Toà án Trung Quốc "mở cửa" cho dân đến gửi đơn kiện các tập đoàn công nghệ

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trong một vụ kiện liên quan đến vấn đề phí hoa hồng trên App Store, tòa án tối cao Trung Quốc đã đưa ra phán quyết dân sự có lợi cho người tiêu dùng, thay vì đứng về phía công ty con của Apple tại Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng trong nước gửi khiếu nại đến nhà sản xuất iPhone tại các tòa án địa phương.

Vào tháng trước, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã đưa ra phán quyết tiến hành vụ kiện của một người dùng Trung Quốc chống lại Apple tại tòa án Thượng Hải, bác bỏ lời biện hộ của Apple rằng công ty con tại Trung Quốc chủ yếu phân phối các sản phẩm của Apple chứ không liên quan đến các vấn đề hoạt động trên App Store.

hd.png


Theo đó, người dùng tên Jin Xin đã yêu cầu Apple ngừng tính phí hoa hồng 30% đối với các giao dịch mua hàng trên App Store Trung Quốc và phải cho phép thanh toán qua các ví điện tử bên thứ ba, ngoài Apple Pay. Người này muốn Apple chi trả 100.000 nhân dân tệ (15.500 USD) tiền bồi thường và đưa ra lời xin lỗi công khai. Tuy nhiên, Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải vẫn chưa đưa ra phán quyết về việc liệu các yêu cầu của người này có được đáp ứng hay không.

Nhưng quyết định từ tòa án tối cao Trung Quốc đã cho phép phía tòa án Thượng Hải xem xét xử lý vụ kiện, khiến Apple một lần nữa đối mặt với những kiện tụng.

Wang Qiongfei, luật sư của Jin, nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng một phiên điều trần dự kiến sẽ diễn ra tại Thượng Hải vào tháng Một năm sau.

“Đây là trường hợp hiếm hoi người tiêu dùng Trung Quốc đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ và chống lại một gã khổng lồ quốc tế”, Wang nói. Ông cho biết vụ việc sẽ là một cột mốc để người dùng Trung Quốc yêu cầu sự bảo vệ tốt hơn từ các công ty lớn như Apple.

Được biết, Jin đã đệ đơn kiện công ty Apple Computer Trading Shanghai vào tháng 2 sau khi anh cho rằng Apple có khả năng lạm dụng sự thống trị thị trường của mình bằng cách tính "thuế Apple" đối với các ứng dụng, cũng như nói không với các dịch vụ thanh toán khác như Alipay, WeChat Pay và nhiều ví điện tử được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Apple đã trích 30% hoa hồng cho tất cả các giao dịch mua hàng trong ứng dụng được tải xuống từ App Store. Để đáp lại sự giám sát khắt khe của nhiều quốc gia trên thế giới trong những tháng gần đây, Apple đã giảm mức thu phí xuống còn 15% đối với các nhà phát triển tạo ra doanh thu hàng năm dưới 1 triệu USD từ các ứng dụng của họ trên App Store

Vào tháng 6, Apple tuyên bố rằng hệ sinh thái App Store đã tạo ra 643 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Trung Quốc chiếm 47% trong số đó, Mỹ chiếm 27% theo số liệu từ công ty nghiên cứu Analysis. Apple đã tự hào về việc có một hệ sinh thái khép kín, an toàn. Tuy nhiên, hãng lo ngại áp lực pháp lý từ người tiêu dùng và các nước có nguy cơ dẫn đến những rạn nứt trong “khu vườn khép kín”.

Đến tháng 8 vừa, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật không cho phép các nhà khai thác cửa hàng ứng dụng, bao gồm cả Apple và Google, bắt buộc các bên phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán của họ, đồng thời nghiêm cấm tính phí hoa hồng khi mua hàng trong ứng dụng.

655360_633799733959232_156392644149248

Tháng trước, một vụ kiện mang tính bước ngoặt giữa Apple và Epic Games ở Mỹ về các vấn đề tương tự liên quan đến phí hoa hồng của Apple và hệ thống thanh toán khép kín đã tạm khép lại. Kết quả là Apple giành phần thắng khi được phép giữ lại hệ thống thanh toán của mình.

Về vụ án ở Trung Quốc, tòa án cấp cao của nước này cho biết Apple có khả năng đã lạm dụng vị thế thị trường và làm suy yếu sự cạnh tranh. Vì thế, đây là lý do tại sao vụ việc có thể tiếp tục được mang ra xét xử.

Trong vụ kiện của mình, Jin cáo buộc rằng giá các dịch vụ được cung cấp bởi nhiều ứng dụng trong App Store do Apple quản lý, bao gồm kho nội dung iQiyi, ứng dụng podcast Himalaya và ứng dụng âm nhạc NetEase Music, cao hơn so với trên các cửa hàng ứng dụng Android. Jin cho rằng đây có thể là do Apple đã thu 30% hoa hồng từ App Store nên có thể các nhà phát triển phải nâng giá bán dịch vụ, đồng thời Jin còn viện dẫn Luật chống độc quyền của Trung Quốc khi cáo buộc Apple có hành vi “cạnh tranh không lành mạnh”.

You Yunting, đối tác cấp cao của Công ty Luật Shanghai Debund, cho biết phán quyết của tòa án cấp cao có thể có tác động sâu rộng đến Apple. “Tôi cho rằng sự việc này đã thiết lập một nguyên tắc mới đó là các vụ việc chống độc quyền cũng như các vụ vi phạm quyền người tiêu dùng có thể được xét xử bởi các tòa án địa phương. Vì vậy, điều này có nghĩa là các nạn nhân trong các vụ kiện chống độc quyền, ví dụ như các đối thủ cạnh tranh của công ty độc quyền hoặc người tiêu dùng, sẽ được đệ đơn lên tòa án tại địa phương để thực hiện các thủ tục pháp lý”, You phân tích.

Các nền tảng phân phối phần mềm như Steam, PlayStation Store hay Nintendo eShop đều yêu cầu các mức hoa hồng khác nhau. Rich Bishop, giám đốc điều hành của nhà xuất bản ứng dụng AppInChina, cho rằng thị trường ứng dụng Android ở Trung Quốc khác biệt rõ ràng so với phần còn lại của thế giới vì Google Play không có mặt tại Trung Quốc.

Mặc dù Google Play có cấu trúc phí hoa hồng tương tự như App Store của Apple, các cửa hàng ứng dụng Android nội địa của Trung Quốc thường miễn thu phí hoa hồng cho các ứng dụng không phải trò chơi trong khi cắt giảm 50% mức phí cho các ứng dụng loại này.

Theo một cuộc điều tra gần đây của Hội đồng người tiêu dùng tại Minhang, Thượng Hải, các ứng dụng bao gồm Bilibili, iQiyi và Mango TV thường tính phí thành viên trên nền tảng iOS cao hơn so với Android hoặc PC. Trong một số trường hợp, chênh lệch giá cho gói thành viên hàng năm có thể lên tới 100 nhân dân tệ (15 đô la Mỹ). Sự khác biệt về giá giữa các ứng dụng trên iOS và Android đã gây ra tranh cãi đối với người dùng trong nhiều năm.

Theo VN review​
 
Bên trên