Tim Cook đóng vai ngây ngô trong phiên làm chứng quan trọng của vụ kiện Epic - Apple

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
CEO Apple bước lên ghế nhân chứng trong phiên làm chứng được cho là quan trọng bậc nhất của vụ kiện chống độc quyền giữa Epic và Apple.

Nhưng thay vì đối đáp gay gắt những luận điệu và cáo buộc của Epic, Tim Cook lại tỏ ra bình thản, thậm chí ngây ngô có chủ ý, khiến nhiều câu hỏi quan trọng liên quan vụ kiện bị bỏ ngỏ hoặc không thể tìm ra câu trả lời.

Tình huống ngoài dự đoán này có lẽ không giúp tạo ra những bản tin chấn động đầy thú vị, nhưng lại là một công cụ giúp giảm đi đáng kể sức "sát thương" của những cáo buộc nguy hiểm, nhưng có phần mơ hồ, rằng Apple đang lạm dụng vị thế độc quyền trên App Store của mình.

Sau khi được gọi tên bởi các luật sư của Apple, Cook đứng dậy và tiến lên bục. Theo phóng viên Dorothy Atkins của Law360, một trong hai thành viên thuộc giới truyền thông được phép tham dự phiên toà, CEO Epic là Tim Sweeney lúc này trông có vẻ hơi lạ.

"Cook vừa vào phòng xử. Ông ấy đeo mặt nạ (chống COVID), không khẩu trang, mang vest màu xám tối, cà vạt xám, và uống nước từ một cái bình thuỷ bằng thép ở hành lang.

Sweeney ngồi ở bàn tham vấn của Epic, nhìn xuống cây bút của ông ấy. Luật sư của ông, Gary Bornstein, thỉnh thoảng thì thầm vào tai ông. Cook dường như khá thoải mái, ngồi bắt chéo chân. Ông ấy vừa quay sang người ngồi cạnh, nói gì đó rồi cười."

Quá trình chất vấn Tim Cook được thực hiện bởi nhóm luật sư của chính Apple diễn ra nhẹ nhàng và xoay quanh những lý do tại sao App Store lại là một nền tảng ưu việt và trọn vẹn cho người dùng iOS, đồng thời xác nhận sự hiện diện của những cửa hàng ứng dụng cạnh tranh khác. Ông thừa nhận việc có xảy ra xung đột với các nhà phát triển, ví dụ như những mức độ ưu tiên khác biệt, hay sự cần thiết phải cải thiện tính năng khám phá ứng dụng, nhưng nói rằng công ty luôn cố gắng để giữ chân các nhà phát triển và người dùng.


Hình ảnh Tim Cook tại phiên tòa trước trong vụ kiện Epic - Apple

Vai diễn ngây ngô bắt đầu khi ông được hỏi về những con số liên quan R&D (nghiên cứu và phát triển) của Apple - từ 15-20 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua. Cụ thể, ông nói rằng Apple không thể ước tính được bao nhiêu tiền đã được đổ vào App Store, bởi "chúng tôi không phân bổ tiền như thế" - nói cách khác, ngân sách nghiên cứu dành cho từng sản phẩm riêng rẽ không tách biệt khỏi phần còn lại.

Nghe có vẻ bất hợp lý phải không? Một công ty như Apple hiển nhiên phải biết từng xu họ tiêu vào sản phẩm và vào quá trình nghiên cứu. Kể cả khi không thể phân chia một cách hoàn hảo - sẽ ra sao nếu một cải tiến trong mã macOS "ăn" mất khoản tiền cần cho một tính năng của App Store? - thì công ty phải biết nguồn tài nguyên của họ đang được triển khai thế nào và hiệu quả ra sao. Những khác biệt giữa việc ước tính dè dặt và chi li trong phân bổ ngân sách R&D của App Store có thể rất lớn, lên đến hàng trăm triệu, nhưng gần như chắc chắn Apple phải thực hiện điều đó trong công ty, thay vì công bố công khai.

Nhưng bởi những con số kia không được công bố công khai và chi li, và bởi chúng nhiều khả năng khá phức tạp, Cook có thể nói một cách thành thật rằng không thể đưa ra một con số cụ thể như "ngân sách R&D App Store là 500 triệu USD trong năm 2019".

Không đưa ra một con số "cứng" giúp Apple loại bỏ nguy cơ bị Epic bắt thóp theo cách: nếu con số này lớn, Apple đang tìm cách bảo vệ con gà đẻ trứng vàng (đảm bảo quyền lực thị trường); nếu con số này nhỏ, Apple đang tìm cách thu gom càng nhiều trứng càng tốt (thu tiền hoa hồng thông qua quyền lực thị trường). Động thái duy nhất giúp Apple chiến thắng là không tham gia vào cuộc chơi, do đó Cook đã "giả ngu" và kết quả là khiến những cáo buộc của Epic trông chỉ như những dự đoán không căn cứ (và theo cách nói của Apple là "hoang đường").

Tim Cook tiếp đó thực hiện một chiến thuật tương tự, đó là làm đối thủ "lạnh toát" bằng một tuyên bố phủ đầu về lợi nhuận. Ông chỉ đề cập đến tổng doanh thu thuần, khoảng 275 tỷ USD với mức lợi nhuận biên là 21%, rằng Apple không xem thu nhập của Apple như một mảng kinh doanh độc lập.

Có thể tranh luận rằng App Store là một thành phần liên kết rất chặt chẽ vào một cấu trúc kinh doanh lớn hơn. Nhưng nói nó không thể được nhìn nhận như một mảng kinh doanh độc lập thì thật kỳ quặc. Một lần nữa, gần như chắc chắn rằng - giống như mọi bộ phận và mọi dòng sản phẩm của Apple - nó sẽ được tách ra và báo cáo trong nội bộ một cách rất chi tiết. Nhưng cũng giống số liệu liên quan R&D, khi đối diện với các vụ việc pháp lý, không thể đơn giản mà nói rằng "thu nhập và lợi nhuận của App Store là chừng này và chừng này", qua đó phủ nhận dữ kiện mà Epic đưa ra.

Tuy nhiên, vấn đề này có tầm quan trọng nhất định, đủ để Epic cho rằng nó xứng đáng được điều tra độc lập. Và trong số những điều đầu tiên mà luật sư Epic trình bày, khi quyền làm chứng được chuyển sang ông, là lời khai trước đó của một chuyên gia rằng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của App Store là khoảng 79%.

Apple hiển nhiên không muốn xác nhận hoặc phủ nhận những con số này, và Cook một lần nữa diễn vai ngây ngô. Tuy nhiên, lớp mặt nạ kia có dãn ra đôi chút khi luật sư của Epic yêu cầu Cook nêu rõ những con số thu nhập khi gộp cả App Store của Mac và iOS, vốn được xếp vào hàng tuyệt mật. Dù Apple từ chối với lý do đó là thông tin bí mật và chỉ có thể được tiết lộ trong một phiên xử kín, Cook nói rằng con số của iOS "lớn hơn nhiều" so với con số của Mac.

Điều chúng ta thấy được ở đây là một mưu mẹo tài chính khác. Bằng cách "trộn" thu nhập từ iOS và Mac, Apple dẫn người nghe vào "vũng bùn", không biết được bao nhiêu tiền được tạo ra và chi vào chúng. Epic không thể bóc tách từng khoản ra được, nhưng thẩm phán của phiên toà không phải kẻ ngốc - bà thấy những điều Epic thấy, nhưng cũng mập mờ như vậy. Apple đang tìm cách từ chối chiến thắng về mặt pháp lý của Epic, kể cả khi điều đó làm họ trông mờ ám và quỷ quyệt.

Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi Cook được hỏi về thoả thuận của Apple với Google nhằm giữ bộ máy tìm kiếm mặc định trên iOS. Cook nói ông không nhớ con số cụ thể.

Nếu CEO của một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới nói rằng ông ta đã quên mất những chi tiết về một thoả thuận kéo dài cả thập kỷ, trị giá nhiều tỷ đô-la, với một trong những công ty công nghệ lớn nhất khác trên thế giới, bạn có tin không?



Phần còn lại của phiên làm chứng không làm sáng tỏ thêm vấn đề nào. Cook nói về những phức tạp trong việc kinh doanh tại những khu vực như Trung Quốc, nơi luật pháp tác động mạnh lên công nghệ và chính sách, và hầu như hạn chế đề cập đến nhận định rằng Apple đang nhăm nhe mở rộng các giao dịch trong ứng dụng và thu hoa hồng 30% từ những giao dịch nào. Một phiên làm chứng khác sẽ được tổ chức tại một buổi xử kín, nhưng chúng ta sẽ không biết thêm thông tin gì bởi nó sẽ đề cập đến nhiều thông tin tuyệt mật.

Nhìn chung, phiên toà giữa Epic và Apple có rất ít ngạc nhiên; cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố của mình ngay từ đầu, và phần lớn đều dựa vào sự thông hiểu của thẩm phán để diễn giải vấn đề. Không hề có sự xuất hiện của các nhân chứng bất ngờ hay những màn đối đáp "khét lẹt" - tất cả chỉ là những lời tranh luận cao siêu về thứ cấu thành hành vi độc quyền. Apple khẳng định có sự cạnh tranh khốc liệt từ Android, và trong thế giới game, họ còn đối đầu với Windows và các hệ máy console nữa.

Gần như chắc chắn rằng dù phán quyết là thế nào đi nữa, vụ kiện sẽ có kháng cáo và đưa lên toà cấp cao hơn, nhưng phán quyết đó cũng sẽ cho thấy những lý lẽ của Epic (và những mánh khoé mờ ám của Apple) được nhìn nhận ra sao. Dù sao đi nữa, Epic và những công ty chỉ trích khoản phí trên App Store của Apple cũng đã đạt được mục tiêu. Việc Apple hạ khoản phí đối với các khoản thu nhập 1 triệu USD đầu tiên xuống còn 15% rõ ràng được đưa ra nhằm trấn an các nhà phát triển cũng như ngăn chặn những đòn tấn công từ giới báo chí, và nay Apple đang phải giải thích họ đã đưa ra quyết định đó như thế nào.

Hạ nhục Apple hiển nhiên là điều cuối cùng Epic mong muốn, và dù thắng hay thua, Epic có lẽ cũng thoả mãn vì tiền của họ đã bỏ ra cho những điều xứng đáng.

Theo Genk​
 
Bên trên