Papa.....

alext

New Member
“Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể làm cha, nhưng phải là người đặc biệt mới là cha của ta”

Văn hóa Việt Nam thật bất công khi nói về cha. Theo chiều dài lịch sử dân tộc, muôn ngàn bài hát, bài thơ ca ngợi tình mẹ bao la, trìu mến dễ thương, như biển Thái Bình. Nhưng không nhiều lắm các câu ca dao nói về ơn cha, “Công cha như núi Thái Sơn”. Có phải chăng vì hình ảnh của người cha trong văn hóa Việt Nam đại diện cho uy quyền và kỷ luật. Có phải vì thế cho nên khi nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ khi nghĩ đến trận đòn ác nghiệt của người cha đáng kính là mất đi nguồn cảm hứng, và nàng thơ cũng trốn biệt. Cái văn hóa của ta “Cha bảo con chết, thì cũng phải chết – còn không thì bất hiếu” (....Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu!). Ghê thật, nghĩ đến cha trong kỷ niệm của trẻ thơ: roi đòn và hình phạt. Sự hy sinh của người cha trong gia đình là hiển nhiên, là nền tảng của gia đình. “Con không cha như nhà không nóc". Người cha hy sinh cho gia đình, cho quê hương dân tộc và là những người cha vĩ đại. Người cha Việt có phải chăng chỉ là cột trụ trong gia đình, làm anh hùng cho dân tộc, để cho ta tôn thờ, nhưng xa xôi cách biệt mà khô khan tình cảm. Trong cái nhìn hôm nay, tình cảm dành cho người cha có gần gủi hơn và được bày tỏ tha thiết hơn qua bài Tình Cha của Ngọc Sơn.

“Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương
Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan,
Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu
Và con nhớ mãi những ngày tháng qua
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng
Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo
Mong muốn con được lớn khôn
Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh
Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài
Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con yêu ơi...
Con hãy nhớ.. hãy nhớ... lời Cha sống cho nên người
và con hãy chớ bao giờ dối gian
Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm!
Những lời của Cha năm xưa
Con nguyện ghi sâu trong tim
Cha hỡi Cha già dấu yêu...”

Chỉ có cha già thôi sao? Đã vào thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn thiếu tự nhiên khi biểu lộ tình cảm giữa cha con trong văn hóa Việt Nam. Người Việt hải ngọai đã hấp thụ nhiều điều hay và đẹp của văn hóa Âu – Tây trong đó có ngày lễ dành cho người cha. Ngày mà người ta quen gọi là “Father’s Day”.

Ý nghĩ tạo nên ngày lễ phụ thân bắt đầu từ một người phụ nữ tên Sonora Smart Dodd, ở Spokane, Washington. Bà Sonora đã nghĩ đến ngày lễ cha trong khi nghe bài giảng về ngày của mẹ vào năm 1909. Bà Sonora mồ côi mẹ và được nuôi dưỡng bởi người cha từ thuở nhỏ, ông William Jackson Smart. Sonora muốn cho cha của bà biết ông là người cha duy nhất và đặc biệt đối với bà. Vì thương con mà ông William hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc đời riêng. Trong cách nhìn của một người con gái, ông William là người dũng cảm, quên mình, và đầy lòng yêu thương. Ông William sinh vào tháng sáu nên Sonora chọn ngày lễ dành cho cha đầu tiên vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại Spokane, Washington. Sau đó vào năm 1926, Father’s Day Council thành lập tại New York. Năm 1972, tổng thống Richard Nixon đã xác minh ngày lễ phụ thân cố định vào ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng sáu hàng năm. Ngày lễ của cha sinh ra trong kỷ niệm và lòng biết ơn của một người con gái. Cô ta đã nghĩ rằng người cha yêu kính của cô cũng như tất cả những người cha khác trên cỏi đời nầy nên được dành ra một ngày danh dự để bày tỏ lòng yêu thương và tôn kính cũng như chúng ta dành ngày vinh danh cho các bà mẹ trong ngày lễ của mẹ.

Cũng như bao nhiêu ngày lễ truyền thống tại Mỹ, người ta mua quà , tặng thiệp, và bày tỏ tình yêu thương. Tại các trường mẫu giáo và tiểu học, thì thầy cô dạy các em tự làm thiệp vẽ tranh để về tặng cho bố của các em. Các em ở tuổi lớn hơn hay đang trong trung học thì thường mua quà, thiệp, và những vật phẩm mà tặng cho các người cha.

Những người trưởng thành thì khéo léo tìm hiểu xem cha của họ thích quà gì trong ngày lễ đặt biệt nầy để họ mua tặng. Cũng có người thì hỏi thẳng cha của họ. Có quý ông bố thì thực tế hơn; cho luôn yêu cầu quà cáp trong ngày lễ của cha. Còn nữa, trong ngày nầy các ông có thể vòi vĩnh đi chơi với bạn bè, tụ tập và tổ chức liên hoan, mà các đầu bếp chính thường là các bà và các cô.

Theo thống kê của Hoa Kỳ, 80% quà trong ngày lễ của cha là đồ điện tử và dụng cụ trong nhà. Phần còn lại người ta mua trang phục làm quà, nhưng ít người tặng hoa cho các ông bố. Ở Mỹ người ta dí dỏm đặt đàn ông là tầng lớp thứ tư trong xã hội (đàn bà, trẻ em, “man’s best friend”, và đàn ông), nhưng trong ngày của cha thì được làm “vua” trong 24 giờ.

Đối với một số người Mỹ, thì ngày lễ của cha chỉ là ngày lễ và là thông lệ. Nó được cảm nhận khác nhau tùy theo tư duy và kiến thức nhiều người trong mọi tầng lớp của xã hội. Qua nhiều thế hệ, người ta thấy nó trở nên rườm rà, hình thức, và có khi còn là gượng ép. Cho dù có sự khác biệt, ai cũng trân trọng và nhận thức được ngày lễ của cha là tập tục hay và đẹp. Nó giúp ta không chỉ nói lên lòng biết ơn, nhưng mà còn giúp ta kéo gần lại mối quan hệ tình cảm cha con trong gia đình.

Người cha trong văn hóa Việt, nhất là ở thế hệ trước, có thể hy sinh cuộc đời cho con, nhưng ít khi nói “I love you, my precious” ( Bố thương con, đứa con yêu quý). Thế hệ sau của người Việt hải ngọai, cha con, chồng vợ bày tỏ tình yêu thương cho nhau tự nhiên và rõ nét hơn qua sự học hỏi trong nền văn hóa Âu – Mỹ. Người Việt nặng ân tình và đây là cơ hội để bày tỏ lòng tri ân cho những người cha dũng cảm, hy sinh, và đầy lòng mến thương cho gia đình và con cái. Các bà cũng dùng cơ hội ngày lễ phụ thân cám ơn các đức người chồng vì gia đình và dân tộc mà sống xứng đáng trong trách nhiệm của họ.

Ngày lễ của cha chứa đựng một ý nghĩa cao đẹp, nhất là đối những người Việt xa quê. Ngày lễ phụ thân gợi lại tình thương của những người cha đã phải chịu ngục tù, sống đời viễn xứ, và cả trong sự lao khổ nhọc nhằn. Người cha, người chồng trong gia đình người Việt Nam không mệt mõi tìm kiếm cho những người xung quanh cuộc sống đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần. Hàng trăm ngàn người cha đã hy sinh, cho chúng ta có ngày hôm nay.

Nếu các bạn là những người may mắn có người cha bên cạnh hãy bày tỏ lòng yêu thương trong ngày lễ đặc biệt nầy. “Bố ơi, con thương bố” (Daddy, I love you), không là bao, nhưng chứa đựng một núi ân tình với người sinh ra bạn. Với các bạn là những người kém may mắn vì người cha đã ra đi hay chưa bao giờ biết mặt, hãy giữ lòng yêu kính và sống xứng đáng với với tâm tình người đã quên mình và sinh ra bạn. Vì hình ảnh người cha kính yêu sống mãi qua cuộc đời đầy ý nghĩa và đầy tình yêu thương của bạn.

Tôi có một đứa con gái nhỏ, một lần khi hai cha con xem TV chung, có một nhân vật hỏi một nhân vật khác "How can I know if I love you or not ?", bé T làm tôi ngạc nhiên khi nó bật cười. Nó nói ngay:

- How can he ask such a question? You don 't ask if you love or not. It's in you; You just know it.
Tôi bỗng thấy mình hơi lẩm cẩm khi tôi gạn hỏi nó:
- So you know that you love me without asking yourself that question?
Tôi lặng lẽ sung sướng khi nó nhìn vào mắt tôi mà nói:
- Of course, dad.

Hãy kỷ niệm ngày lễ phụ thân như ý nghĩa ban đầu của nó. Và nếu bạn là người may mắn được làm cha hãy tận hưởng những giây phút yêu thương vì bạn là cha là người đặc biệt! Chúc bạn đọc một ngày lễ phụ thân vui vẽ và hạnh phúc.
 
Bên trên