Hàng trăm triệu người cảm thấy tiêu cực khi dùng Facebook

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nhiều người dùng cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc hoặc các mối quan hệ ngoài đời khi dùng Facebook.



Những kết quả trong nghiên cứu của Facebook cho thấy tình trạng nghiện Internet của một số người dùng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới bị đánh giá tiêu cực hơn so với những nền tảng khác, sử dụng nhiều cách khác nhau để giữ chân người dùng.

Đội ngũ đảm bảo sức khỏe người dùng trên Facebook đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Một số đề xuất đã được áp dụng nhằm giảm lượng thông báo, cho phép bớt đi những yếu tố có thể "dụ" người dùng lướt app lâu hơn. Facebook đã giải tán đội ngũ này vào năm 2019.

360 triệu người cảm thấy tiêu cực khi dùng Facebook

Nghiên cứu về việc sử dụng Facebook có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày đã xuất hiện từ cách đây vài năm. Các nhà nghiên cứu xác định một số người dùng Facebook thiếu kiểm soát gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Đây không phải triệu chứng nghiện lâm sàng (như rượu, bia) bởi nó không ảnh hưởng đến não, tuy nhiên lại giống với nghiện mua sắm và quan hệ tình dục. Ảnh hưởng của chứng "nghiện" này bao gồm thường xuyên ngừng công việc để lướt Facebook, mất ngủ do thức khuya và ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoài đời.


Tài liệu nội bộ của Facebook cho thấy nhiều ảnh hưởng tiêu cực của người dùng trên nền tảng. Ảnh: WSJ.

"Trong một số trường hợp, phụ huynh tập trung vào Facebook nhiều hơn chăm sóc hay gần gũi với con cái", các nhà nghiên cứu cho biết.

Tháng 3/2020, vài tháng sau khi đội ngũ đảm bảo sức khỏe người dùng tại Facebook bị giải tán, các nhà nghiên cứu từng làm việc trong đội ngũ đã chia sẻ các slide nội bộ, kêu gọi các nhóm nghiên cứu khác tiếp tục công việc. Ước tính những vấn đề này ảnh hưởng đến khoảng 12,5% trong số hơn 2,9 tỷ (tương đương hơn 360 triệu) người dùng Facebook, trong đó khoảng 10% sống tại Mỹ, còn Philippines và Ấn Độ chiếm khoảng 25% trong danh sách.

Trong tài liệu, các nhà nghiên cứu ghi rằng hầu hết người dùng Facebook "một cách cưỡng bức" cũng sử dụng nhiều mạng xã hội như Instagram, WhatsApp, Twitter và Snapchat. Một số yếu tố gây khó chịu, ví dụ như cảm giác áp lực khi trả lời tin nhắn và thường xuyên kiểm tra nội dung mới, cũng phổ biến khi sử dụng smartphone nói chung.

Các nhà nghiên cứu cho biết cần thêm nhiều phân tích để xác định liệu Facebook có khiến người dùng khó ngủ, hay những người khó ngủ gặp căng thẳng và dùng Facebook để tìm sự phân tâm hay không. Đó là lý do họ kêu gọi những tổ chức tham gia nghiên cứu vấn đề này.

"Facebook chiếm lấy bộ não của tôi"

Brian Primack, Giáo sư Y tế và Sức khỏe Cộng đồng, Trưởng khoa Giáo dục Y tế Đại học Arkansas (Mỹ) cho biết nghiên cứu của Facebook tương đồng với phân tích từ các chuyên gia bên ngoài. Đội ngũ của ông đã theo dõi khoảng 1.000 người trong 6 tháng tại Mỹ, phát hiện số lượng mạng xã hội mà họ sử dụng là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi các dấu hiệu liên quan đến trầm cảm, tuy chưa có bằng chứng về quan hệ nhân quả trong nghiên cứu.

Cuối năm 2017, một lãnh đạo tại Facebook và nhà nghiên cứu đã đăng bài viết công khai, chia sẻ một số vấn đề của chứng nghiện mạng xã hội. Theo đó, sử dụng mạng xã hội thụ động có thể khiến người dùng cảm thấy căng thẳng, trong khi sử dụng chủ động tạo cảm giác tích cực.

"Tích cực tương tác với mọi người, đặc biệt là chia sẻ thông điệp, bài đăng và bình luận với bạn bè, có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe", Facebook cho biết. Từ đó, công ty chuyển sang ưu tiên nội dung "tương tác xã hội ý nghĩa" trong News Feed để giảm việc sử dụng thụ động.


Chiến lược gia truyền thông Laurin Manning Gandy từng "nghiện" Facebook, nhưng đã gỡ ứng dụng để thoát khỏi điều này. Ảnh: WSJ.

Tuy nhiên, mặt trái của thay đổi chính là hệ thống chấm điểm nội dung, kéo những bài có khả năng thu hút tương tác lên vị trí cao. Điều đó khiến các nội dung phản cảm, vi phạm chính sách xuất hiện nhiều hơn.

Laurin Manning Gandy, chiến lược gia truyền thông sử dụng Facebook từ năm 2004, thừa nhận từng kiểm tra bài đăng liên tục xem có bao nhiêu lượt thích và bình luận.

"Mỗi giây không phải làm gì đó, tôi lại cầm điện thoại để lướt Facebook... Nó đã chiếm lấy bộ não của tôi", Gandy chia sẻ đã bỏ qua những sở thích nghệ thuật để đổi lấy cuộc sống trên Internet. Vào tháng 4 năm nay, Gandy xóa Facebook nhưng phải cài lại để đặt đồ ăn mang về. Cô cho biết sẽ cố gắng không đăng bài lên ứng dụng.

Theo WSJ, hành vi sử dụng của Gandy cũng được Facebook nghiên cứu. Năm 2017, một thực tập sinh phát hiện những người đăng nhập Facebook thường xuyên nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn có khả năng xóa ứng dụng cao hơn bởi lý do "đã dùng Facebook quá nhiều".

Đến năm 2018, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm khoa học dữ liệu của Facebook tuyên bố thường xuyên đọc những bài báo liên quan đến chứng nghiện Facebook. Sau đó, mạng xã hội này bổ sung tính năng kiểm tra thời gian sử dụng app, đặt lời nhắc cảnh báo khi đã đạt thời gian sử dụng trong ngày. Đây cũng là tính năng mặc định trên iOS và Android để người dùng quản lý thời gian sử dụng smartphone.

Giải pháp từ Facebook và lập trình viên người Anh

Mark Zuckerberg, CEO Facebook cho biết công ty vẫn ưu tiên vấn đề này. "Chúng tôi đương nhiên không muốn sản phẩm của mình gây nghiện", Zuckerberg chia sẻ trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào tháng 11/2020. Dani Lever, phát ngôn viên Facebook cho biết công ty cũng tài trợ các nghiên cứu bên ngoài về sức khỏe tâm thần khi sử dụng mạng xã hội.

Năm 2018, các nhà nghiên cứu của Facebook đã khảo sát 20.000 người dùng tại Mỹ rồi so sánh câu trả lời với hành vi của họ trên Facebook. Kết quả, khoảng 3% người dùng cho biết gặp "vấn đề nghiêm trọng" với giấc ngủ, công việc hoặc những mối quan hệ liên quan đến thời gian sử dụng Facebook và cảm thấy khó thay đổi. Ngoài ra, 14% người tham gia khảo sát trả lời "dành nhiều thời gian trên Facebook hơn mong muốn".


Mark Zuckerberg hứng chịu làn sóng chỉ trích trong thời gian qua khi loạt tài liệu của WSJ tiết lộ nhiều vấn đề trong nội bộ Facebook. Ảnh: New York Times.

Những người cảm thấy có vấn đề khi sử dụng Facebook đa phần là nam giới ở độ tuổi khoảng 20 với 15 phiên (lần đăng nhập) mỗi ngày, phần lớn vào ban đêm. Thời gian sử dụng Facebook của họ cũng nhiều hơn, trung bình khoảng 1 giờ 36 phút mỗi ngày so với 1 giờ 18 phút.

Đến năm 2019, một nghiên cứu mới cho thấy tình trạng "có vấn đề" chiếm 12,5% người dùng trên Facebook. Các vấn đề trong khảo sát này rộng hơn, bao gồm sự tiêu cực liên quan đến khía cạnh trong cuộc sống như cảm giác tội lỗi hay mất kiểm soát.

Theo các nhà nghiên cứu, một số yếu tố gây ra vấn đề tiêu cực gồm nhận quá nhiều thông báo, video tự động phát, sự không chắc chắn liệu bài đăng vừa xem đến từ người cần theo dõi hay không, và những nội dung phiếm tạo cảm giác phải xem trước khi chúng biến mất.

Giữa năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Facebook đã thảo luận nhiều ý tưởng nhằm thay đổi một số khía cạnh trên nền tảng, giải quyết lo ngại từ những người cho rằng ứng dụng này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.

Những ý tưởng được chia sẻ cho một nhóm nhỏ người dùng tại New York (Mỹ), São Paulo (Brazil) và Mumbai (Ấn Độ) để phản hồi. Một số đề xuất được người dùng yêu thích bao gồm nhắc nhở tạm dừng sử dụng Facebook, giảm lượng thông báo hay bổ sung "chế độ nghỉ ngơi" để một số loại nội dung không được hiển thị trước khi đi ngủ, chẳng hạn như chính trị.

Tháng 3/2020, Facebook ra mắt "chế độ im lặng" cho phép tắt hầu hết thông báo. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đề xuất thêm phím tắt cho chế độ này bởi nó được giấu rất kỹ.

Một số người đã đưa ra giải pháp riêng mà không cần Facebook giải quyết. Năm 2016, lập trình viên Louis Barclay đã phát triển công cụ hủy theo dõi mọi thứ trên Facebook. Nó được phát hành trên kho ứng dụng Chrome vào năm 2020 với tên Unfollow Everything.


Facebook từng khảo sát người dùng về một số tính năng giúp giảm thời gian sử dụng app. Ảnh: WSJ.

Tom Meitner, một nhà văn độc lập tại Milwaukee (Mỹ) cho biết công cụ Unfollow Everything đã giúp anh loại bỏ năng lượng tiêu cực khi không còn theo dõi ai trên Facebook. Tuy nhiên đến tháng 7 năm nay, Facebook gửi email cho Barclay, nói rằng công cụ của anh đã vi phạm điều khoản công ty. Tài khoản Facebook và Instagram của Barclay cũng bị khóa vĩnh viễn.

Barclay đã tìm hiểu về việc liệu anh có khả năng phản bác lại hay không. Tuy nhiên, vì đang sống tại Anh, khả năng cao nhà phát triển Unfollow Everything phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Facebook nếu thua kiện. Thay vào đó, Barclay tìm đến góc nhìn tích cực hơn.

"Tôi đã cố gắng giảm việc sử dụng Facebook trong nhiều năm qua vì khá bận rộn khi phát triển Unfollow Everything. Vì thế, tôi rất biết ơn Facebook vì họ đã giúp tôi sống một cách năng suất hơn khi không còn nghiện sử dụng mạng xã hội như trước", Barclay chia sẻ với Insider.

Theo ICT News​
 
Bên trên