Trung Quốc ra sức siết chặt, các thợ mỏ bitcoin có trăm phương nghìn kế đào chui

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát hoạt động đào tiền ảo vào đầu năm, những thợ đào tiền ảo như Ben - sử dụng tên giả để đảm bảo an toàn - đang phải tìm nhiều cách thức để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Bên trong một mỏ tiền ảo ở Trung Quốc
Hiện Ben đang phân bổ các thiết bị đào tiền ảo của mình ở nhiều khu vực khác nhau nhằm đảm bảo không cơ sở nào tiêu thụ điện ở mức quá cao và gây nghi ngờ. Ngoài ra, Ben cũng tìm cách kéo điện từ những nguồn cung cấp điện năng nhỏ và không kết nối với mạng lưới điện lớn, bao gồm các đập nước, hay như che giấu hoạt động trên môi trường mạng.

Ben nói với CNBC rằng đã quen với việc che giấu hoạt động, nhưng khoảng 6 tháng qua, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn nhiều.


Những "thợ đào" bitcoin tại Nội Mông, Trung Quốc vào 11/8/2017. Ảnh: Bloomberg.

"Chúng tôi không bao giờ biết chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát tiền ảo đến mức nào", Ben nói.

Và Ben không phải là thiểu số.

Mặc dù Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra các lệnh cấm đào tiền bảo từ tháng 5 và sau đó là các tuyên bố tương tự vào tháng 9 và 11, nhiều nguồn tin nói với CNBC rằng Trung Quốc tiếp tục chiếm tới 20% số lượng người đào tiền ảo trên toàn thế giới.

Dù mức này là thấp hơn khá nhiều so với thời điểm đỉnh khoảng 65-75%, con số này vẫn cao hơn nhiều so với ước tính chính thức.

Dữ liệu từ công ty an ninh mạng Trung Quốc Qihoo 360 cho biết các hoạt động đào tiền ảo ngầm vẫn tiếp tục hoạt động "tốt" ở nước này. Trong báo cáo vào tháng 11, nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng trung bình 109.000 địa chỉ IP đào tiền ảo đang hoạt động ở Trung Quốc hàng ngày. Hầu hết các địa chỉ này, theo báo cáo, đến từ các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, và Sơn Đông.


Tuy nhiên, lần siết chặt này dường như khác biệt hơn với những lý do chính sau.

Đầu tiên, Trung Quốc đang trong tình trạng thiếu năng lượng, vốn là nguồn tài nguyên quan trọng để đào bitcoin. Nước này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỉ, dẫn đến việc cắt giảm tiêu thụ điện.

Bắc Kinh cũng nêu rõ quan điểm về việc đào tiền ảo sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu của nước này về biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm mục tiêu các-bon trung hoà vào 2060. Tháng 11, người phát ngôn chính phủ Trung Quốc Meng Wei đã chỉ trích hoạt động đào bitcoin, khi coi điều này gây tác động rất nghiêm trọng tới môi trường, và đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, sự cạnh tranh tới đây từ đồng Nhân dân tệ số cũng là yếu tố quan trọng. Trung Quốc hiện đang thử nghiệm đồng tiền số của nước này, qua đó có thể cho phép giới chức việc giám sát dòng tiền một cách hiệu quả hơn.

Tại các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Hà Bắc và Nội Mông, chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp, bao gồm việc yêu cầu giới chức địa phương giám sát các IP tiến hành hoạt động đào tiền ảo ngầm, kiểm soát và bắt giữ các đối tượng có liên quan.

Mánh của các "thợ đào" bitcoin
Khi Trung Quốc bắt đầu đàn áp hoạt động đào tiền ảo vào tháng 5, hầu hết hoạt động này đã ngay lập tức chấm dứt, khi các thợ đào tiền ảo chờ mọi thứ bình ổn trở lại.

Trong số này, những "tay chơi" có quy mô lớn nhất với nguồn lực lớn và quan hệ ở nước ngoài đã kịp thời chuyển hoạt động sang nhiều nước như Kazakhstan, Mỹ, hay những nước có chi phí điện năng thấp.

Số khác thì để lại thiết bị ở các nhà kho ở châu Á và di chuyển sang khu vực khác, và thay vào đó đặt mua các thiết bị mới.

Những thợ đào tiền ảo quy mô nhỏ thì bị mắc kẹt ở trong nước do nhiều yếu tố, từ đại dịch Covid-19, khó khăn trong chuỗi cung ứng hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, việc bán các thiết bị đào tiền ảo cũng không hiệu quả khi số lượng lớn thiết bị đã qua sử dụng đổ ra thị trường khiến giá giảm mạnh.

Ngoài ra, những thợ đào tiền ảo quy mô tầm trung gần như "100% bị ảnh hưởng nặng" trong đợt đàn áp năm nay của chính quyền, một chuyên gia nói. Họ đã không thể bán thiết bị để thu hồi phần tài sản, hay tiếp tục hoạt động trở lại như cũ, do việc tiêu thụ điện công suất lớn sẽ khiến dễ bị lộ.

Nhưng các thợ đào tiền ảo quy mô nhỏ như Ben thì dễ thở hơn, việc chia nhỏ hoạt động khiến nhà chức trách khó lần ra. "Đào tiền ảo không còn là hoạt động quy mô lớn", một thợ đào bitcoin nói.

Ben đã tham gia đào tiền ảo từ 2015 và hiện có 1.000 máy đào tiền ảo sử dụng các nguồn điện năng từ mạng lưới điện và 5.000 máy khác từ thuỷ điện. Đối với hàng trăm máy sử dụng mạng lưới điện, Ben cho biết đã phân bổ ra khắp cả nước để tránh sự nhòm ngó của nhà chức trách.

"Chúng ở khắp nơi và rất khó để tìm ra", Ben nói về một số máy đào được kết nối vào đường điện công nghiệp để hoạt động bất cứ khi nào được thông báo có nguồn năng lượng dôi dư để sử dụng.

Ngoài ra, điện năng từ các nhà máy thuỷ điện không kết nối vào mạng lưới điện còn có chi phí rẻ hơn, nhất là vào mùa mưa, lượng mưa lớn khiến nguồn điện năng từ thuỷ điện trở nên dồi dào hơn.

Lệnh cấm tiền ảo của Bắc Kinh khiến nhiều thợ đào tiền ảo chuyển tới Tứ Xuyên và Côn Minh, nơi có hàng nghìn nhà máy thuỷ điện. So với các nhà máy điện than ở khu vực phía bắc Tân Cương và Nội Mông, vốn từng là trung tâm của mạng lưới đào tiền ảo, nguồn điện từ các đập thuỷ điện khó kiểm soát và xác định hơn.

"Có nhiều thợ đào tiền ảo đã kết nối mạng lưới điện từ hàng nghìn con đập ở trong Tứ Xuyên", Kevin Zhang thuộc công ty tiền số Foundry, người đã giúp chuyển số lượng thiết bị đào tiền ảo trị giá 400 triệu đô từ Trung Quốc tới Bắc Mỹ, nói.

Nhưng một vấn đề lớn với giới đào tiền ảo ngầm Trung Quốc là khi mùa mưa qua đi, nguồn điện năng cung cấp sẽ giảm mạnh. Trong những năm trước đó, họ sẽ thường chuyển tới khu vực Tân Cương hay Nội Mông để sử dụng điện từ các nhà máy điện than, nhưng các khu vực này giờ đã đóng cửa với các thợ đào tiền ảo.

"Dự báo thị phần tiền ảo của Trung Quốc sẽ giảm chỉ còn 5% khi năng lượng từ các con đập khô cạn. Nhiều thợ tiền ảo sẽ phải rút lui và chuyển thiết bị ra nước ngoài", Zhang nói.

Với Ben, anh đang cân nhắc lựa chọn của mình. Nhưng cho đến khi Ben có thể đạt được thoả thuận với đối tác ở Mỹ, Ben sẽ vẫn tiếp tục cách thức hiện tại. "Máy đào tiền ảo là những cỗ máy in tiền", Zhang nói, khi các cỗ máy này sẽ ngay lập tức biến thành những đồng USD sau khi bán tiền ảo. Ở những quốc gia kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, đây được coi như một phương án bảo hiểm khả dĩ.

"Đây là lý do vì sao nhiều thợ đào tiền ảo vẫn chưa bán thiết bị của mình, bởi với họ đây là cách tiếp cận nguồn vốn nước ngoài… một khi các thiết bị này hoạt động trở lại," Zhang nói.

Theo Genk​
 
Bên trên