Kiệt tác để đời của Karel Capek!!!

Truyện ngắn "Hoa cúc xanh" là tuyển tập các truyện ngắn chọn lọc từ tập truyện “Túi truyện thứ nhất & Túi truyện thứ hai” của Karel Capek.
Tập sách bao gồm 40 truyện ngắn được viết dưới hình thức “trinh thám” nhưng mỗi truyện chỉ khoảng 7 – 10 trang sách và không có những suy luận lắt léo hay những tầng lớp bí ẩn của sự truy tìm và chất vấn như những truyện trinh thám thông thường.
Ở từng truyện thường có những người kể thân thuộc mà ta có thể gặp khi đi trên đường, sang nhà hàng xóm, vào tòa án, gặp gỡ trên chuyến tàu, cùng dùng bữa tối... Tưởng như chỉ đang cùng nói chuyện phiếm, rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, “tôi kể cho anh nghe nhé”; “ông Tymich nói”; “trung sĩ cảnh sát Brenjcha nói”... Karel vào truyện ngay lập tức, vừa đủ gợi sự tò mò háo hức cho người đọc.

11-5-2017-10-39-43-3.jpg

Nhà văn Tiệp Khắc Karel Capek.


Những truyện ngắn trong Hoa cúc xanh đều mang đậm dấu ấn của một đời sống xã hội bình dân ở Czech mấy thập niên đầu thế kỷ 20. Trong truyện của Capek, ông giải quyết những tình thế khó xử bằng những cách thức tình cờ, ẩn chứa đầy bí ẩn trong một giọng văn hài hước, tếu táo nhưng cũng đượm chất thơ, biểu lộ một tâm hồn tác giả tinh tế.
Lối viết nhẹ bẫng của Capek trong Hoa cúc xanh tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ, nhất là khi mỗi câu chuyện đều có những sức nặng của riêng nó, tác giả đã thật tinh tế để lựa chọn giữ điều gì và bỏ điều gì để nội dung sao cho thật cô đọng với một hệ thống từ ngữ chuẩn xác khó thay thế.
Hoa cúc xanh là một kiệt tác truyện ngắn. Một tác phẩm nhỏ nhưng đủ sức khiến Capek nổi tiếng, và trở thành nhà văn sắc sảo được ghi nhớ của thế kỷ XX. Độc giả có thể thong thả thưởng thức những câu chuyện trong Hoa cúc xanh, có thể đọc đi đọc lại mà vẫn luôn cảm thấy đầy cảm hứng và niềm thích thú.
Karel Čapek được xem là biểu tượng văn hóa của Nền Cộng hòa Tiệp Khắc thứ nhất (1918- 1938). Ông mất vì bệnh phổi vào ngày 25/12/1938. Karel Čapek để lại một di sản văn học và báo chí và nhiếp ảnh đồ sộ. Sáng tác của ông nhanh chóng được Âu hóa, tới mức được để cử giải Nobel văn học 8 lần liên tục (1932 – 1938).
 
Bên trên