Google âm thầm phát triển CPU laptop của riêng mình

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Google đang phát triển những CPU “cây nhà lá vườn” cho tablet và notebook của mình. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các công ty công nghệ lớn coi việc tự phát triển chip riêng chính là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh của họ.

hd.jpg

Theo thông tin từ Nikkei Asia, gã khổng lồ tìm kiếm đến từ Mỹ này đã lên kế hoạch sử dụng CPU của riêng mình cho những chiếc laptop cũng như tablet chạy hệ điều hành ChomeOS từ năm 2023.

Google cũng đang tập trung tăng cường nỗ lực phát triển các bộ xử lý di động nhà trồng cho những chiếc smartphone Pixel cùng nhiều thiết bị khác của mình. Google gần đây đã liên tiếng xác nhận công ty sẽ sử dụng các chip xử lý tự phát triển trong dòng smartphone Pixel 6 sắp tới của hãng.

Sự tập trung ngày càng tăng của Google đối với việc phát triển chip riêng diễn ra trong bối cảnh các đối thủ toàn cầu cũng theo đuổi chiến lược tương tự hòng tạo ra sự khác biệt cho những sản phẩm của họ. Amazon, Facebook, Microsoft, Tesla, Baidu và Alibaba Group Holding đều đang chạy đua trong cuộc chiến xây dựng chip bán dẫn riêng nhằm mang đến sức mạnh cho những dịch vụ đám mây cũng như sản phẩm điện tử mà họ đang cung cấp.

Google dường như đã lấy cảm hứng từ sự thành công của Apple trong việc phát triển các thành phần bán dẫn “cây nhà lá vườn” quan trọng cho iPhone. Thậm chí, năm ngoái, Táo khuyết đã thông báo rằng họ sẽ thay thế các CPU Intel bằng những bộ xử lý ARM Apple Silicon của riêng mình cho dòng máy tính Mac.

917504_70849780539725_68199785693184

Các CPU mới và bộ xử lý di động mà Google đang phát triển cũng sẽ được xây dựng dựa trên kiến trúc ARM, vốn đang được sử dụng rộng rãi trong vô số thiết bị di động trên toàn cầu, kể cả smartphone.

Google đặt rất nhiều kỳ vọng vào dòng sản phẩm Pixel 6. Công ty yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị thêm 50% năng lực sản xuất cho những thiết bị này so với mức trước đại dịch năm 2019. Theo công ty nghiên cứu IDC, Google đã xuất xưởng hơn 7 triệu điện thoại Pixel trong năm 2019, con số cao nhất từ trước đến nay, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 3,7 triệu thiết bị trong một năm sau đó do đại dịch COVID-19 tàn phá thế giới.

Trong các cuộc họp với một số nhà cung cấp gần đây, Google cho biết công ty nhận thấy tiềm năng về những cơ hội phát triển lớn trên thị trường toàn cầu bởi họ là nhà sản xuất smartphone Mỹ duy nhất sản xuất thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Android.

Liên quan đến việc phát triển chip, các chuyên gia cho rằng chiến lược của Google là một bước đi hợp lý nhưng không phải là không có thách thức.

Trao đổi với Nikkei Asia, Eric Tseng, nhà phân tích trưởng tại Isaiah Research, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng tất cả những gã khổng lồ công nghệ đang cuốn theo vòng xoay xây dựng những con chip tùy biến riêng, bởi bằng cách đó, họ có thể lập trình những tính năng vào bên trong các con chip, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của họ. Trong trường hợp đó, các công ty công nghệ này có thể dễ dàng điều chỉnh khối lượng công việc nghiên cứu và phát triển (R&D) mà không bị giới hạn bởi các nhà cung cấp và mang đến những dịch vụ hoặc công nghệ độc đáo. Lý tưởng hơn, việc sử dụng các con chip tự phát triển cũng đồng nghĩa rằng quá trình tích hợp phần mềm và phần cứng cũng phải tốt hơn."

Tuy nhiên, việc phát triển những con chip “cây nhà lá vườn” đòi hỏi sự đầu tư lớn cùng các cam kết dài hạn. Hơn nữa, tất cả những công ty công nghệ tự xây dựng những con chip riêng cũng cần phải tranh giành năng lực sản xuất với các nhà phát triển chip hàng đầu hiện tại như Intel, NVIDIA, AMD,…

786432_70849780539726_68204080660480


Peter Hanbury, một đối tác của công ty tư vấn Bain & Co., xác nhận với Nikkei Asia rằng chi phí thiết kế một con chip 5nm tiên tiến hiện nay rơi vào khoảng 500 triệu USD, cao hơn gấp 10 lần so với con số khoảng 50 triệu USD để xây dựng một con chip sử dụng các công nghệ sản xuất già cỗi hơn, chẳng hạn như 28nm. “Rất ít công ty có kỹ năng hoặc tài chính để tự thiết kế chip, thế nên, con đường này thường dành cho những công ty cực kỳ lớn, như các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hoặc những ứng dụng cần đến giá trị từ các con chip được thiết kế đặc biệt này."

Từ năm 2016, Google đã bắt đầu dự án chip riêng, có tên là TPU (đơn vị xử lý tensor), nhằm hỗ trợ khối lượng công việc cho khả năng tính toán trí tuệ nhận tạo trong những máy chủ đám mây trung tâm dữ liệu. Gã khổng lồ tìm kiếm đã công bố những TPU thế hệ thứ 4 vào hồi tháng 5. Công ty hiện đang tuyển dụng nhiều kỹ sư chip trên khắp thế giới, kể cả mọi nền kinh tế công nghệ chủ chốt như Israel, Ấn Độ và Đài Loan cũng như quê nhà Mỹ. Thậm chí, công ty cũng đã chiêu mộ nhiều nhân tài từ những công ty thiết kế chip lớn hiện tại như Intel, Qualcomm và MediaTek.

Google là một trong những nhà phát triển các hệ điều hành quan trọng nhất thế giới. Hầu hết các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo, đều sử dụng hệ điều hành Android cho những thiết bị cầm tay của họ. Google cũng đã cấp phép hệ điều hành ChromeOS của mình cho các OEM HP, Dell, Acer, AsusTek, Lenovo và Samsung nhằm phát triển những chiếc laptop Chromebook nhỏ nhẹ, chủ yếu hướng đến thị trường giáo dục.

720896_70849780539729_68216965562368

Google cũng đã từng trình làng Pixelbook và Pixel Slate, chiếc máy tính xách tay và tablet chạy ChromeOS, vào năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, số lượng xuất xưởng hàng năm của chúng chưa chạm đến mức nửa triệu thiết bị.

Trong khi đó, số lượng Chromebook xuất xưởng trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhờ sự bùng nổ đối với nhu cầu học tập và làm việc từ xa do đại địch. Số lượng xuất xưởng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2021, và đã chững lại từ tháng 7.

Google từ chối bình luận về những thông tin liên quan đến việc phát triển những con chip máy tính của riêng mình.

Theo VN review​
 
Bên trên