‘Vũ khí’ bí mật của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Tại Trung Quốc ngày nay, các 'đại gia' như Alibaba, Tencent đang bị ‘thất sủng’, trong khi những doanh nghiệp nhỏ hay ‘tiểu gia’ lại lên ngôi.

“Gã khổng lồ bé nhỏ” hay "tiểu gia" ám chỉ thế hệ startup mới được lựa chọn theo chương trình của chính phủ, mục đích tăng cường sức mạnh cho ngành công nghệ để cạnh tranh được với Silicon Valley. Họ phải chứng minh đang làm những thứ sáng tạo, độc đáo và hướng đến các lĩnh vực chiến lược như robot, điện toán lượng tử, bán dẫn.

Startup xe tự lái Uisee của Wu Gansha là một công ty như vậy. Uisee nhận được nhiều ưu đãi tài chính và tín dụng. Năm 2021, startup huy động hơn 1 tỷ NDT (157 triệu USD), bao gồm vốn từ một quỹ của nhà nước. Họ cũng trở thành kỳ lân công nghệ.


Robot của ForwardX trong một nhà máy tại Trung Quốc. (Ảnh: ForwardX Robotics)

Chương trình đã tồn tại hơn một thập kỷ song gần đây mới nhận được sự chú ý sau khi Bắc Kinh “càn quét” hàng loạt các hãng công nghệ lớn như Alibaba, Tencent. Danh hiệu little giant là thước đo giá trị, là dấu hiệu để các nhà đầu tư và nhân viên nhận biết được công ty của họ được bảo vệ trước các biện pháp trừng phạt. Bản thân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất coi trọng chương trình.

Theo Lee Kai Fu, Giám đốc quản lý hãng đầu tư mạo hiểm Sinovation, chương trình mang đến nhiều lợi ích cho startup, là một vinh dự, một sự ban tặng. Chương trình đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tham vọng của Trung Quốc nhằm tái định vị ngành công nghệ trong nước. Trong hai thập kỷ, Trung Quốc phần lớn đi theo mô hình Silicon Valley, cho phép doanh nhân theo đuổi mục tiêu mà không bị giám sát chặt chẽ. Điều này dẫn tới những thành công khổng lồ, chẳng hạn Alibaba tiên phong trên thị trường thương mại điện tử, Tencent và ByteDance trong lĩnh vực mạng xã hội.

Tuy nhiên, một loạt hành động trong năm qua cho thấy lập trường của Bắc Kinh trong việc ngành công nghệ phải chấn chỉnh lại để phù hợp với những ưu tiên của chính phủ. Alibaba và Tencent nhanh chóng phải loại bỏ các hành vi phản cạnh tranh, trong khi các công ty game phải hạn chế thời gian chơi của người dùng vị thành niên. Xét rộng ra, chính phủ báo hiệu các dịch vụ Internet "mềm" đã bị “thất sủng”.

Thay vào đó, Bắc Kinh muốn chuyển nguồn lực sang các công nghệ có tính chiến lược như chip, phần mềm doanh nghiệp. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) trao danh hiệu "tiểu gia" cho 4.762 công ty từ năm 2019, chủ yếu trong bán dẫn, máy móc, dược phẩm. Nó đi kèm với các ưu đãi hào phóng từ chính quyền trung ương đến địa phương, như giảm thuế, cho vay, thu hút nhân tài.

Yipin Ng, đối tác sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Yunqi Partners đang đầu tư vào các "tiểu gia", nhận xét Trung Quốc đang muốn thúc đẩy công nghệ lõi, những thứ giúp Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn. Chính phủ các nước từ Mỹ tới châu Phi đều đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), song nỗ lực của Trung Quốc vượt xa cả về quy mô, nguồn lực lẫn tham vọng. Ông Tập Cận Bình khởi xướng một số chương trình trị giá hàng nghìn tỷ USD để theo đuổi độc lập công nghệ, ổn định xã hội và tầm vóc kinh tế.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ cản trở mong muốn tự cường công nghệ của Trung Quốc. Lỗ hổng của nước này bộc lộ khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vào “sổ đen” hàng loạt tên tuổi như Huawei, SMIC, cấm họ mua linh kiện xuất xứ Mỹ như phần mềm, chipset.

Khái niệm “người khổng lồ nhỏ bé” xuất hiện từ năm 2005, khi chính quyền Hồ Nam đề xướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. MIIT xem chiến dịch như hình mẫu để phát triển khu vực tư nhân. Sau đó, các tỉnh khác cũng bắt đầu sáng kiến của riêng mình.

Đến năm 2018, cùng với thương chiến Mỹ - Trung, nhà nước mới đẩy mạnh chương trình. MIIT thông báo kế hoạch tạo ra khoảng 600 little giant để phát triển công nghệ lõi. Chính phủ muốn tăng cường cạnh tranh và xác định những cái tên hứa hẹn nhất. Để tham gia, ứng viên đăng ký một phiếu dài 6 trang giấy, nêu chi tiết tình trạng tài chính, số bằng sáng chế đang nắm giữ và các bài nghiên cứu. Trong vòng đầu tiên, mỗi tỉnh đề cử không quá 12 công ty. 3 trung tâm công nghệ hàng đầu cả nước – Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải – tổng cộng chỉ có 17 ứng viên.

Guan Yaxin, Giám đốc điều hành ForwardX Robotics, cho biết quy trình tương đối dễ thở với công ty của mình vì họ có 121 bằng sáng chế trên toàn cầu, bao gồm 25 tại Mỹ. Sự công nhận từ chính phủ vô cùng hữu ích khi họ mở rộng việc kinh doanh vì khách hàng sẽ hiểu họ không phải một startup bình thường.

Từ đây, MIIT mở rộng chương trình ra hàng ngàn doanh nghiệp, các thành viên được nhận nguồn vốn trực tiếp từ chính quyền trung ương. Tháng 1/2021, Bộ Tài chính nước này để ra ít nhất 10 tỷ NDT để tài trợ cho SME cho đến năm 2025, chủ yếu hỗ trợ các nghiên cứu của startup. Mục tiêu của MIIT là tạo ra 10.000 "tiểu gia" vào năm 2025.

Theo Barry Naughton, Giáo sư kiêm nhà kinh tế học Trung Quốc tại Đại học California, rõ ràng các công ty được lựa chọn phụ thuộc lớn vào chính sách và nhu cầu công nghiệp đặc biệt của Trung Quốc. Họ được chọn không chỉ vì là doanh nghiệp tốt mà còn phù hợp với nhu cầu bức thiết của chính phủ.

Tất nhiên, cũng có những rủi ro lớn đi cùng. Thành công của ngành công nghệ Trung Quốc hơn 10 năm qua xuất phát từ các doanh nhân như Jack Ma của Alibaba, Zhang Yiming của ByteDance được tự do xây dựng doanh nghiệp của mình. Lật ngược mô hình để tập trung vào các ưu tiên của chính phủ có nguy cơ dẫn đến lãng phí và thất bại, ông Naughton đánh giá.

Guan Yaxin của ForwardX Robotics chỉ ra, các nhà sáng lập vẫn nắm quyền kiểm soát công ty ngay cả khi họ tham gia các chương trình của chính phủ. Công ty của cô có khoảng 300 nhân viên, dự định mở rộng tại Nhật và Mỹ. Dù những doanh nghiệp như ForwardX Robotics còn rất nhỏ so với các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng trở thành “gã khổng lồ” thực sự của họ.

Theo ICT News​
 
Bên trên