Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến

CMCTI

Banned
Sau ba tháng trở về tiếp tục nghề báo tại Báo Thanh Niên, tôi được mời đi dự trại sáng tác văn học của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hạ Long tháng 4-2009. Trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác về “ Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” với sự tham gia của đông đảo các cây bút sung sức trong và ngoài quân đội.

Một chuyến đi thú vị với các nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng: Khuất Quang Thuỵ, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hữu Quý, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Đình Tú, Văn Chinh, Dương Hướng, Dương Kiều Minh… cùng khá nhiều cây bút trẻ đang được nhắc tới trên văn đàn thời gian gần đây.

Hôm khai mạc trại sáng tác, một sĩ quan cao cấp của quân chủng hải quân đã nói chuyện cả một buổi sáng với các nhà văn về tình hình biển- đảo của chúng ta hiện nay. Có lẽ đã rất lâu, tôi và một số nhà văn mới tiếp cận được những thông tin có thể gọi là khá nhậy cảm và nóng bỏng từ nhiều phía về đề tài này. Tôi nghĩ, đối với những người cầm bút hôm nay, vượt lên trên tất cả các vấn đề thời sự nhậy cảm ấy là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu đó được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam qua nhiều thăng trầm, và hình như lại đang được khơi dậy trong những tháng năm này.

Có người cho rằng, có thể tình yêu Tổ quốc đồng nghĩa với trách nhiệm công dân của mỗi một con người trước số phận của dân tộc, của đất nước mình. Thôi, xin hãy bớt nói những điều lớn lao, những lời vĩ đại như vậy. Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển-đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.

Đất nước của chúng ta liên miên trận mạc suốt bao đời, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm. Và, qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non nước này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau... Những cảm xúc trên đã bồn chồn, thao thức trong tôi suốt một ngày dài ở trại sáng tác Hạ Long. Và, “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ đầu tiên của tôi sau chuỗi ngày hoạn nạn vừa đi qua.

Tôi đã vượt được qua nỗi đau đời thường của riêng mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ khi cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống. Không hiểu đấy có phải là điều đáng mừng hay đáng lo, bởi bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút lại là bài thơ viết về Tổ quốc- một đề tài lớn lao đã bao trùm dân tộc này trong suốt ngàn năm giặc giã. NVC

Tổ quốc nhìn từ biển



Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa



Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn



Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không



Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi



Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u



Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi





Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã muời lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng



Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân



Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước*

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh



Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi



(Trại viết Hạ Long 4-2009)
 
Bên trên