họ nghe có vẻ tốt hơn! Không ai muốn cưới một công nhân nhà máy cả” - Dong nói.

Khi được hỏi tại sao nhiều người trẻ xem công việc nhà máy là giải pháp cuối cùng, cậu thanh niên Zheng Hua từng tốt nghiệp một trường hướng nghiệp nói rằng một công việc tốt sẽ giúp mọi người, đặc biệt là những phụ nữ trẻ, tìm thấy bạn đời lý tưởng. “Khi bạn trẻ và xinh đẹp, bạn muốn làm việc trong một nơi sạch sẽ và gọn gàng. Ai mà biết được, có thể bạn sẽ gặp chồng tương lai tại đó đó

Dù những lý do nói trên có thể là yếu tố quan trọng khiến công nhân từ bỏ nhà máy, có một nguyên nhân sâu xa hơn xuất phát từ sự lệ thuộc bấy lâu nay của cả ngành công nghiệp với nguồn nhân lược kỹ năng kém và giá rẻ.

Hướng đến mô hình Đức
Đúng là có tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, nhưng nhu cầu cấp bách tập trung vào những kỹ thuật viên có kỹ năng chứ không phải công nhân bình thường trong các dây chuyền lắp ráp” - theo Wang Zhiyong, một giáo sư từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích.

Nhận định này trùng khớp với quan sát dưới góc độ chủ nhà máy của Dong. Cô cho biết hiện nay, các nhà máy không phù hợp với người trẻ trên thị trường lao động. Những người trẻ có học vấn thấp và kỹ năng yếu kém không muốn làm việc trong các dây chuyền sản xuất bởi nó nhàm chán và mệt mỏi, nhưng các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy vừa và nhỏ ở những vùng hẻo lánh như thị xã Ju, vẫn chưa chuyển đổi từ mô hình lao động thuần tuý sang tự động hoá quy mô lớn.

Một khi nâng cấp lên hệ thống máy móc tự động, bạn chỉ cần một người giám sát nhiều máy một lúc. Và những người trẻ tuổi thích điều đó bởi nay họ là những kỹ thuật viên chứ không phải công nhân - nghe có vẻ hấp dẫn hơn!” - Dong nói, ám chỉ một hệ thống máy cắt lazer tự động mà nhà máy của cô vừa mua hồi tháng 3, có khả năng thay thế từ 5 - 10 công nhân. “Tự động hoá là cách duy nhất để các nhà máy có thể sinh tồn

Ở cấp nhà nước, việc kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ Trung Quốc một lần nữa tập trung vào ngành sản xuất là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyết tâm của quốc gia này nhằm duy trì cấu trúc kinh tế với nền tảng công nghiệp. Bản phác thảo được công bố hồi tháng 4 đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ ngành sản xuất trong GDP cả nước nhằm “duy trì ổn định cơ bản” là khoảng 25%, trong khi kế hoạch 5 năm lần thứ 13 trước đây có mục tiêu kinh tế chính là tăng tỉ lệ lĩnh vực dịch vụ.

Nhà chiến lược lão làng Chen Li của Soochow Securities nói rằng việc tập trung vào ngành sản xuất cho thấy Trung Quốc đang dần rời khỏi “mô hình Mỹ” vốn tập trung vào dịch vụ để thay bằng “mô hình Đức”, trong đó ngành sản xuất chiếm gần 18% tổng sản lượng kinh tế quốc gia. Giả thuyết “Học hỏi nước Đức” gần đây đã nhận được sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc, và nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ đối với điều mà họ nhận thấy là con đường phát triển giúp “tự cường dân tộc”.

Động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm mở sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút được nguồn vốn lớn hơn, cũng khiến người ta nghĩ đến đường lối mà nước Đức từng áp dụng, trong đó các công ty cỡ trung - còn gọi là Mittelstand ở Đức - chiếm tỉ lệ lớn nhất trong nền kinh tế nước này.

Dẫu vậy, trong một bài viết có tiêu đề là “Mượn mô hình Đức? Trung Quốc sẽ đi trên con đường của riêng minh”, tờ Global Times đã nói rằng người Trung Quốc đều biết rõ những điểm yếu của “mô hình Đức”, đặc biệt là sự thiếu hụt những công nghệ tiên tiến, và xét về mặt này thì Trung Quốc đã vượt xa Đức. Bài viết kết luận rằng Trung Quốc sẽ học những điểm mạnh của các nền kinh tế Đức và Mỹ, và rồi “phải kiên định với con đường Trung Quốc”.

Thúc đẩy giáo dục hướng nghiệp
Sự hỗ trợ của chính quyền đối với giáo dục hướng nghiệp trong những năm trở lại đây là bằng chứng cho thấy tầm nhìn nói trên đang được triển khai trong thực tế như thế nào. Một nghiên cứu tiến hành bởi Minhua Ling từ Đại học Trung Quốc ở Hồng Công phát hiện ra rằng kể từ năm 2008, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm hướng con cái của các công nhân nhập cư vào các trường hướng nghiệp. Ví dụ, những chính sách như vậy bao gồm hỗ trợ tài chính, hạn chế cho các sinh viên nhập cư đăng ký vào những ngành học nhất định, và chỉ cho họ vào học các ngành chuyên về sản xuất như cơ khí và sửa chữa xe hơi mà thôi.

Vào năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc đặt mục tiêu các trường trung học và hướng nghiệp của nước này phải đạt được tỉ lệ đăng ký đều nhau vào năm 2020. Có nghĩa là, khoảng một nửa số học sinh tốt nghiệp trung học sẽ phải vào các trường hướng nghiệp để được đào tạo làm công nhân, trái ngược với việc tiếp tục con đường học vấn của họ tại đại học. Đây là hệ quả của một chuỗi sự kiện mà hầu hết mọi gia đình Trung Quốc đều phản ứng, xét những khó khăn và định kiến xã hội mà một người sẽ phải đối mặt khi trở thành công nhân nhà máy. Lệnh cấm dạy phụ đạo của chính quyền Trung Quốc càng làm gia tăng mối quan ngại của các bậc phụ huynh và sinh viên về cơ hội vào đại học sắp sửa tan thành mây khói của họ, cũng như nguy cơ cao phải trở lại các nhà máy.

Trên thực tế, những nỗi lo như vậy xuất phát từ việc các trường hướng nghiệp Trung Quốc không trang bị được cho sinh viên của họ đủ kỹ năng có thể giúp bản thân họ chiếm lợi thế trước các công nhân bình thường khác trong các nhà máy. Trong nhiều trường hợp, sinh viên tốt nghiệp các trường hướng nghiệp nhận ra rằng họ phải làm những công việc đơn giản mà một người bỏ trường trung học có thể làm được chỉ cần vài giờ tập luyện. Uy tín của các trường hướng nghiệp tại Trung Quốc suy giảm đến mức vào tháng 6, quyết định của chính quyền Nam Kinh nhằm sáp nhập một trường đại học ở địa phương với một trường hướng nghiệp khác đã làm dấy lên một cuộc biểu tình quy mô lớn hiếm có với thành phần là các sinh viên không muốn tấm bằng của họ bị xem rẻ.

Zhao Yi từng học tại một trường hướng nghiệp ở Vũ Hán. Anh nhớ lại quá trình đó và nói rằng những gì bản thân lẫn bạn bè nhận được không khác lắm so với một trường đại học thông thường. “Chúng tôi được đào tạo để trở thành nhân viên văn phòng ở thành thị… Bạn không cần đào tạo hướng nghiệp mới làm việc được ở các dây chuyền lắp ráp”.

Nhưng tại Trung Quốc, một tấm bằng trường hướng nghiệp không khiến bạn trở thành nhân viên văn phòng được. “Các trường hướng nghiệp đã trở thành những tổ chức trung gian cung cấp cho các nhà máy đội ngũ lao động trẻ , khoẻ, và dễ đào tạo” - theo Pun Ngai, một giáo sư tại Đại học Hồng Công. “Chính phủ đầu tư quá nhiều tiền vào hệ thống giáo dục hướng nghiệp cấp hai mỗi năm, nhưng những gì chúng mang lại cho xã hội là những công nhân không có bất kỳ kỹ năng thực sự nào

Năm 2019, Trung Quốc giới thiệu chính sách cải cách để đưa hệ thống giáo dục hướng nghiệp vốn đang chệch hướng trở về đúng quỹ đạo của nó, và trong số nhiều giải pháp khác có việc khuyến khích hợp tác giữa các trường hướng nghiệp và các doanh nghiệp địa phương để cải thiện kỹ năng thực tế cho sinh viên. Cũng trong năm đó, thủ tướng Li Keqiang hứa hẹn đầu tư 100 tỷ Tệ nhằm đào tạo 15 triệu công nhân. Năm 2020 và 2021, các trường hướng nghiệp Trung Quốc đã mở rộng quy mô chiêu sinh lên 1 triệu sinh viên mỗi năm.

Mặc cho nhiều nỗ lực của nhà nước nhằm tạo ra “một tương lai tươi sáng cho ngành công nghiệp sản xuất” - theo tờ People’s Daily. Đối với những thanh niên tỉnh lẻ muốn trốn làm việc tại các nhà máy và kiếm sống nhờ internet, sự bất an thể hiện một cách rõ ràng, và họ có lý do chính đáng cho điều đó.

Zheng Hua, từng tốt nghiệp trường hướng nghiệp, cảm thấy may mắn khi cô đã có được một công việc ổn định là nhân viên bán hàng, so với một trong những người bạn đang “kiếm được hàng triệu” trên Douyin. “Cô ấy thực sự ganh tị với tôi, bạn biết đấy. Đúng là cô ấy kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng có thể mất công việc lúc nào không hay

655360_70849780543462_81832011890688

Trước những đợt triệt phá ngành công nghiệp internet trong nước của chính phủ Trung Quốc, ngày đó có lẽ không thể tránh khỏi. Trong vài tháng qua, chính quyền đã đóng cửa gã khổng lồ đi nhờ xe Didi, ban hành những hạn chế nghiêm khắc bậc nhất thế giới đối với các tựa game trực tuyến, và thắt chặt kiểm định nội dung trên các nền tảng video ngắn như Douyin và Kuaishou. Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, tuyên bố hồi tháng 6 rằng đã chặn 198.432 tài khoản vi phạm chính sách, trong khi đối thủ Kuaishow thì cho ngừng hoạt động 290.000 tài khoản trong tháng 7, bao gồm nhiều người có tầm ảnh hưởng và các tài khoản thương mại điện tử.

Chúng ta muốn có những chiếc xe bay, nhưng thay vào đó lại nhận được những trạng thái 140 ký tự” - theo nhà đầu tư Peter Thiel vào năm 2014 khi bình luận đầy khó chịu về những cải tiến công nghệ phát triển bởi những gã khổng lồ như Facebook và Twitter. Chính phủ Trung Quốc cũng vậy, họ muốn một thứ gì đó thực chất hơn.

Đối với cá nhân, làm việc dưới vai trò livestreamer, người giao hàng, hay “gia sư game” có thể mang lại cho họ những khoản tiền mà các nhà máy không thể, nhưng họ lại có được một số kỹ năng giúp họ thành công ở những nơi khác. “Đôi lúc tôi tự hỏi liệu đây có phải là một thế hệ thất bại bởi nền kinh tế nền tảng hay không” - nhà quan sát thị trường Trung Quốc Ida bình luận.

Hiển nhiên, các công ty internet Trung Quốc sẽ tiếp tục mang lại việc làm cho những người từ chối làm trong nhà máy và không còn nơi nào để dung thân, nhưng không khó để thấy họ sẽ sớm gặp khó khăn khi đối mặt với những chính sách của nhà nước sau đợt thanh trừng vài tháng trước. Sự suy giảm của nền kinh tế nền tảng tại Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi khi mà chính phủ nước này đang đẩy mạnh nền kinh tế dựa vào sản xuất.

Giới trẻ tỉnh lẻ Trung Quốc có thể đã thoát được số phận làm công nhân của thế hệ đi trước, nhưng con cái họ có thể sẽ không thể tiếp nối sự nghiệp trên internet nữa, và nhiều khả năng họ sẽ một lần nữa trở lại các nhà máy mà trong tương lai sẽ tiến hoá thành một hình thức hoàn toàn mới, chứ không còn là những nơi vắt kiệt sức lực con người như ngày nay nữa”.

Theo VN review​
 
Bên trên