Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Các bạn thân mến, như tôi đã trình bày với các bạn tại đây, nay tôi xin stick mục này lên như là nơi lưu giữ tất cả các bài viết hay về kỹ thuật tổng quát, hay các bài giải thích thêm về các thuật ngữ đã được trả lời nhưng vì quá ngắn (dưới dạng hỏi – đáp) nên không lột tả hết được. Tôi sẽ cố gắng chỉnh chu cho các bài viết sao cho chúng vừa ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác, đặc biệt là hầu hết mọi người ai đọc cũng có thể hiểu được.
Vì đây chỉ là nơi chuyên chứa tài liệu, ngoài ra mỗi bài viết khi được chủ nhân post lên (ngay sau đó) đều có phần tham gia ý kiến của các thành viên. Do đó tại đây sẽ không có phần tham gia bàn tán thêm ý kiến vì sẽ làm rối và loãng các đề tài được đăng.
Tên của người viết bài được sticky sẽ được ký (in đậm) ngay cuối bài kèm với link của bài viết gốc để các bạn tiện liên lạc với người viết hoặc tham gia thảo luận ý kiến cá nhân.
Mong các bạn ủng hộ và trong khả năng xin tham gia tích cực viết bài cho chủ đề được sticky này.
Xin cảm ơn các bạn nhiều.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ðề: Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

Kiến thức cơ bản về dây dẫn và thông số kỹ thuật trong âm thanh


Trong một dàn âm thanh, sự liên kết, hỗ trợ giữa các thiết bị với nhau để tạo ra một âm thanh hoàn hảo ảnh hưởng của các thiết bị đến chất lượng âm thanh là điều mà chúng ta đã biết từ lâu. Đa số các yếu tố như dải tần số, độ méo tiếng, dải động… đều phụ thuộc vào chúng. Tuy nhiên bên cạnh các thiết bị âm thanh, ảnh hưởng của dây cáp kết nối đến chất âm của bộ dàn thì không phải ai cũng biết. Thiết kế, chất liệu và kết cấu của cáp kết nối có ảnh hưởng như thế nào đến tín hiệu âm thanh?

I. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dây dẫn


1/ Đầu tiên chúng ta xem xét các yều tố về mặt điện học

Tất cả chúng ta đều đồng tình rằng có một vài yếu tố về điện học ảnh hưởng rõ rệt đến màn trình diễn của dây cáp âm thanh. Ví dụ như các dây dẫn đều có một “sức cản” nhất định đối với tín hiệu âm thanh. “Sức cản” này gọi chung là trở kháng của dây dẫn. Trong đó, bao gồm 3 thành phần chính tạo nên là điện trở thuần (hay điện trở đối với dòng một chiều), dung kháng và cảm kháng. Điện trở thuần của dây được tính bằng ohm/m, dây càng dài điện trở thuần càng cao. Đường kính dây cáng lớn điện trở một chiều càng thấp. Trở kháng dòng xoay chiều cũng được đo bằng ohm nhưng không phụ thuộc vào độ dài của dây dẫn.

Đối với vật dẫn điện, ta cần xét đến vài tính chất cơ bản. Trong đó quan trọng nhất là Trở kháng, Dung kháng và Cảm kháng. Trở kháng thường được nói tới là điện trở một chiều. Dung kháng và Cảm kháng là các tính chất động của vật dẫn, và chỉ tồn tại nếu đang bàn tới tín hiệu xoay chiều, như tín hiệu nhạc đang được truyền qua vật dẫn.

Điện trở một chiều chỉ được coi trọng trong dây loa “nếu bạn nối một dây có đường kính nhỏ với một khoảng cách dài hàng mấy chục mét từ ampli công suất đến loa thì khi sử dụng với volume cao, giống như bạn đang “đốt cháy” đoạn dây đó. Hầu hết năng lượng tải đến loa sẽ bị tiêu tán thành sức nóng trên dây, năng lượng không được truyền đầy đủ tới cuộn dây loa để làm cho màng loa chuyển động hoàn hảo và hậu quả là dải động của âm thanh cũng bị nén rất hẹp, nghe rất yếu.

Một số yếu tố về mặt điện học gây tranh cãi nữa là hiệu ứng mặt ngoài. Chúng ta đều biết, dòng điện xoay chiều tần số cao có xu hướng chạy trên bề mặt bên ngoài của bất cứ loại dây tín hiệu nào, dù cứng hay mềm. Có một câu hỏi đặt ra là liệu yếu tố này có ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh trong dây cáp hay không? Câu trả lời là yếu tố này không quan trọng trong dải tần số âm trầm. Xét về mặt âm thanh, các chứng cứ về ảnh hưởng của “hiệu ứng mặt ngoài” này đều mang tính chủ quan. Cho dù có ảnh hưởng đi nữa bạn cũng không nhất thiết phải dùng các loại cáp đặc biệt. Rất may là hiệu ứng mặt ngoài có thể khắc phục được bằng cách sử dụng phối hợp các lõi đơn có kích thước nhỏ.

17606407670_605fd7f4ea_b.jpg


2/ Các yếu tố cơ học thì sao

Dây loa và dây tín hiệu thường gồm ba thành phần: sợi dẫn, điện môi (chất cách điện) và đầu cắm. Sợi dẫn có tác dụng truyền tín hiệu, điện môi là lớp chất cách điện bọc quanh các sợi dẫn và vỏ ngoài; còn đầu cắm là đầu nối giữa dây và thiết bị âm thanh. Những thành phần này tập hợp với nhau thành cấu trúc vật lý gọi là cấu hình dây. Mỗi thành phần đều có ảnh hưởng tới đặc tính âm thanh của dây.

Hầu hết các lõi cáp đều bao gồm các sợi đồng xoắn chặt vào nhau. Các dây dẫn lõi này được cách điện rồi bện vào nhau và bọc bởi một lớp cách điên khá,các lớp giáp chống nhiễu ,dây chịu lực và cuối cùng là một lớp vỏ ngoài để tạo nên một dây cáp hoàn chỉnh. Loại cáp đơn giản nhất phải kể đến dây tín hiệu không cân bằng (RCA interconnect). Phần lớn các dây tín hiệu cân bằng (dây balance) bao gồm hai dây lõi xoắn vào nhau, bọc bởi một lớp bảo vệ. Như vậy sẽ giúp loại bỏ các tín hiệu RFI (tín hiệu giao thoa tần số vô tuyến) bên ngoài và tín hiệu EMI (tín hiệu giao thoa điện từ) từ các dây dẫn, biến áp và các nguồn điện từ lân cận.

Nói tóm lại vô cùng phong phú trong kết cấu , nhưng kết cấu cơ bản là sợi dẫn, điện môi (chất cách điện) và đầu cắm


II. Các loại dây tín hiệu và dây loa


1000001684_day1.jpg



1/ Dây tín hiệu (Interconnect): có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đến vài volt) giữa các thiết bị nguồn (đầu đĩa than, đầu CD, tuner, đầu băng) với DAC, preampli và giữa preampli tới ampli công suất.

Dây tín hiệu cũng có một vài loại như sau:

Dây tín hiệu không cân bằng (Unbalanced Interconnect): thường có hai lõi và có đầu cắm kiểu RCA (bông sen). Nó còn được gọi là dây tín hiệu single-end.

Dây tín hiệu cân bằng (Balanced Interconnect): có ba lõi dây và sử dụng đầu nối kiểu XLR. Nó thường dùng cho các thiết bị có đầu vào và đầu ra cân bằng.

Dây tín hiệu jsố (Digital Interconnect): là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc thủy tinh hữu cơ (optical).


nordost_heimdall.jpg



2/ Dây loa (Speaker Cable): dây loa có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức cao (vài đến vài trăm volt) từ ampli đến hệ thống loa.

Dây loa cũng có một vài loại như:

Dây loa đơn (còn gọi là single-end): mỗi đầu chỉ có hai cọc đấu, dây là kiểu phổ biến nhất hiện nay.


IMG_2674.jpg

dây loa đơn


Dây loa bi-wire, tri-wire: mỗi đầu có 2 hoặc 3 cọc đấu, dùng cho các loa có thể đấu 2 hoặc 3 đường tiếng độc lập.

dây bi-wire

17767762296_406c5b6eb0_b.jpg



Cách nối tri-wire : dây tri-wire = bi-wire + cặp dây đơn hoặc ba cặp dây lõi thông thường. Khi dùng kết nối nhiều cầu hệ thống loa con sẽ hoạt động độc lập hoặc chia làm hai hoặc ba nhánh loa bass, mid/treble hoặc bass, mid, treble. Những cảm nhận về độ chi tiết (tiếng tách), độ động cao, trường âm cân bằng sẽ làm bạn ngạc nhiên.

Dây loa có nhiều kiểu đầu cắm như: đầu kim thẳng, đầu kim cong, bắp chuối, càng cua... trong đó đầu bắp chuối và càng cua là phổ biến nhất trong các dây loa cao cấp. Nếu không có yêu cầu tháo ra tháo vào nhiều, bạn có thể dùng dây loa trần để trực tiếp vào cọc ampli và cọc loa cũng rất tốt.


III. Còn chất lượng đấu dây và jack kết nối có ảnh hưởng như thế nào

Các jack nối cũng có tầm quan trọng không kém dây dẫn trong việc duy trì chất lượng âm thanh. Việc đấu cáp với các đầu nối là việc quan tâm hang đầu. Cho dù bạn đầu tư bao nhiêu tiền vào dây dẫn thì bạn vẫn có thể phải nghe những âm thanh không hay nếu bạn không biết cách đấu dây. Nhiều người vẫn thường đổ lỗi cho cáp nhưng thực chất vấn đề lại thuộc về chất lượng đấu dây. Vì vậy đấu dây và jack kết nối cũng là điều cần quan tâm ...

Các đầu cắm tốt sẽ làm cho âm thanh của dây hay lên nhiều. Người dùng luôn muốn đầu cắm của dây tiếp xúc rộng và chặt với ổ cắm của thiết bị. Một vài loại đầu RCA đôi khi có những khe nhỏ ở giữa chân cắm để nâng cao khả năng tiếp xúc với ổ cắm. Phần lớn các đầu cắm RCA cao cấp thường làm bằng đồng thông thường có pha một chút đồng thau để tăng độ cứng cho chất liệu. Hợp kim này thường được mạ bằng ni-ken, sau đó mạ vàng để tránh ôxy hóa. Ở một số đầu cắm khác, vàng được mạ trực tiếp lên đồng thau. Các chất liệu để làm đầu cắm còn có vàng và rô-đi.

Đầu cắm RCA và đầu cắm loa được hàn trực tiếp với lõi dây. Đa phần các nhà sản xuất sử dụng các chất hàn có pha chút bạc. Trong kỹ thuật hàn hiện đại, người ta không dùng chất hàn mà hàn trực tiếp sợi dẫn với đầu cắm bằng cách dùng một dòng điện lớn để làm nóng chảy điểm tiếp xúc giữa sợi dẫn và đầu cắm, khiến chúng liên kết lại với nhau, nâng cao khả năng truyền dẫn tín hiệu của dây.


IV. Và cuối cùng là thông số và vật liệu của dây dẫn trong âm thanh


1/ Thông số dây dẫn hay chỉ số AWG là gì ?

Tại sao lại quan tâm đến chỉ số này ....


1_zps09ikt9xy.jpg



AWG – American Wire Gauge là chỉ số chỉ cỡ dây dẫn theo tiêu chuẩn Mỹ. Chỉ số AWG có tỷ lệ nghịch với cỡ dây dẫn. AWG càng nhỏ thì đường kính dây dẫn càng lớn. Vì AWG được tính theo số lần qua khuôn kéo dây, để đạt được một dây có đường kính nhỏt thì cần phải kéo khối kim loại qua nhiều khuôn, số AWG chính là số khuôn mà dây được kéo qua.

Số khuôn kéo càng ít (chỉ số AWG càng nhỏ) tương đương với cỡ dây càng lớn. Chỉ số AWG có tỷ lệ nghịch với cỡ dây dẫn. Chỉ số cáp AWG càng nhỏ thì đường kính dây dẫn càng lớn. Để có chất lượng âm thanh tốt, các chuyên gia âm thanh khuyến cáo nên dùng dây có cỡ AWG 16 trở xuống, tương đương với đường kính sợi 1.29mm trở lên.

Diện tích mặt cắt ngang của dây dẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định khả năng truyền tín hiệu của dây dẫn (thuật ngữ "gauge" dùng để chỉ đường kính của dây). Kim loại màu thường được sử dụng trong dây dẫn là đồng, tuy nhiên, nó cũng có thể là nhôm hoặc các loại vật liệu khác.

Thông số cơ bản một số cáp theo American Wire Gauge

AWG - Đường kính (mm)- Tiết diện (mm2) - Tổng trở (Ohm/1Km)
15 - 1.45 - 1.65 - 10.45
16 - 1.291 - 1.31 - 13.18
17 - 1.15 - 1.04 - 16.614
18 - 1.02362 - 0.823 - 20.948
19 - 0.9116 - 0.653 - 26.414
20 - 0.8128 - 0.518 - 33.301
21 - 0.7229 - 0.41 - 41.995
22 - 0.6438 - 0.326 - 52.953
23 - 0.5733 - 0.258 - 66.798


5_zpsz0ezch2n.jpg



6_zpskmxwzqs3.jpg



Tiêu chuẩn AWG được dựa trên tổng số 44 kích cỡ dây từ 0-40, và bổ sung thêm 00, 000, 0000 cho những loại dây có kích cỡ lớn. Dù AWG công nhận đến 44 cỡ dây dẫn khác nhau, nhưng không phải cỡ dây dẫn nào cũng được sử dụng rộng rãi. Thông thường, ta chỉ cần sử dụng một số cỡ dây dẫn phổ biến. Dưới đây là những loại dây dẫn thường được sử dụng hiện nay và chỉ số AWG tương ứng của chúng:

Speaker Cable hay dây nguồn âm thanh : < 16 AWG
Cáp đồng (cho truyền hình cáp và một vài ứng dụng Ethernet): 18 và 20 AWG
Cáp Cat 5, Cat 5e, Cat 6 (đối với các mạng LAN và Ethernet): 23 và 24 AWG
Cáp điện thoại: 22 - 28 AWG


xin gửi các bác specification của chuẩn AWG


2_zpsqgzaekrx.jpg



Nghiên cứu bảng tra data sheet đầy đủ của AWG ở đây


AWG_Sizes_zpsbikcgis1.jpg



2/ Vật liệu dây dẫn

Bảng dưới đây là khả năng dận điện của một số kim loại


3_zpstpmyf0xp.jpg



Sợi dẫn thường làm từ đồng hoặc bạc. Trong các dây cao cấp, độ tinh khiết của đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Hợp kim đồng đôi khi chứa một lượng đồng nguyên chất và một phần tạp chất.

Ví dụ, một sợi dẫn có 99,997% đồng nguyên chất, tức là nó chứa 0,03% hợp chất khác (có thể là sắt, sunfua, nhôm...). Nhiều người cho rằng đồng càng tinh khiết, âm thanh càng hay. Nhiều hợp kim đồng còn có tên là OFC (đồng không ngâm ôxy). Khi chế tạo dây đồng OFC, người ta đã loại bỏ phần lớn thành phần ôxy, hay nói chính xác hơn là được rút bớt đi khỏi hợp kim đồng vì thực ra, không thể loại bỏ hoàn toàn ôxy ra khỏi đồng. Như vậy, đồng sẽ đỡ bị ôxy hóa, đảm bảo cho lõi dây giữ được khả năng truyền dẫn ổn định.

- Đồng OFC ( Oxygen Free Copper ) thường là loại đồng gần tinh khiết 99.999% sau khi đựoc triết suất đã được đưa qua dây truyền công nghệ xử lí đặc biệt để trở thành OFC.
- Còn loại đồng 99.95% chỉ là loại đồng được triết suất dưới dạng bình thường không qua công nghệ sử lí và vẫn còn nhiều tạp chất. 0.5% còn lại trong đó có rất nhiều các chất khác như kẽm, sắt, chì và 1 số chất khác.

Về 99.999% hay 99.95% phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng sản phẩm mà nhà sản xuất thêm vào hay bớt đi thành phần trong đó.

Theo kinh nghiệm bản thân thì dây đồng cho lợi dải trầm , dây bạc lợi dải cao ....

Vậy có những thông số sau đây cần quan tâm khi mua dây dẫn ...

1. Vật liệu dây dẫn nào tốt thường là đồng hoặc đồng pha bạc , hay đồng pha vàng hay bạc pha vàng ...
tùy vào loa hay hệ thống ở nhà thiếu trầm hay thiếu dải cao thì chọn loại thích hợp

Theo kinh nghiệm bản thân thì dây đồng cho lợi dải trầm , dây bạc lợi dải cao ....

thường dùng đồng OFC hay tên gọi khác là OCC deoxygenated copper conductors

2. Kích cở dây càng lớn càng tốt về mặt điện học thì dẫn càng tốt theo chuẩn AWG là <16 AWG (ví dụ 3 lõi thì 3*1.29mm trở lên) ,ngoài ra chúng ta quan tâm thông số conductor resistance thường chọn nhỏ hơn <13ohm / 1Km

ví dụ như thống số bên dưới

* Max. Conductor Resistance 10.0 Ω/km JISC3005 6 20℃
* Min. Insulation Resistance 1000 MΩ-km JISC3005 9.1 20℃
* Dielectric Strength AC. 1000 V/1 min. JISC3005 8

3. Cấu tạo :

dây dẫn điện là gì , dây mấy lõi , cáp xoắn hay cáp bẹ , lớp cách điện là gì , lớp bảo vệ bên ngoài là PVC hay là gì , cáp có lớp shield chống nhiễu hay không ? cáp có kẽm chịu lực kéo không ....

chú ý dây loa có chiều và ko nên gắn ngược chiều


4_zpsbnfji0u1.jpg



Ví dụ thông số như bên dưới :

Specifications : OCC material
•37 strands silver-plated α (Alpha) Conductor・0.25mm diameter × 1 core plus 37 strands of 0.25mm diameter μ-OFC α (Alpha) Conductor x 2 core
•Insulation: Polyethylene (Red/Natural/Yellow) 3.4mm diameter
•Inner Sheath: Flexible PVC (Black) 9.3mm diameter
•Shield: 9 x 24 strands of 0.12mm braided α (Alpha) conductor
•Sheath: Flexible PVC (Brown) approx. 12.9mm diameter

Trên đây là một vài kiến thức chia sẽ với mọi người ... xin nhận góp ý để hoàn thiện nếu anh em thấy sai sót chổ nào ... vì kiến thức là vô tận ...

Langthangvn33

Trích từ bài post gốc tại đây.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ðề: Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

Những điều cần biết trước khi mua máy tính mini


attachment.php

Thế giới thiết bị máy tính đang được thu nhỏ dần. Trong trường hợp bạn đang tìm mua một chiếc máy tính mới đủ dùng cho nhu cầu làm việc văn phòng vừa phải hay giải trí nhẹ nhàng thì máy tính mini thế hệ mới là lựa chọn đáng chú ý hơn là các máy tính to lớn kềnh càng truyền thống bởi công nghệ ngày nay đã phát triển đủ để sản xuất ra những chiếc máy tính mini trong khi sức mạnh xử lý không vì vậy mà phải đánh đổi quá mức.

Sau đây là tổng hợp một số lưu ý cần biết cho những người dùng có nhu cầu chuyển sang dùng máy tính mini do trang tin Make Use Of đề xuất.

Máy tính chỉ có bộ khung vs. Máy dùng được ngay (Barebones vs. Ready To Go)

attachment.php

Có nhiều mẫu máy tính mini để người mua tùy ý lựa chọn, trong số đó thì Intel NUC là thiết bị được chọn mua nhiều nhất. Nhưng hãy lưu ý rằng trong thế giới máy tính mini sẽ chia làm hai loại: máy chỉ có bộ khung và máy mua về là dùng được ngay.

Một chiếc máy tính chỉ có bộ khung sẽ bao gồm thùng máy, bo mạch chủ và chip xử lý còn lại thì người dùng sẽ cần mua thêm ổ cứng lưu trữ, RAM gắn thêm vào. Và lẽ dĩ nhiên là chiếc máy tính dạng này sẽ có giá rẻ hơn nhiều so với máy có sẵn mua về là dùng được ngay - cũng không khác gì so với các hệ thống máy tính lớn truyền thống. Trong trường hợp người mua muốn tận dụng lại các thành phần linh kiện của máy tính cũ sẵn có hay muốn tinh tuyển cho vừa ý thì một chiếc máy tính dạng barebone là thích hợp nhất. Đại diện sáng giá là Intel NUC5i5RYK có giá bán 340 USD.

Trong khi đó máy dùng được ngay sẽ được ráp sẵn ổ cứng lưu trữ, RAM cũng như một hệ điều hành tùy người mua chọn. Khi mua máy này, nó sẽ sẵn sàng để dùng ngay sau khi khui hộp, và là lựa chọn lý tưởng đối với những người dùng muốn nhanh gọn lẹ.

Tuy vậy, dù cho là người dùng chọn mua máy chỉ có phần khung rồi về ráp thêm hay là máy "cỗ bàn bày sẵn" thì cả hai đều cùng được trang bị các kết nối Wi-Fi, Bluetooth, USB cùng một số thành phần khác.

Không bàn phím, chuột, hay màn hình

attachment.php

Khi mua một chiếc máy tính mini, người dùng cần xác định rõ là họ chỉ có chiếc máy tính mà thôi, chứ không có thêm thứ gì khác. Họ sẽ cần mua thêm một bàn phím và chuột, một màn hình, và cả bộ loa. Đây mới chỉ là những thành phần cơ bản nhất, còn tùy nhu cầu mà người dùng sẽ mua bổ sung thêm các thành phần khác nữa.

Để tiết kiệm, thì người dùng có thể tận dụng lại những gì họ đang có, chẳng hạn như màn hình, bàn phím hay chuột và bộ loa miễn là chúng tương thích với các cổng kết nối có trên chiếc máy tính mini.

Đối với màn hình: nên để ý máy tính mini nhiều khi sẽ chỉ có một ngõ ra mini HDMI (như NUC) mà màn hình lại có cổng HDMI. Trong trường hợp này bạn phải mua loại dây chuyển đổi mini HDMI - HDMI. Còn khi gặp màn hình không có cổng HDMI thì người dùng sẽ cần có một đầu chuyển HDMI-to-DVI. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên lưu ý đến việc mua thêm một bộ giá đỡ VESA dùng cho màn hình máy tính trong trường hợp họ muốn đặt bộ PC lên trên màn hình.

Đối với bàn phím và chuột: Người dùng sẽ không thể tận dụng lại bàn phím và chuột dùng cổng PS/2 để kết nối. Các máy tính mini sẽ chỉ hỗ trợ chuột và bàn phím dùng kết nối USB hoặc Bluetooth. Thế nên, ngoài việc chọn mua đúng thì người dùng cũng cần lưu ý thêm rằng họ nên mua loại dùng kết nối Bluetooth để tiết kiệm được một cổng USB quý giá trên máy tính.

Những thứ có thể nâng cấp và không thể nâng cấp

attachment.php

Không giống như một chiếc máy tính lớn hình tháp truyền thống, thành phần linh kiện có thể nâng cấp của một chiếc máy tính mini là hết sức giới hạn. Với kích thước nhỏ bé của nó sẽ đồng nghĩa với việc bo mạch chủ không có sẵn nhiều đất trống cho các thành phần khác. Thực tế là khi mở một chiếc máy tính mini ra, người dùng sẽ thấy rằng mọi thành phần linh kiện đều được bố trí hết sức kỹ càng, tinh gọn tối đa đến độ không có lấy một khe hở để nhét thêm bất kỳ thứ nào khác vào nữa.

Vậy nên, trong khi với một chiếc máy tính để bàn truyền thống thì khi có điều kiện người dùng có thể dễ dàng nâng cấp chip xử lý lên Core i7 từ Core i3, song với máy tính mini thì điều này là không thể. Thực tế thì người dùng vẫn có thể nâng cấp CPU bằng sự trợ giúp của một... mỏ hàn khò, nhưng làm vậy là tự xé bỏ tấm phiếu bảo hành và không một nhà sản xuất nào khuyến khích hành động "em yêu khoa học" ấy. À, còn một giải pháp nữa nếu thật sự cần phải nâng cấp là... mua một chiếc máy tính dạng barebone khác, chuyển mọi linh kiện còn dùng được sang, và đem rao bán chiếc máy cũ trên mạng.

Vậy thì đâu là những thành phần mà người dùng có thể nâng cấp hay hoán chuyển? Đó chính là RAM và ổ cứng lưu trữ.

Dùng RAM cho laptop chứ không phải RAM của máy tính để bàn

attachment.php

Một lưu ý quan trọng khác nữa mà người dùng cần biết là các máy tính mini sẽ chỉ hỗ trợ RAM dùng cho máy tính xách tay chứ không dùng RAM của máy tính để bàn. Điều này có thể dễ hiểu là do kích thước của bo mạch chủ nhỏ thành ra cần RAM có kích thước nhỏ mới gắn vừa - giá của RAM dành cho laptop có cao hơn chút đỉnh so với RAM của máy tính để bàn.

Ngoài ra, trước khi mua RAM thì người dùng cũng cần kiểm tra xem có tất cả bao nhiêu khe cắm (DIMM slot). Hầu hết các máy tính mini được trang bị hai khe cắm, nhưng cũng có một số chỉ có duy nhất một khe cắm. Các bạn hẳn là không muốn lâm vào tình cảnh mua hai thanh RAM mà chỉ có một khe cắm, và thế là còn một thanh dư ra không biết dùng vào đâu. Đối với các bộ máy tính có hỗ trợ hai khe cắm RAM thì 8GB RAM là đủ cho đại đa số người dùng.

Kích thước ổ cứng lưu trữ: M.2 vs 2.5″

attachment.php

Thông thường các máy tính mini sẽ hỗ trợ hai loại ổ cứng lưu trữ M.2 và 2.5 inch. Với M.2 thì người dùng sẽ chỉ có bộ nhớ lưu trữ dạng flash trong khi với chuẩn ổ cứng 2.5 inch sẽ cho phép người dùng linh hoạt chọn giữa SSD và HDD tùy vào nhu cầu và điều kiện. Lần nữa, điều quan trọng là người dùng cần biết họ đang mua chiếc máy tính hỗ trợ loại ổ cứng nào.

M.2 là phiên bản mới hơn của “mSATA”, các SSD dạng này dài hơn và hẹp hơn một chút so với một ổ cứng SSD tiêu chuẩn. Và thực tế là chúng trông giống các thanh RAM nhiều hơn. M.2 cho tốc độ truy xuất nhanh hơn ổ cứng SSD tiêu chuẩn.

Các ổ cứng 2.5 inch thì rẻ hơn và có sức chứa lớn hơn so với M.2. Một ổ cứng SSD 2.5 inch thì nhanh hơn ổ cứng HDD 2.5 inch song bù lại ổ cứng HDD thường thường sẽ có nhiều lựa chọn về sức chứa cũng như có dung lượng nhiều hơn SSD.

Chip xử lý: Intel vs. AMD

attachment.php

Ở mặt trận máy tính để bàn thì các chip xử lý của Intel chiếm ưu thế tuyệt đối so với đối thủ của AMD. Bước sang thế giới máy tính xách tay, các chip xử lý đến từ Intel nhìn chung cũng tiết kiệm điện năng hơn so với AMD, vì vậy sẽ cho phép thời gian sử dụng pin được lâu hơn. Nhưng mọi thứ đã trở nên khác hẳn khi bước vào lĩnh vực máy tính mini.

Tuy là các máy tính mini dùng chip xử lý tương tự như của máy tính xách tay, song lúc này đây thì tuổi thọ của pin dùng không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa, do vậy thế mạnh tiết kiệm điện năng khi dùng trên laptop đã trở thành một yếu tố phụ. Hơn thế nữa, các chip xử lý của AMD gần đây đã có bước cải tiến mạnh về mặt đồ họa, giúp vượt mặt được đối thủ Intel trong cùng tầm giá.

Lẽ dĩ nhiên là các bạn sẽ không thể mua một chiếc máy tính mini Intel NUC với chip xử lý của AMD ở bên trong. Song có nhiều mẫu máy tính của các nhà sản xuất bên thứ ba được trang bị chip AMD để người dùng mặc sức lựa chọn, và chúng đều cho thấy hiệu năng xử lý đồ họa lẫn khi chơi game tốt hơn Intel, trong số này có thể kể ra mẫu máy tính Gigabyte Brix. Thêm một thực tế nữa là nếu người dùng muốn mua một chiếc máy tính mini để xây dựng bộ HTPC thì nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng nên chọn AMD hơn là Intel.

Chơi game không phải là một thế mạnh

attachment.php

Dù là các chip xử lý của AMD có tốt hơn so với Intel khi xét về hiệu suất chơi game, nhưng các máy tính mini vẫn không phải là lựa chọn lý tưởng cho các game thủ. Ngay cả các máy tính mini mạnh mẽ cũng không chắc chạy mượt mà các tựa game mới nhất. Do đó, nếu là một game thủ đích thực thì lời khuyên là không nên chọn mua máy tính mini, còn nếu chỉ chơi game theo kiểu giải trí vui vui thì dùng máy tính mini có thể ok.

Kiểm tra xem hệ điều hành là Windows hay Linux

attachment.php

Các máy tính barebone với tính chất của nó sẽ không được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows hay Linux hay bất kỳ một hệ điều hành nào. Song với các máy tính mua về là dùng liền thì vẫn có một số được cài đặt sẵn hệ điều hành và một số thì không. Thế nên, người dùng cần phải kiểm tra điều này trước khi mua, cũng như lưu ý câu chữ "có hỗ trợ Windows” hoặc “kèm theo Windows” là rất khác nhau vì “hỗ trợ” chỉ nói rằng chiếc máy tính ấy có thể chạy hệ điều hành Windows nhưng không được cài đặt sẵn.

Ngoài ra, các máy tính mini lại hoạt động tốt với hệ điều hành Linux, do đó người dùng khi mua cũng nên xem xét lựa chọn này. Và đừng quên là nếu muốn xây dựng một trung tâm media thì Linux sẽ tốt hơn do lẽ nó hoàn toàn miễn phí.

Kiểm tra kích cỡ và lựa chọn treo vào màn hình

attachment.php

Một trong những điểm thú vị nhất của dòng máy tính mini là kích cỡ nhỏ của nó, giúp người dùng có thể treo nó đằng sau màn hình hoặc tivi một cách thẩm mỹ nhất có thể. Và điều mà người dùng cần chú ý là khoảng cách giữa màn hình / tivi với tường đằng sau, tương quan kích thước giữa máy tính và màn hình / tivi để có cách bày trí cho đẹp.

Giờ thì các bạn đã biết nên chọn mua một chiếc máy tính mini cần những gì rồi, hãy "chiến" nào!


The drifter​

Trích từ bài post gốc tại đây.
 
Ðề: Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

7 thuật ngữ cần biết khi mua một ổ đĩa SSD


attachment.php

Mua một thiết bị mới lần đầu tiên thường để lại những kỷ niệm thương đau, mà nói nhẹ đi thì là "bỏ tiền mua kinh nghiệm". Các ổ cứng lưu trữ SSD cũng không phải ngoại lệ dù rằng không thể phủ nhận những tính năng vượt trội hấp dẫn của chúng so với HDD. Tại thời điểm này, hầu hết người dùng còn khá dè dặt khi chọn mua một ổ đĩa lưu trữ SSD bởi giá còn khá cao, dung lượng lưu trữ thì bị hạn chế nhiều so với lão đại HDD, chưa kể đến một số rắc rối do tương thích khi lắp vào máy tính.

Tuy vậy, người dùng cẩn thận là tốt song cũng đừng quá cả lo, thay vào đó hãy tìm cách trang bị thêm kiến thức về thiết bị lưu trữ của tương lai này. Lấy ví dụ về giá bán của một ổ cứng SSD, thực tế thì giá của mặt hàng này đã giảm kha khá trong ít năm gần đây nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ. Cụ thể hơn, nếu như cách đây 05 năm vào năm 2010 thì trung bình người dùng sẽ phải chi ra 3 USD cho một gigabyte lưu trữ, song hiện tại ở năm 2015 thì người dùng đã có thể chỉ phải chi ra 0,34 USD cho một gigabyte lưu trữ (lấy ví dụ giá bán của ổ cứng SSD Crucial BX100 500 GB là 169 USD).

attachment.php

Với ví dụ ở trên, nhìn chung thì các ổ cứng SSD vẫn có giá còn khá cao so với loại ổ cứng HDD truyền thống lâu nay khi mà một ổ cứng HDD Western Digital Blue có dung lượng gấp đôi (1 TB) có giá chỉ 53 USD. Vì vậy, nếu đặt trọng tâm vào việc tiết kiệm chi phí đầu tư thì rõ ràng là các ổ cứng HDD chắc chắn thắng SSD mà không cần phải bàn cãi gì nhiều.

Nói đi thì cũng phải nói lại, với châm ngôn Thời giờ là vàng bạc, bỏ ra một khoản đầu tư khá cao bước đầu song được lợi về tốc độ xử lý và sự thích nghi cùng tiến bộ của công nghệ tương lai sẽ là yếu tố rất nên cân nhắc. Nhưng trước hết, người dùng sẽ cần biết những thuật ngữ liên quan đến món đồ mà họ sắp mua về, để từ đó hiểu biết thêm khi mua về sẽ nhận được những lợi ích nào.

Form Factor (Cỡ đĩa)

Thuật ngữ này nói một cách đơn giản và ngắn gọn nhất là cỡ hay kích thước thực tế bao lớn của một ổ cứng SSD. Form factor là con số rất quan trọng mà người dùng cần lưu ý khi quyết định chọn mua một ổ SSD, vì nó sẽ cho biết liệu ổ cứng SSD ấy có thể gắn vừa vào bên trong máy tính hay không?

attachment.php

Với các ổ đĩa SSD, con số kích thước chung sẽ thường là 2.5 inch, vô tình lại cũng trùng với kích thước của các ổ HDD dành cho máy tính xách tay. Trong khi đó, các ổ đĩa HDD của máy tính để bàn có kích thước là 3.5 inch, nhưng người dùng hoàn toàn có thể gắn một ổ SSD 2.5 inch vô chiếc khay chuyển đổi (case adaptor) có kích thước 3.5 inch dùng cho máy tính để bàn mà không gặp trở ngại hay giảm sút nào về hiệu năng của SSD.

Một chỉ số khác mà người dùng cần quan tâm khi xét đến kích thước của ổ cứng SSD là chiều cao z (z-height), tức còn có thể hiểu là độ dày của một ổ SSD khi đặt trên mặt phẳng. Hai ổ cứng SSD có cùng kích thước 2.5 inch nhưng lại không chắc chắn rằng sẽ có chiều cao z tương tự nhau, nên rất có thể một chiếc sẽ dày hơn so với chiếc còn lại. Tuy vậy, chỉ số này chỉ quan trọng với những người mua SSD dùng cho máy tính xách tay.

IOPS (Tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên)

Khi xét về hiệu năng của một ổ cứng SSD thì thuật ngữ quan trọng tiếp theo mà người dùng cần biết và cần kiểm tra là IOPS (đọc là “eye-ops”), viết tắt của Input/Output Operations Per Second, hay có thể hiểu là tốc độ đọc và ghi (ngẫu nhiên) trong một giây.

IOPS là chỉ số dùng để đánh giá tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên các gói dữ liệu trên một khu vực ngẫu nhiên của ổ đĩa. Chỉ số này được xây dựng mô phỏng điều kiện làm việc thực tế hằng ngày của một người dùng bình thường, thường lấy tiêu chuẩn 4KB dung lượng các tập tin nhỏ như các tập tin cache của trình duyệt, cookie, page file, tài liệu... Có thể dùng công thức quy đổi từ chỉ số IOPS ra chuẩn MB/giây theo công thức sau: IOPS x 4 / 1024 = tốc độ MB/giây. Ví dụ chúng ta có chỉ số IOPS là 90.000 thì phép tính sẽ là 90.000 x 4 / 1024 = 351,56 MB/giây. Do vậy, chỉ số IOPS càng lớn càng tốt.

Người dùng cũng đừng nhầm lẫn giữa chỉ số IOPS với tốc độ đọc và ghi tuần tự thường được các nhà sản xuất quảng cáo, chẳng hạn như 550MB/giây. Đây là một thông số phép đo khác dùng để cho biết tốc độ đọc và ghi các dữ liệu lớn lên một khu vực cụ thể trên ổ đĩa. Tất nhiên là thông số này càng lớn cũng càng tốt rồi.

Write Cycles (Chu kỳ ghi)

attachment.php

Kiến trúc của một ổ đĩa SSD là tập hợp nhiều cell khác nhau nhóm thành các page, tiếp theo nhiều page khác nhau ấy sẽ nhóm thành các block. Dữ liệu trên các block này không thể ghi đè lên được, thay vào đó toàn bộ một block thông tin sẽ cần phải được xóa trước khi muốn ghi dữ liệu mới lên.

Cứ mỗi lần một block dữ liệu được xóa và ghi lên thì được gọi là một chu kỳ ghi (write cycle). Vậy đâu là lý do khiến thông số này được xem là quan trọng mà người dùng cần biết? Điều này đơn giản bởi chu kỳ ghi của các block chứa dữ liệu ấy là có giới hạn, và khi đạt đến ngưỡng thì sẽ không còn ghi thêm được dữ liệu mới vào nữa.

May mắn thay là các nhà sản xuất ổ cứng SSD cũng nhận ra điều này và có giải pháp khắc phục gọi là wear leveling. Tùy vào từng nhà sản xuất mà sẽ có công nghệ wear leveling khác nhau, nhưng tựu trung thì càng tiết kiệm chu kỳ ghi nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy cho tuổi thọ của một ổ cứng SSD.

Tin tốt là công nghệ chế tạo ổ cứng SSD hiện nay đã tiến bộ rất nhiều và giúp cho một người dùng bình thường không cần phải bận tâm nhiều nữa đến chu kỳ ghi. Mà chỉ các trung tâm lưu trữ thông tin lớn và các doanh nghiệp tầm cỡ vốn phải ghi chép hàng gigabyte dữ liệu mỗi ngày mới thật sự phải lưu tâm.

TRIM

Các ổ cứng SSD được trang bị tính năng TRIM cũng là một bước phát triển mới, hữu ích không chỉ đối với người dùng mà còn cả các nhà sản xuất trong nhiều năm qua. TRIM không phải là một dạng từ viết tắt, mà là một phương pháp được dùng để ngăn chặn sự suy giảm hiệu suất của các ổ đĩa SSD theo thời gian. Để hiểu rõ hơn về TRIM, chúng ta cần quay lại một chút về cách thức các ổ đĩa SSD lưu trữ dữ liệu.

Ở trên chúng ta đã được biết rằng các block thông tin của ổ đĩa SSD sẽ cần phải được xóa sạch trước khi đón nhận dữ liệu mới. Vậy trong trường hợp một block đã đầy phân nửa và người dùng muốn ghi đầy nửa còn lại thì họ phải làm sao? Trước tiên, người dùng (nhưng thực tế là ổ cứng sẽ làm thao tác này) sẽ phải lưu trữ nửa dữ liệu đã có lên một khu vực nào đấy, sau đó xóa block đó đi rồi tiếp theo mới ghi lại nửa dữ liệu (vừa di dời) cộng với phần dữ liệu mới muốn thêm vào.

Và lúc này đây, tính năng TRIM sẽ phát huy tác dụng. Nó sẽ cho phép các ổ SSD xóa các phần cụ thể của dữ liệu trong một block. Bằng cách này, khi có dữ liệu mới cần được ghi thì ổ đĩa sẽ không cần phải thực hiện toàn bộ các thao tác sao lưu - xóa - ghi lại, thay vào đó nó chỉ đơn giản thực hiện mỗi thao tác ghi.

MTBF (Xác suất hỏng)

MTBF là từ viết tắt của Mean Time Between Failures (tạm dịch Số giờ trung bình giữa những lần hỏng), đây là phép đo thống kê nhằm dự báo tỷ lệ hư hỏng của một ổ cứng SSD cụ thể. Phép đo này được thực hiện với 1000 ổ cứng SSD hoạt động liên tục tám giờ đồng hồ mỗi ngày, công thức tính như sau: lấy số giờ MTBF chia cho mẫu thử 1.000 (ổ cứng) chia tiếp cho tám (giờ đồng hồ). Cụ thể hơn, khi người dùng biết số giờ MTBF của một ổ cứng Samsung 850 EVO 250 GB là 1,5 triệu giờ thì có nghĩa là với 1.000 mẫu ổ cứng SSD này, hoạt động liên tục tám giờ đồng hồ / ngày sẽ có một chiếc bị hỏng sau 187,5 ngày hoạt động: 1,5 triệu giờ / 1.000 ổ cứng / 8 giờ đồng hồ một ngày = 187,5 ngày.

Hầu hết người dùng bị nhầm lẫn và diễn dịch sai con số 1,5 triệu giờ MTBF thành “chiếc ổ cứng SSD này sẽ sống thọ trung bình 1,5 triệu giờ đồng hồ”, điều này là hoàn toàn sai lầm! Vì thực tế thì 1,5 triệu giờ sẽ tương đương với... 171 năm. "Thật không thể tin nổi!" khi xét về cả tuổi thọ của người dùng lẫn sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay. Liệu có mấy người dùng sống tới 171 năm và liệu sau 171 năm thì chiếc ổ cứng ấy dùng vào việc gì, lắp được vào chiếc máy tính nào nữa mà không bị đào thải!?!?

Controller (Bộ điều khiển)

Mặc dù các ổ cứng SSD sẽ không cần nhiều đến các chip xử lý cao cấp như CPU, GPU, và ALU nhưng chúng vẫn cần có một bộ điều khiển gọi là controller, thiết bị này đóng vai trò như một chip xử lý tích hợp giúp quản lý các chức năng của một ổ SSD: đọc, ghi, wear leveling, gom rác (garbage collection) - một kiểu tương tự như chống phân mảnh ở ổ cứng HDD vậy v.v.

Mặc dù bộ điều khiển controller là một trong những yếu tố lớn giúp tạo nên sự khác biệt giữa các thương hiệu và model của ổ cứng SSD, nhưng đây lại cũng là bộ phận ít được biết đến nhiều nhất do tính chất bị cất kỹ bên trong thiết bị, nên người dùng cũng có thể bỏ qua không cần quan tâm nhiều đến nó, chỉ cần tập trung vào các thông số và đánh giá trải nghiệm tổng thể một ổ cứng hơn là riêng lẻ bộ phận controller này.

attachment.php

Kiến trúc SLC, MLC, hay TLC

Thực tế sẽ có ba nhóm ổ cứng SSD dùng kiến trúc bộ nhớ khác nhau: single-level cell (SLC), multi-level cell (MLC), và triple-level cell (TLC). Các nhóm kiến trúc bộ nhớ này cho biết sẽ có bao nhiêu bit thông tin có thể lưu trên một cell bộ nhớ (1, 2, hay 3 theo tuần tự). Với các ổ cứng dùng cho nhu cầu phổ thông thì thường là dùng kiến trúc cell bộ nhớ loại MLC hoặc TLC, trong khi với các người dùng yêu cầu cao và doanh nghiệp thì sẽ chọn loại ổ cứng dùng kiến trúc cell bộ nhớ SLC.

Lý do là vì các ổ cứng dùng kiến trúc SLC sẽ ổn định hơn nhưng giá tiền cũng đắt hơn, các ổ cứng dùng kiến trúc MLC thì có giá thành sản xuất giảm dẫn đến giá bán rẻ hơn song cũng dễ gặp phải tình trạng bị lỗi hơn. Trong khi đó, kiến trúc TLC không những mới hơn so với SLC và MLC mà còn có giá thành rẻ nhất dẫn đến giá bán cũng rẻ nhất, và... cũng dễ bị lỗi nhiều nhất.

Nhìn chung, là người dùng phổ thông và muốn tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư mua sắm cũng như có thêm nhiều dung lượng thì nên chọn mua loại ổ cứng SSD dùng kiến trúc TLC, nhưng cần nhớ là khả năng đột tử của em nó là cao nhất trong bộ ba SLC, MLC và TLC; nói vậy thôi chứ tỉ lệ hư hỏng của SSD đã được cải thiện theo thời gian và vẫn được đánh giá là ổn hơn so với HDD do không dùng cơ chế ghi dữ liệu bằng đĩa kim loại và đầu từ. Những người dùng đòi hỏi cao về sự ổn định và rủng rỉnh hầu bao thì tất nhiên nên chọn ổ cứng SSD dùng kiến trúc SLC. Còn nếu muốn dung hòa vừa sự ổn định vừa tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó thì các ổ cứng dùng kiến trúc MLC là lựa chọn đúng đắn nhất.

Kết luận

Trên đây là bài tổng hợp các thuật ngữ thường gặp nhất khi người dùng chọn mua một ổ cứng SSD. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trong khâu mua sắm và không còn nhầm lẫn rằng tuổi thọ trung bình của một chiếc ổ cứng SSD là... 171 năm!

The drifter​


Trích từ bài post gốc tại đây.
 
Ðề: Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

Các định dạng 3D thông dụng


Side-by-side, Top-and-bottom và Frame-packing là ba định dạng phổ biến trên hầu hết các phim 3D hiện nay, trong đó Frame-packing cho chất lượng 3D tốt nhất.


Công nghệ hình ảnh nổi 3D chiều không phải là một điều quá mới mẻ. Thực tế, ngay từ giữa những năm 1800, các thiết bị cho phép hiển thị các bức hình ảnh nổi với hiệu ứng 3 chiều đã xuất hện dưới tên gọi stereoscope.
Trong khi đó, bộ phim 3D anaglyph (sử dụng công nghệ lọc màu) đã được sản xuất từ đầu những năm 1900. Cho tới những năm 1950, khi TV trở nên phổ biến ở các gia đình tại Mỹ, dòng phim 3D cũng bắt đầu xuất hiện một cách chính thống.
Trải qua nhiều năm, các công nghệ trình chiếu 3D cũng lần lượt có được các bước cải tiến về cả cách thức tạo ra hình ảnh lẫn chất lượng. Hình ảnh 3D ngày nay có chất lượng, hiệu ứng chiều sâu tốt hơn, được tạo ra từ việc kết hợp hai hình ảnh riêng biệt, một được thấy từ mặt trái và một được thấy từ mặt phải. Phương thức trình diễn 3D ngày nay cũng tạo ra nhiều đinh dạng 3D khác nhau dành cho TV 3D.

Dưới đây là ba định dạng 3D thông dụng, đang được nhiều hãng sản xuất TV 3D và nội dung 3D áp dụng nhất hiện nay:

Side-by-side


1000030663_sidebyside_sc_480x0.jpg

3D Side-by-side nếu xem ở chế độ 2D thông thường


Đây là định dạng được sử dụng nhiều đối với truyền hình 3D, với việc chia đôi khung hình 2D thông thường ra làm hai theo chiều ngang, phục vụ cho hình ảnh riêng biệt tới từng mắt kính trái và phải. Bởi vậy độ phân giải mà hình ảnh ở mỗi mắt thu được sẽ chỉ còn 960 x 1.080 pixel.
Thực tế, do tốc độ đường truyền dữ liệu của truyền hình 3D không thể cao bằng việc phát từ đĩa 3D Blu-ray nên các nhà sản xuất buộc phải sử dụng định dạng này. Độ phân giải của hình ảnh ba chiều, theo đó, sẽ bị hạn chế ở mức 720p và 1080i.
Người dùng cũng phải lựa chọn đúng định dạng 3D Side-by-side trên TV 3D thì mới có thể thưởng thức được các hình ảnh ba chiều. Còn nếu không, lựa chọn chế độ 3D, TV sẽ hiển thị hình ảnh bị chia đôi thành 2 khung hình khác nhau.

Ưu điểm

- Một trong 2 phương thức thông dụng nhất trong việc trình chiếu 3D.

- Có độ phân giải tối đa 720p và 1080i.

- Là định dạng thông dụng nhất ỏ truyền hình 3D.

Nhược điểm

- Độ phân giải tới mỗi mắt sẽ bị giảm một nửa khiến các hiệu ứng trở nên thấp hơn.

- Chất lượng chỉ nhỉnh hơn một chút so với chuẩn 720p ở DVD.

- Người dùng phải lựa chọn chế độ 3D Side-by-side trên TV mới có thể xem được 3D.

Sử dụng trên

- Truyền hình không dây

- Truyền hình trả tiền.


Top-and-bottom


1000030663_Top-and-bottom_480x0.jpg

Định dạng Top-and-bottom cho hình ảnh 3D thể thao đẹp hơn


Đây cũng là một định dạng 3D thông dụng nữa vốn được sử dụng nhiều ở truyền hình 3D, có chất lượng tương đương với 3D Side-by-side. Tuy nhiên, thay vì chia đôi khung hình theo chiều ngang thì Top-and-bottom lại chia hình ảnh theo chiều dọc.
Tuy nhiên, độ phân giải hình ảnh tối đa vẫn có thể đạt chuẩn 720p với số lượng điểm ảnh theo chiều ngang 1.280 pixel. Với tổng số lượng điểm ảnh theo chiều ngang lớn hơn, định dạng 3D này cho chất lượng hình ảnh nổi ở các chương trình thể thao hay các khung hình chuyển động nhanh tốt hơn so với 3D Side-by-side.

Ưu điểm

- Một trong 2 phương thức thông dụng nhất trong việc trình chiếu 3D.

- Số lượng điểm ảnh theo chiều ngang lớn hơn cho ra chất lượng hình ảnh tốt hơn khi xem các nội dung có tốc độ cao, các nội dug thể thao.

Nhược điểm

- Độ phân giải tới mỗi mắt sẽ bị giảm một nửa khiến các hiệu ứng trở nên thấp hơn.

- Chất lượng chỉ nhỉnh hơn một chút so với chuẩn 720p ở DVD.

- Người dùng phải lựa chọn chế độ 3D Top-and-bottom trên TV mới có thể xem được 3D.

- Chỉ hỗ trợ duy nhất 720p, không có 1080i.

Sử dụng trên

- Truyền hình không dây.

- Truyền hình trả tiền.


Frame-packing


1000030663_avatar_480x0.jpg

Frame-packing cho chất lượng 3D lên tới Full HD


Đây là định dạng 3D cho chất lượng hình ảnh tốt nhất hiện nay. Thay vì phát đồng thời cả hai hình ảnh cho mắt trái và phải vào một khung hình, định dạng Frame-packing sẽ lần lượt phát từng khung hình ảnh cho mắt trái và phải vào mỗi khung hình khác nhau. Nhờ vậy, độ phân giải của hình ảnh vẫn được giữ nguyên giúp tạo ra các hình ảnh nổi ba chiều tốt nhất.
Frame-packing được sử dụng trên phần lớn các bộ phim 3D Full HD 1080p ở đĩa Blu-ray và các trò chơi 3D hỗ trợ 720p trên máy console PS3. Điểm khác biệt mấu chốt của công nghệ này là việc tất cả các loại TV 3D hiện nay đều có chế độ tự động nhận diện tín hiệu 3D Frame-packing, nhờ vậy TV sẽ tự động nhận diện và phát một cách chính xác các nội dung 3D này.
Ở một số trò chơi 3D mới nhất hiện nay như Crysis 2, các hình ảnh cũng đã được tùy chỉnh lại theo định dạng Frame-packing.

Ưu điểm

- Định dạng cho chất lượng hình ảnh 3D cao nhất hiện nay.

- Tương thích với cả nội dung 720p và 1080p.

- Các mẫu TV 3D đều tự động nhận diện và bật chế độ 3D khi sử dụng định dạng này.

Nhược điểm

- Định dạng này thường được bán với giá khá đắt, xuất hiện trên đĩa Blu-ray.

- Dung lượng lớn nên nội dung sẽ bị hạn chế so với phiên bản 2D.

Sử dụng trên

- Đĩa phim Blu-ray 3D.

- Game PS3 và PC.


caothudeche​


Trích từ bài post gốc tại đây.
 
Ðề: Những bài viết hay dành cho người mới bắt đầu

Nhạc số : Chia sẻ kiến thức và bàn luận


Xin chào các bác, em là một người chơi Audio trẻ. Vì sinh ra trong thời đại digital nên gu thưởng thức của em cũng nghiêng về nhạc số chứ không phải là đĩa than, băng cối như nhiều gạo cội trong diễn đàn (nói chung em có từng nghe vinyl, rất hay nhưng em bị dị ứng với những tiếng click nổ lép bép của đĩa than, em muốn âm nền phải hoàn toàn tĩnh). Và khi đã thích thì phải tìm hiểu, đồng thời do cũng học về điện tử nên cũng có chút căn bản, em cũng tích luy được một ít kiến thức và kinh nghiệm chơi. Em xin viết cả ra đây để các bác vào bàn luận, gạch đá em xin nhận.


Phần 1 : DAC – Bộ giải mã âm thanh

Tại sao em lại viết phần này trước, bởi lẽ đây chính là con tim của hệ thống digital, tất cả những tranh cãi hay hiểu nhầm đều từ đây mà ra.

DAC, Digital Analog Converter là bộ phận tiếp nhận tín hiệu số từ transport (đầu CD, HDP,máy tính) và giải mã thành tín hiệu âm thanh có âm lượng cực nhỏ. DAC thường gồm 3 phần : phần tiếp nhận dũ liệu (USB, SPDIF,Firewire,I2S), chíp giải mã và mạch analog (gồm 2 phần là mạch cấp nguồn và mạch khuếch đại).

Chúng ta sẽ bàn về chip giải mã trước
Về chip giải mã, có 2 loại chip giải mã chính là R2R chip (Multibits Digital Analogue Converter) và Delta-Sigma chip (Timeslicing Digital Analog Converter)


1 . R2R chip


3-b062fee6b8_zpskutr86zi.jpg



Nguyên tắc hoạt động của chip này rất đơn giản.Ví dụ chip 16 bit sẽ gồm 16 cái khóa (switch), mỗi khóa sẽ tạo ra một dòng điện với cường độ khác nhau phụ thuộc và độ quan trọng của bit tương ứng (LSB là least significant bit, MSB là most significant bit). Vì dong điện phụ thuộc vào điện trở nên cách tạo ra chip này có nghĩa là bác phải chia được điện trở thành cực nhiều phần bằng nhau với độ chính xác cực cao. Đây chính là nguyên lý cơ sở của tín hiệu PCM
Đây là ví dụ bác sẽ nhận được khi chip R2R giải mã


16-bit_green.jpg



Nhìn về nguyên tắc mà nói thì loại chip này là loại chip giải mã trung thực nhất, vì bản thân quá trình giải mã là thụ động, không bị tác động bên ngoài nhiều. Tuy nhiên, nó vướng phải những khó khăn lớn đó là yêu cầu chip sản xuất có độ chính xác cao, có nghĩa là chi phí sản xuất cao dẫn đến nhà sản xuất chip cũng ko có lợi mà nhà tiêu thụ chip (các công ty sản xuất đồ âm thanh) cũng không có lợi vì giá sản phẩm của họ đội lên cao.
Hơn nữa, cũng vì là quá trình thụ động nên để nó hoạt động tốt thì nó cần 1 mạch cấp nguồn cũng chính xác không kém (và sẽ cần đến 2 nếu dùng 2 chip cho 1 DAC), nếu ko kết quả sẽ kém đi rất nhiều. Chính vì lẽ đấy các hãng sản xuất chip đều dần ngừng sản xuất loại chip này phục vụ audio (trừ chip PCM1704 của Texas Instrument, nhưng cũng chỉ hạn chế phục vụ nhưng khác hàng lâu năm như Audio GD chứ không bán đại trà). Loại chip này hầu như chỉ còn sản xuất phục vụ y tế và quân sự, vốn đòi hỏi chính xác tuyệt đối với giá thành rất đắt.


2. Delta Sigma chip


6-3c45b1aa5e_zps7ssjgm9v.jpg



Nguyên tắc hoạt động là chip 1 bit này sẽ tạo nên các pulse bằng việc chỉ dùng 1 khóa sau đó tắt bật liên tục với tần số cao (cỡ vài MHz). Điều này về lý thuyết sẽ gây ra rất nhiều nhiễu cao tần, vì vậy người ta phải dùng đến các thuật toán noise-shapping và oversampling để đẩy nhiễu về ngoài miền ngưỡng nghe. Nguyên lý Delta Sigma chính là phương pháp tạo nên tín hiệu DSD.
Đây là ví dụ về delta sigma 3 bit


3-bit_green.jpg



Sau khi biết về 2 loại chip này, và so sánh với nhau ta thấy

- Chip R2R có ưu điểm là tín hiệu trung thực với tín hiệu số hơn vì là quá trình thụ động, đồng thời ít bị ảnh hưởng bới jitter (một dạng sai lệch tín hiệu do thiết bị gây ra) vì tín hiệu PCM qua chip R2R được giải mà liên tục theo các khoảng thời gian bằng nhau.

- Nếu cùng được xây dựng mạch tốt, chip R2R cho âm thanh có đặc trưng âm tốt hơn (thể hiện âm sắc của nhạc cụ tốt hơn), tuy nhiên chip Delta Sigma lại cho đặc trưng 3D, âm trường và chi tiết trên tổng thể lớn hơn (do dùng nhiều thuật toán nội suy hơn)

- Chip Delta-Sigma dễ xây dựng mạch hơn và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với chip R2R. Tuy nhiên Chip Delta Sigma lại cực mẫn cảm với jitter (do pulse được dựng trên các khoảng thời gian ko đều nên khi có sự trễ sẽ khiến tín hiệu bị thay đổi nặng), chính vì vậy người ta mới phải dùng clock xịn với các DAC tuyển, ví dụ như con Geek Pulse Sfi của em có clock 82 femto giây (1 femto = 10^-15)
Một yếu điểm lớn của chip Delta Sigma là độ nhiễu cao, kể cả khi đã dùng noise shapping nên các nhà sản xuất từ đầu những năm 2000 đã không còn sử dung chip delta-sigma 1 bit nữa dùng phương pháp là hybrid, tức là chip gồm 8 kênh thì có 6 kênh hoạt động kiểu R2R sau đó mới nối vào 2 kênh delta sigma còn lại, điều này làm nhiễu của chip giảm đi đáng kể .

Với những sự hiểu biết về chip này, chúng ta có thể đặt ra các vấn đề


1. Upsampling có cần thiết không?

Đây là 1 câu hỏi khó và tùy theo sở thích từng người. Tuy nhiên, trên thực tế thì trừ những DAC đời đầu (sản xuất trước thập niên 90), còn hầu như tất cả những DAC sau này, dung chip R2R hay Delta-Sigma đều sử dụng thuật toán upsampling trong xử lý tín hiệu. Đặc biệt là chip Delta Sigma thì upsampling là điều bắt buộc. Các bác nếu đã dung các DAC mới hiện nay và nói là không upsampling để giữ nguyên sự trung thực của tín hiệu thì thật ra các bác chỉ tự dối mình thôi.


2. Tại sao lại phải upsampling (hay oversampling) tín hiệu

Sẽ có bác hỏi là tại sao không giữ nguyên mà giải mã, phải oversampling làm gì. Lý do là vì trong xử lý audio có 1 thứ gọi là cut-off filter. Khi các bác giải mã tín hiệu xong (dù dùng chip gì) thì trong tín hiệu vẫn còn rất nhiều tín hiệu nhiễu cao tần làm giảm chất lượng âm thanh. Do đó người ta phải dùng cắt bớt đi. Tuy nhiên nếu bandwith là 44,1kHz thì bác sẽ phải cắt rất phũ tín hiệu từ 22-24kHz, làm mất đi tín hiệu âm thanh. Tuy nhiên nếu upsampling bandwidth lên 176kHz chẳng hạn thì tín hiệu không đổi nhưng với bandwidth rộng gấp 4 lần, người ta có thể thiết kế dễ dàng các filter cắt làm sao cho tín hiệu có độ nhiễu cao tần phù hợp mà vẫn giữ được tốt nhất tính tự nhiên của âm thanh.


3. Upsampling và oversampling có gì khác nhau, và dùng thế nào

Về bản chất oversampling là quá trình em nói ở trên dùng ngay trong chip còn upsampling là dùng chip xử lý của máy tính hay DAC có hỗ trợ tạo nên 1 file khác, sau đó khi DAC giải mã lại oversampling 1 lần nữa.
Điều này có tốt không?. Theo quan điểm của em thì nếu bộ code của chương trình upsampling đủ tốt thì sẽ có kết quả tich cực. Tuy nhiên theo em đã thử nghiệm thì chỉ có bộ filter của Signalyst HQPlayer là đủ tốt, còn nếu bác định upsampling bằng foobar hay jriver thì tốt nhất để nguyên vì bộ upsampling code của nó rất kém, thà để nguyên cho xong.
Nếu định upsampling bằng hardware thì tốt nhất chỉ dùng với những con flagship của các hang vì chỉ những con tầm đấy họ mới có thể chia tài nguyên để tạo 1 bộ code chất lượng. Bộ upsampling code của Mytek 192 DSD theo ý kiến của em còn thua xa bộ code của HQPlayer.


4. Sẽ có bác hỏi : Chip R2R có nhiều ưu điểm vậy thì chỉ cần mua đầu CD thời những năm 80 là đủ, ko cần DAC làm gì.

Thật ra theo em điều này không đúng vì những đầu CD và DAC thời đầu, các kỹ sư chuyên analog mới làm quen với digital nên họ mắc phải nhiều lỗi, nhất là ở cut-off filter nên âm dù có đặc trưng âm (timbre) tốt nhưng khi nghe vẫn bị gắt, bị bí. Không phải ngẫu nhiên mà khi CD mới ra, nhiều audiophile đã tẩy chay nó, thật ra lỗi không ở tín hiệu digital mà lỗi ở những đầu CD và DAC kém


5. Chất lượng DAC phụ thuộc vào đâu?

Chất lượng DAC phụ thuộc chỉ 20% vào con chip, còn lại đến 50% vào thiết kế mạch analog và mạch cấp điện, 10% vào mạch nhận tín hiệu và 20% vào firmware. Firmware là phần cách biệt giữa DAC hang hãng tuyển và DAC hàng tự làm tuyển. Bản thân firmware chứa các thông tin về thuật toán cut-off filter, chính thuật toán này làm nên chất âm của DAC. Thường thì trong các chip DAC đều đã có sẵn các filter này tuy nhiên các filter này đều rất máy móc và không hiệu quả. Chính vì vậy các hang khi thiết kế các con DAC flagship đều phải tự thiết kế bộ filter cho riêng mình, trong khi đó các DAC do-it-yourself đều chấp nhận dùng filter có sẵn.
Các bộ filter tự thiết kế hàng tuyển có thể phần nào giải quyêt được sự thiếu xót của dòng chip. Ví dụ như con chip ES9018, nhiều hãng khi quảng cáo rất hay lấy tên con chip ra lòe. Đúng là về giấy tờ thông số con chip này là ngon nhất nhưng nếu bác đã từng gặp những tay thiết kế DAC nổi tiếng (mà em có dịp gặp hồi đi triển lãm audio ở Munich) thì tất cả họ đều nói con chip này rất khó chiều. Nếu không thiết kế mạch cẩn thận và dùng filter riêng thì con chip này sẽ có chất âm dù chi tiết nhưng rất chói gắt ở âm khu cao, bass hơi yếu. Con DAC ES9018 của Tàu mà nhiều bác khen là 1 ví dụ, con Yulong DA8 hay kể cả con Mytek 192 DSD ở chừng mực nào đấy cũng vậy. Chỉ có vài DAC theo em giải quyêt tương đối tốt đó là Auralic Vega, Resonessence labs Invicta Mirus, và LH Labs Geek Pulse XFi/SFi.


6. Có phải DAC được sản xuất hiện nay làm từ R2R chip luôn tốt hơn DAC làm từ Delta-Sigma chip không?

Theo quan điểm của em , cái này không hẳn vì như đã nói ở trên chất lượng DAC phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu xét những DAC tốt nhất (và cũng đắt nhất) như Total DAC (12000USD), dCS Debussy (11000USD) hay LH Labs De Vinci (20000USD) thì đều dùng chip R2R. Với dòng thấp hơn (2000-5000USD) thì hai loại chip này tương đương. Và ngoại trừ Audio GD DAC19 và mới đây là Schiit Bifrost Multibit , không DAC R2R nào có giá dưới 1000USD cả, nên đầu tư cho loại DAC dùng chip này cũng không đơn giản.


Phần 2: Tín hiệu Digital Audio


Sau khi trình bày xong bộ giải mã, em xin trình bày tiếp về tín hiệu Audio. Chắc các bác cũng đã biết có 2 loại tín hiệu Audio chính là PCM và DSD. PCM được tạo nên bởi các ADC (Analog Digital Converter) dùng thuật toán R2R còn DSD được tạo ra bởi ADC dùng thuật toán delta sigma. Tuy nhiên, xung quanh hai định dạng này còn có nhiều điều cần nói.


1. Tại sao chuẩn âm thanh đầu tiên cho nhạc số lại là 16 bit, 44,1kHz?

Đây cũng là câu hỏi của em cách đây vài năm. Thật ra lý giải rất đơn giản: 16 bit vì lý do các chip giải mã thời đó đều là loại R2R, rất khó chế tạo và đến thời điểm 1982 thì 16 bit cho loại chip này đã là rất cao cấp rồi.
Còn về 44,1kHz thì lý do thật sự không hoàn toàn về mặt ký thuật. Các kỹ sư của Phillips và Sony họ thừa hiểu là nếu dùng filter cắt âm thanh ở quãng 20-22kHz thì chắc chắn sẽ làm 1 mất đi 1 lượng thông tin ko nhỏ mà con người vẫn cảm nhận được. Tuy nhiên, các nhà quản lý tài chính không đồng ý để tăng tần số sample lên cao hơn. Vì tăng sample rate cũng là tăng bandwidth và làm file nhạc to ra, cách giải quyết khi đó 1 là phải tăng diện tích của đĩa CD, làm giá CD sẽ tăng, không có tính cạnh tranh, chưa kể đến yếu tố kĩ thuật thời đó, 2 là cùng 1 bản nhạc dài 70 phút sẽ phải chia làm 2 CD với sample rate 88,2kHz, điều này càng nguy hiểm vì lời quảng cáo đầu tiên về CD là “bạn sẽ không bao giờ còn phải chạy ra thay đĩa giữa chừng khi nghe bản một bản giao hưởng nữa”, làm vậy chả hóa ra tự tát vào mặt mình.
Thế là để đẹp long các ông chủ, các kỹ sư thiết kế đành chọn giải pháp dung hòa, đó là sample rate là 44,1kHz tức là đúng theo lý thuyết nếu con người chỉ nghe được âm thanh từ 20-20kHz thì bandwidth và sample rate chỉ cần gấp 2 lần khoảng đó (Nyquist band). Nhưng trên thực tế thì ngoài khoảng nghe ,con người vẫn cảm nhận được âm thanh ở một số tần số gần đấy. Chính cái “brickwall filter” mà các kỹ sư của Phillips và Sony đã tạo ra cho giải pháp dung hòa đầu thập niên 80 đã khiến digital audio bị đánh giá thấp cho đến bây giờ.


2. Vậy bao nhiêu bit âm thanh là đủ

Đầu tiên phải nói là nhạc 32 bit không tồn tại trong thực tế.Vì ngay đến hiện nay, microphone thu âm tốt nhất cũng chỉ nhận được không quá 140dB (tức là tương đương với 24 bit âm thanh mà thôi). Và trong âm nhạc thì trừ khi thu các tác phẩm khí nhạc thì mới cần quá 20 bit, còn với nhạc quê hương, nhạc vàng thì chỉ cần 18 bit là quá đủ. Nhạc 32 bit bác thây trên mạng thật ra là thu trên 24 bit thâm chí là 16 bit rồi dùng thuật toán upsampling lên. Nguồn nhạc 24 bit thì một số là thu lại từ nguồn analog nên là 24 bit thật sự. Một số CD thu digital hồi năm 1980-1990 nay lại xuất hiện 24 bit thì chắc chắn là upsampling từ 16 bit lên vì đến tận đầu những năm 1990 thì chip R2R (loại chip phổ biến nhất thời đó) còn chưa ra được đến 18 bit.
Thậm chí ngay đến bây giờ chip R2R chuẩn nhất từng dùng cho Audio (dùng cho DAC Yggrasil của Schiit Audio), chuyên dùng cho y tế và quân sự (rất đắt tầm 100USD cho 1 con chip, gấp 4 lần chip Delta Sigma ES9018) cũng mới chỉ đạt đến 21 bit. Nghe đâu chip đắt nhất của R2R (giá vài tram USD 1 con) cũng mới đạt đến 24 bit. Giá đắt đỏ và thiếu tính năng giải mã cũng là 1 trong những yếu tố khiến DAC từ chip R2R không phổ biến và chỉ xuất hiện dưới những dòng DAC cho triệu phú.


3. Sự ra đời của DSD

Sự thật thì DSD ra đời không phải là do Sony thấy cần phải sửa sai hay phục vụ người yêu nhạc, mà vì bản thân họ. Sony có 1 kho lưu trữ nhạc khổng lồ (sau khi mua CBS và RCA), thế nhưng ai cũng biết băng tape nguồn có thể hỏng bất kì lúc nào, nên họ phải tìm cách lưu trữ an toàn bằng digital. Thế nhưng hiểu rõ những yếu kém của chuẩn 16 bit 44kHz mà chính mình tạo ra, họ không chấp nhận kho nhạc mất bao nhiêu tiền thu âm lại bị lưu trữ dưới dạng đó. Thế là bằng thuật toán Delta Sigma, DSD ra đời. Với máy móc hiện đại và mạnh thì file DSD là gần với tape nguồn nhất (vì bản thân tape nguồn nghe cũng chả dễ chịu gì vì rất nhiều nhiễu).


4. DSD hay hơn PCM

DSD nghe tự nhiên hơn PCM bởi lẽ DSD 1bit không hề dùng 1 filter nào. Tuy nhiên hiện nay, như đã nói ở phần chip delta sigma, các chip DAC loại này hầu như đều có 6 kênh PCM để giảm nhiễu nên bản thân cũng dùng filter rồi. Còn với PCM, hiện nay do đa phần DAC (trong máy tính, đầu CD, HDP hay DAC rời) đều dùng chip Delta-Sigma nên tín hiệu PCM không được giải mã native, thành thử cũng không thể đánh giá chính xác chất lượng của PCM được.
Tuy nhiên, nếu ở cùng tầm giá tiền (dĩ nhiên là cao vì DAC R2R rất đắt) thì nghe PCM trên R2R DAC sẽ ngon hơn nghe trên Delta-Sigma DAC vì PCM trên R2R chip là giải mã native và hoàn oàn thụ động. Còn DSD thì nên nghe trên DAC Delta Sigma thay vì phải chuyển về PCM để nghe trên R2R DAC.


Viết dông dài rồi thế nào cũng sẽ có comment là digital mệt mỏi quá, thà chuyển về nghe analog như vinyl, băng cối cho xong. Cái này là tùy vào sở thích mỗi người, nhưng theo quan điểm của em thì digital tốt cho người yêu nhạc hơn analog. Thay vì muốn nghe nhạc phải về nhà ngồi 1 chỗ để nghe thì với nhạc số, chúng ta có thể thưởng thức âm nhạc ở mọi nơi.

Ngoài điểm tiện dung đó, nhạc số còn hơn analog 1 điểm lớn là khả năng phát triển (hay còn gọi là scaling). Chắc các bác cũng biết đầu những năm 2000 có 3 con headphone hi-end nổi tiếng là AKG K701, Bayerdynamic DT990 và Sennheiser HD650. Mười năm sau, 2con AKG và Bayerdynamic đã chỉ còn là mid-end khi những headphone planar ra đời, thế nhưng con HD650 vẫn đứng hàng top, sánh ngang với những con tai nghe đắt gấp 4-5 lần. Vì sao, vì con HD650 này tuy kén amp nhưng nếu amp càng tốt và hợp thì nghe càng hay, không có giới hạn, trong khi con K701 và DT990 nghe với amp bình thường cũng hay nhưng nghe với amp xịn và đắt tiền cũng chả hay hơn.

Đó là ví dụ về scaling.Câu chuyện analog và digital cũng vây. Analog đến 1980 đã đến tận cùng giới hạn về sự phát triển. Nó cho âm thanh hay, chân thực, âm trường tốt nhưng bản thân nó có phát triển thế nào cũng ko giải quyết được vấn đề nhiễu nền do vật liệu và khả năng tinh chỉnh khi bản thu có vấn đề. Ví dụ bác thu analog, edit bằng analog một buổi thu trực tiếp. Nếu máy thu hoặc vấn đề gì đó khiên băng nguồn có chỗ không ổn bác vẫn ko thể nào xử lý được và đành để bản thu đó bị hạ thấp chất lượng. Nhưng với digital và các thuật toán bác có thể xử lý được tín hiệu ra sao cho giống với buổi biểu diễn đó nhất. Với các bản thu tốt thì digital vẫn có thể làm tốt hơn bằng việc dùng them các filter giảm nhiễu, dễ dàng hơn analog rất nhiều. Đó chính là khả năng vô cùng của digital.



Phần 3: Đánh giá về các loại DAC


Trong phần này, em sẽ cố gắng đề cập tới tất cả các bộ phận của DAC và những thành tựu lớn và cách xử lý tín hiệu trong DAC. Hiểu biết của em chắc chắn không đầy đủ, mong các bác cho phản hồi luôn.
Về DAC luôn có 4 phần chính : Mạch nhận tín hiệu (USB,SPDIF, Toslink (cổng quang), …), bộ phận xử lý tín hiệu (chip DAC), mạch cấp nguồn, và mạch khuyêch đại sau giải mã.


1. Mạch cấp nguồn

Chắc các bác ở đây cũng đồng ý là nguồn điện ổn định là bước đầu tiên của một hệ thống Audio. Theo cảm nhận của em, dùng 1 nguồn điện sạch có thể tăng đến 20% chất lượng âm thanh từ DAC. Đa phần DAC hiện nay có công suất nhỏ nên theo kinh nghiệm của em với DAC thì nên dùng nguồn 1 chiều. Đa phần DAC để bàn đều dùng nguồn 12-15V 2A nên có thể tự chế (hoặc mua) nguồn 1 chiều, chi phí cũng không đắt.


2. Mạch nhận tín hiệu và cổng nhận tín hiệu

Cổng nhận tín hiệu là một trong những chủ đề tranh cãi nhất trong thế giới audio. Điều đầu tiên phải nói là những phát biểu kiểu “ tín hiệu số chỉ là 0 và 1, nên chẳng có vấn đề gì trên đường truyền” là sai hoàn toàn. Bản chất của truyền tín hiệu digital là theo song điện từ hình chữ nhât. Khi vào con chip thì điện thế cao nhất là 1, thấp là 0. Vì là song điện từ nên nó vẫn bị rất nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài..
800px-Gibbs_phenomenon_250.svg.png

Bản chất của mạch nhận tín hiệu là tách tín hiệu từ cổng nhận thành bộ tín hiệu i2S (gồm tín hiệu clock, tín hiệu dùng để phân biệt tín hiệu trái phải của audio và code của audio, 3 tín hiệu này sẽ đi theo 3 đường khác nhau vào DAC để giải mã).
Để đánh giá một cổng tín hiệu người ta dựa vào 2 tiêu chí của nó chống lại hai kẻ thù
Kẻ thù đầu tiên là nhiễu gây ra do ground trong thiệt bị phát nhạc. Các thiết bị bày thường có ground rất nhiễu và không ổn đinh, do chưa nhiều sóng cao tần và do nguồn điện quá nhiễu (đây là nguyên nhân chính). Tệ hại nhất là máy tính desktop. Laptop nếu dùng pin thì còn đỡ hơn rất nhiều.
Câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao nhiều người thấy nghe CD bằng đầu CD nghe hay hơn lossless là đây. Đầu CD dù là loại bình thường cũng được thiết kế mach nguồn ổn đinh hơn rất nhiều là PSU của máy tính. Các giải quyết vấn đề tốt nhất là nếu tự lắp 1 máy tính để nghe nhạc thì có thể dùng nguồn 1 chiều (tuy nhiên cái này rất đắt). Giải pháp kinh tế là dùng PSU xịn (ví dụ như PSU dòng I của Corsair) cho máy tính để bàn. Với Laptop thì dùng pin hoặc dùng nguồn 1 chiều cắm trực tiếp
Kẻ thù số một là jitter. Jitter là đọ trễ của tín hiệu digital qua các thiết bị digital (bao gồm cả dây dẫn), khiến cho tín hiệu digital bị mất ổn định, khi qua chip giải mã (đặc biệt là chip delta-sigma, chip R2R ít hơn nhưng vẫn có) sẽ khiến tín hiệu audio ở đầu ra bị nhiễu. Đặc điểm của việc bị ảnh hưởng bởi nhiều jitter nằm ở nhiều nhất ở âm trường và treble. Âm trường bị hẹp, tiếng bị bí, treble sắc, cứng và không tự nhiên. Trùng hợp thay, đó cũng chính là những lời buộc tội của audiophile đối với nhạc số. Tiếc là vấn đề jitter hoàn toàn không được để ý trong vòng 20 năm. Cho đến tận đầu những năm 2000, vấn đề jitter mới được đặt câu hỏi và đến tận gần 10 năm sau, các thiết bị audio mới có những giải pháp cho vấn đề này. Đó cũng là thời điểm bắt đầu của sự bùng nổ DAC highend.
Để giải thích rõ ràng hơn về jitter, em xin trích dẫn lời bác DanielTran

Cách giải quyết jitter phổ biến nhất hiện nay cho audio là truyền dữ liệu thay vì kiểu đồng bộ như trước kia bằng kiểu không đồng bộ.

Em xin liệt kê các loại cổng nhận tín hiệu chính:

-1. AES/EBU: Đây là loại cổng nhận tín hiệu số được dùng phổ biến trong các studio, không phổ biến với đồ dân dụng.

-2. Firewire: Đây cũng là 1 dang truyền dữ liệu số tốc độ cao (nhưng rất phù hợp với audio), vì bản chất của nó là truyền dữ liệu không đồng bộ. Tiêc là đây lại là một sản phẩm phần mềm của Apple. Mà sản phẩm phần mềm nào của Apple nào mà chả ít người dùng (trừ itunes, đơn giản vì số người dùng iphones và ipad quá nhiều) nên nó không được sử dung rộng rãi. Rất ít DAC dùng cổng này. Nổi bật nhất là con Mytek 192 DSD khá nổi tiếng. Mytek đã dồn rất nhiều công sức để tối ưu hóa cổng Firewire cho DAC của mình, bác nào dùng con Mytek 192 DSD mà dùng cổng USB hay SPDIF tức là đã tự bỏ phí đến 20% chất lượng của con DAC này. Hiện nay thì cổng Firewire đã chính thức tuyệt chủng, không một DAC nào trong 1 năm gần đây và cả năm tới dùng cổng này. Kể cả Mytek trong con DAC Brocklyn sắp ra tới đây cũng sẽ không hỗ trợ cổng firewire.

-3. SPDIF qua cổng coxial : Đây là một cổng audio dân dụng lâu đời nhất. Về mắt bản chất nó là 1 dạng của cổng AES3 thuộc dòng AES/EBU, tuy nhiên vì được Sony và Phillips (2 cha đẻ của digital audio) chọn mặt gửi vàng nên đã trở thành chuẩn truyền tín hiệu digital audio chính. Về nguyên tắc, SPDIF có ground khá ổn, tuy kém hơn so với chuẩn Firewire và I2S (sau này) nhưng vẫn trội hơn so với USB.
Tuy nhiên SPDIF gặp phải 1 vấn đề không bao giờ giải quyết được, đó là kiểu truyền tín hiệu của nó là đồng bộ và không thể thay đổi. Thứ hai là truyền tín hiệu SPDIF bị giới hạn tần số sample rate ở 192kHz.
Hiện nay, một số công ty audio có tiếng đã thiết lập được code truyền tín hiệu DSD qua cổng SPDIF. Đó là Mytek Audio với 2 con DAC 192 DSD (1695 USD ) và DAC Manhattan (5495USD), và MSB Technology the Analog DAC (6995USD), M2Tech với DAC Young (1695USD)

-4. SPDIF qua Toslink (cổng quang) : Về bản chất tín hiệu Toslink cũng giống như SPDIFqua coaxial, chỉ khác là nó truyền tín hiệu qua tín hiệu ánh sáng, nó cũng có ưu điểm và nhược điểm như coaxial. Tuy nhiên, nó còn có 1 nhược điểm lớn hơn, đó là jitter lớn hơn, lớn hơn cả USB. Tuy nhiên, ưu thế là dây Toslink có thể dài 100m mà không sợ suy giảm dữ liệu, trong khi với dây USB ko nên quá 5m.

-5. USB: Cùng với SPDIF, đây là một trong hai cổng truyền dữ liệu digital cho thiết bị audio phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm: vì vốn được thiết kế để truyền dữ liệu nên USB cho phép truyền tất cả các loại tín hiệu PCM, DSD với tất cả các tần số.
Nhược điểm: cực kì nhiễu, bị ảnh hưởng nặng bởi Jitter.

Như các bác đã biết việc truyền tín hiệu qua USB có rất nhiều bất lợi. Tại sao đến bây giờ, nó vẫn tồn tại và trở thành phổ biến nhất. Lý do đầu tiên là vì sự phổ biến sẵn có của nó, nó tồn tại ở khắp mọi máy tính và trong thời đại này, cái gì không tiện dụng sẽ bị loại bỏ (bài học của firewire còn đó). Thứ hai cũng như digital nói chung, USB có những ưu điểm không thể phủ nhận, đó là việc truyền dữ liệu không hề bị giới hạn như spdif hay toslink. Trong khi spdif truyền tín hiệu luôn là đồng bộ, và không thể khắc phục được jitter trên spdif, điều mà USB làm được.

Với DAC, những cách khắc phục:
Năm 2009, kĩ sư Gordon Rankin, nhà sáng lập của Wavelength Audio đã đưa ra chuẩn asynchronous USB streaming (truyền dữ liệu Audio không đồng bộ), theo đó thay vì clock đặt ở điểm truyền tín hiệu và điểm nhận phải nhận toàn bộ tín hiệu đó cùng với toàn bộ jitter gây ra, thì lock được đặt ở mạch nhận tín hiệu, tự tạo clock cho riêng mình và buộc tín hiệu đến phải theo clock mới. Điều này làm giảm đáng kể Jitter, và đây chính là cuộc cách mạng thứ hai của DAC (cuộc cách mạng đầu là việc chuyển từ chip R2R sang Delta-Sigma khiến giá thành DAC giảm đáng kể). Tất cả các DAC sau năm 2010 đều đã sử dụng phương pháp truyền USB không đồng bộ này.
Phương pháp của Gordon Rankin rất tốt, tuy nhiên chất lượng thực hiện của phương pháp này phụ thuộc vào chất lượng đồng hồ clock ở mạch nhận tín hiệu. Và cuộc chiến độ chính xác của đồng hồ bắt đầu. Hiện nay, nói chung hầu hết DAC đều dùng clock TCXO với độ chính xác cỡ pico (10^-12) giây. Tuy nhiên, với 1 số DAC thì clock dưới 100 femto (10^^-15) giây. Ví dụ như con DAC L.K.S MH-DA003 của bác justbenice và con DAC Geek Pulse SFi của em đều dùng clock 82fs của Crystek. Nhưng đấy vẫn chưa xịn bằng clock của hãng MSB Technology , có cái lên tới 33fs dùng để mod cho DAC
http://www.msbtech.com/products/femto.php?Page=../index
Lưu ý với bác nào có dùng clock fs là vì clock này hoạt động dựa vào dao động phân tử ở trang thái cân bằng nên bắt buộc phải đợi 30 phút đến 1h để clock đạt cân bằng nhiêt, lúc đấy thì chất lượng âm thanh mới đạt tối ưu.
Sẽ có bác hỏi là dùng clock TCXO đã quá đủ rồi nhưng theo em so sánh con Geek Pulse SFI của e, với con Geek Pulse thường dùng TCXO thì con của em cho âm thanh chi tiết hơn. Không quá nhiều nhưng đủ để làm thỏa mãn một thằng cuồng chi tiết như em.

Ngoài ra còn 1 vấn đề nữa với mạch nhận tín hiêu là đa số mạch nhận tín hiệu đều là mach XMOS nên sẽ hoạt động dùng nguồn 5V từ cổng USB (kể cả khi có dùng nguồn 1 chiều cho DAC). Mà nguồn điện này thì nhiễu khủng khiếp nên cách tốt nhất là dùng một phát kiến trong năm 2015 vừa qua, đó là bộ cấp nguồn và reclocker cho audio, ví dụ như Schiit Wyrd , Uptone USB Regen và iFi iUSB 3.0. Những thiết bị này sẽ nhận tín hiệu audio, làm lại tín hiệu bằng clock của riêng nó (reclock) và tạo lại 1 nguồn 5V sạch để cấp cho mạch USB.
http://schiit.com/products/wyrd
http://uptoneaudio.com/products/usb-regen
http://ifi-audio.com/portfolio-view/micro-iusb3-0/
Nếu bác nào vẫn muốn dùng SPDIF thì phương pháp tốt nhất là mua 1 bộ chuyển USB sang SPDIF, cách này sẽ làm giảm Jitter của viêc dùng SPDIF. Có hai sản phẩm rất được audiophile đánh giá tốt là Audio GD Di-2014 và Audiophileo
http://www.audiophilleo.com/
http://www.audio-gd.com/Pro/dac/DI2014/DI2014EN.htm

Theo quan điểm của em hiện nay với nguồn điện tốt và có thêm các thiết bị reclocker và dùng mạch nhận USB không đồng bộ với clock femto giây thì USB ăn đứt SPDIF.

Trong phần 4 em sẽ viết tiếp 1 số vấn đề còn lại của DAC như chip fpga, mạch analog trong DAC và đánh giá thị trường DAC trong thời gian tới đây (dựa vào những gì em quan sat được trên headfi và HIGH END 2015 Munich Audiophile Show 2015).


trung224​
Trích từ bài post gốc tại đây.
 
Hiểu đúng về dây/cáp HDMI


Từ trước đến nay luôn có nhiều người hiểu chưa đúng về dây HDMI. Gần đây 4K và HDMI 2.0 xuất hiện, những hiểu nhầm như vậy "lên một tầm cao mới", và người tiêu dùng trở thành nạn nhân của những quảng cáo kiểu như "bán dây HDMI 2.0 hỗ trợ 4K" v.v...Do đó tôi viết bài này để giúp mọi người hiểu đúng và có hành vi mua bán phù hợp.

I/ Đôi dòng lịch sử về HDMI

Năm 2002, các hãng điện tử hàng đầu khi đó gồm Hitachi, Panasonic, Philips , Silicon Image , Sony, Thomson và Toshiba cùng nhau phát triển và cho ra đời HDMI (High Definition Multimedia Interface). Các hãng này được gọi là "HDMI Founders" (thô dịch là "những hãng tạo ra/sáng lập HDMI").

Các HDMI Founders lập ra HDMI Licensing, LLC (thô dịch là "Công ty trách nhiệm hữu hạn cấp phép HDMI") để làm đầu mối. Công ty này có trang web là www.HDMI.org.

Các hãng mà chính thức chấp nhận tuân thủ tiêu chuẩn (về HDMI) do HDMI Founders đặt ra và sản xuất các thiết bị tương thích HDMI được gọi là HDMI Adopters (thô dịch là"những hãng chấp nhận ứng dụng HDMI"). Ngược lại có thể coi HDMI Adopters là những nhà sản xuất thiết bị HDMI chính thức/được chính thức công nhận.



Link tham khảo thêm: http://www.hdmi.org/about/index.aspx



Như vậy có thể thấy để tìm hiểu thông tin chính thống/chuẩn về HDMI, chúng ta phải tham khảo trang HDMI.org. Mọi thông tin về HDMI trên bất kỳ trang web nào khác mà trái với thông tin trên HDMI.org đều ko đáng tin cậy.

II/ Các loại dây HDMI

HDMI.org đưa ra phân loại về các loại dây HDMI như sau:

- Standard HDMI Cable
- Standard HDMI Cable with Ethernet
- Standard Automotive HDMI Cable
- High Speed HDMI Cable
- High Speed HDMI Cable with Ethernet

Cụ thể là link này: http://www.hdmi.org/consumer/finding_right_cable.aspx

Như vậy ko hề có cái gì gọi là "dây HDMI 1.4" hay "dây HDMI 2.0". 1.4 hay 2.0 là chuẩn áp dụng cho các cổng chứ không phải cho dây.

Và thông điệp quan trọng nhất ở đây là các dây high speed HDMI ra đời trước khi có HDMI 2.0 đều dùng tốt với cổng HDMI 2.0. Điều này có nghĩa là chúng ta dùng dây HDMI "cũ" với HDMI 2.0 thì vẫn có được 4K 60p. Tham khảo link này: http://www.hdmi.org/manufacturer/hdmi_2_0/hdmi_2_0_faq.aspx#144

Theo kinh nghiệm mua và sử dụng của người viết, các loại dây HDMI bán ở VN hiện đều là loại High Speed trở lên và trên nguyên tắc chúng đều dùng tốt với các cổng HDMI 1.4 (rất phổ biến) và 2.0 (đang dần phổ biến). Điều này đúng cho dây sản xuất bởi các HDMI Adopters mà chúng ta hay gọi nôm na là "dây hãng". Còn dây "no name" thì hên xui.

Một điểm nữa rất đáng chú ý là "HDMI Category 2 cable". Lưu ý là "Category 2" ở đây ko chỉ HDMI 2.0. Dây Standard thì gọi là Category 1, còn High speed thì là Category 2. Link đây: http://www.hdmi.org/learningcenter/kb.aspx?c=7

III/Đôi điều luận bàn

Dễ thấy có rất nhiều trên các forum những thread kiểu như "Bán dây HDMI 1.4 ....". Gần đây lại có "Bán dây HDMI 2.0...". Qua những thông tin đã nêu, xin khẳng định rao như vậy là ko chính xác vì 1.4 hay 2.0 là chỉ cổng HDMI chứ ko phải dây như đã nêu trên. Bất kỳ ai rao bán "dây HDMI 2.0".... đều là lừa đảo hoặc chưa đủ hiểu biết.

Dễ thấy là những nhà sản xuất dây HDMI mà "AI CŨNG BIẾT LÀ AI" như Audioquest, Belkin, Atlona, Monster... ko có cái gọi là "dây HDMI 2.0". Tinh ý một chút sẽ thấy trên bao bì của các loại "dây hãng", nhà sản xuất không bao giờ in là "HDMI 1.4 cable" hay "HDMI 2.0 cable". Họ sẽ ghi là "HDMI High Speed cable" hoặc "HDMI High Speed with Ethernet cable". Hoặc để thu hút khách hàng hơn,họ có thể sẽ ghi thêm là "HDMI 1.4 (hoặc 2.0) compatible/ready cable". Ghi như vậy thực tế là thừa vì dĩ nhiên là phải tương thích (compatible) rồi. Một số người bán hàng sẽ lờ từ "compatible" này đi, và thế là "HDMI 2.0 compatible cable" trở thành "HDMI 2.0 cable" bán cho người dùng thiếu thông tin với giá cao hơn. Những dây mà dám in trên bao bì là "HDMI 2.0 cable" (ko có "compatible") thì chắc chắn nhà sản xuất mang quốc tịch TQ và không phải là HDMI Adopters. Trên ebay, nơi vốn nhộn nhạo như chợ trời, có bán khá nhiều loại "HDMI cable 2.0" này với những tên tuổi lạ hoắc. Ngược lại, Amazon ko có "HDMI cable 2.0" mà chỉ có "HDMI cables support 4k" hoặc "HDMI cables 2.0 ready". Đơn giản là vì Amazon là nơi nghiêm túc, họ không cho phép ghi sai theo kiểu muốn lòe thế nào thì lòe.

Về chất lượng dây HDMI, cả Tây và ta đều có nhiều tranh luận về chuyện có khác biệt chất lượng giữa các loại dây HDMI từ các nhà sản xuất khác nhau hay không. Người viết cho rằng các loại "dây hãng" với độ dài thông thường (khoảng xấp xỉ 2m) cho chất lượng như nhau. Với độ dài lớn hơn (chẳng hạn dùng máy chiếu treo cao thường cần dây dài trên 5m), người viết chưa có điều kiện trải nghiệm nên không đưa ra nhận định. Với các loại dây "no name", phần lớn chúng đều sử dụng tốt, tuy nhiên có xác suất sai/hỏng lớn hơn "dây hãng". Chẳng hạn trên HDVN có nhiều phản hồi về việc dùng dây no name thì khi bật một số thiết bị điện, TV bị chớp/nháy, sau đó thay bằng "dây hãng" thì ko còn chớp/nháy. Cho nên nếu có điều kiện vẫn nên dùng "dây hãng".

Hi vọng vài dòng trên sẽ giúp nhiều người trở thành người tiêu dùng thông minh khi đi mua dây HDMI.

do_long_khach
Trích từ bài gốc tại đây.
 
Cùng tìm hiểu về Btrfs – Thế hệ mới của DSM file system

Một số bác vẫn đang thắc mắc giữa file system của DSM mới khi chuyển qua Btrsf khi trước đây DSM sử dụng Ext4, em có tìm hiểu, sưu tầm và gửi tới các bác một số thông tin để cùng bàn luận chia sẻ thônng tin.
Em cũng xin được nhắc lại đây không phải là kiến thức của em mà là tìm hiểu, tổng kết, tìm kiếm từ Internet.

Btrfs – Thế hệ mới của DSM file system

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một dạng file system mới và có nhiều điểm nổi trội trên NAS Synology – Btrfs file system. Kể từ phiên bản DSM 6.1, Btrfs sẽ được Synology ứng dụng trên NAS. Sự cải tiến này đã giúp NAS thực hiện tốt hơn trong nhiệm vụ lưu trữ và bảo vệ dữ liệu của mình.

Định nghĩa file system
File system là các phương pháp và cấu trúc dữ liệu mà hệ điều hành dùng để theo dõi các tập tin được lưu trong ổ đĩa. Đơn giản hơn, đó là cách tập tin được tổ chức trên ổ đĩa. Để tạo file system, bạn phải ghi các cấu trúc dữ liệu của file system đó vào ổ đĩa lưu trữ.

Các loại file system trên NAS Synology
DSM (DiskStation Manager) là một hệ điều hành mã nguồn mở. Do đó, các dạng file system của nó giống như Linux. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến 2 dạng file system mới nhất hiện nay, ext4 và Btrfs.

Ext4 (Extended File system)
Ext4 được ra đời vào năm 2006, là một phiên bản phát triển của ext, sau ext3. Ext4 lưu giữ ưu điểm của các bản ext trước đó và có thêm một số tính năng nổi bật.

  • Hỗ trợ volume có dung lượng tối đa lên đến 1 exbibyte (1 EiB = 1030 TB) và file có kích thước 16 tebibyte (1 TiB = 1024 TB)
  • Cải thiện hiệu suất tập tin lớn và chống phân mảnh
  • Không giới hạn thư mục con
  • Kiểm tra toàn vẹn dữ liệu (checksum)
  • Tính toán thời gian chuẩn đến nano giây (1 nano giây = 10-9 giây)
Tuy nhiên, ext4 vẫn có nhiều hạn chế do vẫn dựa trên công nghệ cũ.

Btrfs (B-tree file system)
Btrfs được đưa vào sử dụng chính thức năm 2014. Mục tiêu của nó nhằm giải quyết các vấn đề pooling, snapshot, checksum và tích hợp thiết bị mở rộng trong Linux. Không giống như ext4, Btrfs dựa trên công nghệ hoàn toàn mới và cải tiến hơn: Copy-on-write (COW). Công nghệ này đã giúp Btrfs có những tính năng vượt trội sau:

  • Tự kiểm tra và sửa lỗi cấu trúc của file system
  • Chống phân mảnh dữ liệu
  • Kiểm tra và khôi phục lỗi của dữ liệu bằng các bản dự phòng.
  • Hỗ trợ cơ chế Cloning (kể cả tập tin)
  • Hỗ trợ subvolume và snapshot (writable hoặc readonly)
  • Hỗ trợ Incremental backup (toàn bộ dữ liệu lẫn thay đổi được backup đều lưu trong 1 task)
So với ext4, Btrfs hoạt động ổn định, tin cậy và dễ quản lí hơn. Btrfs file system thích hợp cho các server doanh nghiệp, đặc biệt là NAS do hiệu suất cao, tạo snapshot nhanh chóng và nhiều tính năng khác.

Lợi ích Btrfs mang lại cho NAS Synology
Tính năng sao chép cấu trúc dữ liệu

btrfs-1.png

Trong bất kỳ hệ thống lưu trữ nào, việc cấu trúc dữ liệu còn nguyên vẹn rất quan trọng vì nó bao gồm các thông tin quan trọng, chẳng hạn như cấu trúc thư mục, tên tệp, quyền truy cập và vị trí của mỗi tệp tin. Btrfs lưu trữ hai bản sao của siêu dữ liệu trên một ổ đĩa, cho phép khôi phục dữ liệu nếu ổ cứng bị hỏng bởi nhiều lí do.

Tính năng tự khôi phục tập tin

btrfs1-1.png


Các hệ thống lưu trữ truyền thống có thể gặp các lỗi phát sinh tiềm ẩn, dẫn đến dữ liệu bị hỏng mà không có một thông báo lỗi hay cảnh báo nào. Để tránh các lỗi như thế này, Btrfs cung cấp các file checksum cho dữ liệu, sau đó tạo ra bản copy của dữ liệu đó và so sánh file checksum trong quá trình đọc. Khi phát hiện ra sự không phù hợp (sự hư hại dữ liệu ngầm), hệ thống Btrfs sẽ tự động so sánh các tệp hỏng với dữ liệu được sao chép lúc đầu, từ đó khôi phục dữ liệu theo cơ chế RAID (1, 5, 6, 10, F1) hoặc SHR đang hỗ trợ trên ổ đĩa.

Bảo vệ dữ liệu

btrfs2-1.png


Btrfs file system giới thiệu một tính năng snapshot cho phép tạo ra một bản copy toàn bộ của một Shared folder tại thời điểm đó. Bằng cách này, nếu xảy ra mất dữ liệu do yếu tố con người, bạn có thể khôi phục dữ liệu nhanh chóng từ bản snapshot trước đó. Điều đặc biệt, bản snapshot chỉ tiêu thụ một lượng bộ nhớ cực thấp nhưng lợi ích mang lại rất lớn.

Mang đến hiệu quả cao khi đồng bộ bằng Cloud Station

btrfs3-1.png

Đối với volume có định dạng ext4, khi bạn sử dụng Cloud Station để đồng bộ dữ liệu, hệ thống sẽ yêu cầu dung lượng lưu trữ gấp đôi so với dung lượng của dữ liệu để chứa các phiên bản khác. Nhưng Btrfs volume không yêu cầu điều này do cơ chế Copy-on-write (COW), giúp tiết kiệm dung lượng và tránh tình trạng bị tràn ổ đĩa.

Đảm bảo dữ liệu khi thực hiện backup
Các phương pháp backup thông thường sẽ hoạt động theo cơ chế copy dữ liệu, do đó cần một khoảng thời gian để làm điều này. Tuy nhiên, nó dễ dẫn đến dữ liệu không được toàn vẹn do trong quá trình backup, dữ liệu có thể đang được chỉnh sửa. Btrfs sẽ giúp giải quyết vấn đề này bằng cách tạo bản snapshot trước khi tiến hành backup, sau đó dùng bản snapshot để copy. Điều này đảm bảo dữ liệu luôn được toàn vẹn dù bị tác động.

Nhân bản toàn bộ Share Folder

btrfs4-1.png


Với tính năng của Btrfs, bạn có thể dễ dàng chọn một Shared Folder trên NAS để nhân bản toàn bộ nội dung một cách nhanh chóng. Điều này rất cần thiết khi tiến hành thử nghiệm việc update phiên bản hay chỉnh sửa database…

airport
Bài viết gốc tại đây.
 
HDR là gì? Có gì khác biệt giữa các định dạng HDR?

HDR là một trong những công nghệ được thảo luận nhiều nhất trên web trong vài năm qua. Cho dù đó là TV, phim ảnh, hay màn hình máy tính và game, HDR đang xuất hiện trên rất nhiều thiết bị. Bạn có muốn biết HDR là gì không? Có những loại, tiêu chuẩn và chứng nhận HDR nào? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!

HDR là gì?
HDR, viết tắt của High Dynamic Range, là một công nghệ được thiết kế để làm cho hình ảnh giống với thế giới thực nhất có thể. HDR là một thuật ngữ mà bạn có thể nghe thấy trong nhiếp ảnh, cũng như trong mọi thứ liên quan đến màn hình.

Để làm cho hình ảnh chân thực nhất có thể, các thiết bị có HDR sử dụng dải màu rộng hơn, những vùng sáng sáng hơn và vùng đen tối hơn. Tất cả những điều này, cùng với tỷ lệ tương phản được cân bằng hơn nhiều, làm cho hình ảnh trông chân thực và chính xác hơn, gần với những gì mắt người nhìn thấy trong thế giới thật.

hdr-la-gi-1.jpg

HDR là một công nghệ được thiết kế để làm cho hình ảnh giống với thế giới thực nhất có thể

Khi nói đến hình ảnh kỹ thuật số được hiển thị trên màn hình, TV hoặc bất kỳ thiết bị tương tự nào khác, HDR đặc biệt đáng chú ý trong các hình ảnh hoặc video có sự kết hợp phức tạp về màu sắc, những vùng sáng và tối, như cảnh hoàng hôn và bình minh, bầu trời tươi sáng, cảnh tuyết rơi, v.v.

Các định dạng HDR 10, HDR+, Dolby Vision và HLG khác gì nhau?
Về màn hình, có 3 định dạng (profile) HDR chính: HDR 10, HDR+ và Dolby Vision. Tất cả các profile media này áp dụng cả cho cách ghi hoặc kết xuất nội dung video, cũng như cách hiển thị nội dung đó của các thiết bị có màn hình HDR. Mặc dù tất cả chúng đều hướng đến cùng một mục đích: Hiển thị hình ảnh chân thực hơn, nhưng lại có các yêu cầu, thông số kỹ thuật và thuộc tính khác nhau.

Các tiêu chí thiết yếu xác định những profile HDR khác nhau có liên quan đến chất lượng hình ảnh. Xem bảng dưới đây để so sánh:

hdr-la-gi-2.jpg

Các tiêu chí thiết yếu xác định những profile HDR khác nhau
  • Bit depth (Độ sâu bit):
Thông thường, màn laptop, TV và hầu hết các màn hình khác, bao gồm cả điện thoại thông minh, sử dụng màu 8 bit, cho phép chúng hiển thị 16,7 triệu màu. Màn hình HDR có độ sâu 10 bit hoặc 12 bit, cho phép chúng hiển thị tương ứng 1,07 hoặc 68,7 tỷ màu.

HDR 10 và HDR10+ có màu 10 bit, trong khi Dolby Vision hỗ trợ độ sâu bit là 12. Tất cả đều là những con số khổng lồ và ấn tượng. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, trong thời điểm hiện tại, chỉ có màn hình 10 bit trên thị trường (HDR và HDR+), vì vậy ngay cả khi Dolby Vision nghe có vẻ tuyệt vời, bạn vẫn chưa thể thưởng thức nó trên bất kỳ màn hình tiêu dùng nào.

  • Độ sáng cực đại:
Thông số này đề cập đến mức độ chói tối thiểu đạt được với màn hình có HDR. Để màn hình có thể hiển thị hình ảnh HDR, chúng cần mức độ sáng cao hơn màn hình SDR (Standard Dynamic Range) thông thường. Độ sáng cực đại được đo bằng cd/m2 và thường phải bằng ít nhất 400 cd/m2.

  • Độ sáng ở khu vực màu đen tối đa:
Như bạn đã biết, màn hình HDR nhằm hiển thị hình ảnh gần với thực tế nhất có thể. Để làm điều đó, bên cạnh độ chói cực đại cao cho các vùng sáng, chúng cũng phải có khả năng hiển thị những khu vực màu đen rất tối.

Các giá trị tiêu biểu cho thuộc tính này nhỏ hơn 0,4 cd/m2, nhưng không có yêu cầu nào liên quan đến các giao thức HDR. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn VESA DisplayHDR có các giá trị cụ thể cho độ chói ở khu vực màu đen tối đa. Bất kỳ màn hình nào có thể hiển thị màu đen ở độ sáng dưới 0,0005 cd/m2 đều được coi là True Black (màu đen đích thực).

hdr-la-gi-3.jpg

Bất kỳ màn hình nào có thể hiển thị màu đen ở độ sáng dưới 0,0005 cd/m2 đều được coi là True Black (màu đen đích thực)
  • Tone mapping:
Nội dung được tạo với chất lượng HDR, chẳng hạn như phim hoặc game, có thể có giá trị độ sáng cao hơn nhiều so với những gì màn hình HDR thực sự có thể hiển thị. Chẳng hạn, một số cảnh trong phim có thể có mức độ sáng trên 1000 cd/m2, nhưng màn hình HDR mà bạn đang xem chỉ có độ sáng tối đa 400 cd/m2. Điều gì xảy ra sau đó?

Bạn có thể nghĩ rằng bất kỳ phần nào của hình ảnh sáng hơn 400 cd/m2 đều bị mất. Nhưng thực tế thì không, ít nhất là không hoàn toàn. Những gì màn hình HDR thực hiện là Tone mapping, về cơ bản là sử dụng các thuật toán để giảm độ sáng của hình ảnh được quay, khiến nó không vượt quá độ sáng tối đa. Chắc chắn, một số thông tin sẽ bị mất và độ tương phản thực sự có thể trông tệ hơn so với trên màn hình SDR. Tuy nhiên, hình ảnh vẫn có nhiều chi tiết hơn trên màn hình SDR.

  • Metadata (siêu dữ liệu):
Để màn hình HDR có thể hiển thị nội dung HDR, bất kể đó là phim hay game, nội dung đó phải được tạo bằng HDR. Chẳng hạn, bạn không thể quay phim ở SDR và mong muốn phim sẽ được hiển thị ở chế độ HDR trên TV. Nội dung được tạo bằng HDR lưu trữ thông tin, gọi là siêu dữ liệu, về cách nó được hiển thị. Thông tin đó sau đó được sử dụng bởi các thiết bị mà bạn phát để giải mã chính xác nội dung và sử dụng đúng độ sáng.

Vấn đề là không phải tất cả các định dạng HDR đều sử dụng cùng một loại siêu dữ liệu.
    • HDR10 sử dụng siêu dữ liệu tĩnh, có nghĩa là các cài đặt được áp dụng cho cách hiển thị nội dung giống nhau từ đầu đến cuối.
    • Mặt khác, HDR10+ và Dolby Vision sử dụng siêu dữ liệu động, có nghĩa là hình ảnh được hiển thị có thể được điều chỉnh nhanh chóng. Nói cách khác, nội dung HDR có thể sử dụng những phạm vi độ sáng khác nhau trên các cảnh khác nhau hoặc thậm chí cho từng khung hình của video.
Bạn có thể nhận thấy rằng bài viết chưa đề cập bất cứ điều gì về HLG. HLG là viết tắt của Hybrid Log Gamma và đại diện cho một tiêu chuẩn HDR, cho phép các nhà phân phối nội dung, chẳng hạn như các công ty truyền hình, phát nội dung ở cả SDR (Standard Dynamic Range) và HDR (High Dynamic Range) bằng một stream duy nhất. Khi stream đó đến TV của bạn, nội dung được hiển thị ở dạng SDR hoặc HDR, tùy thuộc vào khả năng của TV.

DisplayHDR là gì?
Bên cạnh các định dạng HDR, còn có thông số hiệu suất HDR được gọi là DisplayHDR. Các thiết bị mang chứng nhận DisplayHDR phải đáp ứng một loạt những tiêu chuẩn đảm bảo rằng chúng có thể hiển thị hình ảnh HDR ở một chất lượng nhất định. Nếu từng tìm kiếm trên Internet hoặc tại các cửa hàng điện tử để mua TV hoặc màn hình mới, bạn có thể đã thấy các thuật ngữ DisplayHDR 400, DisplayHDR 600 hoặc Display HDR 1000, v.v... Chúng có ý nghĩa gì?

VESA (Video Electronics Standards Association) là hiệp hội quốc tế gồm hơn 200 công ty trên toàn thế giới, tạo và duy trì các tiêu chuẩn kỹ thuật cho tất cả mọi loại màn hình video, bao gồm TV và màn hình máy tính. Một trong những lĩnh vực mà tổ chức này đã thiết lập các tiêu chuẩn như vậy là HDR. Các tiêu chuẩn của tổ chức cho màn hình HDR được gọi là DisplayHDR và áp dụng cho màn hình hỗ trợ tối thiểu HDR10. Để được chứng nhận DisplayHDR, TV, màn hình và bất kỳ thiết bị nào khác có màn hình HDR phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ sáng sau đây, cùng nhiều thông số kỹ thuật khác:

hdr-la-gi-4.jpg

Tiêu chuẩn để được chứng nhận DisplayHDR

Theo Quản trị mạng

Bài viết gốc tại đây.​
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bên trên