trạng: Vui vẻ SẼ NỔ RA MỘT “XÍCH BÍCH ĐẠI CHIẾN” TRÊN BIỂN ĐÔNG TRONG THẾ KỶ XXI ?

tuanmilk

New Member
~X(~X(-Việt Nam cần phải tìm mọi cách, cơ hội, diễn đàn chứng minh cho cả thế giới thấy: dã tâm xấu xa bành trướng, bắt nạt nước nhỏ của nhà cầm quyền Bắc Kinh; phải quốc tế hóa và “du kích chiến” vấn đề tranh chấp Biển Đông cả trong lĩnh vực thông tin. Việt Nam cần tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của thế giới để kiềm chế hạ nhiệt cuồng vọng của thế lực bành trướng phương Bắc;

- Phát biểu như ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng rất dễ làm cho thế giới hiểu nhầm: Bắc Kinh không xấu và ác với Việt Nam; quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn vô cùng tốt đẹp do đó đừng có ai xía vào chuyện riêng của Việt Nam-Trung Quốc ? Nếu thế giới hiểu như vậy thì nguy cho Việt Nam !

Phúc Lộc Thọ.

Thái độ sừng sộ của các tướng lĩnh Bắc Kinh với Việt Nam trong những ngày gần đây, sát tới cái tháng của cái năm được 2 nước thỏa thuận là sẽ kỷ niệm 60 năm quan hệ hữu nghị Việt-Trung, do bởi Việt Nam mời chiến hạm Mỹ ghé chơi cảng Đà Nẵng. Sự sừng sộ này đã làm cho ý nghĩa của cái lễ này trở nên khôi hài. Qua thái độ hung hãn của Bắc Kinh gần đây cho thấy: hễ ai mà đụng đến chạm tới tham vọng bá quyền nước lớn, uy kẻ cả của Trung Quốc thì ngay lập tức: bộ mặt thật hung đồ của ông bạn vàng Bắc Kinh lộ diện ra ngay…

Cái mặt nạ hữu nghĩ bằng giấy bồi được sơn phết thêm bằng 16 chữ vàng đã rách toác, tơi tả bởi những tiếng gầm thét quen thuộc trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, điều này khác chi tiếng gầm thét của giống loài vẫn quen tự coi mình là chúa sơn lâm.

Với hành động này của Bắc Kinh đã thúc đẩy thế cờ chính trị thế giới nhanh chóng phân lộ ra hình thế chân vạc. Ba đỉnh chân vạc đang gánh đỡ ván cờ chính trị thế giới đó là: Nga-Trung Quốc-Tây Âu, Nhật và Mỹ…Và với tình thế chân vạc như vậy, Việt Nam muốn sống còn thì chỉ còn cách ngả dần về phía Mỹ…

Đây là một sự lựa chọn cực chẳng đã đối với nhà cầm quyền Việt Nam, bởi vì sự lựa chọn về mặt đường lối đối ngoại này nó trái với ý muốn về mặt ý thức hệ của Đảng cầm quyền; song do tình thể mà phía Trung Quốc cố tình xô đẩy nên Việt Nam không còn một sự lựa chọn nào tối ưu hơn ?!

60 năm theo lịch can chi của Trung Quốc là 1 hội; người phương đông vẫn hay nói vận, hội; vận là 12 năm và hội là 60 năm. Đời người sau 1 vòng quay 60 năm là một hội; sau cái hội này thì con người có thể tiếp tục phát triển chuyển qua một hội mới hoặc đến đây nguồn năng lượng, khí số của cá nhân của anh cạn, yểu mệnh nên nhiều người đã chết ở cái tuổi 59-61...

Cái đại hạn 59-61 là cái hạn của một vòng quay đã hết một chu kỳ, nếu hết nguồn năng lượng thì sẽ bị cuốn vào quỹ đạo “ rơi tự do “ tức chấm dứt sự sống còn giống như viên đạn ở cuối tầm bắn …

Hiện nay nhiều nhà chiêm tinh học chính trị cũng đang xem xét cái vận số của quan hệ Việt-Trung, cái vận số này đã đến hồi mạt chưa vì đã hết vòng quay, kết thúc một hội dẫn đến thời tắc tử…Nếu quah hệ hữu nghị này nếu đến thời mạt thì chiến tranh sẽ nổ ra, nếu chiến tranh Trung-Việt nổ ra thì sẽ không chỉ kéo cả khu vực vào cuộc mà cả thế giới.

Trước hết chúng ta cần tỉnh táo xem xét: Đây có phải là cái hội hạn do trời xui đất khiến, cái hội hạn thực chất xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa của nó. Đó là những diễn biến đang xảy ra tại đất nước Trung Quốc, những điều đã thúc đẩy nhà cầm quyền nước này do bị sức ép từ bên trong, buộc lòng phải có các giải pháp bị động, ứng phó; sự bị động này đã dẫn tới các hành xử cực đoan, càn rỡ cả trong các chính sách đối nội và đối ngoại…Những vụ thảm sát ở Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng đã lộ rõ kịch bản này…

Trung Quốc đang đứng trước hàng loạt những sức ép nặng nề nảy sinh trong các quan hệ đối nội: tăng trưởng kinh tế không hài hòa với sự phát triển của thiết chế kinh tế-chính trị-xã hội-an ninh quốc phòng; những sự mất cân đối đang đe dọa làm đứt gãy, sụp đổ các thiết chế đang gánh trên vai đất nước- xã hội Trung Hoa.

Êkip Hồ Cẩm Đào kế tục sự nghiệp của Đặng Tiểu Bình-Giang Trạch Dân đã và đang có sự điều chỉnh trong các chính sách kinh tế-chính trị-xã hội-ngoại giao-quân sự…Nếu giai đoạn Giang Trạch Dân cầm quyền là giai đoạn Trung Quốc lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế là mục tiêu số 1, sống còn: đói thì đầu gối phải bò. Đó là giai đoạn Trung Quốc đề ra mọi chính sách, đối sách theo kiểu “vơ bèo vạt tép”… chính quyền, dân chúng làm mọi kiểu cách miễn làm ra tiền; huy động mọi nguồn lực xã hội, tài nguyên để làm ra nhiều của cải. Từ chính sách “mèo trắng mèo đen”… đến học thuyết “3 đại diện” đều nhằm khuấy động nguồn năng lực nội địa. Thế nhưng đến triều đại Hồ Cẩm Đào thì ngọn cờ chính trị Trung Quốc giương lên đó là: Xây dựng một xã hội Trung Quốc phát triển hài hòa…

Qua cương lĩnh chính trị này cho thấy: xã hội Trung Quốc bắt đầu bộc lộ những sự vón cục hình thành nên các “khối u” trong bản thân nội tạng nền kinh tế- chính trị-xã hội do sự phát triển kinh tế quá nóng; một nền kinh tế bị thúc đẩy bởi những cái túi tham vô đáy, một xã hội mà một thời gian bị kiềm chế giờ có dịp số chuồng như hổ đói. Các khối u này đang lớn dần và đe dọa phá vỡ sự liên kết tổng thể của nội tạng.

Trung Quốc bắt đầu vấp phải, ngấm đòn về mặt trái của sự phát triển. Khi một sinh thể bị một khối u nào đó chèn nếu nặng thì cắt bỏ và xạ trị bằng hóa chất, hai là kích hoạt sự vận động toàn thân để nó tự điều hòa tiêu hóa khối u…Do đó việc gây nên cú sốc về quân sự là một trong những con bài mà các nhà chính trị giương lên để nhằm dẹp yên những vấn đề nội trị. Vấn để biển Đông đang được chính giới Bắc Kinh sử dụng như một con ngoáo ộp để nhằm kích hoạt để tiêu hóa những vấn đề nội trị của Trung Quốc đang có nguy cơ vón cục thành các khối u…

Khi xưa Gia Cát Lượng cố sống cố chết đem quân 6 lần ra Kỳ Sơn bắc phạt, không thu được một tấc đất nào là nhằm mục đích gì vậy? Các nhà Tam Quốc học đã phân tích về sự miễn cưỡng ra đòn của Thục Hán do xuất phát từ thế yếu, từ sự suy tàn của tập đoàn này sau trận để mất Kinh Châu và thảm bại Hào Đình. Nếu không miễn cưỡng cất quân đi mà để Ngụy chủ động tấn công thì Thục Hán có nguy cơ sụp đổ ngay lập tức. Nếu Gia Cát Lượng không cầm quân đi mà ở lại trông coi Hán Trung thì ăn không ngon ngủ không yên bởi bao kẻ lườm người nguýt. Mượn cớ thực hiện “di chiếu tiên đế” mà Gia Cát Lượng phát động chiến tranh bắc phạt chủ yếu là để bảo toàn cho ngôi vị lung lay của mình…

Điều này rất giống với tình thế của Trung Quốc hiện nay. Nếu không tìm cách cà khịa với Mỹ để Mỹ bơn bớt can thiệp vào vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, vấn đề dân chủ, dân sinh và nhân quyền, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu thì các “bố già” ở Bắc Kinh cũng khó lòng ăn ngon ngủ yên.

Bằng chứng về sự xuất quân trong thế yếu của Gia Cát Lượng là không dám đi tắt qua hang Tý Ngọ, chớp đánh úp Trường An làm bàn đạp chiến lược thôn tính Trung Nguyên như lời khuyên của Ngụy Diên. Nếu đủ thế và lực thì đây là một phương án tác chiến hiệu quả nhất; bởi khi xưa Hàn Tín chính là người đã đề ra phương án tác chiến này để đánh đổ Hạng Võ. Đây là một thế võ nốc ao, được ăn cả ngã về không…Kiểu vừa đánh vừa dò theo kiểu gây rối, dọa dẫm của Gia Cát Lượng trong những lần ra Kỹ Sơn là kiểu phòng ngự bằng phương pháp tấn công xuất phát từ thế yếu.

Ông vua nào muốn vững ghế thì cũng phải dựa vào quân đội: chính quyền đẻ ra từ mũi súng. Không nuôi quân cẩn thận, không có chó dữ nhà thì bản thân mình không chỉ mất của mà có khi còn mất mạng như chơi; muốn nuôi quân thì phải có nhiều tiền, phải phóng tiền tài ra mà thu phục nhân tâm…

Các vị trong đường giây Vinashin muốn có tiền chia nhau thì phải nghĩ ra các dự án mua đóng, những con tàu rởm; chỉ bằng cách đó thì mới có cớ rút tiền ra được những khoản tiền lớn mà chia nhau. Tiền nào của ấy, nếu mua đóng tàu thật thì lấy đâu ra hoa hồng nhiều vì thế giới hôm nay là cái thế giới mà người thì khôn mà của thì ngày càng khó…Cái bất nhân thường nảy sinh từ sự bất lực. Bình thường ra cứ rút từ trong công quỹ ra từ 500.000 bỏ túi theo Luật Hình sự là đã phải ngồi từ rồi. Do vậy dựng lên sự kiện Biển Đông cũng là cách mà đám mafia chính trị Bắc Kinh vạch ra để bòn rút mồ hôi, nước măt, xương máu của dân lành Trung Quốc để dồn vào túi phe cánh quân đội để mua sự trung thành. Nếu không có chuyện tranh châp Biển Đông thì lấy cờ gì mà lấy tiền ngân sách để mua chiến hạm, tàu ngầm; mà có mua sắm những thứ này thì mới sử dụng ngân sách vô tội vạ được, mới có tỷ lệ hoa hồng, môi giới cao? Đó chính là nguyên cớ vì sao ông bạn 16 chữ vàng của chúng ta lại trở mặt, đánh võ mồm, giở trò du côn xóm ra không chỉ với Việt Nam mà với thế giới, bất chấp liêm sỉ...

Trước đây Đặng Tiểu Bình, bây giờ là Hồ Cẩm Đào, xưa nữa là Gia Cát Lượng đều mượn dự án cử binh để đi cướp đất có cớ để chi tiêu tiền ngân sách hợp pháp, để củng cố quyền lực chính trị của mình mà không ai kêu vào đâu được. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào được phát động từ cổ chí kim trên hành tinh này đều nhằm mục đích giành dân, lấn đất.

Ngay trên đất liên giành dân, lấn đất, giữ đất đã khó, trên biển lại càng khó gấp vạn lần. Chủ Blog này có ông bạn đi về Trường Sa như cơm bữa, có lần hỏi: Thế phòng thủ thế nào ngoài đó, nếu Trung Quốc đánh có giữ được không ? Anh bạn thành thật nói: Giữ làm sao được nếu đánh nhau thật lực. Cái đảo lớn nhất to bằng sân vận động; đảo nhỏ bằng cái sân, gian nhà cắm cài chòi lên đó có dăm bảy chục lính canh; nó mà tập trung bắn phá thì tiêu. Có điều mình không giữ được nhưng nếu Trung Quốc chiếm mà mình quay lại nện thì Trung Quốc cũng không sống được. Đấy, tính trạng tranh chấp trên biển là như vậy: Trạng chết thì chúa cũng băng hà…

Nếu 2 bên cứ suốt ngày gầm ghè nhau thì chẳng ai làm ăn được cái gì. Vác dàn khoan ra mà đối phương từ đâu đó dưới biển nổi lên đòm cho một phát thì hàng triệu USD đi toi…Do đó nếu thật sự muốn làm ăn thì hai bên thỏa thuận với nhau, nhường nhịn nhau thì mới làm ăn được, gầm ghè với nhau thì tới tết Công gô …

Việc gây sự trên Biển Đông là cáchTrung Quốc tạo gây sức ép với Mỹ để Mỹ không thọc gậy bánh xe vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc ví như vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, vấn đề dân chủ nhân quyền; vấn đề nghèo đói của 1 tỷ dân, vấn đề môi trường, môi sinh của Trung Quốc bị tàn phá do công nghiệp hóa…

Vậy Việt Nam đối với Trung Quốc cần đề ra đối sách gì ? Việt Nam cẫn giữ lễ nhưng không quên nghĩa; về hình thức chúng ta vẫn phải tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt-Trung, giống như một thứ lễ cúng dâng sao giải hạn; một thứ lễ của nước nhỏ đối với nước lớn để tranh thủ sự đồng tình của số đông nhân dân Trung Quốc.

Điều quan trọng là phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; Chính quyền, Đảng phải ứng xử với dân như thế nào để dân không phẫn uất, quay lưng lại với chính quyền: Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nhiều triều đại trước đây.

Kiên quyết loại bỏ những phần tử thân Tàu trong guồng máy Đảng và Nhà nước. Đây là một việc làm cực kỳ khó khăn và phức tạp nhằm loại bỏ sự áp đặt của Trung Quốc vào bên trong nội bộ mình. Việc gây áp lực mạnh trên biển Đông cũng là cách nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn hà hơi tiếp sức, tạo tiếng nói cho các phần tử thân Tàu trong bộ máy chính quyền Việt Nam…Có cớ mà thẽ thọt đôi bên.

Phía Việt Nam không nao núng mất tinh thần nhất là bộ máy lãnh đạo chóp bu. Mất tinh thần tức là tạo điều kiện cho những phẩn tử thân Tàu trỗi dậy, lấm lướt; đây mới thật sự là mặt trận chính, đòn hiểm và hứa hẹn thu lợi lộc cho Trung Quốc; Binh pháp Tôn Tử coi đánh vào lòng người mới là thượng sách, đánh thành là hạ sách…

Trong quan hệ gần 20 năm mở cửa giao thương trở lại Trung Quốc đã gặt hái được rất nhiều từ thị trường Việt Nam thông qua kênh này ? Còn phát động chiến tranh nóng ư? Đã là chiến tranh thì mục tiêu giành dân, lấn đất. Trên biển đông đánh chiếm thì dễ nhưng giữ là khó kể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Còn để khai thác nguồn lợi dầu mỏ ư? Ở đâu có cây xăng, ở đó kị lửa ?

Vậy thì sự phùng mang trợn mắt của Trung Quốc theo lối côn đồ là nhằm mục đích hù dọa và làm giá theo kiểu cách của đám du côn xóm…Là nước nhỏ chúng ta đôi khi phải biết nhường nhịn, giữ lễ nhưng phải có bản lĩnh và đúng nguyên tắc. Không ai cứu chúng ta bằng chính chúng ta !

Một nguồn tin từ trên mạng đề nghị Bộ Quốc phòng cho kiểm chứng và công khai thông tin này: Trung Quốc đã cho tàu chiến của mình hộ tống dàn khoan thăm dò tiến sâu vào hải phận Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngài 100 hải lý; nếu thông tin này là đúng thì đây là một hành động ngang xương, ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh giống như năm xưa đòi đưa tàu chiến vào cảng Chù Vẽ…

Nếu Chính phủ thấy chưa thể đối đầu được, chưa đủ sức đối đầu với anh động cướp biển ngang ngược này của Trung Quốc thì cho phép các phương tiện thông tin cá nhân lên tiếng theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc...Bởi vì " chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng; nếu chúng ta càng nhân nhượng thì giặc càng lấn tời...Có thể để cho các đoàn thể mitinh phản đối hoặc các cuộc vận động tẩy chay hàng Trung Quốc...Đấu tranh không có nghĩa là nếu Trung Quốc đưa tàu chiến ta cũng đưa tàu chiến hiện đại hơn, đôi khi bằng biện pháp hòa bình, không cần đổ xương máu mà vẫn đạt hiệu quả...Nếu Chính phủ không ngăn cản thì sẽ có hàng triệu người dân xuống đường phản đối Trung Quốc ngay lập tức...

Đó là cách đối phó với hành động ngang xương này, chúng ta nên học cách Lê Lợi-Nguyễn Trãi ứng xử với Vương Thông trong thành Đông Quan khi xưa...

Theo ngu ý của chủ Blog: Nếu xảy ra một cuộc đại chiến trên Biển Đông thì Trung Quốc cũng chẳng thu được lợi lộc gì; do vậy Trung Quốc cũng sẽ không dám liều mạng để giở thói hung đồ tổng lực này ra. Vả lại chiến tranh công nghệ cao trên biển, trên không còn lâu Trung Quốc mới là đối thủ xứng tầm của Nga và Mỹ…

Trung Quốc chỉ có thể giở trò du côn xóm, biết cách Việt Nam vẫn có cách trị, yểm chúng…Cách đó là:

1/ -Sử dụng tổng lực tối đa các diễn đàn trên thế giới để thông tin cho thế giới thấy bộ mặt và bản chất “du côn xóm” của nhà cầm quyền Bắc Kinh…

Điểu khó hiểu trong tuyên bố gần đây của ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bên cạnh cái được đó là: Bộ Quốc phòng cam kết sẽ thông thoáng cở mở trong việc cung cấp thông tin liên quan tới vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng rất nhiều người dân băn khoăn thấy ông Thứ trưởng Bộ quốc phòng hình như lại có ý chỉ trích nặng nề các phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai một vài chi tiết nào đó…

Theo ngu ý của chủ Blog này thì, trong quan hệ với Bắc Kinh chúng ta phải tìm mọi cách, cơ hội, diễn đàn chứng minh cho cả thế giới thấy: dã tâm xấu xa bành trướng, bắt nạt nước nhỏ của nhà cầm quyền Bắc Kinh; phải quốc tế hóa, xã hội hóa và “du kích chiến” việc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cả trong lĩnh vực thông tin; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của thế giới, của khối đại đoàn kết toàn dan tộc ể kiềm chế, hạ nhiệt cuồng vọng của thế lực bành trướng phương Bắc.

Mọi hành động của Việt Nam đều là việc làm cực chẳng đã; không bao giờ Việt Nam có ý đồ khiêu khích, bắt nạt Trung Quốc mà ngược lại. Còn phát biểu như ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng rất dễ làm cho thế giới hiểu nhầm: Bắc Kinh không xấu và ác với Việt Nam; quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn vô cùng tốt đẹp do đó đừng có ai xía vào chuyện riêng của Việt Nam-Trung Quốc; chớ có cầm đèn chạy trước ôtô ??? Nếu thế giới hiểu như vậy thì nguy cho Việt Nam !

2/ Tạo điều kiện thông thoáng để nhân dân có điều kiện được tiếp cận các nguồn thông tin để nhân dân tham gia mặt trận thông tin nhất là thông tin trên mạng;

3/ Nếu những thông tin nào đó xét thấy công bố trên các phương tiện thông tin chính thống không lợi bằng để cho các “chiến sĩ du kích” trên mặt trận thông tin vào cuộc nổ súng , đó là các blogger yêu nước; chính những blogger này là những đội quân du kích trên mặt trận thông tin họ có khả năng gây sát thương, hạn chế sức mạnh của đối phương không kém các đội quân chính quy…Điều này đã từng xảy ra trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Bởi yêu nước và bảo vệ tổ quốc không thể là thứ độc quyền của cá nhân nào.

4/ Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008; Thông tư 07/2008/TT-BTTTT ngày 18 -12-2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân là cơ sở pháp lú để các blogger hoạt động.

Sắp tới cơ sở pháp lý này phải nâng cấp để làm sao các blogger có quyền tham gia bảo vệ tổ quốc trên mặt trận thông tin; Điều này cũng giống như các dân quân tự về được bảo hộ bằng Luật Dân quân Tự vệ và được trang bị giống như các dân quân tự vệ hiện nay…

Đó cũng là cách để chúng ta sử dụng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đối phó với cuồng vọng xâm lăng từ phương bắc.
 

tuanmilk

New Member
Ðề: trạng: Vui vẻ SẼ NỔ RA MỘT “XÍCH BÍCH ĐẠI CHIẾN” TRÊN BIỂN ĐÔNG TRONG THẾ KỶ XXI ?

MỞ CỬA CAM RANH: TOAN TÍNH CHIẾN LƯỢC DƯỚI VỎ BỌC THƯƠNG MẠI
Việt Nam đã quyết định sẽ mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh Hà Nội bị Bắc Kinh chèn ép tại Biển Đông, đây là một tính toán chiến lược mới trong nỗ lực của Việt Nam, nhằm hạn chế mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2010, nhân dịp kết thúc các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam đã loan báo một quyết định bất ngờ : đó là sẽ mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Thoạt nhìn thông tin không liên quan gì đến nội dung các cuộc thảo luận giữa 18 nước Châu Á Thái Bình Dương tham gia hội nghị tại Hà Nội vì mang tính chất nội bộ của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trong bối cảnh Hà Nội bị Bắc Kinh chèn ép tại Biển Đông, quyết định mở cửa Cam Ranh là một tính toán chiến lược mới trong nỗ lực của Việt Nam, nhằm hạn chế mối đe dọa đến từ phương Bắc. Sự kiện chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo quyết định này, rồi sau đó được bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh làm rõ thêm, chứng tỏ tầm mức quan trọng của động thái này.
Phải nói là khi loan báo thông tin về Cam Ranh, các nhân vật lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh đến tính chất thương mại của quyết định. Trong cuộc họp báo chiều 30/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định : Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, tại cảng Cam Ranh khi có yêu cầu”.
Sau đó, trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ Trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã cho biết thêm chi tiết về dự án này, mà theo ông hoàn toàn nhằm mục tiêu kinh tế, thương mại. Theo tướng Thanh, lẽ dĩ nhiên ở Cam Ranh cũng có quân cảng của Việt Nam, nhưng tách biệt với khu Trung tâm dịch vụ quốc tế.
Theo trích dẫn của báo Sài Gòn Tiếp thị đầu tháng 11, Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam xác định : « Tôi muốn lưu ý, căn cứ dành cho tàu nổi và tàu ngầm của Việt Nam là riêng, còn khu vực làm dịch vụ kỹ thuật hậu cần là riêng không liên quan gì đến nhau, nên không sợ lẫn lộn. Vì thế nó không ảnh hưởng gì đến vấn đề bí mật quân sự của Việt Nam ».
Về các hoạt động tương lai của khu dịch vụ Cam Ranh, Tướng Thanh không loại trừ việc phục vụ các hàng không mẫu hạm : « Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự. Nhưng tàu sân bay là kỹ thuật đặc biệt, chúng ta chưa có khả năng làm được, tuy nhiên không loại trừ việc tiếp dầu ».
Vế các đối tượng phục vụ, ông Phùng Quang Thanh xác định là bất kỳ nước nào cũng có thể vào cảng, nhưng phải được phép của Việt Nam. Ông nói : « Đây là khu vực chủ quyền của chúng ta. Việt Nam là chủ đầu tư, là quản lý, làm chủ và nếu chúng ta không cho phép thì tàu nước ngoài không thể ra vào được. Các nước đều có thể vào cảng nhưng với điều kiện phải xin phép Việt Nam và làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam. Những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, chúng ta có thể xem xét vẫn cho tàu vào ».
Tóm lại, đối với bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, việc mở cửa Cam Ranh là một vấn đề thuần túy thương mại. Một lần nữa ông xác định là không có vấn đề Việt Nam cho nước ngoài thuê Cam Ranh để đặt căn cứ quân sự :
« Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng… Đồng thời nó không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật ».
Bất chấp các tuyên bố chính thức của giới lãnh đạo Việt Nam, hầu hết các quan sát viên quốc tế đều ghi nhận nhân tố chiến lược trong quyết định mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân ngoại quốc. Hãng tin Mỹ AP (02/11) đã lồng quyết định của Việt Nam vào bối cảnh các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Việt Nam chia sẻ cảng Cam Ranh để ngăn chặn Trung Quốc
Tạp chí trên mạng The Diplomat (01/11) nhận định là quyết định của Việt Nam chắc chắn sẽ không làm cho Trung Quốc thích thú. Đối với tác giả Jason Miks, trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội bị các tranh chấp chủ quyền khác nhau với Trung Quốc chi phối, quyết định của Việt Nam về cảng Cam Ranh gần như chắc chắn là một phần trong cách phản ứng chống lại thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc vốn sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trong vùng Biển Đông.
Riêng Greg Torode, thuộc nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (01/11), một người quan tâm theo dõi hồ sơ Cam Ranh từ nhiều năm nay, nhận xét thẳng thắn : « Việt Nam chia sẻ (cảng Cam Ranh) để ngăn chặn Trung Quốc ». Đây là động thái tự vệ mới nhất của Hà Nội nhằm chống lại đà gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Greg Torode trích dẵn các nhà phân tích quân sự để dự đoán : « Một khi công việc sửa chữa được hoàn thành ở Vịnh Cam Ranh, Mỹ và các cường quốc khu vực khác, vốn là những khắc tinh của Trung Quốc, sẽ là những khách thường xuyên ».
Đối với tác giả bài báo trên tờ South China Morning Post, Việt Nam từ lâu nay đã khẳng định là sẽ không bao giờ cho phép một lực lượng nước ngoài nào đóng quân hay mở căn cứ trên đất của mình hòng tấn công nước khác. Đây là cam kết được lặp đi lặp lại trong các cuộc gặp gỡ với Bắc Kinh. Tuy nhiên gần đây, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quân sự với một loạt các cường quốc, những động thái được xem như chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Và « tương lai của Cam Ranh sẽ là trung tâm của các cuộc đàm phán tương tự ».
Giá trị chiến lược của Cam Ranh đã được nhà báo nêu bật như sau : Đây là quân cảng lớn nằm gần các tuyến đường biển chiến lược trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Liên Xô đã từng biến Cam Ranh thành thành nơi trú ẩn cho tàu bè của họ, bảo vệ các tàu ngầm nguyên tử và xây dựng một trung tâm nghe trộm điện tử tại đây. Theo một tùy viên hải quân châu Á có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ : “Cam Ranh là tài sản hải quân hấp dẫn nhất có thể có trong trường hợp hợp tác hải quân trong khu vực là nhằm gia tăng sức mạnh để đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc”.
Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên tại Việt Nam, giá trị chiến lược của Cam Ranh nằm ở vị trí địa dư, chỉ cách các đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển, trong lúc cảng Hải Phòng cách đến 18 tiếng đồng hồ. Được coi là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, phần lớn vịnh Cam Ranh có độ sâu từ 18-32m, đáy vịnh gần như bằng phẳng, thuận tiện cho việc thả neo, tàu trên 3 vạn tấn có thể vào bất cứ lúc nào. Vịnh còn có khả năng đón nhận nhiều hạm đội cùng lúc, bao gồm cả tàu chiến, tàu ngầm.
Thu hút các lực lượng có thể kềm hăm tham vọng của hải quân Trung Quốc
Nhận xét của giới báo chí về việc Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho hải quân quóc tế cùng không khác gì với quan điểm của các chuyên gia nghiên cứu. Trong bài phỏng vấn dành riêng cho RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Châu Á tại Học viên Quốc phòng Úc đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam.
« Việc Việt Nam cho phép tàu hải quân nước ngoài ghé Vịnh Cam Ranh là một động thái khôn ngoan, vì có hình thức như là một biện pháp công bằng về địa chiến lược, xem mọi nước như nhau, nhưng kết quả thực tế sẽ là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga và các nước khu vực khác như Úc có nhiều khả năng ghé cảng hơn là Trung Quốc. Chiến hạm Trung Quốc đã từng ghé thăm Việt Nam rồi, nhưng để khỏi bị bỏ qua một bên, Hải quân Trung Quốc cũng có thể ghé vịnh Cam Ranh để ngăn không cho các cơ sở ở đấy bị lực lượng hải quân các nước khác độc quyền ».
Việc mở cửa vịnh Cam Ranh cho lực lượng hải quân nước ngoài là một ngón đòn ‘’bậc thầy’’ trong chính sách đối ngoại « đa phương » của Việt Nam. Nó sẽ thu hút chính những lực lượng hải quân có thể kềm hãm được tham vọng hải quân của Trung Quốc, bằng cách duy trì một sự hiện diện thường xuyên và tuần tra trong vùng biển Đông. Việc được ghé vịnh Cam Ranh để nghỉ ngơi và sửa chữa là một phần hỗ trợ thêm. »
Cam Ranh : chiến lược đi trước, kinh tế theo sau
Đối với giáo sư Thayer, ý nghĩa quan trọng đầu tiên của quyết định liên quan đến Cam Ranh là vấn đề chiến lược, sau đó mới đến khía cạnh kinh tế : « Quyết định của Việt Nam trước tiên mang tính chất địa lý chiến lược, sau đó mới là lợi ích thương mại. Việt Nam đã đề nghị sửa chữa tàu ngầm nhưng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi Việt Nam ký một hợp đồng vũ khí với Nga để mua sáu tàu ngầm loại Kilo, hầu hết các bình luận phương tiện truyền thông đều không chú ý tới điều khoản là sẽ cho Nga thiết lập một cơ sở để tiếp nhận, bảo trì và sửa chữa các tàu ngầm. Vì vậy, Việt Nam phải mất một thời gian mới có được những kỹ năng để sửa chữa tàu ngầm.
Đối với tàu trên mặt nước thì lại là một vấn đề khác. Các mối quan hệ mới sẽ hà hơi tiếp sức cho tập đoàn đóng tàu Vinashin đang gặp khó khăn. Việt Nam đã thực hiện một số sửa chữa nhỏ cho hạm đội tàu phụ trợ của Mỹ (loại mang ký hiệu USNS) tại thành phố Hồ Chí Minh và vịnh Vân Phong. Bây giờ thì cánh cửa đã rộng mở cho các hợp đồng sửa chữa một cách thường xuyên. Có rất nhiều khả năng là Hải quân Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này.
Nhiều cơ sở ở vịnh Cam Ranh đã bị hư hại sau khi Nga rút đi. Bằng cách tính chi phí cho các dịch vụ mà mình cung cấp, Việt Nam có thể thu lại vốn đầu tư bỏ ra để nâng cấp căn cứ này. Vịnh Cam Ranh là một trong cảng được che chở thuộc loại tốt nhất ở Đông Nam Á. Nếu được phát triển một cách nghiêm túc, Cam Ranh có thể trở thành một trong những cảng dịch vụ tốt nhất trong khu vực trong những năm sắp tới đây ».
Sẽ khó có căn cứ quân sự nước ngoài tại Việt Nam
Về khả năng thường được nhiều nhà quan sát nêu lên là Hoa Kỳ có thể đề nghị tái lập căn cứ của họ ở Cam Ranh, giáo sư Thayer cho rằng điều đó khó có thể xẩy ra :
« Mỹ sẽ không thiết lập một căn cứ tại Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không cho phép điều đó. Thứ hai, căn cứ cố định thường rất tốn kém để duy trì, và Hoa Kỳ không tìm cách tiêu tiền trong lĩnh vực này. Thứ ba, căn cứ cố định là mục tiêu dễ dàng bị tên lửa đạn đạo và máy bay tấn công ».
Dẫu sao thì sự hiện diện của hải quân các nước trong vùng Biển Đông, được sự tiếp trợ hậu cần từ cảng Cam Ranh của Việt Nam có thể có tác dụng phần nào trong việc ngăn chặn một hành vi lấn chiếm thô bạo của Hải quân Trung Quốc như họ đã từng làm đối với Việt Nam vào năm 1988, hay với Philippines vào năm 1995.
Điều này cần thiết vào lúc Trung Quốc đang rốt ráo tăng cường hạm đội của họ phụ trách Biển Đông và đặt bản doanh tại căn cứ ngay trên đảo Hải Nam. Giáo sư Thayer đã phân tích vấn đề này trong tham luận mà ông vừa trình bày tại hội nghị khoa học quốc tế lần thứ hai về Biển Đông vào tuần trước tại Sài Gòn.
« Hạm đội Nam Hải đang được hiện đại hóa với việc lần đầu tiên một tàu ngầm nguyên tử thuộc hạng Jin và tàu đổ bộ được triển khai tại căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam. Nơi này hiện đã là căn cứ của các chiến hạm trên mặt nước và tàu ngầm thông thường. Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân đến Ngọc Lâm.
Các cuộc tập trận hải quân rầm rộ của Trung Quốc trong thời gian qua, theo một chuyên gia phân tích hải quân đã cho thấy : « Hải quân Trung Quốc đã có được năng lực cao về phương diện tác chiến linh hoạt, có thể triển khai lực lượng một cách đồng thời dưới mặt nước, trên mặt nước và trên không. Họ cũng đồng thời có được thái độ tự tin để triến khai lực lượng ra xa hơn trước đây, để hậu thuẫn mạnh mẽ cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.»
Các ý nghĩa rất rõ ràng : Trung Quốc đang phát triển năng lực để có thể duy trì được trong một thời gian lâu dài các chiến dịch triển khai hải quân rầm rộ xuống vùng quần đảo Trường Sa và sâu xuống phía nam. »
 

tuanmilk

New Member
Ðề: trạng: Vui vẻ SẼ NỔ RA MỘT “XÍCH BÍCH ĐẠI CHIẾN” TRÊN BIỂN ĐÔNG TRONG THẾ KỶ XXI ?

bài này hay quá các bác ợ.
bọn tàu khựa thâm thật
 
Bên trên