Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

minhtuantkh

New Member
Sơ mi áo trắng cổ cồn
Không làm thì lấy cái xxx mà ăn


Câu thơ tục thời ấy chắc nhiều bác còn nhớ, dù đã cũ nhưng giờ nhắc lại vẫn làm nhiều người giật mình như mới hôm qua. Nếu chỉ nhìn vào đồng lương còm cõi của CNV lúc đó chắc giới tu hành cũng chưa chắc đã sống nổi.

Bổng lộc gần như là chuyện hoang đường, ngay cả những ai làm công tác quản lý/ văn phòng/ bàn giấy ( dân áo trắng cổ cồn) cũng phải chạy ăn từng bữa. Chuyện kiếm việc làm thêm ngoài giờ luôn là câu chuyện thường trực bất kể già trẻ lớn bé mỗi khi gặp nhau ở bể nước gần nhà.

Công việc làm thêm thì nhiều, nhưng hot nhất vẫn là : bóc lạc ( đậu phộng), đan giỏ mây, đan len, thêu thùa gia công, ta-rô ốc tán, … mình chỉ tóm tắt qua một số nghề thường làm thôi:

- Bóc lạc: Các gia đình sẽ nhận lạc theo bao tải khoảng vài chục ký mỗi lần, lạc còn nguyên củ mang về bóc lấy nhân ( hạt) để nhận tiền công. Lạc sau khi bóc sẽ được phân ra 3 loại: loại 1 xuất khẩu, loại 2 dùng trong nội địa ( phân phối qua tem phiếu), loại 3 sẽ thường được để làm bánh kẹo... Tất nhiên cả 3 loại sẽ phải nộp lại hết chỉ ăn tiền công bóc hoặc nhận công cũng bằng lạc ( loại 3). Nhưng với các gia đình thì luôn có loại 4: hàng rơi rớt, mốc meo, teo tóp... được giữ lại ( vì có tỷ lệ cho phép hao hụt sau khi bóc phân loại). Nghe vậy thôi chứ cái loại 4 này rất quý, từ loại này các ông bố bà mẹ lại chia 2 cấp: cấp 1 dùng để rang làm muối lạc là món chủ lực thay thức ăn mặn hoặc để dành mỗi khi có dịp lễ lạt khách khứa cho các ông nhắm rượu, cấp còn lại (vứt ra cho gà cũng chẳng thèm nhìn) thì làm quà vặt cho bọn trẻ, khét đen và đắng mồm nhưng không phải lúc nào cũng có mà ăn.

- Đan giỏ mây và đan len thì giống nhau: nhận mây, len về đan gia công theo mẫu, sau đó phải nhặt sạch lông ( mây ) hoặc tơ ( len), riêng mây thì còn hơ nóng kỹ cho thật sạch và bóng. Thời kỳ này mình sợ nhất vì bố luôn có sẵn công cụ tra tấn là dây mây mỗi khi mình nghịch phá, dây mây để còn nguyên mắt sau đó tuột quần mông xát muối cứ vậy mà đét… hồi đó làm văn miêu tả cảnh thực dân Pháp tra tấn tù nhân có lần mình đã ví với chuyện bị đánh bằng dây mây giúp gây ấn tượng mạnh với cô giáo.

- Ta – rô ốc tán: nhận con ốc tán nhưng chưa có ren vặn. Bố làm thêm cái bàn ê-tô giữ ốc/ tán, giao cho mình và cu anh mỗi thằng một tay quay và khoán rõ một ngày phải ta-rô mấy trăm con mới được đi chơi hoặc ăn cơm. Làm cái này là cực và kinh hãi nhất: Mùa đông thì còn đỡ chứ ngày hè mệt và nóng kinh khủng vì làm trong nhà lợp mái giấy dầu. Nếu vặn hư ren thì bị phạt nặng, do vậy luôn có 1 lọ luyn ( nhớt thải từ máy nổ lấy chỗ làm của bố) được châm liên tục vào tay quay cho giảm nhiệt và trơn ( vặn bằng tay các bác nhé với sức của hai thằng bé mới tuổi lên 9, 10).
Có những con ốc to rất nặng phải gần như 2 thằng phải đu cả người vào đẩy kéo mới đi được ren, nên hầu như ngày nào xong chỉ tiêu chạy ra bể nước chơi người 2 đứa tèm lem luyn nhớt đầy trên tay, quần áo và mặt mũi.

Ngoài ra hơi khác mọi nhà bố còn có thêm nghề sạc ắc – quy, do ông làm công nhân trực máy nổ ở cơ quan nên những gì về cơ khí máy móc đồ điện hư hỏng bỏ đi là ông khuân về nhà chế tạo đủ thứ để có thêm thu nhập. Ngày ấy trong nhà rất nhiều lá chì được thu gom từ các bình điện hỏng để bán đồng nát hoặc nấu thành cục để dành Tết đổ đít pháo. Còn mình chiều mát thường lên bờ đê có hai việc: đi mót hạt bo bo ngoài kho bến sông và vác đá tảng về đập vụn ra thành đá 1x2 vun đống để dành, như bố nói sau này có việc dùng, mình thì đoán có lẽ để góp làm căn nhà mơ ước của bố vì buổi tối cũng hay phụ bố trộn xỉ than ( thải ra sau khi dùng bếp than) đóng khuôn làm gạch xỉ ( giống như gạch táp-lô hay xây tường rào bây giờ)

Nhắc đến hạt bobo mình cần nói thêm vì ở kỳ trước có bác đã đề cập: nó là loại hạt trợ cấp của Liên Xô và các nước Đông Âu XHCN anh em, nhỏ hơn hạt đậu tương, màu trắng và rất cứng thường thì mang về mẹ phải ngâm kỹ để cho mềm ra và độn nấu với cơm. Nếu mình không nhầm thì Thái Bình là nơi tổng kho chứa hạt bobo vì có sông Thái Bình giáp biển nơi tập kết lương thực của cả miến Bắc thời ấy ( là nhánh chính của sông Hồng, sau này gọi thành sông Bo và cái cầu cũng thành cầu Bo luôn, chẳng mấy ai còn nhớ tên thực của sông và cầu nữa).
Đây là món độn cơm hàng ngày cùng với mì vắt, khoai phơi khô và sắn tàu. Chuyện ăn độn quá nhiều nên bị say sắn hoặc bị táo bón bobo trong lúc đi học vẫn thường xảy ra. Gần như suốt thời học cấp 1 nó ám ảnh mình trong mỗi giấc ngủ, có nhiều đêm mình đã nằm mơ được về quê ăn được bát cơm gạo trắng.
Đoạn này làm mình nhớ đến câu thơ bất hủ của quê hương:

Thái Bình có cái cầu Bo
Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi.


Nói chuyện đi học mình xin lan man một chút: thời cấp 1, 2 tuy nghịch nhưng mình học rất giỏi thường bao giờ cũng đứng đầu lớp. Thực ra cố gắng học giỏi là có động cơ rất trong sáng: Mẹ khoán cứ 10 điểm 10 liên tiếp thì thưởng một bát phở hoặc gói xôi hấp ( như xôi cúc/ khúc bây giờ), nếu chỉ vướng 1 con 9 trở lại thì coi như lại tính điểm 10 từ đầu. Vì vậy mà mới năm học lớp 3 đã được là cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh rồi lại còn được đi Hà Nội nữa ( oách nhất khu tập thể đấy :p). Mình nhớ rõ có hai ngày dự liên hoan được ăn rất sướng thịt mỡ cắn ngập răng, cơm trắng căng rốn. Sau buổi tuyên dương chẳng còn nhớ được gì ngoài mấy bữa ăn no và ngon.

Lúc đi học nhà cách trường khoảng 3, 4 cây số nhưng từ lớp 1 mình đã tự đi bộ một mình đến trường, lúc đi thì còn khỏe vì có bát cơm nguội hoặc củ sắn nhưng lúc về thì bụng lép xẹp đói meo bọn trẻ thường vẫy người lớn đi xe đạp cùng hướng để xin đi nhờ ( bây giờ chắc chẳng có bố mẹ nào dám thả con đi học như vậy )

Đến năm lớp 4 làm mình nhớ mãi: có cô giáo chủ nhiệm tên Hiền nhà cô cũng ở trên đường mình đi học, sau này cô hay đợi mình đi ngang qua nhà cô để cô chở đi cùng bằng xe đạp. Ban đầu nhiều lần mình cố tình đến sớm để gặp bữa cô đang ăn cơm và tất nhiên mình cũng được ăn thêm, về sau cô biết nên hay nấu thêm và đợi mình tới cùng ăn mặc dù cô cũng rất nghèo. Sau này chuyển trường về gần nhà hơn mình không còn ghé thăm cô được nhiều trừ những dịp 20/11 hoặc ngày Tết, cho đến ngày cô chuyển nhà lên Hà Nội thì không còn liên lạc được nữa.

Khi đã lên cấp 2 vì có thêm thằng út đi học nên tình cảnh nhà mình càng khó khăn hơn, chỉ nhờ vào đồng lương còm cõi với cái sổ gạo và ít tem phiếu bố mẹ mình phải lo cho 3 thằng ăn học. Trong khi các nhà khác chỉ dám đẻ 1 hoặc 2 là cùng, rất nhiều nhà phải gửi con cái về quê nội ngoại nuôi ăn học giúp. Sau này hỏi mẹ lý do đã khó khăn mà còn sinh thêm thằng Út mình mới biết là (giống mình hiện tại) muốn có đứa con gái, tuy nhiên trời lại phụ lòng mẹ: Tam nam bất phú. Vì vậy việc nhận thêm đủ thứ làm ngoài giờ gần như là liên tục, quanh năm suốt tháng gần như không còn thời gian để chơi bời gì nữa.

Có một kỷ niệm chẳng biết có nên kể hay không vì ít ai tin: Gần nhà có cái hồ nước lớn quy hoạch thành khu dân cư cho gia đình chính sách khó khăn, nhưng Ủy Ban chỉ chia cấp lô theo mặt nước, còn lại tự các hộ san lấp. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp bố nhận thuê san lấp hàng chục lô mặt nước trong cái hồ hàng chục ngàn mét vuông.
Chỉ với cái săm ô tô, xẻng và 2 cái thúng, gần như chiều nào cũng vậy một mình ông lặn ngụp moi cát dưới đáy hồ bỏ vào thúng rồi dùng săm xe bơm căng đẩy vào san lấp thuê cho các hộ được chia mặt nước gần bờ. Mình nhớ ông buộc cho sợi dây dài để mình đứng trên bờ phụ kéo vào. Ròng rã như vậy suốt mấy năm cả xuân - hạ - thu - đông ít có ngày nghỉ trừ hôm nào quá rét, gần như cả khu vực dân cư gần đó đến giờ ai cũng biết, còn nhớ và lắc đầu mỗi khi nhắc đến ông. Chuyện này làm mình hiểu: bố về sau có hơi nghiện và uống nhiều rượu vì lần nào ngâm mình ông cũng phải uống khoảng lưng bát rượu cho nóng người. Ngồi gõ mấy chữ này mà sao thấy sống mũi thấy cay cay.

Những dịp gần cuối năm mình thường làm pháo để bán kiếm thêm tiền phụ mẹ mua sách, quần áo và đóng tiền học thêm. Sách vở cũ cộng với giấy mua lại của đồng nát ve chai mình cắt dài và cuộn ép thành vỏ pháo với kích cỡ nhiều loại sau đó nhuộm đỏ phơi khô. Thuốc nổ và dây ngòi lấy từ làng Nguyên Xá cách khoảng 14 km đi bằng xe đạp, cột sau gác-ba-ga mỗi lần khoảng 5-7 kg hoặc mua sỉ tại khu thuốc pháo Chiến Thắng gần nhà. Thuốc pháo mua về mình có trộn thêm một số chất khác nữa ( Bí mật :D) làm tăng sức công phá và phát sáng mạnh khi đốt vào buổi tối.
Trong suốt thời gian giỡn mặt với thần chết trong căn nhà lá lợp giấy dầu nhưng chưa bao giờ xảy ra bất cứ rủi ro nào cho dù phân chia thuốc pháo bán lẻ, phơi rang khi bị ẩm, nhồi pháo thành phẩm để kết thành tràng dài bán, kể cả cho đốt thử tại nhà hoặc treo tong teng hai bánh pháo dài xanh đỏ ( để chào hàng) ngay trên bàn thờ thắp hương.
Mỗi dịp gần Tết nói đến tên nhà mình bán thuốc pháo hầu như xa gần ai cũng biết. Vì chất lượng pháo mình làm nổ to giòn và xác thường xé vụn nhỏ, ít quả nào xịt. Mình thấy còn tốt hơn cả pháo Bình Đà (PR tý :D). Nhưng giờ mỗi khi nhớ lại thấy rùng mình, điếc không sợ súng.

Việc làm thêm như vậy chỉ giảm bớt sau khoảng năm 85-86 khi đất nước đã qua dần thời kỳ tem phiếu và cơ chế chính sách đã thông thoáng hơn giúp người dân đã có thể xin ra khỏi hợp tác xã làm những nghề ( trước đây cấm làm tự do phải vào trong HTX làm) như: bơm vá xe, cắt tóc, may quần áo,.... Gần 10 năm tiếp theo gia đình mình cũng như các hộ dân trong khu tập thể đã dễ thở, cuộc sống cũng có nhiều thay đổi tích cực và đã có nhiều gia đình trong đó có nhà mình mua nhà ra ngoài ở riêng.

Khu tập thể xưa bây giờ đã được san phẳng làm quảng trường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi lần về quê dù chẳng còn dấu tích gì của ngày ấy nhưng không có lần nào về mà mình không đứng ngẩn ngơ tại cái chỗ bể nước thủa nào. Nơi mà một thời hằn sâu trong ký ức của mình cùng bọn trẻ. Chỉ tiếc ngày đó không có điều kiện để chụp lưu lại tấm hình, nhưng biết đâu như vậy lại hay vì nếu có nó mỗi lần xem hình mọi thứ lại ùa về rồi trông mặt mũi mình cứ đơ thộn ra, chẳng khác gì đã có lần làm mất sổ gạo.

Tuy nhiên những gì đã trải qua với mình không chỉ là ký ức thủa trẻ con về một thời tem phiếu, mà sự thật nó còn gắn với những thăng trầm không bao giờ quên của cả gia đình mình cũng như hàng trăm ngàn hộ dân sống ở VN tại cái ngưỡng mà sau này được nhiều người gọi là “đêm trước ngày đổi mới”.

Những điều mà mình kể lại ở đây có lẽ so với thực tế là quá ít và còn khác xa nếu không muốn nói là mình đã tránh nhắc đến những chuyện không vui và hơn thế còn được tô hồng thêm bởi nhiều lý do.
Lẽ ra như kế hoạch ban đầu mình sẽ có thể có thêm nhiều kỳ khác và mỗi kỳ cần có nhiều chuyện chi tiết hơn nhưng tự thấy đến đây là hơi quá giới hạn trong diễn đàn rồi. Cũng biết sẽ có không ít các bác cũng từng sống qua ngày ấy, hy vọng các bác nối tiếp giúp mình và sẽ có nhiều chuyện được các bác đồng cảm cùng chia sẻ. Có như vậy mới cảm thấy bớt tủi thân về một thời khốn khó.

Và cũng rất có thể chẳng mấy ai còn muốn nhắc hoặc nhớ lại, nhưng qua những kỳ này mình mong có thêm được nhiều sự hiểu biết thông cảm của các bạn trẻ với lớp cha anh đi trước, những người đã phải chịu rất nhiều những thiệt thòi và gian khổ khi sống qua quãng thời gian ấy.

Hãy trân trọng, giữ gìn xin đừng quay lưng với quá khứ và cố gắng làm mọi điều tốt đẹp nhất cho nhau.
Như ai đó đã từng nói: “ Hãy sống hết mình và hãy thương yêu nhau như … ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng trong đời ” vậy nhé.

Chân thành từ đáy lòng cảm ơn đến tất cả mọi người đã ghé qua và chịu khó bỏ thời gian đọc hết những kỳ ký ức của mình.

p/s: Cách trình bày sẽ có lộn xộn rối rắm xin thông cảm, mong góp ý ( nhất là bác Sym nhé :D) và sẽ sửa hoặc cập nhật thêm cho rõ ý.

SG, một ngày nắng nóng ( trực vợ đẻ) nhớ về ngày ấy.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Tem tem tem.
Theo dõi 4 kỳ của bác giờ mới đc ăn tem.
Tem phát đọc sau nhé. Thanks bác.
 
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Vừa mới đọc xong. Công nhận bác viết hay thật.
Giờ bắt đầu thấm về thời tem phiếu, mong bác có thể thêm vài kỳ nữa chứ đọc thấy nghiền rồi.
Hỏi nhỏ: bác 6x hay 7x ạ.
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Đầu 3 đít 9, thuộc về hàng chót của đời đầu 7x
 

CMCTI

Banned
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Ngày xưa nhà em cũng bóc lạc mỏi tay, dụng cụ là hai thanh tre xếp hình chữ V, kiểu như cái nhíp nhổ râu lớn, để dọc hạt lạc vào rồi kẹp hai thanh tre lại là hạt lạc vỡ ra, lấy nhân. Mỗi lần bóc lạc em cũng thường ăn vụng lạc sống, sau mẹ em nói ăn lạc sống là bị hôi nách nên không còn dám ăn vụng nữa.
Sau này khoảng năm 86-87 gì đó thì mẹ em xin được đổi séc. Tờ séc của các cơ quan mẹ em ra ngân hàng đổi lấy tiền mặt đem về. Bố em ngày đấy được điều sang giúp đỡ nước bạn Lào. Nhà có 3 mẹ con mà lắm hôm để 2-3 bao tải tiền trong nhà. Thế nên hai anh em em luôn bị nhốt trong nhà, kiêm nhiệm vụ canh tiền.
Từ ngày chuyển sang đổi séc em lại được làm nhiệm vụ đếm tiền và rút tiền, mỗi cọc lại rút một tờ, cọc nào bị thiếu rồi thì không rút nữa. Trong thời gian này bữa cơm nhà em có giò nhiều :D
 

symphony

Well-Known Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Chuyện của bác thật hay và xúc động.

Em ấn tượng nhất là Ta – rô ốc tán và san lấp mặt bằng, không biết hồi đó bác còn bé vậy làm sao mà làm.
 

hellomoto

Active Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

đúng là thời đó hầu hết là khổ cực, gia đình em cũng thế, chỉ toàn rau luộc mà ăn, xanh cả ruột:-"
à nhớ hồi đó nghe radio mà mở BBC hay trung quốc thì ông già bảo ko được mở :D mấy chú bắt đấy
hồi 83-84 thấy chiếc máy cày kéo theo cái tẹc nước rồi những đoạn ống ruột gà to như bắp chân nhìn chẳng khác nào con quái vật, miệng cứ há hốc ra nhìn, cả xóm bu lại xem:mad:)
mịa hồi đó mà có con robot nhảy nhót như bây giờ chắc cũng tin là người ngoài hành tinhX_X
ngày đó có đồ chơi đâu, toàn tự làm lấy bằng tre, gỗ hoặc nặn bằng đất mà chơi, ước mơ 1 chiếc xe bằng nhựa để kéo đi chơi là một sự xa xỉ:-" nhưng thế mà lại hay, nhiều kỷ niệm, còn bây giờ cái gì cũng đi mua, nhiều khi con cái nó chẳng biết làm gì, kỷ niệm với nó có lẽ là tối về nhà với ba mẹ, ăn cơm xem tivi học bài đi ngủ, sáng đánh răng , đi học
 

minhtuantkh

New Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Vừa mới đọc xong. Công nhận bác viết hay thật.
Giờ bắt đầu thấm về thời tem phiếu, mong bác có thể thêm vài kỳ nữa chứ đọc thấy nghiền rồi.
Hỏi nhỏ: bác 6x hay 7x ạ.

Thank bác đã phá trinh bài của em. Viết thì không thành vấn đề nhưng em ngại không kiểm soát được cảm xúc của mình lỡ đụng chạm đến gì đó nhạy cảm bỗng thành hotman thì bỏ mịa. Đùa tý, em định xin ý kiến BQT và Mod cho vào đâu đó cho phù hợp chứ cứ thế kỳ nối kỳ thế này thấy chướng quá. Mà thôi bác: rượu nhạt uống lắm cũng say, lời khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm ( huống chi mấy cái triện vớ vỉn của em :D)

Đầu 3 đít 9, thuộc về hàng chót của đời đầu 7x

Cảm ơn lão Chip đã trả lời giúp em. Nhưng em băn khoăn quá, thế lày là thế lào ạ: chót nhưng đầu :-??

Ngày xưa nhà em cũng bóc lạc mỏi tay, dụng cụ là hai thanh tre xếp hình chữ V, kiểu như cái nhíp nhổ râu lớn, để dọc hạt lạc vào rồi kẹp hai thanh tre lại là hạt lạc vỡ ra, lấy nhân. Mỗi lần bóc lạc em cũng thường ăn vụng lạc sống, sau mẹ em nói ăn lạc sống là bị hôi nách nên không còn dám ăn vụng nữa.
Sau này khoảng năm 86-87 gì đó thì mẹ em xin được đổi séc. Tờ séc của các cơ quan mẹ em ra ngân hàng đổi lấy tiền mặt đem về. Bố em ngày đấy được điều sang giúp đỡ nước bạn Lào. Nhà có 3 mẹ con mà lắm hôm để 2-3 bao tải tiền trong nhà. Thế nên hai anh em em luôn bị nhốt trong nhà, kiêm nhiệm vụ canh tiền.
Từ ngày chuyển sang đổi séc em lại được làm nhiệm vụ đếm tiền và rút tiền, mỗi cọc lại rút một tờ, cọc nào bị thiếu rồi thì không rút nữa. Trong thời gian này bữa cơm nhà em có giò nhiều :D

Sao hồi đó em không có thằng bạn nào như bác nhẩy, chết với em. Chơi thân phải biết :D

Chuyện của bác thật hay và xúc động.

Em ấn tượng nhất là Ta – rô ốc tán và san lấp mặt bằng, không biết hồi đó bác còn bé vậy làm sao mà làm.

Hic... chưa biết có lấy được nước mắt của bác không mà em đã thay mấy cái áo rồi. Hồi đó mới khoảng 6 tuổi em đã biết đi chợ ( rất thích vì kiểu gì cũng bớt được 1, 2 hào mua kẹo gừng hoặc xà cửng), đi bộ 3,4 km đến trường là bình thường, bế đưa đón thằng út đi nhà trẻ, lớn chút nữa 8,9 tuổi thì đã lao động chân tay phụ giúp bố vì nếu không bắt em làm em sẽ ở không phá phách hoặc... đốt nhà ( như ở kỳ 3 ấy :D )

đúng là thời đó hầu hết là khổ cực, gia đình em cũng thế, chỉ toàn rau luộc mà ăn, xanh cả ruột:-"
à nhớ hồi đó nghe radio mà mở BBC hay trung quốc thì ông già bảo ko được mở :D mấy chú bắt đấy
hồi 83-84 thấy chiếc máy cày kéo theo cái tẹc nước rồi những đoạn ống ruột gà to như bắp chân nhìn chẳng khác nào con quái vật, miệng cứ há hốc ra nhìn, cả xóm bu lại xem:mad:)
mịa hồi đó mà có con robot nhảy nhót như bây giờ chắc cũng tin là người ngoài hành tinhX_X
ngày đó có đồ chơi đâu, toàn tự làm lấy bằng tre, gỗ hoặc nặn bằng đất mà chơi, ước mơ 1 chiếc xe bằng nhựa để kéo đi chơi là một sự xa xỉ:-" nhưng thế mà lại hay, nhiều kỷ niệm, còn bây giờ cái gì cũng đi mua, nhiều khi con cái nó chẳng biết làm gì, kỷ niệm với nó có lẽ là tối về nhà với ba mẹ, ăn cơm xem tivi học bài đi ngủ, sáng đánh răng , đi học

Bác hay quá, làm em nhớ đến cảnh cứ khoảng hơn 8 giờ chầu chựt sang nhà ông hàng xóm (làm nghề phụ là sửa loa đài) nghe hóng đọc chuyện: Tây du ký, 108 vị anh hùng LSB, ... của đài Tàu, đặc biệt có chương trình nhắn tin về quê hương của những người vượt biên hoặc trốn qua TQ.
Giải trí của tụi em lúc ấy chỉ là chơi đáo, đánh khăng, quay cù, đánh trận giả... và rình nhặt vỏ bòng bưởi ăn cùi trắng...
 

hellomoto

Active Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Giải trí của tụi em lúc ấy chỉ là chơi đáo, đánh khăng, quay cù, đánh trận giả... và rình nhặt vỏ bòng bưởi ăn cùi trắng...
lúc đó em cũng đánh khăng chảy máu đầu :((, mịa trò này nguy hiểm thật X_X à bắn bị, tạt thun nữa chứ;)
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Xóm em toàn giáo viên đại học, cũng lăn bò ra làm kinh tế không thì... trều.

Đàn ông thì sơn phích, mài bột sắn
Đàn bà thì trần áo bông, bô đê sa tanh

Trẻ con hồi đó phải lao động từ sớm, như em học lớp 4 đã bắt đầu phải gánh nước từ cái bể công cộng đổ vào thùy phuy để nhà có nước sinh hoạt, giặt giũ tự lo, đi chợ nấu nướng là chuyện nhỏ. Vất vả nhưng hồi ấy tinh thần tốt lắm, chẳng mấy khi thấy buồn chán, không như bây giờ vật chất thừa mứa nhưng cứ ủ rũ buồn bực chán nản bất mãn...
 

minhtuantkh

New Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Xóm em toàn giáo viên đại học, cũng lăn bò ra làm kinh tế không thì... trều.

Đàn ông thì sơn phích, mài bột sắn
Đàn bà thì trần áo bông, bô đê sa tanh

Trẻ con hồi đó phải lao động từ sớm, như em học lớp 4 đã bắt đầu phải gánh nước từ cái bể công cộng đổ vào thùy phuy để nhà có nước sinh hoạt, giặt giũ tự lo, đi chợ nấu nướng là chuyện nhỏ. Vất vả nhưng hồi ấy tinh thần tốt lắm, chẳng mấy khi thấy buồn chán, không như bây giờ vật chất thừa mứa nhưng cứ ủ rũ buồn bực chán nản bất mãn...

Trưa hè nóng mà có bát bột sắn nấu lên cho đường vào, sệt sệt như thạch ( sương sa), tuyệt cú mèo bác nhỉ.
Bác lao động vậy thảo nào mấy lần off em nhìn trộm thấy cơ bắp, lốp căng gớm :D

All: Em đã sửa lỗi chính tả và bổ xung lại bài. Kính các bác!
 

paracels

Well-Known Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Em nhớ lần đầu tiên được coi tivi trắng đen (coi ké trong xóm, đứng ngoài hàng rào nhìn vô) hình như cả xóm có mỗi 1 cái thì phải. Lần đó, được nghe Bài ca không quên (sau này mới biết tên và ca sỹ Cẩm Vân), hình ảnh thì không nhớ là gì, nhưng ấn tượng cứ khắc sâu mãi đến giờ.

Có một chuyện không biết là nên khóc hay cười nữa. Trước 1975 bố em làm giáo viên, mẹ em làm y tá, sau 1975 thì cả nhà về quê hết nhưng bố em vẫn làm giáo viên, còn mẹ phải đi làm ruộng hợp tác xã (man mán thế). Tuy nhiên, vì sợ đỉa nhưng bắt buộc phải làm, thế là mẹ em nghĩ ra một các là mang tất chân và tay rồi lội xuống cấy lứa, làm cỏ. Vụ này làm ầm ĩ cả xóm em một thời gian, mẹ em bị một trận tơi bời hoa lá, nhưng cuối cùng vì sợ người hơn sợ đỉa hay sao đó, mẹ em vẫn tiếp tục làm ruộng một cách ngon lành.

Khi còn làm ruộng, có người còn nhắc mẹ em là thấy mấy cục đen đen thì phải đánh tơi nó ra, thế mà mẹ em cũng làm. Sau này mới biết cái cục đen đen đó là gì (nhân có bài về mấy thứ này nên đột nhiên em nhớ ra). Còn nữa, cả nhà cũng tích trữ tro bếp, khi được nhiều thì đào cái hố xí lên trộn chung, xong đem phơi khô rồi tán nhuyễn ra để bón cây (ruộng), hồi đó cái mùi như thế nào thì em chẳng còn nhớ nữa.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hoabantrang

Well-Known Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Thời kỳ tem phiếu quả thật là nhiều chuyện vui lẫn buồn.
Nhớ hồi đó bố mẹ em đều làm công nhân bưu điện, mẹ thì trực giao dịch, bố thì hàng ngày đạp xe đi đưa thư, mỗi ngày đi cớ 70-80km là bình thường. Không hiểu cách nào mà cụ đi khỏe thế ! Em còn nhớ năm 86 lúc đó mới lên 3, mẹ thì cho em gái mới sinh đi ngủ, một mình ngồi ở bếp, nhà trát đất, lợp tranh. Chẳng hiểu nghịch thế nào mà mang cái đèn Hoa kỳ đi ra châm vào sợi rơm thò ra ở tường, nó không cháy nên châm luôn vào mái tranh. Báo hại cả xóm nửa đêm phải đi dập lửa.:))
Thời tem phiếu thì do còn nhỏ nên không đến lượt phải đi xếp hàng. Cơ mà vẫn được nghe kể là cứ tết đến mới mua được ít thịt bạc nhạc. Thế là mang về nhà bó giò. Cơ mà bố mẹ em cất kỹ lắm. Nhét mãi vào góc trạn. Ở xóm lại có ông dở điên dở tỉnh có thói quen là tết đến mang cả bánh pháo nhét vào trạn nhà người ta. Có năm gói giò nhà em bị tan tành vì cái thói quen này.:))
Nhà thì ở gần núi nên thường xuyên lên núi hái rau rừng về ăn. Cũng đỡ được khối vì nhà ở tập thể nên chẳng có chỗ làm vườn.
 

hellomoto

Active Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

không như bây giờ vật chất thừa mứa nhưng cứ ủ rũ buồn bực chán nản bất mãn...

lão thừa thì cứ đưa em xài cho =)) mới coi lão bắn súng vtv9, đẹp giai quá
 

shubinthui

New Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Lúc xóm mới có tivi, đầu óc mơ hồ về nó, hỏi thằng bạn nhà có tivi :
- Nếu muốn coi phim rạp (rạp chiếu bóng thời đó) thì chỉ cần quay anten ra hướng rạp là coi được phải không ?
- Đúng rồi, ngu rứa, rứa mà cũng hỏi.
Và mình tin tuyệt đối !!!!!!!
 

manhhuy8x

Active Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

đọc hết bài và cm của các bác em mới biết hồi xưa ông bà em nuôi đc 6 ng con và tránh bom đạn của bọn mỹ đúng là khổ thiệt :((
 

minhtuantkh

New Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Em nhớ lần đầu tiên được coi tivi trắng đen (coi ké trong xóm, đứng ngoài hàng rào nhìn vô) hình như cả xóm có mỗi 1 cái thì phải. Lần đó, được nghe Bài ca không quên (sau này mới biết tên và ca sỹ Cẩm Vân), hình ảnh thì không nhớ là gì, nhưng ấn tượng cứ khắc sâu mãi đến giờ.

Có một chuyện không biết là nên khóc hay cười nữa. Trước 1975 bố em làm giáo viên, mẹ em làm y tá, sau 1975 thì cả nhà về quê hết nhưng bố em vẫn làm giáo viên, còn mẹ phải đi làm ruộng hợp tác xã (man mán thế). Tuy nhiên, vì sợ đỉa nhưng bắt buộc phải làm, thế là mẹ em nghĩ ra một các là mang tất chân và tay rồi lội xuống cấy lứa, làm cỏ. Vụ này làm ầm ĩ cả xóm em một thời gian, mẹ em bị một trận tơi bời hoa lá, nhưng cuối cùng vì sợ người hơn sợ đỉa hay sao đó, mẹ em vẫn tiếp tục làm ruộng một cách ngon lành.

Khi còn làm ruộng, có người còn nhắc mẹ em là thấy mấy cục đen đen thì phải đánh tơi nó ra, thế mà mẹ em cũng làm. Sau này mới biết cái cục đen đen đó là gì (nhân có bài về mấy thứ này nên đột nhiên em nhớ ra). Còn nữa, cả nhà cũng tích trữ tro bếp, khi được nhiều thì đào cái hố xí lên trộn chung, xong đem phơi khô rồi tán nhuyễn ra để bón cây (ruộng), hồi đó cái mùi như thế nào thì em chẳng còn nhớ nữa.

Nhà em ngay gần nhà cs Cẩm Vân, thấy Khắc Triệu tà lỏn ba lỗ suốt ngày chắc bà kia cũng bình dân vậy. Ngày xưa xem phim nhớ nhất phim trùng tên bài hát này.
Bác nói đến cái cục xxx làm em lại mò về kỳ 1 :D

Thời kỳ tem phiếu quả thật là nhiều chuyện vui lẫn buồn.
Nhớ hồi đó bố mẹ em đều làm công nhân bưu điện, mẹ thì trực giao dịch, bố thì hàng ngày đạp xe đi đưa thư, mỗi ngày đi cớ 70-80km là bình thường. Không hiểu cách nào mà cụ đi khỏe thế ! Em còn nhớ năm 86 lúc đó mới lên 3, mẹ thì cho em gái mới sinh đi ngủ, một mình ngồi ở bếp, nhà trát đất, lợp tranh. Chẳng hiểu nghịch thế nào mà mang cái đèn Hoa kỳ đi ra châm vào sợi rơm thò ra ở tường, nó không cháy nên châm luôn vào mái tranh. Báo hại cả xóm nửa đêm phải đi dập lửa.:))
Thời tem phiếu thì do còn nhỏ nên không đến lượt phải đi xếp hàng. Cơ mà vẫn được nghe kể là cứ tết đến mới mua được ít thịt bạc nhạc. Thế là mang về nhà bó giò. Cơ mà bố mẹ em cất kỹ lắm. Nhét mãi vào góc trạn. Ở xóm lại có ông dở điên dở tỉnh có thói quen là tết đến mang cả bánh pháo nhét vào trạn nhà người ta. Có năm gói giò nhà em bị tan tành vì cái thói quen này.:))
Nhà thì ở gần núi nên thường xuyên lên núi hái rau rừng về ăn. Cũng đỡ được khối vì nhà ở tập thể nên chẳng có chỗ làm vườn.

Vậy bác có cha mẹ đồng nghiệp với phụ mẫu em rồi, bỗng thấy vui vui...buồn buồn

đọc hết bài và cm của các bác em mới biết hồi xưa ông bà em nuôi đc 6 ng con và tránh bom đạn của bọn mỹ đúng là khổ thiệt :((

Mẹ em khi có bầu em lúc còn làm ở Hải Phòng, chắc chỉ nghe tiếng bom trong bụng mẹ thôi. Nói về sự khổ của ông bà thật là không hết được, nói chi tới các cụ sao tả nổi.
 

hellomoto

Active Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

ngày xưa thời 83-85 hay có đoàn văn công, chiếu phim màn ảnh rộng lưu động nhớ cái cảnh chen lấn đi xem mà giờ vẫn còn như in trong đầu
nên đôi lúc dow mấy bộ phim sd ngày xưa về xem mà vẫn cảm thấy cái gì đó lưu luyến
nói về Cha Mẹ thì đến bây giờ mình sướng hơn cả 10.000 nghìn lầnX_X
 

overkillx

Huyền Thoại
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Hồi ấy bố mẹ mình tuy đều là kỹ sư xây dựng nhưng cũng như bao nhà khác là phải làm thêm nhưng việc làm này khác với những công việc của bác chủ đã kể đó là làm guốc mộc, ban đầu mấy ông cậu đi nhận hàng thô tức là vừa tiện xong rồi đem đến nhà mình, buổi tối cả nhà làm. Guốc này được chia làm 2 loại, loại 1 là sau khi cho vào máy tiện thành hình cái guốc (gót nhọn) rồi thì phun sơn mài bóng lộn, đóng quai rồi đem giao cho các shop "hàng hiệu" ở Bà Triệu và Trần Nhân Tông, guốc loại 2 là để mộc (gót vuông) chỉ trang trí hoa văn bằng bút điện, cái bút điện này nó như cái mỏ hàn của mấy bác thợ sửa chữa đồ điện nhưng nóng hơn rất nhiều, sau khi hoàn thành thì đem giao cho các shop vỉa hè để bán cho những bà già hay những người đi chợ. Trong quá trình làm việc như phun sơn hỏng hay vẽ quá tay thì đem về quê ở Cổ Nhuế bán, nói chung công việc này những năm 82-84 rất khấm khá, không giàu nhưng cũng đủ để không phải ăn bo bo và cơm độn khoai. Bây giờ giày dép đủ loại nhưng để tìm lại những đôi guốc ngày xưa thì chắc không còn :(
 

paracels

Well-Known Member
Ðề: Ký ức thời tem phiếu ( Kỳ 4 - cuối: Cả nhà làm kinh tế )

Nhà em ngay gần nhà cs Cẩm Vân, thấy Khắc Triệu tà lỏn ba lỗ suốt ngày chắc bà kia cũng bình dân vậy. Ngày xưa xem phim nhớ nhất phim trùng tên bài hát này.
Bác nói đến cái cục xxx làm em lại mò về kỳ 1 :D



Vậy bác có cha mẹ đồng nghiệp với phụ mẫu em rồi, bỗng thấy vui vui...buồn buồn



Mẹ em khi có bầu em lúc còn làm ở Hải Phòng, chắc chỉ nghe tiếng bom trong bụng mẹ thôi. Nói về sự khổ của ông bà thật là không hết được, nói chi tới các cụ sao tả nổi.

Biết bác ở SG nhá, hôm rồi có thấy bác ghi NĐ 1, NĐ 2 thấy nghi nghi. Thế bác vào đó khi nào vậy ?
 
Bên trên