Meryl Streep

6a00d834516b9669e20163021c1cde970d-pi


Tôi viết những dòng này trong khi lễ trao giải Oscar lần thứ 84 (2012) đang diễn ra ở nhà hát Kodak và vì năm nay chương trình không được truyền hình trực tiếp ở Việt Nam nên những fan điện ảnh đang nóng lòng như ngồi trên lửa chờ xem những diễn viên nào, bộ phim nào sẽ thắng... Với riêng tôi, Oscar năm nay là một mùa giải đặc biệt vì trong danh sách đề cử một lần nữa lại có minh tinh màn bạc mà mình ngưỡng mộ Meryl Streep. Tối qua, tôi đã tranh thủ xem hết bộ phim Iron Lady trước khi Oscar trao giải và cảm tưởng đầu tiên là sự choáng ngợp với sự hóa thân tuyệt vời của Meryl Streep. Lòng tự nhủ lòng chắc rằng Meryl sẽ thắng.

Và đúng y như thế. Ngày hôm sau, Oscar 2012 một lần nữa lại gọi tên Meryl Streep.

Lần đầu tiên xem Maryl Streep và kết ngay từ đó là khi xem bộ phim The Bridges of Madison County. Đó là bộ phim nằm trong số ít những phim xưa cũ mà tôi có thể xem đi xem lại nhiều lần mà không bao giờ thấy chán. Điều kỳ lạ là bộ phim chỉ quanh đi quẩn lại hai nhân vật chính, bối cảnh cũng chỉ loanh quanh vài chỗ, thế mà cuốn hút đến ám ảnh. Lần nào xem lại cũng cứ nguyên cảm giác háo hức và say mê như ban đầu. Không phải là xảo thuật điện ảnh, cũng chẳng phải là cốt truyện, dù rất hay, vậy thì cái gì đã thu hút tôi đến thế nếu không phải là diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính. Mà tôi rất thích dạng phim ít nhân vật bởi vì khi đó cái tài của diễn viên được bộc lộ rõ ràng nhất. Thông thường, những bộ phim xây dựng dựa theo một tác phẩm văn học ăn khách hay bị người xem chê là không bằng truyện, không diễn tả hết được những hình ảnh đẹp trong truyện, nhưng The Brideges of Madison County là tác phẩm hiếm hoi làm được điều ngược lại, nghĩa là phim ra đời sau lại góp phần làm cho tiểu thuyết thêm hút độc giả. Và điều đó là nhờ vào cái tài của đạo diễn và diễn viên. Cùng với Meryl Streep, nhân vật chính còn lại chính là đạo diễn của bộ phim và thật bất ngờ diễn viên kiêm đạo diễnClint Eastwood, vốn thường đóng westerns và hành động lại có thể vào vai lãng mạn ngọt và duyên đến thế.

Và kể từ đó, tôi xem tất cả những phim nào có Maryl Streep đóng và thật sự ngỡ ngàng vì sự duyên dáng và tài hóa thân của chị. Streep không phải là một tuyệt tác mỹ nhân của Hollywood, nhưng cái duyên ngầm của chị đã đánh bại các mỹ nhân khác. Còn tài hóa thân của Streep thì khỏi chê. Chị có thể đóng đủ loại vai, cả bi lẫn hài, chính kịch lẫn giải trí và kể cả nhạc kịch. Từ một phụ nữ lãng mạn trong The Bridges of Madison County, Meryl hóa thân thành một phụ nữ trong thiên tình sử Out of Africa, nhà văn trong The Hours, bà soeur nghiêm khắt trong Doubt, một đầu bếp tài ba và hài hước trong Julie & Julia, chuyên gia tư vấn tâm lý trong Prime cho đến bà mẹ nhí nhảnh trong Mamma Mia, người phụ nữ hồi xuân trong It's Complicated, rồi nữ thủ tướng nổi tiếng mệnh danh người đàn bà thép Margaret Thatcher của nước Anh... Tất cả đều được Meryl thể hiện một cách xuất sắc và tự nhiên, diễn mà như không diễn. Tất cả những thể loại dường như đều quá dễ dàng với Streep. Chính vì thế mà đạo diễn tài ba Clint Eastwood đã không ngần ngại xem Meryl Streep là diễn viên vĩ đại nhất theo ông, còn đạo diễn của Mamma Mia thì cho rằng Meryl diễn musical, vốn thường do ca sĩ đóng, dễ dàng như ăn kẹo. Mà thật vậy, khó hình dung một Meryl Streep gần 60 tuổi có thể sắm một vai có phần nhí nhảnh và phải ca hát và nhảy múa như thế. Tôi không biết gì nhiều về thủ tướng Margaret Thatcher, chỉ là những hình ảnh thoáng qua trên báo chí, truyền hình thời bà còn tại vị. Cho nên tôi không so sánh nhân vật trong phim và nguyên mẫu ngoài đời được. Thế nhưng, những ai theo dõi sự nghiệp diễn xuất của Meryl Streep, xem chị diễn, bỏ qua chuyện giống hay không giống, thì đọng lại sự lột xác hết sức ngoạn mục từ cái nhìn, phong cách, giọng nói, cách phát âm giọng Anh được Streep diễn đạt một cách tài tình đến nỗi biên tập viên Charles McGrath của báo The New York Times thậm chí phải thốt lên: "Streep còn giống Thatcher hơn cả Thatcher!". Một phụ nữ Mỹ chính hiệu lại được mời vào vai một nhân vật biểu tượng của nước Anh, đó là điều không phải dễ dàng và đương nhiên cũng đã vấp phải những phản ứng của dân Anh, thế nhưng cuối cùng, chính người Anh đã phải trao cho Streep giải thưởng cao quý của BAFTA và Oscar một lần nữa cũng vinh danh chị trong vai này.

17 lần đề cử và 3 lần chiến thắng, Meryl Streep là người đang nắm giữ kỷ lục diễn viên được đề cử nhiều nhất của giải Oscar, 25 lần đề cử Quả cầu vàng và 6 lần được giải, đó là chưa kể đến những giải thưởng khác của SAG, BAFTA , Cannes, Tony, Emmy... một niềm vinh hạnh quá lớn đến mức "nhàm" như chính chị khi lên nhận giải đã tự trào rằng "Tôi như nghe cả một nửa nước Mỹ kêu lên rằng lại là bà này nữa ư" Một câu nói vừa khiêm tốn lại vừa kiêu hãnh. Nhìn vào ánh mắt và cái cách khán giả dự Oscar, đều là những nghệ sĩ tầm cỡ, đứng lên vỗ tay chức mừng chiến thắng của Streep với một thái độ trân trọng mới hiểu hết được sự kính trọng của những người trong giới dành cho nữ diễn viên kỳ cựu này.

Ca ngợi Meryl Streep thì thật là dư thừa. Hãy để cho chính những bộ phim của chị lên tiếng...

6a00d834516b9669e20167671da219970b-pi


6a00d834516b9669e20163062a16a0970d-pi


6a00d834516b9669e20167671da38d970b-pi


6a00d834516b9669e20163062a1709970d-pi


Nguồn: http://duonglamanh.typepad.com
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên