In 3D thành công màn OLED dẻo, tương lai ngồi nhà sản xuất màn hình đã không còn xa nữa?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại đại học Minnesota Twin Cities đã phát triển thành công màn hình OLED dẻo bằng công nghệ in 3D. Về mặt lý thuyết, bạn sẽ không còn phải phụ thuộc vào những tấm panel được sản xuất tại các nhà máy lớn để lắp ráp hay sửa chữa thiết bị của mình. Hay nói 1 cách dễ hiểu hơn, nếu không may làm hỏng màn hình điện thoại hay tablet, bạn không cần phải gửi thiết bị của mình đi bảo hành nữa, mà hoàn toàn có thể tự in ra một tấm màn mới một cách tiện lợi.

Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu đã kết hợp 2 phương pháp in 3D khác nhau để in ra 6 lớp cần thiết để giúp màn hình có thể hoạt động được. Cụ thể, họ sử dụng công nghệ in 3D ép đùn để tạo ra điện cực, vỏ bọc, các lớp cách điện và các mạch liên kết. Trong khi đó, các lớp hoạt động được in bằng phương pháp sơn phun ở nhiệt động phòng thông thường.

Đây không phải lần đầu tiên màn hình OLED được thí nghiệm sản xuất bằng cách in 3D. Tuy nhiên, những đội ngũ đi trước vẫn chưa ai thành công và thường gặp phải nhiều vấn đề khác nhau, chủ yếu là trong tính đồng nhất của ánh sáng (phân bố 1 cách không đều trên toàn bộ tấm màn), hoặc cần những công nghệ lắp ráp linh kiện cao cấp hơn mà in 3D không thể đáp ứng được.

Nguyên mẫu của các nhà nghiên cứu tại đại học Minnesota Twin Cities chỉ có kích thước 1,5 inch và sử dụng 64 pixel. Màn hình trong thực tế, để hoạt động tốt, cần độ phân giải cao hơn rất nhiều (màn 1080p cũng cần đến hơn 2 triệu điểm ảnh). Ngoài ra, họ còn muốn cải thiện thêm cả độ sáng của tấm màn OLED đặc biệt của mình. Và chắc chắn sẽ phải mất 1 khoảng thời gian rất dài nữa, công nghệ in 3D này mới có thể được áp dụng rộng rãi.


Nguyên mẫu của các nhà nghiên cứu tại đại học Minnesota Twin Cities có kích thước khá nhỏ.
Bên cạnh đó, máy in 3D mà họ sử dụng cũng là 1 phiên bản đã được tùy chỉnh và có giá khá cao, ngang với một chiếc xe điện Tesla Model S. Phương pháp mà họ sử dụng cũng cần được nghiên cứu, chỉnh sửa thêm trước khi có thể ứng dụng cho các mẫu máy in bán sẵn trên thị trường hiện nay. Ngay cả những sản phẩm cao cấp như Form 3B+ của FormLabs cũng chưa thể tích hợp phương pháp in mới này.

Tuy nhiên, những viễn cảnh đó là hoàn toàn khả thi nếu xét theo bản chất công nghệ mà họ sử dụng. Nó có thể giúp hiện thực hóa giấc mơ sản xuất màn OLED ngay tại nhà, cũng như dẫn lối đến rất nhiều ứng dụng đầy hứa hẹn khác, cho phép chúng ta tạo ra những công cụ, tiện ích tích hợp màn hình tiện lợi.

Dĩ nhiên, đột phá này sẽ chưa thể cho phép bạn tự chủ, độc lập trong việc in và lắp ráp các thiết bị cao cấp, vì chúng còn nhiều bộ phận phức tạp khác chứ không chỉ có riêng màn hình. Thế nhưng, nó cũng sẽ ít nhiều giúp bản giảm sự phụ thuộc vào các thành phần lắp ráp sẵn của các công ty công nghệ.

Theo Genk​
 
Bên trên