Từ Khoa Học Vật Lý Đến Triết Hôc Và Tôn Giáo

v_anh

Well-Known Member
Khoa học, đặt biệt là vật lý, thường không phải là điều mà đa số mọi người quan tâm, như Sherlock Holmes đã nói với bác sỹ Watson khi ông biết về hệ mặt trời: “Việc đó thì can hệ gì đến tôi? Anh nói chúng ta quay quanh mặt trời. Nếu chúng ta quay quanh mặt trăng đi nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng tý nào đến tôi và công việc của tôi cả.” Ở một mức độ nào đó thì ông đã đúng. Ví dụ như một bác sỹ không cần phải hiểu các thiên hà hình thành như thế nào để chữa bệnh cho mọi người, một người bán hàng có thể bán các thứ mà không cần biết có gì bên trong một nguyên tử, và một kế toán chả quan tâm đếch gì đến nhiệt động lực học. Nhưng một lúc nào đấy, dù chỉ là thoáng qua một lần trong cuộc đời, bạn có thể nghĩ rằng: “Tại sao mình ở đây? Tại sao mình làm những việc như thế này? Mình làm thế để làm gì? Điều gì xảy ra với những thứ mình đã đạt được sau khi mình chết đi và liệu mình có biết được chuyện đó?”

Vật lý có thể không có những câu trả lời chính xác, nhưng biết đâu sẽ làm bạn xem xét lại những việc bạn đang làm và mục đích của nó.

Đến giờ tôi đoán rằng nhiều người biết về vật lý như một điều gì đó chính xác, rõ ràng và xác định như là 1+1=2, không phải bằng 0 cũng không phải bằng 3, chính xác là 2. Trước khi Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, tìm ra thuyết tương đối, người ta đã nghĩ rằng thời gian tồn tại độc lập và tuyệt đối tại bất kỳ vị trí nào trong không gian, dù là ở những ngôi sao cách xa hàng triệu năm ánh sáng hay ngay trước mặt ai đó trên trái đất, thời gian đều như nhau, nó như một dòng sông đều đặn chảy cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Và tôi nghĩ vài người trong số các bạn có thể vẫn tin vào điều này. Nhưng giờ đây, thuyết tương đối của Einstein bao hàm rất nhiều hệ quả, một trong số đó là sự giãn nở của thời gian, và cụm từ “thời gian cao su” không còn chỉ là ẩn dụ nữa. Nếu tôi và bạn sinh ra cùng một lúc, và sau khi sinh tôi luôn luôn chuyển động rất nhanh so với bạn, thì khi chúng ta gặp nhau, có thể tôi chỉ là một thanh niên trai tráng còn bạn là một cụ khọm vô dụng, phụ thuộc vào việc tôi chuyển động nhanh hơn bạn đến mức độ nào. Sự giãn nở của thời gian phụ thuộc vào tốc độ tương đối và trọng lực. Nếu bạn không di chuyển với tốc độ cỡ tốc độ ánh sáng (khoảng 300.000 km/s) hoặc bạn không mua nhà gần một lỗ đen, nơi có lực hấp dẫn cực mạnh, thì sự khác biệt là không đáng kể (giờ liệu bạn đã có thể hiểu tại sao những người thức dậy sớm vào buổi sáng để tập chạy lại nhìn trẻ hơn những người ngủ lười?). Điều này có thể là việc đầu tiên làm chúng ta thay đổi suy nghĩ về một thứ tưởng như rõ ràng là cố định, độc lập như thời gian có thể bị phụ thuộc và thay đổi vì những yếu tố khác. Nếu bạn vẫn còn phân vân? Sẽ thế nào nếu tôi nói rằng không chỉ đồng hồ của tôi chạy chậm hơn mà cả chiều dài của tôi cũng bị ngắn đi trong thí nghiệm tưởng tượng ở trên?

Có thể trong số các bạn có những người tin rằng một ngày nào đó những thứ từ trong những cuốn sách khoa học viễn tưởng sẽ trở thành sự thật, nhưng tôi đoán là không ai trong số các bạn tin vào truyện Alice ở xứ sở thần tiên (đừng nói rằng bạn là đứa trẻ 3 tuổi đang đọc bài viết này). Có một nhánh của vật lý được phát triển cùng khoảng thời gian Einstein xuất bản thuyết tương đối được gọi là cơ học lượng tử. Và nếu bằng cách nào đó bạn có được chiếc đèn pin thu nhỏ của Đô Rê Mon và thu nhỏ mình lại đến kích thước nguyên tử, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ có cảm giác giống như “lần đầu” của Alice ở xứ sở thần tiên. Trong khi xứ sở thần tiên chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của Lewis Carroll, thì thế giới lượng tử lại là một thế giới có thật, chỉ là nó quá nhỏ để chúng ta có thể nhìn thấy. Cơ học lượng tử giải quyết những hiện tượng vật lý tại kích thước rất nhỏ và mô tả những phân tử, nguyên tử và những hạt cơ bản mà thế giới cúa chúng ta đang sống được tạo nên từ chúng. Nếu bạn nghe thấy lạ tai thì bạn nên biết thêm rằng nếu không có cơ học lượng tử thì bạn sẽ không có điện thoại, không có Laptop, không có TV…, cũng sẽ không có Facebook và bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Nói đại khái thì cơ học lượng tử đã tạo ra cuộc sống hiện đại của chúng ta với những công nghệ tiên tiến như hiện nay.

Một trong những điều kỳ lạ của cơ học lượng tử có thể hại não bạn đó là về trạng thái của các hạt. Một hạt, khi bạn không nhìn vào nó, thì nó như một bóng ma vô hình, nó không có một vị trí xác định mà thay vào đó nó lại không ở đâu và ở mọi nơi trong cùng một lúc. Chỉ khi bằng một cách nào đó bạn quan sát nó thì đột nhiên nó mới hiện nguyên hình và chọn một vị trí xác định. Bạn có thể cãi lại rằng dù bạn có nhìn nó hay không thì hạt đó cũng phải có vị trí xác định ở đâu đó dù bạn không biết chính xác ở đâu. Cơ học lượng tử sẽ nói rằng bạn sai và điều này đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm (tất nhiên là thế vì bạn đang dùng ứng dụng của cơ học lượng tử để đọc bài viết này). Điều này dẫn đến một kết luận rằng hạt bị vật chất hóa khi và chỉ khi bạn cố gắng quan sát nó. Hạt tồn tại và có một hình dạng vật lý bởi vì sự quan sát của bạn, thứ mà được điều khiển bởi ý thức của bạn. Nói một cách khác, không có ý thức của bạn thì hạt không phải là cái gì đó cụ thể hữu hình. Khi mà toàn bộ vũ trụ được cấu tạo bởi các hạt, bạn có thể tự hỏi rằng nếu bạn không nhìn lên bầu trời thì thật sự nó có ở đó không? Có vẻ như vật chất không còn là nền tảng cơ bản của tự nhiên nữa, và những người theo chủ nghĩa duy vật không thích điều này. Chủ nghĩa duy vật rất giống với chủ nghĩa duy vật lý, và giờ đây chính khoa học vật lý đã chứng minh điều đối lập. Điều kỳ lạ thứ hai là trường đại học tôi học dậy tôi cơ học lượng tử nhưng cũng đồng thời bắt tôi phải tin vào Chủ nghĩa duy vật của Marx để có thể vượt qua kỳ thi.

Tôi không nói rằng chủ nghĩa duy tâm thắng thế (và tôi cũng không nghĩ vậy), nhưng chúng ta có thể đồng ý với những bằng chứng khoa học rằng vật chất giờ đây trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Và nếu như vật chất không thể tách ra đứng độc lập với người quan sát, thì liệu nó thật sự có giá trị gì không hay chỉ là những mộng tưởng hão huyền? Chúng ta lao động vất vả cho những thứ như xe hơi, nhà cửa, tiền bạc…và đột nhiên chúng ta nhận ra rằng những thứ đó tồn tại được bởi vì chúng ta, trong khi chúng ta lại khốn khổ khốn nạn vì chúng, giống như tự đuổi theo cái bóng của chính mình vậy. Và nếu tất cả chúng ta đều chết hết, tất cả những sinh vật sống đều chết thì liệu vũ trụ có còn tồn tại? Nếu tất cả chúng ta đều chết mà vũ trụ vẫn tồn tại, thì phải chăng là cái chết của một ai đó không dẫn đến sự kết thúc của dòng ý thức. Nếu cái chết không phải là sự kết thúc, liệu chúng ta có nên chuẩn bị cho kiếp sau?

Khoa học, thường được biết đến như một sự đối lập với tôn giáo, nay dường như lại hỗ trợ một điều gì đó lớn lao hơn cả thế giới trần tục mà chúng ta đang sống.

Nguồn Facebook
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên