Vì sao thương vụ Microsoft - Activision Blizzard khiến nhà đầu tư Sony khiếp sợ tới mức bán tháo?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mục đích của Microsoft khi thâu tóm các studio game đứng đằng sau Diablo và Call of Duty là để thay đổi cách game thủ tiêu tiền. Khi thay đổi ấy diễn ra, Sony chẳng khác nào kẻ mang dao đi đấu súng.

Sự hoảng sợ của nhà đầu tư Sony

Khi Microsoft công bố thâu tóm Activision Blizzard, cổ phiếu Sony đã chứng kiến mức giảm kỷ lục lên tới 12,8%. Đây là mức giảm cao nhất của gã khổng lồ Nhật Bản trong gần 15 năm qua, sánh ngang với tác hại của suy thoái kinh tế 2008. Có thể nói rằng, các nhà đầu tư của Sony đang trải qua những ngày tháng ác mộng - họ run sợ rằng tương lai của Sony sẽ sớm trở nên u ám khi Diablo, Wow và Call of Duty về tay Microsoft.

Với các game thủ, sự hoảng sợ này có phần vô lý. Trong cuộc chiến console mới nhất, Sony vẫn là kẻ chiến thắng tuyệt đối khi PlayStation 5 chỉ mất vỏn vẹn 8 tháng để chạm mốc 10 triệu máy - nhanh hơn bất kỳ một thế hệ PS nào trước đó. Đến cuối tháng 10/2021, danh số PS5 đã đạt đến 13,4 triệu máy, cao hơn đáng kể so với mốc 8 triệu máy của Xbox Series X/S.


PS5 hiện tại vẫn đang chiếm thế thượng phong trước Xbox.

Tiếp đến, dù phải đối mặt với tương lai không có Call of Duty hay Diablo nhưng Sony hiện vẫn đang là ông chủ của một loạt các series danh tiếng như God of War, Spider-Man, Uncharted… Các tựa game này có thể được coi là lý do chính giúp cho PS4 đè bẹp Xbox One trong cuộc chiến console thế hệ trước - với God of War: Ragnarok hay Elden Ring sắp ra mắt trong năm nay, chắc chắn Sony vẫn sẽ còn được coi là “vua exclusive” trong tương lai.

Vậy, tại sao thương vụ thâu tóm của Microsoft lại có thể khiến người ta lo lắng về Sony? Câu trả lời nằm ở tương lai.

Một mô hình chơi game mới

Thực tế, Activision Blizzard không phải là thương vụ thâu tóm lớn đầu tiên của Microsoft. Sau khi thua cuộc ê chề trong chiến tranh console thế hệ trước, bắt đầu từ 2018 Microsoft đã bỗng dưng vung tiền mua một loạt các studio có tiếng như Obsidian, Ninja Theory và Double Fine. Đến tháng 9 năm ngoái, tham vọng của ông chủ Windows được bộc lộ rõ ràng với thương vụ thâu tóm Bethesda. Tính đến trước khi thâu tóm Activision Blizzard, Microsoft đã thu về hàng trăm tựa game đình đám bằng cách mua lại các studio khác: Skyrim, Fallout 3/New Vegas/4, Doom Eternal, Pillars of Eternity, Hellblade, Psychonauts 2…


Tất cả các tựa game của Activision Blizzard sẽ được bổ sung vào gói "thuê bao" game giá 10 USD/tháng của Microsoft.
Cùng với các series đình đám lâu năm của Xbox như Halo hay Forza, hàng trăm tựa game này được Microsoft đưa vào chương trình “thuê bao game” có tên Game Pass. Các game thủ bỏ ra 10 USD mỗi tháng sẽ được tải và chơi bất kỳ tựa game nào có trong kho game. Nếu bỏ ra thêm 5 USD nữa để mua gói Ultimate, game thủ nắm trong tay khả năng chơi game trực tiếp qua mạng, không cần có console hay PC mạnh mẽ nữa. Như vậy, với Microsoft, game thủ chẳng phải bỏ tiền ra mua game hay mua phần cứng, mà chỉ cần trả tiền mỗi tháng để chơi game mà thôi.

Thương vụ mua Activision Blizzard không nằm ngoài mô hình chơi game này: “Khi hoàn tất, chúng tôi sẽ đem tối đa số game có thể lên Xbox Game Pass và PC Game Pass, bao gồm cả các game mới lẫn các game đã có từ catalog tuyệt vời của Activision Blizzard”. Cộng đồng 25 triệu người dùng Game Pass chắc chắn đang rất phấn khích: chỉ vài tháng nữa thôi, vẫn với khoản tiền 10 USD/tháng, họ sẽ được tiếp cận những dòng game thành công bậc nhất như Diablo hay Call of Duty.

Game thủ thấy hời, nhà phát hành thấy lời

Tính cho tới hiện tại, Game Pass đã thu hút được 25 triệu người dùng. Với 25 triệu người dùng này, những câu hỏi tất yếu được đặt ra: liệu tôi có nên bỏ ra 60 USD để mua game mới khi đã nắm trong tay một kho game khổng lồ với giá chỉ 10 USD/tháng? Liệu tôi có nên bỏ ra khoản tiền tương đương với 6 tháng “thuê bao” hàng trăm tựa game chỉ để mua mới 1 game duy nhất? Nói như vậy không có nghĩa rằng sẽ không còn ai bỏ tiền ra mua game mới, nhưng sự thật là Game Pass đã khiến hàng triệu người phải thay đổi cách tiêu tiền cho game.


"Thuê bao" game là mô hình đem lại nguồn thu ổn định, hấp dẫn cho các nhà phát hành game.
Không riêng gì Microsoft, EA cũng có EA Play, Ubisoft có Ubisoft+. Thậm chí đến, Apple cũng “mon men” tham gia với Apple Arcade (game di động) trị giá 5 USD/tháng. Mô hình “thuê bao” theo cách này cũng đã trở thành tiêu chuẩn trong làng hi-tech nói chung: Office 365 thay thế cho Office bán theo từng phiên bản, Adobe Creative Cloud thay thế cho Photoshop bán bản quyền, Netflix và Spotify “đánh chết” ngành công nghiệp bán đĩa truyền thống.

Tại sao làng hi-tech lại chuyển từ mô hình bán bản quyền sang mô hình “thuê bao” này? Lý do là bởi vì chính họ cũng thu lợi lớn. Ví dụ điển hình là gói Game Pass “thường” tương đương 120 USD/năm, còn Ultimate tương đương 180 USD/năm. Tính trung bình, một game thủ Mỹ bỏ ra khoảng 179 USD/năm để chi tiêu cho game (mua game, mua vật phẩm, mua gói MMO). Như vậy, tính trên đầu người, Game Pass Ultimate đã cho phép Microsoft “nuốt trọn” doanh thu tối đa rồi!

Chưa dừng ở đây, thâu tóm Activision cũng cho phép Microsoft sở hữu những tựa game thuộc hàng đình đám nhất trong làng game online. Khi khoản tiền bỏ ra để mua game được cắt giảm, game thủ sẽ có xu hướng mua vật phẩm nhiều hơn, cho phép World of Warcraft, Diablo, Call of Duty và Candy Crush trở thành những mỏ vàng đầy tiềm năng trong tương lai.

Sony: Mang dao đi đấu súng


Vũ khí chính của Sony lúc này vẫn là mô hình bán game truyền thống.
Sony không phải là không có câu trả lời dành cho Game Pass, nhưng vấn đề là câu trả lời này quá… tệ. Hiện tại, dịch vụ thuê bao game PlayStation Now chủ yếu vẫn bao gồm các tựa game cũ kỹ, thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn như Uncharted 4, Final Fantasy VII Remake hay Spider-Man 2018.

Thậm chí, nhiều tựa game “đỉnh” còn bị gỡ khỏi PS Now sau một thời gian nhất định. Không khó để nhận ra rằng Sony vẫn đang coi “bán game” là mục tiêu hàng đầu. Khi PS5 ra mắt, công ty Nhật Bản còn thẳng thừng nâng giá game mới lên 70 USD. Mức giá này không chỉ áp dụng cho game của chính Sony sản xuất mà còn cả game của bên thứ ba - mỗi tựa game PlayStation bán ra đều sẽ phải chia sẻ doanh thu về công ty Nhật Bản.

Toàn bộ mô hình kinh doanh này đang bị Microsoft đe dọa nặng nề. Đầu tiên, như đã bàn, Game Pass sẽ khiến game thủ bỏ ít tiền ra mua mới game hơn. Tiếp đến, nếu Call of Duty hay Overwatch trở thành độc quyền cho Game Pass (tức là chỉ có trên PC và Xbox), Sony cũng mất trắng khoản chia sẻ doanh thu từ Activision. Xét tới việc Call of Duty mới là tựa game bán chạy nhất trên PlayStation, Microsoft hoàn toàn có thể tung ra nhiều đòn đau cho Sony khi nắm trong tay tựa game này.


Cuộc chiến giữa Microsoft và Sony lúc này không còn là cuộc chiến PC nữa rồi!
Nhiều năm sau thất bại của Xbox One trước PS4, Activision Blizzard đã thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu giữa Microsoft và Sony. Cuộc chiến thế giới game giờ không phải là giữa hai thiết bị phần cứng khác nhau, mà là chiến tranh giữa hai mô hình, hai tư duy hoàn toàn khác biệt. Đúng vậy, PS5 vẫn đang bán chạy hơn, nhưng mấy ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của một gói game giá 10 USD/tháng với hàng trăm tựa game hấp dẫn? Có vẻ, các nhà đầu tư cũng chưa thể dự đoán được Sony sẽ làm như thế nào để chống chọi được Game Pass - ngay lúc này đây, sự hoài nghi ấy đã thổi bay hàng chục tỷ USD giá trị của ông lớn Nhật Bản!

Theo Genk​
 
Bên trên