Quê Hương Thanh Hoá

duynokia

BĐH HD Thanh Hóa
Topic giới thiệu con người.quê hương Thanh Hoá.Danh lam thắng cảnh,Đặc sản Thanh Hoá.Nhân kiệt Thanh Hoá.
Anh em có thể sưu tầm tài liệu,Hình ảnh nói về quê hương chúng ta nhé
Thanks


Suối cá Cẩm Lương-Thanh Hoá

Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).

Huyền thoại về suối cá thần

Huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.

Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.

Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.

Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.

Một ngày du ngoạn, khám phá suối cá thần

Theo những phân tích của các nhà ngư loại học gần đây, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...

Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo, ai cũng nhớ thả cho đàn cá thần một ít rau, ít gạo. Hàng ngày, cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách.

Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.

Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá.

Để đến suối cá thần, du khách có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thuỷ rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thuỷ dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hoá) lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thuỷ nên thơ, hùng vĩ.

Hiện nay, cầu treo Cẩm Lương nối quốc lộ 217 với đường vào suối cá thần vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mỗi khi về Cẩm Lương.


Sau đây là một vài hình ảnh về Suối cấ Cẩm Lương.Thanh Hoá quê ta.

post-18-1210789076.jpg


img2636xz4.jpg


img2573ih3.jpg


IMG_3300.jpg


IMG_3296.jpg


30.jpg



Thành Nhà Hồ - Một điểm du lịch xứ Thanh


Thành Nhà Hồ

Từ thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 45 ngược lên phía bắc, qua các huyện Đông Sơn, Thiệu Hoá, đến huyện lỵ Vĩnh Lộc, ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2 km là chúng ta đã đến Thành Tây Đô hay còn gọi là Thành An Tôn, Thành Tây Giai, thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

Năm 1397, Hồ Quý Ly chọn đất An Tôn xây thành thủ hiểm. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngoạ, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Sử cũ cho biết thành xây 3 tháng thì xong. Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông. Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành Tây Đô là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hoá to lớn. Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng. Nhiều phiến rất to ở cửa Tây (dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m), được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công. Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tường thành không những được xây bằng đá tảng mà năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương hạ lệnh cho nhân dân nung gạch để xây thêm phần tường thành phía trên. Phần tường gạch ngày nay gần như không còn nữa nhưng những viên gạch vẫn thấy nằm rải rác trong các gia đình gần thành.

Cho đến nay, nơi khai thác và cung cấp đá cho việc xây dựng thành Tây Đô và cả việc chuyên chở vật liệu đang là đề tài bàn bạc. Nhân dân địa phương cho biết, người xưa có thể lấy đá ở nhiều nơi quanh vùng Tây Đô, gần nhất là núi đá xanh Yên Tôn, hiện còn những tảng đá xanh mang tên “An Tôn xã”. Hang Tượng dùng để nhốt voi chuyên chở đá xây thành. Con đường phía Tây được lát đá xanh bằng phẳng từ bờ sông Mã đến cửa Tây còn có tên gọi “Bến Đá”. Gần đây, những hộ dân xung quanh đường còn giữ được những viên bi đá. Đá lấy từ nhiều nơi khác, chuyên chở bằng đường sông, đường bộ, chở bằng cộ (loại xe lớn có một bánh gỗ), chở bằng voi kéo, hoặc người ta dùng những viên bi đá cho khối đá khổng lồ trượt lên trên.

Thành Tây Đô có 4 cửa : Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam, có kích thước rất lớn. Với hai cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Xưa kia khi đóng, khi mở bởi những bộ cánh cửa gỗ có bánh xe lăn, then cài chốt ngang. Ba mặt thành: Đông, Tây, Bắc đều được xây một cửa cuốn vòm riêng, cửa Nam là cửa chính được xây ba vòm cuốn, vòm giữa xây to và cao hơn hai vòm bên. Hai cửa Đông, Tây đều xây rộng 5,8m; dài 13,40m. Những tảng đá được xây ở vòng cuốn này được đẽo công phu, phẳng ba mặt nhưng chỉ mặt dưới được tạo nên bề mặt ở vòm cửa và phần tiếp giáp gờ bờ thành. Riêng mặt trên đỉnh còn nhiều tảng nhấp nhô không thành hình khối gì. Nhân dân địa phương còn cho rằng, vì mặt cửa Đông, Tây có thể chưa làm xong hoặc hai cửa này không xây chòi canh nên không cần gia công kỹ. Cổng Bắc chỉ có một cửa nhưng được xây công phu hơn. Toàn bộ cửa Bắc dài 20m, rộng 12,7m. Hiện nay Vọng lâu tuy không còn nhưng qua vết tích nền móng để lại cho biết đây là hệ thống cấu trúc khung gỗ có mái che, cột lầu không kê chân tảng mà được cắm sâu xuống nền cửa 0,45m. Cửa Nam là cửa chính, rộng 38m, cao hơn 10m, xây nhô ra tường thành phía ngoài 4m, ba vòm cuốn đều rộng 5,8m, vòm giữa xây cao hơn hai vòm hai bên 7,8m. Cả ba cửa đều xây rộng 14m. Cửa nào cũng được đóng bằng hai cánh cửa gỗ dày và nặng, hiện còn gờ cửa. Ở trên đỉnh phía nam cũng là một nền được lát đá bằng phẳng. Những lỗ đục hiện còn cho biết lần cửa Nam này chắc chắn to và đẹp hơn cửa Bắc vì lầu cửa Nam này không chỉ mang chức năng của một lầu canh mà còn là bộ mặt của quốc đô, nơi nhà vua ngự mỗi lúc duyệt binh hay chủ trì các nghi lễ trọng đại. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai lát đá dài khoảng 2 km hướng về đàn tế Nam Giao được xây dựng vào tháng 8 năm 1402. Công trình này đã bị sập đổ hoàn toàn và cách đây 2 năm Viện khảo cổ kết hợp với Ban quản lý di tích, danh thắng tỉnh Thanh Hoá tiến hành khai quật khảo cổ học bổ sung những luận cứ đánh giá về triều Hồ cũng như góp phần soi sáng thế giới tâm linh cùng những hoạt động văn hoá cung đình của một triều đại phong kiến ngắn ngủi.

Tây Đô độc đáo bởi tường thành được ghép bằng các khối đá khổng lồ nhưng vẫn mang nét chung của thành quách bấy giờ là thành được bao bọc bởi con hào vừa rộng, vừa sâu bao quanh, bốn mặt bên ngoài tường thành có rải chông. Thời gian, sa bồi đã lấp đầy hố sâu phòng ngự chủ động của công trình kỳ vĩ này. Dù vậy, cách thành vài km về phía Bắc có dãy đồi tạo thành tuyến phòng ngự thiên nhiên; phía Đông và phía Nam được phòng ngự bởi luỹ đất nối liền với đồi, phía Bắc được phòng vệ bởi dãy núi đá xa xa. Và còn đó thế sông Mã, sông Bưởi ngăn cách kéo vệt dài từ tây bắc qua phía nam và đông Thành Tây Đô. Bên cạnh đó, sử cũ chép “năm 1399, sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hoá trồng tre gai ở phía Tây thành, phía Nam từ Đốn Sơn, phía Bắc từ An Tôn thẳng đến cửa Bào Đàm, phía Tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây bọc làm La Thành”.

Thành Tây Đô không chỉ nổi rõ vai trò Trung tâm quân sự, hơn thế nữa, nó là quốc đô của nước Đại Ngu triều Hồ. Kiến trúc chính trong nội thành, sách cũ còn cho biết : Nhà vua ngự triều ở điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly) Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái Miếu, cung Phù Cực. Ngoài ra còn một số kiến trúc tuy không được ghi vào sử sách như nhà ngục, Ao Gạo, Ao Vàng, Đọi Đèn, cồn Súng Bắn v.v... Những kiến trúc ấy giờ đây không còn nữa nhưng tên gọi của nó còn ứng với từng thửa ruộng nông dân hiện nay đang cấy trồng. Những khoảnh đất cao nổi lên cân đối là nền móng của các công trình kiến trúc, lâu đài đồ sộ vẫn âm thầm nói với thế hệ hậu sinh nhiệm vụ của nó thuở ban sơ. Và Thành Tây Đô, di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu, công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ, độc đáo đang đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hoá còn ôm trong mình những bí ẩn cần tiếp tục được nghiên cứu, khám phá và đầu tư thoả đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn bạn bè và khách thập phương.

Nguồn Báo Thanh Hoá
Ngày 21/8/2006, 14:13


Một vài hình ảnh.

060723ThanhNhaHo009CuaNamTrong.jpg


060723ThanhNhaHo021TuongNamNgoaiTay.jpg


060723ThanhNhaHo039TuongTayNam.jpg


060723ThanhNhaHo068TuongBacNgoaiTay.jpg


060723ThanhNhaHo081CuaBacNgoai.jpg


060723ThanhNhaHo086TuongDongNgoaiBa.jpg


060723ThanhNhaHo088CuaDongNgoai.jpg


2434703eb68c3081.jpg


Download.jpg


duy-6.jpg


Nồng nhiệt đón chào quý khách!!!
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Dân Thanh Hoá
ăn rau má
Phá đường tàu
Nắm đuôi trâu
bơi qua sông Mã


Thanh Hóa quê ta
Khu Bốn đuổi ra,
Khu Ba đuổi vào,
Thử chạy sang Lào
Lào không thèm nhận.
Bực mình tức giận,
Lập quốc gia riêng.
Thủ đô thiêng liêng
Là miền Nông Cống
Quốc ca chính thống,
" dô tá dô tà "
Nông nghiệp nhà nhà,
Trồng cây rau má.
Biển khơi lắm cá,
Mười mẻ một cân,
Vang tiếng xa gần,
Nem chua toàn lá.
Còn công nghiệp hoá,
Là phá đường tàu,
Đục ống dẫn dầu,
Cắt dây điện thoại.
Thiên nhiên ưu đãi,
Lũ lụt triền miên.
Có nhiều nhất miền,
Là đất pha cát.
Rừng xanh bát ngát,
Có rặng phi lao,
Gió mát rì rào,
Gió Lào thường thổi.
Công trình nổi trội,
Vượt cả núi non,
Có cái cầu con,
Gọi là cầu bố.
Mấy cây lố nhố,
Thì gọi rừng thông,
Con gái chưa chồng,
Đặt vòng tránh đẻ.
Thanh niên trai trẻ,
Thì chóng về hưu
Làng xóm tiêu điều :
Nông thôn đổi mới !

Quốc ca truyền thống
Dô tả dô tà
'Tích cực tăng gia
Trồng tòan rau má
Dựa vào vách đá
Bắn được máy bay'

Bài ca nổi tiếng khi em học ngoài HN. :(
 
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Mục Sơn em có khu di tích lịch sử Lam Kinh, em kiếm ít hình, ít video về Lam Kinh post lên cho các bác xem.
Trên em có các đặc sản:
- Bánh gai Tứ Trụ
- Bưởi Luận Văn
- Mía
- Đường
- Cồn CLC
- Đồ rừng....
- Và một số thứ nữa...
 

HDGialong

Active Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Tôi Xa Quê
Tôi đi xa, nhớ nhiều đến thế
Dòng sông Chu xanh vơí bụi tre giá
Thơm, rơm lúa chiều quê mẹ gặt
Nắng trên đầu, cha ướt đẫm mồ hôi.

Tôi ngẹn lắm, khi nghe một câu ví
Tôi thương lắm, khi đọc những câu vè
Ai viết thế, mà đau một tâm sự
Đọc xong rồi nước mắt chảy vào tim

Đâu đấu tích, một vùng quê anh dũng
Ghi đâu rồi, sử sách những anh linh.
Nơi có thật, quê mình là truyền thống
Có cha ông, kiệt xuất nhân tài.

Nhắn giùm tôi, là người Thanh Hóa
Lớn lên rồi, tôi hiểu vì sao ?
Quê nghèo thế, đời tôi còn vất lắm
Để niềm tin, hẹn đến một ngày về
 

jerrymouse

Active Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Tặng các Bro một bài thơ do mình sáng tác có chút gì đó xưa và nay gọi là mừng nhà mới:

EM HÀ NỘI VÀO THANH

Em khi nào mới có dịp vào Thanh?
Để lại được cùng sánh vai vui bước.
Giảng đường xưa trao hoa thầm hẹn ước
Cánh Phượng hồng trong trang vở trinh nguyên.

Khi vào Thanh nhớ ghé đường Thanh Niên,
Qua Lăng Bác mang giùm anh chút nắng,
Khắc ghi mãi tình bao la, sâu nặng
Một mặt trời mãi tỏa sáng trong lăng.

Khi vào Thanh em nhớ ghé qua trường,
Hái giùm anh một chùm hoa Phượng vĩ
Để nhớ lại biết bao điều thú vị,
Của Thầy – Cô theo trang sách hiện về.

Khi vào Thanh em nhớ thăm thầy cũ,
Xin hộ anh bức thư pháp Hán – Nôm,
"Gốc rễ bền lâu – Cành lá mãi còn"
Nét bút hóa Rồng bay trên trang sách.

Mang vào Thanh nét thanh tao Nguyệt bạch
Dải mây hồng uốn lượn nét thanh tân,
Hái giùm anh vài chục nụ tầm xuân
Làm quà tặng những người thân, bạn hữu.

Ghé Bờ Hồ thu mấy cành Dương liễu
Thật xanh tươi, anh bớt nhớ hồ Gươm
Ðền Ngọc Sơn, vào thắp mấy nén hương,
Cầu mang giúp hồn thiêng xưa Lê Lợi.

Nhớ nghe em! Ðừng để anh ngóng đợi!
Một tình yêu - Một bóng dáng thân thương
Nơi hồn anh gửi gắm dáng quê hương,
Bao năm tháng càng trào dâng nỗi nhớ!

Em vào Thanh, một vùng quê nơi đó
Mãi ngân vang câu “Đi cấy dưới trăng”,
Và lời ru, âm vọng tiếng Trống đồng.
Bao kỷ niệm, nhanh vào Thanh em nhé…

Chủ nhật ngày 17/8/2008
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

jerrymouse làm thơ hay quá. Mấy người bạn xứ Thanh mà tớ biết trước nay ai cũng biết làm thơ cả.
 

jerrymouse

Active Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Vâng Jerry xim cảm ơn bác Chip và anh em đã động viên. Jerry xin tặng tiếp HDgialong và những Bro nào vì điều kiện công việc đang sống xa quê nhưng luôn chăn trở về nơi đã sinh ra. Bài thơ này cũng do mình tự sáng tác tặng những người đón xuân mới 2009 ở xa Quê hương:

NHỚ QUÊ

Bao cách xa, ta lần về quê cũ
Cánh đồng chiều vẳng lại một câu thơ
Mái nhà tranh dịu câu hát ầu ơ
Đưa về thủa thiếu thời trong tay mẹ.
Lúc đi xa ta tràn đầy sức trẻ
Đến bây giờ xương gió tóc hoa râm
Về với quê, về với những ân cần
Suốt đời mẹ tảo tần nuôi con lớn
Về với tổ tiên, mẹ ra đi buổi sớm
Mãi khuya về con mới kịp chịu tang.
Đã trưởng thành, lớn khôn nhưng lệ vẫn hai hàng
Con xa mẹ, xa quê sao buồn da diết thế.
Ôi cuộc sống buồn vui, sao quá nhiều dâu bể
Tết đến rồi, nhớ quê lắm - Quê ơi!


 

HDGialong

Active Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Em xúc động quá bác chuột ạ, em đọc xong nghẹn ngào quá cảm ơn bác nhiều ạ
 
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Bác Duy sưu tập được bài viết về suối cá thần cảm lương ngon nhỉ. Bác lên đó chưa, anh em ta bố trí lên đó off đi.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Di tích lịch sử Lam Kinh

Thành Lam kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía tây. Được xây xựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh.

Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai.

Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng tây 51km, du khách sẽ gặp chiếc "nôi vàng". Ðó là Lam Kinh, nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.

Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.

Về Lam Kinh du khách sẽ được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ Quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng và được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng; những sản phẩm nổi tiếng của Lam Kinh.
Ở xứ Thanh nguời ta không nói "đến" Lam Kinh mà thường nói "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Về Lam Kinh nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Một đêm năm Bính Thân (1416) 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.

Lam Kinh là đây chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc. Chuyện về một nhà sư già mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, 10 năm theo Lê Lợi tung hoành trận mạc, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô. Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn, người vợ Lê Lợi làm vườn bắt được quả ấn vàng có chữ Lê Lợi đề trên lưng ấn. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua một phen thoát hiểm. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa.

Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại bắt đầu. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể. Tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Vườn quốc gia Bến En


Vườn quốc gia Bến En thuộc địa phận huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá 36km về phía tây nam. Tổng diện tích rừng tự nhiên là 16.634 ha, trong đó diện tích rừng nguyên sinh là 8.544 ha với một quần thể nhiều núi non, sông suối, vùng hồ trên núi với nhiều tên gọi và huyền tích về các địa danh.

viewanh_t.asp


Vườn quốc gia Bến En có nhiều sinh vật quí. Tại đây có tới 462 loài cây thuộc 125 họ thực vật, gồm những giống loài quí như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương... Có các loại thú quí hiếm như sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...

Phong cảnh của vườn quốc gia Bến En đầy thơ mộng. Hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Nhiều hang động nhũ đá lung linh huyền ảo.



Đến với vườn quốc gia Bến En, du khách có dịp tìm hiểu, nghiên cứu về các loài động thực vật quí hiếm ở đây, sống giữa rừng đại ngàn nghe chim kêu vượn hú thâu đêm, nướng cá bên khe suối... thật thú vị. Trong tương lai Bến En sẽ trở thành một khu du lịch rất hấp dẫn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Đền Đồng Cổ

Ðền Ðồng Cổ thuộc thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía tây bắc. Một trong những di tích nổi tiếng của xứ Thanh - bên cạnh Lam Kinh, thành nhà Hồ, làng cổ Đông Sơn - là đền Ðồng Cổ, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước.

Thuở xưa, đường bộ còn xa xôi cách trở, đường sông là phương thức đi lại chủ yếu, ngôi đền nằm bên bờ hữu sông Mã này trở thành điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách trên đường thiên lý. Có lẽ, nhờ thế mà danh tiếng của ngôi đền càng bay xa thêm với những câu chuyện hư hư thực thực.



Tương truyền, có một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu ở khúc sông Mã gần đền (có sách nói là vua Lý Thái Tông, cũng nguồn nói là vua Hùng Vương đời thứ nhất đi dẹp ngoại xâm). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là Ðồng Cổ báo mộng bày cách dẹp giặc loạn. Khi vua tỉnh giấc còn nghe vang vọng tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi.

Theo báo mộng của thần, khi ra trận vua cho dùng dùi đồng gõ vào trống đồng, giặc loạn sợ hãi bỏ chạy. Nhà vua sau đó đã quay lại để tạ ơn thần và cho tu bổ đền khang trang hơn. Tên đền Ðồng Cổ được dân làng gọi theo từ đó.

Vua Lý Thái Tông còn cho rước thần Ðồng Cổ từ Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long, lại phong cho thần chức quan "chủ trì việc thề trong cả nước".

Bởi vậy, nay ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi đền cũng mang tên Ðồng Cổ và cũng thờ thần Ðồng Cổ. Xưa, cứ đến ngày 4/4 hằng năm, nhà vua và các quan trong triều lại đến đền thề trước thần Ðồng Cổ: "Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu - thần linh tru diệt...". Dân thường gặp chuyện gì rắc rối cũng dắt díu nhau đến đó mà thề thốt trước thần Ðồng Cổ.

Sử sách còn ghi đền Ðồng Cổ ở Ðan Nê xuất hiện từ thời Hùng Vương. Ba ngọn núi đá vững chãi bao bọc ngôi đền được gọi là Tam Thái Sơn. Trước cửa đền, bên kia chiếc hồ bán nguyệt, có hai tấm bia trên vách đá núi Xuân. Một tấm bằng chữ Hán khắc lại bài văn bia do Nguyễn Quang Bàn viết năm 1802, ca ngợi phong cảnh sơn thủy hữu tình của nơi đây, và kể lại chuyện một chiếc trống đồng cổ được tìm thấy và cúng tiến vào đền. Tấm kia bằng tiếng Pháp, khắc năm 1889, nội dung chép lại bài văn dân làng Ðan Nê tỏ lòng sùng kính với ngôi đền.

Tấm bia chữ Hán chép rằng, năm Canh Tuất (1790) Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) vâng mệnh vua cha vào làm quan đặc sai đốc trấn Thanh Hóa. Một đêm nọ, ông nghỉ tại xã Ðan Nê, có vào cầu khấn trong miếu thờ Ðồng Cổ Sơn Thần. Sau đó ứng nghiệm bằng việc ông bỗng thấy bên bờ Nam sông Mã xuất lộ một chiếc trống đồng cổ rộng 9 thước, cao 4 thước. Năm Nhâm Tuất (1802) lại có dịp đi qua miếu, Nguyễn Quang Bàn sai đem chiếc trống đồng tìm được dạo trước hiến cho đền, đồng thời viết bia (lúc đó là bia gỗ) ghi lại để đời sau được rõ.

Theo những người cao tuổi trong làng Ðan Nê, đền Ðồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào Tam Thái Sơn (dân làng gọi một cách dân dã là dãy núi Ðổng). Quanh đền cây cối sum suê, rậm rạp, có nhiều cây to đến nỗi "ngẩng đầu nhìn, rơi cả mũ".

Thời kháng chiến chống Pháp, binh công xưởng Nguyễn Công Cậy sản xuất vũ khí ngay trong hang động Ích Minh trong lòng ngọn núi bên phải của đền.

Một chú bé làng Ðan Nê cho biết, gần đây dân làng vẫn còn tìm được trong hang nhiều vỏ bom hình dáng như chiếc vỏ chai. Ðến thời kháng chiến chống Mỹ, một nhà máy điện cũng sơ tán về đây, sản xuất điện phục vụ kháng chiến ngay trong lòng hang Nội ở ngọn núi bên trái ngôi đền.

Khi quân Pháp phát hiện ra vị trí công binh xưởng Ích Minh, chúng đã cho máy bay ném bom san phẳng cả đền Ðồng Cổ. Những di tích nguyên gốc còn lại đến nay, ngoài hai tấm bia kể trên, chỉ còn chiếc miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghinh môn nằm ở phía tây ngôi đền.

Nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), cao 9 m, rộng 3 m, được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa), cuốn thành vòm tò vò.

Theo những bậc đá lên đến ngôi miếu cổ trên núi Xuân, du khách có thể thu vào tầm mắt phong cảnh thật tuyệt vời của dòng sông Mã. Giữa đôi bờ bạt ngàn những ruộng ngô xanh mướt đang phất cờ, dòng sông mùa khô mang mầu ngọc bích hiền hòa trôi. Xa xa, phía bên kia sông là dáng hình thành Nhà Hồ (thuộc huyện Vĩnh Lộc kế bên), ẩn hiện trong sương mù mùa đông mờ ảo. Dưới chân núi, ngôi đền Ðồng Cổ (được xây lại vào năm 1996, chỉ gồm một gian hai chái), lọt trong xanh tươi cây lá. Trước đền, hồ Bán Nguyệt như một mảnh gương nhỏ hắt bóng mây trời.

Nơi đây, thời gian như được cô đặc lại từ lịch sử mấy ngàn năm tồn tại của ngôi đền, rắc lên đó một màn sương những câu chuyện huyền thoại.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Bãi biển Sầm Sơn

Bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 16km. Bờ biển dài, bằng phẳng, phong cảnh hùng vĩ, đã được người Pháp khai thác từ năm 1906.

Bãi biển Sầm Sơn là nơi tắm biển rất tốt mà người Pháp đã biết khai thác từ năm 1906 và Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương. Từ những thập kỷ trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn. Sầm Sơn có nhiều cảnh đẹp: hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...

Bờ biển Sầm Sơn dài 10km bằng phẳng và nhiều hải sản quý như tôm he, cá thu, mực... Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la với những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách. Bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng và đẹp ở phía bắc.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Đền Bà Triệu

Vị trí: Đền thờ bà Triệu được dựng trên núi Gai (còn gọi là núi Ải) sát đường quốc lộ 1A, thuộc làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 137km.
Đặc điểm: Hiện nay lăng tháp vẫn còn, tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, khách bộ hành thường dừng chân, lên núi Gai, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng, viếng lăng và thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Tên thật của bà là Triệu Thị Trinh, nhưng nhân dân quen gọi là Bà Triệu với lòng kính cẩn, nhớ công ơn bà đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô thế kỷ thứ 3.

Qua cổng là hồ sen, bốn bề kè đá. Tiếp theo là nhà Tiền đường gồm 5 gian, cột đá mài vuông cạnh. Sau nhà Tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữu là nhà tiếp khách và sửa lễ. Cuối sân là 3 gian hậu cung, dựng trên mặt bằng cao hơn, dựa vào vách núi. Đối diện với đền trên là núi Gai, ở phía bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng - nơi có lăng Bà Triệu.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Động Kim Sơn

Nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 250 km, động Kim Sơn là một điểm du lịch mới được phát hiện còn rất hoang sơ. Núi đá hùng vĩ nằm trong thung lũng Thung Phình này có nhiều điều kỳ thú chưa được khám phá.
Ở ngang lưng chừng núi, lọt giữa cánh rừng mọc rất nhiều mai tứ quý là cửa động - một vòm đá cao khoảng 30 m với những nhũ đá muôn hình rủ xuống. Phía dưới là một màu xanh non trải dài, điểm những bông sen trắng. Để đến được đây du khách phải bám vào một sợi dây thừng to, rồi luồn mình qua những mỏm đá, bụi cây.

Lạch nước dẫn ra cánh đồng Thung Phình.
Không khí trong hang mát lạnh. Lòng hang rộng như một thung lũng với nhiều nhũ đá rất đẹp. Có hình cô tiên, đàn voi đang uống nước, lũ khỉ leo trèo... Đặc biệt có nhũ đá hình tượng Phật Bà Quan Âm cao 15 m, an tọa ở chính giữa động.
Càng vào sâu, lòng hang càng rộng như vô tận tạo cho du khách cảm giác như lạc vào cõi tiên. Giếng Tiên với đầy nước trong vắt cùng núi đá vôi cao vút tạo cho phong cảnh nơi đây thêm hùng vĩ.
Từ trong động một lạch nước quanh co có thể đưa du khách đi thăm cánh đồng Thung Phình.
 

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Động Từ Thức

Động thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.Trước đây được gọi là động Bích Đào, sau được đổi tên là động Từ Thức vì gắn với câu chuyện tình "Từ Thức lấy vợ tiên" được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

viewanh_t.asp


Động Từ Thức rất đẹp và gồm có hai động. Động ngoài hẹp, sáng sủa, có miếu Sơn Thần và có bài thơ của Lê Quí Đôn khắc vào đá. Động trong rộng hơn và có nhiều cảnh trí tuyệt đẹp. Dưới ánh đuốc, thạch nhũ muôn hình vạn trạng lóng lánh sắc màu được nhân hoá thành một thế giới gần gũi với đời sống như "cây bạc", "cây vàng", "ao bèo", "rồng ấp trứng". Đi sâu vào nữa lại có cả giá chiêng, giá trống, phường bát âm, bàn cờ tiên... trong động có "đường lên trời" và lối "xuống lòng đất".

Động Từ Thức không những là một danh thắng mà còn là một di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

LSTV

New Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Suối "cá thần" thứ hai ở Thanh Hóa

- Đó là mó Đóng thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên, (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) cách thị trấn Cẩm Thuỷ 15km về phía tây. Suối cá này và suối cá thần suối Ngọc Cẩm Lương nằm ở hai phía bờ khác nhau của sông Mã.

Người dân ở đây không dám đánh bắt cá, cá sống chung hòa bình với người, sinh sôi đông đúc, con lớn nặng từ 3 đến 4 kg, con nhỏ 500g.

Nước suối Đóng trong vắt, nhìn rõ lớp đá cuội dưới lòng suối. Cửa hang chỉ rộng bằng cái mẹt và có tới ba cửa hang để cá chui ra- vào, nhưng lòng hang rộng và sâu bao nhiêu không ai biết.

Ban ngày cá từ dòng suối ngầm trong hang núi, theo dòng nước bơi ra đùa giỡn ở nơi suối Đóng, ban đêm lại bơi vào dòng suối ngầm nằm sâu trong lòng núi.

Nước ở mó Đóng là nguồn nước cơ bản chảy ra ruộng để bà con bản địa cấy hái nhưng cá chẳng bao giờ bơi ra. Chúng chỉ quẩn quanh trong một diện tích chừng 500 mét vuông rồi lại quay vào.

Loài cá này được người dân Mường gọi là "cá phốôc"có hình thù mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ. Đây cũng là loài cá ở suối cá thần Cẩm Lương.

Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường sinh hoạt nấu nướng bằng thứ nước của dòng suối này từ khi lập bản cho đến giờ.

Một số hình ảnh về Suối cá thần 2

images76818_Ca-than.jpg


images76838_Ca-than-2.jpg


images76839_Ca-than-3.jpg


Những chuyện lạ về suối "cá thần" thứ 2 ở Thanh Hóa


Việc xuất hiện suối “cá thần” thứ 2 tại Thanh Hóa đang tạo ra nhiều luồng thông tin khác nhau, khiến cho suối “cá thần” càng trở nên kỳ bí.

u1ca1.jpg

Cá dày đặc mặt suối

Suối “cá thần” thứ 2 phát hiện nằm tại khu vực núi Đóng, thuộc địa phận Thôn Dùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ có tên gọi là suối cá Mó Đóng. Tên gọi suối cá thần Mó Đóng, có nghĩa là ở tại khu vực núi Đóng có khe nước chảy ra sông và người Mường thường quen gọi khe nước là Mó nước. Tại Mó nước này có “cá thần” sinh sống quanh năm suốt tháng nên mới có tên suối “cá thần” Mó Đóng.

ca_than_mo_dong_.JPG

Lấp lánh dưới ánh nắng vàng.

Có mặt tại khu vực suối “cá thần” Mó Đóng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của hàng ngàn con cá lượn lờ tìm ăn trong bán kính Mó Đóng chỉ rộng chừng 200 m2. Thỉnh thoảng có vài con phi lên khỏi mặt nước khi có ai đó ném bất kỳ vật gì xuống suối.
Muốn vào hang núi Đóng nơi có loài cá trên sinh sống, người dân có thể đi vào bằng 3 cửa. 2 của trên hông núi, không có nước, 1 cửa bên dưới nơi loài cá vẫn thường ra vào gọi là Mó Đóng.

Chưa kịp hỏi về nguồn gốc loài cá ở suối "cá thần", một cụ già 72 tuổi ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên đã cho biết: “Loài cá này có từ lâu lắm rồi, cũng chẳng ai biết là từ khi nào nữa và cũng không bao giờ ở đây hết cá. Năm 1959, khi bộ đội đóng quân ở đây đã nổ mìn bắt cá ăn, nhưng cũng có hết được đâu, càng ngày lại càng nhiều cá hơn”.

Hang_Mo_Dong_2_.JPG

Hang Mó Đóng.

Loài cá ở suối "cá thần" Mó Đóng có tên gọi là cá Dốc, thân cá giống y như cá trắm, vây đỏ, má đỏ, ăn tạp và nặng tới 6 - 7kg, con nhỏ thì cũng 300 gram.
Cá Dốc xuất hiện nhiều nhất vào khi trời sáng, đến tầm 5 - 6 giờ chiều, khi mặt trời nhá nhem là lại rủ nhau vào hang trú ẩn.

Có điều lạ là loài cá này không bao giờ bơi ra khỏi khu vực Mó Đóng, dù khe nước chảy ra cánh đồng của xã và đổ ra sông Mã. Kể cả khi trời lụt lội, nước cao tràn cả ra ngoài thì chúng cũng không hề bơi đi nơi khác. Những con cá đã bơi ra ngoài rồi cũng sẽ chết ngoài mương khi không tìm được đường về.

Thay_nguoi_dan_lai_cua_hang_ca_than_tua_tua_bua_vay_.JPG

Thấy người dân lại cửa hang, cá Dốc tua tủa bủa vây.

Mó Đóng nước rất mát trong. Hàng ngày, người dân trong thôn vẫn thường giặt giũ, rửa rau cỏ tại đây. Có người khi rửa rau vô ý để cá nhảy vào rổ rau lại phải nhẹ nhàng bê con cá Dốc nặng 4 - 5 kg thả ra ngoài.
Đặc biệt là nếu mang gà ra suối Mó Đóng thì rất khó làm thịt vì cá Dốc luôn túc trực bên cạnh đợi người cho gà xuống suối rửa là thi nhau bơi vào rỉa, khiến người dân khiếp sợ, không dám mạo hiểm vì sợ…mất gà.

Nhưng đối với những đứa trẻ nơi đây khi lội xuống Mó Đóng thì loại cá này bơi lượn quanh chân rất thân thiện, rồi vùng vẫy như những người bạn tri ân lâu ngày mới gặp.


Cá Dốc ở suối Mó Đóng nhiều như vậy nhưng không ai dám đánh bắt để ăn. Cùng lắm họ cũng chỉ lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình. Theo người dân nơi đây cho biết là nếu bắt cá ở suối "cá thần" là "có tội" nên ai đó “gan” to đến đâu cũng không dám "mạo phạm”.
Đa số người dân sống ở đây đều là người dân tộc Mường. Dù cuộc sống của họ thiếu thốn nhưng nhất quyết không ai bắt cá để ăn, họ xem cá như người bạn trong cuộc sống hàng ngày.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

HHN

Active Member
Ðề: Quê Hương Thanh Hoá

Đọc mấy bài thơ của các bác em xúc động quá :D
 
Bên trên