Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975 (phần 2)

delldell

Well-Known Member
Đã 40 năm rồi sau những ngày lịch sử của đất nước, những ngày mà ai đã trải qua rồi thì có lẽ không bao giờ quên. Thế hệ 6X chúng tôi là những người được sinh ra trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam đầy đau thương tang tóc. Nhưng những đứa trẻ được cha mẹ sinh ra ở Sài Gòn như tôi, nơi mà chiến tranh chỉ thấy qua hình ảnh những anh lính kiểng, những bộ đồ sỉ quan về phép được ủi (là) thẳng tắp cặp kè trên hè phố cùng những chiếc áo dài thướt tha,chiến tranh chỉ được cảm nhận qua ti-vi, ra-đi-ô, báo chí và các quán café bình dân vỉa hè. Và khi chiến tranh chấm dứt Sài Gòn vẫn bình an, không hố bom, không đổ máu, nhà cửa nguyên vẹn không một vết đạn nào. Dân Sài Gòn, những người ở lại, sau ngày 30 tháng 4 đã chào đón hòa bình một cách hết sức tự nhiên, như câu hát: “Hòa bình ơi! chờ trông nhau như con chờ mẹ, chờ trông nhau như gió mùa hè, chờ trông nhau nắng đẹp tình quê…”. Người Sài Gòn chỉ qua một thời gian ngắn của những ngày cuối tháng 4 mà đã trải qua rất nhiều tâm trạng: lo âu, hoang mang (nghe tin tức chiến sự), sợ hãi, hoảng loạn (sợ tắm máu, tìm đường di tản), chờ đợi, hồi hợp (khi các anh VC vào thành phố), dè dặt, thận trọng (khi tiếp xúc với người thắng cuộc) và cuối cùng là niềm vui, cởi mở, giải tỏa lo âu, sẵn sàng đón nhận cái mới. Phải thừa nhận công việc an dân của chính quyền mới thật hiệu quả. Dân Sài Gòn vốn như bản tính của người miền nam chân thật, trải lòng, không câu nệ khách sáo, dễ thích nghi. Và khí thế cách mạng hừng hực của người chiến thắng cũng đã mau chóng truyền vào tinh thần của người dân Sài Gòn. Không khí lúc nào cũng náo nhiệt, ít nhất cũng ở bọn trẻ con chúng tôi. Chúng tôi ca hát suốt ngày những bài ca cách mạng với giai điệu hào hùng, làm quen với các khái niệm chính trị, đoàn thể: đội Thiếu niên tiền phong, đoàn Thanh niên cộng sản, Đảng và bác Hồ v.v….Ngày nào cũng là ngày vui vì được sống trong hòa bình. Chúng tôi, và cả những người lớn, đâu biết được cuộc sống trước mắt sẽ muôn vàn khó khăn, biết bao nhiêu sự kiện tác động sâu sắc không thể nào quên cho đến bây giờ.

Và ký ức cứ như những đoạn phim được quay lại……..

Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975 (phần 2): “Sau những ngày vui hòa bình”




Gia đình tôi theo đạo Phật. Cả nhà mỗi tháng đều ăn chay 4 ngày: 30, mùng 1, 14 và 15 âm lịch. Nhưng sau ngày giải phóng ông nội tôi bổng tuyên bố: “ từ đây trở đi tao không chay tụng gì nữa, hòa bình rồi”. Lúc đó tôi nghĩ hòa bình là thứ gì đó rất quan trọng, mang đến nhiều niềm vui hạnh phúc nên mọi người đều chờ đợi, cầu nguyện, ước ao.
Nhưng sao sau hòa bình vẫn còn khổ đau chia ly?

Đầu tiên là gia đình cô tôi (em bố). Bà có 4 người con lớn nhất lúc đó được 8 tuổi, nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Gia đình bên chồng di cư vào nam 1954, còn chồng cô là lính VNCH, những ngày cuối tháng 4 ông chú dượng tôi quyết định di tản. Nhưng bà cô tôi lại vương vấn cha mẹ già (ông bà nội tôi) nên không chịu đi. Và thế là chú dắt 2 đứa con lớn ra tàu Mỹ ngoài khơi, còn cô tôi thì kè 2 đứa nhỏ thu dọn về ở với gia đình tôi. Trong thời gian này cô tôi luôn đau khổ, dằn vặt, hay khóc vì thương nhớ chồng con và luôn than thở không biết là đến khi nào mới gặp lại được họ. Đó là hoàn cảnh của rất nhiều gia đình ở Sài Gòn cũng như các tỉnh miền nam lúc bấy giờ, để rồi sau này tôi nghe được những cụm từ như “gửi quà”, “nhận hàng”, “vượt biên”, “đi bán chính thức”, “bảo lãnh”…

Kế đến là gia đình tôi. Ngay những ngày đầu giải phóng bộ phận tuyên huấn của Ủy ban quân quản thành phố đã làm việc hết sức tích cực và hiệu quả. Hệ thống Ô-bẹc-lơ được giăng khắp các khu phố để nhân dân đều được nghe, ngoài ra còn họp tổ dân phố thường xuyên để phổ biến các chính sách mới. Dân Sài Gòn giờ đây nhận ra rằng không có tắm máu như những gì chế độ cũ tuyên truyền nên cũng đã tích cực hợp tác với chính quyền mới và sẳn sàng chấp hành các chủ trương chính sách. Bố tôi cũng vậy, ông đăng ký trình diện ngay khi có lệnh của chính quyền. Và cụm từ “học tập cải tạo” cũng được nghe từ những ngày đầu giải phóng. Các ông “lính ngụy” (đây cũng là từ mới đối với tôi lúc đó, từ dùng chỉ các quân nhân VNCH) phải tập trung để học tập đường lối chính sách mới của Đảng và nhà nước, được cải tạo để trở thành công dân tốt cho xã hội. Sau khi đăng ký bố tôi về bảo phải tập trung một tuần lễ ở quân trường Quang Trung (là trung tâm huấn luyện đào tạo quân nhân chế độ cũ, thuộc huyện Hóc Môn, TP. HCM bây giờ). Và thế là mẹ tôi chuẩn bị cho ông 1 lon guigoz chà bông (Guigoz là thương hiệu sữa bột của Pháp có vỏ lon bằng nhôm được dùng rất phổ biến ở Sài Gòn trước 1975, các bà nội trợ thường dùng lon để đựng cơm, nước, thức ăn khô, đường muối v.v…) và vài bộ đồ đủ cho ông yên tâm học tập trong một tuần. Nhưng bà và gia đình tôi tưởng chỉ là cuộc chia tay ngắn ngủi vài ngày, nào ngờ cha con, chồng vợ lại xa cách nhau hơn 2 năm trời. Nhưng thời gian bao nhiêu đó vẫn còn là sự may mắn, không là bao, vì như các bạn biết, có những cuộc chia ly hơn một thập niên mới đoàn tụ được.

Bố tôi đi được hơn tuần lễ thì mẹ tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu, nghe ngóng tin tức, số phận của chồng. Không biết bằng cách nào mà bà kết nối được với các bà vợ có chồng cùng học tập cải tạo chung trại nhau và còn biết được các ông đang tập trung ở đâu nữa!? Nêu tôi nhớ không lầm thì khoảng hơn 1 năm sau bắt đầu có chính sách cho thăm những người học tập cải tạo (tôi biết thêm từ mới nữa “thăm nuôi”). Ngày gia đình tôi nhận được giấy báo thăm nuôi là ngày rất vui, nhất là mẹ tôi, bà chuẩn bị mọi thứ rất chu đáo, nào quần áo, nào lương khô, xôi gà, trái cây…Cả gia đình: ông bà, mẹ tôi và 7 nhóc tì dậy từ sớm đón xe đi Long Giao (thuộc tỉnh Long Khánh). Trước khi vào láng thăm nuôi, các chú bộ đội xem xét rất cẩn thận đồ đạt mẹ tôi đem theo và họ chỉ giữ lại toàn bộ số lương khô của bà định gởi cho chồng (vì sao thì các bạn đã biết). Ông bà và mẹ tôi đã rớt nước mắt khi đang ngồi đợi thì bổng thấy một đoàn người đi vào cửa trại, trong đó có bố tôi. Ông đang vác một khúc gỗ trên vai. Chúng tôi nhao nhao lên: “Bố ơi! Bố ơi!”. Ông sửng người, tái mặt đi do xúc động và bất ngờ. Giây phút trùng phùng thật là vui và hạnh phúc. Bố tôi trông khỏe khoắn, rắn chắc hơn lúc làm lính kiểng nhiều. Lúc đó cũng như sau này, ông rất ít nói về cuộc sống của ông ở trại.Tôi cũng không hiểu vì sao? Sau này tôi nghĩ thời gian học tập cải tạo đã ghi dấu rất là sâu đậm trong tâm trí của ông và ông cũng không muốn nói nhiều về nó, kể cả người thân(?). Ông chỉ cho biết ông đã trải qua hơn nữa năm trời “học tập” tại đảo Phú Quốc. Và tại sao phải ra đó “học tập” thì chỉ có trời mới biết!? Sau kỳ thăm nuôi đó, gia đình tôi còn được tái ngộ nhau một lần nữa rồi ông được “hưởng chính sách khoan hồng” về đoàn tụ với người thân. Những người “cải tạo tốt” như bố tôi sau khi được về nhà thì phải chấp hành một chính sách mới của nhà nước là đi “xây dựng vùng kinh tế mới” (thêm một cụm từ phổ biến cho dân Sài Gòn bắt đầu từ năm 1976). Các bộ chính sách bảo thành phần như ông là một trong những đối tượng cần phải sống với “sức lao động chân chính” của mình ở xã hội mới, không còn sự “phồn vinh giả tạo”, sống nhờ vào bọn đế quốc nữa (các đối tượng khác có thể là dân thất nghiệp, du côn, giới chủ tư sản…).

Có chia ly nhưng cũng có đoàn tụ. Cũng không biết bằng cách nào, ông nội tôi liên lạc được với 2 người em gái ruột của ông sống ở ngoài bắc. Ông tôi đưa gia đình vào nam từ những năm còn chiến tranh với Pháp. Hai bà cô tôi mau chóng đi theo đoàn tàu hỏa Thống Nhất vào Sài Gòn thăm ông tôi. Sau hơn 35 năm anh em gặp lại mừng mừng tủi tủi. Vài tháng cho tới vài năm sau các cô chú, anh em họ hàng nhà tôi ngoài bắc thay phiên nhau vào thăm gia đình tôi. Thật là vui hết sức. Lúc này họ đã thật sự thấy và so sánh được 2 cuộc sống của người dân dưới 2 chính thể. Và thật là không đúng mấy với những gì mà họ nghe được qua hệ thống thông tin, tuyên truyền của nhà nước XHCN.

Vài tháng sau ngày hòa bình cuộc sống hình như bắt đầu khó khăn hơn. Mẹ tôi đi chợ về nói chợ búa lúc này sao hàng hóa thưa thớt mà lại mắc mỏ quá!. Có lẽ những người lãnh đạo mới nhận định tình hình kinh tế khó khăn một phần là do bọn gian thương đầu cơ tích trữ, là do sự lũng đoạn của bọn tư sản mại bản nên vào những tháng cuối năm 1975, người Sài Gòn lại trải qua những sự kiện không thể nào quên.
Nhà tôi có một xưởng sản xuất các mặt hàng nhôm gia dụng như nồi niêu, ấm nước, bình trà…Xưởng có hơn chục người thợ lành nghề cùng nhiều máy móc cơ khí, sản xuất từ nhôm tròn nhập cảng ra đến sản phẩm hoàn chỉnh và bỏ mối khắp nơi. Chiến dịch “đánh tư sản mại bản” đã ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình chúng tôi. Thời điểm đó (khoảng tháng 9/1975), đi tới đâu cũng nghe người ta nói nhà này bị kiểm kê, nhà kia bị niêm phong. Những gia đình bị cho là tư sản thương nghiệp không được ra khỏi nhà, phải kê khai tài sản cho tổ công tác, nếu không thành khẩn thì sẽ bị lục soát bới tung nhà cửa để tìm kiếm tiền, vàng, đô-la. Sau khi kê khai và tịch biên tài sản, kể cả nhà đang ở xong thì họ chỉ còn lại một số ít tiền để đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Thằng bạn học của tôi có ông chú họ nhập cảng nệm mút buôn bán rất lớn. Một ngày tổ công tác đến niêm phong, bắt kê khai tài sản, không cho ai ra vào mấy ngày liền. Hôm đó, tự nhiên nhà ông ấy bốc cháy ngùn ngụt, cả nhà tháo chạy tán loạn. Ông chú nó bị phỏng nặng. Nhưng sau này ổng kể lại với bố nó là chính tay ổng đốt nhà nhằm lợi dụng sự hoảng loạn mà “tẩu tán tài sản”. Sản phẩm làm ra của xưởng nhôm gia đình tôi đã bị ứ đọng rất nhiều vì một số đầu mối lớn bao tiêu sản phẩm đó do ảnh hưởng trực tiếp của chiến dịch “đánh tư sản” đã không còn nữa. Sản phẩm tồn kho không bán được lấy tiền đâu trả lương thợ, và lo bữa ăn cho cha mẹ già cùng đàn con nheo nhóc, mẹ tôi đành chất hàng lên xe chở ra các chợ nhỏ bày bán trực tiếp. Sau giờ học tôi cũng theo bà ra chợ ngồi bán hàng đấy! Trong giới sản xuất hàng hóa còn đồn nhau rằng sau “đánh tư sản” thì đến “đánh tiểu thủ công nghiệp”. Thế là ông bà và mẹ tôi lại càng hoang mang lo sợ. Không biết mẹ tôi có “tẩu tán tài sản” hay không nhưng anh chị em tôi thì tích cực giấu giếm tài sản quý giá của mình. Tài sản của chúng tôi chính là những cuốn truyện mua bằng tiền ăn sáng của mình. Các chị tôi thì đọc tủ sách Tuổi Hoa tím (tiểu thuyết dành cho lức tuổi 17 – 18), Tuổi Hoa xanh (dành cho lứa 15-16), còn tôi thì đọc Tuổi Hoa đỏ (thường là tiểu thuyết trinh thám, phiêu lưu rất hay), ngoài ra tôi còn một đống truyện tranh của nhà xuất bản Sách Vàng là truyện dịch các bộ Phan Tân- Sĩ Phú, Tin –tin, Lữ Hân-Phi Lục, Xì-trum…và cả chồng tạp chí “Tuổi Hai Mươi” chuyên viết bài bình luận, giới thiệu các phim võ hiệp Hong-Kong, với các tài tử Vương Vũ, Trần Tinh, Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long v.v…mà thời trước giải phóng làm mưa làm gió ở các rạp xi-nê. Các anh chị phụ trách đoàn thể nói với chúng tôi đó là những sản phẩm văn hóa độc hại cần phải tiêu hủy. Còn mẹ tôi thì nói các con phải xé bỏ đi sợ khi bị “đánh” người ta thấy thì “tội” sẽ nặng thêm (!?). Anh chị em tôi tiếc quá, rứt ra từng trang đôi một dồn vào bao bỏ ở sân trước nhà để sau này nếu không bị gì thì ráp vào lại. Nhưng thời gian sau khi nhà trường kêu gọi đóng góp “kế hoạch nhỏ” (thu lượm ve chai, giấy vụn góp phần…xây dựng đất nước) thì chúng tôi gom đi nộp hết.

Có tiền vào lúc này cũng không phải là sướng vì không có nhiều hàng hóa và lương thực để mua. Mua gạo thì phải có sổ, mua thịt cá và các đồ tiêu dùng thiết yếu khác thì được cấp tem phiếu theo tiêu chuẩn hộ gia đình. Đến kỳ mua gạo phải cầm sổ ra cửa hàng xếp hàng từ sớm. Vì thế mới có cụm từ “mất sổ gạo” để chỉ những những khuôn mặt buồn thiu, thất thần. Rồi đến gạo cũng ít dần đi thay vào đó là khoai lang, khoai mì, bột mì, bo bo (như một giống lúa mạch đen, giống hạt lúa mì, nhưng kém dinh dưỡng hơn, có thể nấu như cơm được_nguồn: Wikipedia). Tôi lại biết thêm từ “ăn độn”. Bếp ga thì nhà tôi đã sử dụng từ lâu trước giải phóng, nay để xếp xó, thay vào đó là bếp dầu. Rồi dầu cũng không có để mà đun, đến bếp than củi. Rồi than củi cũng không, đến than đá bùn, mà còn phải mua bằng tem tiêu chuẩn, xong đem về trộn nắm lại từng cục phơi khô mà dùng. Điện nước cúp là chuyện thường ngày. Sáng 6 giờ cúp đến 4 giờ chiều. Còn nước sạch không biết có sạch hay không mà tụi nhóc chúng tôi hầu như đứa nào cũng bị bệnh ghẻ hành hạ. Sáng mở mắt ra tay chân mình mẩy nhức nhối vì mục ghẻ mưng mủ mọc đầy. Vào lớp thì hơn nữa lớp bị ghẻ, thật khổ. Mẹ tôi dùng thuốc đỏ pha với thuốc pi (thuốc kháng sinh Penicillin, được dùng phổ biến lúc bấy giờ) mà xức cho chúng tôi, đứa nào tay chân đầu cổ cũng đánh dấu đỏ chóe. Tôi còn nhớ lúc đó chúng tôi thường nghêu ngao bài nhạc chế từ bài “Tình đất đỏ miền đông”: “…Ai đã ăn mì và lang ngứa ghẻ, ba bốn bữa thì ghẻ nổi tưng bừng, ghẻ sau lưng cùng chân tay ngứa, méo mặt xếp hàng mua thuốc đem về bôi…”. Còn đoạn cuối thì hát: “…Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì ngán quá. Từ giải phóng vô đây, ăn khoai mì dài dài, từ giải phóng vô đây, ăn khoai mì trừ cơm”.

Một sự kiện “kinh thiên động địa” tác động đến người dân miền nam nữa là “đổi tiền”. Có lẽ chính quyền nhận định rằng sau đợt “đánh tư sản” vừa qua, bọn “kẻ thù của người lao động “ đã tẩu tán được nhiều tiền bạc nên chỉ ít ngày sau, cùng trong tháng đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cho triển khai chiến dịch đổi tiền. Mội hộ chỉ được đổi tối đa 100.000 đ tiền chế độ cũ lấy tiền mới với tỉ lệ 500 đồng cũ = 1 đồng mới. Vậy là về cơ bản xóa bỏ được chênh lệch giàu nghèo(?). Chiến dịch triển khai từ tối 21/9/1975 và đến sáng ngày 23/9 ai chưa kịp đổi thì tiền trong tay chỉ là mớ giấy lộn. Còn tiền gửi trong ngân hàng thì hầu như mất trắng. Chúng tôi còn nghe hàng xóm kháo nhau: ở Chợ lớn (từ người Sài Gòn thường gọi khu vực quận 5, quận 6 bây giờ) có người ném mấy bao tiền từ nhà lầu cao xuống đất, sau đó thì lao theo mà chết. Từ đó cho đến nay còn 2 đợt đổi tiền nữa là vào tháng 5/1978 và tháng 9/1985.
Hình như dân Sài Gòn quen sống trong vật chất đầy đủ nhiều năm rồi nên giờ gặp thiếu thốn, cực khổ thì “thiếu kiên định”. Vì thế có một bộ phận trong dân chúng tìm cách di tản lần nữa. Và tôi biết thêm từ “vượt biên”. Tôi và những đứa trẻ cùng lứa trong xóm thường hay tụ tập đá bóng trên vỉa gần nhà. Chúng tôi để ý mấy ngày qua căn nhà của vợ chồng ông hàng xóm cùng 3 đứa con sao cửa khóa ngoài im ỉm suốt. Đùng một cái người của chính quyền tới phá khóa cửa vào kê biên và dán niêm phong tài sản. Thì ra họ đã vượt biên trốn ra nước ngoài. Cuộc sống “tự lập tự cường” quá cực khổ, tinh thần hô hào thì mạnh mẽ đấy nhưng bụng thì đói meo, thiếu thốn đủ thứ. Ngoài ra người dân có thể vì tác động của các đài Việt ngữ nước ngoài kêu gào tìm tự do no ấm, vì sự hấp dẫn từ những thùng quà thơm phức gởi từ hải ngoại về của người thân đi trước ngày 30/4, vì muốn đoàn tụ, họ đã bất chấp hiểm nguy ngoài đại dương, tốn biết bao của cải, sinh mạng để được tới “Thế giới tự do”. Bà cô em bố tôi sau thời gian buồn khổ day dứt nhớ chồng con hơn 4 năm trời, bà cũng xin phép ông bà nội và mẹ tôi đưa 2 đứa con vượt biên theo dạng “bán chính thức” (đi theo nạn hoa kiều về nước do bất hòa căng thẳng giữa 2 chính phủ CS Việt Nam và Tàu). Chi phí là 10 lượng vàng một người, nộp cho Công An và lên tàu ra phao số không. Ơn trời! họ đã đi được đến một quần đảo của Mã Lai và vài năm sau chú dượng tôi đã bảo lãnh được họ qua Mỹ. Bây giờ 2 thằng em tôi đã học hành và làm việc thành đạt bên đó, một làm Bác Sĩ, một Nha Sĩ. Còn anh chị em chúng tôi thì bố mẹ tôi dứt khoát không cho đi dù có khả năng, vì sao thì tôi không biết, hay có lẽ là ông bà không muốn có sự chia ly lần nữa.

Chú họ tôi là bộ đội tập kết, sau giải phóng ổng vào nam và chuyển ngành làm trong ngành xây dựng. Vì vậy ổng đã “chạy” cho bố tôi vào làm công nhân trong công ty ổng, nên bố tôi khỏi phải đi “kinh tế mới”. Mẹ tôi vẫn trông coi xưởng nhôm và cùng vài anh em trong nghề lập nên một tổ hợp sản xuất đồ nhôm gia dụng khi chính sách “kinh tế tập thể” được áp dụng ở miền nam. Chúng tôi vẫn được ăn học cho dù cuộc sống hết sức khó khăn. Dưới mái trường XHCN chúng tôi được giáo dục đủ thứ có lẽ mục đích để sau này thành trở thành người toàn diện. Chúng tôi cứ 2 học sinh dùng chung một bộ sách giáo khoa được truyền lại từ các anh chị lớp trước (có cuốn ghi chú chi chít). Giấy sách vở thì vừa vàng vừa đen, đặt bút xuống mực thấm lem luôn qua trang kia, thậm chí vở còn không được đóng kim và không có bìa. Tôi cứ lấy cọng thun (chun) buộc lại và học. Viết nguyên tử thì khi hết mực được bơm đi bơm lại nhiều lần, viết lúc ra lúc không. Nhưng được cái lúc đó cha mẹ tôi không tốn một xu tiền học phí, vì đúng nghĩa giáo dục là sự nghiệp, học sinh đi học khỏi đóng tiền. 7, 8 đứa trẻ cứ dắt díu nhau đi bộ tới trường, không cần ai đưa đón suốt 12 năm học.

Dù là sống trong hòa bình nhưng bóng ma chiến tranh vẫn lởn vởn đâu đó. Cũng còn nhiều sự kiện đáng nhớ như “bọn phản động” phá hoại (nổ ở Hồ con rùa, quận 3), fulro ở Tây Nguyên, và nhất là 2 cuộc chiến tranh biên giới Campuchia và phía bắc. Đến thời điểm 1986 trở đi cụm từ “đổi mới tư duy” được nghe ở khắp nơi và cuộc sống của người dân Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung bắt đầu được lật sang một trang mới tốt hơn, dễ thở hơn, năng động hơn…

Đến ngày nay đã 40 năm từ những ngày vui năm ấy, thời gian qua nhanh qúa!, còn nhiều và rất nhiều điều muốn nói, muốn viết ra cho chúng ta, cho thế hệ sau….Nhưng…………………

HẾT
Cảm xúc gần những ngày cuối tháng 4…
Tại Tân Kiên, Bình Chánh
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

huybom

Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975 (phần 2)

Hay bác................
 

phamdau

New Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975 (phần 2)

Đến ngày nay đã 40 năm từ những ngày vui năm ấy, thời gian qua nhanh qúa!,
 

chuot

New Member
Ðề: Ký ức về những ngày cuối tháng 4 năm 1975 (phần 2)

Cảm ơn bác chủ. Em rất thích những bài kiểu hồi ký kể lại, rất chân thực
 
Bên trên